Thứ Ba tuần 23 thường niên
Thứ hai - 11/09/2023 03:57
Phúc Âm: Lc 6, 12-19
12 Trong những ngày ấy, Đức Giê-su đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa. 13 Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ. 14 Đó là ông Si-môn mà Người gọi là Phê-rô, rồi đến ông An-rê, anh của ông; sau đó là các ông Gia-cô-bê, Gio-an, Phi-líp-phê, Ba-tô-lô-mê-ô, 15 Mát-thêu, Tô-ma, Gia-cô-bê con ông An-phê, Si-môn biệt danh là Quá Khích, 16 Giu-đa con ông Gia-cô-bê, và Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, người đã trở thành kẻ phản bội.
17 Đức Giê-su đi xuống cùng với các ông, Người dừng lại ở một chỗ đất bằng. Tại đó, đông đảo môn đệ của Người, và đoàn lũ dân chúng từ khắp miền Giu-đê, Giê-ru-sa-lem cũng như từ miền duyên hải Tia và Xi-đôn 18 đến để nghe Người giảng và để được chữa lành bệnh tật. Những kẻ bị các thần ô uế quấy nhiễu cũng được chữa lành. 19 Tất cả đám đông tìm cách sờ vào Người, vì có một năng lực tự nơi Người phát ra, chữa lành hết mọi người.
Suy niệm - Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
Đức Giêsu là con người cầu nguyện:
đây là nét nổi bật của Tin Mừng Luca.
Ngài cầu nguyện suốt cuộc đời trần thế,
từ khi nhận phép rửa của Gioan ở sông Giođan (Lc 3, 21)
đến khi hấp hối trên thập giá (23, 34. 46).
Đối với Ngài, cầu nguyện là chuyện Con đi gặp Cha,
là cuộc chuyện trò thân mật giữa Cha và Con.
Chính vì thế các lời cầu nguyện của Ngài (10, 21; 22, 42; 23, 34. 46).
đều bắt đầu bằng hai tiếng Abba, Cha ơi, thân thương.
Cần một không gian tĩnh lặng và riêng tư để gặp Cha (9, 18),
nên Đức Giêsu thường lên núi (6, 12; 9, 28)
hay vào chỗ hoang vắng (5, 16).
Nhưng có khi Ngài cầu nguyện tự phát trước mặt môn đệ (10, 21),
hay dẫn các môn đệ đến nơi mình sắp cầu nguyện (9, 28; 22, 39).
Gặp Cha là hơi thở đem lại sự sống và hạnh phúc cho Đức Giêsu.
Ngài múc lấy toàn bộ ý nghĩa đời mình qua các cuộc gặp gỡ đó.
Bài Tin Mừng hôm nay
cho thấy một lần cầu nguyện đặc biệt của Đức Giêsu.
Ngài đã thức suốt đêm nơi một ngọn núi (c. 12).
Ngài cố ý đến ngọn núi này để gặp gỡ Thiên Chúa là Cha của Ngài.
Đức Giêsu có điều cần hỏi ý Cha trước khi đi tới một quyết định.
Và đây là một quyết định quan trọng.
Đã có một đám đông môn đệ theo Ngài (Lc 6, 17),
bây giờ Đức Giêsu muốn tuyển chọn một nhóm nhỏ
để họ ở gần Ngài hơn và cộng tác với Ngài sát hơn.
Đức Giêsu không muốn tự chọn cho mình những cộng sự viên.
Ngài muốn đặt việc chọn lựa này trong bầu khí cầu nguyện.
Ngài coi nhóm đặc biệt này là “những kẻ Cha đã ban cho Con,”
“những kẻ Cha đã chọn từ giữa thế gian” (Ga 17, 6. 9).
Đức Giêsu chỉ muốn chọn những người Cha đã chọn cho mình.
Đến sáng Ngài mới rõ ý Cha, mới làm xong việc chọn lựa.
Như thế cả Đức Giêsu cũng phải vất vả tìm kiếm ý Cha.
Cuối cùng Ngài đã chọn được Mười Hai ông mà Ngài gọi là tông đồ.
Đời người được đan kết bằng những chọn lựa lớn nhỏ.
Có những trường hợp dễ phân biệt trắng đen.
Nhưng có khi tôi phân vân không rõ điều nào tốt hơn,
và đâu thực sự là điều Chúa muốn cho đời tôi.
Gặp gỡ Chúa trong lặng lẽ cô tịch, với tâm hồn tự do thanh thoát,
chúng ta có cơ may nhận được ánh sáng từ trên cao.
Nếu tôi làm theo ý Chúa, đời tôi sẽ được hạnh phúc, dù phải hy sinh.
Nếu tôi cương quyết làm theo ý mình, dù biết ngược với ý Chúa,
thì lòng tôi sẽ chẳng được bình an.
Thiên Chúa muốn vén mở cho tôi biết ý định của Ngài về tôi,
nhưng Ngài đòi tôi cất công tìm kiếm.
Hạnh phúc cho ai tìm thấy ý Chúa sau những đêm dài trăn trở!
Cầu nguyện
Lạy Chúa,
con thường thấy mình không có giờ cầu nguyện,
không có giờ đi vào sa mạc
để ở bên Chúa và trò chuyện với Ngài.
Nhưng thật ra sa mạc ở sát bên con.
Chỉ cần một chút cố gắng của tình yêu
là con có thể tạo ra sa mạc.
Mỗi ngày có biết bao giây phút có thể gặp Chúa
mà con đã bỏ mất :
Khi chờ một người bạn,
chờ đèn xanh ở ngã tư,
chờ món hàng đang được gói.
Khi lên cầu thang,
khi đến nơi làm việc,
khi kẹt xe,
khi cúp điện bất ngờ.
Thay vì bực bội hay nóng ruột
con lại thấy mình sống an bình
trong sự hiện diện của Chúa.
Lạy Chúa,
những sa mạc ngắn ngủi hằng ngày
giúp con tỉnh thức
để nhạy cảm với ý Chúa.
Xin cho con yêu mến Chúa hơn
để tìm ra những sa mạc mới
và vui vẻ bước vào.
(gợi hứng từ Madeleine Delbrêl)
Suy niệm 2: Tinh thần Giêsu - TGM Giuse Ngô Quang Kiệt
Chúa Giê-su từ trời xuống. Mang theo năng lực thần thiêng. Chữa lành hết mọi bệnh tật. Xua trừ hết mọi ma quỉ. Nhưng Người chỉ ở trần gian một thời gian. Cần phải có người kế tục sự nghiệp. Người chỉ khai mào trận chiến với ma quỉ và thế lực sự dữ. Cần phải có một đạo quân tiếp tục trận chiến cho đến thành công. Vì thế Người đã tuyển chọn các tông đồ. Đây là một việc hết sức quan trọng. Vì dùng người phàm để tiến hành cuộc chiến thiêng liêng. Người phàm nhưng phải có tinh thần Nước Trời. Cần phải kết hợp với Giê-su. Cần phải mang tinh thần Giê-su. Nên Người thao thức suốt đêm. Cầu nguyện để tìm được những con người xứng đáng. Cân nhắc để xem ai có thể đem tinh thần của Người thấm nhập trần gian.
Tình thần Giê-su là phải kết hợp chặt chẽ với Chúa. Xây dựng đời mình trên nền tảng Giê-su. Trước hết phải tách lìa thế gian. Không mê theo những hứa hẹn giả dối của thế gian ẩn trong “mồi triết lý và những tư tưởng giả dối rỗng tuếch theo truyền thống người phàm và theo những yếu tố của vũ trụ”. Sâu xa hơn nữa, phải phá tung xiềng xích trói buộc của tà thần. Bằng cách chết cho con người cũ. Khi đó ta được “cùng mai táng với Đức Ki-tô khi chịu phép rửa, lại cùng được trỗi dậy với Người”. Khi đó “Người truất phế các quyền lực thần thiêng” Và cho ta được “tất cả sự viên mãn của thần tính hiện diện cách cụ thể” nơi Người. Ta được sung mãn vì trở nên chi thể kết hợp với “Người là đầu mọi quyền lực thần thiêng” (năm lẻ).
Tinh thần Giê-su khiến ta chiến thắng ma quỉ và thế lực sự dữ của nước thế gian. Ta sẽ làm chủ bản thân. Không còn tranh giành kiện cáo. Vì không màng những lợi lộc của thế gian. Sẵn sàng chịu mọi bất công thiệt thòi ở đời này. “Dù sao, nguyên việc anh em kiện cáo nhau đã là một thất bại cho anh em rồi. Tại sao anh em chẳng thà chịu bất công? Tại sao anh em chẳng thà chịu thiệt thòi?”. Khi chiến thắng thế gian. Ta trở thành người xét xử thế gian. “Nào anh em chẳng biết rằng dân thánh sẽ sét xử thế gian sao? Mà nếu được quyền xét xử thế gian, anh em lại không xứng đáng xử những việc nhỏ mọn ư? Nào anh em chẳng biết rằng chúng ta sẽ xét xử các thiên thần sao? Phương chi là những việc đời này” (năm chẵn).
Khi mọi người theo Chúa sống theo tinh thần Giê-su. Kết hợp với Chúa. Chết cho thế gian. Ta sẽ được Nước Trời. Có một đạo quân Nước Trời. Sẽ chiến thắng ma quỉ và thế lực sự dữ. Xin cho tinh thần Giê-su ngự trị trong ta. Lan toả đến mọi người. Đem lại chiến thắng cho Nước Trời.
SUY NIỆM 3: XÂY DỰNG CUỘC ĐỜI VÀ BÉN RỄ SÂU NƠI ĐỨC KITÔ − LM. Giuse Nguyễn Trọng Sơn
Dường như cộng đoàn tín hữu ở Côlôsê không phải do ông Phaolô thiết lập, mà do việc rao giảng Tin Mừng của ông Êpápra. Cộng đoàn này có một số vấn đề nên ông này trình bày cho ông Phaolô biết, và ông Phaolô, đang khi bị giam cầm ở Roma, đã viết thư này để giúp các tín hữu tại đó.
Tuy dù đã tin theo Kitô Giáo nhưng các kitô hữu tại Côlôsê vẫn bị chi phối nhiều bởi những triết lý sống, bởi niềm tin vào những thế lực thần thiêng trong vũ trụ và bởi quan niệm tuân giữ tỉ mỉ các luật lệ cắt bì, kiêng kỵ thức ăn... Thánh Phaolô cho họ thấy Đức Kitô là Chúa, ở trên mọi quyền lực thần thiêng, mọi thứ đều thuộc về Ngài, Ngài là nơi quy chiếu chứ không phải Lề Luật. Đức Giêsu Kitô vừa là con người nhưng cũng là Thiên Chúa, vì thế, hãy tin tưởng vào Ngài và theo cách sống thấy được nơi Ngài.
“Anh em hãy bén rễ sâu và xây dựng đời mình trên nền tảng là Đức Kitô Giêsu... Thật vậy, nơi Người, tất cả sự viên mãn của thần tính hiện diện cách cụ thể, và trong Người, anh em được sung mãn” (Cl 2,7. 9-10)
Đời sống kitô hữu vẫn dễ bị những quan niệm sống của thời đại, những chủ trương, những triết lý khiến cho đời sống của họ “nửa nạc, nửa mỡ”. Cần tin tưởng tuyệt đối vào Chúa Giêsu Kitô và giáo huấn Tin Mừng của Ngài để bước theo. Khi không tính toán hơn thiệt theo kiểu trần tục, can đảm sống theo lời Ngài, thực sự đặt Ngài là nền tảng của cuộc đời mình, bén rễ sâu nơi Ngài, chúng ta sẽ cảm nhận được sự sung mãn của một đời người.
SUY NIỆM 4: CHÚA CHỌN CÁC TÔNG ĐỒ - ĐGM PHAOLÔ NGUYỄN THANH HOAN
Công trình cứu độ của Chúa là công trình sẽ kéo dài đến tận thế, để Tin mừng tình yêu được lan tỏa khắp vùng thế giới. Nhưng Chúa chỉ làm việc có ba năm, trong một không gian hạn hẹp để thiết lập những điều kiện căn bản nhất cho Giáo hội. Với ba năm tỏ mình là Đấng Thiên Sai cứu độ, qua sự hiện diện cụ thể, từ lời nói đến việc làm và cuối cùng là hy sinh trên thập tự để rồi lại Phục sinh, lên trời và cuối cùng là ban Thánh Thần cho Giáo hội. Từ đây Giáo hội sẽ tiếp tục sự nghiệp của Ngài, cho đến tận thế.
Vì thế, vừa bắt đầu rao giảng Chúa đã triệu tập nhiều môn đệ đến với Ngài để đào tạo họ thành những người kế thừa sự nghiệp của Ngài.
Khi đám môn đệ đã khá đông, thì Chúa đã tuyển lựa riêng ra một nhóm 12 người , để sát cánh giúp đỡ Ngài, học hỏi với Ngài, rồi sẽ được Ngài sai đi thực tập công việc loan báo Tin mừng.
Con số mười hai có nghĩa là Chúa đang thiết lập một đoàn hội mới, làm dân Chúa, thay thế dân Cựu Ước. Sự hình thành nhóm mười hai để tạo thành lớp người nòng cốt cho Giáo hội tương lai, thật vô cùng quan trọng. Vì công cuộc lớn lao thánh thiện họ đảm nhận, vì tính cách trường tồn của Giáo hội kéo dài từ thiên niên kỷ này đến thiên niên kỷ khác. Tại vì Giáo hội sẽ không thiếu chi những thách đố qua dòng thời gian, mà những con người Chúa tuyển chọn nối tiếp nhau, toàn là những người yếu đuối, ít học, đạo đức thô sơ.
Đọc sách Khái huyền ta sẽ thấy cuộc chiến đấu của Giáo hội trần gian thật cực kỳ cam go. Vì sức phá hoại của Satan thật khiếp khủng. Tuy nhiên, Giáo hội không chiến đấu một mình. Ngoài Chúa Thánh Linh, cuộc chiến đấu cánh chung còn có cả đoàn tinh binh của Trời mới Đất mới tham dự sẽ đoạt phần chiến thắng cuối cùng.
Thành lập cho được một đoàn tông đồ ưu tú, Chúa sẽ phải suy tính, cầu nguyện nhiều ngày. Và đêm cuối cùng trước khi công bố chính thức danh sách các tông đồ, Chúa đã cầu nguyện suốt đêm cho đến tận sáng. Vì sự khôn ngoan của Ngài thật khôn sánh, nhưng tự do của con người còn là một mầu nhiệm thật khôn dò.
Đến lúc giờ đã điểm, Chúa tập họp các môn đệ lại, có lẽ là một số đông lắm và Ngài đã công bố danh sách mười hai tông đồ đầu tiên, để họ nhận lấy trách nhiệm loan báo Tin mừng với Ngài. Danh sách đó có hoàn hảo không, chưa ai dám nói. Họ chỉ biết chờ xem và tin tưởng vào sự khôn ngoan của Ngài.
Cả Tu Đoàn môn đệ hoan hô chúc các vị được tuyển chọn thành công. Nhưng sau này khi ghi lại danh sách mười hai, thánh Matthêu không quên ghi chú: Tên ông Giu-đa ở cuối cùng là người phản bội. Điều này không lạ, Chúa biết và Chúa dùng dụ ngôn “Cỏ lùng trong lúa”, để nói lên tính bất toàn hảo của Giáo hội. Ban ngày Chúa gieo giống lúa tốt, nhưng ban đêm kẻ thù đã gieo hạt cỏ lùng vào ruộng. Và Chúa vẫn hy vọng có ngày mùa cho Giáo hội.
Khi giao trách nhiệm loan báo Tin mừng Nước Thiên Chúa, Chúa còn cho họ quyền trừ quỷ, chữa lành các bệnh tật như Ngài. Điều này chứng tỏ ơn cứu độ là ơn cứu cả hồn cả xác. Và tình yêu của Tin mừng là đồng lúa cho mọi hoạt động của Giáo hội cho đến suốt dòng lịch sử.
Chúa đã thực hiện mục tiêu đó suốt ba năm trời và Ngài đã kết thúc bằng một hành động vĩ đại, Ngài đã hiến mạng sống mình vì tình yêu để xóa tội cho nhân loại và đem tất cả về thế giới mới.
Sứ mệnh Giáo hội không ngừng ở một giai đoạn nào cả. Mỗi giai đoạn Chúa đều chiệu tập những tông đồ, những môn đệ để họ cộng tác vào với Ngài cứu độ thế giới.
Dù là những người tầm thường, chính chúng ta cũng là các môn đệ Ngài. Trách nhiệm của chúng ta cũng không nhỏ, cứu được một linh hồn là niềm vui cho cả Thiên Đàng.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin tạ ơn Chúa đã chọn gọi chúng con để chúng con được tham dự vào công trình cứu độ của Chúa. Còn địa vị nào trọng đại hơn! Càng nghĩ tới, chúng con càng choáng ngợp cõi lòng vì tình thương Chúa dành cho chúng con.
Xin cho chúng con biết đền đáp ơn huệ trọng đại này. Và sẽ đem hết tâm tư, sức lực mình để chu toàn thánh ý Chúa.
Lạy Chúa, xin Chúa làm cho Giáo hội càng ngày càng có nhiều ơn gọi, vì “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít”.Biết bao hạt lúa vàng còn chờ đợi vào kho lẫm Nước Trời. Chúa ơi, tuổi trẻ hôm nay.