Thứ Ba tuần 3 mùa vọng.
"Gioan đến và những kẻ tội lỗi tin ngài".
LỜI CHÚA: Mt 21, 28-32
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các thượng tế và các kỳ lão trong dân rằng: "Các ông nghĩ sao? Người kia có hai người con. Ông đến với đứa con thứ nhất và bảo: "Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn cho cha!" Nó thưa lại rằng: "Con không đi". Nhưng sau nó hối hận và đi làm. Ông đến gặp đứa con thứ hai và cũng nói như vậy. Nó thưa lại rằng: "Thưa cha, vâng, con đi". Nhưng nó lại không đi. Ai trong hai người con đã làm theo ý cha mình?" Họ đáp: "Người con thứ nhất". Chúa Giêsu bảo họ: "Quả thật, Ta bảo các ông, những người thu thuế và gái điếm sẽ vào nước Thiên Chúa trước các ông. Vì Gioan đã đến với các ông trong đường công chính, và các ông không tin ngài; nhưng những người thu thuế và gái điếm đã tin ngài. Còn các ông, sau khi xem thấy điều đó, các ông cũng không hối hận mà tin ngài".
Suy Niệm 1: Hối hận nên lại đi
Suy niệm:
Dụ ngôn hôm nay là một dụ ngôn đặc biệt, với nội dung đơn sơ.
Đức Giêsu nói dụ ngôn này cho các thượng tế và kỳ mục.
Một người cha có hai con trai.
Ông sai đứa con thứ nhất đi làm vườn nho.
Lúc đầu anh ta từ chối, nhưng sau đó hối hận nên lại đi (c. 29).
Ông gặp đứa con thứ hai và kêu anh làm cùng một việc.
Anh mau mắn nhận lời, nhưng rốt cuộc lại không đi (c. 30).
Đức Giêsu kết thúc dụ ngôn bằng việc hỏi họ một câu khá dễ:
“Trong hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của cha?”
Không mấy khó khăn, các thượng tế và kỳ mục đã trả lời đúng.
Nhưng họ không ngờ mình mắc bẫy của Ngài
như xưa vua Đavít đã mắc bẫy của ngôn sứ Nathan (2 Sm 12, 5).
Bởi chính họ là đứa con thứ hai, nhận lời, nhưng rồi lại không đi,
chính họ là những người không thi hành ý muốn của Thiên Chúa.
Hẳn giới lãnh đạo ở Giêrusalem sẽ tức điên lên vì nhục nhã
khi nghe Đức Giêsu nói đứa con thứ nhất
chính là những kẻ thu thuế và các cô gái điếm (c. 31).
Theo Đức Giêsu, những người tội lỗi này sẽ vào Nước Trời
trước cả giới lãnh đạo tôn giáo đầy uy tín, đạo đức, oai phong.
Tại sao lại có chuyện oái oăm đó?
Chính thái độ tin hay không tin ông Gioan tạo ra sự khác biệt này.
Gioan xuất hiện như một hiện tượng nổi bật, ai cũng thấy.
Các vị chức sắc tôn giáo cũng thấy,
nhưng sau đó họ không hối hận mà tin (c. 32).
Còn những người tội lỗi, giống đứa con thứ nhất,
lúc đầu từ chối cha, nhưng sau đó đã hối hận và vâng lời (c. 29).
Họ đã tin Gioan và bước vào đường công chính (c. 32).
Từ chỗ nói: “Thưa cha, con đây”, đến chỗ thực sự đi làm vườn nho,
có một khoảng cách khá lớn, khiến nhiều người ngần ngại.
Chấp nhận tin là chấp nhận lên đường, bước vào cuộc phiêu lưu.
Con đường công chính đầy thách đố, bấp bênh và bất trắc.
Tin vào Gioan đòi hỏi sám hối, để đón Đấng Thiên Sai.
Nhưng ít người muốn nhận mình có lỗi.
Có khi cô gái điếm lại dễ hối hận hơn một người công chính.
Có khi anh thu thuế lại dễ ăn năn hơn một người đạo hạnh.
Dù sao tin vào Gioan khiến mọi người không được sống như xưa.
Hơn nữa, niềm tin ấy thế nào cũng dẫn đến tin vào Đức Giêsu.
Tin vào Đức Giêsu là chấp nhận mất đi những chỗ dựa ổn định.
Không dám mất thì cũng chẳng dám tin.
Nhiều Kitô hữu hôm nay gặp khó khăn không nhỏ về đức tin,
vì sống đức tin đòi họ phải trả một giá quá lớn.
Nếu chúng ta đã có lần nói: Con không muốn đi!,
thì chúng ta luôn có thời gian suy nghĩ lại, để tự điều chỉnh,
và sau đó nói: “Này con đây, xin hãy sai con.”
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
con đường dài nhất là con đường từ tai đến tay.
Chúng con thường xây nhà trên cát,
vì chỉ biết thích thú nghe Lời Chúa dạy,
nhưng lại không dám đem ra thực hành.
Chính vì thế
Lời Chúa chẳng kết trái nơi chúng con.
Xin cho chúng con
đừng hời hợt khi nghe Lời Chúa,
đừng để nỗi đam mê làm Lời Chúa trở nên xa lạ.
Xin giúp chúng con dọn dẹp mảnh đất đời mình,
để hạt giống Lời Chúa được tự do tăng trưởng.
Ước gì ngôi nhà đời chúng con
được xây trên nền tảng vững chắc,
đó là Lời Chúa,
Lời chi phối toàn bộ cuộc sống chúng con.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
Suy Niệm 2: NGƯỜI NGHÈO CỦA THIÊN CHÚA
(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)
Con người có khả năng thay đổi. Đó vừa là lợi điểm vừa là nhược điểm. Đọc bài Tin mừng hôm nay ta thoáng chút bùi ngùi tiếc thương cho người con vốn được tiếng là ngoan ngoãn và đã trả lời rất mực hiếu thuận với cha. Ngờ đâu lòng dạ thay đổi quá mau chóng và bất ngờ. Từ “có” sang “không”, từ ngoan ngoãn đến hư hỏng, từ hiếu thuận đến bất hiếu.
Nhưng an ủi biết bao và cũng bất ngờ biết bao, người con bị tiếng là hư hỏng, bất hiếu đã nói không với cha, nhưng rồi hối hận lại ra đi làm vườn nho cho cha. Thật kỳ diệu khả năng có thể thay đổi của con người. Thật ngỡ ngàng khi Chúa cho biết đó chính là những người bị coi là tội lỗi tầy đình, những người thu thuế và gái điếm. Còn đứa con được tiếng ngoan ngoãn, những người tự xưng mình là đạo đức gương mẫu, bất ngờ trở thành bị kết án, đó chính là những nhà lãnh đạo tôn giáo thời đó.
Theo vị tiên tri, sở dĩ những người nhỏ bé nghèo hèn mau chóng hoán cải vì họ tự biết mình tội lỗi, không có gì để tự hào, để cậy dựa, nên dễ dàng lắng nghe Lời Chúa. Còn những người tự hào mình đạo đức lại bị loại trừ vì họ không sẵn sàng lắng nghe Lời Chúa, bị Chúa chúc dữ: “Khốn cho thành phản loạn và ô uế, khốn cho thành tàn bạo, không nghe tiếng kêu mời, chẳng tiếp thu lời sửa dạy”. Họ kiêu căng tự mãn vì những thành công của mình. Tự tin vào mình, đến nỗi “không cậy trông vào Đức Chúa, chẳng đến gần Thiên Chúa của mình”. Vì thế họ “nghênh ngang trên núi thánh”của Chúa, cứng cỏi không hoán cải, đánh mất cơ hội lãnh nhận ơn cứu độ. Trái lại những người tội lỗi khiêm nhường sẽ được ơn cứu độ: “Ta sẽ đuổi cho khuất mắt ngươi những kẻ kiêu căng đắc thắng… Ta sẽ cho sót lại giữa ngươi một dân nghèo hèn và bé nhỏ…; chúng sẽ tìm nương ẩn nơi danh Đức Chúa… Chúng sẽ được chăn dắt và nghỉ ngơi”.
Lạy Chúa, xin đừng để con kiêu căng tự mãn đứng lì trong tội lỗi, nhưng xin cho con nhận biết mình tội lỗi yếu hèn, cần ăn năn sám hối, như thế con sẽ nhận được ơn Chúa thứ tha.
Suy Niệm 3: Ví dụ hai người con
Mùa đông năm 1982, một phản lực cơ Hoa kỳ bi chết máy đã đâm nhào xuống một dòng sông. Nhiều hành khách sống sót chơi vơi giữa đòng sông giá lạnh. Giữa những người bộ hành chứng kiến, một thanh niên bất chấp dòng nước lạnh đã phóng người xuống sông cứu vớt một thiếu phụ đang chới với trên sóng nước. Hành động này khiến Tổng thống Reagan tuyên dương anh là anh hùng dân tộc. Khi được hỏi lý do việc liều mạng sống, anh trả lời: “tôi đã làm điều tôi phải làm”.
“Tôi đã làm điều tôi phải làm”, lời giải thích trên cũng có thể là lời tuyên tín sống động của những người không hề mang danh hiệu Kitô, nhưng có lẽ lại sống tinh thần Kitô một cách sâu xa hơn những người vỗ ngực xưng mình là môn đệ Đức Kitô, nhưng cuộc sống lại hoàn toàn là một phản chứng.
Trong Tin mừng, Chúa Giêsu có lẽ muốn đề cao những tín hữu vô danh ấy. Họ có thể là người chưa một lần nghe nói đến tên Chúa. Chưa hề được chịu phép rửa, chưa hề đặt chân đến Nhà thờ; họ cũng có thể là người ngoại đạo, vô thần, nguội lạnh, chống đạo, nhưng đời sống của họ được dệt bằng những hy sinh, quên mình, phục vụ, tử tế, công bình; tôn giáo của họ, nói như Đức Đạt lai Lạt Ma, chính là lòng tử tế.
Lời Chúa hôn nay mời gọi chúng ta nhìn lại cuộc sống mình: có lẽ chúng ta cũng giống như người con thứ hai: miệng thưa vâng, nhưng tay chân chúng ta không muốn thực thi ý Chúa, miệng chúng ta cầu kinh, nhưng lòng trí và cuộc sống lại xa Chúa.
Thiên Chúa đang đến trong từng phút giây cuộc sống, đó phải là xác tín của chúng ta trong Mùa Vọng này. Và bởi vì Thiên Chúa là Đấng đang có mặt và đang đến, cho nên mỗi phút giây, mỗi biến cố, mỗi gặp gỡ đều phải dẫn tới mối tương quan thân tình với Thiên Chúa. Và như thế cả cuộc sống chúng ta sẽ là lời kinh triền miên dâng lên Chúa.
Hãy để cho lời kinh chúng ta biến thành hành động của phục vụ, hy sinh, liên đới, chia sẻ, và lúc đó trọn cuộc sống chúng ta sẽ là tiếng xin vâng bất tận dâng lên Chúa.
Suy Niệm 4: CÁI BÊN NGOÀI KHÔNG CỨU ĐỘ ĐƯỢC LINH HỒN! (Mt 21,28-32)
Ngày nay, nhiều người Công Giáo vẫn có quan niệm gắn kết đời mình vào những chuyện sinh hoạt đoàn thể, họ rất đề cao những tổ chức bề ngoài... Điều này không có nghĩa là không tốt, nhưng không phải là chuyện tốt nhất! Bởi lẽ, nếu không chừng, chính những sinh hoạt đó sẽ dẫn chúng ta đến tình trạng sống đạo hình thức, bề ngoài, trên môi miệng!
Thật vậy, trong đời sống thực tế cho thấy, rất nhiều người tỏ vẻ năng nổ trong các đoàn thể, lễ hội... nhưng khi đối diện với những lựa chọn cốt lõi của Tin Mừng, họ thường là những người thua cuộc vì mọi chuyện của họ bị chi phối hoàn toàn thuần túy bởi việc giữ luật thuần túy, mà không hề có khả năng đón nhận thánh ý Thiên Chúa trên cuộc đời của mình, nhất là khi gặp đau khổ, thử thách. Sự kiêu ngạo đã là ông chủ trong tâm hồn họ, nên chúng ta không lạ gì khi đối diện với Lời Chúa, họ cảm thấy xa lạ và không thể chấp nhận để Lời Chúa hướng dẫn cuộc đời mình!
Nguyên nhân chính là việc giữ đạo của họ không có chiều sâu, Lời Chúa không bén rễ trong tâm hồn, vì thế, khi phong ba bão táp ập đến là họ sẵn sàng ngả theo chiều gió để cho nó cuốn đi.
Bài Tin Mừng hôm nay Đức Giêsu kể dụ ngôn: “Hai người con” để cảnh báo những Thượng tế và Kỳ mục trong dân về nguy cơ mất ơn cứu độ khi đang ở ngay trong nhà của mình. Còn những người tội lỗi như thu thuế và gái điếm lại là những người được ơn cứu độ trước họ vì họ có lòng khiêm tốn và sẵn sàng để cho Lời Chúa cật vấn lương tâm họ và khi nhận ra mình là người tội lỗi, họ đã khiêm tốn xin ơn tha thứ để được ơn cứu độ của Thiên Chúa.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy cẩn trọng trong lối giữ đạo. Nếu không, chúng ta là những người miệng thì lâm râm kinh sách tối ngày, nhưng những việc như bác ái, yêu thương, khiêm tốn... thì lại quá xa vời; hay đôi khi chúng ta chỉ giữ đạo trong nhà thờ, khi ra khỏi nhà thờ là chửi nhau, buôn gian bán lận, ăn chơi trác táng hạng sang...
Lạy Chúa Giêsu, trong tâm tình Mùa Vọng, xin Chúa ban cho mỗi chúng con biết nhìn lại lối sống đạo của mình. Biết đặt những giá trị tinh thần lên trên những chuyện hình thức bên ngoài. Luôn sống cốt lõi của luật hơn là những chuyện bề ngoài. Amen.
Ngọc Biển SSP
Suy Niệm 5: Dụ ngôn hai người con (Mt 21,28-32)
(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)
1. Đứng trước lời rao giảng Tin Mừng của Đức Giêsu, có hai hạng người với hai thái độ trái ngược nhau, đó là giới lãnh đạo Do thái và những người tội lỗi và dân chúng. Đức Giêsu đưa ra dụ ngôn hai người con để làm nổi bật sự tương phản giữa lời nói và việc làm: nói có mà không làm; nói không nhưng lại làm. Giữa sự đối nghịch này, hành động được đánh giá là quan trọng, vì hành động là dấu hiệu của một tâm hồn trong sáng, biểu hiện qua những hành động ngay thẳng. Vì thế, Đức Giêsu đã thẳng thắn tuyên bố:”Không phải những người nói: Lạy Chúa! Lạy Chúa, là được vào Nước Trời, nhưng chỉ những kẻ thi hành ý Cha trên trời”.
2. Cần tìm hiểu hình bóng của dụ ngôn này:
- Người con thứ nhất là đứa con “thưa vâng” rồi không đi làm: ám chỉ những nhà lãnh đạo Do thái và tất cả những ai vâng lệnh bằng lời nói mà không thực hành. Những người này vẫn tự xưng là giới đạo đức và lên mặt mô phạm với đời. Nhưng họ từ chối ơn Thiên Chúa, không nhìn nhận Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế, mặc dầu trước khi Người đến, họ vẫn khát vọng Người.
- Người con thứ hai thưa “không đi”, nhưng sau hối hận và đã đi làm: ám chỉ những ngừi tội lỗi, thu thuế, đĩ điếm và chư dân. Những người này thoạt mới nghe giảng, họ ngại ngùng không theo; nhưng sau họ đã nghe Gioan Tẩy Giả và lời giảng của Đức Giêsu nên đã sám hối ăn năn.
3. Kết luận dụ ngôn Đức Giêsu nói:”Tôi bảo thật các ông, những người thu thuế và gái điếm, sẽ vào Nước Trời trước các ông”. Chưa bao giờ ta thấy Đức Giêsu đã nói thẳng với các người biệt phái như lần này. Chính họ có lẽ cũng không ngờ.
Câu nói đó có nghĩa là: các ông tưởng mình thánh thiện trong sạch, giữ luật không trách được điểm nào, còn người thu thuế các ông coi như cặn bã xã hội, những người mà các ông cấm không cho đi chung đường với họ. Các ông lầm. Những người thu thuế và đĩ điếm mà các người miệt thị đến mức đó sẽ vào Nước Trời trước các ông. Nói rõ là những người ấy tốt hơn các ông.
4. Trong cuộc sống hằng ngày, người ta thường nói nhiều mà làm ít, giữa lý thuyết và thực hành còn một khoảng cách lớn. Có thể nói: trên thế giới này không có con đường nào dài cho bằng “con đường từ miệng đến tay”. Vì thế mới có câu: “Năng thuyết bất năng hành”. Lý thuyết có hay mấy mà không được thự hiện thì cũng không có giá trị.
Trong đời sống đạo cũng thế, chúng ta biết Chúa, cần thông hiểu giáo lý vì “vô tri bất mộ” mà. Như thế cũng chưa đủ, còn phải đem cái biết ra thực hành trong cuộc sống hằng ngày nữa. Đức Giêsu đã nói:”Ai yêu mến Thầy thì hãy giữ lời Thầy” mà “giữ lời Thầy” thì có nghĩa là hãy thực hành những điều Thầy dạy, là làm theo ý Thầy. Bài dụ ngôn vế hai đứa con trong Tin Mừng đã chứng tỏ điều đó.
5. Phải sống trung thực với lòng mình, phải làm sao cho “ngôn hành đồng nhất”, lời nói và việc làm không được mâu thuẫn nhau. Nhiều người nói thì rất hăng nhưng khi làm thì chẳng thấy đâu, họ giống như đứa con thứ trong dụ ngôn này. Những người như thế thì người ta phang cho một câu mỉa mai:”Trăm voi không được bát nước xáo”.
Người ta đánh giá trị một người thì không phải ở lời nói mà ở việc làm, vì nói thì ai cũng nói được, nhưng khi phải bắt tay làm thì mới thấy khó khăn, nên nhiều người đã bỏ cuộc. Đối với những người chỉ nói ba hoa chích chòe mà không dám bắt tay làm việc gì thì người ta chê:
Nói thì đâm năm chém mười,
Đến khi tối trời chẳng dám ra sân.
6. Truyện: Anh chàng Aristogiton.
Aristogiton hồi ấy lúc thanh bình, là một nhà ái quốc thượng thặng. Thở ra lửa trận, nói ra sấm sét. Chàng lợi dụng mọi hoàn cảnh để cổ võ những đức tính anh hùng của người chiến sĩ yêu nước. Nghe chàng nói, thính giả có ấn tượng như chàng đang tuyên chiến với tất cả các cường quốc trên thế giới.
Nhưng đến khi phải thi hành lệnh quân dịch, người ta thấy chàng đột nhiên bước đi khập khiễng, tay chống gậy,chân thì băng bó, trông thảm não vô cùng.
Biết rõ những bí ẩn của chàng, ông Photion trợn mắt nói:”Aristogiton đã làm một người què lại còn hèn nhát”.
7. Qua bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta phải có thái độ nào với tư cách là một Kitô hữu , một chứng nhân của Chúa? Chúng ta sẽ cố gắng:
- Đừng nghĩ rằng mình thuộc hàng “công chính” để rồi ngủ mê trong ảo tưởng đạo đức về mình.
- Cũng đừng cho rằng mình thuộc hàng “thu thuế và đĩ điếm” để rồi buông xuôi cho dòng đời lôi cuốn.
Hãy sống trung thực với lòng mình. Hãy sám hối và chỉnh sửa lại cuộc sống, sao cho mình xứng đáng là con Chúa, là Kitô hữu để cuộc sống tốt lành của mình tỏa ra mùi thơm tho nhân đức vì “hữu xạ tự nhiên hương”. Lúc đó không cần phải phô trương, tự cuộc sống của mình đã chứng minh điều đó:
Trúc xinh trúc mọc bờ ao,
Em xinh em đứng chỗ nào cũng xinh.
Trúc xinh trúc mọc đầu đình,
Em xinh em đứng một mình cũng xinh. (Ca dao)
SUY NIỆM:
1. Ngôn ngữ “dụ ngôn”
Đức Giêsu nói chuyện với các thượng tế và kì mục. Vị thượng tế thuộc hàng giáo sĩ và là vị đứng đầu Do Thái giáo; họ được vua bổ nhiệm hoặc truất phế. Các kì mục thuộc giới lãnh đạo trong dân, họ là các trưởng thôn làng hay là những người giàu có. Như vậy, các thượng tế là những người lãnh đạo tôn giáo, còn các kì mục là những người lãnh đạo dân sự; cả hai đều có điểm chung là có quyền bình và đi đôi với quyền bính là quyền lợi.
Quyền bính và quyền lợi, dưới mọi hình thức, là những “giá trị” quyến rũ mọi người thuộc mọi thời, trong đạo cũng như ngoài đời. Nhưng như mọi người đều có kinh nghiệm, chúng thường làm tổn hại đến tương quan giữa con người với nhau. Thực vậy, thánh sử Mát-thêu đã kể lại chuyện hai tông đồ Gioan và Giacôbê nhờ mẹ của mình đến xin Đức Giê-su chia sẻ quyền bính trong Nước của Người, và “Khi nghe vậy, mười môn đệ kia tức tối với hai anh em đó” (Mt 20, 24). Và trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu sẽ làm bật lên một sự thật khác nữa, đó quyền bính và quyền lợi còn là những vật cản trở để đón nhận Tin Mừng Ngài loan báo.
Và để giúp các thượng tế và kì mục nhận ra sự thật về mình, Đức Giêsu kể một câu chuyện, hay còn gọi là một dụ ngôn. Kể chuyện là cách giảng dạy đặc trưng nhất của Đức Giêsu: “Người không bao giờ rao giảng cho họ mà không dùng dụ ngôn” (Mc 4, 34). Những dụ ngôn mà Đức Giêsu kể luôn là một câu chuyện đến từ kinh nghiệm sống hằng ngày, nhưng lại nói cho chúng ta những điều kín ẩn: kín ẩn về Thiên Chúa, kín ẩn về con người, kín ẩn về mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người và giữa con người với nhau, kín ẩn về chương trình cứu độ của Thiên Chúa, kín ẩn về Nước Trời. Chúng ta có thể nhớ lại các dụ ngôn mà các Tin Mừng kể lại cho chúng ta.
Ngoài ra, dụ ngôn còn có một đặc điểm tuyệt vời nữa là có nhiều nghĩa, giống như một bức tranh; và vì thế dụ ngôn rất tôn trọng ngôi vị và tự do của người nghe. Người nghe có thể tự do chú ý đến bất cứ chi tiết nào, hay tự do đặt mình vào bất cứ nhân vật nào trong dụ ngôn, và tự mình khám phá ra ý nghĩa tùy theo kinh nghiệm sống, vấn đề và tâm trạng hiện có của mình. Đức Giêsu thích dùng dụ ngôn là vì vậy, Ngài tôn trọng ngôi vị và tự do của mỗi người, dù người đó là ai.
2. Dụ ngôn « Người kia có hai con trai »
Chúng ta quen thuộc nhiều hơn với dụ ngôn “Người cha nhân hậu” (x. Lc 15, 11-32). Và dụ ngôn “Người kia có hai con trai” trong bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe, tuy thật ngắn và ít được nhớ đến, nhưng cũng trình bày cho chúng ta một hình ảnh về người cha nhân hậu không kém : người cha dường như không bắt các con đi làm hàng ngày; người cha mời gọi hơn là ra lệnh; lời người cha thật dịu dàng: “Này con” và ông nói với hai con như nhau; người cha tôn trọng tự do của hai con trong câu trả lời lẫn trong việc thực hành. Dụ ngôn không nói gì về phản ứng sau cùng của người cha ; ông chỉ mời gọi hai con thực hiện ý muốn của mình và ông chờ đợi, chờ đợi trong kiên nhẫn, giống như người cha trong dụ ngôn « Người Cha Nhân Hậu » của sách Tin Mừng theo thánh Luca. Và tình yêu là như thế đó : tôn trọng tự do, mời gọi tự do và chờ đợi tự do.
Đức Giêsu mời gọi các thượng tế và kì mục phán đoán về câu nguyện Ngài vừa kể; và họ phán đoán rất đúng : trong hai người con, người thứ nhất đã thi hành ý muốn của người cha.
Trong hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của người cha? Họ trả lời: “Người thứ nhất.” (c. 31)
Và nếu Chúa hỏi chúng ta, chúng ta cũng phán đoán như thế. Nhưng, nếu Đức Giê-su kể dụ ngôn để cho người nghe phán đoán đúng, thì chính là để giúp họ nhận ra cái gì đó không đúng trong cách họ đón nhận Thiên Chúa, đón nhận những dấu chỉ Thiên Chúa ban, đón nhận sứ điệp, lời gọi của Thiên Chúa, đón nhận Lời Chúa.
Và trong thời của Đức Giê-su, đó là đón nhận dấu chỉ, lời mời gọi của Gioan Tầy Giả. Nhưng dấu chỉ và lời gọi của Gioan lại dẫn người nghe đến với chính Dấu Chỉ « Giê-su », như lời của ông rao giảng : « Phần tôi, tôi rửa cho các anh bằng nước để dục lòng các anh sám hối. Còn Đấng đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi, tôi không đáng xách dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho các anh bằng Thánh Thần và bằng lửa » (Mt 3, 11).
3. Vẻ bề ngoài
Dụ ngôn còn dẫn chúng ta đi xa hơn, đó là Thiên Chúa không xét đoán theo vẻ bề ngoài. Thực vậy, người con thứ nhất, xét theo bề ngoài, anh có vẻ ương ngạnh và ngỗ nghịch, còn người con thứ hai có vẻ ngoan ngoãn và tuân phục. Cũng như những người thu thuế và những cô gái điếm, họ bị người ta xếp loại là những người tội lỗi, không ra gì trong cộng đồng ; nhưng một số khác lại được coi là công chính và đáng kính, đó là các thượng tế, kì mục, luật sĩ, pharisiêu… Trong xã hội, và cả trong Giáo Hội hay cộng đoàn, đôi khi vẫn còn hiện tượng xếp loại người ta như thế.
Nhưng điều Thiên Chúa cần là lòng tin, một niềm tin dấn thân trọn vẹn, một niềm làm thay đổi con tim và nếp sống. Tin vào những dấu chỉ Chúa ban trong cuộc sống, trong ơn gọi, tin vào Đấng Thiên Chúa sai đến, là Đức Giê-su Ki-tô.
Vì ông Gio-an đã đến chỉ đường công chính cho các ông, mà các ông không tin ông ấy; còn những người thu thuế và những cô gái điếm lại tin. Phần các ông, khi đã thấy vậy rồi, các ông vẫn không chịu hối hận mà tin ông ấy.
* * *
Và tin không phải là việc làm, nhưng còn hơn cả việc làm, và thiết yếu cũng không phải là việc làm của chúng ta, nhưng tin là « công trình » của Thiên Chúa :
Đây là công trình của Thiên Chúa,
là các ông tin vào Đấng Người đã sai .
(Ga 6, 29)
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
Tuesday (December 27): Which son did the father’s will?
Scripture: Matthew 21:28-32 28 “What do you think? A man had two sons; and he went to the first and said, `Son, go and work in the vineyard today.’ 29 And he answered, `I will not’; but afterward he repented and went. 30 And he went to the second and said the same; and he answered, `I go, sir,’ but did not go. 31 Which of the two did the will of his father?” They said, “The first.” Jesus said to them, “Truly, I say to you, the tax collectors and the harlots go into the kingdom of God before you. 32 For John came to you in the way of righteousness, and you did not believe him, but the tax collectors and the harlots believed him; and even when you saw it, you did not afterward repent and believe him.” |
Thứ Ba 27-9 Người con nào đã làm theo ý của Cha?
Mt 21,28-32 28 Các ông nghĩ sao: Một người kia có hai con trai. Ông ta đến nói với người thứ nhất: “Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho.”29 Nó đáp: “Con không muốn đâu! ” Nhưng sau đó, nó hối hận, nên lại đi.30 Ông đến gặp người thứ hai, và cũng bảo như vậy. Nó đáp: “Thưa ngài, con đây! ” nhưng rồi lại không đi.31 Trong hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của người cha? ” Họ trả lời: “Người thứ nhất.” Đức Giê-su nói với họ: “Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông.32 Vì ông Gio-an đã đến chỉ đường công chính cho các ông, mà các ông không tin ông ấy; còn những người thu thuế và những cô gái điếm lại tin. Phần các ông, khi đã thấy vậy rồi, các ông vẫn không chịu hối hận mà tin ông ấy.” |
Meditation:
What kind of future are you preparing for? Jesus encourages us to think – to think about the consequences of our choices, especially the choices and decisions that will count not just for now but for eternity as well. The choices we make now will affect and shape our future, both our future on earth as well as in the life of the age to come.
Repaying a debt of gratitude and showing respect where it is due Jesus tells a simple story of two imperfect sons to illustrate the way of God’s kingdom. The father amply provided for his sons food, lodging, and everything they needed. Everything the father had belonged to them as well. The father also rewarded his sons with excellent work in his own vineyard. He expected them to show him gratitude, loyalty, and honor by doing their fair share of the daily work. Converting both heart and will to do what is good and pleasing to God The “rebellious” son told his father to his face that he would not work for him. But afterwards he changed his mind and did what his father commanded him. The “good” son said he would work for his father, but didn’t follow through. He sought his own pleasure, contrary to his father’s will. Now who was really the good son? Both sons disobeyed their father – but one repented and then did what the father told him. Jesus makes his point clear – Good intentions are not enough. And promises don’t count unless they are performed. A transformed heart filled with gratitude and respect God wants to change our hearts so that we will show by our speech and by our actions that we respect his will and do it. God offers each one of us the greatest treasure possible – indestructable peace, joy, and friendship with him in his everlasting kingdom. We can lose that treasure if we refuse the grace – the free gift of God’s blessing and strength – which the Lord Jesus has won for us through his victory on the cross. The Lord Jesus fills us with the gift of the Holy Spirit who works in and through us for the glory of God. Do you seek to please God and respect his will and loving plan for your life? Allow the Holy Spirit to fill your heart with the peace, joy, and righteousness of God’s kingdom (Romans 14:17).
“Lord Jesus, change my heart that I may only desire that which is pleasing to you. Help me to respect your will and give me the strength, joy and perseverance to carry it out wholeheartedly.” |
Suy niệm:
Bạn chuẩn bị cho loại tương lai nào? Đức Giêsu thúc giục chúng ta suy nghĩ – suy nghĩ về những hậu quả của những lựa chọn, đặc biệt những lựa chọn và quyết định không chỉ tính cho hiện nay mà còn cho cả sự đời đời nữa. Những chọn lựa chúng ta làm hiện nay sẽ ảnh hưởng và hình thành cho tương lai của chúng ta, cả tương lai dưới thế cũng như cho sự sống đời sau. Đáp trả món nợ biết ơn và bày tỏ sự tôn kính theo đúng bản chất của nó Đức Giêsu kể một câu chuyện đơn giản về hai người con bất hảo để minh họa con đường của nước Chúa. Người cha cung cấp đầy đủ cho con mình mọi thứ cần dùng – đồ ăn, áo quần, nhà ở. Mọi thứ ông có cũng thuộc về chúng nữa. Người cha cũng ban thưởng cho hai người con với công việc rất tốt trong vườn nho của chính mình. Ông mong chúng sẽ bày tỏ với ông lòng biết ơn, trung thành, và kính trọng bằng việc thực hiện phần việc hằng ngày của mình. Hoán cải cả lòng và trí để thực hiện những gì tốt lành và vui lòng Thiên Chúa Mặc dù “người con nổi loạn” nói với cha trực tiếp rằng hắn sẽ không làm việc cho ông, nhưng sau đó hắn đã thay đổi ý định và đã làm những gì người cha ra lệnh. Còn “người con tốt lành” nói hắn sẽ đi làm việc cho cha, nhưng hắn lại không làm. Hắn chạy theo thú vui riêng của mình trái ngược với ý của cha mình. Giờ đây, ai mới thật sự là người con tốt lành? Cả hai người con đều không vâng lời cha mình, nhưng một người đã hối hận và đã làm những gì người cha bảo hắn. Đức Giêsu nói rõ quan điểm của Người rằng: những ý định tốt lành vẫn chưa đủ. Và những lời hứa hẹn không được tính tới nếu chúng chưa được thực hiện. Một tâm hồn biến đổi sẽ đầy tràn lòng biết ơn và tôn kính Thiên Chúa muốn biến đổi lòng chúng ta để chúng ta bày tỏ qua lời nói và hành động rằng chúng ta kính trọng thánh ý Người và sẵn sàng thực hiện những gì Người truyền lệnh. Thiên Chúa ban cho mỗi người chúng ta kho báu lớn nhất có thể – sự bình an, niềm vui, và mối quan hệ vững bền với Người trong vương quốc vĩnh cửu của Người. Chúng ta có thể đánh mất kho báu đó nếu chúng ta từ chối ơn sủng – phúc lành và sức mạnh nhưng không của Thiên Chúa – mà Chúa Giêsu đã đem lại cho chúng ta qua chiến thắng của Người trên thập giá. Chúa Giêsu ban cho chúng ta ơn huệ Chúa Thánh Thần, Đấng hoạt động trong và qua chúng ta cho vinh quang của Thiên Chúa. Bạn có tìm cách làm vui lòng Thiên Chúa và tôn kính thánh ý và kế hoạch yêu thương của Người dành cho đời mình không? Hãy để cho Chúa Thánh Thần lấp đầy lòng bạn với sự bình an, niềm vui, và sự công chính của vương quốc Thiên Chúa (Rm 14,17). Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa biến đổi lòng con, để con có thể thật sự ước muốn những gì đẹp để làm lòng Chúa. Xin giúp con tôn kính thánh ý Chúa, và ban cho con sức mạnh, niềm vui, và sự bền đổ để thực hiện thánh ý Chúa với tất cả tâm hồn. |
Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn