Thứ Bảy tuần 22 thường niên
Thứ sáu - 08/09/2023 05:11
Lời Chúa: Lc 6, 1-5
Trong một ngày Sabbat, khi Chúa Giêsu đi qua đồng lúa, thì các môn đệ bứt bông lúa miến, vò xát trong tay, rồi ăn. Có mấy người biệt phái nói với các ông rằng: “Tại sao các ông làm điều không được phép làm trong ngày Sabbat?”
Chúa Giêsu trả lời họ rằng: “Các ông chưa đọc điều Đavit đã làm khi ông và các người tuỳ tùng bị đói sao? Ngài đã vào đền thờ Thiên Chúa, lấy bánh dâng hiến mà ăn và cho các người bạn tuỳ tùng ăn, bánh đó họ không được phép ăn, nhưng chỉ dành cho các trưởng tế mà thôi”. Và Người bảo họ rằng: “Con Người làm chủ cả ngày Sabbat”.
Suy niệm 1: Điều không được phép làm - LM. ANTÔN NGUYỄN CAO SIÊU, SJ.
“Tại sao các ông lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi?”
“Tại sao môn đệ ông lại không ăn chay?”
“Tại sao môn đệ ông không chịu rửa tay khi dùng bữa?”
Mấy người Pharisêu có vẻ thích đặt những câu hỏi tại sao.
Và trong bài Tin Mừng hôm nay, họ lại đặt một câu hỏi nữa:
“Tại sao các ông làm điều không được phép làm trong ngày sabát?”
Câu chuyện đơn giản như sau.
Thầy Giêsu và các trò đi ngang qua một cánh đồng lúa chín.
Các môn đệ đói nên bứt những bông lúa, vò trong tay cho vỏ tróc ra mà ăn.
Hành vi này được phép làm, dựa theo sách Đệ nhị luật (23, 26).
Nhưng vì đó là ngày sa-bát, nên lại không được phép làm.
Thật ra sách Xuất hành chỉ cấm gặt lúa vào ngày sa-bát thôi (34, 21).
Nhưng truyền thống đã dựng thêm một hàng rào bảo vệ,
bằng cách coi bứt lúa cũng là một hình thức gặt lúa.
Bởi thế các môn đệ bị coi là đã vi phạm luật giữ ngày sa-bát.
Thầy Giêsu lại một lần nữa bênh vực học trò của mình.
Ngài bắt đầu câu trả lời bằng việc đưa các ông Pharisêu về với Kinh Thánh.
Chẳng lẽ những người trí thức như họ mà đã không đọc chuyện này rồi sao.
Đó là chuyện vua Đa-vít và thuộc hạ đói bụng, đã được ăn “bánh thánh”,
khi họ đến đền thờ Nốp, gặp tư tế Akhimêléc (1 Sm 21, 2-7).
Vị tư tế này đã cho họ ăn thứ bánh đặt trước nhan Đức Chúa (Xh 25, 30)
mà chỉ tư tế mới được phép ăn (c. 4; Lv 24, 9),
khi 12 bánh cũ của tuần trước được thay bằng bánh mới vào ngày sa-bát.
Akhimêléc đã làm điều không được phép, vì bánh thường không còn.
Đứng trước cơn đói của Đavít, ông đã không quay đi vì nệ luật.
Đức Giêsu dùng câu chuyện này để bênh các môn đệ đang đói của Ngài,
dù nó không liên quan gì đến chuyện giữ ngày sabát.
Như tư tế Akhimêléc, Ngài cũng không quay đi vì nệ luật.
Hơn nữa, Ngài khẳng định mình là chủ ngày sa-bát (c. 5).
Đức Giêsu không dẹp bỏ ngày sa-bát, nhưng đặt nó ở dưới quyền của Ngài.
Chính Ngài cho ta biết cách giữ ngày sa-bát theo đúng ý Thiên Chúa.
Tội nghiệp các môn đệ bị đói, vì họ đã bỏ mọi sự mà theo Thầy Giêsu.
Họ chấp nhận bữa đói bữa no với một vị Thầy lang thang đây đó,
sống hoàn toàn nhờ lòng tốt của người nghe.
Mấy bông lúa có là gì để tránh cái cồn cào trong ruột.
Thầy Giêsu đã từng nếm cái đói, và thèm một trái vả (Mc 11, 13).
Thầy đã từng khát và xin nước của người phụ nữ (Ga 4, 7).
Bởi đó Thầy hiểu được cái đói khát hành hạ con người mọi thời.
Mọi luật lệ được đặt ra để phục vụ con người và thăng tiến nó.
Đôi khi chúng ta phải nhìn lại những luật đã quen giữ từ lâu
để điều chỉnh lại cho phù hợp với những nhu cầu mới của con người.
Làm sao để luật không đè bẹp, nhưng nâng đỡ con người sống tốt hơn?
Làm sao để khi áp dụng luật, tôi vẫn giữ được sự mềm mại của tình yêu?
Cầu nguyện
Lạy Chúa,
con được no nê mà vẫn thiếu ăn,
vì bên con còn có người đói lã
Con uống nước mát mà lòng vẫn khô ran
vì bên con còn có người đang khát
Con vui cười mà nước mắt tuôn rơi
vì bên con còn có người phiền muộn.
Con sáng mắt mà vẫn ở trong bóng đêm
vì bên con còn có người mù tối
Con mặc áo đẹp mà vẫn rách tả tơi.
vì bên con còn có người trần trụi
Con nằm trong nệm êm mà vẫn thao thức,
vì bên con còn có bao nhiêu người thiếu thốn.
(Myrtle Householder)
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
Suy niệm 2: Phục vụ Tin mừng
(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)
Phục vụ Tin Mừng là nhiệm vụ cao quí. Tin Mừng giúp phát triển bản thân và thế giới. Nhưng việc phục vụ Tin Mừng không phải dễ dàng. Người phục vụ Tin Mừng phải vất vả gieo trồng để có được mùa gặt phong phú.
Thánh Phao-lô cho tín hữu Cô-rin-tô biết những vất vả mà ngài phải chịu vì phục vụ Tin Mừng: “Cho đến giờ này, chúng tôi vẫn chịu đói khát, trần truồng, bị hành hạ và lang thang phiêu bạt; chúng tôi phải vất vả tự tay làm lụng”. Ngoài vất vả về thể xác, còn có những đau đớn trong tâm hồn: bị nguyền rủa, bị bắt bớ, bị vu khống, bị loại trừ: “Cho đến giờ này, chúng tôi đã nên như rác rưởi của thế gian, như phế vật đối với mọi người” (năm chẵn).
Các tông đồ đói đến nỗi phải tuốt lúa xanh ngoài ruộng mà ăn. Thế mà không yên thân. Vẫn còn bị người Pha-ri-sêu hoạnh hoẹ vì lỗi luật ngày sa-bát. Nhưng Chúa đã lên tiếng bênh vực các ngài bằng trích dẫn trường hợp Đa-vít. Đa-vít cho thuộc hạ ăn bánh tiến trong đền thờ mà không phạm tội. Nhưng đây còn hơn Đa-vít. Là Chúa Thượng của Đa-vít. Vì thế có thể cho các môn đệ tuốt lúa ăn trong ngày sa-bát. Tư tế được ăn bánh tiến trong đền thờ mà không phạm tội. Nhưng Chúa Giê-su mới là Thầy Cả Thượng Phẩm. Người cũng là đền thờ mới. Vì thế có thể cho các môn đệ được tuốt lúa ăn trong ngày lễ nghỉ.
Khi trưng dẫn Đa-vít, Chúa có ý cho biết Người chính là Đấng Cứu Thế muôn dân mong đợi. Từ xưa dân Ít-ra-en luôn mong chờ Đấng Cứu Thế thuộc dòng tộc Đa-vít ra đời. Giải phóng dân khỏi nô lệ. Đưa đất nước đến phồn thịnh, vinh quang. Chúa Giê-su thuộc dòng tộc Đa-vít. Nhưng lại là Chúa của Đa-vít. Là niềm hi vọng của Dân Chúa. Các môn đệ đã gặp được niềm hi vọng ngàn đời. Đã được thấy ơn cứu độ. Nên các ngài theo Chúa, phục vụ Chúa, dù gian nan vất vả.
Chính vì thế, thánh Phao-lô khuyên nhủ tín hữu Cô-lô-xê phải kiên trì giữ vững đức tin: “Anh em chỉ cần giữ vững đức tin, cần được xây dựng vững chắc, kiên quyết và đừng vì nao núng mà lìa bỏ niềm hi vọng anh em đã nhận được”. Chúa là Tin Mừng. Là niềm hi vọng. Chính vì thế Phao-lô sẵn sàng chịu đau khổ. Hãnh diện vì được phục vụ Tin Mừng (năm lẻ).
SUY NIỆM 3: ĐỨC GIÊSU KITÔ LÀ THỦ LÃNH − LM. Giuse Nguyễn Trọng Sơn
Bản văn quen thuộc ghi thời điểm xảy ra chuyện các môn đệ bứt bông lúa là “một ngày Sabát” (Lc 6,1). Tuy nhiên, có nhiều bản văn khác ghi là “ngày Sabát thứ hai tháng thứ nhất”. Điều này có nghĩa là thời điểm gặt lúa đã gần. Và như vậy, theo luật thì người ta không được bứt bông lúa, dành lúa đầu mùa để dâng kính Thiên Chúa (x. Lv 23,14). Vậy thì đó là biểu hiện của lòng tôn kính Thiên Chúa đáng được tuân giữ. Thế thì tại sao Chúa Giêsu lại bảo vệ hành động không hay của các môn đệ mình?!
Có lẽ Chúa Giêsu không bảo vệ các môn đệ cho bằng Người nhân cơ hội ấy để đưa người ta đến một điều xa hơn rất nhiều khi nói: “Con Người làm chủ ngày Sabát” (Lc 6,5). Từ ngữ “chủ” (lord) có khi được dịch là “Chúa” (Lord). Tác giả Tin Mừng thứ ba nhìn từ nhãn quan của mầu nhiệm Phục Sinh nên nhiều phen gọi Đức Giêsu là Chúa trong Tin Mừng của ông. Đức Giêsu được Thiên Chúa cho sống lại và được tôn vinh làm Chúa bên cạnh Chúa Cha. Có lẽ ở đây tác giả Tin Mừng nhắm đến điều này. Đức Giêsu đưa việc tôn kính Thiên Chúa qua hành vi dâng bó lúa đầu mùa đến thái độ nhìn nhận Đức Giêsu như là Đấng được Chúa Cha sai đến, nhìn nhận Người chính là Thiên Chúa. Đó là hành vi tôn kính Thiên Chúa đích thực.
Thư Côlôsê ghi bài ca tụng Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa hiện diện trong công trình tạo dựng, là Đấng duy trì sự hiện hữu của muôn loài, là thủ lãnh của người sống và người chết, là Đấng hoà giải muôn loài với Thiên Chúa. Như vậy, “trong mọi sự Người đứng hàng đầu” (Cl 1,19; xem thêm Cl 1,15-20).
Niềm tin Chúa Giêsu Kitô là khởi nguồn, là sự tồn tại và là cùng đích mọi sự, khiến kitô hữu tin tưởng khi sống Lời Người, vì Lời ấy đưa họ đến sự thành toàn của đời người.
SUY NIỆM 4: NGÀY CỦA CHÚA - ĐGM. PHAOLÔ NGUYỄN THANH HOAN
Đối với Chúa Giêsu ngày Sabat, ngày của Chúa quả là quan trọng, ngày ngỉ ngơi, ngày chiêm ngắm ca tụng công trình tạo dựng và cứu độ của Ngài, ngày xây dựng tình huynh đệ giữa cộng đoàn.
Nguồi do thái không nắm hết ý nghĩa của ngày Sabat và chỉ chú trọng sự nghỉ ngơi, tuyệt đối tránh mọi hoạt động. Vì thế họ đã chi ly đặt ra nhiều sự cấm kỷ đến vô lý. Chẳng hạn sự việc các tông đồ đi qua cánh đồng lúa, hái vài nhánh lúa ăn cho vui miệng, có khi làm một cách máy móc, ăn mà như không ăn. Cũng có khi vì làm việc nhiều và đói quá, họ cũng có chút chi bồi dưỡng tuy chẳng thấm vào đâu. Thế mà đối với luật sĩ, đó là điều cấm làm tuyệt đối. Cho nên đang cùng là bạn đường di chuyển với Chúa và các tông đồ, mấy ông biệt phái cổ hũ đã trách các tông đồ sao làm việc cấm làm ngày sabat.
Chúa có vi phạm ngày Sabat không? Luật không nói đến những chi tiết mà truyền thống của người do thái đặt ra tùy lương tâm họ. Luật đặt ra một hướng đi, một ý nghĩa cho ngày hưu lễ. Truyền thống đặt ra những thực hành có tính cách thực tế, nhưng lại làm sai ý Chúa khi đặt ra ngày hưu lễ.
Những chi tiết ... thường dễ làm sai lạc mục đích của luật, vốn là để thề hiện lòng yêu thương của Thiên Chúa. Chúa muốn đề cao giá trị con người khi giúp con người tạm quên chuyện cơm áo để hướng về Ngài, nguồn sống của phẩm giá con người. Cũng cần nhờ hưu lễ để có liên lạc với anh em, xây dựng tình làng nghĩa xóm, chuận bị cho tình bác ái Kitô giáo sau này.
Phần chúng ta, cần hiểu tầm quan trọng ngày của Chúa, ngày của tôn thờ Thiên Chúa cao sang, ngày của tri an cảm tả hồng an cứu độ, ngày của tình huynh đệ yêu thương. Đi thăm đồng bào, làm việc bác ái, tổ chức giao lưu thân mật...vv.
Người tu sĩ cộng đoàn bác ái xã hội luôn ý thức mình là muối cho đời tươi thắm tình yêu thương, là ánh sáng chiếu giải vào cuộc đời nặng gánh trần ai. Tin mừng là Tình Yêu giải cứu con người trong bể khổ, trong bến mê tục lụy. Thăng tiến và phát triển con người là mục tiêu của chúng ta.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giê su, Chúa là ánh sáng thế giới. Tự ngàn xưa Chúa tạo dựng mặt trời mặt trăng và muôn tinh tú để vừa làm đẹp vũ trụ, vừa phục vụ đời sống con người mang hình ảnh Chúa, là con yêu của Chúa.
Lúc Chúa đến trần gian, chính Chúa trở thành ánh sáng của chân lý, của tình yêu để dẫn đưa con người sống giữa tối tăm lầm lạc, biết nhận ra đâu là giá trị, là mục đích cao sang của mình, là hạnh phúc bất diệt của mình.
Chúa gặp gỡ con người ban đầu với lề luật, rối qua các tiên tri à đến lúc chính Chúa từ trời đến với con người trong thân phận yếu hèn và đau khổ. Bấy giờ là thời đại của tình yêu dấn thân, chia sẻ và cứu độ, Chúa hiến tặng cả con tim, cả mạng sống vì chúng con.
Lạy Chúa, còn Tin mừng nào lớn lao và hạnh phúc cho chúng con bằng Tin mừng Chúa đến dìu dắt con người tối tăm, yếu đuối, đầy đau khổ nầy, tìm về miền Ánh Sáng, nơi hạnh phúc bất tận. “Chúng con cảm tả Chúa, chúng con tôn vinh Chúa, chúng con thờ lạy Chúa vì vinh quang cao cả Chúa”.
Lạy Chúa thật diễm phúc cho chúng con, như Chúa đã từng nói với các tông đồ: “Mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc vì được nghe”.(Mt 13,16).
Tin mừng cứu độ. Chúng con đang sống giữa thời đại hồng ân này. Xin Chúa cho chúng con cảm nhận được niềm vui và hạnh phúc Chúa đang thực hiện và dấn thân loan báo cho anh em lương dân. Amen.