Thứ Sáu tuần 8 thường niên.
"Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của mọi dân tộc. Các ngươi hãy tin vào Thiên Chúa".
Lời Chúa: Mc 11, 11-26
(Khi nghe dân chúng hoan hô), Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem, lên đền thờ và sau khi đã đưa mắt quan sát mọi sự, và lúc trời đã xế chiều, Người ra về Bêtania cùng với nhóm mười hai. Hôm sau, khi thầy trò rời bỏ Bêtania, Người thấy đói. Và khi thấy ở đàng xa có một cây vả nhiều lá, Người đến xem coi có trái nào không. Nhưng khi lại gần, Người chỉ thấy có lá thôi, vì không phải là mùa có trái. Người phán bảo cây vả rằng: "Cho đến muôn đời sẽ không còn ai ăn trái của mi nữa". Và các môn đệ đã nghe Người nói.
Các ngài đến Giêrusalem. Và khi vào đền thờ, Chúa liền đuổi những người mua bán ở đó. Người xô đổ bàn của những người đổi tiền và ghế của những người bán chim câu. Người không để cho ai mang đồ vật đi ngang qua đền thờ. Người dạy bảo họ: "Nào chẳng có lời chép rằng: "Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của mọi dân tộc ư? Thế mà các ngươi đã biến thành hang trộm cướp". Ðiều đó đến tai các trưởng tế và luật sĩ, họ liền tìm cách giết Người, vì họ sợ Người, bởi tất cả dân chúng say mê giáo lý của Người. Chiều đến, Người ra khỏi thành.
Sáng hôm sau, khi đi ngang qua, các ngài trông thấy cây vả đã chết khô tận rễ. Phêrô nhớ lại và thưa Chúa rằng: "Lạy Thầy, hãy coi, cây vả Thầy nguyền rủa đã chết khô rồi". Chúa Giêsu đáp: "Hãy tin vào Thiên Chúa. Thầy bảo thật các con, nếu ai bảo núi kia: "Hãy dời đi và gieo mình xuống biển", mà trong lòng không hồ nghi, nhưng tin rằng điều mình nói sẽ xảy ra, thì người ấy sẽ được như ý. Vì vậy Thầy bảo các con: Tất cả những gì các con cầu xin, hãy tin rằng các con sẽ được, thì các con sẽ được điều đó. Và khi các con đang đứng cầu nguyện, nếu các con có điều gì bất thuận với ai, hãy tha thứ để Cha các con trên trời cũng tha cho các con. Nếu các con không tha thứ, thì Cha các con trên trời cũng không tha tội cho các con".
Suy Niệm 1: Nhà cầu nguyện của mọi dân tộc
Suy niệm :
Khi thánh sử Máccô viết đoạn Tin Mừng này,
thì có thể Đền thờ ở Giêrusalem đã bị phá hủy bởi quân Rôma.
Ngôi đền thờ nguy nga này được vua Hêrôđê Cả trùng tu và nới rộng,
mất 84 năm mới hoàn thành, để rồi chỉ tồn tại được vỏn vẹn 6 năm.
Đức Giêsu đã lên Đền thờ này nhiều lần, vào các dịp lễ lớn.
Đây là lần cuối Ngài lên đây giữa tiếng tung hô của đám đông.
Khi chiều tà, Ngài và các môn đệ qua đêm ở làng Bêtania gần đó.
Hôm sau, trên đường từ Bêtania trở lại Đền thờ, Ngài thấy đói.
Trông thấy từ xa một cây vả xanh tốt, Ngài lại gần để tìm trái ăn.
Nhưng tiếc thay cây này chỉ có lá thôi, vì chưa đến mùa vả.
Vậy mà Đức Giêsu lại có vẻ nổi giận,
và nói: “Muôn đời sẽ chẳng còn ai ăn trái của mày nữa!”
Buổi sáng hôm sau, Thầy trò lại lên Đền thờ, đi ngang qua cây vả.
Mọi người thấy nó chết rồi, “chết khô tận rễ” (c. 20).
Phêrô cho rằng cây vả chết vì bị Thầy rủa (c. 21).
Chúng ta không hiểu tại sao Đức Giêsu lại rủa cây vả cho nó chết.
Nó có tội tình gì đâu, chỉ tại chưa đến mùa đó thôi!
Thánh sử Máccô đã đặt chuyện Đức Giêsu thanh tẩy Đền thờ
vào ngay giữa câu chuyện đầy kịch tính về cây vả.
Điều đó khiến chúng ta không hiểu chuyện cây vả theo nghĩa đen.
Đúng là cây vả chẳng mắc tội gì khi chưa đến mùa có trái.
Nhưng khi các nhà lãnh đạo Do Thái giáo cố ý từ khước Đức Giêsu,
thì họ mắc tội, như cây vả không trái.
Rốt cuộc cả họ và Đền thờ phải chịu số phận như cây vả héo khô.
Khi vào khu vực Đền thờ, Đức Giêsu giận dữ với chuyện buôn bán,
dù đây là chuyện buôn bán được phép,
ở một khu vực được phép, để phục vụ cho việc thờ tự.
Đức Giêsu đã làm một hành động rất khác thường,
đó là đuổi người buôn bán, lật bàn, xô ghế của họ (c. 15).
Thậm chí Ngài còn cấm người ta mang đồ đi qua Đền thờ (c. 16).
Chắc đã xảy ra một cuộc xô xát nhỏ, trong một thời gian ngắn.
Ngài hành động như người có quyền ở nơi thờ tự này.
Điều đó khiến các nhà lãnh đạo tôn giáo tìm cách giết Đức Giêsu.
Đối với Đức Giêsu, ngôi Đền thờ tráng lệ ở Giêrusalem
không còn là nhà cầu nguyện cho mọi dân tộc nữa (Is 56,7).
Vì giới lãnh đạo, nó đã không đạt mục tiêu Thiên Chúa muốn.
Như cây vả xanh lá, nhưng không trái, nó sẽ bị héo khô.
Ngày nay, dấu tích còn lại của ngôi Đền thờ xưa chỉ là một bức tường,
nơi người Do Thái đến than khóc.
Bài Tin Mừng hôm nay không gây sự thù ghét đối với người Do Thái.
Đúng hơn đây là một nhắc nhở nghiêm chỉnh của Đức Giêsu
đối với mọi đền thờ, nhà thờ của các Kitô hữu.
Phải làm sao để nơi thờ tự không trở thành nơi buôn bán kinh doanh.
Phải làm sao để nhà thờ thực sự là nơi cầu nguyện cho mọi người,
không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, quê mùa hay trí thức.
Phải làm sao để các ngôi thánh đường ngày nay của chúng ta
khỏi rơi vào số phận của Đền thờ Giêrusalem ngày xưa,
xanh lá nhưng không trái, nên bị chết khô.
Cầu nguyện :
Lạy Chúa Giêsu,
xin thương nhìn đến Hội Thánh
là đàn chiên của Chúa.
Xin ban cho Hội Thánh
sự hiệp nhất và yêu thương,
để làm chứng cho Chúa
giữa một thế giới đầy chia rẽ.
Xin cho Hội Thánh
không ngừng lớn lên như hạt lúa.
Xin đừng để khó khăn làm chúng con chùn bước,
đừng để dễ dãi làm chúng con ngủ quên.
Ước gì Hội Thánh trở nên men
được vùi sâu trong khối bột loài người
để bột được dậy lên và trở nên tấm bánh.
Ước gì Hội Thánh thành cây to bóng rợp
để chim trời muôn phương rủ nhau đến làm tổ.
Xin cho Hội Thánh
trở nên bàn tiệc của mọi dân nước,
nơi mọi người được hưởng niềm vui và tự do.
Cuối cùng xin cho chúng con
biết xây dựng một Hội Thánh tuyệt vời,
nhưng vẫn chấp nhận cỏ lùng trong Hội Thánh.
Ước gì khi thấy Hội Thánh ở trần gian,
nhân loại nhận ra Nước Trời ở gần bên. Amen.
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
Suy Niệm 2: PHỤC VỤ THIÊN CHÚA
(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)
Dân Do thái là dân riêng được Thiên Chúa tuyển chọn. Để phục vụ Thiên Chúa. Để làm chứng về Thiên Chúa. Khi Dân Chúa không phục vụ Thiên Chúa. Họ bị biến chất. Và sẽ bị thay đổi.
Cây vả là một minh hoạ. Trong Kinh Thánh, cây vả và cây nho thường được dùng để chỉ Dân Chúa. Cây vả này không phục vụ Thiên Chúa. Không có quả khi Chúa đến tìm. Nên nó bị thay thế. Nó phải chết.
Đền thờ là một minh hoạ càng rõ nét hơn. Đền Thờ để phục vụ Thiên Chúa. Nhưng đã biến thành nơi phục vụ lợi nhuận của con người. Đó là hang trộm cướp. Vì con người cướp quyền Thiên Chúa. Vì thế nó phải được thanh tẩy. Đền thờ cũ bị thay thế. Đền thờ mới sẽ là thân thể Chúa Giê-su. Thân thể con người. Của lễ không còn phải là chiên, bò, bồ câu. Nhưng là chính Chúa Giê-su.
Con người để phục vụ Thiên Chúa. Những ai không phục vụ Thiên Chúa sẽ mau chóng tàn lụi. Những con người đánh mất căn tính. Như cây vả và đền thờ. Sẽ mau chóng tàn lụi. “Có những người không còn ai nhớ nữa. Họ qua đi như chẳng bao giờ có”. Còn những người kiên trì phục vụ Thiên Chúa. Chuyên chăm giữ vững giao ước, thực thi Lề Luật. Thì dòng dõi tồn tại. Và vinh quang chói sáng: “Các vị sau đây là những người đạo hạnh, công đức của các ngài không chìm vào quên lãng. Dòng dõi các ngài sẽ muôn đời tồn tại. Vinh quang các ngài sẽ chẳng phai mờ” (năm lẻ).
Có biến chất là vì những ích kỷ quy về bản thân luôn là một cơn cám dỗ lớn. Vì thế thư Phê-rô khuyên nhủ ta kiên trì phục vụ Thiên Chúa. Bằng tuân giữ điều răn Chúa truyền: Hãy yêu thương. Phục vụ. Đừng phí phạm ơn Chúa. “Ai có nói thì nói lời Thiên Chúa. Ai phục vụ, thì phục vụ bằng sức mạnh Thiên Chúa ban. Như thế, trong mọi việc, chúng ta tôn vinh Thiên Chúa”. Để được như thế phải kiên trì vượt qua mọi cám dỗ thử thách. Như thế, “khi vinh quang Người tỏ hiện, anh em cũng được vui mừng hoan hỷ” (năm chẵn).
Suy Niệm 3: Ðền thờ tâm hồn
Thiên Chúa là tình yêu, nên nơi Ngài ở không thể có đố kỵ, hận thù, oán ghét. Thiên Chúa là sự thánh thiện, nên nơi Ngài ở không thể có những dâm bôn, chè chén, tục tằn. Thiên Chúa là sự thật, nên nơi Ngài ở không thể có gian manh, lọc lừa, tham lam và trộm cướp.
Chính vì không muốn để cho con người biến Ðền Thờ Thiên Chúa thành hang trộm cướp, mà theo thuật trình Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã tẩy uế Ðền Thờ. Ngài đuổi những kẻ buôn bán, lật bàn của những kẻ đổi bạc và xô ghế của những người bán bồ câu. Ngài bảo: "Nhà Ta được gọi là nhà cầu nguyện của các dân tộc, thế mà các ngươi đã biến thành hang trộm cướp".
Ngày nay, có những ngôi thánh đường vì hậu quả của chiến tranh, hay vì lý do này lý do khác, đã trở nên hoang tàn, không còn được dùng làm nơi thờ phượng nữa. Cũng có những ngôi thánh đường nguy nga, đồ sộ, nhưng chẳng ai đến dự lễ cầu kinh nữa, mà chỉ để cho du khách đến tham quan như một di tích lịch sử, một kiến trúc nghệ thuật. Bên cạnh đó, tại những miền quê hẻo lánh, có những tín hữu nghèo muốn dựng lên một nhà nguyện đơn sơ để làm nơi đọc kinh cầu nguyện chung với nhau mà không sao làm được. Tuy nhiên, có một điều mà không mấy người tín hữu nghĩ tới, đó là chính tâm hồn của mỗi người là Ðền Thờ của Chúa Ba Ngôi.
Thật thế, nhờ Bí tích Rửa tội, tâm hồn người tín hữu đã trở thành Ðền thờ nơi Thiên Chúa ngự trị. Nhưng thay vì ý thức sự hiện diện sống động của Thiên Chúa trong tâm hồn để sống thân tình với Ngài, chúng ta lại đưa vào đó biết bao chuyện gian tham, lọc lừa, trộm cắp, mưu mô, hận thù, ghen ghét. Chúa Giêsu có lý để khiển trách chúng ta, như Ngài đã phẫn nộ với những kẻ buôn bán trong Ðền Thờ ngày xưa: "Nhà Ta là nhà cầu nguyện, thế mà các ngươi đã biến thành hang trộm cắp".
Xin Chúa thanh tẩy tâm hồn chúng ta khỏi mọi vết nhơ tội lỗi, gian tham, lọc lừa, kiêu căng và ích kỷ, để tâm hồn chúng ta mãi mãi là Ðền Thờ của Thiên Chúa, và nhờ thế, Thiên Chúa sẽ mãi mãi ở với chúng ta từ nay và cho đến muôn đời.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Suy Niệm 4: Ít lá, nhiều trái
Hôm sau Thầy trò rời khỏi Bê-ta-ni-a, thì Đức Giêsu thấy đói. Trông thấy ở đàng xa có một cây vả tốt lá, Người đến xem có tìm được trái nào không. Nhưng khi lại gần Người không tìm được gì cả, chỉ thấy lá thôi, vì không phải là mùa vả. Người lên tiếng bảo cây vả: “Đời đời không còn ai ăn trái của mày nữa!” Các môn đệ đã nghe Người nói thế.
Thầy trò đến Giê-ru-sa-lem. Đức Giêsu vào đền thờ, Người bắt đầu đuổi kẻ đang mua bán trong đền thờ, lật bàn của những người đổi bạc và xô ghế của của những kẻ bán bồ câu. (Mc. 11, 12-15)
Bài Phúc âm hôm nay cho chúng ta có cái mà người ta gọi là một dụ ngôn thực sự, một kịch câm mang tính tiên tri. Các ngôn sứ kỳ cựu thời xưa vẫn thường hay làm những cử chỉ kịch cỡm, có vẻ chướng tai gai mắt cốt thu hút chú ý, và khiến người ta phải suy nghĩ nhiều hơn cả ngàn bài giảng thuyết. Chúa Giêsu họa hoằn lắm mới dùng lối này. Thế mà ở đây Người lại tỏ ra chơi trội. Người nguyền rủa một cây vả không có trái! (Lúc đó có phải là mùa vả không? Tác giả không nói đến điều đó. Dầu sao cử chỉ ấy là phi lý và khác thường. Người ta vẫn dựa vào câu chuyện tẩy uế đền thờ, tiếp theo ngay sau lời nguyền rủa kỳ lạ này để soi sáng và cho cử chỉ kia một ý nghĩa. Như ta biết, nơi Chúa Giêsu, những cơn nổi giận bừng bừng như thế thường ít xảy ra trong cuộc đời của Người, thế mà trong chương mười một này của thánh Maccô, chúng ta lại có đến những hai lần liên tiếp, hẳn không phải là không có lý do.
Phải tôn trọng Đền thờ Chúa và đừng làm hư những kế hoạch của Cha
Xét cho cùng cả hai hành động của Chúa, xua đuổi con buôn khỏi đền thờ cũng như phẫn nộ với cây vả không trái đều có vẻ phi lý phần nào. Bởi lẽ thời ấy người ta công nhận thói quen buôn bán ở trong đền thờ. Những người đổi tiền ở đó một cách nào đó là cần thiết, bởi vì đồng tiền chính thức mang hình và ký hiệu hoàng đế Rôma không được dùng trong phượng tự, và buộc phải đổi sang một đồng tiền không dơ. Còn bọn bán chiên bò, chim bồ câu ở đó để bán những lễ vật cần cho những khách hành hương đến dâng hi lễ.Thái độ giận dữ của Chúa có một tầm mức lớn hơn người ta tưởng, lón hơn nỗi bực tức do cây vả không trái, cũng như do con buôn đền thờ gây nên. Thực ra việc dùng vũ lực và giận dữ của Chúa ở ơây là một hành động tiên tri. Chúa muốn tỏ cho biết hy lễ trong đền thờ của giao ưỡc cũ đã hết thời, phải nhường chỗ cho một đền thờ khác, nơi sẽ lập giao ước mới. Chính ở nơi bản thân Người mà từ nay Thiên Chúa tỏ ra sự hiện diện ở giữa loài người. Chính Đền Thờ mới, Thân Thể của Đức Kitô và nhà của Cha là nơi mà chúng ta cần tránh buôn bán, và tránh làm dơ bẩn.
Ngoài ra cử chỉ giận dữ của Chúa còn có một ý nghĩa đặc biệt khác; ngụ ý rằng trước mặt Thiên Chúa thực là đáng ghê tởm tất cả những gì làm biến chất cứu cánh của người và vật, làm hư hoại kế hoạch của Chúa. Ai lại đã không có lần lợi dụng lòng tốt ngây ngô của một người để khai thác họ? Ai đó lại đã không ham hố thu tích những của cải mà lẽ ra phải được chia sẻ? Những người tham lam như thế cũng đáng phải nhận những làn roi của Chúa!
Như thế chúng ta phải tỏ lòng kính trọng biết bao đối với thân thể hy tế của giao ước mới (Thánh Thể), hy tế thay thế cho lễ vật của đền thờ ngày xưa! Chúng ta phải trân trọng biết bao thân thể mầu nhiệm mà Đức Kitô là đầu và ngày nay là dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa loài người (Giáo hội)! Đó chính là đền thờ Thiên Chúa đã thiết lập, để nơi đây con người yêu mến nhau, tôn trọng nhau và chia sẻ cho nhau những của cải vật chất, tinh thần và thiêng liêng vậy.
Suy Niệm 5: TRẢ LẠI Ý NGHĨA ĐỀN THỜ (Mc 11, 11-25)
Khi nói đến Thiên Chúa, người ta nghĩ ngay đến bản chất của Ngài, đó là: Tình Yêu. Toàn bộ lịch sử cứu độ muốn nói lên phẩm tính đó nơi Thiên Chúa. Đến thời Đức Giêsu, từ lời nói đến hành động cũng đều nhằm diễn tả tính chân thực này.
Tuy nhiên, hôm nay, Tin Mừng thuật lại việc Đức Giêsu lấy thừng làm roi, đánh đuổi những người buôn bán trong đền thờ và xô đổ bàn ghế của họ. Liệu cử chỉ này có bị mâu thuẫn với chính Đức Giêsu và lời dạy của Ngài trước đó không? Chúng ta cần trả lời ngay rằng: Không! Tại sao vậy?
Nếu Đức Giêsu làm lơ, thì họ sẽ hiểu sai mục đích của đền thờ và biến nó thành nơi buôn bán, gian tham, không đúng mục đích. Khi có buôn bán là sẽ có nhiều nguy cơ lọc lừa, trộm cướp...
Ngày nay cũng vậy, trong đời sống đức tin, nhiều người chỉ có vỏ mà không có chất lượng. Tức là chỉ có con người mà những phẩm tính tốt đẹp thì không có. Chỉ mang danh là Kitô hữu, còn làm chứng thì không, nên nhiều khi trong tâm hồn đủ thứ xấu xa tội lỗi!
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay nhắc cho chúng ta rằng: ngày chúng ta lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, mỗi người là một đền thờ của Chúa Ba Ngôi. Đền thờ ấy phải là đền thờ sống động nhờ trong trắng, không gian tham, lọc lừa, trộm cắp, mưu mô, hận thù, ghen ghét.
Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa thanh tẩy linh hồn chúng con, để tấm lòng chúng con được sạch tội và trở nên trong trắng, ngõ hầu xứng đáng đón Chúa ngự vào trong tâm hồn mỗi ngày. Amen.
Ngọc Biển SSP
SUY NIỆM:
Trước hết, chúng ta được mời gọi nhìn ngắm Đức Giê-su và các môn đệ trong hành trình đến Giê-ru-salem và vào Đền Thờ. Nhưng khi chiều đến, các ngài ra khỏi (c. 11 và 20). Tại sao vậy? Có lẽ đó là vì nguy hiểm (x. Mc 10, 32-34; 11, 18), như những gì được kể lại trong bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm nay cho thấy, vì đều liên quan đến vấn đề sống và chết:
1. Đức Giê-su và cây vả (c. 11-14 và 19-21)
Trong những điều vừa nêu, chắc chắn lời của Đức Giê-su dành cho cây vả là khó hiểu, thậm chí khó chấp nhận nhất: “Muôn đời sẽ chẳng còn ai ăn trái của mày nữa!” Thật tội cho cây vả đang xanh tốt, vì không phải là mùa ra trái thì làm sao có trái mà hái! Nhưng lại bị Đức Giê-su nguyền rủa, đến nỗi phải chết khô tận gốc rễ ngay hôm sau: “Kìa Thầy xem, ông Phê-rô nói, cây vả Thầy rủa đã chết khô rồi!”
Tuy nhiên, chúng ta được mời gọi vượt qua bình diện tự nhiên, để hiểu lời của Đức Giê-su ở bình diện đức tin: mọi tạo vật, cây vả, Đền Thờ và mỗi người chúng ta, phải sẵn sàng bất cứ lúc nào, bất cứ mùa nào, để cho Đức Giê-su, với tư cách là Ngôi Lời, là Đấng mà nhờ Người mà mọi sự được tạo thành (x. Ga 1, 3), đến viếng thăm và thu hoạch hoa trái. Cây vả chính là hình ảnh nói về Đền Thờ, và về mỗi người chúng ta. Và nếu chúng ta bất lực, Người mời gọi chúng ta hãy có lòng tin, như Đức Giê-su trả lời ông Phê-rô, khi chứng kiến cây vả chết khô:
Anh em hãy tin vào Thiên Chúa. Thầy bảo thật anh em: nếu có ai nói với núi này: “Dời chỗ đi, nhào xuống biển!”, mà trong lòng chẳng nghi nan, nhưng tin rằng điều mình nói sẽ xảy ra, thì sẽ được như ý. (c. 22-23)
2. Đức Giê-su và đền thờ (c. 15-18)
Chúng ta hãy nhìn ngắm Đức Giê-su bừng bừng nổi giận đánh đuổi những người buôn bán trong Đền Thờ, và hãy để cho hình ảnh này đánh động chúng ta. Ngài là đấng hiền lành, nhưng tại sao, lí do nghiêm trọng nào đã khiến Ngài nổi giận như thế? Chúng ta hãy ước ao được hiểu con tim của Ngài.
Sự kiện Đức Giê-su thanh tẩy đền thờ chắc chắn có tầm quan trọng đặc biệt, bởi vì cả bốn sách Tin Mừng đều kể lại cho chúng ta:
Hiện trạng của đền thờ bị Chúa phá đổ dường như đã được báo trước bởi hình ảnh cây vả tốt lá, bị Chúa nguyền rủa, vì không sẵn sàng mang lại hoa trái khi Chúa cần đến. Và lời của Đức Giêsu sẽ giúp chúng ta hiểu ra và nhất là cảm nhận hành vi mạnh mẽ của Ngài :
Nào đã chẳng có lời chép rằng: Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của mọi dân tộc sao? Thế mà các người đã biến thành sào huyệt của bọn cướp! (c. 17)
Một đàng, nhà của Thiên Chúa là nhà cầu nguyện, nghĩa là nơi dân Chúa diễn tả và sống tương quan Giao Ước với Thiên Chúa của mình, là nơi Thiên Chúa hiện diện và nói với dân của Ngài ; nhưng đàng khác, lại biến thành « sào huyệt của bọn cướp »! Hai thực tại quá khác biệt, quá tương phản, quá đối lập, và có thể nói, trái ngược nhau tuyệt đối : nơi chốn của hiệp thông, của sự thật, của hiền lành, của ánh sáng, của sự sống, trở thành nơi của loại trừ, nơi của gian dối, nơi của bạo lực, của bóng tối, nơi của sự chết.
Chứng kiến cảnh tượng Đền Thờ như thế và hiểu ở mức độ tuyệt đối như Đức Giêsu đã hiểu, làm sao Ngài không nổi giận cho được ? Tuy nhiên, sự nổi giận của Ngài mang tính giải thoát và chữa lành, chứ không phải loại bỏ. Vì thế, Ngài đã lưu lại Đền Thờ và giảng dạy Lời Thiên Chúa, lời tái tạo và ban sự sống.
Tình trạng của Đền thờ chính là biểu tượng, diễn tả, nhưng chính xác hơn phải nói là mặc khải sự thật sâu xa và rất đau lòng về thế giới của chúng ta, về xã hội, về Giáo Hội, về cộng đoàn, về chính con người của chúng ta. Tình trạng này rất đáng nổi giận. Hiểu ra như vậy, chúng ta có thể tự nguyện xin Chúa hãy nổi giận, hãy làm như Ngài đã làm với con người của chúng ta, với nội tâm của chúng ta, để tái tạo con người chúng ta như ơn gọi ban đầu, nghĩa là để cho Lời của Ngài vang vọng mỗi ngày trong nội tâm và trong ngày sống của chúng ta, như xưa Ngài đã đến giảng dạy trong Đền Thờ hằng ngày.
Lời giảng, chúng ta có thể hiểu toàn bộ lời giảng, của Đức Giê-su có sức mạnh tạo ra phản ứng tận căn: “Các thượng tế và kinh sư nghe thấy vậy, thì tìm cách giết Đức Giê-su”, nghĩa là làm lộ ra khuynh hướng chết chóc nơi con người. Phản ứng này đã loan báo Thập Giá rồi. Nhưng, như hình ảnh hạt lúa mì diễn tả, Ngôi Lời Hằng Sống của Thiên Chúa không bị hủy diệt, nhưng ngược lại, sinh nhiều hoa trái, chính khi bị vùi lấp đi.
3. Lòng tin và tha thứ (c. 22-26)
Đền Thờ là nhà cầu nguyện, và để cầu nguyện, thì cần phải có lòng tin và ơn tha thứ. Xin cho chúng ta hiểu được sức mạnh của lòng tin đặt để nơi Thiên Chúa. Đức Giê-su dùng ngôn ngữ vật lí, chuyển núi dời non, để mời gọi chúng ta hiểu ở bình diện tương quan: tin nơi Thiên Chúa, là nguồn gốc và cùng đích, thì hướng sống suốt đời và hướng sống từng ngày của chúng ta sẽ là khởi từ ơn sự sống hướng đến ơn sự sống viên mãn. Không tin nơi Thiên Chúa, điều này có nghĩa là sự sống của mình không có điểm quy chiếu tuyệt đối, ở nguồn gốc và cùng đích, khi đó, người ta sẽ tất yếu hướng về sự chết và sẽ bị xâu xé bởi ma quỉ và những năng động thuộc về ma quỉ. Chính vì thế, hành động của ma quỉ, là chúng ta cho chúng ta không tin (x. St 3).
Và chúng ta được mời gọi tin và đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa, để chúng ta có thể tha thứ cho nhau. Bởi vì Ngài là sự sống, và sự sống tất yếu bao hàm tha thứ, nghĩa là tái sinh. Tin nơi Thiên Chúa, Đấng là tình yêu và hay thương xót, được thể hiện nơi ngôi vị và Thập Giá của Đức Giê-su, sẽ giải thoát chúng ta khỏi mặc cảm tội lỗi, khỏi sự nghi ngờ chết chóc, bởi vì như thánh Phao-lô xác tín: “Những ai ở trong Đức Ki-tô, thì không còn bị lên án nữa” (Rm 8,1). Và đó chính là sức mạnh cứu độ của lòng tin.
Như thế, lời mời gọi tha thứ, hàm chứa ơn tha thứ, làm cân bằng lại sự mạnh mẽ của Đức Giê-su trong hành động và lời nói đối với Đền Thờ.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
Friday (May 28): “Have faith in God”
Scripture: Mark 11:11-26 11 And he entered Jerusalem, and went into the temple; and when he had looked around at everything, as it was already late, he went out to Bethany with the twelve. 12 On the following day, when they came from Bethany, he was hungry. 13 And seeing in the distance a fig tree in leaf, he went to see if he could find anything on it. When he came to it, he found nothing but leaves, for it was not the season for figs. 14 And he said to it, “May no one ever eat fruit from you again.” And his disciples heard it. 15 And they came to Jerusalem. And he entered the temple and began to drive out those who sold and those who bought in the temple, and he overturned the tables of the money-changers and the seats of those who sold pigeons; 16 and he would not allow anyone to carry anything through the temple. 17 And he taught, and said to them, “Is it not written, `My house shall be called a house of prayer for all the nations’? But you have made it a den of robbers.” 18 And the chief priests and the scribes heard it and sought a way to destroy him; for they feared him, because all the multitude was astonished at his teaching. |
Thứ Sáu 28-5 Hãy tin tưởng vào TC
Mc 11,11-26 11 Đức Giê-su vào Giê-ru-sa-lem và đi vào Đền Thờ. Người rảo mắt nhìn xem mọi sự, và vì giờ đã muộn, Người đi ra Bê-ta-ni-a cùng với Nhóm Mười Hai. 12 Hôm sau, khi thầy trò rời khỏi Bê-ta-ni-a, thì Đức Giê-su cảm thấy đói. 13 Trông thấy ở đàng xa có một cây vả tốt lá, Người đến xem có tìm được trái nào không. Nhưng khi lại gần, Người không tìm được gì cả, chỉ thấy lá thôi, vì không phải là mùa vả. 14 Người lên tiếng bảo cây vả: “Muôn đời sẽ chẳng còn ai ăn trái của mày nữa! ” Các môn đệ đã nghe Người nói thế. 15 Thầy trò đến Giê-ru-sa-lem. Đức Giê-su vào Đền Thờ, Người bắt đầu đuổi những kẻ đang mua bán trong Đền Thờ, lật bàn của những người đổi bạc và xô ghế của những kẻ bán bồ câu. 16 Người không cho ai được mang đồ vật gì đi qua Đền Thờ. 17 Người giảng dạy và nói với họ: “Nào đã chẳng có lời chép rằng: Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của mọi dân tộc sao? Thế mà các người đã biến thành sào huyệt của bọn cướp! ” 18 Các thượng tế và kinh sư nghe thấy vậy, thì tìm cách giết Đức Giê-su. Quả thế, họ sợ Người, vì cả đám đông đều rất ngạc nhiên về lời giảng dạy của Người.
19 Chiều đến, Đức Giê-su và các môn đệ ra khỏi thành. 20 Sáng sớm, khi đi ngang cây vả, các ngài thấy nó đã chết khô tận rễ .21 Ông Phê-rô sực nhớ lại, liền thưa Đức Giê-su: “Kìa Thầy xem: cây vả Thầy rủa đã chết khô rồi! ” 22 Đức Giê-su nói với các ông: “Anh em hãy tin vào Thiên Chúa. 23 Thầy bảo thật anh em: nếu có ai nói với núi này: À! Dời chỗ đi, nhào xuống biển! , mà trong lòng chẳng nghi nan, nhưng tin rằng điều mình nói sẽ xảy ra, thì sẽ được như ý. 24 Vì thế, Thầy nói với anh em: tất cả những gì anh em cầu xin, anh em cứ tin là mình đã được rồi, thì sẽ được như ý. 25 Khi anh em đứng cầu nguyện, nếu anh em có chuyện bất bình với ai, thì hãy tha thứ cho họ, để Cha của anh em là Đấng ngự trên trời, cũng tha lỗi cho anh em. 26 Nhưng nếu anh em không tha thứ, thì Cha của anh em là Đấng ngự trên trời, cũng sẽ không tha lỗi cho anh em.”
|
Meditation: Why did Jesus curse a fig tree? Fig trees were a common and important source of food for the Jews. Bad figs or a decaying fig tree was linked with evil deeds and spiritual decay. The unfruitful fig tree symbolized the outcome of Israel’s unresponsiveness to the word of God. The prophets depicted the languishing fig tree as signifying the desolation and calamity of Israel due to her unfaithfulness to God (see Joel 1:7,12; Habakkuk 3:17; and Jeremiah 8:13). Faith must be nourished by the word of God The history of Israel is one long preparation for the coming of the Promised One – the Messiah. But the promise is unfulfilled in those who reject Jesus through their unbelief. (See also Jesus’ parable of the barren fig tree in Luke 13:6-9). Jesus’ cursing of a fig tree is a prophetic action against the faithlessness of those who rejected his message. For faith to be fruitful and productive, it must be nourished with the word of God (2 Timothy 3:16; Colossians 3:16) and be rooted in love and obedience to the truth (Galatians 5:6,7)… Jesus purifies his people to make them holy Jesus’ cleansing of the temple was another prophetic action. In this incident, we see Jesus’ startling and swift action in cleansing the temple of those who were using it to exploit the worshipers of God. The money changers took advantage of the poor and forced them to pay many times more than was right – in the house of God no less! Their robbery of the poor was not only dishonouring to God but unjust toward their neighbour. In justification for his audacious action, Jesus quotes from the prophets Isaiah (56:7) and Jeremiah (7:11). His act of judgment aims to purify the worship of God’s people and to discipline their erring ways. Pray with expectant faith in God’s power and mercy After this incident, Jesus exhorts his disciples to “have faith in God.” They are to pray with expectant faith for God’s will to be accomplished – no matter how difficult or challenging the situation may appear. The phrase “to remove mountains” was a common Jewish expression for removing difficulties. A wise teacher who could solve difficulties was called a “mountain remover.” If we pray with expectant faith God will give us the means to overcome difficulties and obstacles that stand in the way of accomplishing his will for our lives. If we want God to hear our prayers we must forgive those who wrong us as God has forgiven us. Do you pray with expectant faith? “Lord Jesus, increase my faith and make my fruitful and effective in serving you and bringing you honour and glory in all that I do. Help me to be merciful and forgiving towards others just as you have been merciful and forgiving towards me.”
|
Suy niệm:
Tại sao Đức Giêsu nguyền rủa cây vả? Cây vả là nguồn thực phẩm phổ biến và quan trọng đối với người Dothái. Cây vả xấu hay bị suy nhược được so sánh với những việc làm xấu xa và sự suy xụp thiêng liêng. Cây vả không sinh hoa trái mang biểu tượng kết quả của sự thờ ơ không đáp trả của dân Israel đối với lời Chúa. Các ngôn sứ mô tả sự điêu tàn và tai họa của Israel, bởi vì sự bất trung của nó đối với Thiên Chúa, như một cây vả héo tàn (xem Ge 1,7.12; Kb 3,17; Gr 8,13). Đức tin phải được nuôi bằng lời Chúa Lịch sử dân Israel là một sự chuẩn bị dài cho việc Đấng đã hứa đến. Nhưng lời hứ ấy đã không hoàn thành nơi những người chống đối Đức Giêsu qua sự vô tín. (Xem dụ ngôn của Đức Giêsu về cây vả không sinh trái trong Tin mừng Lc 13,6-9). Lời nguyền rủa của Đức Giêsu về cây vả là hành động tiên báo chống lại sự vô tín của những ai chống đối sứ điệp của Người. Vì đức tin là hoa trái và sự sinh sản, nó phải được nuôi dưỡng với lời Chúa (2Tm 3,16; Col 3,16) và được ăn rễ trong tình yêu (Gl 5,6).
Đức Giêsu thanh tẩy dân để họ nên thánh Việc thanh tẩy đền thờ của Đức Giêsu là một hành động tiên tri khác. Trong câu chuyện này, chúng ta thấy hành động ấn tượng và chớp nhoáng của Đức Giêsu trong viec thanh tẩy đền thờ của những ai sử dụng nó để lợi dụng những người thờ phượng Chúa. Những người đổi tiền lợi dụng người nghèo và buộc họ trả gấp mấy lần so với mức ấn định – trong nhà Chúa không có trả giá! Sự cướp giật người nghèo của họ không chỉ làm ô danh Chúa, mà còn bất công đối với tha nhân nữa. Để biện hộ cho hành động táo bạo của mình, Đức Giêsu đã trích dẫn lời các ngôn sứ Isaia 56,7, và Giêrêmia 7,11. Hành vi trừng phạt của Người nhằm thánh hóa việc thờ phượng của dân Chúa và rèn luyện những đường lối sai trái của họ. Cầu nguyện với đức tin kiên vững vào quyền năng và lòng thương xót của Thiên Chúa Sau câu chuyện này, Đức Giêsu khích lệ các môn đệ hãy “đặt niềm tin vào Thiên Chúa”. Họ phải cầu nguyện với đức tin kiên vững, cho dù tình huống có khó khăn mấy đi nữa. Cụm từ “dời núi” là một thành ngữ thông dụng của người Dothái diễn tả cất đi những khó khăn. Một vị thầy khôn ngoan có thể giải quyết những khó khăn được gọi là “người dời núi”. Nếu chúng ta cầu nguyện với lòng tin vững vàng, Thiên Chúa sẽ ban cho chúng ta những phương thế để vượt qua những khó khăn và trở ngại. Nếu chúng ta muốn Thiên Chúa chấp nhận lời cầu xin của mình, chúng ta phải tha thứ cho những ai xúc phạm tới mình, như Thiên Chúa đã tha thứ cho chúng ta. Bạn có cầu nguyện với đức tin kiên vững không?
Lạy Chúa Giêsu, Xin Chúa gia tăng lòng tin của con và làm cho nó sinh nhiều hoa trái và hiệu quả trong việc phụng sự Chúa và đem lại danh dự và vinh quang cho Chúa trong mọi việc con làm. Xin Chúa giúp con có lòng thương xót và biết tha thứ cho người khác như Chúa đã thương xót và tha thứ cho con.
|
Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu– chuyển ngữ
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn