Suy niệm - Ngày 7 tháng 1

Thứ sáu - 06/01/2023 08:17
thu 7 dau thang



Tin Mừng: Ga 2,1-11

1 Khi ấy, có tiệc cưới tại Ca-na miền Ga-li-lê. Trong tiệc cưới có thân mẫu Đức Giê-su. 2 Đức Giê-su và các môn đệ cũng được mời tham dự. 3 Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu Đức Giê-su nói với Người : “Họ hết rượu rồi.” 4 Đức Giê-su đáp : “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi ? Giờ của tôi chưa đến.” 5 Thân mẫu Người nói với gia nhân : “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo.”

6 Ở đó có đặt sáu chum đá dùng vào việc thanh tẩy theo thói tục người Do-thái, mỗi chum chứa được khoảng tám mươi hoặc một trăm hai mươi lít nước. 7 Đức Giê-su bảo họ : “Các anh đổ đầy nước vào chum đi !” Và họ đổ đầy tới miệng. 8 Rồi Người nói với họ : “Bây giờ các anh múc và đem cho ông quản tiệc.” Họ liền đem cho ông. 9 Khi người quản tiệc nếm thử nước đã hoá thành rượu (mà không biết rượu từ đâu ra, còn gia nhân đã múc nước thì biết), ông mới gọi tân lang lại 10 và nói : “Ai cũng thết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon mãi cho đến bây giờ.” 11 Đức Giê-su đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Ca-na miền Ga-li-lê và bày tỏ vinh quang của Người. Các môn đệ đã tin vào Người.



MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆM

Suy niệm 1 - Lm. Augustinô
Suy niệm 2: Thập giá là chiều sâu của giáng sinh - Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn
Suy niệm 3 - Lm. Phêrô Nguyễn Thiên Cung
Suy niệm 4: Họ hết rượu rồi - TGM Giuse Ngô Quang Kiệt




Suy niệm 1 - Lm. Augustinô

 

Anh chị em thân mến! Thánh Gioan trong các lá thư của mình đã tuyên bố: ai nói mình không có tội thì sự thật không ở nơi người ấy vì người nói mình không có tội là người nói dối. Trong câu chuyện về người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, Chúa đã làm cho những kẻ “đòi kết án người phụ nữ theo luật” phải xấu hổ sau tuyên bố “ai trong các ngươi sạch tội hãy là người đầu tiên ném đá người này đi. Và kết quả không ai dám làm và lần lượt âm thầm bỏ đá xuống và rút lui vì thấy mình đều là tội nhân. Như đã suy niệm trong các bài trước, cộng đoàn thánh Gioan xảy ra lộn xộn vì có những tên phản Ki-tô, những kẻ lừa dối khi loan báo những điều sai lạc về Chúa Ki-tô, Ngôi Lời Nhập Thể làm người. Chắc chắn trong cộng đoàn của thánh nhân đã có những tín hữu đi theo những tên phản Ki-tô – những người lạc lối, những người tội lỗi. Phải có thái độ nào với họ? Bài đọc thứ nhất chúng ta vừa nghe như một hướng dẫn cho cộng đoàn thái độ cần phải có: CẦU NGUYỆN. Nhưng tại sao phải cầu nguyện cho họ? Có trường hợp nào ngoại lệ hay không?

Cầu nguyện cho những người sai lạc quay trở về với nẻo chính đường ngay là điều hợp với ý muốn của Chúa và đẹp lòng Chúa. Thánh Augustino chú giải: bất cứ điều gì chúng ta cầu xin không có lợi cho ơn cứu độ là chúng ta đã không cầu xin nhân danh Chúa Ki-tô.[1] Cầu nguyện cho ơn cứu độ của mình hay anh em là cầu nguyện nhân danh Chúa Ki-tô và chắc chắn được Chúa nhậm lời. Bởi đó, khiến chúng ta mạnh dạn đến trước mặt Thiên Chúa cầu nguyện cho anh em mình (x. cc 14 – 15). Khi nói đến những trường hợp ngoại lệ, thánh nhân phân biệt có 2 loại tội: tội đưa đến và không đưa đến sự chết. Chỉ cầu nguyện cho những người phạm tội không đưa đến sự chết, còn những tội đưa đến sự chết thì không. Tuy nhiên, tác giả lại không liệt kê những loại tội đưa đến sự chết dó đó, có nhiều ý kiến khác nhau về tội đưa đến sự chết. Theo suy niệm của mình, trong ánh sáng của lời Chúa Giê-su, chỉ có tội phạm đến Chúa Thánh Thần mới là tội đưa đến sự chết vì không được tha. Nhưng tội phạm đến Thánh Thần là tội nào? Thưa là tội không nghe Thánh Thần để sám hối mà được tha thứ. Họ không được tha không phải vì Chúa chấp tội và không tha thứ cho họ mà vì họ không muốn được tha thứ nên không sám hối ăn năn. Dó đó, tội đưa đến sự chết là tội “ở lại” trong tội, không chịu sám hối quay về với Thiên Chúa. Tóm lại, chỉ một mình Thiên Chúa mới biết rõ “tội đưa đến sự chết” do đó, nhiệm vụ của chúng ta là cầu xin cho chúng ta là những tội nhân được ơn sám hối quay về với Chúa là nguồn mạch sự sống đời đời.

Lạy Chúa Giê-su, cũng như những luật sĩ biệt phái và đám đông năm nào, chúng con thường có khuynh hướng nhìn thấy tội của tha nhân và lên án họ cách không thương tiếc thay vì cảm thông, xót thương và cầu nguyện cho họ. Chúng con như những kẻ nhìn thấy cái rác trong mắt ạnh em mà chẳng thấy cái đà trong mắt mình. Tệ hại hơn, trong tư cách là người lãnh đạo cộng đoàn đức tin, chúng con găm gút, cố chấp và không tha thứ cho những lỗi phạm của những người được giao phó cho chúng con. Thay vì nhận ra rằng trong lỗi của họ có lỗi của chúng con, để khiêm nhường, cảm thông và tha thứ, chúng con âm thầm loại họ ra khỏi con tim chúng con và liêtj vào số của những kẻ tội lỗi. Xin đập vỡ trong chúng con thái độ kiêu căng và vô tâm ấy, để mỗi lần thấy lỗi lầm thiếu xót của anh em mình, là mỗi lần chúng con biết nhìn vào mình để nhận ra chúng con cũng như anh em, thậm chí còn tệ hơn họ. Nhờ đó, chúng con biết cúi đầu khiêm tốn cầu nguyện cho mình và cho anh em vì ơn cứu độ của chúng con. Xin cho chúng con biết dùng mọi biến cố đau thương trong đời anh em và chính mình như là cơ hội để chúng con can đảm đến trước mặt Chúa với lời cầu xin đẹp ý Chúa và được Chúa thứ tha và thánh hóa. Amen

[1] Cornelius à Lapide, The Great Commentary of Cornelius À Lapide: S. John’s Gospel—Chaps. 12 to 21 and Epistles 1, 2, and 3, trans. Thomas W. Mossman, Fourth Edition., vol. 6 (Edinburgh: John Grant, 1908), 482.

MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆM

Suy niệm 2: Thập giá là chiều sâu của giáng sinh - Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn

Câu chuyện đám cưới tại Cana có thể được giải thích bằng những ý tưởng mang màu sắc khuyến thiện: Đức Maria quan tâm đến người khác, hãy nhờ Đức Maria cầu xin với Chúa Giêsu, giá trị việc vâng lời của các gia nhân... Tất cả những giải thích ấy đều tốt cả, nhưng xem ra chưa đủ sâu! Rồi người ta có thể thắc mắc: tại sao Chúa Giêsu trả lời là “Giờ của tôi chưa đến” (Ga 2,4) nhưng rồi sau đó thì Người lại làm phép lạ?!

Sâu xa hơn, cần hiểu câu chuyện này theo thần học của Tin Mừng Gioan. Ông Gioan viết Tin Mừng không theo lối tường thuật như 3 Tin Mừng Nhất Lãm, nhưng với dụng ý thần học. Trong câu chuyện này, ông muốn trình bày là với Chúa Giêsu, một nhiệm cục mới đã bắt đầu. Ngay sau chuyện đám cưới này, ông Gioan kể sự kiện Chúa Giêsu thanh tẩy Đền Thờ ở cùng chương 2, sự kiện mà theo 3 Tin Mừng kia và điều đó hợp lý hơn, phải diễn ra vào cuối đời công khai của Chúa Giêsu. Nhưng ở đây, ông muốn nói Chúa Giêsu bắt đầu một nền phụng tự mới.

Hình ảnh đám cưới được Chúa Giêsu dùng để mô tả về Nước Trời. Rượu cũ của Do Thái giáo đã cạn, hoặc nhạt như nước lã. Chúa Giêsu làm nên rượu mới ngon hơn nơi Nước Trời. Trong Tin Mừng Gioan, “giờ” của Chúa Giêsu chỉ việc Người chết trên thập giá và được tôn vinh bên Chúa Cha. Đó là đỉnh cao của việc thành lập Nước Trời. Vì thế, việc Người làm cho nước trở nên rượu không dừng lại là một phép lạ, nhưng là “dấu chỉ” cho “giờ” của thập giá mà Người sẽ thực hiện sau này.

Phụng vụ cho chúng ta nghe bài Tin Mừng này vào những ngày sau lễ Giáng Sinh cho thấy đỉnh cao, ý nghĩa thâm sâu của việc Nhập Thể được thể hiện nơi việc Người chết cho nhân loại.

Cũng thế, đời người của chúng ta sẽ không đạt tới chiều sâu của nó nếu không có thập giá, không có sự hiến thân vì tình yêu dành cho Thiên Chúa và cho tha nhân. Thập giá đưa sự hạ mình của giáng sinh đến chỗ sâu nhất của nó. Chính sự khiêm hạ trong đời sống con người làm nên giá trị của đời người.

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nói về chính mình như là “người thợ làm vườn nho khiêm tốn”.

MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆM

Suy niệm 3 - Lm. Phêrô Nguyễn Thiên Cung

1-      Sứ điệp nguyên thủy :

(1) Khi mời gọi “đọc” 1 Ga 5, 14-21 qua lăng kính Ga 2, 1-11, Phụng vụ Lời Chúa hôm nay cho thấy Đức Giêsu-Kitô, Con và là Ngôi Lời Thiên Chúa làm người, chính là Ân Sủng của tất cả mọi ân sủng Thiên Chúa ban cho loài người, như được phản ảnh, trước tiên, trong 1 Ga 5, 14-21 : ở đây, cho thấy chỉ khi “ở trong” Đức Giêsu-Kitô, Con và Ngôi Lời Thiên Chúa làm người, con người mới có thể nhận được những ân huệ đã được hứa ban (5, 14-15), tức là có thể thoát được ách nô lệ Ác thần và sự chết, thể lý và cả thuộc linh (5, 18-19), biết được Thiên Chúa là Ai (5, 20a), và có được sự sống vĩnh hằng (5, 20b)…

(2) Thứ đến, trong Ga 2, 1-11 : ở đây, cho thấy một đàng, nguồn gốc của tính hiệu quả của lời cầu bầu của Đức Maria đối với Đức Giêsu-Kitô đó chính là nhờ tương quan mật thiết (thể xác và thuộc linh) giữa Mẹ Maria với Đức Giêsu-Kitô, trong cùng lúc vừa là Con Thiên Chúa, vừa là con của Mẹ (2, 3-5); đàng khác, còn cho thấy Đức Giêsu-Kitô chính là “rượu mới” của Bữa Tiệc Cánh chung do Thiên Chúa thết đãi loài người, tức là chính Đấng Mêsia, Ân sủng và là Niềm Hy vọng của toàn thể nhân loại (2, 10)…

 

2-      Sứ điệp cho ngày hôm nay :

(1) Đức Giêsu-Kitô, Con và Ngôi Lời Thiên Chúa làm người chính là “Rượu mới” được ban cho nhân loại, tức là Tình yêu nhưng không, vị tha, dâng hiến…

(2) Đức Giêsu-Kitô là Hiện Thực của mọi lời hứa thần linh.

MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆM

Suy niệm 4: Họ hết rượu rồi - TGM Giuse Ngô Quang Kiệt

Chiêm ngắm Chúa Giê-su đến dự tiệc cưới ta không khỏi cảm kích mừng vui. Chúa đã đến trần gian ở với con người. Chúa còn đi vào cuộc sống dân dã. Chia vui sẻ buồn với con người. Đi đám tang. Khóc trước mộ. Đi đám cưới. Chúc mừng đôi tân hôn. Lời chúc phúc của Chúa là một phép lạ cả thể. Sáu chum nước lã biến thành rượu ngon.

Lạy Chúa Chúa đến với chúng con làm biến đổi cuộc đời chúng con. Khai thông cuộc đời bế tắc của chúng con. Chúng con hết rượu rồi.

Chúng con hết rượu sự sống. Vì đã thoả hiệp với ác thần gieo mầm chết chóc. Chúng con hết rượu niềm vui. Vì tội lỗi phủ lên chúng con tấm màn u buồn. Chúng con hết rượu bình an. Vì những băn khoăn toan tính việc đời. Chúng con hết rượu hi vọng. Vì ma quỉ xác thịt thế gian đẩy chúng con vào đường cùng không lối thoát.

Hôm nay Chúa đến khai thông hết những bế tắc trong cuộc đời. Chúa đến kết hôn với bản tính loài người yếu hèn của chúng con. Chúa là chàng rể đích thực đưa chúng con vào tiệc cưới Nước Trời. Cho chúng con thưởng thức thứ rượu làm say ngất tâm hồn. Rượu Chúa ban cho chúng con sự sống mới. Cho chúng con hưởng trọn vẹn niềm vui không bao giờ vơi cạn. Cho chúng con niềm bình an thế gian không ban được. Cho chúng con niềm hi vọng vào một tương lai tươi sáng.

Tạ ơn Mẹ. Mẹ đã đón nhận Chúa vào trần gian. Mẹ còn đưa Chúa đến với cảnh sống thực tế. Mẹ còn trình lên Chúa sự đói khát thiếu thốn của chúng con. Thấu hiểu thân phận chúng con. Cầu bầu cho chúng con. Để Chúa ban rượu dư tràn.

Xin cho chúng con thêm niềm tin tưởng. Biết noi gương Mẹ tin tưởng cầu nguyện. Vì “Người nhậm lời chúng ta, khi chúng ta xin điều gì hợp ý Người”. Và thêm niềm hi vọng. Vì “Con Thiên Chúa đã đến và… chúng ta ở trong Thiên Chúa thật, ở trong Con của Người là Đức Giê-su Ki-tô. Đức Giê-su Ki-tô là Thiên Chúa thật và là sự sống đời đời”. Xin cho chúng con từ nay tránh xa ác thần. Từ bỏ thói thế gian chiều theo xác thịt. Thực sự kết hợp với Chúa Giê-su. Chàng rể đích thực. Sẽ đưa chúng con vào tiệc cưới Nước Trời. Ở đó rượu ngon sự sống, bình an và niềm vui sẽ tràn trề.

Tác giả: Truc Ho Si

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây