Suy niệm Chúa Nhật 3 mùa vọng năm A

Thứ bảy - 10/12/2022 02:58
Chúa nhật III mùa vọng năm A
“Thầy có phải là Ðấng phải đến chăng, hay chúng tôi còn phải đợi một Ðấng nào khác?”


 
08122019 160420


Phúc Âm: Mt 11, 2-11
“Thầy có phải là Ðấng phải đến chăng, hay chúng tôi còn phải đợi một Ðấng nào khác?”

Khi ấy, Gioan ở trong ngục nghe nói về các việc làm của Chúa Kitô. Ông sai môn đệ đến thưa Ngài rằng: “Thầy có phải là Ðấng phải đến chăng, hay chúng tôi còn phải đợi Ðấng nào khác?” Chúa Giêsu bảo họ: “Hãy về thuật lại cho Gioan những gì các ông nghe và thấy: người mù được thấy, người què đi được, người phong hủi được khỏi, người điếc được nghe, người chết sống lại, và tin mừng được loan báo cho kẻ nghèo khó; và phúc cho ai không vấp ngã vì Ta”. Khi những người được sai đến đã đi rồi, Chúa Giêsu liền nói với đám đông về Gioan rằng: “Các ngươi đi xem gì ở hoang địa? Một cây sậy phất phơ trước gió ư? Vậy các ngươi đi xem gì? Một người ăn mặc lả lướt ư? Nhưng những người ăn mặc lả lướt thì ở nơi cung điện nhà vua. Vậy các ngươi đi xem gì? Một tiên tri ư? Phải, Ta bảo các ngươi, và còn hơn một tiên tri nữa. Vì có lời chép về ông rằng: “Này Ta sai sứ thần Ta đi trước mặt con, để dọn đường sẵn cho con”. Ta bảo thật các ngươi, trong các con cái người nữ sinh ra, chưa từng xuất hiện một ai cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả; nhưng người nhỏ nhất trong nước trời còn cao trọng hơn ông”.


MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆM

Suy niệm 1: Chúng ta chờ đợi để thấy điều gì?   - Lm. Phêrô Nguyễn Trọng Chức
Suy niệm 2: Thầy có phải là Đấng phải đến chăng? - Lm. Giacôbê Tạ Chúc
Suy niệm 3: Đấng cứu thế là ai ? ĐGM. Phaolô Nguyễn Thanh Hoan
Suy niệm 4 - Lm. Phêrô Nguyễn Thiên Cung



Suy niệm 1: Chúng ta chờ đợi để thấy điều gì?   - Lm. Phêrô Nguyễn Trọng Chức

“Đang ngồi tù, ông Gioan nghe biết những việc Đức Kitô làm, liền sai môn đệ đến hỏi Người rằng: Thưa Thầy, Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?” (Mt 11,2-3).
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ.

1. Có người từng nói rằng: “Tất cả sự khôn ngoan của con người được tập hợp lại trong hai từ: chờ đợi và hy vọng.”[1] Thánh Giacôbê cho chúng ta một ví dụ cụ thể: “Kìa xem nhà nông, họ kiên nhẫn chờ đợi cho đất trổ sinh hoa màu quý giá: họ phải đợi cả mưa đầu mùa lẫn mưa cuối mùa” (Gc 5,7). Chúng ta dễ dàng thấy được những bằng chứng khác về sự chờ đợi và niềm hy vọng. Học sinh chờ đợi suốt mười hai năm hoặc còn hơn thế cho cuộc thi xét tuyển đại học và hy vọng đạt được kết quả tốt. Hai người yêu nhau chờ đợi ngày về chung một nhà và hy vọng gia đình mình là tổ ấm. Cha mẹ chờ đợi đứa con chào đời sau những tháng ngày cưu mang, và hy vọng sau này con mình thành nhân, thành tài. Thật nhiều bằng chứng khác nữa về sự chờ đợi và niềm hy vọng ở trong cuộc sống của chúng ta. Đặc biệt là trong Mùa Vọng, chúng ta cảm nhận được sự chờ đợi và niềm hy vọng. Vậy chúng ta chờ đợi và hy vọng để thấy điều gì? Nhờ ánh sáng của Lời Chúa, chúng ta sẽ thấy được những điều ở Chúa Giêsu và ở Gioan Tiền Hô.  

Điều chúng ta chờ đợi để thấy ở Chúa Giêsu

2.    Mở đầu bài Tin Mừng hôm nay, thánh Luca cho chúng ta biết về sự chờ đợi và niềm hy vọng của thánh Gioan Tiền Hô qua câu hỏi: “Thưa Thầy, Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?” (Mt 11,2-3). Câu hỏi này đề cập đến niềm hy vọng đương thời về Đấng Cứu Thế sắp đến.[2] Khi sai các môn đệ của mình đến hỏi Chúa, Gioan nghi ngờ liệu Chúa Giêsu có thực sự là Đấng hoàn thành niềm hy vọng mà muôn dân vẫn hằng mong đợi và các tiên tri vẫn hằng tiên báo: “Bấy giờ mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được. Bấy giờ kẻ què sẽ nhảy nhót như nai, miệng lưỡi người câm sẽ reo hò” (Is 35,5-6). Thế nhưng, chính ông đã nói Chúa Giêsu là Chiên Thiên Chúa khi căn cứ vào việc Thánh Thần xuống và ngự trên Chúa lúc Chúa chịu phép rửa của ông (x. Ga 1,29-34). Chẳng lẽ ông không biết Người hay sao?

3.    Nếu ông biết, thì tại sao ông lại nghi ngờ? Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta rằng Gioan Tẩy Giả, dù chưa từng có ai cao trọng hơn ông, cũng là một “trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ” (x. Mt 11,11). Nếu ông là người siêu phàm, thì ông sẽ có tư tưởng nhất quán về Chúa Giêsu. Thế nhưng, ông là người phàm, nên ông cũng đã nản lòng và nghi ngờ khi sống cảnh ngục tù (x. Lc 3,20). Chúng ta cũng gặp thấy chính mình ở nơi Gioan Tẩy Giả. Đức tin của chúng ta có thể bị thử thách do sự dữ và đau khổ chúng ta phải chịu. Những thử thách nặng nề đối với một người, một gia đình hay một dân tộc. Chẳng hạn, những người đang sống với những căn bệnh nan y hoặc những người thân bị mắc bệnh, những cha mẹ có những đứa cọn bị khuyết tật, những người cao niên sống cảnh cô đơn vì không có người thân chăm sóc, những người phải chịu án oan sai, một đất nước phải chịu cảnh chiến tranh như Ukraina chống lại cuộc xâm lược của Nga… Cuộc sống vẫn thường diễn ra điều mà người ta vẫn nói “nghèo còn gặp cái eo”, tức “người đã nghèo mà còn gặp phải tai họa”. Gặp phải những thử thách nặng nề vượt quá sự nhỏ bé và yếu đuối của con người, liệu rằng chúng ta có vượt qua được nỗi nghi ngờ về Thiên Chúa Tình Yêu không?

4.    Một câu hỏi được đặt ra là “nỗi nghi ngờ của Gioan Tẩy Giả bắt nguồn từ đâu?” Ông đã sai các môn đệ đến hỏi Chúa khi nghe biết những việc Chúa đã làm (x. Mt 11,1). Những việc Chúa Giêsu đã làm khác xa với những việc Gioan đã làm. Mặc dù cả hai đều rao giảng “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 3,2; 4,17), nhưng điểm nhấn trong sứ điệp của Gioan là việc Thiên Chúa thẳng tay thi hành công lý để khử trừ hết mọi kẻ bất trị: “Cái rìu đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa. Tay Người cầm nia, Người sẽ rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi” (Mt 3,10.12), còn điểm nhấn trong sứ điệp của Chúa Giêsu là tin mừng về sự tha thứ: “xin tha tội cho chúng con, như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con… Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em” (Mt 6,12.14-15).

5.    Chúa Giêsu đã không trả lời trực tiếp câu hỏi của Gioan, nhưng đã sai các các môn đệ của Gioan thuật lại cho ông về những lời Chúa đã giảng và những việc Chúa đã làm khi họ mắt thấy tai nghe (x. Mt 11,4). Những lời ngôn sứ Isaia mà chúng ta nghe ở bài đọc một được Chúa Giêsu sử dụng như là một bản tóm tắt về những việc Đấng Cứu Thế đã làm: “Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng” (Is 29,17-19; 35,5-6; 42,18; 26,19; 61,1). Các phép lạ mà Chúa đã làm là dấu chỉ cho chúng ta thấy Chúa Giêsu là Đấng Thiên Chúa sai đến thế gian để cứu độ chúng ta. Chúng sẽ dẫn chúng ta đến lòng tin vào Đấng thực hiện các phép lạ. Như thế, điều chúng ta chờ đợi để thấy nơi Chúa là ơn cứu độ Chúa ban cho chúng ta. Điều chúng ta chờ đợi để thấy ở Gioan Tẩy Giả

6.     Ngay sau khi trích dẫn những lời của ngôn sứ Isaia, Chúa Giêsu sai các môn đệ của Gioan nói với ông: “Phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi” (Mt 11,6). Từ “vấp ngã”, σκανδαλίζω [skandalizo], theo nghĩa đen, là đặt một chướng ngại vật cản đường, khiến người khác có thể vấp chân và ngã xuống; còn theo nghĩa bóng là “khiến một người bắt đầu nghi ngờ và xa rời người mà lẽ ra họ phải tin tưởng và vâng lời”.[3] Vậy Chúa Giêsu có gây cớ cho ai xa rời Thiên Chúa mà họ phải tin tưởng vào Người hay không? Một vài trường hợp được ghi nhận trong Tin Mừng. Chẳng hạn, có mấy người Pharisêu và mấy kinh sư từ Giêrusalem đến gặp Chúa Giêsu để trách cứ các môn đệ của Chúa về việc không chịu rửa tay khi dùng bữa. Thế nhưng, Chúa Giêsu đã khẳng định rằng: “Không phải cái vào miệng làm cho con người ra ô uế, nhưng cái từ miệng xuất ra, cái đó mới làm cho con người ra ô uế”. Sau đó, các môn đệ mới nói với Chúa Giêsu về những người Pharisêu đã vấp phạm khi nghe Thầy nói lời ấy (x. Mt 15,1-14). Thêm một ví dụ nữa là các môn đệ, khi nghe Chúa Giêsu nói Chúa là bánh từ trời xuống, nên những ai ăn Thịt và uống Máu Chúa, thì được sống muôn đời và sẽ được sống lại vào ngày sau hết, nhiều môn đệ của Người liền nói: “Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi?” Nhưng Chúa Giêsu tự mình biết được là các môn đệ đang xầm xì về vấn đề ấy, Người bảo các ông: “Điều đó, anh em lấy làm chướng, không chấp nhận được ư?” (x. Ga 6,54-61).

7.     Thánh Gioan có vấp ngã vì Chúa Giêsu hay không? Khi Chúa Giêsu đã trả lời cho các môn đệ của Gioan, thì đến lượt đám đông, Ngài hỏi họ một câu hỏi: “Anh em ra xem gì trong hoang địa?” (Mt 11,7). Hoang địa là nơi Gioan Tẩy Giả đã rao giảng Lời Chúa. Chúng ta có thể diễn giải câu hỏi của Chúa thành câu này: “Có phải anh em đi ra hoang địa để nghe Lời Chúa không?” Chúa Giêsu đã trích dẫn Lời Chúa trong sách Malakhi: “Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con đến” (Ml 3,1) để xác định Gioan là người dọn đường cho Chúa Giêsu đến và chính Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế. Ông Gioan là nhân chứng trung thành. Ông đã chỉ cho những người khác về sự xuất hiện của Đấng Cứu Thế ở giữa họ. Chúa Giêsu đã đối chiếu Gioan với hình ảnh cây sậy bị gió lay lay. Không giống như cây sậy yếu ớt có thể dễ dàng bị dập nát, Gioan đã đứng vững như cột trụ đầy sức mạnh và sự thật khi đối mặt với sự chống đối và bắt bớ. Ông Gioan đã chấp nhận chết trong tù, nghĩa là đã không vấp ngã vì Người. Như thế, điều chúng ta chờ đợi để thấy ở nơi Gioan Tẩy Giả là không có thế lực nào có thể làm suy yếu hoặc đè bẹp Gioan trong niềm tin vững chắc của ông vào Chúa và lời của Chúa.

8.     Quả thật, những ai vấp ngã vì Chúa Giêsu đều không chấp nhận những lời Chúa giảng và những việc Chúa làm. Thế nên, họ không nhận ra Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế và không đón nhận ơn cứu độ do Chúa mang đến. Còn về phần chúng ta, chúng ta có thực sự tìm kiếm Chúa và thánh ý của Chúa để thực thi và để giới thiệu Chúa cho mọi người xung quanh chúng ta hay không? Chúng ta có dám can ngăn việc xấu của người khác như thánh Gioan đã ngăn cản việc xấu của vua Hêrôđê hay không? Chúng ta có sống tâm tình chờ đợi Chúa ngự đến bằng tỉnh thức cầu nguyện, quyết tâm làm việc thiện, làm tươi mới tâm hồn hay không?

9.    Tóm lại, Mùa Vọng là mùa phụng vụ được Giáo Hội cử hành sốt sắng để chờ đợi “ngày Chúa quang lâm đã gần tới” (Gc 5,8). Qua những lời Chúa giảng và những việc Chúa làm, chúng ta chờ đợi để thấy Chúa là Đấng ban ơn cứu độ cho nhân loại. Noi gương Gioan Tẩy Giả, chúng ta chờ đợi để lãnh nhận ơn cứu độ nhờ đức tin, một “đức tin hành động nhờ đức ái” (Gl 5,6; x. Gc 2,14-26), một đức tin được nâng đỡ bằng đức cậy (x. Rm 15,13), một đức tin đâm rễ trong đức tin của Hội Thánh (x. GLHTCG 162). Lạy Chúa Giêsu, xin củng cố niềm tin của chúng con vào lời Chúa và niềm hy vọng của chúng con vào ơn cứu độ của Chúa. Xin giải thoát chúng con khỏi mọi thứ ngăn cản chúng con theo đuổi Nước Chúa và thánh ý của Chúa cho cuộc đời chúng con. Amen.


[1] https://www.tudiendanhngon.vn/danhngon/dn/itemid/7637 [2] Kittel, Gerhard (Hrsg.) ; Bromiley, Geoffrey William (Hrsg.) ;  Friedrich, Gerhard (Hrsg.): Theological Dictionary of the New Testament. electronic ed. Grand Rapids, MI : Eerdmans, 1964-c1976, S. 6:726 [3] Strong, James: The Exhaustive Concordance of the Bible  : Showing Every Word of the Text of the Common English Version of the Canonical Books, and Every Occurrence of Each Word in Regular Order. electronic ed. Ontario : Woodside Bible Fellowship., 1996, S. G4624

MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆM



Suy niệm 2: Thầy có phải là Đấng phải đến chăng? - Lm. Giacôbê Tạ Chúc

Trong hoàn cảnh thật trớ trêu, ở chốn lao tù đầy khổ hạnh. Thánh Gioan Tẩy Giả luôn canh cánh trong lòng, niềm khao khát mong đợi Đấng Cứu Thế đến để giải thoát dân tộc Do thái, khỏi mọi xiềng xích nô lệ, tinh thần cũng như thân xác. Giờ đã đến, lúc Đấng Cứu Thế sẽ đến, và những dấu chỉ để nhận ra Ngài  như I-sai-a đã loan tin: “Bấy giờ mắt người mù sẽ nhìn thấy, và tai những người điếc sẽ được nghe. Bấy giờ người què sẽ nhảy nhót như nai, những người được Chúa cứu chuộc, sẽ trở về, và đến Sion với lời khen ngợi; và trên đầu họ mang hoan hỉ triền miên, họ sẽ được vui mừng khoái trá, họ sẽ không còn đau buồn; rên siết sẽ trốn xa” (Is 35, 1-6).

Chúa Giê-su, không trực tiếp trả lời những chất vấn của Thánh Gioan, qua trung gian, những môn đệ mà Gioan sai đến, Ngài đã chỉ cho họ Đấng Cứu tinh đã đến và đang tới. Triều đại của Ngài được loan báo với những tín hiệu vui mừng, hân hoan và tràn đầy niềm vui vĩnh cửu. Giấc mơ một xứ sở, chảy sữa và mật ong không còn xa nữa. Thời gian như được rút ngắn lại. Thiên Chúa đã tỏ vinh quang của Ngài cho con người. Vinh quang mà những ai khiêm nhu, nghèo khó, và siêu thoát thì mới có thể nhận ra Ngài. Thánh Gioan loan báo và chỉ cho mọi người biết để đón nhận Đấng Cứu Thế. Về phần mình, Chúa Giê-su bày tỏ cảm xúc đặc biệt với vị Tiền hô, đã vì chân lý Tin mừng mà phải chịu cảnh tù đày trước bạo chúa Hê-rô-đê An-ti-pa: “Ta bảo thật các ngươi, trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả. Tuy nhiên, kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông”(Mt 11,11). Gioan đã thi hành phận vụ là kẻ dọn đường cho Chúa Giê-su một cách hết sức cao cả, và ông đã kết thúc cuộc đời trong triều thiên, của một chứng nhân, cho Đấng Cứu Độ, mà muôn dân hằng đợi trông. Máu của Gioan một cách nào đó, như là những giọt máu, mồ hôi, nước mắt của cuộc đời Chúa Giê-su sau này. Sự khiêm hạ của ông đã làm Chúa Giê-su khen ngợi, và chỉ cho đám đông thấy chân dung của một vị ngôn sứ là: “Anh em ra xem gì trong hoang địa, một cây sậy phất phơ trước gió” (Mt 11,7). Vâng đúng như cuộc đời thoát tục và trầm mình trong khổ chế của Gioan. Chúa Giê-su đến để mang lại hòa bình cho chúng ta. Ngài chính là Sứ Giả mà Chúa Cha đã gởi đến cho nhân loại. Mặc dù sinh ra và lớn lên trong cảnh cơ hàn, cuộc sống của Ngài là một hành trình xuất thế và nhập thể, dẫu rằng con người không tin nhận, nhưng mãi mãi Ngài vẫn là Đấng mà Thánh Gioan đã loan báo, và chỉ cho dân chúng thấy khi Ngài xuất hiện.  Hãy kiên nhẫn chờ đợi, vì Thiên Chúa chúng ta đã gần đến: “ Anh em cũng vậy, hãy kiên nhẫn và bền tâm vững chí, vì ngày Chúa quang lâm đã gần tới”(Gc 5,7-10).

Mừng vui lên vì Chúa sắp ngự đến, nơi hoang địa khô cằn sẽ vui mừng và cõi tịch liêu sẽ hân hoan, đón mừng ngày Chúa sinh ra. Ma-ra-na-tha! Lạy Chúa Giê-su ! xin hãy đến với chúng con, trong gia đình, cuộc sống, và từng phút giây trong cuộc đời. Amen.

MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆM

Suy niệm 3: Đấng cứu thế là ai ? ĐGM. Phaolô Nguyễn Thanh Hoan

Đấng cứu thế là ai, là người như thế nào? Vấn đề đặt ra cho người Do Thái, cho cả thánh Gioan tiền hô, mà còn đặt ra cho chính thời đại chúng ta. Có hiểu được Ngài, mới xác định được người Ki-tô hữu là người như thế nào.
Lời Chúa hôm nay, đề cập đến cuộc phỏng vấn của mấy môn đệ, của thánh Gioan Tẩy Giả, với Chúa Giê-su: Ngài có phải là đấng phải đến không, hay chúng tôi còn phải đợi một ai khác?
Lời các tiên tri loan báo: đấng cứu thế sẽ đến, nhưng làm sao để biết Ngài, có dấu hiệu nào chính thức để nhận ra Ngài. Đó là lòng thương xót của Ngài: chúng ta sẽ cùng nhau suy niệm về vấn đề này.
Bài tin mừng đề cập đến cuộc gặp gỡ, cũng là một cuộc phỏng vấn giữa các môn đệ của thánh Gioan Tẩy Giả và Chúa Giê-su. Tuy nhiên câu chuyện có hai phần: phần phỏng vấn là phần Chúa tuyên dương phẩm chất cao cả của thánh Gioan.  
Như chúng ta biết thánh Gioan Tẩy Giả sau khi giới thiệu Chúa Giê-su cho các môn đệ mình: “đây là chiên Thiên Chúa, đấng gánh tội trần gian” thì Ngài bị Herode bắt cầm tù, vì đã chỉ trích vua vô luân giết anh mình để cưới lấy chị dâu làm vợ. Ai cũng hiểu đây là tội ác tày trời.
Trong khi rao giảng kêu gọi người ta sám hối, thì thánh Gioan vẫn quan niệm rằng: đấng thiên sai đến, việc trước tiên của Ngài là quét sạch bọn côn đồ gian ác. Rìu đã kề gốc cây. Lúa lép lẫn lúa chắc, lẫn rơm rác đang ở trên nia trên sang. Thời sau hết đã đến phường gian ác sẽ bị tẩy trừ ra khỏi nước Thiên Chúa như người ta chặt những cây vô dụng để làm chất đất, đốt lép đốt bụi cho sạch sân sạch vườn. Các tiên tri quen gọi đó là ngày báo oán.
Nhưng Thiên Chúa giàu lòng nhân hậu, Ngài chỉ muốn đến để cứu người chớ không phải để tiêu diệt. Ngài còn dùng một thời gian dài thi thố lòng nhân ái vô biên, trước khi Ngài đến lần thứ hai để dứt khoát phân biệt kẻ dữ người lành xét xử nghiêm minh.
Ở trong tù, thánh Gioan chưa hiểu hết ý nghĩa đó, thấy đấng thiên sai chưa hành động quyết liệt, Herode chưa bị trừng phạt, nên đâm ra nghi ngờ và cho người đến phỏng vấn: “Ngài có phải là đấng phải đến hay chúng tôi còn phải chờ đợi một đấng khác” Để làm sang tỏ kế hoạch của Thiên Chúa “nhân hậu đi trước, trừng phạt bước sau” Chúa Giê-su không trả lời mấy người phỏng vấn một cách rõ ràng như vậy, vì niềm tin Ki-tô giáo không phải là một lý thuyết suông mà là một thực tế sống động. Đáp trả của Ngài kêu gọi các đại diện thánh Gioan nhìn vào thực tế để thấy dấu hiệu đầu tiên, cụ thể để biết Ngài là đấng thiên sai cứu thế: đó là lòng thương xót.
Nếu người ta được nghe Gioan giới thiệu: đây là chiên Thiên Chúa đấng gánh tội trần gian thì xin hiểu rằng: trên vai Ngài vừa là tội lỗi thế gian, vừa là mọi đau khổ con người mà chính tội lỗi gây nên. Thế giới mới, nước Thiên Chúa không còn đau khổ và tội lỗi nữa. Hành động thực tế của Ngài là chứng tỏ mình tha tội và Ngài cũng có quyền cất đi khỏi mọi đau khổ mọi con người.
Vì thế trong giai đoạn cho con người chuẩn bị đi vào thế giới mới họ phải biết tin vào quyền năng của Ngài tin vào ý định mà kế hoạch của Thiên Chúa. Chỉ những ai không tin mới mất đi ân huệ nước trời đang đem đến cho họ “phúc cho ai không vấp phạm vì ta”.
Thánh Gioan tuy chưa biết hết kế hoạch của Thiên Chúa, nhưng vẫn là con người đạo đức vĩ đại, một tiên tri vĩ đại. Ngài là con người của sự thật, một anh hung của đức tin. Ngài là Elia, với tinh thần dũng cảm và tiên tri thời sau hết. Ngài là “kẻ dọn đường” là tiền hô của đấng cứu thế. Ai trọng hơn Ngài.
Hiểu phần nào tin mừng hôm nay rồi, chúng ta phải nghĩ ngay đến cuộc sống của chúng ta. Trước hết trong thánh lễ này ta phải hết lòng tung hô cảm tạ Chúa thực sự, vì lòng Ngài nhân hậu, kế hoạch Ngài kỳ diệu, Ngài chỉ muốn lấy tình thương để đến cứu độ chúng ta.
Tuy Ngài chưa đặt ra thời kỳ trừng phạt, điều đó không có nghĩa là ai muốn làm gì thì làm mà đây là thời giờ khoan giãn để ta có đủ thời giờ đón nhận, thanh luyện, chuẩn bị měnh cho đủ điều kiện được Chúa đón nhận vào nước Ngài.
Đời sống của Ngài, đời sống yêu thương phục vụ, đời sống tận hiến hy sinh vì nhân loại, đời sống trung thành theo thánh ý cha, đó là mẫu mực của một đời sống của chúng ta.
Nếu Chúa tỏ lòng nhân ái những người đau khổ, đó là một lời kêu gọi cho hầu hết nhân loại đang chịu đựng những hậu quả của tội lỗi, hãy biết tìm nơi nương tựa nơi Ngài. Chúng ta có nhiều điều kiện để hiểu, để tin, để tín nhiệm vào lòng thương của Chúa hơn những người sang giàu thường để bị lạc hướng vì của cải, chức quyền.

MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆM

Suy niệm 4 - Lm. Phêrô Nguyễn Thiên Cung

1- Sứ điệp nguyên thủy :

(1) Khi mời gọi “đọc” Is 35, 1-6a.10 và Gc 5, 7-10 qua lăng kính Mt 11, 2-11, Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật III Mùa Vọng A hôm nay cho thấy Thiên Chúa là Đấng tín trung, một khi đã hứa sẽ đến siêu độ loài người, thì chắc chắn Ngài sẽ thực hiện điều đã hứa, như được phản ảnh, trước tiên, trong Is 35, 1-6a.10 : ở đây, ngôn sứ Isaia cho thấy điều Thiên Chúa đã hứa chắc chắn Ngài sẽ thực hiện [“Hãy nói với những kẻ nhát gan : ‘Can đảm lên, đừng sợ ! Thiên Chúa của anh em đây rồi; sắp tới ngày báo phục, ngày Thiên Chúa thưởng công phạt tội. Chính Ngài sẽ đến cứu anh em’... Những người được Đức Chúa giải thoát sẽ trở về, tiến đến Xion giữa tiếng hò reo, mặt rạng rỡ niềm vui vĩnh cửu. Họ sẽ được hớn hở tươi cười, đau khổ và khóc than sẽ biến mất.” (35, 4.10)]…
(2) Thứ đến, trong Gc 5, 7-10 : ở đây, cho thấy đâu là những thái độ và tâm tình cần phải có trong khi đợi chờ ngày Quang lâm của Chúa [“Kìa xem nhà nông, họ kiên nhẫn chờ đợi cho đất trổ sinh hoa màu quí giá : họ phải đợi cả mưa đầu mùa lẫn mưa cuối mùa. Anh em cũng vậy, hãy kiên nhẫn và bền tâm vững chí, vì ngày Chúa quang lâm đã gần tới. Thưa anh em, anh em đừng phàn nàn kêu trách lẫn nhau, để khỏi bị xét xử. Kìa Vị Thẩm Phán đang đứng ngoài cửa.” (5, 7b.8-9)]… 
(3) Sau cùng, trong Mt 11, 2-11 : ở đây, Đức Giêsu cho thấy chính Ngài là Đấng Thiên Sai đã được hứa ban, và tất cả mọi lời hứa của Thiên Chúa đều đã được thực hiện nơi Ngài, không còn cần phải đợi chờ đấng nào khác nữa cả [“Đang ngồi tù, ông Gioan nghe biết những việc Đức Kitô làm, liền sai môn đệ đến hỏi Ngài rằng : ‘Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác ?’ Đức Giêsu trả lời : ‘Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe : Người mù xem thấy, kẻ què bước đi, người cùi được sạch, kẻ điếc nghe được, người chết trỗi dậy, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng, và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi’.” (11, 2-5)]…   

2- Sứ điệp cho ngày hôm nay : 

(1) Đức Giêsu-Kitô, Con và Ngôi Lời Thiên Chúa làm người vừa để phục hồi lại cho toàn thể nhân loại tư cách là con và là hình ảnh của Thiên Chúa, vừa để khôi phục lại những tương quan nguyên thuỷ giữa con người với Thiên Chúa, với nhau và với vũ trụ thiên nhiên…
(2) Tất cả điều đó đã hoàn toàn trở nên hiện thực nơi Đức Giêsu-Kitô, sau biến cố Thập Giá (chết và Phục sinh), vì thế, để có thể khôi phục lại tư cách là con, là hình ảnh Thiên Chúa, và những tương quan nguyên thuỷ với Thiên Chúa, với tha nhân và với vũ trụ thiên nhiên, điều duy nhất cần thiết là người ta phải “ở trong” Ngài…

MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆM

 

Tác giả: Truc Ho Si

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây