suy niệm - Thứ Tư tuần 11 Thường Niên

Thứ ba - 20/06/2023 19:03
Lời Chúa: Mt. 6, 1-6, 16-18

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con hãy cẩn thận, đừng phô trương công đức trước mặt người ta để thiên hạ trông thấy, bằng không, các con mất công phúc nơi Cha các con là Đấng ở trên trời.
Vậy khi các con bố thí, thì đừng thổi loa báo trước, như bọn giả hình làm ở nơi hội đường và phố xá, để cho người ta ca tụng họ. Quả thật, Ta bảo các con, họ đã được thưởng công rồi. Còn con có bố thí, thì làm sao đừng để tay trái biết việc tay phải làm, để việc con bố thí được giữ kín, và Cha con, Đấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho con.
"Rồi khi các con cầu nguyện, thì cũng chớ làm như những kẻ giả hình: họ ưa đứng cầu nguyện giữa hội đường và các ngả đàng, để thiên hạ trông thấy. Quả thật, Ta bảo các con: họ đã được thưởng công rồi. Còn con khi cầu nguyện, thì hãy vào phòng đóng cửa lại mà cầu xin với Cha con, Đấng ngự nơi bí ẩn, và Cha con, Đấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho con.
"Khi các con ăn chay, thì đừng làm như bọn giả hình thiểu não: họ làm cho mặt mũi ủ dột, để có vẻ ăn chay trước mặt người ta. Quả thật, Ta bảo các con, họ đã được thưởng công rồi. Còn con khi ăn chay, hãy xức dầu thơm trên đầu và rửa mặt, để thiên hạ không biết con ăn chay, nhưng chỉ tỏ ra cho Cha con Đấng ngự nơi bí ẩn, và Cha con thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho con".

Suy Niệm 1: Đấng thấu suốt những gì kín đáo
(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)


“Đã mang tiếng ở trong trời đất,
phải có danh gì với núi sông.”
Danh tiếng để lại cho đời là điều khiến nhiều người bận tâm.
Có người hiến mình để làm những công trình lớn lao để lại cho hậu thế.
Nhưng cũng có người rơi vào thói háo danh,
làm mọi sự chỉ để tìm cho mình chút tiếng khen mau qua.
Trong Bài Giảng trên núi mà ta nghe hôm nay,
Đức Giêsu tố giác thói háo danh của những người đạo đức giả,
khi họ làm ba việc đạo đức căn bản là bố thí, cầu nguyện, ăn chay.
Ngài cũng cho thấy cách sống đạo của người môn đệ.
Làm các việc đạo đức để tìm tiếng khen, là một cám dỗ có thật.
Có người thổi kèn trong hội đường hay ngoài phố khi bố thí.
Có người thích đứng cầu nguyện tại giữa ngã ba đường.
Có người có mang bộ mặt thiểu não khi ăn chay.
Tất cả chỉ nhằm thu hút sự chú ý của nhiều người khác,
chỉ nhằm “cho người ta thấy”, “để người ta khen” (cc. 1. 2. 5. 16).
Họ làm những việc tốt lành, nhưng lại tìm mình, co quắp trên chính mình,
trong khi lẽ ra những việc này phải mở họ ra trước Thiên Chúa.
Đối với Đức Giêsu, được người ta khen là nhận được phần thưởng rồi,
nên cũng chẳng được Cha trên trời ban thưởng nữa (c. 1).
Họ được phần thưởng mau qua của người đời,
nhưng mất phần thưởng trọng hậu trong ngày sau hết.
Đức Giêsu mời các môn đệ đi vào cái kín đáo, thầm lặng,
nơi đó không có con mắt của người đời, không có tiếng khen chê.
Nơi đó kín đến mức tay trái không biết việc tay phải làm.
Nơi đó là căn phòng đóng cửa, để chỉ có Cha và anh gặp gỡ.
Cha là Đấng hiện diện ở nơi kín đáo (cc. 6. 18).
Cha cũng là Đấng thấy những gì được làm ở nơi kín đáo (cc. 4. 6. 18).
Cha thấy anh đã bố thí, cầu nguyện, ăn chay cách thầm lặng.
Chính Cha sẽ ban thưởng cho anh.
“Hữu xạ tự nhiên hương” có thể là một hình ảnh đẹp về người Kitô hữu.
Đời Kitô hữu là cuộc đời kín đáo thầm lặng, như bị che khuất.
Nhưng cũng là cuộc đời không che giấu được trước mắt mọi người.
Chính khi cái tốt được làm một cách vô cầu, thì nó lại tỏa ngát hương.
Không hẳn là chúng ta luôn luôn phải cầu nguyện trong phòng đóng cửa.
Cũng như không hẳn chúng ta phải tô son đánh phấn khi ăn chay.
Nhưng điều quan trọng là chúng ta làm mọi sự cho vinh danh Chúa.
 
Cầu nguyện:
Ngày lại ngày, lạy Thiên Chúa,
tôi sẽ đứng trước Người chiêm ngưỡng dung nhan,
hai tay cung kính, lạy Thiên Chúa muôn loài,
tôi sẽ đứng trước Người chiêm ngưỡng dung nhan.
Dưới bầu trời bao la,
trong cô đơn và thầm lặng,
với tấm lòng thanh tịnh,
tôi sẽ đứng trước Người chiêm ngưỡng dung nhan.
Trong thế giới ồn ào vì nhọc nhằn,
huyên náo vì đấu tranh,
giữa đám đông hối hả lăng xăng,
tôi sẽ đứng trước Người chiêm ngưỡng dung nhan.
Và khi đã hoàn tất việc đời,
lạy Thiên Chúa muôn loài,
một mình, lặng lẽ,
tôi sẽ đứng trước Người chiêm ngưỡng dung nhan. Amen.
(R. Tagore, Đỗ Khánh Hoan dịch)
 
Suy Niệm 2: Chúa sẽ trả lại - (TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Tôn giáo là một tổ chức. Nhưng thực chất lại là mối liên hệ sâu xa và riêng tư giữa từng người với Thiên Chúa. Càng sâu xa và riêng tư hơn nữa khi đó là mối liên hệ Cha – Con. Vì thế các thực hành tôn giáo đúng nghĩa chỉ nói lên mối tình Cha – Con riêng tư. Không để khoe khoang thành tích. Không làm để cho người đời khen tặng. Thực tế đã có nhiều giả hình, phô trương trong sinh hoạt tôn giáo. Mượn đạo tạo đời. Đó là điều Chúa Giê-su cảnh báo: “Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng. Vậy khi bố thí, đừng có khua chiếng đánh trống, …Khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy…Khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả,…Còn anh, khi ăn chay, phải làm…để không ai thấy là anh ăn chay, ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh”.
Chúa sẽ trả lại. Trả cách hậu hĩnh. Như thánh Phao-lô cảm nghiệm. “Thưa anh em, tôi xin nói điều này: gieo ít thì gặt ít; gieo nhiều thì gặt nhiều. Mỗi người hãy cho tuỳ theo quyết định của lòng mình, không buồn phiền, cũng không miễn cưỡng, vì ai vui vẻ dâng hiến, thì được Thiên Chúa yêu thương. Vả lại, Thiên Chúa có đủ quyền tuôn đổ xuống trên anh em mọi thứ ân huệ, để anh em vừa được luôn đầy đủ mọi mặt, vừa được dư thừa mà làm việc thiện”. Người vui vẻ dâng hiến cho Chúa. Chỉ vì Chúa sẽ được Chúa trả lại gấp bội (năm lẻ).
Ê-li-a suốt đời phục vụ Chúa. Ông chỉ biết một mình Chúa. Bất chấp vua A-kháp và hoàng hậu I-de-ven. Kết hợp mật thiết với Chúa. Hi sinh trọn đời cho Chúa. Rồi cuối cùng Chúa ban phần thưởng trọng hậu. Cho có người nối tiếp nhiệm vụ tiên tri. Cho xe lửa và ngựa lửa đón ngài về trời. Để lại quyền năng cho Ê-li-sa, người kế vị: “Các ông còn đang vừa đi vừa nói, thì này một cỗ xe đỏ như lửa và những con ngựa đỏ như lửa tách hai người ra. Và ông Ê-li-a lên trời trong cơn gió lốc…E-li-sa trở về và đứng bên bờ sông Gio-đan. Ông lấy áo choàng của ông Ê-li-a đã rơi xuống mà đập xuống nước … nước rẽ ra hai bên, và ông Ê-li-sa đi qua” (năm chẵn).
Khi sống đạo hình thức. Ta không có Chúa. Đạo thật buồn nản. Là gánh nặng. Nhưng khi sống nội tâm. Với một mình Chúa. Ta có niềm vui. Và sức sống. Vì Chúa sẽ đổ tràn niềm vui mừng hạnh phúc, trả lại cho ta.


Suy niệm 3: “CHO CÁCH VUI LÒNG!” − Giuse Nguyễn Trọng Sơn

Tôi hay nói về cái tôi, từ bỏ cái tôi, theo nghĩa tiêu cực. Tuy nhiên, có thể phân biệt điều mà được gọi là “cái tôi dễ thương” và “cái tôi đáng ghét”! Chị Chiara Lubich nói rằng: “Thái độ ‘làm thống nhất bản thân’, ‘làm cho mình trở nên trống’ phải là nền tảng cho mọi mối quan hệ mà chúng ta có với tha nhân, cho dù họ là bề trên, cấp dưới của chúng ta hay những người cần giúp đỡ. Thái độ ấy là điều kiện tiên quyết cho sự hiệp nhất.” Làm cho mình trở nên trống có nghĩa là từ bỏ cái tôi đáng ghét. Chính lúc ấy, người ta trở nên thống nhất nơi bản thân, và cái tôi dễ thương được lớn lên.
Khi thánh Phaolô nói về việc lạc quyên cho Giáo Hội Giêrusalem đang đói kém, ngài mời gọi thái độ “cho cách vui lòng” nơi các tín hữu Côrintô. Đây chính là yếu tố làm thống nhất bản thân.
Nhiều người tốt lành, cho đi nhiều lắm, dấn thân hơn ai hết, nhưng vẫn cứ “càm ràm”, chê trách người này người nọ, thấy mình đầy công trạng mà không được nhìn nhận như mong ước! Họ vẫn chưa hài lòng về người khác, nhất là chưa cảm thấy vui tươi và bình an ngay trong lòng về lối sống của mình. Hình ảnh những người ăn chay cho người ta thấy, cầu nguyện cho người ta thấy, được người ta nhìn nhận sự bố thí của mình, là những người đang đi tìm sự đánh giá của người khác, và điều này hết sức “bấp bênh”, vì người ta sẽ bất an khi không được nhìn nhận như mong ước! 
Cần cảm thấy bình an và hạnh phúc ngay trong lòng về lối sống của mình. Chỉ một mình Thiên Chúa biết. Và họ bình an, vui với lối sống của mình, vui với việc dấn thân của mình, dù được người ta nhìn nhận đúng hay không!


Suy niệm 4: TÌM CHÚA TRONG LÒNG MÌNH - GM. Phaolô Nguyễn Thanh Hoan

“Khi làm việc lành phúc đức anh em hãy coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy…”.
Một nguyên tắc căn bản, một nguồn vui bằng an bất tận, đó là xây dựng một đời sống nội tâm vững chắc, đó là sống với Chúa ngay trong lòng mình. Người phô trương tìm sự đánh giá của người đời, tìm lời khen ngợi như phần thưởng ăn liền. Còn người có đời sống nội tâm tìm sống đẹp lòng Chúa và phó thác mọi sự trong Ngài, vui với sự hiển diện đầy yêu thương của Ngài giữa cuộc đời mình.
Điều này không có nghĩa là bất cần mọi người, chỉ có Chúa là đủ. Trái lại, càng yêu Chúa càng gần gủi mọi người ; và thể hiện một tấm lòng đã thấm nhuần tình yêu và sự khó nghèo của Thiên Chúa. Bởi vì chúng ta không còn tranh chấp với ai, thi đua với ai, và dễ hòa đồng khi không có cách biệt với ai cả. Nếu có cách biệt, thì đời sống nội tâm luôn luôn tỏ được tình yêu bao la của Thiên Chúa, lòng khoan dung giúp ta thích ứng với những thử thách của bất đồng.
Qua nguyên tắc “vui buồn trong Chúa”, mà nhiều người có kinh nghiệm, người ta dễ tìm thấy sự bình an khi bị hiểu lầm, bị tổn thương, bị thất bại.
Chính lúc ta tìm niềm vui và bình an trong Chúa, Ngài đã sẵn sàng đón nhận ta trong Thánh Linh dịu dàng, ngọt ngào và hoan lạc.               

Cầu nguyện:  
Lạy Chúa Giê-su! Chúa đã dạy con tìm về nguồn hạnh phúc chứa chan là tình Cha yêu thương vô tận. Chúa từ Chúa Cha mà đến, Chúa dạy con kinh nghiệm bình an mà Chúa đã sống. Chúa cũng đã trao lại cho các tông đồ môn đệ Thần khi bình an của Chúa. Hôm nay con sung sướng đón nhận bài học cho đời sống nội tâm, đời sống bình an hạnh phúc.
Xin Chúa ban thêm Thần khí, xức dầu hoan lạc cho con để con không bị lôi cuốn theo chiều gió trần ai, bị lạc thứ ở đời quyến rũ và cảm nhận sâu sắc nguyên tắc “vui trong Chúa, buồn trong Chúa”.
Lạy Chúa, người ta tổng kết cuộc đời sẽ thấy dễ dàng: Đời người chóng tàn, niềm vui mau hết.
Lời khen tiếng đắp đuổi dồn dập trên mọi lứa tuổi.
Nước mắt tiếng cười cũng giống như cơm bánh ăn rồi hết, hết rồi tìm, tìm lại hết.
Giá trị cuộc đời bền vững là tìm mọi sự trong Chúa. Vì tình Chúa là tình Cha. Bàn tay Chúa là bàn tay mẹ. Quyền năng Chúa là quyền năng của tình thương giành cho bất cứ ai nương tựa nơi Ngài.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, Chúa còn hiển diện với con đây, để làm cho lời Chúa càng thêm sống động, thêm Hiệu quả cho hồn con. Xin Chúa ban cho con lòng tin mạnh mẽ: Chúa hằng ở với con. Amen!

Tác giả: Truc Ho Si

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây