Thứ Ba 15/11/2022 – Thứ Ba tuần 33 thường niên. – Thể hiện hoán cải cách cụ thể.

Thứ hai - 14/11/2022 04:19

Lời Chúa: Lc 19, 1-10

Khi ấy, Chúa Giêsu vào Giêricô và đi ngang qua thành, thì kìa, có một người tên là Giakêu, ông thủ lãnh những người thu thuế và là người giàu có. Ông tìm cách để nhìn xem Chúa Giêsu là người thế nào, nhưng không thể được, vì người ta đông quá, mà ông lại thấp bé. Vậy ông chạy lên trước, trèo lên một cây sung để nhìn xem Người, vì Người sắp đi ngang qua đó.

Khi vừa đến nơi, Chúa Giêsu nhìn lên và trông thấy ông ấy, nên Người bảo ông rằng: "Hỡi Giakêu, hãy xuống mau, vì hôm nay Ta phải lưu lại tại nhà ngươi". Ông vội vàng trụt xuống và vui vẻ đón tiếp Người. Mọi người thấy vậy, liền lẩm bẩm rằng: "Ông này lại đến trọ nhà một người tội lỗi".

Ông Giakêu đứng lên thưa cùng Chúa rằng: "Lạy Ngài, tôi xin bố thí nửa phần của cải tôi cho kẻ khó, và nếu tôi có làm thiệt hại cho ai điều gì, tôi xin đền gấp bốn". Chúa Giêsu bảo ông ấy rằng: "Hôm nay nhà này được ơn cứu độ, bởi người này cũng là con cái Abraham. Vì chưng, Con Người đến tìm kiếm và cứu chữa điễu gì đã hư mất".

 

Suy niệm 1: Xuống mau đi

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

Ở thành phố Giêricô không chỉ có anh mù Báctimê ngồi ăn xin,

mà còn có ông Giakêu, đứng đầu các người thu thuế.

Ông là người giàu có, nhưng thật ra ông là người nghèo,

vì ông bị mọi người khinh rẻ bởi cái nghề thu thuế của ông.

Giakêu đi chung với đám đông, theo sau Đức Giêsu.

Ông có một khao khát mãnh liệt là được thấy mặt Ngài,

vì chắc ông đã nghe nhiều người nói về vị ngôn sứ khác thường này.

Giêsu không khinh giới thu thuế, trái lại còn kết bè kết bạn với họ.

Giêsu là ai? Đó là người ông tìm cách gặp mặt (c. 3).

Có hai cản trở khiến cho cuộc gặp gỡ trở nên khó khăn.

Đám đông vây quanh Đức Giêsu khiến ông không thấy Ngài.

Hơn thế nữa, thân hình ông lại thấp bé.

Nhưng Giakêu không nản lòng.

Ông chạy đón đàng trước và leo lên một cây sung để thấy Đức Giêsu,

vì ông biết thế nào Ngài cũng đi qua đó.

Như thế ông đã vượt qua được đám đông và sự thấp bé của mình.

Để vượt qua thì phải chạy chứ không đi từ từ,

và phải vất vả leo lên cao, vượt lên trên cái tôi nhỏ bé.

Giakêu khao khát đến mức nào mới dám nghĩ và dám làm như vậy.

Điều mà Giakêu không ngờ là Đức Giêsu đã dừng lại nơi cây sung,

và ngước mắt nhìn lên ông đang nằm bò trên cây như một đứa trẻ.

Ánh mắt của Ngài kéo theo hàng trăm cái nhìn khác của đám đông.

Giakêu chắc xấu hổ luống cuống, còn Đức Giêsu thì hạnh phúc tràn trề.

Dường như Ngài quên đám đông, để chỉ nghĩ đến con chiên lạc này.

“Giakêu, xuống nhanh đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông” (c. 5).

Đây là một lời hối thúc dịu dàng và một đề nghị bất ngờ.

Giakêu ngỡ ngàng trước ánh mắt ấy, lời nói ấy.

Ông đã nhanh chóng leo xuống và dẫn Đức Giêsu về nhà mình.

Đường từ gốc sung về nhà ông bao xa, ta không biết,

nhưng chắc chắn đó là đoạn đường đầy niềm vui.

Giakêu bỗng thấy mình mất đi mặc cảm tự ti, lấy lại được danh dự,

vì Đức Giêsu sắp đến nhà ông, căn nhà ít ai muốn đến (c. 7).

Ông chỉ muốn thấy mặt Ngài, còn Ngài lại muốn vén mở lòng mình.

Cách cư xử của Ngài đối với một người tội lỗi như ông

đã làm lòng ông tan chảy và mời gọi ông đổi đời.

Những thứ ông từng say mê, bây giờ chẳng có gì hấp dẫn.

“Tôi xin cho người nghèo nửa tài sản của tôi…” (c. 8).

Giakêu đã hoán cải một cách bất ngờ, tự nguyện, sâu xa và cụ thể.

Cuộc đổi đời của Giakêu là kết quả của việc hai người đi tìm nhau.

Không phải chỉ Giakêu mới là người đi tìm.

“Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất” (c. 10).

Giakêu dạy cho chúng ta biết cách tìm kiếm Chúa trong đời.

Phải ước ao cho mãnh liệt, rồi ta sẽ được soi sáng để tìm ra con đường,

ngay cả khi ở trong tình huống tưởng như tuyệt vọng.

“Hôm nay ơn cứu độ đã đến cho nhà này” (c. 9).

Giakêu đã quảng đại và vui sướng, mở lòng để đón lấy ơn cứu độ đó.

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,

sám hối không phải là điều dễ dàng,

bởi lẽ chúng con không đủ khiêm tốn

để nhận mình lầm lỗi.

Chúng con ngỡ ngàng

khi thấy Chúa là Đấng vô tội

mà lại đứng chung với các tội nhân,

chờ Gioan ban phép Rửa.

Chúa đã muốn nên bạn đồng hành

với phận người mỏng dòn yếu đuối chúng con.

Xin cho chúng con biết thường xuyên điều chỉnh

lối nghĩ và lối sống của mình,

tỉnh táo để khỏi rơi vào ảo tưởng,

thành thật để khỏi tự dối mình.

Ước gì Chúa ban cho chúng con ơn hoán cải,

dám đi đến những hành động cụ thể,

và chấp nhận những cắt tỉa đớn đau.

Nhưng xin đừng quên ban cho chúng con

niềm vui của Giakêu, hạnh phúc vì được tự do và được yêu mến. Amen

 

Suy niệm 2: Vượt thắng

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Sống là chiến đấu. Với ma quỉ, xác thịt, thế gian. Ngay trong bản thân. Vì thế phải chiến đấu với chính mình. Nước Trời dành cho ai thắng vượt chính mình.

Ông Gia-kêu hôm nay thắng vượt chính mình. Đời ông chìm trong tội lỗi. Tội lỗi công khai. Tội lỗi thầm kín. Tội lỗi khiến ông tuy giầu có nhưng băn khoăn ray rứt. Muốn tìm cách thoát ra. Muốn thoát ra phải vượt qua chính mình. Nên ông trèo lên cây sung. Bất chấp tuổi tác. Bất chấp địa vị. Nhưng lạ chưa. Chúa nhìn thấy ông từ bao giờ. Chúa ngỏ lời với ông khi ông chưa kịp ngỏ lời với Chúa. Chúa xin vào nhà ông trước khi ông dám lên tiếng mời Chúa. Chúa đã đi bước trước. Ông liền cởi mở. Không những mở cửa nhà mà còn mở cả tấm lòng. Đón Chúa vào ông tống khứ hết những gì đối nghịch với Chúa. Tống khứ hết những gì khiến lương tâm ông ray rứt không yên nghỉ. Hoàn toàn dứt bỏ cuộc sống cũ. Hoàn toàn chết cho con người cũ. Để sống cho con người mới. Chúa công khai nhận ông là con cháu Áp-ra-ham. Lớn tiếng chúc phúc cho ông và gia đình.

Ê-la-da cũng đã hoàn toàn chiến thắng. Ông đã suốt đời thờ phượng Chúa. Ông quyết chết cho Chúa. Nên không chịu giả hình. Ông quyết trung thực, ngay thẳng. Hiên ngang làm chứng cho Chúa. Ông đã sống cho Chúa. Ông sẽ chết cho Chúa. Ông đã vượt thắng thế gian. Vượt thắng nỗi ham sống sợ chết. Vì ông tin tưởng. Chúa cao cả hơn trần gian. Đời sau đáng quí hơn đời này. Ông nói: “Đức Chúa là Đấng thông suốt mọi sự, hẳn Người biết là dù có thể thoát chết, nhưng tôi vẫn cam chịu những lằn roi gây đau đớn dữ dằn trong thân xác, còn trong tâm hồn, tôi vui vẻ chịu khổ vì lòng kính sợ Người” (năm lẻ).

Sách Khải huyền khích lệ ta phải chiến đấu để thắng vượt thế gian. “Ai thắng sẽ được mặc áo trắng”. Và thắng vượt chính mình. Đừng sống dật dờ uể oải. Phải tích cực “Vì ngươi hâm hẩm chẳng nóng chẳng lạnh, nên Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng Ta”. Phải tích cực tống cổ thói xấu. Phải sẵn sàng mở cửa đón Chúa vào. “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy…Ai thắng, Ta sẽ cho ngự bên Ta, trên ngai của Ta” (năm chẵn).

Thật hạnh phúc. Khi ta thắng vượt chính mình. Ta sẽ được phần thưởng là chính Chúa. Sẽ được ở với Chúa. Dự tiệc với Chúa. Lạy Chúa, xin ban sức mạnh. Để con chiến thắng trong cuộc chiến này. Amen.

 

Suy niệm 3: Hoán cải đích thực

Gặp gỡ Chúa Giêsu là một biến cố hồng phúc cho con người, nếu người đó không lo sợ hoặc tránh né cuộc gặp gỡ này.

Tin Mừng hôm nay thuật lại cho chúng ta cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và ông Giakêu. Chúng ta có thể ghi nhận hai thái độ trong cuộc gặp gỡ này. Trước hết là thái độ của những kẻ tự cho mình là công chính mà khinh dễ kẻ khác, không muốn cho kẻ khác đến gặp Chúa và nhận lãnh ơn lành của Chúa. Ðó là thái độ của những kẻ lẩm bẩm trách Chúa đã niềm nở đón tiếp những người tội lỗi và ăn uống với họ, bởi vì đối với Chúa không có ai xấu xa tội lỗi đến độ không đáng được hưởng lòng nhân từ tha thứ của Chúa. Liệu chúng ta có thái độ của những kẻ tự cho mình là công chính và khinh dễ người khác không?

Thái độ thứ hai là thái độ của ông Giakêu, người thu thuế trưởng và giầu có. Ðối với người Do thái, người thu thuế là kẻ tội lỗi công khai: đó là tội phản bội quê hương cộng tác với ngoại bang, và tội gian lận tiền thuế quá mức qui định. Giakêu là người thu thuế trưởng và giầu có, sự giầu có này theo lý luận của người Do thái, chứng tỏ ông có những hành vi bất chính để làm giầu: thu nhiều, nộp ít, và như vậy ông là một người tội lỗi. Ðối với người đồng hương với Giakêu, thì tội của ông không thể tha thứ được; nhưng đối với Chúa Giêsu, Ðấng đến tìm và cứu những gì đã hư mất, thì đây là dịp để thể hiện tình thương nhân từ của Thiên Chúa.

Nơi con người tội lỗi Giakêu vẫn còn một khát vọng hướng về Chúa: ông muốn nhìn xem Chúa Giêsu đi qua, và đây là yếu tố căn bản để được Chúa thi ân. Từ một khát khao gặp Chúa đến việc ăn năn trở lại không có khoảng cách không vượt qua được, vì Chúa Giêsu có thể vượt qua khoảng cách này một khi con người đã có sẵn thái độ chờ mong Ngài đến. Thái độ của Giakêu có thể khuyến khích chúng ta trở về với Chúa. Ông đã thể hiện sự trở lại của mình bằng một hành động cụ thể thiết thực: phân chia nửa phần tài sản cho người nghèo và đền bù gấp bốn cho những thiệt hại ông đã gây ra cho kẻ khác.

Ước gì Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta thể hiện một cách cụ thể sự hoán cải của mình. Xin cho chúng ta đừng bao giờ đùa giỡn hay lạm dụng lòng nhân từ của Chúa, nhưng luôn biết cộng tác với ơn Chúa và thành tâm trở về với Chúa.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy niệm 4: Thủ lãnh người thu thuế

Gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô luôn luôn là một biến cố hồng phúc cho con người, nếu người đó không lo sợ hay tránh né cuộc gặp gỡ này với những lý do này, lý do nọ. Hôm qua, chúng ta cùng nhau Suy niệm về thái độ khiêm tốn của anh mù ăn xin bên vệ đường gần thành Giêrikhô, nhưng vội vàng nắm lấy vận may khi nghe biết Chúa Giêsu đi ngang qua và chân thành cầu xin: "Lạy con vua Ðavít, xin thương xót con. Xin cho con được nhìn thấy". Và anh đã được nhìn thấy ơn lành của Chúa và ca tụng Ngài.

Hôm nay, Giáo Hội trình bày cho chúng ta một cuộc gặp gỡ khác nữa, cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và ông Dakêu, người thu thuế. Cuộc gặp gỡ này đã mang đến cho ông Dakêu ơn ăn năn trở lại và sự an vui trong tâm hồn mà ông hằng mong ước.

Trong cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và ông Dakêu, chúng ta thấy có hai thái độ:

- Thái độ của những kẻ tự cho mình là công chính mà khinh dễ kẻ khác, không muốn cho kẻ khác gặp được Chúa, được ơn lành của Ngài và ăn năn trở lại. Ðó là thái độ mà chúng ta nhìn thấy nơi những kẻ lẩm bẩm trách Chúa đến trú ngụ và chia sẻ tình thân với ông Dakêu qua bữa tiệc: "ông này trú ngụ tại nhà người tội lỗi và là tội lỗi nặng, đã bị cộng đồng chối từ loại bỏ". Thái độ của họ cũng giống như thái độ của những người ngăn trở không cho anh mù ăn xin bên vệ đường đến gặp Chúa Giêsu. Họ ngăn cản anh, bảo anh hãy im đi. Liệu chúng ta có có thái độ giống như vậy hay không?

Chúng ta có thể tự phụ mình là người công chính mà khinh dể anh chị em chung quanh. Xét đoán anh chị em là kẻ tội lỗi và không đáng gặp Chúa Giêsu, không đáng lãnh nhận ơn lành Ngài ban, không đáng được thông cảm để trở về với Chúa và canh tân đời sống tốt đẹp hơn. Chúng ta có thái độ tự phụ như vậy không? Không ai xấu xa mãi mãi đến độ không đáng hưởng nhận lòng nhân từ và sự tha thứ của Chúa.

- Thái độ thứ hai là thái độ của ông Dakêu, người thu thuế trưởng và giàu có. Hai chi tiết này không nhằm mô tả địa vị xã hội của ông, mà mô tả tình trạng tinh thần của ông. Người thu thuế là kẻ tội lỗi công khai, tội phản bội quê hương, tội cộng tác với ngoại bang đế quốc Rôma thống trị và tội gian lận tham nhũng tiền thuế, vì người thu thuế có quyền do người Rôma thống trị ban cho là thu thuế cao mà chỉ góp cho chính quyền Rôma theo mức qui định thấp hơn để có thể có lợi cho mình. Ông Dakêu là người thu thuế trưởng và giàu có. Sự giầu có chứng minh là ông đã có hành vi bất chính để làm giàu, đó là thu nhiều nộp ít để làm giàu. Ðối với người đồng hương của ông, hay những kẻ tự phụ cho mình là người công chính mà khinh dễ kẻ khác, ông Dakêu là con người tội lỗi, và tội của ông ta không thể tha thứ được nữa.

Nhưng đối với Chúa Giêsu, Ngài vốn đến là để cứu chữa những gì đã hư mất, thì ông Dakêu lại là nơi để thể hiện tình thương nhân từ của Ngài. Nơi con người tội lỗi Dakêu, còn có một khát vọng hướng về Chúa. Ông chỉ mong ước được nhìn xem Chúa đi qua. Ðây là yếu tố căn bản mà Chúa thi ân cho con người. Từ khao khát gặp được Chúa đến việc ăn năn trở lại, không có khoảng cách không vượt qua được. Chúa Giêsu có thể vượt qua được khoảng cách này một khi con người có sẵn thái độ chờ mong Ngài đến. Thái độ của ông Dakêu có thể khuyến khích chúng ta trên con đường trở về với Chúa. Ông Dakêu đã thể hiện sự trở lại của mình bằng hành động cụ thể, phân phối một nửa của cải cho anh chị em để thể hiện tình liên đới bác ái và đền bù gấp bốn những thiệt hại đã gây ra. Liệu chúng ta có can đảm như vậy hay không?

Lạy Chúa,

Chúng con đã nhiều lần dốc lòng với Chúa sẽ làm điều này, làm việc kia để chứng tỏ đã được trở về với Chúa. Nhưng có thể chúng con không can đảm, không nghiêm chỉnh đủ để làm như ông Dakêu đã làm. Xin cho chúng con đừng bao giờ đùa giỡn hay lạm dụng lòng nhân từ của Chúa. Ơn Chúa mạnh hơn tội lỗi nhưng chúng con phải cộng tác với ơn Chúa.

Lạy Chúa,

Xin thương giúp chúng con trở về với Chúa.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy niệm 5: Giakêu, một con lừa chui qua lỗ kim

Ông Da-kêu thưa với Chúa rằng: “Thưa Ngài, này đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo.”Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất. (Lc. 19, 8b-10)

Ông Gia-kêu thân hình thấp bé, đứng đầu những người thâu thuế ở thành Giê-ri-cô, những đoàn người buôn bán từ Ả-rập qua thành đều phải chịu thuế nhập thị. Như thế, ông là người rất giàu, nhưng bị người Do thái khinh chê là hạng người tội lỗi công khai và cộng tác với quân xâm lăng. Tuy nhiên, chính ông là người được Thiên Chúa gửi Thánh Thần đến lôi kéo ông về cùng Đức Giêsu.

Ông “Sếp” trở nên trẻ nhỏ

Các trẻ nhỏ sẵn lòng trèo lên cây cao quá tầm đám đông để xem. Ông Gia-kêu, mặc dầu là “xếp”, địa vị cao và giàu sang đã nên giống trẻ nhỏ. Ông không sợ thiên hạ nhạo cười và hạ nhục. Được tiếng nội tâm thúc đẩy, ông tò mò trèo lên cây nhìn xem Đức Giêsu bất kể ra sao thì sao.

Đức Giêsu vị ngôn sứ tuyệt vời, rất nhạy bén với hành động của Thánh Thần nơi người khác. Người nhìn lên và thấu suốt tận con tim của Gia-kêu. Người gọi tên ông, đó là tiếng gọi của tình yêu. Người ra lệnh cho ông: “Hãy xuống mau đi, vì hôm nay tôi ở lại nhà ông”. Sứ điệp của Đức Giêsu đã kêu gọi ông. Người phải dắt đưa chiên lạc của nhà Ít-ra-en về.

Đoàn hành hương theo Đức Giêsu chẳng hiểu gì sứ điệp của Người. Đức Giêsu vừa tỏ quyền phép của Thiên Chúa chữa người mù được thấy và bây giờ tự mời mình vào ở nhà một người tội lỗi. Vậy Người không thể là Đấng Thiên sai Cứu thế. Người trong sạch không thể đồng cư với kẻ ô uế. Như thế, Đức Giêsu đã nên cớ cho người ta vấp phạm trong suốt cuộc đời cứu thế của Người đúng như ông Si-mê-on nói tiên tri: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm cớ cho nhiều người Ít-ra-en vấp ngã hay được chỗi dậy” (Lc. 2, 34).

Và tự hủy mình đi

Niềm vui đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa để trở về thật chứa chan, Gia-kêu đã vui mừng đón rước Đức Giêsu vào nhà. Ông vui mừng chính thức công bố trở về và hứa bồi thường đầy đủ gấp bốn lần luật buộc, cùng hiến nửa gia tài làm việc bác ái giúp người nghèo. Ơn Chúa đầy tràn, ông đáp lại bằng tấm lòng thiện chí đầy tràn.

Đức Giêsu quay lại phía đám đông giúp họ hiểu rằng Gia-kêu đã tỏ ra xứng đáng là con cháu thật của tổ phụ Áp-ra-ham, có lòng quảng đại đặc biệt, mặc dầu nghề nghiệp ông thuộc lớp người tội lỗi. Đức Giêsu đem ơn cứu độ đến nơi nào biết tiếp đón Người đến ở.

RC

 

Suy niệm 6: Cái nhìn của Thiên Chúa khác với loài người

Xem thêm CN 28TN A (Mt 22,1-14) và thứ Năm tuần 20 TN

Bản chất của Thiên Chúa là Đấng Giàu Lòng Thương Xót, vì thế: “Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi” (Mt 12,20a). Khi Đức Giêsu đến, Ngài là hiện thân của Lòng Thương Xót nơi Thiên Chúa, nên chính Ngài đã nói: "Con Người đến tìm kiếm và cứu những gì đã mất".

Câu chuyện về ông Dakêu khi được Đức Giêsu ngỏ ý về nhà ông và cuộc sám hối cũng như hành động bác ái của ông cho chúng ta thấy rõ điều đó.

Nếu người Dothái nhìn ông Dakêu dưới con mắt khinh thường, căm phẫn như tội đồ của dân tộc, ngang hàng với hạng gái điếm, đáng phải nguyền rủa và phải chết, nên không bao giờ tha thứ cũng như không thể đội trời chung, thì Đức Giêsu nhìn ông với con mắt nhân từ và sâu thẳm, nhìn với con mắt mong muốn được ban ơn cho ông nếu ông trở về với lương tâm chân chính!

Chính cái nhìn bao dung và đầy lòng thương xót của Đức Giêsu đã khiến ông khám phá và tìm ra được chìa khóa của sự bình an nội tâm. Vì thế, ông đã làm một cuộc cách mạng thay đổi tận căn khi sẵn sàng phân nửa tài sản cho người nghèo; sẵn sàng đền gấp bốn khi đã chót cưỡng đoạt của ai đó điều gì...!

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta cần có cái nhìn cảm thông, yêu thương như Đức Giêsu. Cần có thái độ ghét tội chứ không được ghét người có tội. Vì thế, phải yêu thương và gần gũi những kẻ tội lỗi để nâng đỡ và giúp họ vượt ra khỏi con đường lầy lội trong tội mà họ đang vướng vào.

Mặt khác, Lời Chúa cũng mời gọi chính chúng ta, mỗi lần rước lễ, ấy là lúc chúng ta được hạnh phúc tuyệt vời khi có Chúa hiện diện trực tiếp trong tâm hồn mình. Thế nên, chúng ta cần phải thay đổi đời sống của mình để trở thành người tốt hơn. Nếu trước kia, chúng ta luôn có cái nhìn kết án, ghen ghét, ích kỷ, vụ lợi, thì giờ đây, mỗi lần rước Mình Thánh Chúa vào lòng, chúng ta hãy có thái độ tha thứ, bao dung, bác ái với mọi người.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con mặc lấy tâm tình của Chúa là nhân từ, hiền hậu và bao dung. Xin Chúa cũng cho chúng con biết sẵn sàng tha thứ và bác ái với tha nhân khi chúng con nhận ra chính mình cũng được Thiên Chúa thứ tha và yêu thương. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy niệm 7: Chúa giàu lòng thương xót Dakêu

(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Chúa Giêsu đến tìm và cứu vớt những người tội lỗi. Trước tình thương của Chúa, ta hãy hoán cải cách thật lòng và quảng đại như ông Dakêu.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, cuộc hoán cải của ông Dakêu cho con hiểu được phần nào trái tim Chúa giàu lòng thương xót. Chúa đã đến để tìm cứu vớt chúng con là kẻ tội lỗi. Ai cũng nghĩ rằng kẻ có tội thì đáng lên án, đáng trừng phạt và khai trừ. Nhưng khi con phạm tội Chúa đã tha thứ thay vì kết án. Chúa đi tìm thay vì xua đuổi. Chúa không ngần ngại lại gần con thay vì làm ngơ hoặc xa tránh. Chúa đến để nâng con dậy thay vì nhận chìm cuộc đời con. Chính Chúa lên tiếng gọi tên con trước khi con thốt ra được một lời tạ tội. Chúa không phải là Thiên Chúa thích báo oán, nhưng là Thiên Chúa của tình thương. Chúa yêu thương con khi con đang là tội nhân.

Lạy Chúa, xin cho con được như ông Dakêu cảm nhận được lòng thương xót Chúa dành cho con. Xin cho đôi mắt con nhận ra ánh mắt trìu mến Chúa đang nhìn đến con. Xin cho bước chân con vội vàng chạy đến cùng Chúa. Xin cho lòng con mở ra và vui mừng đón rước Chúa. Xin cho ý chí con được quyết tâm đứng lên làm lại cuộc đời. Xin cho đôi tay con rộng mở để biết sống công bằng và chia sẻ cách quảng đại vui lòng.

Lạy Chúa, một lần gặp gỡ Chúa đã thực sự là một biến cố làm chuyển hướng cuộc đời ông Dakêu. Một cuộc đời đã mất, nhưng đã được Chúa tìm thấy. Một cuộc đời đã chìm ngập, nhưng đã được Chúa cứu vớt. Con đã nhiều lần ở sát bên Chúa nhưng có thể chưa một lần gặp gỡ thực sự. Xin cho con được gặp Chúa để từ nay chuyển hướng cuộc đời theo dấu chân Chúa. Dù nhà linh hồn con tội lỗi bất xứng, xin Chúa dủ lòng thương đến trọ và ở lại luôn mãi. Xin giúp con luôn sống trong niềm vui của ơn cứu độ. Amen.

Ghi nhớ: “Con Người đến tìm kiếm và cứu chữa điều gì đã hư mất”.

 

Suy niệm 8: Con Người đến cứu những gì đã mất

(Lm Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Một bà mẹ lo lắng nhiều cho đứa con trai không đi nhà thờ, mà lại đi theo những bạn bè xấu và còn tỏ ra bất mãn mọi chuyện. Bà mẹ đau khổ này đã tìm mọi cách để đưa con về con đường tốt, nhưng tất cả đều vô ích. Vào một ngày Chúa nhật, bà nảy ra một ý tưởng. Gọi đứa con trai lại, bà nói: “Con làm ơn giúp mẹ một chuyện. Hãy đem gói đồ này đến cho gia đình ở căn nhà trong khu phố đối diện với chúng ta. Nếu con làm cho mẹ việc này, mẹ hứa sẽ không bao giờ quấy rầy con nữa”.

Có lẽ để khỏi nghe tiếng mẹ giảng dạy, la rầy, chàng thanh niên đã nhận làm điều mẹ anh yêu cầu. Anh đi đến địa chỉ như mẹ dặn, bước vào một căn nhà nghèo nàn và bỡ ngỡ đến tột điểm, anh đã khám phá thấy một người đàn bà đau ốm chỉ còn da bọc xương với ba đứa con nhỏ, rách rưới, lem luốc, đang than khóc, kêu la vì đói. Chàng thanh niên trao vội gói đồ và muốn nhanh bước rút lui. Nhưng người đàn bà đã gọi giật anh trở lại, và qua giọng yếu ớt bà thều thào: “Cậu ơi! Cậu không thể đi ngay được khi tôi chưa kịp cám ơn cậu. Cậu là ơn quan phòng Chúa gửi đến cho chúng tôi. Xin Ngài trả ơn cho cậu”.

Chàng ra về với tấm lòng bị cảm xúc mạnh. Ngày hôm sau, anh trở lại nhà bà mẹ đang bị đau ốm với đàn con nheo nhóc hôm qua với một gói quà khác, mà anh đã mua với chính tiền của anh. Và sau khi trao quà, anh còn ở lại chơi với mấy đứa nhỏ. Kể từ đó, chàng thanh niên đã thay đổi cuộc đời, vì lòng nhân hậu đã làm anh mỗi ngày hiểu được ý nghĩa của cuộc sống và nhờ đó anh cảm thấy hạnh phúc hơn (Theo Lòng nhân từ cảm hóa).

Suy niệm

Với người dân Do Thái, người thu thuế là tay sai cho đế quốc La Mã, đô hộ và bóc lột đồng bào. Hơn nữa, thu thuế là nghề nghiệp có thể lợi dụng chức quyền ăn chặn của công, của tư để trục lợi cho bản thân. Giakêu “sếp thu thuế” là ông trùm người tội lỗi, con người ghê tởm, đáng bị mọi người ghét bỏ.

Giakêu thắc mắc, tò mò về Chúa Giêsu, Người đang được thiên hạ bàn tán xôn xao khắp cùng ngõ hẻm. Không biết hỏi ai, ông cũng hòa với đám đông, nhưng không để đón, mà để xem ông Giêsu thế nào cho thỏa sự tò mò. Người ông thấp bé không thể thấy Đấng Ngôn sứ Giêsu, nên chỉ còn cách chạy lên đằng trước leo lên cây sung nhìn xuống (x. Lc 19,3-4). Chúa Giêsu đi ngang qua Giêricô, Ngài đi ngang chỗ của Giakêu. Ngài dừng lại và ngước nhìn lên chỗ Giakêu, cái nhìn nhân từ và khoan dung, Ngài cất lời: Này Giakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!” (Lc 19,5).

Đấng ban ơn cứu độ, đầy lòng nhân từ và xót thương. Chính tấm lòng đó đã làm thay đổi Giakêu. Giakêu không còn chỉ thấy tiền bạc, quyền lực, giàu sang, nhưng giờ đây mang tâm tình chia sẻ và trao ban: “Thưa Ngài, này đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo, và nếu tôi đã cưỡng đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn” (Lc 19,8). Ông Giakêu xin đền gấp bốn, nghĩa là ông tự thú công khai: Tội ông quá nặng. Còn theo luật Rôma, đối với những tội trộm cắp công khai thì phải đền gấp bốn. Cho nên, quyết định của ông vừa là khiêm nhường, vừa là công bình, vừa là bác ái.

Sống trong tinh thần công bình bác ái khiêm cung là kết quả của ơn cứu độ như Chúa Giêsu có nói: Ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Abraham” (Lc 19,9). Ơn cứu độ đã khiến cho con tim của Giakêu đổi mới như ngôn sứ Êdêkien nói Lời Thiên Chúa: “Ta sẽ ban cho ngươi một trái tim mới và đặt một tinh thần mới trong người của Ta, hầu các ngươi giữ gìn và hành động theo đúng lệnh Ta” (Ed 36,26).

Hình ảnh đổi mới của Giakêu, gợi cho chúng ta mang tâm tình: Khao khát gặp Chúa Giêsu. Được gặp tình thương của Chúa thanh tẩy, chúng ta bước ra khỏi vùng trũng thẳm sâu tăm tối và tiến lên với một tinh thần mới, tinh thần công bình bác ái như Giakêu. Tinh thần chúng ta vượt qua tăm tối tiến lên Giêrusalem ánh sáng trong niềm vui được cứu độ. Bởi vì Thiên Chúa đã viếng thăm cứu chuộc dân Người” (Lc 1,68).

Ý lực sống

“Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất”. (Lc 19,10b)

 

Suy niệm 9: Đức Giêsu gặp ông Giakêu

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

Ông Giakêu là một người tội lỗi và đứng đầu những người thu thuế. Ông đã tìm đến Chúa và đã được hoán cải. Việc Đức Giêsu hoán cải người thu thuế làm nổi bật vai trò của Ngài: “Con Người đến để tìm và cứu những gì đã hư mất”. Chính Đức Giêsu đã đi bước trước, chúng ta chỉ cần mở lòng đón nhận Người. Ban đầu ông Giakêu đã tìm mọi cách chỉ để cho biết Chúa là ai. Nhưng sau khi Đức Giêsu trao ánh mắt thân thương, được đối thoại và được Đức Giêsu thăm viếng, ông đã biến đổi hoàn toàn. Ông sẵn sàng đền bù những của cải ông cưỡng đoạt của người khác và thực thi bác ái đối với người nghèo.

Trong bài Tin mừng hôm nay, thánh Luca thuật lại cho chúng câu chuyện của ông Giakêu trở lại như thế nào. Vào thời ấy, những người thu thuế bị xếp chung với hạng người trộm cắp, giết người và đĩ điếm. Hơn nữa, vì họ làm việc cho người Rôma, nên người ta cho họ là những kẻ phản bội và ruồng bỏ họ. Trái lại, Đức Giêsu lại có lối hành xử khác. Ngài kêu gọi ông, lại còn đến ăn uống và trọ trong nhà ông nữa. Việc này làm cho người Do thái rất tức giận. Ngài xử sự như thế, để tỏ rõ sứ mạng của Ngài là “đến tìm và cứu chữa những gì hư mất”. Cảm động bởi lòng nhân hậu của Đức Giêsu, Giakêu đã nhận thấy những sai lầm của mình và quyết tâm sửa đổi.

Đối với Đức Giêsu, Ngài vốn đến là để cứu chữa những gì đã hư mất, thì ông Giakêu lại là nơi để thể hiện tình thương nhân từ của Ngài. Nơi con người tội lỗi Giakêu, còn có một khát vọng hướng về Chúa. Ông chỉ mong ước được nhìn xem Chúa đi qua. Đây là yếu tố căn bản mà Chúa thi ân cho con người. Từ khao khát được gặp Chúa đến việc ăn năn trở lại, không có khoảng cách không vượt qua được. Đức Giêsu có thể vượt qua được bằng cách này, một khi con người đã có sẵn thái độ mong chờ Ngài đến. Thái độ của ông Giakêu có thể khuyến khích chúng ta trên con đường trở về với Chúa. Ông Giakêu đã thể hiện sự trở lại của mình bằng hành động cụ thể, phân phối một nửa của cải cho anh chị em để thể hiện tình liên đới bác ái và đền bù gấp bốn những thiệt hại đã gây ra. Liệu chúng ta có can đảm như vậy không ? (R.Veritas)

Có vẻ không phải như Đức Giêsu có ý “tìm” Giakêu cho bằng ông này tìm mọi cách để nhìn thấy Chúa. Ông là một người thấp bé bị coi là tội lỗi do ông là người “đứng đầu những người thu thuế”. Ông là người bị coi là “hư mất” trong xã hội Do thái. Cách ông tìm đến với Chúa cho thấy quả thật ông là người bị loại trừ: Ông bươn bả “chạy tới phía trước, trèo lên một cây sung”, để chờ Đức Giêsu đi qua. Thế nhưng không phải là chuyện tình cờ ngẫu nhiên mà Đức Giêsu nói Ngài đến để “tìm và cứu” Giakêu. Đi giữa đám đông hỗn độn, nhưng rõ ràng Ngài có ý tìm kiếm và tìm kiếm đích danh một người, một người bị loại trừ. Đi ngang qua cây sung, Ngài nhìn lên, Ngài đã thấy và gọi ông: “Giakêu xuống mau đi, vì hôm nay Ta đến trọ nhà ông”. Lời kêu gọi ấy đã cứu không chỉ một người hư mất mà cả gia đình ông Giakêu: “Hôm nay ơn cứu độ đến cho nhà này” (5 phút Lời Chúa).

Người ta muốn đánh giá Giakêu thế nào cũng được, nhưng Đức Giêsu có cái nhìn thấu suốt, không nhìn cái vẻ bề ngoài mà Ngài nhìn rõ cả bên trong, cho nên Đức Giêsu đã khen cho ông Giakêu một câu chắc như đinh đóng cột:  “Xù xì da cóc trong bọc trứng tiên” (câu đố dân gian).

Nếu chúng ta có gặp được ông Giakêu sau khi nhờ ơn Chúa trở lại rồi, thì ông sẽ tâm sự cho chúng ta nghe. Ông cho biết nhờ ơn Chúa ông đã thực sự thay đổi con người của mình. Đời ông không còn như xưa nữa, nay đã trở nên con người mới hoàn toàn. Có thể bề ngoài không giống nhau, nhưng thực sự bề trong đã được đổi mới hoàn toàn:

Thân em như quả ấu gai,

Ruột trong thì trắng vỏ ngoài thì đen.

Ai ơi nếm thử mà xem,

Nếm ra mới biết rằng em ngọt bùi.

Truyện: Gương của cha Charles de Foucauld

Chiều hôm ấy trong bầu không khí ấm cúng của gia đình và bạn bè thân thích, viên sĩ quan trẻ tuổi tài ba người Pháp Charles de Foucauld đang thao thao những điều mắt thấy tai nghe và những chiến công của mình trong cuộc viễn chinh tại Marốc, Bắc Phi.

Đang lúc Charles say sưa kể như thế, thì một đứa cháu gái nhỏ lân la đến bên. Cô bé đặt tay lên gối của ông cậu hào hoa phong nhã, rất thông minh, rồi hỏi:

- Cậu ơi, cậu đã làm được biết bao nhiêu là chuyện như thế cho đất nước, thế nhưng cậu đã làm được việc gì cho Chúa chưa ?

Câu hỏi của đứa cháu gái đã làm cho Charles suy nghĩ cả một buổi chiều và một đêm. Sáng hôm sau, Charles đến gặp một người bạn học cùng lớp là cha Huvelin, chàng xin xưng tội. Với ơn soi sáng, Charles đã quyết định thay đổi cuộc đời. Chàng nhất định bỏ binh nghiệp, dù chàng thấy rõ một tương lai rạng ngời ở trước mặt, để dấn bước theo Chúa Giêsu và noi gương Ngài sống cuộc đời khó nghèo.

 

Suy niệm 10: Thay đổi ngoạn mục của Dakêu

(Lm Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Hạt giống...

1. Mở đầu câu chuyện, ông Dakêu được mô tả là kẻ tội lỗi: thu thuế (lại còn “đứng đầu những người thu thuế”) và lo thu tích của cải (“và là người giàu có”) - Cuối câu chuyện, ông thay đổi hẳn: “Hôm nay ơn cứu độ đã đến cho nhà này”; phân phát tài sản cho người nghèo (là điều Chúa Giêsu thường khuyên làm. x. Lc 12,33-34 16,1-8 16,9-13 v.v.); đền bù những thiệt hại đã gây cho người khác.

2. Có hai nhân tố tạo nên sự thay đổi đó:

  - một là những cố gắng của chính Dakêu: “tìm cách xem” mặt Chúa Giêsu, “chạy tới phía trước”, “leo lên một cây sung để xem Chúa Giêsu”.

  - hai là lòng nhân từ của Chúa Giêsu: Ngài “nhìn lên” ông, Ngài gọi ông “xuống mau đi”, Ngài đưa đề nghị đến nhà ông “Hôm nay tôi phải ở lại nhà ông”. Chúa Giêsu tự giới thiệu là “Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất”.

B.... nẩy mầm.

1. Ơn cứu độ là kết quả sự hợp tác của hai phía: con người (Dakêu “tìm cách xem” mặt Chúa, “chạy tới phía trước”, “leo lên cây sung”) và Thiên Chúa (Chúa Giêsu “nhìn lên”, gọi Dakêu, và đến “trọ nhà” ông).

2. Dakêu là hình ảnh:

  - của những người giàu: giàu tiền nhưng nghèo đạo đức thì trong lòng vẫn còn thiếu thốn và trống trải. Dakêu đi tìm Chúa Giêsu để lấp đầy khoảng trống thiếu thốn trong lòng mình.

  - của người môn đệ: Tin Mừng Luca thường ghi lại những lời Chúa Giêsu khuyên môn đệ hãy bán tài sản để mua Nước Trời, hãy đem tài sản phân phát cho người nghèo rồi theo Ngài. Dakêu đã làm đúng như vậy.

  - của người hoán cải: trước khi hoán cải, Dakêu thu gom tiền bạc, làm hại người khác, ích kỷ. Sau khi hoàn cải, ông không tiếc tiền, dùng tiền một cách quảng đại để đền bù thiệt hại mình đã gây ra cho người khác, lại còn bố thí cho người nghèo. Khi hoán cải, người ta trở nên quảng đại, vì người ta biết rằng những gì mình cho người khác chẳng đáng là gì so với những gì Chúa ban cho mình.

3. “Lời Chúa hôm nay đem lại cho ta chìa khóa của sự bình an, đó là hãy sống quảng đại. Thiên Chúa đang ngự trong tâm hồn chúng ta, nhưng chúng ta chỉ cảm nhận được sự hiện diện đó nếu chúng ta ra khỏi chính mình để sống quảng đại với người khác” (trích "Mỗi ngày một tin vui").

4. Cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và Dakêu chắc không phải tình cờ. Một trong những ý định khiến Chúa Giêsu đi ngang qua Giêrikhô là để tìm cứu Dakêu, như lời Ngài nói “Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất”. Ơn cứu độ luôn sẵn đó. Chỉ cần kẻ “hư mất” chịu khó tìm đến Chúa để lãnh nhận thôi.

5. Telemachus là một ẩn sĩ. Một hôm Chúa thúc đẩy ông rời rừng để đi đến thành Rôma. Rôma là thủ đô Kitô giáo, nhưng ở đó vẫn còn tồn tại một tục lệ dã man là những trận giác đấu đã làm chết biết bao nhiêu mạng người. Tệ hơn nữa là khán giả rất thích cảnh giết người dã man đó. Telemachus nghĩ: “Khi nào người ta còn thích tàn sát lẫn nhau thì người ta chưa sống xứng đáng là con Chúa”. Nghĩ thế rồi Telemachus đi vào một đấu trường. Ông chạy vào giữa những lực sĩ giác đấu để khuyên họ ngừng tay. Nhưng không ai nghe, họ còn đầy ông ra. Dù vậy ông vẫn cứ xông vào tiếp tục khuyên can. Viên quan cai quản đấu trường cho rằng Telemachus cố tình phá hoại cuộc vui nên rút gươm hạ sát ông. Khi Telemachus ngã xuống, người ta mới biết là đã giết lầm một vị thánh. Người ta hối hận. Và từ đó đế quốc Rôma bãi bỏ tục giác đấu. Bằng cái chết của mình, Telemachus đã giúp cho Rôma hoán cải.

Việc hoán cải một tập thể phải bắt đầu từ một con người. Muốn hoán cải một gia đình thì một người nào đó trong gia đình phải khởi sự hoán cải trước. Muốn hoán cải một cộng đoàn thì phải có ai đó trong cộng đoàn khởi sự trước. (Barclay)

6. “Ông Dakêu đứng lên thưa với Chúa rằng: Thưa Ngài, này đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo, và nếu tôi đã cưỡng đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn” (Lc 19,8)

Ngồi học bài mà tôi không thể yên được vì thỉnh thoảng tiếng la ó cổ vũ cho đội tuyển VN trong Cúp Châu Á lại rộn lên. Bầu khí gia đình tôi vui hẳn lên. Ai cũng xôn xao phấn khởi trước những bàn thắng của đội nhà. Đến lớp, các bạn tôi dường như gần gũi nhau hơn và nói về thắng lợi của đội tuyển VN như là thắng lởi của chính mình. Niềm vui khiến người ta gần gũi nhau hơn.

Niềm vui của một Dakêu được gặp Chúa, được Con Thiên Chúa “đụng chạm” đến đã cho ông sức mạnh phá đổ mọi hàng rào ngăn cách giữa mình với anh em.

Giêsu ơi, xin Lời Chúa và Thánh Thể mà con được diễm phúc lãnh nhận trở nên niềm vui, nguồn hạnh.

 

Suy niệm 11: Chuyện ông Giakêu

(Lm Giuse Đinh Tất Quý)

Tin Mừng hôm nay thuật lại chuyện của ông Giakêu.

Đây là câu chuyện nói về sự cố gắng của con người và lòng nhân hậu bao dung của Chúa.

1. Sự cố gắng của ông Giakêu

Chúng ta không biết ông Giakêu có biết Chúa hay không và biết từ bao giờ, nhưng Tin Mừng Luca cho chúng ta biết: “Ông ta tìm cách để xem cho biết Đức Giêsu là ai”. (Lc 19,3)

Rõ ràng là Giakêu có một ước vọng muốn được thấy Chúa. Có lẽ có ai đó đã nói với ông về con người đặc biệt này. Và hôm nay là cơ hội. Ông phải chụp lấy ngay. Cách thức ông thực hiện điều ông mong muốn tuy có vẻ “trẻ con” nhưng nó nói lên một điều: ông thực sự muốn được thấy Chúa. Đứng trước một khó khăn tưởng chừng như khó có thể vượt qua - con người thấp bé của ông lúc này quả là một trở ngại, thế nhưng vì ông khao khát mạnh cho nên ông đã tìm được một phương tiện trời cho và ông đã tận dụng ngay lập tức: Một cây sung bên đường, con đường Chúa sắp đi qua. Cây sung bình thường hằng ngày chẳng có gì đặc biệt, nhưng ở vào hoàn cảnh cấp bách này nó đã trở thành một điều kiện không thể thiếu để bổ túc và cho ông một phương tiện giúp ông có thể nhìn thấy Chúa vì Ngài sắp đi qua đó.

Ông nao nức nôn nóng chờ đợi. Và rồi những gì ông mong ước đã tới. Chúa đưa mắt nhìn lên và Chúa thấy một Giakêu người mà dân chúng căm ghét đang “tòng teng” trên đó. Hai đôi mắt gặp nhau, Và điều mà Giakêu không thể ngờ là Chúa biết cả tên ông và Chúa gọi ông.

Chúng ta không thể tưởng tượng nổi là ông Giakêu vui như thế nào.

Và sau đó Chúa đã làm cho Giakêu trở thành một con người hoàn toàn đổi mới.

2. Với con người thì Giakêu bị liệt vào số những người đáng bị loại trừ nhưng Chúa Giêsu thì khác. Chúa thấy được một Giakêu đang là và một Giakêu sẽ là nên Chúa nói với ông: “Này ông Giakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!” (Lc 19,5)

Trong một lớp học trung học nọ có hai học sinh cùng mang tên Johnny. Một, thường xuyên đạt điểm tối đa trong các kỳ kiểm tra. Đó là “Johnny thân thiện”. Cậu ta rất chăm học, thường xuyên giúp đỡ các bạn cùng lớp và phụ giúp thầy cô chuẩn bị các bài thực hành. Còn một Johnny khác lại luôn lầm lì, khó chịu, thường tỏ ra chống đối giáo viên, lại chẳng kết bạn với bất kỳ ai. Các học sinh trong lớp vẫn gọi cậu với cái tên “Johnny chống đối”.

Trong một buổi họp phụ huynh, một phụ nữ với vẻ trẻ trung và sang trọng đến gần thầy giáo Escalante và hỏi:

- Johnny vẫn học tốt phải không thầy ?

Thầy Escalante nghĩ ngay rằng đây đích thị là phụ huynh của Johnny “thân thiện”, vì câu hỏi đó thường chỉ xuất hiện ở người mẹ vẫn hay được nghe những lời khen về con mình. Nghĩ thế nên thầy không ngại dành rất nhiều lời khen cho Johnny và còn khẳng định với bà rằng, Johnny sẽ còn tiến xa hơn nữa trong tương lai vì thái độ học tập nghiêm túc, sự năng nổ, nhiệt tình và tính cách đáng yêu, thân thiện với tất cả mọi người.

Sáng hôm sau, Johnny “chống đối” đến gặp thầy Escalante. Trái với vẻ bất cần thường ngày, cậu nhìn thầy với vẻ biết ơn:

- Em cám ơn thầy vì những lời khen thầy dành cho em ngày hôm qua. Mẹ đã rất tự hào về em. Từ lúc này trở đi, em muốn chứng minh những điều thầy nói là sự thật.

Và Johnny “chống đối” đã làm được những gì cậu hứa. Kết quả học tập của cậu khá lên nhanh chóng đến mức đáng kinh ngạc. Cuối năm, Johnny “chống đối” được xếp loại khá và đến khi ra trường, cậu chính là một trong những học sinh có thành tích học tập xuất sắc nhất trường.

Chúng ta thừa biết vì sao mà sự việc thay đổi tốt như vậy.

3. “Ông Giakêu đứng lên thưa với Chúa rằng: Thưa Ngài, này đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo”. (Lc 19,8)

Một sự thay đổi ngoạn mục!

Chiều hôm ấy trong bầu không khí ấm cúng của gia đình và bạn bè thân thích, viên sĩ quan trẻ tuổi tài ba người Pháp Charles de Foucauld đang thao thao kể lại những điều mắt thấy tai nghe và những chiến công của mình trong cuộc viễn chinh tại Maroc, Bắc Phi.

Đang lúc Charle ssay sưa kể như thế, thì một đứa cháu gái nhỏ lân la đến bên. Cô bé đặt tay lên gối của ông cậu hào hoa phong nhã, rất thông minh, rồi hỏi:

- Cậu ơi cậu đã làm được biết bao nhiêu là chuyện như thế cho đất nước, thế nhưng cậu đã làm được việc gì cho Chúa chưa ?

Câu hỏi của đứa cháu gái đã làm cho Charles suy nghĩ cả một buổi chiều và một đêm. Sáng hôm sau, Charles đến gặp một người bạn học cùng lớp là cha Huvelin, chàng xin xưng tội. Với ơn soi sáng, Charles đã quyết định thay đổi cuộc đời. Chàng nhất định bỏ binh nghiệp, dù chàng thấy rõ một tương lai rạng ngời ở trước mặt, để dấn bước theo Chúa Giêsu và noi gương Ngài sống cuộc đời khó nghèo.

 

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây