Thứ Ba tuần 14 thường niên.

Thứ hai - 04/07/2022 08:27

Thứ Ba tuần 14 thường niên.

"Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít".

 

Lời Chúa: Mt 9, 32-38

Khi ấy, người ta đem đến Chúa Giêsu một người câm bị quỷ ám. Khi đã trừ quỷ, thì người câm nói được, đám đông dân chúng kinh ngạc và nói rằng: "Chưa bao giờ thấy xảy ra như vậy trong dân Israel". Nhưng các người biệt phái nói rằng: "Ông ta đã nhờ tướng quỷ mà trừ quỷ".

Và Chúa Giêsu đi rảo khắp các thành phố làng mạc, dạy dỗ trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền. Thấy đoàn lũ dân chúng, Người động lòng xót thương họ, vì họ tất tưởi bơ vơ như những con chiên không có người chăn.

Người liền bảo môn đệ rằng: "Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt thì ít. Các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đi gặt lúa".

 

Suy Niệm 1: Sai thợ ra gặt lúa

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

Phép lạ Đức Giêsu chữa người câm là phép lạ cuối

của chuỗi mười phép lạ trong hai chương 8 và 9 của Tin Mừng Mátthêu.

Mátthêu đã kể lại phép lạ này với rất ít chi tiết.

Người ta coi bệnh câm của anh này là do quỷ ám.

Khi quỷ bị trục xuất thì người câm nói được.

Không thấy Đức Giêsu đã làm gì hay nói gì để trừ quỷ.

Nhưng quyền năng của Ngài được lộ ra khi người câm cất tiếng nói.

Có hai phản ứng ngược nhau trước phép lạ.

Đám đông thì kinh ngạc và nói: “Ở Israel, chưa hề thấy thế bao giờ.”

Họ đứng trước một điều hết sức mới mẻ khiến họ ngỡ ngàng (c. 33).

Người câm nói được là một dấu chỉ cho thấy Nước Trời đã gần,

thời đại thiên sai đã đến, Đấng Thiên sai đã ở kề bên.

Đức Giêsu đã làm ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia tiên báo:

“miệng lưỡi người câm sẽ reo hò” (35, 6).

Nhưng những người Pharisêu lại nghĩ khác.

Họ không phủ nhận quyền năng trừ quỷ của Đức Giêsu,

nhưng họ lại cho rằng Ngài đã bắt tay với quỷ vương để trừ quỷ (c. 34).

Đây là phản ứng đầu tiên có tính thù nghịch công khai của người Pharisêu.

Phần còn lại của bài Tin Mừng là một bản tóm lược

về các hoạt động của Đức Giêsu: dạy dỗ, rao giảng, và chữa bệnh (c. 35).

Tất cả cuộc sống của Ngài như dành trọn cho đám đông.

Đôi chân Ngài đi khắp các thành thị, làng mạc và hội đường.

Đôi môi Ngài không ngớt đem tin vui đến cho những người mong đợi.

Đôi tay Ngài chạm đến những bệnh tật yếu đau của con người.

Nhưng trên hết vẫn là chuyện Đức Giêsu chạnh lòng thương (c. 36).

Chạnh lòng thương là nhói đau ở chỗ sâu bên trong của ruột gan mình.

Thấy thì thương: đó luôn là cái nhìn của Đức Giêsu trước đám đông.

Ngài thấy họ như chiên không có người chăn dắt, lãnh đạo.

Chính vì thế họ bị rơi vào tình cảnh vất vưởng lầm than.

Đức Giêsu không đau xót về chuyện bệnh tật thân xác của đám đông.

Ngài quan tâm nhiều hơn đến nhu cầu tâm linh của con người.

Con người đánh mất ý nghĩa cuộc sống, thấy bơ vơ, cô độc, tuyệt vọng.

Con người loại trừ Thiên Chúa, để rồi rơi vào sa đọa, chán chường.

Đức Giêsu đến như người mục tử chăm sóc mọi mặt cho đoàn dân.

Cách đây hai ngàn năm, Đức Giêsu đã than về chuyện ơn gọi.

Đồng lúa thì bao la mênh mông, mà thợ gặt thì ít.

Ngài mời các môn đệ của mình cầu nguyện nài xin với Thiên Chúa.

Đồng lúa là của Thiên Chúa, thợ gặt cũng là của Thiên Chúa sai đến.

Nước Việt Nam chúng ta cũng cần bao thợ gặt.

Có bao nhiêu tỉnh thành làng mạc còn thiếu linh mục, thiếu nữ tu.

Số linh mục mới chịu chức không đủ bù cho các vị về hưu và qua đời.

Làm sao để các bạn trẻ thấy con người hôm nay và chạnh lòng thương?

Làm sao để họ muốn dấn bước lo cho đám đông như Giêsu?

 

Cầu nguyện:

Lạy Cha là người chủ ruộng tốt lành,

đồng lúa đã chín vàng chờ ngày gặt hái.

Xin Cha sai những người thợ lành nghề và tận tụy

đến làm việc trong cánh đồng bao la của Cha.

Xin Cha gieo vào lòng các bạn trẻ hôm nay

những ước mơ lớn lao, những lý tưởng cao cả.

Xin cho họ

biết quên hạnh phúc và tương lai của mình

để yêu tha nhân bằng trái tim rộng mở.

Ước gì họ nghe được tiếng kêu của người bị áp bức,

cảm được cơn đói khát Lời Chúa và tình thương,

thấy được những mất mát của bao người đau khổ,

và chạm đến sự trống vắng của tâm hồn lạc hướng.

Xin Cha sai Thánh Thần đến với các bạn trẻ

để họ quảng đại đáp lại tiếng gọi của Chúa Giêsu,

sống như Ngài đã sống

và tiếp tục làm những gì

Ngài đã làm trên trần gian.

Cũng xin Cha

gìn giữ gia đình và giáo xứ chúng con,

thanh lọc bầu khí của trường học và xã hội,

để tất cả trở thành những môi trường tốt

giúp các bạn trẻ dễ dàng tìm gặp ý Cha. Amen.

 

Suy Niệm 2: Lúa chín đầy đồng

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Thế gian đau khổ vì chống lại Thiên Chúa. Dân Ít-ra-en có nhiều kinh nghiệm về điều này. Khi vâng nghe Lời Chúa, họ được hạnh phúc. Khi phản bội Chúa, họ lâm vào cảnh nô lệ lầm than khốn khổ. “Con cái Ít-ra-en phong vương người mà Ta không chọn, tôn làm lãnh tụ kẻ Ta không biết, dùng bạc vàng làm ra ngẫu tượng, để rồi bị đập tan”. Từ bỏ Chúa thì họ sẽ phải chịu nô lệ các thế lực ma quỉ, xác thịt, thế gian: “Giờ đây, Người sẽ nhớ lại sự gian ác của chúng, chúng đã phạm tội, thì chúng sẽ phải đền: chúng sẽ phải trở về Ai-cập” (năm chẵn).

Chúa Giê-su xuống trần để giải thoát con người khỏi ách nô lệ. Chúa xua trừ ma quỷ để con người được sống tự do: “Khi ấy, người ta đem đến cho Đức Giê-su một người câm bị quỷ ám. Khi quỷ bị trục xuất rồi, thì người câm nói được”. Chúa rao giảng cho mọi người biết Nước Trời. Chúa cứu họ khỏi mọi bệnh hoạn tật nguyền: “Đức Giê-su…rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền”. Chúa đến để đưa mọi người vào Nước Trời. Toàn dân là những bông lúa chín cần được đưa vào kho Nước Trời: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gựt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về”.

Chúa muốn có người cộng tác vào việc xây dựng Nước Trời. Nhưng việc xây dựng Nước Trời là của Chúa. Vì thế người cộng tác phải có lòng khiêm tốn. Phải cầu nguyện và được sai đi. Đó chính là thái độ của tổ phụ Gia-cóp. Khi từ nơi lưu lạc trở về, ông đắc thắng như một người thành công nhờ sức mình. Có hai bà vợ. Mười một đứa con trai. Còn gia súc thì hàng ngàn hàng vạn. Nhưng đêm trước khi bước vào Đất Hứa, ông phải trải qua một cuộc chiến đấu với Thiên Chúa. Ông phải cầu nguyện xin Chúa chúc phúc: “Tôi sẽ không buông ngài ra, nếu ngài không chúc phúc cho tôi…Và người đó chúc phúc cho ông tại đấy”. Để tổ phụ Gia-cóp khiêm tốn, Chúa đã cho ngài bị thọt chân: “người đó bèn đánh vào khớp xương hông của ông, và khớp xương hông của ông Gia-cóp bị trật”. Nhờ đó ông được đổi tên và trở tổ phụ dân riêng được Chúa chọn: “Người ta sẽ không gọi tên ngươi là Gia-cóp nữa, nhưng là Ít-ra-en”. Đó chính là tên của dân tộc mới được Chúa thành lập (năm lẻ).

Xin cho con biết khiêm tốn cầu nguyện để được Chúa sai đến nơi Chúa muốn và làm việc Chúa cần.

 

Suy Niệm 3: Nhu cầu truyền giáo

Nhờ tiếp xúc với người dân, Chúa Giêsu có thể nhận thấy đời sống thực tế của họ. Thánh sử Mátthêu nói rõ: "Thấy dân chúng đông đảo, Ngài chạnh lòng thương, vì họ lầm than, vất vưởng, như chiên không người chăn dắt". Ðứng trước thảm trạng này, Chúa Giêsu gợi ý để các môn đệ của Ngài suy tư: "Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít".

Quan niệm Cựu Ước về các chủ chăn của dân là quan niệm rộng rãi và ám chỉ vừa các thẩm phán, vừa các tư tế và tiên tri. Hình ảnh rất quen thuộc với nền văn hóa của các dân du mục. Chính tổ tiên của họ cũng là những người chăn chiên, như Môsê, Ðavít. Yêrêmia và Êzêkiel đã báo trước là chính Thiên Chúa sẽ trở nên người chăn dắt đoàn chiên của Ngài. Lời tiên tri này đã được thực hiện đầy đủ nơi Chúa Giêsu, vị Mục Tử nhân lành chạnh thương và chăm sóc các con chiên của Ngài, đến nỗi hy sinh cả mạng sống cho chúng. Như vậy, các Kitô hữu có thể tin tưởng tiến bước, bởi vì họ biết rằng Chúa là mục tử của họ.

Hình ảnh về mùa gặt hái đã được các Tiên Tri dùng để chỉ Nước Chúa Cứu Thế sau này. Thời kỳ sau cùng là thời kỳ gặt hái thu lượm, nghĩa là lúc Thiên Chúa đến phán xét trong ngày tận thế. Chính Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh này trong dụ ngôn cỏ lùng và lúa. Giai đoạn sau cùng của lịch sử đã bắt đầu với việc Nước Thiên Chúa đến; tất cả đều sẵn sàng, nhưng thiếu thợ gặt. Thế giới ngày nay như một cánh đồng mênh mông, nơi có rất nhiều linh hồn sẵn sàng đón nhận Nước Trời nhưng phải có người chỉ đường cho họ. Chúa muốn cứu thế gian và Ngài kêu gọi sự cộng tác của con người. Lời kêu gọi của Ngài vẫn có giá trị và khẩn cấp trong mọi thời đại.

Là người Kitô hữu, chúng ta có lo lắng để Nước Chúa được lan rộng tới các tâm hồn không? Ðức tin của chúng ta có sống động bằng việc làm cụ thể hay chỉ là đức tin chết?

Xin Chúa đổ tràn tâm hồn chúng ta lửa nhiệt tâm truyền giáo. Xin cho chúng ta thực sự trở nên chứng nhân của Chúa bằng lời nói, việc làm, nhất là bằng lời cầu nguyện và gương sáng.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 4: Chúng ta đều là thợ gặt

Đức Giêsu thấy đám đông, Người chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không có người chăn dắt. Bấy giờ, Người nói với các môn đệ rằng: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.” (Mt. 9, 36-39)

Một mùa gặt bội thu

Nếu hôm nay Chúa Giêsu đi trên những con đường hiện đại của chúng ta, chắc chắn Chúa cũng sẽ cảm nghĩ như xưa cách đây gần 2000 năm. Người sẽ nói: “Những con người nam nữ của thế kỷ 20 này, ta không thể không quan tâm tới họ. Ta thấy họ lo âu và chẳng sung sướng gì. Ta thấy họ đang đi tìm ánh sang và chân lý. Ta biết họ muốn được sống hạnh phúc, nhưng lại chẳng biết đường đi. Thiếu người dẫn dắt họ tới ấnh sáng và nguồn vui. Không đủ thợ gặt. Anh em hãy cầu xin Cha tôi để có được nhiều người biết dẫn dắt người ta đến với Ngài.

Không phải chỉ có các linh mục, các tu sĩ nam nữ là những người phải nói về Chúa, phải giới thiệu Chúa cho người ta, mà là tất cả những ai đã hưởng ánh sáng và niềm vui mà Chúa ban cho kẻ sống mật thiết với Người.

Ta không thể đã được gặp Chúa rồi mà lại sống ích kỷ. Người Kitô hữu chính cống là người biết chia sẻ cho người khác điều mình đã thấy, đã biết, đã trải qua.

Mỗi người đều có phần trách nhiệm

Phải cần đến nhiều tay thợ, để những con người thời nay nam cũng như nữ biết đối diện với Chúa và sống sự sống của Người. Mỗi tín hữu dù nam hay nữ đều phải là thợ gặt trong cánh đồng mênh mông của Chúa. Mỗi người đều có trách nhiệm góp phần lớn nhỏ của mình.

Đừng đẩy trách nhiệm của mình cho người khác. Không phải chỉ cầu nguyện cho thêm đông số các người chuyên lo việc truyền giáo, cho có nhiều linh mục tu sĩ nam nữ dấn thân hết mình cho Giáo hội mà thôi. Tốt hơn ta hãy cầu xin cho chính chúng ta để biết làm gì hơn trong phần trách nhiệm của mình, cụ thể là cầu nguyện cho ta được ơn can đảm và niềm vui để hoàn thành tốt trách nhiệm Chúa trao.

 

Suy Niệm 5: Xin mở miệng con

Hôm nay, Đức Giêsu đã chữa lành một người bị quỷ câm ám. Khi đã được thoát khỏi quỷ câm, người đó liền nói được.

Sau đó, Đức Giêsu còn đi khắp các làng mạc giảng dạy, chữa lành các bệnh tật.

Tiếp theo, Ngài đã mời gọi các môn đệ hãy đi để loan báo về tình thương của Thiên Chúa cho mọi người.

Khi nói đến câm, chúng ta thấy có hai dạng: một là câm ngoài ý muốn, tức là câm từ lúc mới sinh, hay bị một sự cố nào đó mà ảnh hưởng đến thanh quản, khiến bệnh nhân không nói được; hai là câm tự ý muốn, tức là đương sự không muốn nói.

Giữa hai dạng, câm ngoài ý muốn, tự bản chất, không ảnh hưởng đến ơn cứu độ. Tuy nhiên, dạng thứ hai, tức là câm tự ý muốn thì nguy hiểm, và có thể mất ơn cứu độ! Họ là những người mê tiền tài, danh vọng, dâm dục... nên mọi hành vi, cử chỉ đều hướng chiều về nó, khiếm người đó bị câm không nói được về Chúa cho anh chị em mình.

Thật vậy, nói về sự thanh thoát làm sao được khi chính mình ham tiền, hám bạc! Nói về sự từ bỏ sao được khi chính mình ham quyền, cố vị! Nói về khiết tịnh sao được khi chính mình  khoái danh, sắc, dục...! Và, nói về đạo đức, bác ái, dấn thân, phục vụ... làm sao khi chính tôi còn đang tham sân si! Hay không thể nói về tha thứ được, vì tôi còn đang nuôi hận thù!

Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi chúng ta hãy nên ngôn sứ của Đức Giêsu và thuộc về Ngài để trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài, chứ không chỉ như cái xác vô hồn hay chiếc bóng trong cuộc sống, để rồi sống buông tha, suy đồi và không dám làm chứng cho Tin Mừng. Bên cạnh đó, sứ điệp Lời Chúa cũng nhắc cho mỗi người chúng ta cần loại bỏ những hệ quả của ma quỷ như: độc địa, ích kỷ, gian tham, hận thù, rượu chè, cờ bạc… và không được đứng về phía sự ác để thành kiến, ghen tương, đố kỵ mà trà đạp người anh chị em chúng ta để đưa mình lên như những người Pharisiêu khi xưa.

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp sức cho chúng con, để chúng con không bị câm về phần hồn. Xin cho chúng con can đảm nói và làm chứng về Chúa cho anh chị em. Và, xin cho chúng con đừng vì miếng cơm manh áo mà chà đạp anh chị em mình xuống để vươn lên trong sự bất chính. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 6: Trái tim mục tử nhân hậu

(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Trái tim của Chúa Giêsu là trái tim của người mục tử nhân hậu. Chúa chạnh lòng thương xót và cứu vớt đàn chiên lầm than vất vưởng. Chúa còn dạy ta cầu nguyện để Chúa Cha ban những người nối tiếp sứ mạng mục tử ấy.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa là mục tử nhìn thấy những nỗi lầm than vất vưởng của đàn chiên Chúa, và Chúa đã đến cứu giúp chúng con. Với trái tim giàu lòng thương xót, Chúa đã làm tất cả những gì có thể làm để chúng con được sống và sống sung mãn. Chúa quan tâm chăm sóc từng người chúng con. Con tạ ơn Chúa.

Lạy Chúa, khi xưa chính Chúa đã tiêu diệt sự thống trị của ma quỷ. Chính Chúa đã rao giảng Tin Mừng Nước Trời, đã đi tìm những con chiên lạc, đã nuôi dưỡng dân chúng trong hoang địa, và chính Chúa đã chữa lành những bệnh nhân.

Ngày nay, con tin rằng chính Chúa cũng đang yêu thương chăm sóc con qua sự hiện diện của các mục tử. Con tạ ơn Chúa vì qua các mục tử, chính Chúa đang dạy dỗ, an ủi và khích lệ con, chính Chúa tha thứ tội lỗi và vỗ về ôm ấp con như con chiên lạc trở về, chính Chúa quy tụ và nuôi dưỡng con nơi bàn tiệc Thánh Thể. Xin Chúa giúp con cảm nhận được lòng thương xót bao la của Chúa.

Lạy Chúa, xin Chúa ban cho Hội Thánh có được những mục tử như lòng Chúa mong muốn, những mục tử giàu lòng thương xót và tận tình phục vụ đàn chiên. Đặc biệt xin Chúa thương xót những đàn chiên thiếu vắng mục tử. Xin Chúa an ủi họ và ban cho họ sớm có chủ chăn. Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít. Xin Chúa ban cho chúng con những thợ gặt. Amen.

Ghi nhớ: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít”.

 

Suy Niệm 7: Thợ gặt niềm tin

(Lm Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Một công nhân hầm mỏ được một anh bạn hỏi:

- Anh làm gì trong Hội Kinh Thánh Hải Ngoại vậy?

- Tôi làm việc dịch thuật.

- Anh mà đòi dịch thuật?

- Đúng, tôi lo dịch Lời Chúa trong Kinh Thánh vào đời sống hằng ngày của tôi.

Suy niệm

Trên bước đường rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu trừ quỷ và chữa lành những người bệnh tật... Ngài thấy dân chúng sống bơ vơ không người chăn dắt, lòng Ngài thổn thức trước cánh đồng lúa chín vàng của nước Trời nơi trần gian, cần những thợ gặt. Ngài đã gọi các môn đệ như thợ chuyên nghiệp đến mùa gặt đức tin. Không có thợ kịp gặt thì những cơn lũ cuộc đời sẽ cuốn trôi đi tất cả. Ngài mời gọi mọi người đều góp phần bằng lời cầu xin với đức tin tín thành vào Chúa Cha: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về”.

Lòng tha thiết của Chúa Giêsu vẫn còn vang vọng trong thế giới hôm nay. Qua mọi thời đại, Chúa Giêsu luôn thao thức về nhu cầu thợ gặt cho cánh đồng bát ngát của niềm tin. Nếu không có thợ gặt cho kịp, lúa niềm tin sẽ rơi rụng và cơn lũ của thế gian sẽ cuốn trôi vụ mùa.

Theo lời Ngài, chúng ta cầu nguyện với lòng tin tưởng, phó thác, cậy trông vào nơi Chúa Cha - Đấng luôn đồng hành, sai thợ gặt đến cánh đồng truyền giáo rao truyền lời Chúa để người chưa tin chấp nhận Tin Mừng.

Thật thế, như lời Chúa Giêsu dạy: Chúng ta cùng cầu xin Chúa ban cho chúng ta có những thợ rành nghề... có ánh lửa nhiệt huyết nơi tâm hồn của người thợ, để họ đến với các cánh đồng, làng mạc...

Có những thợ gặt rành nghề, thì mùa gặt đức tin sẽ báo hiệu một mùa gặt bội thu - con người của mọi nền văn hóa được thu hoạch.

Ý lực sống:

… Lạy Chúa, chỉ mình Chúa, tự Ngài đã thực sự viên mãn. Nhưng Ngài lại ưa thích cho con được cộng tác trong công việc của Ngài…

Nhưng Ngài lại ưa thích nương nhờ nơi con để cứu độ mọi người (Trích Lời Nguyện Không Thể Thiếu).

 

Suy Niệm 8: Chữa người câm bị quỉ ám

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

Người ta đem đến cho Chúa Giêsu một người câm bị quỉ ám. Chúa trừ quỉ ra và người câm nói được, dân chúng thấy vậy thì khâm phục quyền năng Chúa, tin tưởng Chúa là Đấng Thiên Sai; còn người biệt phái thì không chịu tin Chúa mà lại tin ma quỉ... Và Chúa đi khắp các thành các làng mạc rao giảng Tin mừng Nước Chúa và chữa lành mọi bệnh tật. Khi thấy dân chúng đông đúc không ai cứu giúp thì Ngài chạnh lòng thương họ. Ngài bảo các môn đệ xin Chúa Cha cho nhiều người đến dìu dắt họ.

Mở đầu Tin mừng là câu chuyện Chúa Giêsu trục xuất một tên quỉ ra khỏi người câm. Toàn dân thì ca tụng, nhưng người biệt phái độc miệng cho rằng: Chúa dùng quyền tướng quỉ mà trừ quỉ. Khi đã không ưa thì dưa có dòi, biệt phái tìm cách để nói xấu Chúa Giêsu, vì giáo lý của Ngài đã vạch trần thái độ kiêu ngạo, dối trá và giả hình của họ. Tuy nhiên, đối với Chúa Giêsu, sự chống đối không quan trọng khi Ngài không phản kháng, mà điều khẩn thiết hơn cả là Tin mừng phải được loan báo cho muôn dân.

Sự ghen tị của người biệt phái

Trong ý thức hệ của người Do thái, họ vẽ ra trong tư tưởng của mình một lối sống kiểu Biệt phái giả hình và đòi dân theo, họ quan niệm một thời kỳ cứu độ và một Đấng Messia giàu sang, chứ không phải hoà đồng chung bàn với người hèn kém. Từ đó họ không nhận ra được Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế. Với ý thức hệ như thế, họ không những bị trói buộc trong tư tưởng thiển cận của họ, không nhận ra được dấu chỉ của thời đại, mà còn bắt người khác phải suy nghĩ và hành động như họ. Chính vì thế mà họ gièm pha những lời Chúa Giêsu nói và những việc Ngài làm. Họ tìm cách lèo lái dân thoả hiệp với họ và xuyên tạc sự thật về Chúa Giêsu, trong khi dân chúng ca tụng công việc của Chúa thì họ lại bóp méo xuyên tạc cho đó là việc của tướng quỉ.

“Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít”

Chúa Giêsu chạnh lòng thương trước hiện trạng của con người vất vưởng lầm than, mà những bậc làm “thầy” Do thái không giải quyết được cho họ. Họ như rắn mất đầu, thiếu vắng đời sống tâm linh. Trong bản tính nhân loại, một mình Chúa cần sự cộng tác của các môn đệ cùng làm công việc của Ngài như một “mục tử” và “lương y”. Trước sự bao la của hoạt động tông đồ, điều đầu tiên mà Chúa Giêsu yêu cầu là cầu nguyện: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít. Các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đi gặt lúa”.

Chúa Giêsu sai môn đệ đi rao giảng Tin mừng, vì Chúa muốn rằng sứ mệnh rao giảng của Chúa cần được tiếp tục mãi trong thời gian từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nhờ qua những con người được mời gọi cộng tác với Chúa, làm công việc của Chúa với những quyền năng do Chúa ban cho. Sự hiện diện và sứ mệnh của Giáo hội qua các thời đại trong lịch sử đều nằm trong chương trình của Chúa ngay từ đầu và do ý Chúa muốn, chứ không do sáng kiến của con người.

“Chúa Giêsu chạnh lòng thương”

Bức tranh nhân loại ngày nay thật tăm tối khi sự nghèo khó lại sánh vai bên cạnh sự giàu có và thừa mứa. Dưới gầm bàn ăn của người phú hộ ngày ngày yến tiệc linh đình là vô số những Lazarô đang lê lết quằn quại trong bệnh tật và đau khổ.

Sự hiện diện của những người đau khổ là một tra vấn cho lương tâm Kitô hữu chúng ta. Chính qua chúng ta mà Chúa Giêsu tiếp tục chạnh lòng thương trước nỗi khốn khổ của con người, nhưng cũng chính qua những người khốn khổ mà Chúa Giêsu đến với chúng ta. Trong ngày sau hết, chúng ta chỉ bị xét xử về một điều, chúng ta có nhận ra và yêu thương Ngài nơi những con người khốn khổ không?

Có lần Mẹ Têrêsa đã cầu nguyện với Chúa như thế này: “Xin hãy cho con rao giảng về Chúa, không phải bằng lời nói nhưng bằng gương sống, với sức thu hút mạnh mẽ và sự lôi cuốn của lòng cảm thông, một sự thu hút và lôi cuốn đến từ những gì con làm, bằng chứng rõ ràng cho Tình yêu hoàn toàn đối với Chúa, Đấng hiện diện tràn đầy trong tâm hồn con”.

Nhân loại ngày nay vẫn còn bơ vơ như đoàn chiên không có người chăn. Hãy tập cho mình biết chạnh lòng thương như Chúa Giêsu, để cùng với Chúa làm cho thế giới chúng ta đang sống được ấm áp tình người hơn.

Truyện: Người hành khất bất đắc dĩ

Cha Anthony de Mello thuật lại một câu chuyện có thật.

Chuyện xảy ra tại đất nước Bangladesh, một trong những nước nghèo nhất thế giới.

Có một người đàn ông nọ đi bộ về nhà sau một ngày làm việc cực nhọc tại xưởng thợ. Vì quá mệt mỏi, ông dừng lại ngồi nghỉ dưới một bóng cây ven đường và thiếp ngủ đi lúc nào không biết. Khuôn mặt tiều tuỵ của ông khiến người đi đường ngỡ ông là người hành khất kiệt sức và ngất xỉu. Và người ta chạnh lòng thương, ai đi qua cũng bỏ vào chiếc mũ của ông vài đồng xu.

Khi thức giấc, người công nhân già hết sức ngạc nhiên, vì thấy chiếc mũ cũ kỹ của mình đầy những đồng xu, số tiền đếm được còn nhiều hơn một ngày công của ông. Ông mỉm cười tự nghĩ mình đã là một người hành khất bất đắc dĩ.

Trên đường về, ông nhìn thấy nhiều người ăn xin đui mù tàn tật, ông chạnh lòng thương, rồi ông lặng lẽ chia đều cho họ số tiền vừa mới nhận được. Và hơn ai hết, người công nhân nghèo hèn ấy hiểu: được nhận lãnh và được chia sẻ cũng đều là niềm hạnh phúc không gì có thể sánh bằng.

 

Suy Niệm 9: Tấm lòng của Chúa Giêsu đối với dân chúng

(Lm Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Phân tích

Bài Tin Mừng này gồm hai ý:

1. Chúa Giêsu trừ quỷ cho một người câm nói được. Căn cứ theo lời tiên tri của Isaia, phép lạ này chứng minh Ngài là Đấng Messia. Nhưng những người biệt phái cố tình không hiểu ý nghĩa của phép lạ này, họ còn xuyên tạc rằng Ngài đã cậy sức của quỷ vương mà làm việc đó.

2. Tấm lòng của Chúa Giêsu đối với dân chúng: Ngài tận tình giảng Tin Mừng và chữa bệnh cho họ, nhưng Ngài vẫn thấy họ bơ vơ như chiên không có người chăn. Một mặt Ngài cho các môn đệ hiểu hoàn cảnh ấy “lúa chín đầy đồng mà thiếu thợ gặt”, mặt khác, Ngài bảo họ cầu xin “Các con hãy xin chủ ruộng sai thợ gặt đi gặt lúa”.

B. Suy gẫm

1. Thiên Chúa đã dựng nên con người có miệng để con người nói. Người câm không nói được là một ngưới bất bình thường. Chúa Giêsu làm phép lạ để ban lại quyền ăn nói cho đương sự.

Tuy tôi không câm, nhưng trong nhiều trường hợp lẽ ra tôi phải nói thì tôi lại không nói: nói để an ủi người khác, nói để bênh vực chân lý, nói để rao giảng Tin Mừng… Xin Chúa chữa con chứng bệnh câm này.

2. Trước phép lạ của Chúa Giêsu, những người bình dân ít học thì khen ngơi Ngài, còn những người biệt phái thông thái thì xuyên tạc. Điều này gọi là “có định kiến xấu”. Người đã có định kiến xấu thì dù thuộc giới đạo đức hay học thức (như biệt phái) cũng phạm sai lầm một cách tệ hại.

3. Chúa Giêsu đã chạnh lòng trước cảnh bơ vơ của dân chúng. Các nhà truyền giáo nhiệt thành cũng đều chạnh lòng như thế. Nhân loại ngày nay vẫn còn bơ vơ như đoàn chiên không có người chăn. Chỉ những ai biết chạnh lòng thì mới có thể là những nhà truyền giáo.

Xin Chúa đánh động tâm hồn các Kitô hữu, nhất là các Linh mục tu sĩ.

4. Thành kiến: Cuốn phim “Dấu ấn của quỷ” kể một câu chuyện rất thương tâm.

Một ngôi làng nhiều mê tín dị đoan, một bé gái sinh ra mang sẵn một dấu ấn trên ngực. Dân làng nói đó là dấu ấn của quỷ nên bỏ cô vào thúng rồi thả xuống biển. Một ông lão cùi đã vớt được cô đem về nuôi. Lớn lên cô gặp một chàng trai, hai người yêu nhau, lấy nhau và sống hạnh phúc bên cạnh ông lão cùi. Giữa lúc dân làng tìm thấy cô gái và bắt lại. Và trớ trêu thay cũng giữa lúc ấy người phụ nữ trẻ sinh con, và đứa con cũng có một dấu ấn y như thế trên ngực. Người mẹ lấy bó đuốc cố đốt sạch dấu ấn trên ngực con nhưng vô ích. Cuốn phin kết thúc với cảnh người mẹ đau khổ gục chết, ông lão cùi tuyệt vọng đốt rụi túp lều của mình, và đứa trẻ sơ sinh ngơ ngác không hiểu số phận mình sẽ ra sao…

Đối với Chúa Giêsu không ai mang dấu ấn của quỷ, mà chỉ có hình ảnh cao quý của Thiên Chúa trong mỗi người (Chờ đợi Chúa)

5. Bấy giờ người nói với các môn đệ rằng “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít. Vậy anh em hãy xin chủ ruộng sai thợ gặt lúc mang về” (Mát Thêu 9, 37-38)

Thế giới hôm nay còn nhiều điểm tối, nhưng vẫn có những đốm sáng rực rỡ: khi con người ngồi gần lại nhau để giải quyết tranh chấp, tìm kiếm hoà bình; khi cả thế giới lo chung một mối lo bảo vệ trái đất , ngăn chặn si đa, diệt tận ma tuý; khi có những người nghèo quan tâm đến những người nghèo hơn; khi trẻ thơ và người già được chăm sóc; khi những hàng rào ngăn cách các nước được tháo gỡ; khi không còn kì thị chủng tộc, tôn giáo, màu da, khi những tiến bộ khoa học làm con người sống hạnh phúc; khi mọi người nhận ra mình là anh em của nhau, sống trên cùng một hành tinh, dười mái nhà bầu trời.

 

Suy Niệm 10: Chúa Giêsu, người mục tử nhân hậu

(Lm Giuse Đinh Tất Quý)

Bài Tin Mừng này gồm hai ý:

1. Chúa Giêsu trừ quỷ cho một người câm để anh nói được. Căn cứ theo lời tiên tri Isaia, phép lạ này chứng minh Ngài là Đấng Messia. Nhưng những người Pharisêu cố tình không hiểu ý nghĩa phép lạ này, họ còn xuyên tạc rằng, Ngài đã cậy sức quỷ vương mà làm việc đó.

Trước phép lạ của Chúa Giêsu, những người bình dân ít học thì khen ngợi Ngài, còn những người Pharisêu thông thái thì lại xuyên tạc. Việc xuyên tạc này phát xuất từ những “định kiến xấu” và người đã có định kiến xấu thì dù thuộc giới đạo đức hay học thức (như Pharisêu) cũng rất dễ phạm sai lầm.

Trong cuốn phim có tựa đề là “Dấu ấn của quỷ”, người ta được chứng kiến một câu chuyện rất thương tâm như thế này.

Trong một ngôi làng kia còn nhiều mê tín dị đoan. Một bé gái vừa sinh ra đã mang sẵn một cái bớt trên ngực. Dân làng nói đó là dấu ấn của quỷ nên họ bỏ em vào thúng rồi thả xuống biển tính cho em chết đi. Nhưng rất may cho em, một ông lão cùi đã vớt được em và đem về nuôi. Lớn lên cô gặp một chàng trai. Hai người yêu nhau, lấy nhau và sống hạnh phúc bên cạnh ông lão cùi.

Tình cờ một ngày kia, dân làng khám phá ra tung tích của cô và họ bắt cô lại. Thật là trớ trêu, giữa lúc vừa bị bắt thì người phụ nữ trẻ ấy sinh con, và đứa con cũng có một cái bớt như mẹ nó trên ngực. Thấy thế người mẹ sợ quá nên đã lấy một bó đuốc cố đốt sạch cái bớt mà người ta cho là dấu ấn của quỉ trên ngực con mình nhưng vô ích.

Cuốn phim kết thúc với cảnh người mẹ đau khổ gục chết. Ông lão cùi tuyệt vọng đốt rụi túp lều của mình, và đứa trẻ sơ sinh ngơ ngác không hiểu số phận mình sẽ ra sao.

Đó là kết quả của những đầu óc thiển cận đầy định kiến xấu.

Chúa Giêsu thì không như thế. Không ai là người mang dấu ấn của quỷ, mà chỉ có hình ảnh cao quý của Thiên Chúa trong mỗi người mà thôi.

Xin Chúa cho chúng ta có được một tấm lòng và một cặp mắt trong sáng, để có thể nhận ra những giá trị tốt đẹp nơi anh chị em chúng ta.

2. Tấm lòng của Chúa Giêsu đối với dân chúng:

Ngài tận tình giảng Tin Mừng và chữa bệnh cho họ, nhưng Ngài vẫn thấy họ bơ vơ như chiên không có người chăn. Một mặt, Ngài cho các môn đệ hiểu hoàn cảnh ấy “lúa chín đầy đồng mà thiếu thợ gặt” (Mt 9,37), mặt khác, Ngài bảo họ cầu xin “Các con hãy xin chủ ruộng sai thợ gặt đi gặt lúa” (Mt 9,38).

Và Chúa Giêsu đã chạnh lòng trước cảnh bơ vơ của dân chúng.

Có lần mẹ Têrêsa đã cầu nguyện với Chúa như thế này: “Xin hãy cho con rao giảng về Chúa, không phải bằng lời nói nhưng bằng gương sống, với sức thu hút mạnh mẽ và sự lôi cuốn của lòng cảm thông, một sự thu hút và lôi cuốn đến từ những gì con làm, bằng chứng rõ ràng cho Tình Yêu hoàn toàn đối với Chúa, Ðấng hiện diện tràn đầy trong tâm hồn con.”

Nhân loại ngày nay vẫn còn bơ vơ như đoàn chiên không có người chăn. Hãy tập cho mình biết chạnh lòng thương như Chúa Giêsu, để cùng với Chúa làm cho thế giới chúng ta đang sống được ấm áp tình người hơn.

Cha Anthony de Mello thuật lại một câu chuyện có thực. Chuyện xảy ra tại đất nước Bangladesh, một trong những nước nghèo nhất thế giới.

Có một người đàn ông nọ đi bộ về nhà sau một ngày làm việc cực nhọc tại xưởng thợ. Vì quá mệt mỏi, ông dừng lại ngồi nghỉ dưới một bóng cây ven đường và thiếp ngủ đi lúc nào không biết. Khuôn mặt tiều tụy của ông khiến người đi đường ngỡ ông là một người hành khất kiệt sức và ngất xỉu. Và người ta chạnh lòng thương, ai đi qua cũng bỏ vào chiếc mũ của ông vài đồng xu.

Khi thức giấc, người công nhân già hết sức ngạc nhiên vì thấy chiếc mũ cũ kỹ của mình đầy những đồng xu, số tiền đếm được còn nhiều hơn một ngày công của ông. Ông mỉm cười tự nghĩ mình đã là một người hành khất bất đắc dĩ.

Trên đường về nhà, ông nhìn thấy nhiều người ăn xin đui mù tàn tật, ông chạnh lòng thương, rồi ông lặng lẽ chia đều cho họ số tiền vừa mới nhận được. Và hơn ai hết, người công nhân nghèo ấy hiểu: được nhận lãnh và được chia sẻ cũng đều là một niềm hạnh phúc không gì có thể sánh bằng.

Lạy Cha, xin cho con ý thức rằng,

tấm bánh để dành của con thuộc về người đói,

chiếc áo nằm trong tủ thuộc về người trần trụi,

tiền bạc con cất giấu thuộc về người thiếu thốn.

Lạy Cha chí nhân,

vũ trụ, trái đất và tất cả tài nguyên của nó

là quà tặng Cha cho mọi người có quyền hưởng.

Cha để cho có sự chênh lệch, thiếu hụt,

vì Cha muốn chúng con san sẻ cho nhau.

Xin dạy chúng con biết cách đầu tư làm giàu,

nhờ sống chia sẻ yêu thương. Amen.



 

He had compassion for them – SN The WAU (05.7.2022)
Br. Phaolô Vũ Đức Thành, SDD chuyển ngữ

Nguồn: The Word Among Us – July 2022

Tuesday July 5th 2022
Meditation: Matthew 9, 32-38

 

He had compassion for them (Matthew 9,36)

As part of her medical treatment, a woman had to give herself daily injections. Beyond the pain and burning of the shots, she sometimes bled from the injection site for several minutes. One day she heard a song that described Jesus as the “God who bleeds.” The next time she gave herself the injections, she imagined Jesus standing beside her and bleeding with her. Overwhelmed by God’s nearness, she was amazed that he would share this pain with her when no one else could.

During difficult times, we may feel as if God is far away. But in today’s Gospel, Jesus shows us that the opposite is true. In contrast to the unresponsive “gods” of gold and silver in the first reading, Jesus is moved with compassion when we feel troubled or abandoned (Hosea 8:4; Matthew 9:36). Unlike the inanimate objects that the psalmist describes, he is living and breathing (115:4-9). Rather than being unable to answer our cries for help, Jesus hears our every prayer and loves to comfort, heal, and free us. He is beside us at every moment, ever “close to the brokenhearted” (Psalm 34:19).

We know this is true, but sometimes it’s hard to recognize Jesus’ presence. Sometimes, as this woman experienced, songs or hymns can help us sense that the Lord is with us. As we listen to the words, we may become a little more hopeful. We may remember that even when we feel lost, we can trust that God loves us and is holding us close. We may recall his faithfulness, that he has never forsaken us. It may not always be an instant fix, but music has a unique way of bringing us into God’s presence.

Just as he had compassion for the crowds, Jesus wants to be close to you today. Think about a song that speaks to you. It may be a beloved hymn, a carol, or a chant. Try to find that song and listen to it again. Maybe even sing along. Be open to Jesus’ presence as you ask him to speak to you through the words. Allow yourself to be comforted that he is near. Let God fill you with his peace, and trust that he is always walking with you.

“Jesus, thank you for loving me.”

Thứ Ba tuần XIV Thường Niên
ngày 05.7.2022

Suy niệm: Mt 9, 32-38

 

Ngài chạnh lòng thương (Mt 9,36)

Trong quá trình điều trị y tế, một phụ nữ phải tự tiêm thuốc hằng ngày. Ngoài cảm giác đau đớn và bỏng rát khi tiêm, cô ấy đôi khi bị chảy máu từ vết tiêm trong vài phút. Một ngày nọ, cô nghe một bài hát mô tả Chúa Giêsu là “Thiên Chúa chảy máu”. Lần tiếp theo khi cô tự tiêm thuốc, cô tưởng tượng Chúa Giêsu đang đứng bên cạnh cô và cùng cô đang chảy máu. Choáng ngợp trước sự gần gũi của Thiên Chúa, cô ngạc nhiên rằng Ngài sẽ chia sẻ nỗi đau này với cô khi không ai khác có thể.

Trong những lúc khó khăn, chúng ta có thể cảm thấy như thể Thiên Chúa ở rất xa. Nhưng trong Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu cho chúng ta thấy điều ngược lại. Trái ngược với những “thần” vàng và bạc không phản ứng trong bài đọc một, Chúa Giêsu động lòng trắc ẩn khi chúng ta cảm thấy khó khăn hoặc bị bỏ rơi (Hs 8,4; Mt 9,36). Không giống như những đồ vật vô tri vô giác mà tác giả Thánh vịnh mô tả, Ngài đang sống và đang thở (115,4-9). Thay vì không thể đáp lại tiếng kêu cứu của chúng ta, Chúa Giêsu nghe mọi lời cầu nguyện của chúng ta và yêu thương an ủi, chữa lành và giải thoát chúng ta. Ngài ở bên cạnh chúng ta mọi lúc, luôn luôn “gần gũi với những người có tấm lòng tan nát” (Tv 34,19).

Chúng ta biết điều này là đúng, nhưng đôi khi thật khó để nhận ra sự hiện diện của Chúa Giêsu. Đôi khi, như người phụ nữ này đã trải nghiệm, các bài hát hoặc thánh ca có thể giúp chúng ta cảm nhận rằng Chúa đang ở với chúng ta. Khi chúng ta lắng nghe những lời nói, chúng ta có thể trở nên hy vọng hơn một chút. Chúng ta có thể nhớ rằng ngay cả khi cảm thấy mất mát, chúng ta có thể tin tưởng rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta và đang giữ chúng ta lại gần. Chúng ta có thể nhớ lại sự trung thành của Ngài, rằng Ngài chưa bao giờ từ bỏ chúng ta. Nó có thể không phải lúc nào cũng có thể khắc phục được ngay lập tức, nhưng âm nhạc có một cách độc đáo để đưa chúng ta đến với sự hiện diện của Thiên Chúa.

Cũng như Ngài có lòng trắc ẩn đối với đám đông, Chúa Giêsu muốn ở gần bạn hôm nay. Suy nghĩ về một bài hát nói với bạn. Nó có thể là một bài thánh ca, một bài đáp ca hoặc một bài thánh ca được yêu thích. Cố gắng tìm bài hát đó và nghe lại. Thậm chí có thể hát theo. Hãy cở i mở với sự hiện diện của Chúa Giêsu khi bạn cầu xin Ngài nói với bạn qua lời nói. Hãy cho phép bản thân được an ủi rằng Ngài đang ở gần. Hãy để Chúa ban tràn đầy bình an cho bạn và tin tưởng rằng Ngài luôn đồng hành với bạn.

Lạy Chúa, con cảm ơn Chúa đã yêu thương con.

 

Never seen anything like this – SN song ngữ ngày 05.7.2022
Tác giả: Don Schwager

(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu, SDD – chuyển ngữ

Tuesday (July 5)

Never seen anything like this

Scripture:  Matthew 9:32-38

32 As they were going away, behold, a dumb demoniac was brought to him.33 And when the demon had been cast out, the dumb man spoke; and the crowds marveled, saying, “Never was anything like this seen in Israel.” 34 But the Pharisees said, “He casts out demons by the prince of demons.” 35 And Jesus went about all the cities and villages, teaching in their synagogues and preaching the gospel of the kingdom, and healing every disease and every infirmity. 36 When he saw the crowds, he had compassion for them, because they were harassed and helpless, like sheep without a shepherd. 37 Then he said to his disciples, “The harvest is plentiful, but the laborers are few; 38 pray therefore the Lord of the harvest to send out laborers into his harvest.”

Thứ Ba ngày 05.7.2022                

 

Chưa từng thấy điều gì như thế

Mt 9,32-38

32 Họ vừa đi ra thì người ta đem đến cho Đức Giê-su một người câm bị quỷ ám.33 Khi quỷ bị trục xuất rồi, thì người câm nói được. Dân chúng kinh ngạc, nói rằng: “Ở Ít-ra-en, chưa hề thấy thế bao giờ! “34 Nhưng người Pha-ri-sêu lại bảo: “Ông ấy dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ.”35 Đức Giê-su đi khắp các thành thị, làng mạc, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền.36 Đức Giê-su thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt.37 Bấy giờ, Người nói với môn đệ rằng: Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít.38 Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.”

Meditation: What help and hope can we give to someone who experiences chronic distress or some incurable disease of mind and body? Spiritual, emotional, and physical suffering often go hand in hand. Jesus was well acquainted with individuals who suffered intolerable affliction – whether physical, emotional, mental, or spiritual. A “dumb demoniac” was brought to Jesus by his friends with the hope that Jesus would set the troubled man free. These neighbors, no doubt, took pity on this man who had a double impediment. He had not only lost his ability to speak, but was also greatly disturbed in mind and spirit. This was no doubt due to the influence of evil spirits who tormented him day and night with thoughts of despair and hopeless abandonment by God.

 

Jesus brings freedom and healing

Jesus immediately set him free from the demon who tormented him and restored his ability to speak at the same time. This double miracle brought wonder to the crowds who watched in amazement. “Nothing like this had ever been done before in the land of Israel!” Whenever people approached Jesus with expectant faith, he set them free from whatever afflicted them – whether it be a disease of mind and body, a crippling burden of guilt and sin, a tormenting spirit or uncontrollable fear of harm.

How could Jesus’ miracles cause both scorn and wonder at the same time from those who professed faith in God? Don’t we often encounter the same reaction today, even in ourselves! The crowds looked with awe at the wonderful works which Jesus did, but the religious leaders attributed this same work to the power of the devil. They disbelieved because they refused to recognize Jesus as the Messiah. Their idea of religion was too narrow and closed to accept Jesus as the Anointed One sent by the Father “to set the captives free” (Isaiah 61:1; Matthew 11:5). They were too set in their own ways to change and they were too proud to submit to Jesus. They held too rigidly to the observances of their ritual laws while neglecting the more important duties of love of God and love of neighbor. The people, as a result, were spiritually adrift and hungry for God. Jesus met their need and gave them new faith and hope in God’s saving help.

The Gospel brings new life and freedom

Whenever the Gospel is proclaimed God’s kingdom is made manifest and new life and freedom is given to those who respond with faith. The Lord grants freedom to all who turn to him with trust. Do you bring your troubles to the Lord with expectant faith that he can set you free? The Lord invites us to pray that the work of the Gospel may spread throughout the world, so that all may find true joy and freedom in Jesus Christ.

“Lord Jesus, may your kingdom come to all who are oppressed and in darkness. Fill my heart with compassion for all who suffer mentally and physically. Use me to bring the good news of your saving grace and mercy to those around me who need your healing love and forgiveness.”

Suy niệm: Sự trợ giúp và hy vọng nào chúng ta có thể đem lại cho những ai đang cảm nghiệm nỗi đau khổ thường xuyên hay căn bệnh không thể chữa lành về tinh thần và thể xác? Sự đau khổ tinh thần, cảm xúc, và thể lý thường đi với nhau. Đức Giêsu cũng quen thuộc với từng cá nhân chịu đau khổ quá sức – cho dù về thể xác, cảm xúc, tinh thần, hay tâm hồn. Một “người câm bị quỷ ám” được mang tới Đức Giêsu nhờ bạn bè với niềm hy vọng rằng Đức Giêsu sẽ giải thoát anh khỏi nỗi khổ. Rõ ràng, những người hàng xóm này có lòng thương xót với người này, đang có sự trở ngại gấp đôi. Anh không chỉ mất khả năng để nói, mà còn bị quấy nhiễu kinh khủng trong tâm trí. Điều này rõ ràng do ảnh hưởng của các thần dữ, kẻ đã hành hạ anh ngày đêm với những tư tưởng sợ hãi và bị Thiên Chúa hoàn toàn bỏ rơi.

Đức Giêsu mang lại sự giải thoát và chữa lành

Ngay lập tức, Đức Giêsu giải thoát anh khỏi ma quỷ, kẻ đã hành hạ anh và phục hồi khả năng nói của anh cùng lúc. Phép lạ nước đôi này đã khiến cho đám đông đang chứng kiến phải kinh ngạc. “Ở Israel chưa hề thấy thế bao giờ!” Bất cứ khi nào người ta đến gần Đức Giêsu với niềm tin kiên vững, Người đều giải thoát họ khỏi bất cứ điều gì khiến họ đau khổ – cho dù là bệnh tật về tinh thần hay thể xác, một gánh nặng làm tê liệt của tội lỗi, một tâm hồn bị dằn vặt hay nỗi sợ hãi tai hại không thể kiềm chế được.

Làm sao những phép lạ của Đức Giêsu có thể gây sự khinh miệt và kinh ngạc cùng lúc từ những người tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa? Ngày nay, chẳng phải chúng ta cũng thường hay gặp sự phản ứng tương tự, thậm chí trong chính chúng ta sao? Dân chúng kinh ngạc nhìn xem những việc làm lạ lùng mà Đức Giêsu đã làm, nhưng những nhà lãnh đạo tôn giáo lại quy cũng việc làm này do quyền lực của ma quỷ. Họ không tin, bởi vì họ từ chối nhìn nhận Đức Giêsu là Đấng Mêsia. Quan điểm của họ về tôn giáo quá thiển cận và khép kín để đón nhận Đức Giêsu là Đấng được xức dầu, được Cha sai tới “để giải thoát những kẻ bị giam cầm” (Is 61,1; Mt 11,5). Họ quá cố chấp trong những đường lối của chính họ đến nỗi không thể thay đổi và họ cũng quá kiêu ngạo đến nỗi không thể quy phục Đức Giêsu. Họ quá cứng nhắc trong những việc tuân thủ những lề luật nghi thức của họ, trong khi đó lại bỏ qua những bổn phận quan trọng hơn về lòng yêu mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân. Kết quả, một cách thiêng liêng, con người ta lênh đênh và đói khát Thiên Chúa. Đức Giêsu thấy được sự thiếu thốn của họ và ban cho họ niềm tin và hy vọng mới trong sự giúp đỡ cứu vớt của Thiên Chúa.

Tin mừng đem lại sự sống mới và tự do

Mỗi khi Tin mừng được công bố, nước Thiên Chúa được bày tỏ và cuộc sống mới và tự do được ban cho những ai đáp trả với niềm tin. Chúa ban tự do cho tất cả những ai hướng về Người với lòng tin cậy. Bạn có đem những vấn nạn của mình cho Chúa với đức tin kiên vững để Người có thể giải thoát bạn không? Chúa mời gọi chúng ta cầu nguyện cho công việc Tin mừng có thể truyền rao khắp thế giới, để tất cả mọi người có thể tìm được niềm vui và tự do đích thật trong Đức Giêsu Kitô.

Lạy Chúa Giêsu, chớ gì nước Chúa ngự đến với tất cả những ai đang bị áp bức và đang ở trong bóng tối. Xin lấp đầy lòng con sự trắc ẩn cho người đau khổ phần hồn phần xác. Xin dùng con để đem Tin mừng ơn cứu độ và lòng thương xót cứu độ của Chúa đến cho những người xung quanh con, đang cần đến tình yêu và ơn tha thứ chữa lành của Chúa.

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây