THÁNH BATÔLÔMÊÔ, TÔNG ĐỒ

Thứ tư - 23/08/2023 03:36
Lời Chúa: Ga 1, 45-51

Khi ấy, Philipphê gặp Nathanael và nói với ông: “Đấng đã được Môsê ghi trong Luật và các tiên tri nói đến, chúng tôi đã gặp rồi: đó là Giêsu con ông Giuse, người thành Nadarét”. Nathanael đáp: “Bởi Nadarét nào có cái chi hay?” Philipphê nói: “Hãy đến mà xem”.
Chúa Giêsu thấy Nathanael đi tới Mình, thì nói về ông: “Đây thật là người Israel, nơi ông không có gì gian dối”. Nathanael đáp: “Sao Ngài biết tôi?” Chúa Giêsu trả lời rằng: “Trước khi Philipphê gọi ngươi, lúc ngươi còn ở dưới cây vả, thì Ta đã thấy ngươi”. Nathanael thưa lại rằng: “Lạy Thầy, Thầy là Con Thiên Chúa, là Vua Israel”. Chúa Giêsu trả lời: “Vì Ta đã nói với ngươi rằng: Ta đã thấy ngươi dưới cây vả, nên ngươi tin, ngươi sẽ thấy việc cao trọng hơn thế nữa”. Và Người nói với ông: “Thật, Ta nói thật với các ngươi, các ngươi sẽ thấy trời mở ra, và các Thiên Thần Chúa lên xuống trên Con Người”.

29072020 121631

SUY NIỆM 1: Cứ đến mà xem--Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

Suy niệm:
Thầy Giêsu là người tìm thấy Philípphê và gọi anh đi theo (Ga 1, 43).
Sau khi gặp Thầy, Philípphê đi tìm Nathanaen.
Ông rủ bạn mình đến gặp Thầy Giêsu.
Nathanaen không được nhắc tên trong mọi danh sách nhóm Mười Hai.
Vào thế kỷ thứ 9, có người coi Nathanaen là Batôlômêô,
lý do vì trong mọi danh sách, Batôlômêô là tên luôn đi ngay sau Philípphê.
Chúng ta không chắc Nathanaen có phải là Batôlômêô không.
Nhưng điều đó không quan trọng mấy.
Dù sao Nathanaen cũng là một người môn đệ đã theo Thầy Giêsu,
và đã có mặt trong nhóm gặp Đấng phục sinh bên bờ hồ (Ga 21, 2).
Bài Tin Mừng hôm nay cũng có thể cho ta thấy ít nhiều
về khuôn mặt của vị tông đồ mà chúng ta mừng kính.
Sau khi được Thầy Giêsu tìm thấy và mời: “Anh hãy theo tôi” (c. 43).
Philípphê đã theo Thầy và hẳn đã ở lại với Thầy một thời gian.
Chính sự gần gũi và quen biết này
đã khiến ông tin Thầy là Đấng được tất cả Sách Thánh nói tới (c. 45).
Trong niềm vui sướng, Philípphê tìm thấy Nathanaen, và khoe:
“Chúng tôi đã tìm thấy Đấng mà sách Luật Môsê và các ngôn sứ nói tới.”
Đấng ấy có tên là Giêsu, có cha là Giuse, có quê ở Nadarét.
Với một chút thành kiến, Nathanaen đã không thể tin được chuyện này.
Một ngôi làng vô danh như Nadarét, làm sao có thể sinh ra điều tốt được?
Nhưng Philípphê không chịu bỏ cuộc, ông tiếp tục mời gọi bạn mình,
như Đức Giêsu đã mời hai môn đệ đầu tiên: “Hãy đến mà xem” (cc. 39. 46).
Cuối cùng Nathanaen đã nhận lời, đã đến và đã xem thấy.
Cuộc hạnh ngộ diễn ra giữa Thầy Giêsu với Nathanaen.
Bằng cái nhìn thấu suốt, Thầy nhận ra cái tốt đẹp nơi con người anh:
“Đây là một người Israel đích thật, nơi anh không có gì gian dối” (c. 47).
Quả là một lời khen bất ngờ đối với Nathanaen, người mới gặp Thầy lần đầu.
Anh ngỡ ngàng khi thấy Thầy biết rõ bề sâu của lòng mình.
“Làm sao Ngài lại biết tôi?” (c. 48).
Làm sao Ngài biết tôi là người không thích quanh co, gian dối?
Đức Giêsu bảo Ngài đã thấy anh dưới cây vả, trước khi Philípphê gọi anh.
Nathanaen nhanh chóng tuyên xưng niềm tin vào Thầy Giêsu (c. 49).
Và Thầy hứa sẽ cho anh thấy trời mở ra để trò chuyện với con người.
Thầy như cái thang bắc từ trời, để các thiên thần lên xuống (c. 51),
để Thiên Chúa và con người gặp nhau.
Như Nathanaen, chúng ta cũng trở nên môn đệ nhờ có người giới thiệu.
Chỉ ai đã thực sự gặp mới hăng hái đi giới thiệu Chúa với người khác.
Chúa Giêsu hôm nay vẫn qua người khác mà gọi tôi theo Ngài.
Nhưng cuối cùng chính tôi vẫn phải gặp mặt Ngài và để Ngài chinh phục.
Dần dần Ngài dắt tôi vào mầu nhiệm của con người Ngài.
Ngài là Giêsu Nadarét, con ông Giuse, và là chính Con Thiên Chúa
Ngài là chiếc thang đưa tôi từ đất lên mà gặp gỡ trời cao.
 
Cầu nguyện:
Lạy Chúa,
khi đến với Chúa
con tháo bỏ đôi giày: những tham vọng của con
con cởi bỏ đồng hồ: thời khóa biểu của con,
con đóng lại bút viết: các quan điểm của con,
con bỏ xuống chìa khóa: sự an toàn của con,
để con được ở một mình với Ngài,
lạy Thiên Chúa duy nhất và chân thật.
Sau khi được ở với Ngài,
con sẽ xỏ giày vào
để đi theo đường của Chúa,
con sẽ đeo đồng hồ
để sống trong thời gian của Chúa,
con sẽ đeo kính vào
để nhìn thế giới của Chúa,
con sẽ mở bút ra
để viết những tư tưởng của Chúa,
con sẽ cầm chìa khóa lên
để mở những cánh cửa của Chúa. (Graham Kings)


SUY NIỆM 2: ĐỨC TIN CỦA CÁI ĐẦU VÀ CỦA GẶP GỠ − Giuse Nguyễn Trọng Sơn

Một cha giáo chủng viện than rằng: bài suy niệm giờ chầu Thánh Thể của chủng sinh nặng chất thần học quá, mà không giúp người nghe đi vào gặp gỡ Thiên Chúa! Nghe thế, tôi nói rằng: đó là một thứ “bệnh nghề nghiệp”, sinh viên thần học và các cha phó mới ra trường thường có những bài viết, bài giảng rất nặng tính chất giáo khoa. Và đôi khi chính các cha giáo cũng có những bài giảng nặng về kiến thức!
Ông Batôlômêô hay còn gọi là Natanaen làm tôi nghĩ đến niềm tin của cái đầu và của gặp gỡ. Ông là một người thông thạo Thánh Kinh, được diễn tả qua hình ảnh “người ngồi dưới gốc cây vả” (x. Ga 1,48). Bạn ông là ông Philipphê biết rõ điều đó, nên khi giới thiệu Đức Giêsu như Đấng Messia cho bạn mình, thì ông vừa nói rõ ràng xuất xứ “ông Giêsu, con ông Giuse, người Nadarét” (Ga 1,45), vừa không tranh luận với bạn mình, mà chỉ mời bạn đến gặp gỡ Đức Giêsu: “Cứ đến mà xem!” (Ga 1,46). Ông Philliphê không tranh luận bằng lý lẽ, bằng kiến thức, bởi vì ông Natanaen đã nói đúng: “Từ Nadarét, làm sao có cái gì hay được?” (Ga 1,46), bởi vì Thánh Kinh không hề nói có vị tiên tri nào xuất thân từ Nadarét cả! Nhưng khi ông Natanaen vừa gặp Đức Giêsu, chỉ qua vài câu đối thoại, ông nhận ra ngay đó chính là Đấng Messia. Ông khám phá ra sự thật mà sách vở, lý luận không thể nói cho ông biết được!
Một thứ đức tin của cái đầu được thể hiện qua cách dạy giáo lý cho trẻ em và dự tòng khi chỉ tập chú vào việc học thuộc bài! Một thứ đời sống đức tin chỉ tập chú vào việc giữ luật lệ và những cách giải nghĩa luật lệ, bắt lỗi khi không giữ luật lệ chỉn chu, làm cho người ta chỉ thấy tội và bắt lỗi lẫn nhau, phê phán nhau! Những kiến thức và luật lệ là cần thiết nhưng không đủ, còn là thiếu trầm trọng đối với đức tin, bởi vì đức tin phải đưa người tin đến gặp gỡ Thiên Chúa, đến việc sống tương giao với Ngài! Đức tin đưa tín hữu đến với một Đấng chứ không phải đến với những thứ chung quanh! Và nếu đức tin là một cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa, thì tín hữu cũng được đưa đến gặp gỡ anh chị em mình, bởi vì chính Thiên Chúa cũng đi đến tìm gặp con người. Với những cuộc gặp gỡ Thiên Chúa và con người bổ túc cho nhau, tín hữu sẽ khám phá được những điều mà kiến thức không mang lại cho họ, và đời sống đức tin sẽ trở nên sinh động, có sức thu hút và thấm đượm lòng mến.

SUY NIỆM 3: Cảm nghiệm gặp gỡ Chúa--Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ

Câu chuyện
Cha S. Hodden thấy một đại úy đến xin học đạo. Khi ngài hỏi lý do, ông trả lời như sau:
“Trong đại đội tôi, có một binh nhì là Kitô hữu. Đêm nọ, anh đi gác về, mình mẩy ướt nhẹp, nhưng trước khi ngủ, anh còn quỳ gối đọc kinh. Ngứa mắt, tôi đá cho anh một cú vào đầu, ngã lăn ra. Nhưng anh ngồi dậy, không nói gì và tiếp tục cầu nguyện. Sáng hôm sau, tôi thấy đôi giày mà tối qua tôi đá anh được đánh bóng láng và xếp ngay ngắn bên giường ngủ. Điều đó làm tôi sững sờ, hổ thẹn và vì thế tôi quyết tâm học đạo”.
Suy niệm
Philipphê cùng quê quán với hai anh em Phêrô và Anrê, ở làng chài Bétsaiđa bên bờ biển Tibêriát. Ông là một trong những vị tông đồ đầu tiên được gọi theo Chúa như Tin Mừng Gioan ghi nhận ngay ở chương đầu (x. Ga 1,43-44).
Philipphê gặp Nathanaen cũng thường gọi Batôlômêô, giới thiệu về thầy của mình – Đức Giêsu: “Chúng tôi đã gặp thấy Con Người mà luật Môisê và các tiên tri đã nói đến: Đó chính là Giêsu, con trai ông Giuse làng Nadarét”. Cùng với Betsaiđa, Cana, Nadarét chỉ là những thị trấn nhỏ vùng quê. Trong Cựu ước không có một ngôn sứ nào nhắc đến Nadarét. Vì thế, Nathanaen, người Cana, nghi ngờ rằng thân thế của Thầy Giêsu: “Từ Nadarét làm sao có cái gì hay được”. Philipphê không cần mất thời giờ để tranh luận, nhưng thuyết phục bạn mình đến gặp Đức Giêsu để chính Nathanen tự mình khám phá ra Ngài: “Hãy đến mà xem”. Chỉ kinh nghiệm gặp và sống với Chúa Giêsu mới có thể giúp Nathanaen vượt qua được những giới hạn trần tục, che kín mầu nhiệm Con Thiên Chúa nhập thể. “Hãy đến mà xem”, là câu trả lời của Chúa Giêsu, khi hai ông Andrê và Gioan, những môn đệ của ông Gioan Tẩy giả hỏi Ngài: “Thưa Thầy, Thầy ở đâu?” Chúa trả lời: “Hãy đến mà xem... đến và xem chỗ Người ở, và ở lại với Người…” (Ga 1,35-42).
Vừa gặp Chúa Giêsu, Ngài đã nhận định về ông như một người Israel đích thực: “Lòng dạ không có gì gian dối”. Ông đã kinh ngạc trước nhận xét của Đức Giêsu, Đấng thấu suốt lòng dạ con người. Đức Giêsu biết rõ Nathanaen đang khao khát hiểu biết về Thiên Chúa, đang muốn gặp Thiên Chúa. Người đã đặt vào lòng Nathanaen lòng khao khát Đấng đã dựng nên con người vì tình yêu: “Trước khi Philipphê gặp anh, Thầy đã thấy anh dưới cây vả”. Nathanaen đã đến và nghe lời Chúa Cứu Thế, ông đã hết sức cảm phục” (x. Ga 1,43-51).
Từ đời đời, Thiên Chúa đã biết ta trong mọi bí ẩn của tâm hồn. Chúa dò thấu tường tận. Không có gì kín nhiệm mà Chúa không thông suốt. Chúa biết rõ tất cả nơi chúng ta.
Qua cuộc gặp gỡ Chúa đã biến đổi Nathanaen, tình gắn bó với Thầy bền vững. Cũng thế, người đến gặp gỡ Thiên Chúa là thân thiết với Ngài, là biết Người một cách thâm sâu hơn, là “kiểm nghiệm bằng mắt thấy tai nghe, bằng con người xương thịt, cái thực tại lịch sử sẽ làm nền tảng cho đức tin”(x: P.E Jacquemin, “Assemblées du Seigneur”, số 33, tr.57)
Ý lực sống
“Thiên Chúa đã muốn cho họ được biết bí nhiệm này phong phú và hiển hách biết bao giữa các dân ngoại: đó là chính Đức Kitô đang ở giữa anh em, Đấng ban cho chúng ta niềm hy vọng đạt tới vinh quang” (Cl 1,26-27).
 
SUY NIỆM 4: Người Israel lòng dạ ngay thẳng--Lm. Giuse Đinh Tất Quý

Trong Tân Ước, Thánh Batôlômêô chỉ được nhắc đến trong danh sách các tông đồ. Một số học giả cho rằng ngài là Natanien, người Cana xứ Galilê được Philípphê mời đến gặp Ðức Giêsu. Và Ðức Giêsu đã khen ông: "Ðây đích thực là người Israel. Lòng dạ ngay thẳng" (Ga 1,47b). Khi Natanien hỏi Ðức Giêsu làm sao Ngài biết ông, Ðức Giêsu trả lời "Tôi thấy anh ở dưới cây vả" (Ga 1,48b). Ðiều tiết lộ kinh ngạc này đã khiến Natanien phải kêu lên, "Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa; chính Thầy là Vua Israel" (Ga 1,49b). Nhưng Ðức Giêsu đã phản ứng lại, "Có phải anh tin vì tôi nói với anh là tôi thấy anh dưới cây vả? Anh sẽ được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa!" (Ga 1,50)
Theo truyền thuyết truyền lại, thì thánh nhân là người có tầm vóc trung bình với mái tóc đen, nước da trắng trẻo, và đôi mắt tròn, lớn ẩn sâu trong hai con mắt hơi rộng, ngày ngày Ngài đọc kinh có tới trăm lần. Giọng nói của Ngài sang sảng và có sức thu hút lạ thường. Vẻ mặt Ngài luôn luôn vui tươi, Ngài cũng được ơn nói nhiều thứ tiếng và biết mọi sự tương lai. Với những ơn đặc biệt ấy, danh tiếng Ngài chả mấy chốc lừng lẫy như sóng cồn, khiến bao nhiêu con bệnh cũng như bao nhiêu người mắc cơn nguy biến đều tìm đến xin thánh nhân cứu chữa. Bấy giờ vua Pôlêmon (Polemon) có một công chúa bị quỷ ám. Vua đã nhờ các quỷ khác trừ nhưng vô hiệu quả, nghe nói thánh nhân có uy quyền trừ được tà ma, đầu tiên nhà vua không tin, nhưng phần tin công chúa, phần muốn thử tài của Ngài nên vua cho mời thánh nhân tới. Sau khi cầu nguyện sốt sắng, thánh nhân đã trừ quỷ và chữa cho công Chúa khỏi. Trước phép lạ nhãn tiền này, nhà vua cho người mang vàng bạc hậu tạ thánh nhân, nhưng Ngài một mực khước từ. Một đêm kia vua Polêmon chiêm bao thấy thánh nhân hiện đến và nói với nhà vua rằng: “Tôi đến đây không phải để gầy dựng gia nghiệp, thu tích vàng bạc nhưng để cứu rỗi các linh hồn, giải phóng người ta khỏi ách lầm than của ma quỷ. Đồng thời vua cũng được thánh nhân giảng cho biết qua về Chúa Giêsu và hứa sẽ chỉ tên vạch mặt quỷ Atarôt, bằng cách bắt nó tuyên xưng Chúa Kitô rồi mới trục xuất nó ra một lần nữa. Sự việc xẩy ra y như vua đã chiêm bao: một ngày kia trước mặt vua và cả triều đình thánh nhân công khai bắt tên quỷ Atarôt thú nhận nó là tên lừa bịp dân chúng và là tên phản tặc đối với Thiên Chúa. Đồng thời nó tuyên xưng thánh nhân là tông đồ Thiên Chúa sai đến để truyền bá Phúc âm. Thánh nhân ra lệnh cho nó phải cút khỏi vùng này và cấm từ nay không được lai vãng đến hại dân. Tên quỷ vâng lệnh và “cúp đuôi” biến mất. Bấy giờ dân chúng hết lời ca tụng thánh nhân và đập phá tượng quỷ đang thờ. Chứng kiến phép lạ nhãn tiền này, cả triều vua xin học đạo và chịu phép rửa tội.
Ma quỷ căm giận vì thất bại nên tìm cách trả thù. Chúng xúi giục một số viên chức nổi lên chống đối lại thánh nhân và coi Ngài như kẻ thù phá hoại chùa miếu đền thờ, phá rối an ninh. Rồi tiếng đồn thổi vu cáo thánh nhân mỗi ngày một lan rộng.
Lần kia một số công chức âm mưu đến vu cáo với vua Atigiê (Attiges) em vua Polemê (Polemes) rằng: thánh nhân đã phá hủy đền chùa của họ. Tức giận, Atigiê truyền đưa thánh nhân tới. Trước sân rồng lộng lẫy, thánh nhân đàng hoàng tiến lên tâu trình mọi việc với nhà vua. Đang khi nhà vua sỉ nhục thánh nhân thì tất cả các tượng bụt trong đền vua tự nhiên đổ tan tành, nhà vua nổi nóng hạ lệnh lột da rồi thiêu sinh thánh nhân. Nhưng Chúa toàn năng đã tỏ uy quyền của Ngài để mở mắt cho những kẻ mù tối: qua hai cuộc hành hình thánh nhân vẫn còn sống. Sau cùng thánh nhân bị trảm quyết, ngày 24 tháng 8 năm 52.
Nghe tin thánh nhân bị trảm quyết, cả triều vua Pôlômon vội vã sang xin xác thánh Ngài và an táng rất trọng thế. Để thưởng công vua Pôlômon, sau 30 ngày các vị tông đồ đã truy phong nhà vua lên chức giám mục. Còn vua Atigiê và những kẻ đã nhúng tay hành quyết thánh nhân đều bị bệnh quỷ ám và chết một cách khốn nạn.
Sau khi an táng xác thánh nhân, dân chúng tấp nập đến kính viếng và được hưởng nhiều phép lạ. Nhiều người lương dân thấy vậy đâm ghen tương. Họ bí mật quật mộ và quẳng quan tài Ngài xuống biển. Nhưng Chúa quan phòng đã làm phép lạ khiến tấm quan tài bằng chì của thánh nhân nổi lềnh đềnh trên mặt biển và được sóng biển đưa tới hòn đảo Lipari gần Xixin (Cicile). Tín hữu miền này rước quan tài thánh nhân về miền Bênêven và xây cất đền thờ kính Ngài. Với những phép lạ thời danh Ngài làm, chẳng bao lâu nơi đây trở thành đất hành hương danh tiếng. Năm 983 dưới thời Đức giáo hoàng Grêgôriô V, xác thánh Ngài được di chuyển vể La-mã nằm bên cạnh các Tông đồ khác.
Sổ Tử Ðạo Rôma viết rằng Thánh Batôlômêô đã rao giảng ở Ấn và Armenia, là nơi ngài bị lột da và bị chém đầu bởi vua Astyages.

Tác giả: Truc Ho Si

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây