Suy niệm - Thứ Tư Tuần 6 Thường Niên

Thứ ba - 14/02/2023 20:50

 

 

Tin Mừng: Mc 8, 22-26
 

Đức Giê-su và các môn đệ đến Bết-xai-đa. Người ta dẫn một người mù đến và nài xin Đức Giê-su sờ vào anh ta. Người cầm lấy tay anh mù, đưa ra khỏi làng, rồi nhổ nước miếng vào mắt anh, đặt tay trên anh và hỏi: “Anh có thấy gì không?” Anh ngước mắt lên và thưa: “Tôi thấy người ta, trông họ như cây cối, họ đi đi lại lại.” Rồi Người lại đặt tay trên mắt anh, anh trông rõ và khỏi hẳn; anh thấy tỏ tường mọi sự. Người cho anh về nhà và dặn: “Anh đừng có vào làng.”



MỤC LỤC

Suy niệm 1: LỚN LÊN TRONG ĐỨC TIN NHỜ ÂN SỦNG - Nhóm Bạn Đường Linh Thao - biên dịch
Suy niệm 2:  NGƯỜI TA NHƯ CÂY CỐI  - Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn
Suy niệm 3:  CON ĐƯỜNG ĐỨC TIN - Gm. Phaolô Nguyễn Thanh Hoan
Suy niệm 4 - Lm. Phêrô Nguyễn Thiên Cung




 

Suy niệm 1: LỚN LÊN TRONG ĐỨC TIN NHỜ ÂN SỦNG - Nhóm Bạn Đường Linh Thao - biên dịch

Nguồn:

https://mycatholic.life/books/catholic-daily-reflections-series/ordinary-time-      

weeks-1-17/sixth-week-in-ordinary-time/

 

Câu chuyện chữa lành của Chúa Giê-su hôm nay khá kì lạ. Ban đầu, Chúa Giê-su chỉ chữa cho người mù một nửa, sau lần đó, anh ta có thể thấy nhưng những gì anh ta thấy chỉ là “trông họ như cây cối, họ đi đi lại lại”. Điều đó khiến Chúa Giê-su đặt tay lên mắt anh ta lần thứ hai để chữa khỏi hoàn toàn cho anh. Tại sao lại như vậy?

Theo trình thuật Tin Mừng từ trước tới nay, khi Chúa Giê-su chữa cho ai, điều đó được xem như là kết quả của đức tin mà họ có. Nhưng không có nghĩa là ai không tin sẽ không được Chúa Giê-su cứu chữa; mà hơn thế, đó là điều Chúa Giê-su chọn làm. Ngài cứu chữa dựa trên niềm tin trọn vẹn.

Trong câu chuyện phép lạ này, có thể thấy người đàn ông mù có niềm tin, nhưng không nhiều, nên Ngài để cho ông ta được hồi phục một phần để làm rõ sự thiếu niềm tin của anh. Nhưng Ngài cũng cho chúng ta thấy rằng một ít niềm tin ấy có thể là nhúm lửa nhỏ làm bùng cháy lên một niềm tin lớn hơn. Một khi thấy được ít, người đàn ông mù bắt đầu tin nhiều hơn. Và khi niềm tin của anh lớn lên, Chúa Giê-su đặt tay trên anh lần nữa và làm cho mắt anh thấy được trọn vẹn.

Cũng như chúng ta vậy. Những ai tin vào Chúa cách trọn vẹn, thì sẽ được ban phúc. Nhưng với những người chưa tin, Ngài dành cho họ nhiều niềm hy vọng hơn. Hành động chữa hai lần cho anh mù nói cho chúng ta biết rằng: Chúa Giê-su rất kiên nhẫn, hay xót thương. Có thể chúng ta chỉ dâng lên Chúa ít ỏi những gì chúng ta có, nhưng Người sẽ sử dụng chúng cách tốt nhất. Người biến đổi chút ít niềm tin ấy để chúng ta có thể bước tới gần Ngài hơn và lớn lên trong đức tin.

Phản tỉnh: hãy suy ngẫm về người đàn ông mù, suy ngẫm về việc cứu chữa hai lần và hai cuộc đối thoại mà anh ta đã trải qua. Hãy nhận ra đó là chính bạn và Chúa Giê-su muốn bạn bước thêm một bước trong đức tin và sự hối lỗi của mình.

Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa vì sự kiên nhẫn không tưởng mà Ngài dành cho con. Con biết đức tin của con thì yếu kém và cần phải được tăng lên. Con biết nỗi đau đớn về tội lỗi của con cũng cần phải tăng lên. Xin Ngài nhận lấy đức tin ít ỏi cùng sự hối lỗi của con và dùng chúng để kéo con thêm một bước gần Ngài và gần trái tim giàu lòng xót thương của Ngài hơn. Lạy Chúa Giê-su, con tín thác vào Ngài.

 

Suy niệm 2:  NGƯỜI TA NHƯ CÂY CỐI  - Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn

Câu chuyện Chúa Giêsu chữa người mù đến hai lần làm cho người đọc thắc mắc: nó có ý nghĩa gì vậy? Phải đặt bản văn này vào mạch văn của Tin Mừng Marcô thì ý nghĩa của câu chuyện mới sáng ra. Các người Pharisêô cứng lòng, không chịu tin vào Chúa Giêsu. Họ đòi dấu lạ từ trời mới chịu tin. Biết là họ cứng lòng, yêu sách ấy chỉ là cái cớ để từ khước tin vào Chúa Giêsu, nên Người từ chối làm phép lạ từ trời. Đứng trước sự cứng lòng như thế, lại còn âm mưu gian tà nhằm chống lại Chúa Giêsu, nên Người cảnh giác các môn đệ phải tránh “men Pharisêô và mên Hêrôđê” ấy. Câu chuyện chữa lành người mù nằm sau những diễn biến trên và trước lời tuyên xưng đức tin của ông Phêrô.

Những người cứng lòng, không chịu tin vào Chúa Giêsu như những người mù, nhìn thấy Chúa Giêsu và những việc Người làm, nghe những lời Người giảng dạy, nhưng họ không nhận ra được điều gì cả! Các môn đệ như là những người trước kia mù loà, khi được Chúa Giêsu “chạm đến”, thì cũng thấy đôi chút, nhưng tình trạng “lờ mờ” này cũng vẫn còn đáng sợ. Họ cần để Chúa Giêsu chạm đến lần nữa để sáng mắt hẳn, thì mới có thể thấy được, mới đón nhận được ơn cứu độ.

Trong đời sống đạo, những người tội lỗi hẳn thì xem ra không đáng sợ bằng những người “lờ mờ”, tưởng mình có đạo là đủ rồi, tưởng mình đạo đức, thánh thiện lắm, tự phụ về thành tích đạo đức bề ngoài của mình, đó mới là thành phần đáng sợ! Những người gây ra những khốn đốn cho Giáo Hội là những thành phần này: tin vào Chúa Giêsu nhưng tin “chưa tới”, “ương ương dở dở”, “nửa mỡ nửa nạc”, giữ đạo, thi hành luật Chúa vừa phải, cầm chừng! Đây mới là thành phần đáng sợ! Chính những người chưa đạt tới tư tưởng và tâm hồn của Chúa Giêsu thì tự phụ về mình, xem thường người khác, coi người khác như “cây cỏ”!

Không sống Lời Chúa hết mình thì không có cảm nhận để hiểu ý nghĩa sâu xa của lời Người, không cảm thấy sự tuyệt vời của Thiên Chúa, của hạnh phúc được là người có đạo; và cũng không hiểu được giá trị của người khác. Những người sống Lời Chúa hời hợt thì hay khó chịu, bực tức người khác; còn những người sống Lời Chúa hết mình thì lại trân quý con người, khám phá ra được những điều hay từ tha nhân và trân trọng ơn ban của Chúa nơi họ.



Suy niệm 3:  CON ĐƯỜNG ĐỨC TIN - Gm. Phaolô Nguyễn Thanh Hoan
 

Con đường đức tin mà thánh Maccô muốn trình bày với chúng ta qua những tường thuật thật đơn giản, nhưng là những kinh nghiệm của thánh Phê-rô, con người đi từ cuộc sống cụ thể của Chúa đến tin, từ mù tối tới ánh sáng.

Với một ít chi tiết lịch sử, chính thánh Phê-rô đã sống, đã chia sẻ với các tân tòng, rồi thánh Máccô kể lại như chứng từ có thiệt, nhưng cũng có cách nhìn, cách hiểu sự kiện của thánh Máccô, được trình bày theo chủ ý thần học hay con đường thiêng liêng để người ta nhận ra Đức Giêsu là ai.

Câu chuyện Chúa chữa một người mù thuật lại với một cách cụ thể, người mù được Chúa cầm tay dắt ra ngoài làng, Chúa vừa đi vừa giúp anh ta tin vào Ngài, hy vọng Ngài sẽ chữa lành.

Nếu Chúa phải  bỏ thời giờ dắt anh ta ra khỏi làng, hẳn Ngài đã muốn làm việc này cách kín đáo và là một chi tiết tự nhiên. Nhưng thánh Máccô đã muốn nhấn mạnh để làm rõ nét hơn về “Bí mật Thiên Sai” nghĩa là người ta chỉ có thể hiểu được Chúa Ki-tô là ai khi người ta chứng kiến được sự Ngài hy sinh trên thập tự và sống lại. Đó là việc Chúa thực  hiện để cứu độ nhân loại.

“Chúa lấy nước miếng Ngài bôi lên mắt người mù, đặt tay lên anh…”. Những cử chỉ Chúa làm không có vẻ phù phép gì cả. Nhưng vào thời thánh Phê-rô rao giảng,  người ta cũng làm các cử chỉ như thế trên người tân tòng được chịu phép rửa. Điều này cho thấy thánh Maccô muốn kể lại câu chuyện phép lạ, cụ thể từ mù đến sáng, để dạy người ta khi chịu phép rửa thì được Chúa hoán cải tận căn nơi con người tân tòng : Anh ta được nghe lời Chúa, được Chúa cho sáng mắt, bằng đức tin mầu nhiệm Nước Trời.

Phép rửa ngày nay cũng vậy, phép rửa mở ra cho chúng ta thấy chân trời mới, được thay đổi cả trong nội tâm. Chúng ta còn có thể nghe được tiếng Chúa nhiệm mầu trong các biến cố, thấy Chúa hoạt động trong đời sống chúng ta và trong các biến cố của thế giới, và từ đó ta có thể nói lên ý nghĩa các biến cố đó hoặc là ý nghĩa của cuộc đời.

Còn một chi tiết nữa, thánh Máccô không bỏ qua đó là Chúa chữa cho người mù thành  hai giai đoạn. Ban đầu thấy người ta giống như cây cối người ta đang đi. Giai đoạn hai mới thấy rõ ràng. Phải chăng cơn bệnh hơi khó khăn đối với Chúa, phải chăng quyền năng Ngài có giới hạn. Không phải, Chúa chỉ muốn giúp người ấy tiến từ từ trong đức tin. Đức tin luôn luôn là vậy : Người ta phải đi lần mò từng bước để làm lớn mạnh đức tin của mình.



Suy niệm 4 - Lm. Phêrô Nguyễn Thiên Cung

 

1-      Sứ điệp nguyên thủy :

(1) Khi mời gọi “đọc” St 8, 6-13.20-22 qua lăng kính Mc 8, 22-26, Phụng vụ Lời Chúa hôm nay cho thấy là Đấng Sáng Tạo chí ái, toàn tri và toàn năng, Thiên Chúa hoàn toàn có thể tạo tác, xây dựng hay phả hủy, tiêu diệt hoặc chữa lành các thụ tạo do Ngài tạo dựng nên, như được phản ảnh, trước tiên, trong St 8, 6-13.20-22 : ở đây, cho thấy rõ điều đó [“Ông Nôê dỡ mái tàu ra và thấy mặt đất đã khô ráo. Ông Nôê dựng một bàn thờ để kính Đức Chúa. Ông đã lấy một số trong các gia súc thanh sạch và các loài chim thanh sạch mà dâng làm lễ toàn thiêu trên bàn thờ. Đức Chúa tự nhủ : ‘Ta sẽ không bao giờ nguyền rủa đất đai vì con người nữa…’!” (8,13b.21)]…

(2) Thứ đến, trong Mc 8, 22-26 : ở đây, cho thấy vừa là người vừa là Thiên Chúa, Đức Giêsu hoàn toàn có thể chữa lành các thứ bệnh tật tâm hồn cũng như thể xác [“Đức Giêsu cầm lấy tay anh mù, đưa ra khỏi làng, rồi nhổ nước miếng vào mắt anh, đặt tay trên anh và hỏi : ‘Anh có thấy gì không ?’ Anh ngước mắt lên và thưa : ‘Tôi thấy người ta, trông họ như cây cối, họ đi đi lại lại’. Rồi Ngài lại đặt tay trên mắt anh, anh trông rõ và khỏi hẳn; anh thấy tỏ tường mọi sự.” (8, 23-25)]…

 

2- Sứ điệp cho ngày hôm nay :

Thụ tạo nếu có hiện hữu, tồn tại, được cứu độ, tất cả, cũng là nhờ tình yêu nhưng không của Chúa mà thôi !

Tác giả: Truc Ho Si

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây