Lời Chúa: Lc 15, 1-10
Khi ấy, những người thâu thuế và những người tội lỗi đến gần Chúa Giêsu để nghe Người giảng. Thấy vậy, những người Biệt phái và Luật sĩ lẩm bẩm rằng: "Ông này đón tiếp những kẻ tội lỗi, cùng ngồi ăn uống với chúng".
Bấy giờ Người phán bảo họ dụ ngôn này: "Ai trong các ông có một trăm con chiên, và nếu mất một con, lại không để chín mươi chín con khác trong hoang địa mà đi tìm con chiên lạc, cho đến khi tìm được sao? Và khi đã tìm thấy, người đó vui mừng vác chiên trên vai, trở về nhà, kêu bạn hữu và những người lân cận mà nói rằng: "Anh em hãy chia vui với tôi, vì tôi đã tìm thấy con chiên lạc!" Cũng vậy tôi bảo các ông: Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần hối cải.
"Hay là người đàn bà nào có mười đồng bạc, nếu mất một đồng, mà lại không đốt đèn, quét nhà và tìm kỹ lưỡng cho đến khi tìm thấy sao? Và khi đã tìm thấy, bà mời các chị em bạn và những người láng giềng đến mà rằng: "Chị em hãy vui mừng với tôi, vì tôi đã tìm được đồng bạc tôi đã mất". Cũng vậy, tôi bảo các ông: Các thiên thần của Thiên Chúa sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải".
Suy niệm 1: Xin chung vui với tôi
(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)
Nhiều người nghĩ rằng Thiên Chúa là Đấng cao cả,
nhưng lại xa lạ và lạnh lùng với con người,
vì con người có là gì đâu trước mặt Thiên Chúa.
Thật ra con người là mối bận tâm lớn của Ba Ngôi,
đến độ ta dám nói rằng con người chiếm chỗ trong tâm trí Thiên Chúa.
Trước khi con người hướng về Thiên Chúa
thì Thiên Chúa đã đưa tay ra, hướng về con người.
“Vì loài người chúng tôi và để cứu rỗi chúng tôi.”
Đó là điều chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính.
Thiên Chúa Ba Ngôi sống cho nhau,
nhưng cũng sống vì con người và cho con người.
Hai dụ ngôn hôm nay cho thấy Thiên Chúa quý con người.
Mà con người ở đây lại không phải là những người thánh thiện.
Có những động từ được nhắc đến trong cả hai dụ ngôn:
có, mất, tìm, tìm được, chung vui, vui mừng.
Những động từ này nói lên tất cả tình cảm của Thiên Chúa.
Dụ ngôn về người đàn ông hay người phụ nữ
có một trăm con chiên hay mười đồng quan.
Vì lý do nào đó, một con chiên hay một đồng quan bị mất.
Sự mất mát này lớn lao đến nỗi người ta muốn tìm cho kỳ được.
Tìm cho kỳ được là tìm đến khi thấy mới thôi (cc. 4. 8).
Việc tìm kiếm này đòi phải hành động quyết liệt.
Người chăn chiên để chín mươi chín con ngoài đồng hoang,
người phụ nữ thắp đèn, quét nhà, moi móc mọi ngõ ngách.
Trong lo âu, người tìm kiếm chỉ nghĩ đến chuyện làm sao tìm lại được.
Chính vì thế niềm vui bùng lên khi tìm thấy điều đã mất.
Niềm vui không giữ lại cho riêng mình trong lòng.
Niềm vui đòi chia sẻ với bạn bè, với bà con lối xóm.
“Xin ông bà anh chị chung vui với tôi, vì tôi tìm thấy rồi” (cc. 5. 9).
Thiên đàng không cắt đứt với trần thế.
Các thiên thần của Thiên Chúa vui vì một người tội lỗi hối cải (c. 10).
Thiên Chúa mừng vui vì Ngài đã từng lo âu, đau khổ, tìm kiếm.
Mỗi tội nhân hoán cải là một thành tựu của Thiên Chúa.
Ngài quý từng con người được dựng nên theo hình ảnh Ngài.
Thái độ của Đức Giêsu đối với tội nhân cho thấy trái tim Thiên Chúa.
Trái tim ấy nghiêng chiều về những con người đã lạc đường.
Đồng quan không thể tự ý trốn đi, nhưng con người có tự do quay lưng.
Thiên Chúa đi tìm con người quay lưng ấy.
Với sự khiêm hạ, Ngài chinh phục trái tim con người.
Hãy để Ngài đi tìm bạn, và cho Ngài niềm vui khi tìm thấy người đã mất.
Nói cho cùng, Thiên Chúa đi tìm ta suốt đời,
trong một cuộc chơi năm mười kéo dài mà ta chủ yếu là người đi trốn.
Hãy cảm được sự tế nhị của Ngài khi cố tìm ta mà vẫn tôn trọng tự do.
Nếu ta chịu để Ngài tìm thấy, ta sẽ nếm được ngay niềm vui thiên đàng.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
xin đánh thức con.
Xin đưa con ra khỏi cơn mê
mà tự sức con không sao thoát ra được.
Xin đừng ngại đánh thức con
bằng những biến cố đôi khi mạnh mẽ,
nhưng xin cho con thấy bàn tay Chúa nhân từ
đang cắt tỉa con vì yêu con.
Ước gì con được tỉnh táo
để nhìn lại vẻ đẹp từng làm con say mê,
những chỗ dựa mà con tưởng là tuyệt đối.
Như ngọn đèn chầu trong nhà nguyện,
xin cho con thức luôn và sáng luôn,
trước nhan Chúa.Amen
Suy niệm 2: Tình yêu là lề luật
(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)
Đối với người Do thái Lề Luật là tất cả. Là lẽ sống. Là danh dự. Là trật tự. Là ơn cứu độ. Tất cả là Lề Luật. Nên khô cứng. Và không có tình người. Họ không giao du với người thu thuế. Vì người thu thuế không giữ Lề Luật. Giao du với họ là ô uế cũng lỗi Lề Luật. Chúa Giê-su dùng hai dụ ngôn “Con chiên lạc” và “Đồng tiền đánh mất” để cho họ biết rằng nếu Lề Luật là tất cả thì Tình Yêu chính là Lề Luật. Tình Yêu mới là tất cả.
Tình Yêu là Lề Luật vì chỉ có một luật quan trọng nhất là luật yêu thương. “Thầy ban cho anh em một điều răn mới, là hãy yêu thương nhau”.
Tình Yêu thì không tính toán. Một con chiên lạc cũng quan trọng như 99 con không lạc. Nên người chăn chiên thao thức đi tìm cho đến khi tìm thấy. Một đồng bạc cũng quan trọng bằng 9 đồng không mất. Nên người phụ nữ phải quét nhà moi móc tìm cho ra. Cũng thế một người tội lỗi cũng quan trọng như tất cả mọi người. Cần cứu chữa đưa về.
Tình Yêu thì không loại trừ. Trái lại vì yêu thương nên những gì bé nhỏ, yếu ớt, kém cỏi lại càng cần được yêu thương hơn. Những tội nhân, những người xa lạc, giống như những người mang thương tích càng cần được chăm sóc, băng bó, chữa lành hơn. Cũng như trong một thân thể, chi thể nào càng đau yếu càng được nâng niu chăm sóc hơn.
Tình Yêu thì không xét đoán. Nếu có xét đoán cũng là trong tình yêu. Chúng ta sẽ bị xét đoán về tình yêu. Chỉ mình Chúa có quyền xét đoán. Vì thế ta đừng xét đoán anh em. Vì chính ta sẽ bị Chúa xét đoán. “Thế mà bạn, sao bạn lại xét đoán người anh em? Và bạn nữa, sao bạn khinh dể người anh em. Quả thế, tất cả chúng ta sẽ phải ra trước toà Thiên Chúa…mỗi người trong chúng ta sẽ phải trả lời về chính mình trước mặt Thiên Chúa” (năm lẻ).
Tình Yêu là Chúa Ki-tô. Chúa Ki-tô là tất cả. Là Tình Yêu. Là Lề Luật. Còn hơn thế nữa. Là Sự Sống. Là Hạnh Phúc. Là Tất Cả Ý Nghĩa Cuộc Đời. Vì thế thánh Phao-lô xưa kia cũng có địa vị trổi vượt, cũng hay xét đoán và tự cho mình quyền xét xử người khác, có nhiều ưu thế trong xã hội. Nhưng từ khi được biết Chúa Ki-tô ngài từ bỏ tất cả. Vì Chúa Ki-tô là tất cả. “Những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì đức Ki-tô, tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đứuc Ki-tô Giê-su, Chúa của tôi” (năm chẵn).
Suy niệm 3: Con Chiên Lạc
Có một câu chuyện về cuộc đời của một thiếu nữ tên Liker với nội dung như sau:
Liker phục vụ trong quân đội Anh, nhưng hoàn cảnh đưa đẩy cô trở thành gái mãi dâm. Lúc thành phố Paris được giải phóng sau thế chiến thứ hai, không lâu sau đó, Liker phục vụ những khách hạng sang tại một trong những nơi ăn chơi nổi tiếng nhất của Paris do Patric làm chủ. Trong lúc tận tình giúp đỡ một thiếu nữ khác để khỏi rơi vào hoàn cảnh éo le của mình, Liker đã bắn chết Patric. Cô bị tống giam, nhưng trong cảnh ngục tù, Liker đã gặp các Nữ tu có tên gọi là các chị Bêtania, là Dòng chuyên nâng đỡ những cô gái sa cơ lỡ bước, những người nghiện ngập, những người sống đầu đường xó chợ. Vài nữ tu này trước kia cũng là nạn nhân của xã hội như những người họ đang phục vụ. Mãn hạn tù, Liker xin gia nhập dòng và trở thành một trong các chị Bêtania.
Nữ tu Liker trong câu truyện trên đây là tiêu biểu cho con chiên lạc mà Tin Mừng hôm nay đề cập đến. Nàng đã sa cơ lỡ bước, nhưng Thiên Chúa qua cử chỉ của các chị Bêtania đã đi tìm gặp chị và mời gọi chị trở nên bạn chí thiết của Ngài trong đời sống hiến dâng.
Hai dụ ngôn trong Tin Mừng hôm nay rất đơn sơ, nhưng mang đầy ý nghĩa. Vai chính là người chăn chiên và người phụ nữ. Những người chăn chiên thời Chúa Giêsu thường bị khinh miệt, vì họ là những người nghèo nàn, ít học, bị nghi ngờ gian lận, và vì phải luôn sống với đàn chiên ngoài đồng, nên họ không thể giữ luật ngày Hưu lễ cũng như không thể tham dự các giờ kinh trong Hội đường. Còn các phụ nữ là những công nhân hạng hai, theo tâm thức của Việt Nam ngày xưa: "Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô", nhưng họ được Chúa Giêsu dùng làm hình ảnh để so sánh với chính Thiên Chúa.
Giá trị của những vật bị mất: một con chiên không có giá trị là bao so với đàn chiên; một đồng bạc cũng thế so với số còn lại; nhưng đối với người chăn chiên và người phụ nữ trong dụ ngôn, con chiên và đồng bạc có giá trị đặc biệt. Mỗi người chúng ta cũng thế, dù là những kẻ vô danh, một con số trong bảng thống kê nhưng lại có giá trị đặc biệt trước mặt Thiên Chúa.
Công khó đi tìm: không quản khó nhọc, không sợ nguy hiểm, người chăn chiên đã lặn lội đi tìm con chiên lạc; người phụ nữ cũng thế, đã thắp đèn quét dọn cho đến khi tìm được đồng bạc đã mất. Thiên Chúa cũng đối xử với các tội nhân như thế.
Niềm vui tìm được những vật đã mất: trên trời sẽ vui mừng và các thiên thần Chúa sẽ nhảy mừng, tượng trưng cho chính Thiên Chúa: Thiên Chúa vui mừng khi một tội nhân ăn năn hối cải.
Một Thiên Chúa sung sướng khi chúng ta sống đúng theo thánh ý Ngài. Một Thiên Chúa giầu lòng thương xót, vì tình thương vô biên của Ngài. Nữ tu Liker trong câu truyện trên đã cảm nghiệm về tình yêu Thiên Chúa, còn chúng ta, cho đến bao giờ mới có một kinh nghiệm như thế?
Chúng ta hãy cảm tạ Chúa đã cho chúng ta được hiểu thêm lòng thương xót vô biên của Chúa. Xin cho chúng ta mau mắn chỗi dậy mỗi lần sa ngã, với niềm xác tín vào lòng nhân hậu vô bờ của Chúa luôn chờ đợi chúng ta trở về với Ngài.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Suy niệm 4: Khía Cạnh Sâu Xa Của Tình Yêu
Trọng tâm của đoạn Tin Mừng hôm nay nêu bật khía cạnh sâu xa nhất của tình yêu đó là sự tha thứ, một sự tha thứ được gói trọn trong tình yêu khoan dung vì tình yêu này không đóng khung kẻ mình yêu trong những ngục tù của lỗi lầm, của quá khứ. Tình yêu này cũng không giới hạn kẻ làm ơn trong hiện tại đen tối của người ấy mà còn phóng tầm mắt nhìn về những điều họ có thể trở nên tốt hơn trong tương lai.
Trong cách hành xử của Chúa Giêsu, chúng ta thấy Ngài sẵn sàng tha thứ để biểu lộ một tình yêu chân thành qua việc Ngài tiếp xúc với những người thu thuế, làm bạn với những người bị xã hội thời bấy giờ gán cho là kẻ tội lỗi. Ngài không ngăn cấm họ năng lui tới nơi Ngài giảng dạy, hơn nữa Ngài còn cùng ăn uống đồng bàn với họ. Những cuộc gặp gỡ giao tế này minh chứng rằng Chúa Giêsu nhìn những kẻ thu thuế và những người tội lỗi trong hai trạng thái: trạng thái hiện tại của họ và trạng thái họ có thể trở nên tốt lành hơn trong tương lai. Trong hiện tại, mặc dù đang sống trong tình trạng tội lỗi nhưng họ biết lắng nghe lời Chúa để khởi sự tiến những bước đầu tiên trên con đường hoán cải, và những điều họ có thể trở nên minh chứng qua những hành động cụ thể sau đó. Thí dụ như hành động dứt khoát với quá khứ tội lỗi để đi theo Chúa của ông Mátthêu. Là một người thu thuế, khi được Chúa gọi, ông đã bỏ bàn thu thuế đứng dậy và đi theo làm môn đệ Chúa. Hay qua sự hoán cải của một người thu thuế khác sau khi gặp gỡ Chúa và nghe Ngài dự định tới trọ nhà mình, ông Zakêu đã hứa là sẽ lấy nửa gia tài của mình mà phân phát cho những người nghèo và bồi thường gấp bốn cho những ai ông đã làm thiệt hại.
Chúa Giêsu ngày hôm qua, hôm nay và mãi mãi vẫn là một Chúa Giêsu duy nhất không bao giờ thay đổi. Lòng nhân hậu vẫn khiến Ngài rảo bước đi tìm những con chiên lạc và khi gặp thấy thì mừng rỡ đặt nó lên vai mang về nhà và bảo người láng giềng: "Hãy chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên lạc". Như thế, đối với Chúa Giêsu, Ðấng đầy lòng khoan dung nhân hậu, không ai dại gì mà để cho con người phải chịu đóng dấu vào những vòng tội lỗi và rồi bị xếp loại vào những người bị kết án muôn đời.
Vậy, chúng ta đây còn chần chờ gì nữa. Hãy chỗi dậy kíp hoán cải để thống hối ăn năn thực lòng, để được Ngài âu yếm vỗ về và để cho các thánh trên trời đều reo vui như lời kết thúc của câu chuyện dụ ngôn của Chúa Giêsu: "Thật vậy, Ta bảo cho các ngươi rõ, các thiên thần của Thiên Chúa sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn trở lại".
Lạy Chúa
Xin cho con được ý thức tình thương của Chúa trong đời sống con và luôn luôn quay trở về mỗi lần lầm lỗi.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Suy niệm 5: Thiên Chúa lo cứu kẻ lạc
“Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất? Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác chiên lên vai.” Cũng thế tôi nói cho các ông hay: “Giữa triều thần Thiên Chúa, ai lấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối” (Lc. 15, 4-5.10)
Trong đám đông dân chúng có nhiều người thu thuế và tội lỗi. Họ đã thấy việc Đức Giêsu làm và mau mắn đến nghe lời Người. Biệt phái và luật sĩ cậy mình là người công chính, họ rình xét Người và lẩm bẩm kêu: Ôi gương mù quá! Người nói nhân danh Thiên Chúa, lại đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với bọn ô uế.
Sáng kiến tìm chiên lạc:
Luôn luôn Thiên Chúa được giới thiệu như mục tử yêu mọi con chiên. Nếu lạc mất một con, mục tử để lại cả đoàn và đi tìm con chiên lạc với bất cứ giá nào và vác lên vai đưa về. Anh vui mừng biết bao và chia sẻ vui mừng với tất cả mọi người. Cũng vậy, một bà đánh mất một đồng bạc và hết sức quét nhà tìm cho được.
Đức Giêsu muốn chỉ cho thấy Thiên Chúa sáng kiến tìm đưa người tội lỗi về với Ngài trước, khi tìm được, Ngài tỏ lòng rất dịu dàng và thương xót an ủi họ. Trái lại, biệt phái loại họ khỏi cộng đồng hội thánh của Ít-ra-en, còn Thiên Chúa rất cảm động trước sự thống hối và tha thứ cho tội nhân, dẫn đưa họ về gia đình trong vui mừng.
Vui mừng tìm được chiên lạc
Niềm vui này, Thiên Chúa chia sẻ với mọi người, để họ nhận ra lòng thương xót vô cùng của Thiên Chúa, như Thiên Chúa đã nói qua ngôn sứ Ô-sê: “Tim Ta rạo rực trong Ta, cùng với lòng từ bi rung động … Vì Ta là Thiên Chúa, chứ không phải là người, Ta là Đấng Thánh ở giữa ngươi; Ta không đến với ngươi trong cơn thịnh nộ”. Chính vì Thiên Chúa không vứt bỏ những tội nhân, nhưng còn cảm thấy vui mừng lớn lao khi tha thứ cho họ, nên Đức Giêsu chăm lo cho họ và đồng bàn với họ. Những kẻ giả hình công chính phải lo ăn năn trở về, thay vì lẩm bẩm kêu trách. Như thế, họ sẽ không được chia sẻ sự vui mừng do lòng thương xót Chúa ban.
Dù ăn uống với những người tội lỗi, Người luôn luôn kêu gọi phải từ bỏ tội lỗi, ăn năn sám hối trở về, Người chỉ cho thấy ai đáp lại lời kêu gọi này thì không bị cơn giận của Thiên Chúa đổ xuống, nhưng được vui mừng hưởng lòng thương xót và ân phúc cứu độ của Ngài.
RC
Suy niệm 6: Thiên Chúa luôn hướng tới tương lai
Xem CN 24 TN C - Lễ Thánh Tâm Chúa Giê-su năm C - thứ Ba tuần 2 MV và thứ Ba tuần 19 TN
Toàn bộ Tin Mừng của Đức Giêsu, chúng ta thấy từ hành động đến lời rao giảng, Ngài luôn nhấn mạnh đến sự tha thứ và tình thương cứu độ của Thiên Chúa.
Hai dụ ngôn chiên lạc và đồng bạc bị đánh mất hôm nay là điển hình của đặc tính ấy.
Thật vậy, bản chất Thiên Chúa là tình yêu, vì thế, Người không chấp tội của chúng ta, Người cũng không để ý, hay đóng khung trong quá khứ, nhưng luôn mở ra và hướng tới tương lai.
Với một lối nhìn nhân từ, bao dung, tha thứ, nên Đức Giêsu đã không ngần ngại xếp những người tội lỗi như thu thuế, gái điếm thành bạn hữu của Ngài, trong khi những hạng người này dưới con mắt của người thời đó là đáng bị khinh bỉ và nguyền rủa!
Điều quan trọng mà chúng ta cần khám phá ra và cũng là hành trình đức tin của mỗi người, đó là: khi được Chúa yêu thương, tha thứ và tạo cơ hội cho mình thì điều đầu tiên cần có là tâm tình tạ ơn, rồi đến sám hối, hoán cải và cuối cùng là thực thi Lời Chúa cách trung thành.
Qua hình ảnh vị Mục Tử nhân lành vác con chiên đã đi lạc lên vai sau khi tìm được và niềm vui của bà chủ khi tìm thấy đồng bạc bị đánh mất cho chúng ta thấy rõ ràng một Thiên Chúa luôn hướng tới tương lai, không hề có ý định đóng dấu tội lỗi trong quá khứ cho bất cứ ai, nhưng không ngừng đi tìm kiếm người tội lỗi và mong họ trở về.
Đây là niềm tự hào và an ủi cho người Kitô hữu, bởi chúng ta được thuộc về Thiên Chúa tình thương, đồng thời an ủi là vì mỗi người đều là tội nhân trước mặt Thiên Chúa, nhưng được Ngài yêu thương.
Xin Chúa cho mỗi người chúng ta hãy biết tin tưởng vào tình thương của Thiên Chúa, can đảm quay trở về với Người để được Người yêu thương. Đồng thời, noi gương Chúa, chúng ta không được coi thường, khinh bỉ người tội lỗi, bởi vì thánh nhân nào cũng có quá khứ, tội nhân nào cũng có tương lai. Thế nên, xin cho chúng ta hãy biết tha thứ và đối xử nhân hậu đối với những người tội lỗi như chính Chúa đã đối xử nhân hậu với chúng ta. Amen.
Ngọc Biển SSP
Suy niệm 7: Lòng thương xót của Thiên Chúa với tội nhân
(TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Dụ ngôn tìm chiên lạc và tìm đồng bạc bị đánh mất nói lên lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa đối với mọi tội nhân. Qua đó Chúa mời gọi ta trở về với Chúa để nhận ơn tha thứ và để ta cũng biết tha thứ cho anh em.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, qua dụ ngôn tìm chiên lạc và tìm đồng bạc bị đánh mất, con cảm thấy lòng thương xót của Chúa đối với tội nhân thật bao la vô ngần. Cái nhìn yêu thương cảm thông của Chúa thật khác xa với cái nhìn hằn học ghen tị của những người biệt phái và luật sĩ.
Lạy Chúa, Chúa không bao giờ bỏ rơi con, cho dù con là một kẻ đốn mạt tội lỗi. Người chăn chiên quên đi chín mươi chín con chiên đang ở với mình để đi tìm một con chiên lạc, hình ảnh ấy diễn tả tình yêu của Thiên Chúa đối với tội nhân thật lạ thường biết bao. Chúa vẫn luôn nghĩ đến con cho dù trong trái tim con không hề có hình ảnh Chúa. Chúa vẫn yêu thương con cho dù bao lần con đã xúc phạm đến Chúa. Và Chúa sẵn sàng ra đi tìm kiếm con cho dù con luôn tìm cách trốn chạy, muốn xa lìa Chúa.
Lạy Chúa, xin cho con luôn biết tin tưởng vào lòng thương xót của Chúa để con quyết tâm trở về với Chúa. Xin cho con xác tín rằng: Chúa sẽ vui mừng biết bao khi thấy con thật lòng ăn năn thống hối tội lỗi, vì chính tình yêu thương tha thứ của Chúa sẽ mang đến cho con niềm hạnh phúc bình an. Và xin Chúa ban cho con trái tim nhân ái của Chúa, để con cũng biết yêu thương tha thứ cho những anh em lầm lỡ và giúp đỡ họ trở về với Chúa. Amen.
Ghi nhớ: “Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải”.
Suy niệm 8: Thiên Chúa yêu thương chúng ta
(Lm Nguyễn Vinh Sơn SCJ)
Câu chuyện
Có rất nhiều đệ tử đang tu luyện thiền học dưới sự hướng dẫn của thiền sư Sengai. Trong số đó có một đệ tử thường hay thức dậy ban đêm, lẻn trốn một mình trèo tường ra phố rong chơi dạo mát cho thỏa thích. Và một đêm kia, thiền sư Sengai đi kiểm tra phòng ngủ các đệ tử, thấy vắng mặt một người và cũng khám phá ra chiếc ghế đẩu mà anh ta thường dùng để leo qua tường ra ngoài. Sau khi suy nghĩ, thiền sư Sengai liền dời chiếc ghế đi chỗ khác và đứng thay vào chỗ đó.
Một lát sau, anh chàng ham rong chơi trở về không biết rằng thầy mình là chiếc ghế, cứ thản nhiên đặt chân vào đầu thầy mình để nhảy xuống đất. Đúng lúc đó mới khám ra sự thể động trời của mình, anh ta hoảng hốt sợ đến ngất xỉu. Nhưng thiền sư Sengai nhỏ nhẹ bảo anh: “Sáng sớm trời lạnh lắm, con hãy cẩn thận kẻo bị cảm đấy”. Và từ đó, người đệ tử hoang đàng ấy không bao giờ dám ra ngoài chơi ban đêm nữa.
Suy niệm
Tin Mừng hôm nay cho chúng ta nhận ra chân dung của Thiên Chúa đầy lòng yêu thương và nhân hậu, Ngài hiện thân qua người con yêu, Ðức Giêsu Kitô, Đấng luôn kiếm tìm chúng ta. Ngài sẵn sàng đón nhận chúng ta đang khi chúng ta còn là tội nhân.
Khi con người yếu đuối vì tội lỗi, con người đi hoang, đánh mất tình cha con đã được Thiên Chúa Cha, chuộc lại qua Chúa Kitô, thánh Phaolô đã xác tín: “Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là người tội lỗi. Đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (Rm 5,8).
Cho nên, con trở về, Cha tha thứ vui mừng như Chúa Giêsu đã khẳng định: “Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần hối cải”. Chúa Giêsu đã làm sáng tỏ tâm tình của Thiên Chúa Cha, trước người con quay về mà ngôn sứ Mikha đã tiên tri về tình Chúa, tình Cha “có Thiên Chúa nào như Ngài lại vui mừng khi ban ơn tha thứ” (Mk 7,18).
Từ bỏ tội lỗi và tính hư tật xấu, trở về cùng Chúa kết hợp với Ðức Kitô để trở nên con người mới, thụ tạo mới như lời thánh Phaolô dạy: “Phàm ai kết hợp với Ðức Kitô, đều là thọ tạo mới. Cái cũ đã qua đi, và cái mới đã có đây rồi” (2Cr 5,17).
Trở về bên Chúa, sau những quãng đời hoang tàn, con lại khám phá và sống lại trong tình Chúa, tình thâm sâu nghĩa nặng của Cha luôn bao la:
Con nguyền giữ đạo Trung Cang
Tình cha con nguyện nặng mang trọn đời. (Võ Duy Khánh, Tình Cha).
Ý lực sống
“Sự hối cải là một lời cầu nguyện (...) những người ăn năn sám hối sẽ thấy lòng thương xót của Thiên Chúa được biểu lộ những thực tại tuyệt vời” (Thánh Gioan Kim khẩu chú giải Tin Mừng Lc 15,1-3.11-32).
Suy niệm 9: Lòng thương xót và thứ tha của Chúa
(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)
Thấy Đức Giêsu hay gần gũi những người tội lỗi lại còn đồng bàn với họ, nhóm biệt phái và luật sĩ trách cứ Chúa. Do đó, Đức Giêsu đã dùng những dụ ngôn để trả lời cho họ. Tất cả những dụ ngôn này đều đề cao hình ảnh một Thiên Chúa giàu lòng thương xót, Ngài xót xa khi một người rơi vào tình trạng tội lỗi, do đó, Ngài thiết tha cứu người tội lỗi. Hai dụ ngôn con chiên lạc và đồng tiền bị mất nói lên tấm lòng yêu thương và tha thứ của Thiên Chúa. Ngài sẵn sàng đón nhận chúng ta và Ngài vô cùng sung sướng khi chúng ta biết mở lòng đón nhận sự tha thứ và tình thương của Ngài.
Hình ảnh con chiên bị lạc vì nó lạc bước không có chủ ý, mà do đam mê cỏ ngọn suối ngọt mà nó bị lạc, nên nó vẫn muốn tìm về, nhưng nó không tìm được đường về, hoặc bị sa xuống hố, hay đang bị cầm giữ, nên chủ nó mới đi tìm về, cho nó được nhập lại đàn và băng bó chữa trị cho nó. Cũng thế, không ít người trong chúng ta cũng lạc lối bơ vơ trong những đam mê, sa lầy trong tội lỗi, bị mọi thứ thế gian che khuất không tìm thấy lối về nẻo chính đường ngay. Chúa vẫn đã, đang và sẽ mãi đi tìm chúng ta để chữa lành và đưa về với Hội thánh. Đó là điều làm chúng ta an tâm và ngoan ngoãn cho Chúa đưa về.
Thật cảm động trước thái độ ân cần của người chủ chiên đối với con chiên đi lạc: chỉ vì một con chiên nhỏ trong bầy 100 con mà đành bỏ mọi việc để chỉ làm một việc là đi tìm nó, tìm thấy rồi thì vác nó lên vai mời bạn bè và hàng xóm đến chung vui. Thái độ của người đàn bà mất tiền cũng thế: chỉ một đồng quan mà tìm rất cực khổ và kỹ lưỡng: thắp đèn, quét nhà, moi móc, và cũng mời bạn bè hàng xóm chung vui khi tìm thấy. Nhưng cảm động hơn nữa là cảnh thiên đàng: “Giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối”. Chúng ta hãy im lặng. Không cần suy nghĩ, chỉ chiêm ngưỡng, cảm xúc và cảm tạ tình thương vô biên của Chúa đối với tội nhân (Lm. Carôlô).
Giá trị của những vật bị mất: một con chiên không có giá trị là bao so với đàn chiên; một đồng bạc cũng thế so với số còn lại; nhưng đối với người chăn chiên và người phụ nữ trong dụ ngôn, con chiên và đồng bạc có giá trị đặc biệt. Mỗi người chúng ta cũng thế, dù là những kẻ vô danh, một con số trong bảng thống kê nhưng lại có giá trị đặc biệt trước mặt Thiên Chúa.
Công khó đi tìm: không quản khó nhọc, không sợ nguy hiểm, người chăn chiên đã lặn lội đi tìm con chiên lạc; người phụ nữ cũng thế, đã thắp đèn quét dọn cho đến khi tìm được đồng bạc đã mất. Thiên Chúa cũng đối xử với các tội nhân như thế.
Niềm vui tìm được những vật đã mất: trên trời sẽ vui mừng và các thiên thần Chúa sẽ nhảy mừng, tượng trưng cho chính Thiên Chúa: Thiên Chúa vui mừng khi một tội nhân ăn năn hối cải.
Cách nói phóng đại trong dụ ngôn “con chiên lạc” và “đồng bạc bị mất” diễn tả niềm vui của Thiên Chúa lớn lao dường nào khi có một người tội lỗi ăn năn hối cải. Quả thật, Thiên Chúa đã phải buồn lòng bao nhiêu khi con cái mình lạc đường, thì Ngài sẽ vui mừng hơn gấp bội khi thấy dù chỉ là một người con trở về chính lộ. Lòng thương xót của Thiên Chúa dạt dào đến mức khiến Ngài cũng trở nên “yếu đuối, mềm lòng” luôn sẵn sàng tha thứ một khi tội nhân tỏ lòng sám hối ăn năn. Thiên Chúa muốn cho người tội lỗi hối cải đến mức như Ngài không còn e ngại gì nữa, mà còn chấp nhận để cho lòng tốt và tình yêu của mình bị lợi dụng (5 phút Lời Chúa).
Đức Giêsu ngày hôm qua, hôm nay và mãi mãi vẫn là một Đức Giêsu duy nhất không bao giờ thay đổi. Lòng nhân hậu vẫn khiến Ngài rảo bước đi tìm những con chiên lạc và khi gặp thấy thì mừng rỡ đặt nó lên vai mang về nhà và bảo người láng giềng: “Hãy vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên lạc”. Như thế, đối với Đức Giêsu, Đấng đầy lòng khoan dung nhân hậu, không ai dại gì mà để cho con người phải chịu đóng dấu vào những vòng tội lỗi mà xếp loại vào những người bị kết án suốt đời (Mỗi ngày một tin vui).
Truyện: Thiền sư Sengai
Có rất nhiều đệ tử đang tu luyện thiền học dưới sự hướng dẫn của thiền sư Sengai. Trong số đó có một đệ tử thường hay thức dậy ban đêm, lẻn trốn một mình trèo tường ra phố rong chơi dạo mát cho thoả thích. Và một đêm kia, thiền sư Sengai đi kiểm tra phòng ngủ các đệ tử, thấy vắng mặt một người và cũng khám phá ra chiếc ghế đẩu mà anh ta thường dùng để leo qua tường ra ngoài. Sau khi suy nghĩ, thiền sư Sengai liền rời cái ghế đi chỗ khác và đứng thay vào chỗ đó.
Một lát sau, anh chàng ham rong chơi trở về không biết rằng thầy mình là chiếc ghế, cứ thản nhiên đặt chân vào đầu thầy mình để nhảy xuống đất. Đúng lúc đó mới khám phá ra sự thể động trời của mình, anh ta hoảng hốt sợ đến ngất xỉu. Nhưng thiền sư Sengai nhỏ nhẹ bảo anh: “Sáng sớm trời lạnh lắm, con phải cẩn thận kẻo bị cảm đấy”. Và từ đó, người đệ tử hoang đàng ấy không bao giờ dám ra ngoài chơi ban đêm nữa.
Suy niệm 10: Thiên Chúa giàu lòng thương xót
(Lm Carôlô Hồ Bạc Xái)
A. Hạt giống...
Khung cảnh: thầy Chúa Giêsu gần gũi với những người tội lỗi đến gần, nhóm pharisêu và kinh sư trách Ngài. Chúa Giêsu đã dùng những dụ ngôn để trả lời cho họ. Tất cả những dụ ngôn này đều đề cao hình ảnh một Thiên Chúa giàu lòng thương xót. Ngài xót xa khi một người lầm đường rơi vào tội lỗi. Do đó Ngài tha thiết tìm cứu người tội lỗi. Khi cứu được một người tội lỗi, Ngài rất vui mừng.
B.... nẩy mầm.
1. Thật cảm động thái độ ân cần của người chăn chiên đối với con chiên đi lạc: chỉ vì một con chiên nhỏ trong bầy 100 con mà đành bỏ mọi việc để chỉ làm một việc là đi tìm nó, tìm thấy rồi thì vác nó trên vai, mời bạn bè và hàng xóm đến chung vui. Thái độ của người đàn bà mất tiền cũng thế: chỉ một đồng quan mà tìm rất cực khổ và kỹ lưỡng: thắp đèn, quét nhà, moi móc, và cũng mời bạn bè hàng xóm chung vui khi tìm thấy. Nhưng cảm động hơn nữa là cảnh trên thiên đàng: “Giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối”. Chúng ta hãy im lặng. Không cần suy nghĩ, chỉ chiêm ngưỡng, cảm xúc và cảm tạ tình thương vô biên của Chúa đối với tội nhân.
2. “... hơn là vì 99 người công chính không cần phải sám hối ăn năn”: Những kẻ thấy mình “không cần phải sám hối ăn năn” là những người nghĩ rằng mình “công chính”, nhưng thực ra họ không phải là người “công chính” thật. 99 người như thế không đáng là gì cả so với chỉ một người biết mình tội lỗi nên ăn năn sám hối.
3. “Một trong những hiện tượng tiêu cực rất phổ biến, đó là: ... ở đâu và thời nào tâm lý con người cũng giống nhau: ai cũng tự đặt mình vào tư thế quan tòa để xét xử, kết án người khác. Chúa Giêsu cảm thông tha thứ mọi yếu hèn của con người. Ngài đồng bàn với người tội lỗi, thể hiện tình bạn với họ. Nhưng chỉ có một thái độ Ngài không thể dung tha, đó là thái độ của những người tự cho mình thánh thiện tẩy chay và kết án người khác. Chúa Giêsu không chấp nhận thái độ như thế, vì đó là tước quyền Thiên Chúa: chỉ một mình Ngài mới có quyền xét xử” (Trích "Mỗi ngày một tin vui").
4. “Xin chung vui với tôi vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất”. (Lc 15, 6)
Vui với tôi bạn nhé, tôi lại tìm thấy được tình yêu. Đôi mắt tôi không còn nhìn anh em với những thành kiến hẹp hòi. Lời nói tôi thôi làm bạn đau đớn. Tai tôi biết lắng nghe bạn trân trọng, cảm thông. Bàn tay tôi trong tay bạn, ấm nóng yêu thương nhiệt thành. Và tôi đến với bạn với cả tấm lòng của kẻ nhận ra mình được Thiên Chúa yêu thương. Người đặt tình yêu của mình trong hình ảnh bạn và trong mắt tôi.
Tạ ơn Chúa đã cho con hạnh phúc của người tìm lại được tình yêu bị lãng quên. Xin Cha cho con luôn biết gìn giữ, trân trọng tình yêu của người. (Hosanna).
Suy niệm 11: Thiên Chúa không ngừng theo đuổi và tha thứ cho con người
(Lm Giuse Đinh Tất Quý)
1. Thật là cảm động trước thái độ ân cần của người chăn chiên đối với con chiên đi lạc: chỉ vì một con chiên nhỏ trong bầy 100 con, mà đành bỏ mọi việc để chỉ làm một việc là đi tìm nó, tìm thấy rồi thì vác nó trên vai, mời bạn bè và hàng xóm đến chung vui.
Thái độ của người đàn bà mất tiền cũng thế: chỉ một đồng quan mà tìm rất cực khổ và kỹ lưỡng: thắp đèn, quét nhà, moi móc, và cũng mời bạn bè hàng xóm chung vui khi tìm thấy.
Một con chiên không có giá trị là bao so với cả đàn chiên. Một đồng bạc cũng thế so với số còn lại, thế nhưng, đối với người chăn chiên và người phụ nữ trong dụ ngôn, con chiên và đồng bạc có giá trị đặc biệt. Chính vì giá trị đặc biệt đó mà người chăn chiên không quản khó nhọc, không sợ nguy hiểm, đã lặn lội đi tìm con chiên lạc và người phụ nữ cũng thế, bà đã thắp đèn quét dọn cho đến khi tìm được đồng bạc đã mất.
Thiên Chúa cũng đối xử với các tội nhân như thế.
Một cha sở kia nằm mơ thấy Chúa Giêsu đến thăm giáo dân đang tụ họp nhau trong nhà thờ, rồi khi Chúa Giêsu từ giã họ ra đi, vẻ mặt Chúa thật hớn hở sung sướng. Tò mò, cha chạy theo hỏi Chúa:
- Lạy Chúa, tại sao Chúa ra đi sung sướng như vậy.
Chúa đáp:
- Vì có nhiều người nói những lời hết sức đẹp ý Ta.
- Thưa Chúa, những lời nào vậy? Những lời chúc tụng ngợi khen Chúa ư?
Chúa lắc đầu. Cha sở vội nói tiếp:
- À con biết rồi, họ nói những lời cảm tạ tri ân Chúa phải không?
- Cũng không đúng nữa.
Không chịu thua, cha sở hỏi tiếp:
- Hay là những lời cầu xin Chúa ban ơn này ơn nọ cho họ.
Chúa Giêsu lắc đầu:
- Con đoán sai cả rồi. Ta nghĩ là con dư sức biết họ nói gì với Ta chớ.
Bấy giờ cha sở với dịu giọng:
- Thưa Chúa, con đành chịu thua thôi. Xin Chúa vui lòng cho con biết, giáo dân của con đã nói gì với Chúa mà làm cho Chúa vui lòng sung sướng như vậy.
Chúa Giêsu nhìn cha sở mỉm cười và nói:
- Họ đã nói với Ta: "Lạy Chúa, xin thương tha thứ tội lỗi chúng con."
Vâng! Nếu người chăn chiên vui vì đã tìm được con chiên lạc. Người đàn bà vui vì đã tìm thấy đồng bạc bị mất thì cũng thế, cả Thiên Đàng cũng sẽ vui vì một người tội lỗi ăn năn trở lại: "Giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối" (Lc 15,10). Chúng ta hãy im lặng. Không cần suy nghĩ thêm nữa, im lặng để chiêm ngưỡng, biết ơn và cảm tạ tình thương vô biên của Chúa đối với tội nhân.
2. Hãy chiêm ngưỡng tình thương của Chúa và điều này mới thật là điều quan trọng đối với chúng ta. Chúng ta không bao giờ được thất vọng trước những yếu đuối và lầm lỗi của mình.
Trong quyển tiểu thuyết có tựa đề: "Mạo hiểm", tác giả người Mỹ là Relly đã kể lại cuộc đời đầy sóng gió của một Linh Mục Công giáo
Sau 12 năm thi hành chức vụ, linh mục đã xin hồi tục để cưới một người đàn bà mà ông tưởng mình đã yêu thương thực sự và sẽ là người mang lại hạnh phúc cho ông. Về phần mình, người đàn bà cũng đã từng sống lâu năm trong đời tu trì.
Nhưng rồi hạnh phúc đâu chẳng thấy mà chỉ thấy toàn là bất hạnh. Cuộc sống mỗi người một tính khí, mỗi người một quan điểm, mỗi người một thói quen, miết rồi đâm ra xung khắc nhau đến độ không thể dung hoà. Cuối cùng sau khi đã có với nhau được được hai mặt con, họ đã ly dị nhau.
Sau một thời gian lăn lộn giữa đời, với biết bao thăng trầm trong việc làm ăn cũng như trong sinh hoạt tình cảm, vị linh mục hồi tục đã xin trở lại với chức vụ.
Tác giả kết thúc câu chuyện một cách hết sức cảm động:
Vị linh mục vừa trở lại chức vụ của mình thì liền có dịp cử hành bí tích xức dầu cho một người đàn bà trên 80 tuổi đang hấp hối. Trên giường bệnh, người đàn bà đã khước từ mọi lời cầu nguyện vì nghĩ rằng, Chúa sẽ trừng phạt và không bao giờ tha lỗi cho biết bao tội lỗi của bà.
Vị Linh mục đã dùng tất cả sự chân thành và nhiệt tâm của mình để an ủi bà và đã thuyết phục được bà tin vào lòng nhân từ và tha thứ vô biên của Thiên Chúa. Người đàn bà đã thực sự an giấc trong tình yêu của Thiên Chúa.
Kết thúc câu chuyện với hình ảnh ấy, có lẽ tác giả muốn nhắn gửi độc giả thông điệp của tình yêu Thiên Chúa: Dù con người có yếu hèn bội bạc đến đâu, Thiên Chúa vẫn không ngừng theo đuổi và tha thứ cho con người.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết khiêm tốn nhìn nhận thân phận yếu hèn của mình mà chạy đến với ân sủng và sự tha thứ của Chúa.
Lạy Chúa, xin thương tha thứ tội lỗi của chúng con. Amen.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn