Suy niệm - Thứ Bảy Tuần 4 Mùa Thường Niên

Thứ sáu - 03/02/2023 10:16

(Mc 6, 30-34)

Các Tông Đồ tụ họp chung quanh Đức Giê-su, và kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã dạy. Người bảo các ông: "Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút." Quả thế, kẻ lui người tới quá đông, nên các ông cũng chẳng có thì giờ ăn uống nữa. Vậy, thầy trò xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi hoang vắng. Thấy các ngài ra đi, nhiều người hiểu ý, nên từ khắp các thành, họ cùng nhau theo đường bộ chạy đến nơi, trước cả các ngài. Ra khỏi thuyền, Đức Giê-su thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều.


MỤC LỤC

Suy niệm 1 - Nhóm Bạn Đường Linh Thao - biên dịch
Suy niệm 2: ĐỜI SỐNG MANG TÍNH CHẤT CA NGỢI - Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn

Suy niệm 3 - Lm. Phêrô Nguyễn Thiên Cung
Suy niệm 4: CÁC TÔNG ĐỒ TRỞ VỀ - Gm. Phaolô Nguyễn Thanh Hoan


Suy niệm 1 - Nhóm Bạn Đường Linh Thao - biên dịch

Nguồn: https://livingspace.sacredspace.ie/o2047g/
 

Nhóm Mười hai Tông Đồ trở về sau khi thi hành sứ vụ trong niềm phấn khởi. Chúa Giêsu bảo các ông lánh riêng ra, đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút. Đó cũng là những gì chính bản thân Ngài đã từng làm. Đám đông vẫn luôn đi theo Ngài và các tông đồ đến nỗi các ông không có thì giờ ăn uống. Đây có thể là một cám dỗ vì các tông đồ đã bắt đầu thấy tự hào về quyền năng mới, sự thu hút và độ nổi tiếng của mình.

Một lần nữa chúng ta lại thấy được hình ảnh Chúa Giêsu tự điều chỉnh cân bằng cuộc sống của Ngài. Ngài luôn sẵn sàng xuất hiện trước những người khó nghèo, ốm đau, người bị xã hội ruồng bỏ và những ai cần đến Ngài. Nhưng Chúa Giêsu vẫn sẽ dành ra cho mình một khoảng thời gian để nghỉ ngơi, để trở về với bầu không khí thinh lặng, trò chuyện cùng Chúa Cha và nghĩ về những gì Ngài đã trải qua và giảng dạy trong ngày. Ngài cũng làm thế với các môn đệ của mình. Chúa Giêsu muốn cho các ông một khoảng không lặng thinh để bình tĩnh, chiêm nghiệm và đúc kết những gì các ông đã thực thi, để các ông được bồi dưỡng trong Chúa và không bị những phù phiếm trần tục che mắt.

Có một số người chỉ biết tập trung vào bản thân mình và vô cảm, coi thường ý muốn của người khác. Họ chẳng hể áy náy hay bận lòng về những nhu cầu, suy nghĩ của người khác. Ngược lại, cũng có những người lại quan tâm đến người khác cách nhiệt tình thái quá, luôn mong muốn người khác tìm đến họ, cần họ giúp đỡ, và kết quả là họ bị kiệt quệ.

Với Chúa Giêsu, thờ ơ vô cảm là một khái niệm rất xa vời. Ngài có một tấm lòng nhân hậu của Thiên Chúa. Lòng nhân hậu ấy không dành riêng cho bất cứ ai mà vượt mọi biên giới đến với tất cả mọi người. Điều ấy được thể hiện sống động khi Chúa Giêsu và các môn đệ rời thuyền đến một nơi hoang vắng để các Ngài có thể yên tĩnh. Nhưng dân chúng đã thấy Ngài rời đi và nảy ra ý nghĩ trong đầu. Vì thế họ vội vã đuổi theo Chúa dọc bờ hồ, nên khi bước xuống thuyền, Chúa Giêsu thấy một đám người rất đông. Ngài chạnh lòng thương vì thấy họ như bầy chiên không người chăn dắt, thế nên Chúa Giêsu đã đón nhận đám đông. Không chỉ thế, Ngài còn cảm nhận được họ là những con chiên đói khát về tinh thần, biết rõ họ trong hoàn cảnh nào nên đã dạy dỗ họ nhiều điều. Sự xuất hiện của họ không quấy rầy Chúa Giêsu, mà chính họ là động lực thúc đẩy Ngài mạc khải cho dân chúng biết: Ngài chính là mục tử tốt lành họ đang kiếm tìm.

Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy Chúa Giêsu có một cuộc sống cân bằng giữa phục vụ và nghỉ ngơi. Và Ngài cũng thúc giục các tông đồ như thế, để họ nghỉ ngơi dưỡng sức và phản tỉnh về ý nghĩa của những việc mà họ đang làm. Bằng không, họ sẽ bị quá đà trong công việc hoặc sa vào những mục đích tủn mủn. Hôm nay, chúng ta cũng hãy học hỏi để đáp lại lời mời gọi này của Chúa Giêsu: làm đúng việc, đúng thời điểm. Nghĩa là, phục vụ hăng say hết mình, nhưng cũng biết rút lui khi cần; Nghỉ ngơi bổ sức, nhưng cũng biết mau mắn đứng dậy phục vụ khi được cần đến.

MỤC LỤC

Suy niệm 2: ĐỜI SỐNG MANG TÍNH CHẤT CA NGỢI - Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn

 

“Thưa anh em, nhờ Đức Giêsu, chúng ta hãy luôn luôn dùng lời ngợi khen làm lễ tế dâng lên Thiên Chúa, tức là dùng miệng lưỡi mà ca tụng Danh Thánh. Anh em chớ quên làm việc từ thiện, giúp đỡ lẫn nhau, vì Thiên Chúa ưa thích những hy lễ như thế.” (Hr 13,15-16)

Thư Hipri nói đến sự ca ngợi Thiên Chúa bằng lời nói và bằng hành động, bằng đời sống nữa. Lời nói  và đời sống đều là hy lễ dâng cho Thiên Chúa. Như vậy, có một cách ca ngợi Thiên Chúa bằng đời sống, đó là một đời sống mang tính chất ca ngợi. Thế nào là đời sống ca ngợi? Đó không phải là một đời sống thành công trong mọi việc, thu được nhiều lợi tức, luôn được người khác yêu mến và làm vừa lòng mình. Bởi vì thư Hipri đưa ra gương mẫu của một Chúa Giêsu đổ máu ra vì đoàn chiên của mình, nhưng chính Ngài lại là Đấng mang lại bình an.

Đời sống ca ngợi là đời sống không phản kháng. “Anh em hãy vâng lời những người lãnh đạo anh em” (Hr 13,17). Người hay phản kháng luôn có lý do để phản kháng, bởi vì có ai giống ai đâu, nên họ phản kháng những ai không giống họ! Biết ca ngợi có nghĩa là biết nhìn ra những người dám đảm nhận trách nhiệm với cộng đoàn là ân ban của Chúa, là sự hy sinh của họ, và như thế, biết ca ngợi là biết cộng tác, biết nâng đỡ, biết bổ khuyết cho những giới hạn của họ. Với thái độ, như thế, chính chúng ta cũng là ân ban cho người lãnh đạo! Đời sống biết ca ngợi là đời sống biết nhìn ra anh chị em chung quanh cũng là ân ban của Chúa. Tại sao chúng ta thường nhìn người chung quanh bằng cái nhìn tiêu cực, coi như gánh nặng? Bởi vì cách nhìn phản kháng! Biết có cách nhìn tri ân, chúng ta sẽ vui với sự hiện diện của anh chị em.

Chúa Giêsu và các môn đệ đã nhọc mệt vì rao giảng cả ngày, muốn lánh vào nơi vắng vẻ để nghỉ ngơi đôi chút. Nhưng khi vừa ra khỏi thuyết, họ lại gặp đám đông chờ sẵn. Chúa Giêsu coi đó là hạnh phúc và tiếp tục rao giảng cho họ. Ngài thương dân chúng.

Tại sao chúng ta lại phản kháng, phen bì, tính toán khi có dịp để phục vụ người khác? - Vì tâm thế phản kháng! Hãy nhìn đó là điều đáng quý và hãy hân hoan phục vụ. Các nghệ sĩ phục vụ quần chúng, nhưng đôi khi bị khán giả chê bai. Buồn chứ! Nhưng đó là những người còn chú ý, còn đến xem mình diễn; những người không quan tâm đến sự hiện diện của mình, họ đâu có chê bai, đâu có lên tiếng!

MỤC LỤC

Suy niệm 3 - Lm. Phêrô Nguyễn Thiên Cung

 

1-      Sứ điệp nguyên thủy :

(1) Khi mời gọi “đọc” Dt 13, 15-17.20-21 qua lăng kính Mc 6, 30-34, Phụng vụ Lời Chúa hôm nay cho thấy Đức Giêsu-Kitô chính là Hình Ảnh hữu hình của Thiên Chúa-Tình Yêu vô hình (Cl 1, 15), như được phản ảnh, trước tiên, trong Mc 6, 30-34 : ở đây, cách gián tiếp, Đức Giêsu tỏ lộ cho thấy dung mạo tình yêu của Thiên Chúa vô hình, trong tương quan với loài người khổ đau, vẫn đang trên con đường kiếm tìm chân lý và hạnh phúc [“Ra khỏi thuyền, Đức Giêsu thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Ngài bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều.” (6, 34)]…

(2) Thứ đến, trong Dt 13, 15-17.20-21 : ở đây, cho thấy vì chúng ta, Thiên Chúa đã cho Đức Giêsu-Kitô, Con của Ngài, Vị Mục Tử cao cả của chúng ta, ra khỏi cái chết, để thiết lập giao ước tình yêu vĩnh cửu giữa Thiên Chúa và loài người [“Thiên Chúa là nguồn mạch bình an đã đưa Đức Giêsu, Chúa chúng ta ra khỏi cái chết, Đức Giêsu là Vị Mục Tử cao cả của đoàn chiên, là Đấng đã đổ máu mình ra để thiết lập giao ước vĩnh cửu.” (13, 20)]…

 

2-      Sứ điệp cho ngày hôm nay :

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con, những lãnh đạo trong lãnh vực dân sự cũng như tôn giáo, ý thức được rằng chỉ tình yêu mới có thể cảm hóa và thay đổi được con người...

MỤC LỤC

Suy niệm 4: CÁC TÔNG ĐỒ TRỞ VỀ - Gm. Phaolô Nguyễn Thanh Hoan

 

            Sau chuyến ra quân đầu tiên, lâu mau không rõ, các Tin Mừng chỉ nói đến cuộc trở về đầy thành công của các ngài.

            Mục đích của cuộc trở về là để tường trình cho Chúa những việc các ông đã làm. Hành động rồi cần kiểm điểm, đánh giá để nhờ Chúa chỉ bảo, các ông có những kinh nghiệm tốt hơn để chu toàn sứ vụ.

            Ngày nay các hoạt động trong mọi lãnh vực đều có chung phương pháp như vậy. Riêng một cộng đoàn tông đồ như của chúng ta hôm nay rất cần tiếp tục mô hình làm việc của các tông đồ, các cuộc họp cộng tác. Việc chia sẻ hàng tuần không phải là lời khuyên, là lý thuyết mà chính Tin Mừng đang ảnh hưởng đến công việc cũng như cuộc sống chúng ta đến đâu.

            Chính trong bầu khí tập thể đó Chúa đang hiện diện để soi sáng lòng mọi người. Và Thánh Thần có cơ hội thúc đẩy nung nấu chúng ta tới thành công.

            Các tông đồ đã tường trình ới Chúa những gì đã làm, đã rao giảng. Cuộc kiểm điểm lại đời sống thật là quan trọng, vì trong Chúa, nhờ Chúa, với Chúa mà người tông đồ hành động. Đó cũng là lúc cầu nguyện, lúc cùng nhau  hướng lòng về Chúa, bầu khí hiệp nhất bao giờ cũng đẹp lòng Chúa và đem lại nhiều hiệu quả nhất.

            Mỗi giờ chầu cuối ngày của chúng ta cũng có tính hiệp nhất và nhìn vào hoạt động của ta qua bài suy niệm Tin Mừng. Thật là đẹp khi mỗi người nhìn lại ngày sống của mình trước mặt Chúa và sẽ được Ngài vừa tăng cường sức mạnh  thiêng liêng vừa cho ta nghe được tiếng gọi, lời dặn dò của Ngài cho ngày mai. Và như vậy ngày sống của chún ta luôn là một ngày sống phong phú, là ngày đạt đến sự sống sung mãn: “Ta đến để cho chúng được sống và sống dồi dào”.

            Bạn cần lượng giá các giờ chầu của mình xem trong giời đó ta đã hiệp thông với Chúa và với anh em ra sao?

            Trong cuộc gặp gỡ các tông đồ hôm ấy Chúa đã nói một câu rất cảm động: “chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút”.

            Sự quan tâm của Ngài cho các tông đồ thật là thân thương đầm ấm. Sự quan tâm đó vẫn còn hiện tại mỗi buổi tối ta quỳ bên Chúa. Tuy ta khong nghe tiếng ấy nơi ta, vì bây giờ Chúa đang làm việc qua Thánh Linh, tiếng nói đó chúng ta chỉ nhận ra được trong môi trường tĩnh  lặng, đừng ngại ngùng sống trong tĩnh lặng riêng tư với Chúa Giêsu Thánh Thể.

Tác giả: Truc Ho Si

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây