Thứ Sáu tuần 20 thường niên

Thứ năm - 24/08/2023 04:03
Lời Chúa: Mt 22, 34-40

Khi ấy, những người biệt phái nghe tiếng Chúa Giêsu đã làm cho những người Sađốc câm miệng, thì họp nhau lại. Đoạn một người thông luật trong nhóm họ hỏi thử Người rằng: "Thưa Thầy, trong lề luật, giới răn nào trọng nhất?"
Chúa Giêsu phán cùng người ấy rằng: "Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là giới răn thứ nhất và trọng nhất.
Nhưng giới răn thứ hai cũng giống giới răn ấy, là: Ngươi hãy yêu thương kẻ khác như chính mình ngươi. Toàn thể lề luật và sách các tiên tri đều tóm lại trong hai giới răn đó".

cn xx tn t6scaled

Suy Niệm 1: Điều răn trọng nhất
(Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)


Theo truyền thống hội đường Do-thái, Luật gồm 613 điều răn.
365 điều cấm làm và 248 điều phải làm.
Giữa một rừng điều răn như thế, người thông luật đã hỏi Đức Giêsu:
“Điều răn nào trọng nhất trong Luật Môsê?” (c. 36).
Đức Giêsu đã trả lời bằng một câu trong kinh Shema,
kinh mà người Do-thái phải đọc mỗi ngày.
“Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi,
với tất cả trái tim ngươi, tất cả linh hồn ngươi, tất cả trí khôn ngươi” (Tl 6, 5).
Và Ngài còn thêm một điều răn thứ hai nữa (c. 39).
“Ngươi phải yêu mến người thân cận như chính mình” (Lv 19, 18).
Tất cả Luật Môsê nằm trong hai điều răn đó.
Hai điều răn được gói trong một động từ yêu.
Mọi điều cấm làm và mọi điều buộc làm, đều bắt nguồn từ và qui về tình yêu.
Các bạn trẻ thường nghĩ yêu là chuyện dễ.
Nhưng yêu với tất cả trái tim, tất cả linh hồn, tất cả trí khôn, tất cả sức lực,
nghĩa là yêu với trọn cả con người mình, thì điều đó không dễ.
Đối với người Do-thái, trái tim là nơi phát sinh toàn bộ đời sống tinh thần.
Yêu mến Thiên Chúa bằng tất cả trái tim của mình
là để cho Ngài chi phối mọi tư tưởng, mọi ý muốn, mọi tình cảm.
Tất cả đều nhằm làm cho Ngài được mọi người nhận biết và tôn vinh.
Yêu người thân cận như chính mình cũng là điều rất khó.
Có bao người làm chúng ta đau khổ và bị xúc phạm.
Yêu thương và tôn trọng họ đòi một sự từ bỏ mình không nhỏ.
Nhưng chúng ta cũng dễ coi mình là trung tâm và qui tất cả về mình.
Chúng ta lạnh lùng trước nỗi đau, thiếu sẻ chia và độc đoán,
đôi khi dùng tha nhân như phương tiện lót đường để ta tiến thân.
Nói chung, dù yêu Chúa hay yêu người, chúng ta cũng phải ra khỏi mình,
trao đi chính mình và chấp nhận mọi hy sinh mà tình yêu đòi hỏi.
Đức Giêsu đã tóm Luật Môsê trong động từ yêu mến.
Và Ngài đã hoàn thiện Luật này bằng cách đẩy yêu mến đến cùng.
Kitô hữu chẳng những yêu mến Thiên Chúa với trọn con người mình,
mà còn được mời yêu mến Đức Giêsu trên mọi thụ tạo khác,
trên mọi của cải, trên những người ruột thịt, và trên cả mạng sống.
Kitô hữu là người mang mối tình sâu đậm với Đức Giêsu,
“Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2, 20),
đến nỗi họ có thể tuyên xưng như Phêrô: “Thầy biết con mến Thầy.”
Đức Giêsu cũng không chỉ đòi yêu tha nhân như chính mình.
Ngài còn đòi ta phải yêu như Ngài đã yêu (Ga 13, 34-35).
Một tình yêu tha thứ đến vô cùng, một tình yêu đối với cả kẻ thù,
một tình yêu phục vụ như người tôi tớ, một tình yêu dám hiến mạng.
Kitô hữu tự bản chất là người biết yêu và cuộc đời chỉ là tình yêu.
Tình yêu đích thực với Thiên Chúa thì đưa tôi về với anh em.
Tình yêu đối với anh em lại đòi tôi phải trở về với Thiên Chúa.
Chỉ mong đời tôi đong đưa giữa hai tình yêu đó, để chúng nên một tình yêu.
 
Cầu nguyện
Con đã yêu Chúa quá muộn màng!
Ôi lạy Chúa là vẻ đẹp vừa cổ kính,
vừa luôn mới mẻ,
con đã yêu Chúa quá muộn màng!
Bấy giờ Chúa ở trong con
mà con thì ở ngoài,
con cứ chạy đi tìm Chúa ở ngoài.
Con thật hư hỏng,
khi chạy theo các thụ tạo xinh đẹp.
Bởi thế, bấy giờ Chúa ở với con
mà con lại không ở với Chúa.
Các thụ tạo xinh đẹp kia cứ giữ con ở xa Chúa,
trong khi chúng hiện hữu được là nhờ Chúa.
Chúa đã gọi con, đã gọi to
và phá tan sự điếc lác của con.
Chúa đã soi sáng
và xua đi sự mù lòa của con.
Chúa đã tỏa hương thơm ngát
để con được thưởng thức,
và giờ đây hối hả quay về với Chúa.
Con đã nếm thử Chúa
và giờ đây con đói khát Người.
Chúa đã chạm đến con,
nên giờ đây con nóng lòng
chạy đi tìm an bình nơi Chúa. (Thánh Âu Tinh)
 
Suy Niệm 2: Tình yêu là lẽ sống
(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)


Người Do thái tôn sùng lề luật. Họ say mê lề luật. Họ tuyệt đối tin lề luật. Nên họ câu nệ lề luật. Vì thế họ bị lạc trong rừng lề luật. Không còn biết lối ra. Không biết đâu là luật chính đâu là luật phụ. Họ đi vào ngõ cụt. Đạo Do thái đi vào cái chết. Hôm nay Chúa Giê-su chỉ cho họ điều luật quan trọng nhất. Điều luật chính yếu. Tóm tắt tất cả lề luật. Đó là Mến Chúa Yêu Người. Chúa mở ra một con đường. Con đường tình yêu. Chúa mở ra sự sống. Tình yêu là lẽ sống. Thiên Chúa là tình yêu. Ai ở trong tình yêu là ở trong Thiên Chúa. Thiên Chúa là sự sống. Ai ở trong Thiên Chúa là ở trong sự sống.
Bà Rút tuy là dân ngoại nhưng đã sống trong Chúa. Vì bà sống trong tình yêu. Chồng đã chết bà chẳng còn gì ràng buộc với gia đình nhà chồng. Bà đi theo mẹ chồng chỉ vì tình yêu. Thương bà mẹ già không ai đỡ đần. Nên tình nguyện đi theo mẹ và hợp nhất với mẹ: “Mẹ đi đâu, con đi đó. Mẹ ở đâu, con ở đó. Dân của mẹ là dân của con. Thiên Chúa của mẹ là Thiên Chúa của con”. Đúng là yêu nhau yêu cả đường đi. Vì thế bà xứng đáng được trở thành tổ phụ sinh ra vua Đa-vít. Là dòng dõi sinh ra Chúa Cứu Thế (năm lẻ).
Đó là đời sống theo Thần Khí chứ không theo xác thịt. Thần Khí ban sự sống. Đó là điều Ê-dê-ki-en được thấy trong thị kiến những bộ xương khô. Những người phản bội Thiên Chúa, sống theo xác thịt đã chết thành những bộ xương khô. Nhưng khi có Thần Khí lập tức những bộ xương khô mặc lấy da thịt. Xác chết sống lại. Thiên Chúa yêu thương phục hồi con người. Những ai yêu mến trong Thiên Chúa không còn là xác thịt. Nhưng là Thần Khí. Họ sẽ có sự sống (năm chẵn).
Lời Chúa hôm nay chất vấn chúng ta. Chúng ta giữ quá nhiều lề luật. Nhưng lại quên điều luật quan trọng nhất. Chúng ta sống theo lý trí quá nhiều. Nên quên mất tình yêu. Chúng ta lo làm những việc lớn lao. Nhưng không nhìn đến những người bé nhỏ nhất ngay bên cạnh chúng ta. Bà Rút không làm gì lớn lao. Bà đi mót lúa. Chỉ để nâng đỡ bà mẹ già. Chẳng phải một mệnh phụ phu nhân. Nhưng là một bà goá nghèo hèn. Đó là tình yêu.
Không có tình yêu ta chỉ là những bộ xương khô chết choc. Có tình yêu ta sẽ có da có thịt. Có sự sống. Sống cho bản thân. Sống cho những người chung quanh. Sống cho thế giới.

SUY NIỆM 3: YÊU TRỌN VẸN − Giuse Nguyễn Trọng Sơn

Chuyện kể về hai nàng dâu của bà Naômi thật là đẹp. Nhất là với nàng dâu tên Rút. Không còn lý do ở lại nơi đất khách quê người nữa, trước khi hồi hương, bà Naômi bảo hai nàng dâu goá chồng hãy trở về quê hương, lo cho cuộc sống của mình. Cô Rút trả lời: “Xin mẹ đừng ép con bỏ mẹ mà trở về, không theo mẹ nữa, vì mẹ đi đâu, con đi đó, mẹ ở đâu, con ở đó, dân của mẹ là dân của con, Thiên Chúa của mẹ là Thiên Chúa của con.” (R 1,16)! Điều tuyệt vời đó là lòng yêu mến trọn vẹn, vì cô Rút không còn nghĩ đến mình, đến hạnh phúc của mình nữa! Hay nói đúng hơn, cô tìm thấy hạnh phúc của mình khi dành một tình yêu trọn vẹn cho mẹ chồng! Chính nơi dòng dõi của cô Rút mà Đức Giêsu Kitô đã ra đời.
Đòi hỏi về một tình yêu trọn vẹn cũng là giáo huấn của Chúa Giêsu Kitô. Nhà thông luật thử thách Đức Giêsu khi hỏi đâu là giới răn trọng nhất? Với chuyên môn của mình, ông thử thách Đức Giêsu về sự hiểu biết, về trí thông minh, về phán đoán. Ông hỏi về điều nào, khoản luật nào, còn Đức Giêsu thì đưa ông vào tâm hồn. Từ giới răn, Đức Giêsu đưa vào lòng yêu mến. Và lòng yêu mến Thiên Chúa mà Đức Giêsu đòi hỏi phải là “hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn” (Mt 22,37), chứ không dừng lại ở trí tuệ hay hời hợt với những nghi thức, những đòi buộc luật lệ bên ngoài nữa! Yêu mến Thiên Chúa trọn vẹn như vậy thì phải mở lòng ra với Thiên Chúa, với Đấng Kitô mà Thiên Chúa sai đến, chứ không dừng lại ở lối sống đạo đức bề ngoài, với sự tự phụ về thành tích đạo đức của mình nữa, bởi vì cách thức ấy chỉ là tìm kiếm chính mình thôi!
Sự trọn vẹn trong lòng yêu mến Thiên Chúa lại đưa đến lòng yêu mến người khác. Chúa Giêsu nói: “Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy” (Mt 22,39). Khi Chúa Giêsu nói “giống” (homoia/ ὁμοία, like, similar to, resembling, of equal rank) có nghĩa là đã đẩy lòng yêu mến tha nhân lên mức độ thật cao, tương tự như lòng yêu mến Thiên Chúa. Dĩ nhiên, Thiên Chúa luôn ở vị trí tối cao, nhưng lòng yêu mến Thiên Chúa trọn vẹn thì không thể không có lòng yêu mến tha nhân, bởi vì những gì làm cho người khác cũng là làm cho chính Chúa vậy (x. Mt 25,45). Yêu “đại khái”, yêu “cầm chừng” vì nghĩ đến mình nhiều hơn đến Thiên Chúa và tha nhân, là chẳng hiểu gì cả về tình yêu!
Tình yêu trọn vẹn thì tổng hợp được cả tình yêu dành cho Thiên Chúa, cho tha nhân và cho chính mình. “Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Mt 22,39). Ba hướng nhắm của tình yêu ấy làm nên một tình yêu duy nhất. Đó là tình yêu trọn vẹn.

SUY NIỆM 4: ĐIỀU RĂN TRỌNG NHẤT - ĐGM. PHAOLÔ NGUYỄN THANH HOAN

Người Do Thái, nhất là nhóm Biệt phái, họ muốn trung thành với lề luật Môi-sen, nhưng từ mười điều răn người ta biến thành 613 luật lệ và truyền thống, gồm những điều cấm làm và những điều phải làm. Mấy ai biết hết, gữi hết trừ mấy ông Luật sĩ, biệt  phái thường nói mà không gữi luật. Chung chung, người ta muốn phân ra những điều quan trọng cần phải thi hành và những điều không quan trọng, bỏ qua hay sơ sót không đếm nổi. Người ta cũng tranh cãi qua nhiều thế hệ : đâu là điều răn trọng nhất. Thường người ta coi ba điều răn đầu trong mười điều răn là quan trọng nhất. Vì thế mà người ta hay bắt bẻ Chúa vì đã chữa bệnh  trong Ngày Sa-bát, ngày nghỉ việc.
Họ hỏi thử Ngài : “Thưa Thầy, trong sách luật Môi-sê, điều răn nào là điều răn trọng nhất ?”
Câu trả lời của Chúa làm cho họ hết sức bất ngờ, chưa ai nghĩ tới: “Ngươi phải yêu mến...”. Hai chữ “ yêu mến” đối với Ngài là một thứ lửa luôn luôn phừng phực trong tim ngài, là một sức mạnh được bung ra trong lời nói, trong thái độ, trong cử chỉ, trong mọi hành động của Ngài. Ngài muốn lửa đó bùng lên, tỏa sáng, hoán cải bất cứ ai là con người, để được làm con yêu dấu của Thiên Chúa Tình Yêu.
“Ngươi hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng hết linh hồn và hết trí khôn ngươi...còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy là : ngươi hãy yêu mến người thân cận như chính mình.Tất cả luật Môi-sê và các sách ngôn sứ đều tùy thuộc vào  hai điều răn ấy”.
Hai điều răn ràng buộc với nhau bởi chữ yêu, vì Thiên Chúa là Tình Yêu, lễ vật đẹp lòng Ngài nhất là tình yêu. Con người mang hình ảnh Ngài, khi yêu con người cũng là yêu Ngài. Cho nên, người ta không thể yêu mến Chúa mà lại không yêu mến tha nhân.
Mặt khác, khi Ngài sai một sứ giả loan Tin mừng, Ngài cũng chỉ muốn sứ giả đó làm sao cho lương dân biết được Ngài yêu họ, họ có một chỗ đứng trong con tim vô biên tình yêu của Ngài.
Mục đích Tu Đoàn Bác Ái phát xuất từ tình yêu đó. Và mỗi người phải học để với tình yêu tự hiến mà Đức Ki-tô đã giới thiệu : “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”.
Tình yêu được nói nhiều, ca hát nhiều, nhưng giá trị thực sự của chọn lựa này là thực sự sống tình yêu.

Cầu nguyện: 
Lạy Chúa Giê-su !
Chúa đã đến trần gian để giúp con người phục hồi lại tình yêu. Vì giá trị vô song của tình yêu mà Chúa đã hy sinh trên thập giá, một dấu ấn, không bao giờ phai nhòa được. Xin Chúa cho chúng con khắc dạ ghi tâm rằng : Tình yêu là giá trị độc nhất vô song , tình yêu là chính Chúa, tình yêu là hoạt động không ngừng của Chúa. Tình yêu là phần thưởng đời đời cho con người tron Nước Chúa.
Lạy Chúa, chúng con xin tạ ơn Chúa đang dìu dắt chúng con trên đường lữ thứ trần gian này, dưới ánh sáng của tình yêu Chúa. Xin giúp chúng con biết phấn đấu từng ngày để biết yêu Chúa, yêu anh chị em trong cộng đoàn, yêu thương người đau khổ bất hạnh, yêu thương anh em lương dân như những con chiên lạc đàn cần được đưa về nhà Cha. Amen

Tác giả: Truc Ho Si

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây