Thứ Hai tuần 4 thường niên.

Chủ nhật - 31/01/2021 07:20

Thứ Hai tuần 4 thường niên.

"Hỡi thần ô uế, hãy ra khỏi người này".

 

LỜI CHÚA: Mc 5, 1-20

Khi ấy, Chúa Giêsu và các môn đệ sang bờ biển bên kia, đến địa hạt Giêrasa. Chúa Giêsu vừa ở thuyền lên, thì một người bị quỷ ô uế ám từ các mồ mả ra gặp Người. Người đó vẫn ở trong các mồ mả mà không ai có thể trói nổi, dù dùng cả đến dây xích, vì nhiều lần người ta đã trói anh ta, gông cùm xiềng xích lại, nhưng anh ta đã bẻ gãy xiềng xích, phá gông cùm, và không ai có thể trị nổi anh ta. Suốt ngày đêm anh ta ở trong mồ mả và trong núi, kêu la và lấy đá rạch mình mẩy. Thấy Chúa Giêsu ở đàng xa, anh ta chạy đến sụp lạy Người và kêu lớn tiếng rằng: "Hỡi ông Giêsu, Con Thiên Chúa Tối Cao, ông với tôi có liên hệ gì đâu? Vì danh Thiên Chúa, tôi van ông, xin chớ hành hạ tôi". Nhưng Chúa Giêsu bảo nó rằng: "Hỡi thần ô uế, hãy ra khỏi người này". Và Người hỏi nó: "Tên ngươi là gì?" Nó thưa: "Tên tôi là cơ binh, vì chúng tôi đông lắm". Và nó nài xin Người đừng trục xuất nó ra khỏi miền ấy.

Gần đó, có một đàn heo đông đảo đang ăn trên núi, những thần ô uế liền xin Chúa Giêsu rằng: "Hãy cho chúng tôi đến nhập vào đàn heo". Và Chúa Giêsu liền cho phép. Các thần ô uế liền xuất ra và nhập vào đàn heo, rồi cả đàn chừng hai ngàn con lao mình xuống biển và chết đuối. Những kẻ chăn heo chạy trốn và loan tin đó trong thành phố và các trại. Người ta liền đến xem việc gì vừa xảy ra. Họ tới bên Chúa Giêsu, nhìn thấy kẻ trước kia bị quỷ ám ngồi đó, mặc quần áo và trí khôn tỉnh táo, và họ kinh hoảng. Những người đã được chứng kiến thuật lại cho họ nghe mọi sự đã xảy ra như thế nào đối với người bị quỷ ám và đàn heo. Họ liền xin Chúa Giêsu rời khỏi ranh giới họ. Khi Người xuống thuyền, kẻ trước kia bị quỷ ám xin theo Người. Nhưng người không cho mà rằng: "Con hãy về nhà với thân quyến, và loan truyền cho họ biết những gì Thiên Chúa đã làm cho con và đã thương con". Người đó liền đi và bắt đầu tuyên xưng trong miền thập tỉnh, tất cả những gì Chúa Giêsu đã làm cho anh ta, và mọi người đều thán phục.

 

 

 

Suy Niệm 1: Tên tôi là đạo binh

Trừ quỷ là việc Đức Giêsu vẫn hay làm.

Bài Tin Mừng hôm nay kể chuyện Ngài trừ quỷ ở vùng đất dân Ngoại.

Tài kể chuyện của Máccô được thể hiện rõ nét qua bài Tin Mừng này.

Hiếm khi có câu chuyện sống động và ly kỳ đến thế!

Đức Giêsu và các môn đệ vượt biển để đến vùng đất Ghêrasa.

Vừa ra khỏi thuyền thì gặp ngay người bị ám bởi thần ô uế.

Anh sống ở nơi mồ mả, nơi thường được coi là chỗ ở của quỷ ma.

Anh mạnh ghê gớm đến nỗi không xiềng xích nào có thể kiềm chế được.

Sống cô độc, đe dọa người khác, tự hành hạ và làm hại chính bản thân,

đó là thân phận bi đát mà anh không sao thoát khỏi (cc. 3-5).

Rõ ràng anh hoàn toàn bị quỷ dữ chiếm đoạt, chẳng còn chút tự do.

Nhưng lạ thay, chính anh lại chạy đến với Đức Giêsu để gặp Ngài.

Quỷ dữ nơi anh biết rõ Đức Giêsu là ai, là Con Thiên Chúa Tối Cao.

Nhưng cái biết đó lại khiến nó phải run sợ xin Ngài đừng hành hạ (c. 7).

Quỷ dữ biết danh tánh của Đức Giêsu, nhưng không chế ngự được Ngài.

Bây giờ Ngài bắt nó phải khai danh tánh của nó, trước khi Ngài hành động.

Hóa ra đây không phải là một quỷ, mà là một lũ quỷ đông đảo (c. 9).

Đạo binh quỷ này khẩn khoản xin Đức Giêsu một ơn,

đó là chỉ đuổi chúng ra khỏi người này, chứ đừng đuổi ra khỏi vùng này,

vì chúng hy vọng sẽ tìm được một con mồi khác (c. 10).

Đạo binh thần ô uế xin được nhập vào đàn heo vốn bị coi là ô uế.

Sự đồng ý của Đức Giêsu khiến toàn bộ những gì ô uế bị hủy diệt.

Ngài đã thanh tẩy chẳng những anh bị quỷ ám, mà cả vùng anh ở nữa.

Khi người bị quỷ ám được tự do, anh ấy trở nên khác xưa.

Anh ngồi đó, ăn mặc hẳn hoi, trí khôn tỉnh táo (c. 15).

Người dân trong vùng khiếp sợ nên xin Đức Giêsu đi khỏi đất của họ.

Chỉ có anh vừa được trừ quỷ là xin ở với Ngài như môn đệ (c. 18).

Nhưng ơn gọi làm môn đệ phải đến từ Thầy Giêsu.

Ngài khuyên anh nên về nhà, ở lại vùng đất của mình,

để loan báo mọi điều Chúa đã làm cho anh và thương xót anh (c. 19).

Anh đã vâng lời và trở nên người loan báo về Đức Giêsu nơi dân Ngoại.

Đối với anh, Đức Giêsu chính là Chúa.

Thế giới chúng ta sống thì văn minh hơn, khoa học hơn, hạnh phúc hơn,

nhưng vẫn không thiếu cảnh những người sống như bị ám, như bị ma nhập.

Có những người sống trong cô độc và trở nên nguy hiểm cho tha nhân.

Có những kẻ tự giết mình từng ngày trước khi tự tử.

Tru tréo và lấy đá rạch mình không phải là chuyện hiếm (c. 5).

Ăn mặc hẳn hoi và trí khôn tỉnh táo

là niềm mơ ước của biết bao gia đình có người thân bị bệnh.

Bệnh tâm thần là căn bệnh mà ít nhiều chúng ta đều dễ mắc.

Lắm khi con người thấy bó tay, không tự mình giải thoát mình được.

Xin Chúa Giêsu tiếp tục trừ quỷ cho chúng ta, cho vùng đất chúng ta sống.

Xin Ngài tiếp tục tẩy trừ sự ô uế đang thao túng ở lòng con người.

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,

ai trong chúng con cũng thích tự do,

nhưng mặt khác chúng con thấy mình dễ bị nô lệ.

Có nhiều xiềng xích do chính chúng con tạo ra.

Xin giúp chúng con được tự do thực sự:

tự do trước những đòi hỏi của thân xác,

tự do trước đam mê của trái tim,

tự do trước những thành kiến của trí tuệ.

Xin giải phóng chúng con khỏi cái tôi ích kỷ,

để dễ nhận ra những đòi hỏi tế nhị của Chúa,

để nhạy cảm trước nhu cầu bé nhỏ của anh em.

Lạy Chúa Giêsu,

xin cho chúng con được tự do như Chúa.

Chúa tự do trước những ràng buộc hẹp hòi,

khi Chúa đồng bàn với người tội lỗi

và chữa bệnh ngày Sabát.

Chúa tự do trước những thế lực đang ngăm đe,

khi Chúa không ngần ngại nói sự thật.

Chúa tự do trước khổ đau, nhục nhã và cái chết,

vì Chúa yêu mến Cha và nhân loại đến cùng.

Xin cho chúng con đôi cánh của tình yêu hiến dâng,

để chúng con được tự do bay cao. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

SUY NIỆM 2: CUỘC CHIẾN XÂY DỰNG NƯỚC THIÊN CHÚA

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Xây dựng Nước Thiên Chúa là xây dựng hạnh phúc. Nhưng đó không là hạnh phúc có sẵn. Đó thực sự là một cuộc chiến. Cuộc chiến chống ma quỉ. Cuộc chiến rất khốc liệt. Vì ma quỉ rất mạnh và rất đông: “Tên chúng tôi là đạo binh. Vì chúng tôi đông lắm”.

Ma quỉ là lực lượng sự chết. Chúng muốn tiêu diệt con người. Giam cầm con người trong bóng tối của thế giới kẻ chết. “Từ đám mồ mả, có một kẻ bị thần ô uế ám liên ra đón Người. Anh này thường sống trong đám mồ mả”. Chưa hoàn toàn giết chết anh, nhưng ma quỉ làm cho anh chết dần mòn. Trước hết là tâm trí mê man, mụ mẫm. Không còn sáng suốt. Không còn tỉnh táo. Vì bị ma quỉ khống chế. Không có tự do để làm điều tốt. “Suốt đêm ngày, anh ta cứ ở trong đám mồ mả và trên núi đồi, tru tréo và lấy đá rạch mình”. Chỉ làm theo sự sai khiến của ma quỉ. Và tiếp tay với ma quỉ tàn phá. “Anh bị gông cùm và bị xiềng xích, nhưng anh đã bẻ gãy xiềng xích, và đập tan gông cùm. Và không ai có thể kiềm chế anh được”.

Chỉ có Thiên Chúa và Đấng Người sai đến, là Chúa Giê-su Ki-tô, mới chiến thắng ma quỉ. Chúa truyền lệnh. Ma quỉ phải ra khỏi con người. Khi thoát khỏi ách ma quỉ, con người sống lại “ăn mặc hẳn hoi và trí khôn tỉnh táo”. Và có thể làm việc lành. “Anh nài xin được ở với Người”.

Ma quỉ có thể dùng con người giết hại lẫn nhau. Như Áp-sa-lôm, đòi giết vua cha Đa-vít để cướp ngôi. Như Sim-y, nguyền rủa và ném đá vua Đa-vít. Đa-vít đã dùng quyền năng Thiên Chúa chiến thắng. Nhận mình tội lỗi. Không phản ứng lại các xúc phạm. Để Thiên Chúa phân xử và hành động theo ý Chúa. “Cứ để nó nguyền rủa, nếu Đức Chúa đã bảo nó. May ra Đức Chúa sẽ đoái nhìn đến nỗi khổ cực của ta, và Đức Chúa sẽ trả lại cho ta hạnh phúc” (năm chẵn).

Ma quỉ có thể dùng vua chúa bắt đạo. Môn đệ Chúa phải chống lại bằng sự hi sinh quên mình. Dâng hiến mạng sống. Để xây dựng Nước Thiên Chúa. Chiến thắng ma quỉ. Nhờ đức tin, các ngài chiến thắng bằng sức mạnh của Thiên Chúa. “Có những người bị tra tấn mà không muốn được giải thoát, để được hưởng một sự sống lại tốt đẹp hơn”. Nhờ đó các ngài xây dựng Nước Thiên Chúa. Làm cho Nước Thiên Chúa lớn mạnh.

 

SUY NIỆM 3: Số phận của Chúa Giêsu

Người Do thái thời Chúa Giêsu có một cái nhìn rất miệt thị đối với dân ngoại, họ xem dân ngoại là những kẻ sống dưới ách nô lệ của ma quỷ, do đó cũng cư trú trong những vùng nhơ bẩn chẳng kém gì bãi tha ma. Nhưng đối với Chúa Giêsu, ranh giới giữa Do thái và dân ngoại không còn nữa. Ngài không chỉ đến với dân Do thái, mà cả với dân ngoại nữa. Chính cho dân ngoại mà Chúa Giêsu cũng mang ơn cứu độ đến, và ơn cứu độ ấy được thánh Marcô mô tả bằng những hình ảnh rất sống động: Chúa Giêsu trục xuất cả một đạo binh ma quỷ ra khỏi người bị quỷ ám, nguyên một bầy heo lao mình xuống biển. Tin Mừng được loan báo cho dân ngoại qua miệng người vừa được chữa lành.

Thế nhưng, sự thành công của Chúa Giêsu dưới cái nhìn của Marcô thật là yếu ớt. Dường như tất cả những người mà Ngài tìm đến đều có thái độ dè dặt đối với Ngài. Chỉ có ma quỷ là kẻ duy nhất biết rõ Ngài là ai nhưng chẳng bao giờ có thể hoán cải được nữa. Các luật sĩ và biệt phái thì càng lúc càng tỏ ra chai lỳ, bà con thân thuộc thì chỉ nhìn về Ngài với những tính toán vụ lợi, đám đông dân chúng thì không nhận ra được ý nghĩa đích thực của sứ mệnh thiên sai của Ngài, còn dân ngoại thì nài nỉ Ngài quay trở lại quê hương Ngài để họ khỏi phải mang họa vào thân, và khi Chúa Giêsu chiến thắng được ma quỷ, thì đó cũng là lúc loài người tẩy chay Ngài. Trong một tình thế bi đát như vậy, cái chết trên Thập giá là chuyện tất yếu đối với Chúa Giêsu. Trong cái nhìn của Marcô, mỗi cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với người đương thời của Ngài là một tiên báo về cuộc tử nạn của Ngài, Ngài là một con người triền miên bị khước từ.

Suy nghĩ về số phận của Chúa Giêsu, chúng ta cũng được mời gọi nhìn lại thân phận của người Kitô hữu chúng ta trong trần thế. Là môn đệ Chúa Giêsu, là chấp nhận lội ngược dòng. Không thể đi theo Chúa Giêsu mà lại sống theo triết lý: người ta sao, tôi vậy. Làm chứng cho Ðấng đã từng bị khước từ, người Kitô hữu bị khước từ đã đành, mà ngay cả khi phục vụ một cách vô vụ lợi, họ cũng không hẳn được người đời thương mến. Nói như thánh Phaolô: bổ khuyết những gì còn thiếu trong cuộc Tử nạn của Chúa Giêsu, đó là số phận của người Kitô hữu trong trần thế này.

Nguyện xin Chúa ban thêm can đảm và sức mạnh, để chúng ta kiên trì trong mọi khổ đau vì Danh Ngài.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 4: Chúa Giêsu chế ngự ma quỷ

Đức Giêsu và các môn đệ sang tới bờ bên kia Biển Hồ, vùng đất của dân Ghê-ra-sa. Người vừa ra khỏi thuyền, thì từ đám mồ mả, có một kẻ bị thần ô uế ám liền ra đón Người. Anh này thường sống trong đám mồ mả và không ai có thể trói anh ta lại được, dầu phải dùng đến cả xiềng xích. (Mc. 5, 1-3)

Trình thuật về phép lạ Chúa chữa người bị quỷ ám và đàn heo biến mất đặt ra những vấn đề khó xử và có nhiều điều khác thường tưởng chừng như mê tín dị đoan.

Hình như đây là những sự kiện biệt lập được ghép lại với nhau. Chúa Giêsu lúc đó đang ở vùng Ghêrasa nằm ở phía đông Biển Hồ Ghen-nê-xa-rét là vùng đất dân ngoại, nơi nuôi heo là thú vật ô uế đối với người Do thái. Khi Chúa chữa cho một người bị quỷ ám ở đây thì có một sự cố xảy ra trong một trại nuôi heo lớn. Có lẽ là hai sự kiện này xảy ra vào cùng kỳ, nên được tác giả lợi dụng ghép lại với nhau để sự kiện này giải thích cho sự kiện kia và rút ra một bài học luân lý. Đó cũng là một lối kết cấu câu chuyện có tính cách bình dân vậy.

Nhưng sự ghép nối này trở nên có ý nghĩa. Thánh sử Maccô dùng nó để minh họa cho điều ngài muốn chứng minh: Chúa Giêsu tỏ bày quyền năng của Người đối với thần ô uế ở vùng đất thuộc dân ngoại. Sức mạnh của Người là sức mạnh vô địch. Chẳng những Người trừ thần ô uế, mà còn tiêu diệt chúng để giải thoát con người khỏi tình trạng tha hóa thiêng liêng và tâm tình sợ hãi.

Một quyền năng vô địch

Để chứng tỏ Chúa Giêsu có một sức mạnh vô song, trước tiên Maccô nhấn mạnh đến tính cách trầm trọng của cơn bệnh mà người bị quỷ ám đã phải chịu. Rõ ràng là bệnh tật, sự ác càng trầm trọng thì người chữa trị càng phải cao tay. Nếu “bị gông cùm và bị xiềng xích”, nhưng người bị quỷ ám ấy “đã bẻ gẫy xiềng xích và đập tan gông cùm”, thì phải nói gì về quyền lực của Đấng đã bắt qủy phải xưng tên mình ra – điều đó theo ý kiến các vị trừ tà thời ấy - là dấu chứng tỏ một sự chế ngự hoàn toàn.

Một xứ sở được thanh tẩy

Còn về chuyện bầy heo cả chừng hai ngàn con nhảy xô xuống biển và chết ngộp dưới đó, thì đó là dấu chỉ rằng một người được ơn giải thoát có ảnh hưởng tới người xung quanh. Vì đối với người Do thái, heo là con vật biểu tượng của sự ô uế. Sự chết chìm bi thảm của cả bầy heo cũng ngụ ý sự chấm dứt quyền lực của sự ác vốn ngự trị trên miền đất này và càng làm sáng tỏ ảnh hưởng phấn khởi của ơn giải thoát do Chúa Kitô mang lại vậy.

 

SUY NIỆM 5: Chúa tỏ bày quyền năng, và …

Sau phép lạ dẹp yên sóng gió, hôm nay trong đoạn Tin Mừng này, Chúa Giêsu lại tỏ bày quyền năng của Ngài ở vùng đất dân ngoại.

Sức mạnh của sự dữ thật lớn, nhưng Ðức Giêsu không gặp khó khăn nào khi xua trừ ma quỉ. Vậy mà Ngài phải khựng lại trước thái độ của con người.

Trình thuật kết thúc bằng sự thất bại bi thảm: Ðức Giêsu bị người ta trục xuất khéo léo. Thiên Chúa luôn mở rộng con đường hạnh phúc, nhưng Satan thì cản lối và con người lại nhát đảm dấn thân. Họ khước từ bởi họ quyến luyến với trần thế hơn.

 

Suy Niệm 6: SỨ VỤ CỦA ĐẤNG THIÊN SAI (Mc 5,1- 20)

Có những cái nhìn và lối suy nghĩ đã đi vào truyền kiếp. Nếu cái nhìn tích cực thì lối suy nghĩ cũng tích cực, nếu không thì ngược lại!

Người Do thái thời Đức Giêsu cũng vậy! Họ đã nhìn ai với cái nhìn khinh bỉ thì muôn đời, con người đó không có điểm nào tốt được!

Thật vậy, vào thời Đức Giêsu, dưới con mắt của người Do thái, dân ngoại là dân đáng bị miệt thị, là dân luôn sống trong tội lỗi và dưới ách thống trị của Ma Quỷ.

Tuy nhiên, khi Đức Giêsu đến, Ngài không còn phân biệt lằn ranh giữa Do thái hay dân ngoại, nhưng sứ vụ của Ngài là đem ơn cứu độ đến với muôn dân.

Tin Mừng hôm nay trình thuật việc Đức Giêsu đến vùng Ghêrasa và làm phép lạ xua đuổi Ma Quỷ ra khỏi người bị quỷ ám.

Qua phép lạ này, dưới con mắt người đời, thì đây là một sự thành công, vì người bị Quỷ ám có một sức mạnh phi thường, không ai đụng tới hắn được, bởi lẽ anh ta bị cả một cơ binh Quỷ nhập vào. Một cơ binh chính là tên gọi của một đạo quân Lamã thời ấy và có khoảng 6.826 người lính. Như vậy, số Quỷ nhập vào người này cũng đông vô số kể như vậy. Khi Ma Quỷ nhập vào người thanh niên này, anh ta mạnh khỏe phi thường.

Phép lạ này cho thấy, Đức Giêsu có quyền năng trên Ma Quỷ, Ngài đến để giải thoát con người khỏi bị ràng buộc bởi sự dữ. Đem lại cho họ cuộc sống tự do.

Nhưng cái giá mà Ngài phải chịu, chính là sự loại trừ của những Luật Sĩ và Pharisêu.

Suy nghĩ về sứ vụ và thân phận ngôn sứ của Đức Giêsu, một lần nữa chúng ta ý thức hơn về sứ mạng và số phận của mỗi người chúng ta trên hành trình sống đạo và loan báo Tin Mừng. Số phận của Thầy cũng là của trò. Muốn trở nên môn đệ đích thực của Thầy Giêsu, hẳn chúng ta phải lội ngược dòng. Đi ngược quy luật tự nhiên để hiểu được giá trị của những nghịch cảnh khi chúng ta bị người đời phản đối, khước từ, cho dù những việc làm của chúng ta là những hy sinh vô vị lợi!

Lạy Chúa Giêsu, cuộc đời của Chúa đã không ngừng thi ân giáng phúc, nhưng Chúa đã không được người đời coi trọng, mà luôn bị khinh khi! Xin Chúa cho chúng con hiểu được sự thật này để chỉ tìm vinh danh Chúa và mong sao cho Nước Chúa được hiển trị muôn nơi, còn chuyện khen chê, xin cho chúng con không coi trọng nó mà ảnh hưởng đến sứ vụ được trao. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 7Chúa Giêsu chữa người bị quỷ ô uế ám ở Ghêrasa

Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ

Câu chuyện

Bị cám dỗ, Samson vào bẫy của Philitin khi bị cạo trọc đầu, ông mất sức, không còn được sức mạnh như trước đó, nên bị quân Philitin bắt trói, khoét mắt, xiềng lại, bỏ tù và bắt xay cối xay (x. Tph 16,19-21).

Ma quỷ cũng vậy, chúng cám dỗ chúng ta theo chúng, rồi chúng khoét mắt đức tin của chúng ta. Và khi chúng ta không còn ánh sáng đức tin chiếu soi nữa, ma quỷ dẫn chúng ta dễ dàng đi trên con đường tội lỗi để sa xuống hỏa ngục với chúng.

Suy niệm

Ngay từ thuở tạo thiên lập địa… khi ông bà nguyên tổ sa chước cám dỗ của con rắn là Satan, một thế lực đối nghịch với “Thiên Chúa - Đấng Thánh” và ảnh hưởng của chúng lan tràn trên cuộc sống con người.

Tin Mừng hôm nay cho thấy ma quỷ bị Chúa Giêsu vạch mặt chỉ tên là “thần ô uế”. Như thế, “thần ô uế” - ma quỷ là có thật, có thể gây ảnh hưởng trên con người như: quấy, phá, hành, hại, ám và nhập.

Chúa Giêsu Kitô là “Đấng Thánh” đến cứu vớt tất cả mọi người, đặc biệt những ai đang bị quyền lực Satan trói buộc. Ngài dùng uy quyền của mình xua đuổi “thần ô uế” cho người đang bị chúng khống chế được tự do.

Qua mọi thời, ma quỷ vẫn luôn tìm cách ảnh hưởng trên cuộc sống con người. Chúng là dối gian; hận thù; ghen ghét… Chúng ta chỉ thật sự thoát khỏi sự khống chế của “thần ô uế”, của ma quỷ, khi tin và phó thác hoàn toàn vào quyền năng Thiên Chúa - Đấng Thánh là ánh sáng chiến thắng bóng tối - Satan để người tin sống trong tự do hoàn toàn của con cái Thiên Chúa…

 

Suy Niệm 8Chúa Kitô trừ quỷ

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

1. Vừa đến miền Ghêrasa, Chúa Giêsu gặp ngay một người bị quỷ ám. Anh ta thường ở nơi mồ mả. Thấy Chúa Giêsu, anh ta tuyên xưng Người là Con Thiên Chúa và xin Người đừng làm khổ anh. Chúa đuổi quỷ ra khỏi anh. Ma quỷ liền xuất ra khỏi người đó và nhập vào đàn heo, làm cho đàn heo lao mình xuống biển chết hết!  Những người chăn heo thấy vậy hoảng hốt chạy báo tin khắp nơi. Dân chúng tuốn đến  thì thấy người trước kia  bị quỷ ám đang tề chỉnh ngồi đó. Họ khiếp sợ  nên xin Chúa rời khỏi địa hạt của họ.

2. Người Do thái thời Chúa Giêsu có cái nhìn rất miệt thị đối với dân ngoại, họ xem dân ngoại là những kẻ sống dưới ách nô lệ của ma quỷ, do đó, cũng cư trú trong những vùng nhơ bẩn chẳng kém gì bãi tha ma. Nhưng đối với Chúa Giêsu, ranh giới giữa Do thái và dân ngoại không còn nữa. Ngài không chỉ đến với dân Do thái, mà cả với dân ngoại nữa. Chính cho dân ngoại  mà Chúa Giêsu cũng mang ơn cứu độ đến, và ơn cứu độ ấy được thánh Marcô mô tả  bằng những hình anh rất sống động: Chúa Giêsu đã trục xuất cả đạo binh ma quỉ ra khỏi người bị quỉ ám, nguyên một bầy heo lao mình xuống biển. Tin Mừng được loan báo cho dân ngoại qua miệng người vừa được chữa lành.

3. Tình trạng người bị quỉ ám được nói đến trong Tin Mừng hôm nay rất đáng thương. Dưới sự kềm tỏa của thần ô uế, anh ta đã bị tước mất tình người và bị cách ly với cộng đoàn. Đó là hình ảnh của những ai đang còn sống dưới  sự chi phối của ma quỷ. Họ có thể là những người tôn thờ ma quỷ, qua việc sử dụng bùa ngải; hoặc đang sống trong sự chối bỏ Thiên Chúa và chìm đắm trong tội lỗi. Họ có thể là những dân tộc chưa được đón nhận Tin Mừng, đang sống trong sự tối tăm lầm lạc.

 4. Chúa Giêsu đối diện với cả một “cơ binh quỷ dữ” để dành lấy một con người. Chúa Giêsu không chỉ kéo một con người ra khỏi tội lỗi và đời sống xấu xa, mà còn nhấn chìm tận căn cả bè lũ satan cùng với sự ô uế tội lỗi, mà chuyện gần cả hai ngàn con heo từ “trên núi” lao “xuống biển” chết sạch là một biểu tượng.

Cả đàn heo đã lao từ trên núi xuổng chết đuối nói lên ý nghĩa: Núi trong quan niệm Thánh Kinh của Do thái là nơi hiện diện của thần linh; biển là nơi ẩn náu của ma quỷ xấu xa tội lỗi. Chúa Giêsu đã tống xuống biển cả và dìm chết ma quỷ và sự ô uế, đòi lại chủ quyền cho Thiên Chúa, lấy lại sự thánh thiện và đời sống thiêng liêng trong sạch cho con người. Đó là nội dung Tin Mừng cần chuyển tải, chứ không phải tính lịch sử của câu chuyện.

Như vậy, trước ánh sáng thần hóa của Thiên Chúa thì mọi thứ nhơ uế bị quét sạch; có Chúa Giêsu ngự trong con người thì quỷ ma không thể làm gì được. Chúng ta là Kitô hữu, chúng ta đang được ở trên “núi thánh” của Chúa, chúng ta hãy năng đến với Chúa Giêsu Thánh Thể để Ngài xua đuổi “bầy heo ma quỷ” ra khỏi tâm hồn chúng ta (Hiền Lâm).

5. Chúa Giêsu đã bầy tỏ quyền năng của Người. Sức mạnh của Người là sức mạnh vô song. Chẳng những Người trừ thần ô uế, mà còn tiêu diệt chúng để giải thoát con người khỏi tình trạng tha hóa thiêng liêng và tâm tình sợ hãi.

Để chứng tỏ Chúa Giêsu có sức mạnh vô song, trước tiên thánh Marcô  nhấn mạnh đến tính cách trầm trọng của cơn bệnh mà người bị quỷ ám đã phải chịu. Rõ ràng là bệnh tật, sức ác càng trầm trọng thì người chữa trị càng phải cao tay. Tên quỷ đã bẻ cong được gông cùm và xiềng xích, thì Đấng chế ngự được nó nhất định phải mạnh hơn. Chúa đã trừ khử được tên quỷ đó, chứng tỏ sức mạnh của Chúa là sức mạnh vô địch.

6. Truyện: Ai lớn hơn.

Một bé trai hỏi bố:

- Quỷ lớn hơn con không?

- Lớn hơn.

- Quỷ lớn hơn bố không?

- Lớn hơn.

- Quỷ lớn hơn Chúa Giêsu không?

- Không con ạ. Chúa Giêsu lớn hơn quỷ.

Chú bé thinh lặng, rồi mỉm cười:

- Vậy con không sợ quỷ.

 

SUY NIỆM

1. Người bị thần ô uế ám (c. 1-5)

Khi lắng nghe và gặp gỡ Chúa ngang qua bài Tin Mừng này, chúng ta được mời gọi tạm gác mọi cách hiểu, thắc mắc, thành kiến, thiếu tin tưởng vào lời Kinh Thánh và ra khỏi hoàn cảnh của mình, để một cách đơn sơ ghi nhớ và hình dung ra người bị thần ô uế ám. Giống như một bức tranh, vấn đề không phải là có thật hay không, giống thật hay không, hoặc còn thiếu quá nhiều tiết cần được thêm vào, nhưng là những hình ảnh được vẽ ra như thế muốn nói với chúng ta điều gì. Tương tự như thế, ngang qua hình ảnh “người bị thần ô uế ám” được kể lại trong bản văn Tin Mừng, Chúa muốn soi sáng tình cảnh của chúng ta như thế nào, mặc khải sự thật nào về con người chúng ta, chữa lành và mở ra cho chúng ta hướng đi nào, con đường nào? Bởi vì, Lời Chúa thuộc bình diện ý nghĩa, liên quan đến những vấn đề nền tảng và sâu xa của con người, chứ không phải sự vật hay sự kiện trần trụi.

Vậy trước hết, chúng ta hãy nhìn ngắm người bị thần ô uế ám: người này không còn làm chủ được mình, anh lẫn lộn chủ thể (anh là anh hay là thần xấu?) khi nói chuyện với Đức Giê-su:

  • Anh sống trong đám mồ mả, thế giới của người chết, của sự chết, hiểu rộng hơn là nơi chết chóc. Anh còn sống, nhưng lại tự giam mình trong thế giới của người chết, tự tạo ra một môi trường chết chóc, làm hại người khác và làm hại chính mình.
  • Không ai có thể kiềm chế anh ta được: dù có trói lại, bằng xiềng xích cũng không được, bằng gông cùm cũng vô ích. Hình ảnh muốn nói với chúng ta rằng, con người bất lực, vì sự dữ thì mạnh hơn con người.
  • Anh tru trếu, nghĩa là đánh mất nhân tính, kêu la như con vật.
  • Anh tự hành hạ mình; đó là bạo lực, vốn là đặc điểm sự dữ; bạo lực với người khác, bạo lực với chính mình.
  • Tin Mừng theo thánh Luca ghi lại một chi tiết quan trọng: anh không mang y phục; nghĩa là anh không còn thuộc về thế giới của con người, có nhân phẩm và văn hóa.

Nếu chúng ta để cho Sự Dữ, thần ô uế, thần xấu, Tội (“Tội” là một nhân vật theo Rm 7, 13-17) cư ngụ bên trong chúng ta, thúc đẩy chúng ta, làm chủ chúng ta, chúng ta cũng sẽ như thế đó. Lời Chúa trình bày một cách hữu hình những điều vô hình có thật nơi bản thân chúng ta.

Dường như thời xưa, ma quỉ không có nhiều phương tiện, chỗ ẩn nấp hay mặt nạ hóa thân, nên hay ám người ta cách trực tiếp như các Tin Mừng kể lại. Nhưng ngày nay, lối sống của loài người chúng ta đang cung cấp cho ma quỷ quá nhiều phương tiện, chỗ ẩn nấp và mặt nạ hóa thân: tự do cá nhân, toàn cầu hóa, trò chơi, thú vui đủ loại, phương tiện truyền thông, phim ảnh, khoái lạc, bạo lực, gian dối, tiền bạc, danh vọng, hưởng thụ… Vì thế, hơn bao giờ hết, trong hoàn cảnh hiện nay, con người, nhất là người trẻ, dù không bị ma quỉ ám trong thân xác, nhưng còn nghiêm trọng hơn, bị ám trong tâm trí bởi những điều xấu, những năng động xấu thuộc về ma quỉ, đó là lối sống vô trách nhiệm, vô ơn, đam mê phương tiện và thú vui, hưởng thụ, bạo lực, tự do luyến ái, không có khả năng sống giao ước, chiều theo lòng ham muốn, cảm xúc thấp hèn, vô kỉ luật, không có lí tưởng cao quí, mất hướng đi, không thao thức đi tìm ý nghĩa cuộc sống… Cách ma quỉ ám người ta như thế còn nghiêm trọng hơn cả khi dằn vặt thân xác ở bên ngoài, nghĩa là bị quỉ ám trực tiếp như một số trường hợp mà các Tin Mừng kể lại hay như chúng ta thỉnh thoảng vẫn còn nghe nói ngày nay.

Thần ô uế ở đây không chỉ là một tên, nhưng là cả một đạo binh. Vậy những thần ô uế nào đã từng chi phối và làm chủ bản thân tôi? Trong những trường hợp như thế, tôi cảm nhận và hành xử ra sao, tôi chiến đấu như thế nào và tôi có thể chiến thắng được không?

2. Đức Giê-su và thần ô uế (c. 6-8. 18-20)

Người bị quỷ ám chạy đến với Đức Giê-su, nhưng quỉ lên tiếng chứ không phải người bị quỷ ám: « Lạy ông Giê-su, con Thiên Chúa tối cao, chuyện tôi can gì đến ông”. Như thế, ma quỉ muốn thỏa hiệp với Đức Giê-su. Nhưng Đức Giê-su là sự sống chiến thắng sự chết; đó là ý nghĩa của hình ảnh Đức Giê-su vượt qua biển hồ, chiến thắng sóng to gió lớn, vốn là biểu tượng của sự chết (Mc 4, 35, 41). Đức Giê-su đi tới đâu sự chết bị đánh tan đến đó, giống như ánh sáng đánh tan bóng tối: “Thần ô uế kia xuất ra khỏi người này”. Vì thế, thần ô uế không thể đứng vững trước mặt Đức Giê-su.

Đức Giê-su còn là Ngôi Lời sáng tạo. Theo St 1, Lời Thiên Chúa không chỉ sáng tạo từ hư vô, nhưng còn là đưa trật tự vào cõi hỗn mang, phá tan cái tình trạng hàm hồ bằng cách tách ánh sáng khỏi bóng tối, sự sống khỏi sự chết, nhân tính khỏi thú tính. Chúng ta hãy nhìn ngắm người được Đức Giê-su giải thoát khỏi thần ô uế: “ăn mặc hẳn hoi và trí khôn tỉnh táo”. Sự sống và nhân tính của anh được phục hồi, anh được mời gọi trở về với thế giới của người sống, có tương quan và có văn hóa.

Hơn nữa, anh còn được Đức Giê-su trao sứ mạng loan báo tình yêu thương xót của Chúa dành cho anh. Giống như Israel nói với các dân tộc:

Muôn nước hỡi, nào ca ngợi CHÚA,
ngàn dân ơi, hãy chúc tụng Người!
Vì tình Chúa thương chúng tôi thật là mãnh liệt,
lòng thành tín của Người bền vững muôn năm. Ha-lê-lui-a.

(Kinh sáng, Tuần III thứ bảy, Tv 117)

Sứ mạng của anh rất đơn giản, nhưng lại là chính yếu, đó là làm chứng về lòng thương xót của Chúa dành cho anh. Khi nói đến sứ mạng, chúng ta thường hay nghĩ đến những tài năng lớn và những công việc lớn, và thường hay quên kinh nghiệm căn bản làm nền tảng cho mọi ơn gọi và sứ mạng, đó là được Chúa thương xót, chữa lành và tái sinh. Xin cho chúng ta biết đón nhận ơn huệ này cách sâu đậm đến độ không thể phai nhòa, trong tương quan thiết thân của chúng ta với Đức Ki-tô. Nếu không ơn gọi và sứ mạng của chúng ta sẽ không có nền tảng vững chắc.

3. Đạo binh quỉ, đàn heo và những người trong làng (c. 9-17)

Nhìn ngắm hình ảnh rất ngoạn mục: đạo binh qủy, đàn heo, từ sườn núi lao xuống biển và chết hết. Đó chính là nơi chốn và năng động của ma quỉ: thú tính, bạo lực và sự chết ; chứ không phải là nhân tính, hiền lành và sự sống.

Chúa đến giải thoát con người khỏi thần ô uế, khỏi thú tính, khỏi bạo lực và sự chết. Nhưng theo một quan điểm khác, Ngài đến quấy nhiễu trật tự vốn như thế của con người, của chúng ta, của cuộc đời mỗi người chúng ta, Ngài buộc tôi phải trả giá quá lớn, đến « 2000 con heo » ! Vì thế, người ta kinh ngạc, nhưng cũng thấy sợ hãi, mệt mỏi và phiền hà ; nên họ mời Ngài đi nơi khác.

*  *  *

Còn tôi, tôi có ước ao và quảng đại đón nhận Ngài vào cuộc đời và tâm hồn tôi không ? Hay tôi cũng thấy phiền, thấy uổng đối với những gì tôi phải từ bỏ, và muốn mời Ngài đi nơi khác, để âm thầm sống trong tình trạng quen thuộc của mình, tình trạng hàm hồ, hỗn mang, lẫn lộn nhân tính và thú tính, ánh sáng và bóng tối, sự sống và sự chết ?

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
 

Hãy nói với họ những gì Ðức Chúa đã làm cho anh – SN song ngữ 01.02.2021

 
Monday (February 1):  “Tell them  how much the Lord has done for you”

 

Scripture:  Mark 5:1-20  

1 They came to the other side of the sea, to the country of Gerasenes. 2 And when he had come out of the boat, there met him out of the tombs a man with an unclean spirit, 3 who lived among the tombs; and no one could bind him any more, even with a chain; 4 for he had often been bound with fetters and chains, but the chains he wrenched apart, and the fetters he broke in pieces; and no one had the strength to subdue him. 5 Night and day among the tombs and on the mountains he was always crying out, and bruising himself with stones. 6 And when he saw Jesus from afar, he ran and worshiped him; 7 and crying out with a loud voice, he said, “What have you to do with me, Jesus, Son of the Most High God? I adjure you by God, do not torment me.” 8 For he had said to him, “Come out of the man, you unclean spirit!” 9 And Jesus asked him, “What is your name?” He replied, “My name is Legion; for we are many.” 10 And he begged him eagerly not to send them out of the country. 11 Now a great herd of swine was feeding there on the hillside; 12 and they begged him, “Send us to the swine, let us enter them.” 13 So he gave them leave. And the unclean spirits came out, and entered the swine; and the herd, numbering about two thousand, rushed down the steep bank into the sea, and were drowned in the sea. 14 The herdsmen fled, and told it in the city and in the country. And people came to see what it was that had happened. 15 And they came to Jesus, and saw the demoniac sitting there, clothed and in his right mind, the man who had the legion; and they were afraid. 16 And those who had seen it told what had happened to the demoniac and to the swine. 17 And they began to beg Jesus to depart from their neighborhood. 18 And as he was getting into the boat, the man who had been possessed with demons begged him that he might be with him. 19 But he refused, and said to him, “Go home to your friends, and tell them how much the Lord has done for you, and how he has had mercy on you.” 20 And he went away and began to proclaim in the Decapolis how much Jesus had done for him; and all men marveled.

Thứ Hai     1-2           Hãy nói với họ những gì Ðức Chúa đã làm cho anh

 

Mc 5,1-20

1 Đức Giê-su và các môn đệ sang tới bờ bên kia Biển Hồ, vùng đất của dân Ghê-ra-sa.2 Người vừa ra khỏi thuyền, thì từ đám mồ mả, có một kẻ bị thần ô uế ám liền ra đón Người.3 Anh này thường sống trong đám mồ mả và không ai có thể trói anh ta lại được, dầu phải dùng đến cả xiềng xích.4 Thật vậy, nhiều lần anh bị gông cùm và bị xiềng xích, nhưng anh đã bẻ gãy xiềng xích, và đập tan gông cùm. Và không ai có thể kiềm chế anh được.5 Suốt đêm ngày, anh ta cứ ở trong đám mồ mả và trên núi đồi, tru tréo và lấy đá đập vào mình.6 Thấy Đức Giê-su tự đàng xa, anh ta chạy đến bái lạy Người7 và kêu lớn tiếng rằng: “Lạy ông Giê-su, Con Thiên Chúa Tối Cao, chuyện tôi can gì đến ông? Nhân danh Thiên Chúa, tôi van ông đừng hành hạ tôi! “8 Thật vậy, Đức Giê-su đã bảo nó: “Thần ô uế kia, xuất khỏi người này! “9 Người hỏi nó: “Tên ngươi là gì? ” Nó thưa: “Tên tôi là đạo binh, vì chúng tôi đông lắm.”10 Nó khẩn khoản nài xin Người đừng đuổi chúng ra khỏi vùng ấy.11 Ở đó có một bầy heo rất đông đang ăn bên sườn núi.12 Đám thần ô uế nài xin Người rằng: “Xin sai chúng tôi đến nhập vào những con heo kia.”13 Người cho phép. Chúng xuất khỏi người đó và nhập vào bầy heo. Cả bầy heo -chừng hai ngàn con- từ trên sườn núi lao xuống biển và chết ngộp dưới đó.14 Các kẻ chăn heo bỏ chạy, loan tin trong thành và thôn xóm. Thiên hạ đến xem việc gì đã xảy ra.15 Họ đến cùng Đức Giê-su và thấy kẻ bị quỷ ám ngồi đó, ăn mặc hẳn hoi và trí khôn tỉnh táo -chính người này đã bị đạo binh quỷ nhập vào. Họ phát sợ.16 Những người chứng kiến đã kể lại cho họ nghe việc đã xảy ra thế nào cho người bị quỷ ám và chuyện bầy heo.17 Bấy giờ họ lên tiếng nài xin Người rời khỏi vùng đất của họ.18 Khi Người xuống thuyền, thì kẻ trước kia đã bị quỷ ám nài xin cho được ở với Người.19 Nhưng Người không cho phép, Người bảo: “Anh cứ về nhà với thân nhân, và thuật lại cho họ biết mọi điều Chúa đã làm cho anh, và Người đã thương anh như thế nào.”20 Anh ta ra đi và bắt đầu rao truyền trong miền Thập Tỉnh tất cả những gì Đức Giê-su đã làm cho anh. Ai nấy đều kinh ngạc.

Meditation: 

 

Do you ever feel driven by forces beyond your strength? A man driven mad by the evil force of a legion found refuge in the one person who could set him free. A legion is no small force – but an army more than 5,000 strong! For the people in the time of Jesus’ ministry, hemmed in by occupied forces, a legion, whether spiritual or human, struck terror! Legions at their wildest committed unmentionable atrocities.Our age has also witnessed untold crimes and mass destruction at the hands of possessed rulers and their armies. 

 

Jesus has power to free us from every evil spirit of oppression

What is more remarkable – the destructive force of this driven and possessed man – or the bended knee at Jesus’ feet imploring mercy and release? God’s word reminds us that no destructive force can keep anyone from the peace and safety which God offers to those who seek his help. A thousand may fall at your side, ten thousand at your right hand; but it will not come near you. ..Because you have made the Lord your refuge, the Most High your habitation (Psalm 91:7,9).

Jesus took pity on the man who was overtaken by a legion of evil spirits. The destructive force of these demons is evident for all who can see as they flee and destroy a herd of swine. After Jesus freed the demoniac the whole city came out to meet him. No one had demonstrated such power and authority against the forces of Satan as Jesus did. They feared Jesus as a result and begged him to leave them. Why would they not want Jesus to stay? Perhaps the price for such liberation from the power of evil and sin was more than they wanted to pay. Jesus is ready and willing to free us from anything that binds us and that keeps us from the love of God. Are you willing to part with anything that might keep you from his love and saving grace?

 

“Lord Jesus, unbind me that I may love you wholly and walk in the freedom of your way of life and holiness. May there be nothing which keeps me from the joy of living in your presence.”

Suy niệm:  

 

Bạn có bao giờ cảm thấy bị điều khiển bởi sức mạnh vượt sức của bạn không? Một người điên bị điều khiển bởi sức mạnh của một đạo binh thần dữ đã chạy tới ẩn náu trong một người có thể giải thoát anh ta. Một đạo binh không phải là một lực lượng nhỏ – đó là một đạo binh có tới 6000 người! Đối với người Palestine, bị quân thù bao vây, một đạo binh, cho dù thần linh hay con người, là sự tấn công đáng sợ! Các đạo binh điên cuồng nhất có những hành động tàn ác ngoài sức tưởng tượng. Thời đại của chúng ta cũng chứng thật những tội ác không thể nói được và sự phá hủy kinh khủng nơi bàn tay của những nhà lãnh đạo xâm chiếm và quân đội của họ.

Đức Giêsu có sức mạnh để giải thoát chúng ta khỏi mọi áp bức của thần dữ

Điều gì quan trọng hơn – sức mạnh phá hủy của người bị quỷ ám – hay đầu gối quỳ dưới chân Ðức Giêsu van xin lòng thương xót và giải thoát? Lời Chúa nhắc nhở chúng ta rằng không một sức mạnh phá hủy nào có thể ngăn cản người ta với sự bình an và an toàn mà Thiên Chúa ban cho những ai chạy đến xin Người trợ giúp. Một ngàn tên quỷ có thể tấn công bạn, mười ngàn tên quỷ có thể ở bên cạnh bạn, nhưng chúng sẽ không thể nào tới gần được bạn. Vì bạn có Chúa làm nơi trú ẩn, có Đấng Tối Cao làm chỗ nương thân (Tv 91,9).

Ðức Giêsu tỏ lòng thương xót với người đã bị đạo binh của thần ô uế chiếm hữu. Sức mạnh phá hủy của những thần dữ này là bằng chứng cho tất cả mọi người có thể nhìn thấy khi chúng chạy trốn và tiêu diệt đàn heo. Sau khi Ðức Giêsu chữa lành người bị quỷ ám, cả thành phố ra gặp gỡ Người. Không ai giải thích được uy quyền của Ðức Giêsu khi Người chống lại sức mạnh của Satan. Kết quả, họ đâm ra sợ hãi Ðức Giêsu, và xin Người rời khỏi họ. Tại sao họ không muốn Ðức Giêsu ở lại? Có lẽ cái giá cho sự tự do thoát khỏi sức mạnh của ma quỷ như thế nhiều hơn những gì họ muốn trả. Ðức Giêsu luôn sẵn sàng giải thoát chúng ta khỏi bất cứ điều gì trói buộc chúng ta và ngăn cản chúng ta với tình yêu của Thiên Chúa. Bạn có sẵn sàng dứt bỏ bất cứ điều gì có thể ngăn cản bạn khỏi tình yêu và ơn cứu độ của Người không?

Lạy Chúa Giêsu, xin giải thoát con để con có thể yêu mến Chúa một cách trọn vẹn và bước đi trong sự thanh thoát của đường lối sự sống và thánh thiện của Chúa. Chớ gì không một trở ngại nào ngăn cản con khỏi niềm vui sống trong sự hiện diện của Chúa.

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây