Thứ Ba tuần 22 thường niên

Thứ hai - 04/09/2023 09:42
Lời Chúa: Lc 4, 31-37

Khi ấy, Chúa Giêsu xuống thành Capharnaum, xứ Galilêa, và ở đó Người giảng dạy họ trong các ngày Sabbat. Người ta bỡ ngỡ về giáo lý của Người, vì lời giảng dạy của Người có uy quyền. Bấy giờ trong hội đường, có một người bị quỷ ô uế ám, thét to lên rằng: "Hỡi Giêsu Nadarét, giữa chúng tôi và Ngài có chuyện chi đâu? Ngài đến tiêu diệt chúng tôi sao? Tôi biết Ngài là ai rồi, là Đấng Thánh của Thiên Chúa". Nhưng Chúa Giêsu trách mắng nó rằng: "Hãy câm đi và ra khỏi người này". Và quỷ vật ngã người đó giữa hội đường và xuất khỏi nó, mà không làm hại gì nó.
Mọi người kinh hãi và bảo nhau rằng: "Lời gì mà lạ lùng vậy? Vì Người dùng quyền năng mà ra lệnh cho các thần ô uế, và chúng phải xuất ra". Danh tiếng Người đồn ra khắp nơi trong xứ.

thu ba tuan xxii mua thuong nien

Suy niệm 1: Lời có uy quyền
(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)


Phép lạ đầu tiên được kể trong Tin Mừng Luca là một phép lạ trừ quỷ,
diễn ra tại hội đường Caphácnaum vào một ngày sabát (c. 31).
Đức Giêsu dạy dỗ dân chúng, và họ sửng sốt trước lời dạy của Ngài,
bởi lẽ lời của Ngài là lời đầy quyền uy (c. 32).
Quyền uy làm sửng sốt ấy đến từ con người Ngài,
vì Ngài chính là Ngôi Lời của Thiên Chúa.
Trong hội đường ngày hôm đó, có một người bị quỷ thần ô uế nhập.
Anh ta tự nhiên la to, vì thấy mình bị đe dọa: “Ông Giêsu Nadarét,
chuyện chúng tôi can gì đến ông? Ông đến tiêu diệt chúng tôi sao?”
Sự hiện diện và lời dạy quyền uy của Đức Giêsu, làm quỷ xuất đầu lộ diện.
Nhưng nó sợ, muốn tránh Ngài trong cuộc chiến không cân sức.
Quỷ biết rõ đối thủ có sức tiêu diệt mình là ai.
Nó biết được điều mà dân chúng không biết về căn tính của Đức Giêsu.
Ngài không phải chỉ là ông Giêsu ở Nadarét,
mà còn là Đấng Thánh của Thiên Chúa (c. 34).
Có một sự đối lập gay gắt giữa thần ô uế và Đấng Thánh tinh tuyền.
Đức Giêsu trừ thần ô uế chỉ bằng một lời quát mắng (c. 35).
“Câm đi, hãy xuất ra khỏi người này!”
Ngài không cho quỷ nói lên danh tánh của Ngài,
vì Ngài không muốn sự thật được nói lên bởi miệng những kẻ dối trá.
Lời truyền lệnh của Ngài khiến thần ô uế phải xuất ra.
Nó không còn được ở lại hay có quyền gì trên người này nữa.
Quỷ vật anh ngã xuống, xuất ra, nhưng lại không làm hại được anh.
Người trong hội đường kinh ngạc, không vì chuyện Đức Giêsu trừ quỷ,
nhưng vì họ thấy uy quyền và uy lực nơi lời nói của Ngài (c. 36).
Lời nói ra như một mệnh lệnh, và quỷ phải vâng nghe.
Thế giới hôm nay dễ bị tấn công và thống trị bởi các thần ô uế.
Thần ô uế có mặt ở khắp nơi, và có sức hấp dẫn mê hoặc con người.
Ô uế nơi thân xác, nơi trí tưởng tượng, nơi những ám ảnh không ngơi.
Ô uế trở thành một thứ văn hóa, xâm nhập vào mọi ngõ ngách,
chi phối mọi lối nghĩ và lối hành xử của con người.
Chúng ta phải nhìn nhận sức mạnh của thần ô uế trong thế giới hôm nay.
Rất nhiều bạn trẻ đã phải thú nhận mình không đủ sức kháng cự lại.
Đức Giêsu cho chúng ta niềm tin vào sự chiến thắng.
Sự hiện diện của Ngài làm thần ô uế không thể giấu mặt.
Sự thánh thiện của Ngài làm nó phải run sợ cúi đầu.
Uy quyền và uy lực nơi Lời quát mắng của Ngài khiến nó phải tháo lui.
Hãy để cho Đức Giêsu thánh thiện có chỗ trong đời chúng ta.
Hãy tin vào sức mạnh giải phóng của Lời Ngài.
Hãy để Lời Ngài nâng chúng ta dậy và cho chúng ta được tự do.
Một người ở trong hội đường hay nhà thờ cũng có thể bị thần ô uế ám.
Chúng ta mong Chúa cho ta khả năng trục được sự ô uế ra khỏi đời ta.
 
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
ai trong chúng con cũng thích tự do,
nhưng mặt khác chúng con thấy mình dễ bị nô lệ.
Có nhiều xiềng xích do chính chúng con tạo ra.
Xin giúp chúng con được tự do thực sự:
tự do trước những đòi hỏi của thân xác,
tự do trước đam mê của trái tim,
tự do trước những thành kiến của trí tuệ.
Xin giải phóng chúng con khỏi cái tôi ích kỷ,
để dễ nhận ra những đòi hỏi tế nhị của Chúa,
để nhạy cảm trước nhu cầu bé nhỏ của anh em.
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho chúng con được tự do như Chúa.
Chúa tự do trước những ràng buộc hẹp hòi,
khi Chúa đồng bàn với người tội lỗi
và chữa bệnh ngày Sabát.
Chúa tự do trước những thế lực đang ngăm đe,
khi Chúa không ngần ngại nói sự thật.
Chúa tự do trước khổ đau, nhục nhã và cái chết,
vì Chúa yêu mến Cha và nhân loại đến cùng.
Xin cho chúng con đôi cánh của tình yêu hiến dâng,
để chúng con được tự do bay cao. Amen.
 
Suy niệm 2: Tiến hành cuộc chiến đấu
(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)


Ô nhiễm đang là một vấn đề lớn và nan giải. Từ ô nhiễm môi trường sống với nước thải, khói xăng, khí độc đến ô nhiễm thực phẩm với chất bảo quản, với phân bón và với cách chế biến thực phẩm. Nhưng tất cả đều bắt nguồn từ sự ô uế nơi tâm hồn con người. Đừng tưởng thần ô uế chỉ có thời Chúa Giêsu. Nó vẫn hiện diện thời chúng ta và đang tác oai tác quái. Con người bị ô uế từ trong tư tưởng với những ý đồ xấu xa trục lợi. Ô uế thấm vào cả trái tim với những ước muốn tội lỗi. Con người đang hít thở bầu khí ô uế, đươc nuôi dưỡng bằng những món ăn ô uế và còn dự tính mở rộng môi trường ô uế. Những nỗ lực ngăn chặn ô uế, thanh tẩy môi trường đạo đức hầu như vô hiệu. Con người bất lực. Chỉ còn trông chờ sức mạnh của Thiên Chúa.
Có hai điều đáng sợ do ma quỉ lừa gạt. Điều thứ nhất ma quỉ trấn an chúng ta: “Không can gì đâu”. Ô uế không sao đâu. Tội lỗi không sao đâu. Điều thứ hai nó thấm nhập và trở thành một phần không thể thiếu của đời ta. Khi Chúa trục xuất thần ô uế, người bị quỉ ám ngã vật xuống như chết đi. Có những sự xấu như tiền bạc, danh vọng, chức quyền, lạc thú trở thành nhu cầu. Ta tưởng sẽ chết nếu thiếu chúng.
Vì thế thánh Phao-lô khuyên các tín hữu Tét-xa-lô-ni-ca hãy vào cuộc chiến đấu. Thần ô uế là bóng tối. Con cái Chúa là ánh sáng. Đi theo thần ô uế là ngủ mê. Đi theo ánh sáng của Chúa phải tỉnh thức. Sống theo thần ô uế là chiều theo dục vọng. Sống theo ánh sáng của Chúa là tiết độ: “Thưa anh em, anh em không ở trong bóng tối, để ngày ấy như kẻ trộm bắt chợt anh em. Vì tất cả anh em là con cái ánh sáng, con cái của ban ngày. Chúng ta không thuộc về đêm, cũng không thuộc về bóng tối. Vậy chúng ta đừng ngủ mê như những người khác, nhưng hãy tỉnh thức và sống tiết độ” (năm lẻ).
Đó chính là cuộc chiến giữa xác thịt và Thần khí. Ai sống theo xác thịt thì có sự khôn ngoan của trần gian để chiếm đoạt danh, lợi, thú của trần gian. Ai sống theo Thần Khí thì trước mặt thế gian bị coi là điên rồ, nhưng thực ra họ có sự khôn ngoan của Nước Trời: “Con người sống theo tính tự nhiên thì không đón nhận những gì của Thần Khí Thiên Chúa, vì cho đó là sự điên rồ; họ không thể biết được, bởi vì phải nhờ Thần Khí mới có thể xét đoán” (năm chẵn).
Cuộc chiến rất khốc liệt. Để dứt lìa thần ô uế ta phải đau đớn như chết đi, giống như người bị quỉ ám ngã vật xuống. Chúng ta chỉ thắng được nhờ sức mạnh của Chúa Ki-tô. Nhưng chúng ta chỉ có Chúa khi sống trong ánh sáng, khi đi theo sự hướng dẫn của Thần Khí.

SUY NIỆM 3:  SỨC MẠNH CỦA LỜI ! Giuse Nguyễn Trọng Sơn

Tuy dù có chậm trễ, nhưng Giáo Hội đã nhận ra giá trị của truyền thông để suy tư và nhập cuộc khá nhanh chóng nhằm phục vụ cho đời sống và sứ mạng Giáo Hội, và đã có những thành quả đáng mừng trong lãnh vực này. Tuy nhiên, song song theo đó, Giáo Hội lại gặp một vấn nạn khác, vấn nạn khá lớn, đó là đời sống chứng tá của nhiều thành viên Giáo Hội, trong đó có cả các linh mục, gặp những khủng hoảng lớn, nhiều phen trở thành gương xấu lớn trầm trọng nữa!!!
Những người dân Nadarét khước từ lời rao giảng của Đức Giêsu, nhưng họ không thể chối bỏ được sức mạnh của lời Ngài. Họ biết những chữa lành bởi lời quyền năng Ngài được thực hiện ở Caphácnaum: “Người nói với họ: ‘Hẳn là các ông muốn nói:... Tất cả những gì chúng tôi nghe nói ông đã làm tại Caphácnaum, ông cũng hãy làm tại đây, tại quê ông xem nào!” (Lc 4,23). Và đây, ông Luca ghi lại rằng tại Caphácnaum, lời Đức Giêsu đã đuổi quỷ ra khỏi một người đàn ông. Với dân chúng, “họ sửng sốt về cách Người giảng dạy, vì lời của Người có uy quyền.” (Lc 4,32). Việc đuổi quỷ này là một minh chứng cho lời uy quyền của lời Đức Giêsu.
Lời uy quyền ấy phải có đối tượng trước tiên là mỗi người chúng ta. Nhưng muốn như vậy, thái độ mở lòng của chúng ta là không thể thiếu. “Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tuỷ; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người.” (Dt 4,12). Để cho Lời Chúa soi vào chỗ sâu nhất trong lòng và đừng khước từ sự tra vấn của Lời, chúng ta sẽ đón nhận được sức mạnh của Lời.
Quyền của Lời Chúa, vì đã biến đổi cuộc đời chúng ta, cũng làm cho lời nói của chúng ta cũng có sức mạnh, hiệu lực khi nói ra, khi rao giảng Lời Chúa.  
Đời sống của thánh Têrêsa Calcutta là lời rao giảng đầy sức mạnh về Thiên Chúa là tình yêu.


SUY NIỆM 4: ĐỐI DIỆN VỚI KẺ THÙ – SATAN - ĐGM. PHAOLÔ NGUYỄN THANH HOAN

    Satan đã đụng độ với Chúa Giê su trong sa mạc. Cuộc chiến dằng dai đến 40 ngày đêm, nhưng cuối cùng chúng phải rút lui để chờ dịp khác.
    Hôm nay chúng lại đụng độ với Ngài và dĩ nhiện chúng đã biết một đe dọa lớn đang đến với chúng, chúng sẽ mất quyền thống trị trên con người. Và ta thấy phản ứng của Satan thật dữ dội. “Ông Giêsu Nagiareth, chuyện chúng tôi can gì đến ông, mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!”.
    Đấng Thánh dĩ nhiên không đổi trời chung vói ma quỉ, Đấng thánh chỉ có diệt trừ ma quỉ ra khỏi lòng người. Đấng thánh đến dây để giải phóng con người ra khỏi bàn tay ma quỉ. Và Chúa đã quát mắng nó: “Câm đi, hãy xuất khỏi người này”  và ma quỉ đã phải câm miệng ra đi sau khi vật nạn nhân ngã xuống đất.
    Quả thật là một cảnh tưởng làm người ta phải rùng mình kinh hãi. Và họ nói với nhau: “Lời ấy là thế nào? Ông ấy lấy uy quyền và thế lực mà ra lệnh cho các thần ô uế và chúng phải xuất”.
    Cuộc trừ quỉ này là một minh họa cho lời rao giảng với uy quyền tuyệt vời kỳ diệu mà Chúa vừa thực hiện ở hội đường Carphanaum, vượt lên mọi ảnh hưởng cảu cá trường phái luật sĩ.
    Những tư tưởng và lời bình giải kinh thánh của Chúa làm người ta kính nể. Điều này cũng đặt ra cho chúng ta một câu hỏi: chúng ta đã có tâm tình trân trọng Lời Chúa thực sự chưa? Chúng ta có nhảy cảm cà đón nhận Lời Chúa hay không? Người môn đệ của Chúa cần có ý thức sống động mỗi khi nghe Lời Chúa. Vì đây không phải là lời của người phàm, mà là lời từ tình yêu Chúa vang đến tai chúng ta hôm nay. Lời đó còn có sự hiện diện Chúa Thánh Linh để chiếu tỏa, soi sáng cho tâm hồn chúng ta, có khi đốt lửa yêu mến và gây nên niềm vui, niềm hy vọng giữa cuộc đời bao nỗi nầy.
    Ma quỉ cảm nhận Chúa đến để tiêu diệt chúng. Còn chúng ta phải cảm nhận Chúa đến đem sự sống và niềm vui  cho chúng ta.
Cầu nguyện:
 Lạy Chúa Giêsu là Đấng thánh của Thiên Chúa. Chúng con xin hết lòng cảm tạ vì Chúa đã hạ thân làm người không nề chi cuộc đời gian truân của nhân loại. Chúa đến để tỏ lòng yêu thương của Chúa muốn làm tất cả những gì có thể làm được để phục vụ rồi lại cho chúng con ơn huệ cao sang của con người ngày Chúa tạo dựng. Con người mang hình ảnh Chúa.
    Chúa ơi, sự quan tâm của Chúa do từ tình thương vô biên vô tân mà chúng con không có lời diễn tả được. Chúng con chỉ biết tri ân và sẵn sàng vâng nghe Lời Chúa như Chúa Cha đã dặn dò: “đây là con Ta yêu dấu, các con hãy vâng nghe lời Ngài”.
    Lời Chúa là sự sống huyền diệu ban tặng cho chúng con. Là đèn soi cho chúng con giữa đêm tối cuộc đời. Là chính Chúa “Ngôi Lời”, đến ở với chúng con, làm cho cuộc đời chúng con vui tươi hạnh phúc.
    Lạy Chúa xin cho chúng con biết hoàn toàn tin tưởng vào lời Chúa, biết trân trọng từ trong lòng đến bề ngoài mỗi khi nghe Lời Chúa. Xin giúp chúng con ơn soi sáng để có thể dáp lại sứ điệp Tin mừng bằng đời sống thực hành. Vì Lời Chúa là ý Cha, là nguồn mọi ơn lành, và mỗi khi thực hành Lời Chúa là chúng con sống và làm cho “ý Cha được thể hiện dưới dất cũng như trên trời”.
    Lạy Chúa, Chúa có Lời hằng sống, như lời thánh Phêrô: “Lạy Thầy bỏ Thầy chúng con đi với ai, vì Thầy có lời ban sự sống đời đời”(Ga).
    Ước chi chúng con luôn nói được như vậy! Đây là kinh nghiệm tuyệt vời của những con người đã sống bên Chúa lâu ngày. Phần chúng con còn yếu đức tin, còn mê say giữa cuộc đời tục lụy. Xin Chúa giải thoát chúng con cho khỏi sự dữ. Amen.

Tác giả: Truc Ho Si

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây