Thứ Bảy tuần 20 thường niên
Thứ sáu - 25/08/2023 09:51
Lời Chúa: Mt 23, 1-12
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng và các môn đệ rằng: "Các Luật sĩ và các người biệt phái ngồi trên toà Môsê: vậy những gì họ nói với các ngươi, các ngươi hãy làm và tuân giữ, nhưng đừng noi theo hành vi của họ: vì họ nói mà không làm.
Họ buộc những bó nặng và chất lên vai người ta: còn chính họ lại không muốn giơ ngón tay lay thử. Mọi công việc họ làm đều có ý cho người ta thấy: vì thế họ nới rộng thẻ kinh, may dài tua áo. Họ muốn được chỗ nhất trong đám tiệc và ghế đầu trong hội đường, ưa được bái chào nơi đường phố và được người ta xưng hô là "Thầy". Phần các ngươi, các ngươi đừng muốn được người ta gọi là "Thầy", vì các ngươi chỉ có một Thầy, còn tất cả các ngươi đều là anh em với nhau. Và các ngươi cũng đừng gọi ai dưới đất là "cha", vì các ngươi chỉ có một Cha, Người ngự trên trời. Các ngươi cũng đừng bắt người ta gọi là "người chỉ đạo": vì các ngươi có một người chỉ đạo, đó là Đức Kitô.
Trong các ngươi ai quyền thế hơn sẽ là người phục vụ các ngươi.
Hễ ai tự nhắc mình lên, sẽ bị hạ xuống, và ai tự hạ mình xuống, sẽ được nâng lên".
Suy Niệm 1: Là anh em với nhau
(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)
Nửa sau của bài Tin Mừng hôm nay
có thể làm chúng ta bị sốc.
Ðức Giêsu bảo ta đừng để ai gọi mình là thầy,
vì chỉ có một Thầy, một vị lãnh đạo là chính Ngài;
cũng đừng gọi ai là cha,
vì chỉ có một Cha là Thiên Chúa trên trời.
Vậy mà chúng ta vẫn gọi nhiều vị trong Hội Thánh
là cha, là Ðức Thánh Cha,
là giáo phụ, thượng phụ, viện phụ...
Chúng ta có làm sai lời Chúa dạy không?
Ta có phải hiểu theo nghĩa đen lời của Ðức Giêsu không?
Hội Thánh sơ khai đã không hề hiểu theo nghĩa đen.
Thánh Phaolô đã coi mình là cha sinh ra các tín hữu,
đã gọi họ là con (1Cr 4,14-17; Gl 4,19).
Hội Thánh cũng có những thầy dạy (Cv 13,1; 1Cr 12,28),
và những vị lãnh đạo (Cv 15,22; Rm 12,8)
Vậy đâu là điều Ðức Giêsu muốn nhắn nhủ chúng ta?
Chắc chắn Ngài không hề muốn phá bỏ
những cơ cấu cần thiết cho thân thể Hội Thánh,
Ngài cũng không loại bỏ phẩm trật và quyền hành.
Ngài chỉ muốn chúng ta đừng quên:
mọi quyền bính trong Hội Thánh
đều bắt nguồn từ Thiên Chúa và phải quy về Thiên Chúa.
Nếu có ai làm thầy, làm người lãnh đạo,
thì vì họ được chia sẻ quyền làm Thầy của Ðức Giêsu.
Nếu họ được gọi là cha,
thì vì họ được chia sẻ quyền làm Cha của Thiên Chúa.
Dù có chức vụ hay chức vị gì trong Hội Thánh,
tôi cũng không được quên chân lý này:
còn tất cả anh em đều là anh em với nhau,
con một Cha trên trời.
Chỉ có một vị Thầy là Ðức Giêsu.
Nhưng Thầy Giêsu lại sống như bạn của các môn đệ,
như anh em với họ (Ga 15,14; Mt 12,49-50),
và nhất là như tôi tớ phục vụ họ (Mt 20,28).
Ðức Giêsu mãi mãi là gương cho các nhà lãnh đạo.
Quyền lãnh đạo chính là để phục vụ con người.
Phần đầu của bài Tin Mừng cho thấy sự giả hình
của một số người pharisêu, có quyền giảng dạy Lề Luật.
Giả hình là không làm điều mình dạy người khác,
là dễ dãi với chính mình,
nhưng khắt khe với tha nhân.
Giả hình là biến việc thờ phượng Chúa thành thờ mình,
làm việc tốt để người ta thấy và thán phục.
Khi nhìn khuôn mặt của người pharisêu giả hình,
tôi thấy tôi: háo danh, khoa trương, ích kỷ,
dám “đốc” chứ không dám làm...
Có những đoạn Tin Mừng làm chúng ta nhức nhối,
vì mở cho chúng ta những chân trời xa,
cho chúng ta thấy những điều cần làm, phải làm,
nhưng chưa làm.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
khi đến với nhau,
chúng con thường mang những mặt nạ.
Chúng con sợ người khác thấy sự thật về mình.
Chúng con cố giữ uy tín cho bộ mặt
dù đó chỉ là chiếc mặt nạ giả dối.
Khi đến với Chúa,
chúng con cũng thường mang mặt nạ.
Có những hành vi đạo đức bên ngoài
để che giấu cái trống rỗng bên trong.
Có những lời kinh đọc trên môi,
nhưng không có chỗ trong tâm hồn,
và ngược hẳn với cuộc sống thực tế.
Lạy Chúa Giêsu,
chúng con cũng thường ngắm mình trong gương,
tự ru ngủ và đánh lừa mình,
mãn nguyện với cái mặt nạ vừa vặn.
Xin giúp chúng con cởi bỏ mọi thứ mặt nạ,
đã ăn sâu vào da thịt chúng con,
để chúng con thôi đánh lừa nhau,
đánh lừa Chúa và chính mình.
Ước gì chúng con xây dựng bầu khí chân thành,
để chúng con được lớn lên trong bình an.
Suy Niệm 2: Tôn lên và hạ xuống
(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)
Ai cũng muốn được tôn lên. Ai cũng tránh bị hạ xuống. Nhưng vấn đề là ai có thể tôn ta lên hay hạ ta xuống. Sống ở đời ta thường tìm những gì trước mắt, muốn được tôn lên trước mặt người đời và muốn được người đời tôn lên. Nhưng đó lại là những gì phù phiếm mau qua. Chỉ những ai được Thiên Chúa tôn lên mới có giá trị vì đó là danh giá thật và tồn tại vĩnh viễn. Vì Thiên Chúa mới thực là chủ nhân của thế giới, thế giới hiện tại và nhất là thế giới tương lai. Đó chính là nguyên lý nền tảng mà ta phải ghi nhớ. Nhìn nhận Thiên Chúa là chủ, là tất cả, ta sẽ biết khiêm nhường sống trước mặt Chúa. Trước mặt Chúa ta chỉ là hư vô, phàm hèn, bất xứng. Khi biết sống sự thực về mình ta được Thiên Chúa yêu thương và nâng lên. Tất cả là do tình thương của Chúa, ta không có gì xứng đáng.
Bà Rút là người biết thân phận của mình. Bà biết mình là người yếu kém chẳng có giá trị gì. Vì bà là người góa bụa chẳng có ai bênh vực. Hơn nữa bà là ngoại kiều chẳng có quyền lợi gì. Thế nên bà không dám tự tôn mình lên. Càng không dám mong chờ mình được người khác tôn lên. Thế mà bà vẫn không ngần ngại gắn bó với bà mẹ chồng. Bà mẹ chồng Nao-mi vốn là một người nghèo, lại góa bụa nên sẽ chẳng có thể giúp gì cho bà Rút. Nhưng bà Rút chỉ vì yêu thương đã dám chấp nhận mọi liều lĩnh, nguy cơ vì yêu mẹ chồng và vì chọn Chúa. Trước mặt Bo-at bà Rút đã tự hạ mình, phủ phục và tự xưng là ngoại kiều nghèo hèn.
Nhưng Chúa đã nâng bà lên. Nâng lên trong địa vị xã hội khi cho bà kết hôn với Bo-át. Hơn nữa lại cho bà có con trai. Nhưng tuyệt vời trên cả ước mơ, Chúa nâng bà lên trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, cho bà sinh ra ông nội của vua Đa-vít, và nhất là cho bà được tham dự vào mầu nhiệm cứu độ, trở nên tổ phụ của Chúa Giê-su nhập thể. Không còn vinh dự nào hơn. Không còn hạnh phúc nào sánh bằng. Quả thật ai hạ mình xuống sẽ được Thiên Chúa tôn lên. Tôn lên đến một chiều cao bất ngờ. Và nhất là tôn lên trong địa vị vĩnh viễn không bao giờ bị ai lấy mất(năm lẻ).
Ê dê kien đã thấy điều đó trong thị kiến khi tiên báo Ít-ra-en sẽ thoát cảnh lưu đầy. Và khi trở về quê hương sẽ tập trung vào việc thờ phượng Chúa. Mọi sinh hoạt của dân Ít-ra-en mới sẽ tập trung quanh Đền Thờ. Và Thiên Chúa sẽ chúc phúc cho họ. Vinh quang Thiên Chúa tràn ngập Đền Thờ. Đó sẽ là vinh quang của Ít-ra-en. Như thế Ít-ra-en kính sợ Chúa sẽ được Chúa tôn vinh. Ít-ra-en bị hạ nhục làm nô lệ sẽ được Chúa nâng lên địa vị dân ưu tuyển, sẽ chiếu tỏa vinh quang Đức Chúa cho muôn dân.
SUY NIỆM 3: “Ở HIỀN GẶP LÀNH ” - Giuse Nguyễn Trọng Sơn
Người Việt Nam hay nói “Ở hiền gặp lành”. Nhưng ngày nay, xem ra câu nói này không còn được nhiều người tin như ngày xưa nữa. Ngày nay, người ta tin vào sức của mình hơn, nghĩa là tin vào quyền lực và tiền của nhiều hơn. Ai có quyền, có tiền, thì có điều lành thôi mà! Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta suy nghĩ về điều này!
Cô Rút sống có tình với mẹ chồng, về quê của mẹ để phụng dưỡng bà, nên nhiều người biết đến. Ông Bôát là một trong số đó, nên cho cô mót lúa ở ruộng mình, dặn các thợ gặt để sót lúa lại cho cô. Và cuối cùng, ông đã lấy cô Rút làm vợ, sinh con cho bà Naômi có cháu nối dòng!
Cô Rút và cả bà mẹ chồng Naômi ở hiền nên gặp lành. Nhưng không chỉ là hiền lành, cô này còn là người khiêm tốn nữa. Khiêm tốn trong cách cư xử với mẹ chồng, với ông Bôát và với mọi người. Chính sự khiêm tốn đưa đến thái độ hiền lành, dễ thương, và đã mang lại cho cô những điều tốt lành.
Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ sống thái độ khiêm tốn. Các kinh sư và Pharisêô muốn được danh dự trước mặt người ta, muốn được coi là thầy, là cha, là người chỉ đạo. Chúa Giêsu dạy môn đệ: họ dạy đúng thì nghe theo, làm theo, nhưng đừng đi theo cách sống ngạo mạn và hình thức như họ. Dù họ sống không tốt, nhưng họ dạy đúng, thì hãy đón nhận và làm theo, đó là sự khiêm tốn sâu xa.
Lên mặt, muốn dạy đời, muốn người khác nhìn nhận công lao của mình... làm cho những tương quan bị khựng lại, bị giới hạn. Người ta vẫn thích giao tiếp, sống với những người khiêm tốn, nhưng đàng khác, người ta vẫn cứ thích vênh váo trên người khác! Thật là nghịch lý! Chính sự khiêm tốn mới đưa người ta vào những tương giao sâu xa, và do đó mới mang lại điều lành cho cuộc đời mình và cho cuộc sống của người chung quanh.
SUY NIỆM 4: DUNG MẠO CHỨNG NHÂN - ĐGM. PHAOLÔ NGUYỄN THANH HOAN
Trong cộng đồng tín hữu Do Thái giáo, có một lớp người tự cho mình là những chứng nhân đặc biệt của Lề Luật, đại diện cho cách sống đạo nhiệt thành, gữi lề luật nghiêm chỉnh và đáng làm gương mẫu cho mọi người.
Ba năm hoạt động của Chúa loan Tin mừng và chân lý về Nước Thiên Chúa, đã gặp lớp người cuồng tín này đối kháng dữ dội.
Và Chúa đã phải cảnh giác các môn đệ mình và các thính giả của Ngài về ba cách rao giảng và sống đạo thiếu chân chính : Một là chỉ nói, chỉ giảng mà không thực hành; Hai là bắt kẻ khác gữi luật cách nghiêm nhặt, mà mình lại không có chút dấn thân; Ba là lấy những hình thức bề ngoài làm giá trị, hơn là tấm lòng thành của một người tín hữu.
Đối với Chúa, người rao giảng cũng là người có cuộc sống làm chứng cho lời rao giảng của mình. Và người nghe lời Chúa cũng phải đem lời Chúa vào cuộc sống, nếu không thì ngôi nhà đức tin không có gì vững vàng, giống như ngôi nhà xây trên cát.
Khi những người lãnh đạo rao giảng, đặt ra bao luật lệ cho cuộc sống, mà mình như chiếc đấu tàu kéo theo cả khối quần chúng lên đường sống đạo, lại không làm gì thì tỏ ra mình cũng không tin vào các luật lệ đó.
Mặt khác, lối sống đạo căn cứ vào những hình thức để tỏ ra là người sốt sáng, sùng đạo như các ông luật sĩ biệt phái thường làm như : đeo bên mình hộp thẻ kinh lớn, mang áo có tua dài ghi lời Chúa, tìm nơi ngồi danh dự trong hội đường hay đám tiệc. Đó là vinh hoa phù phiếm.
Những lời công bố về Hiến chương Nước Trời của Chúa kêu gọi người ta phải hoán cải từ trong lòng : “Phúc cho ai có tâm hồn nghèo khó...”. Khi cầu nguyện không phải đứng giữa ngã ba đường để cầu cho người ta thấy, mà phải vào phòng đóng kín để gặp Cha trên trời...
Chúa còn dạy các tông đồ đừng chú trọng đến những lời xưng hô trân trọng người ta dành cho mình. Hãy đem mọi danh dự dành cho Thiên Chúa là Đấng đáng tôn vinh duy nhất. Thiên Chúa là Cha, Đức Ki-tô là Thầy, là người chỉ đạo Cha sai đến trần gian. Ai làm đầu là người chỉ biết phục vụ. Đó mới là dung mạo của người chứng nhân.
Là những người tu sĩ có nhiệm vụ làm nhân chứng tình thương, chúng ta cần ghi nhớ lời Chúa hôm nay.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giê-su, lời Chúa hôm nay như Chúa muốn nói riêng với chúng con trong căn phòng nguyện này, vì Chúa đang chờ đợi chúng con trở nên những chứng nhân của tình yêu Chúa, Chúa muốn chúng con dấn thân vào giữa cuộc đời thực tế, phục vụ cách chân thành và trân trọng mọi người, dù người đó là ai. Chúa muốn chúng con chia sẻ gánh nặng đói nghèo, bệnh tật với tha nhân. Chúa muốn chúng con tạo một xã hội đầy tình người. Lạy Chúa, chúng con hiểu ý Chúa rồi, nhưng xin Chúa nâng đỡ sự yếu hèn của chúng con.
Lạy Chúa, đêm tối đang xuống dần trên cõi thế, con xin dâng lời kinh cuối ngày này cho những người đói khát, bệnh tật, đau khổ trăm chiều, để Chúa xoa dịu vết đau tràn trề mặt đất này. Amen.