Thứ Tư tuần 11 thường niên.

Thứ ba - 15/06/2021 07:28

Thứ Tư tuần 11 thường niên.

"Cha ngươi Đấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho ngươi".

 

Lời Chúa: Mt. 6, 1-6, 16-18

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con hãy cẩn thận, đừng phô trương công đức trước mặt người ta để thiên hạ trông thấy, bằng không, các con mất công phúc nơi Cha các con là Đấng ở trên trời.

Vậy khi các con bố thí, thì đừng thổi loa báo trước, như bọn giả hình làm ở nơi hội đường và phố xá, để cho người ta ca tụng họ. Quả thật, Ta bảo các con, họ đã được thưởng công rồi. Còn con có bố thí, thì làm sao đừng để tay trái biết việc tay phải làm, để việc con bố thí được giữ kín, và Cha con, Đấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho con.

"Rồi khi các con cầu nguyện, thì cũng chớ làm như những kẻ giả hình: họ ưa đứng cầu nguyện giữa hội đường và các ngả đàng, để thiên hạ trông thấy. Quả thật, Ta bảo các con: họ đã được thưởng công rồi. Còn con khi cầu nguyện, thì hãy vào phòng đóng cửa lại mà cầu xin với Cha con, Đấng ngự nơi bí ẩn, và Cha con, Đấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho con.

"Khi các con ăn chay, thì đừng làm như bọn giả hình thiểu não: họ làm cho mặt mũi ủ dột, để có vẻ ăn chay trước mặt người ta. Quả thật, Ta bảo các con, họ đã được thưởng công rồi. Còn con khi ăn chay, hãy xức dầu thơm trên đầu và rửa mặt, để thiên hạ không biết con ăn chay, nhưng chỉ tỏ ra cho Cha con Đấng ngự nơi bí ẩn, và Cha con thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho con".

 

 

Suy Niệm 1: Đấng thấu suốt những gì kín đáo

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

“Đã mang tiếng ở trong trời đất,

phải có danh gì với núi sông.”

Danh tiếng để lại cho đời là điều khiến nhiều người bận tâm.

Có người hiến mình để làm những công trình lớn lao để lại cho hậu thế.

Nhưng cũng có người rơi vào thói háo danh,

làm mọi sự chỉ để tìm cho mình chút tiếng khen mau qua.

Trong Bài Giảng trên núi mà ta nghe hôm nay,

Đức Giêsu tố giác thói háo danh của những người đạo đức giả,

khi họ làm ba việc đạo đức căn bản là bố thí, cầu nguyện, ăn chay.

Ngài cũng cho thấy cách sống đạo của người môn đệ.

Làm các việc đạo đức để tìm tiếng khen, là một cám dỗ có thật.

Có người thổi kèn trong hội đường hay ngoài phố khi bố thí.

Có người thích đứng cầu nguyện tại giữa ngã ba đường.

Có người có mang bộ mặt thiểu não khi ăn chay.

Tất cả chỉ nhằm thu hút sự chú ý của nhiều người khác,

chỉ nhằm “cho người ta thấy”, “để người ta khen” (cc. 1. 2. 5. 16).

Họ làm những việc tốt lành, nhưng lại tìm mình, co quắp trên chính mình,

trong khi lẽ ra những việc này phải mở họ ra trước Thiên Chúa.

Đối với Đức Giêsu, được người ta khen là nhận được phần thưởng rồi,

nên cũng chẳng được Cha trên trời ban thưởng nữa (c. 1).

Họ được phần thưởng mau qua của người đời,

nhưng mất phần thưởng trọng hậu trong ngày sau hết.

Đức Giêsu mời các môn đệ đi vào cái kín đáo, thầm lặng,

nơi đó không có con mắt của người đời, không có tiếng khen chê.

Nơi đó kín đến mức tay trái không biết việc tay phải làm.

Nơi đó là căn phòng đóng cửa, để chỉ có Cha và anh gặp gỡ.

Cha là Đấng hiện diện ở nơi kín đáo (cc. 6. 18).

Cha cũng là Đấng thấy những gì được làm ở nơi kín đáo (cc. 4. 6. 18).

Cha thấy anh đã bố thí, cầu nguyện, ăn chay cách thầm lặng.

Chính Cha sẽ ban thưởng cho anh.

“Hữu xạ tự nhiên hương” có thể là một hình ảnh đẹp về người Kitô hữu.

Đời Kitô hữu là cuộc đời kín đáo thầm lặng, như bị che khuất.

Nhưng cũng là cuộc đời không che giấu được trước mắt mọi người.

Chính khi cái tốt được làm một cách vô cầu, thì nó lại tỏa ngát hương.

Không hẳn là chúng ta luôn luôn phải cầu nguyện trong phòng đóng cửa.

Cũng như không hẳn chúng ta phải tô son đánh phấn khi ăn chay.

Nhưng điều quan trọng là chúng ta làm mọi sự cho vinh danh Chúa.

 

Cầu nguyện :

Ngày lại ngày, lạy Thiên Chúa,

tôi sẽ đứng trước Người chiêm ngưỡng dung nhan,

hai tay cung kính, lạy Thiên Chúa muôn loài,

tôi sẽ đứng trước Người chiêm ngưỡng dung nhan.

Dưới bầu trời bao la,

trong cô đơn và thầm lặng,

với tấm lòng thanh tịnh,

tôi sẽ đứng trước Người chiêm ngưỡng dung nhan.

Trong thế giới ồn ào vì nhọc nhằn,

huyên náo vì đấu tranh,

giữa đám đông hối hả lăng xăng,

tôi sẽ đứng trước Người chiêm ngưỡng dung nhan.

Và khi đã hoàn tất việc đời,

lạy Thiên Chúa muôn loài,

một mình, lặng lẽ,

tôi sẽ đứng trước Người chiêm ngưỡng dung nhan. Amen.

(R. Tagore, Đỗ Khánh Hoan dịch)

 

Suy Niệm 2: Chúa sẽ trả lại

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Tôn giáo là một tổ chức. Nhưng thực chất lại là mối liên hệ sâu xa và riêng tư giữa từng người với Thiên Chúa. Càng sâu xa và riêng tư hơn nữa khi đó là mối liên hệ Cha – Con. Vì thế các thực hành tôn giáo đúng nghĩa chỉ nói lên mối tình Cha – Con riêng tư. Không để khoe khoang thành tích. Không làm để cho người đời khen tặng. Thực tế đã có nhiều giả hình, phô trương trong sinh hoạt tôn giáo. Mượn đạo tạo đời. Đó là điều Chúa Giê-su cảnh báo: “Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng. Vậy khi bố thí, đừng có khua chiếng đánh trống, …Khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy…Khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả,…Còn anh, khi ăn chay, phải làm…để không ai thấy là anh ăn chay, ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh”.

Chúa sẽ trả lại. Trả cách hậu hĩnh. Như thánh Phao-lô cảm nghiệm. “Thưa anh em, tôi xin nói điều này: gieo ít thì gặt ít; gieo nhiều thì gặt nhiều. Mỗi người hãy cho tuỳ theo quyết định của lòng mình, không buồn phiền, cũng không miễn cưỡng, vì ai vui vẻ dâng hiến, thì được Thiên Chúa yêu thương. Vả lại, Thiên Chúa có đủ quyền tuôn đổ xuống trên anh em mọi thứ ân huệ, để anh em vừa được luôn đầy đủ mọi mặt, vừa được dư thừa mà làm việc thiện”. Người vui vẻ dâng hiến cho Chúa. Chỉ vì Chúa sẽ được Chúa trả lại gấp bội (năm lẻ).

Ê-li-a suốt đời phục vụ Chúa. Ông chỉ biết một mình Chúa. Bất chấp vua A-kháp và hoàng hậu I-de-ven. Kết hợp mật thiết với Chúa. Hi sinh trọn đời cho Chúa. Rồi cuối cùng Chúa ban phần thưởng trọng hậu. Cho có người nối tiếp nhiệm vụ tiên tri. Cho xe lửa và ngựa lửa đón ngài về trời. Để lại quyền năng cho Ê-li-sa, người kế vị: “Các ông còn đang vừa đi vừa nói, thì này một cỗ xe đỏ như lửa và những con ngựa đỏ như lửa tách hai người ra. Và ông Ê-li-a lên trời trong cơn gió lốcE-li-sa trở về và đứng bên bờ sông Gio-đan. Ông lấy áo choàng của ông Ê-li-a đã rơi xuống mà đập xuống nước … nước rẽ ra hai bên, và ông Ê-li-sa đi qua” (năm chẵn).

Khi sống đạo hình thức. Ta không có Chúa. Đạo thật buồn nản. Là gánh nặng. Nhưng khi sống nội tâm. Với một mình Chúa. Ta có niềm vui. Và sức sống. Vì Chúa sẽ đổ tràn niềm vui mừng hạnh phúc, trả lại cho ta.

 

Suy Niệm 3: Các việc đạo đức

Tại nhiều nơi, cứ vào mùa tranh cử, người ta lại dễ dàng nhìn thấy những bảng hiệu ghi ơn dân biểu này, nghị sĩ nọ, hoặc loan báo những công trình xây dựng của các nhân vật chính trị. Dĩ nhiên, ai cũng hiểu đó là những vận động gián tiếp, những hứa hẹn với dân chúng để hy vọng được bầu vào những chức vụ công quyền. Tâm thức và lối hành xử thường tình của con người là như thế đó: làm việc tốt để kể công, để được trọng vọng, khen thưởng. Người Kitô hữu cũng dễ bị cám dỗ để có tinh thần khoe khoang kể công như trên vào đời sống đạo đức.

Tin Mừng hôm nay ghi lại những lời dạy của Chúa Giêsu về tinh thần tu đức cần phải có, với nguyên tắc sống đạo: đừng làm việc lành có ý phô trương cho người ta thấy. Theo luật Môsê, bố thí, cầu nguyện, ăn chay là những việc lành cao quý, và người ta thường tổ chức các việc đạo đức đó cách công khai để thúc đẩy nhiều người tham gia. Chúa Giêsu không phản đối các việc đó, nhưng Ngài chỉ muốn người ta thực hiện chúng với ý hướng mới, đó là làm vì lòng yêu mến và tìm đẹp lòng Chúa hơn là để được người đời khen ngợi. Chẳng vậy, các việc đạo đức ấy có thể chỉ có hình thức, đấy là chưa nói đến trường hợp có nhiều người làm bộ cầu nguyện lâu giờ, ăn chay nhiều ngày, bố thí rộng rãi để dễ lừa gạt người khác.

Chúa Giêsu cảnh giác chúng ta đề phòng thứ đạo đức vụ hình thức. Nhưng việc đạo đức tự nó rất ích lợi cho bản thân, cho tha nhân và đáng được Thiên Chúa ban thưởng, với điều kiện chúng được thực hiện với ý ngay lành. Chúng ta cần thực hành các việc lành với ý hướng này, vì đó là lẽ sống, là niềm vui và là động lực cho cuộc đời hy sinh phục vụ của chúng ta.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 4: Đừng phô trương

“Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng.” (Mt. 6, 1)

Hãy nhìn tôi đây

Tất cả chúng ta đều nhìn nhận rằng những cách cư xử như vậy mà Chúa muốn chúng ta chấp nhận, đều là tuyệt hảo. Bố thí không khua chiêng đánh trống, cầu nguyện không để cho ai thấy, ăn chay không làm bộ rầu rĩ, ta muốn cho mọi người hành động như thế, và ta muốn mình cũng làm như vậy. Nhưng thực ra không phải dễ dàng đâu. Trong ta, mỗi người đều có một chút riêng tư, thực tế khó mà dứt ra được.

Ta thích cho người khác nhìn thấy việc tốt ta làm, cũng là thích phô trương những khía cạnh tốt của ta. Người ta phô trương mình, cũng là vì ý tốt và hàu như vô tình thôi.

Khi người khác có dụng ý khoe khoang, tìm những cử chỉ hợp thời để làm nổi bật mình, ta rất tinh để nhận ra điều đó. Lẽ nào ta lại không tinh tường đủ để nhận ra chính mình cũng mắc chứng tật đó khi tìm dịp để đặt mình lên bục cao sao?

Ta hãy nhớ lại chỉ trong một tuần lễ thôi, biết bao lần ta đã làm hết sức để cho người ta khen ta là dễ thương, quảng đại và hay giúp đỡ. Có lẽ những lần đó nhiều hơn ta tưởng.

Hãy để chính Thiên Chúa nhìn ta!

Thiên Chúa yêu thích những con người đơn sơ, khiêm tốn và kín đáo. Những kẻ thích làm ngôi sao nhỏ”, đối với Chúa thường chỉ là những người kiêu ngạo lớn. Khi ta thu xếp để người chung quanh ca ngợi ta, thì Thiên Chúa nhắm mắt lại. hoặc nhìn đi nơi khác.

Thiên Chúa chỉ đoái nhìn và xót thương những ai không tìm cách làm cho người ta nhìn mình.

 

Suy Niệm 5: Ý định và cách thức thể hiện

“Sống như kẻ công chính” có nghĩa, vào thời Chúa Giêsu, là trung thành với ba việc làm căn bản của đời sống tôn giáo: bố thí, kinh nguyện và chay tịnh. Một cách mặc nhiên Chúa Giêsu nói: các việc làm này quan trọng, và vì thế phải tránh đừng làm giảm giá chúng. Phải thực thi chúng không phải “trước mặt người ta”, nhưng trước mặt Thiên Chúa.

Một đàng con người có thể xác; vì vậy, thật là hợp lý khi thân xác được liên kết với cách thức diễn tả của đời sống thiêng liêng, tôn giáo. Điều này đưa đến những cử chỉ bên ngoài, có thể xem thấy được, thuộc về thể xác.

Người ta gọi là những việc làm. Đàng khác, thân xác là phương thế, là trung gian, là điểm tựa cho những tương quan xã hội. Những sinh hoạt thể xác, trông thấy được không thể là dửng dưng, nhưng được xem xét, lượng giá. Vì thế các việc làm tôn giáo là đối tượng của xem xét và lượng giá. Chúa Giêsu đề phòng chúng ta khỏi việc sử dụng những việc làm tôn giáo để lôi kéo sự xét đoán nịnh bợ và đánh giá khen ngợi của những kẻ trông thấy.

Phải làm gì? Hãy làm sao cho các việc làm này bớt tính cách thể xác, bớt dễ dàng cho người ta xem thấy tới mức tối đa. Vấn đề không phải là phát động một tôn giáo thoát xác và hoàn toàn bên trong. Bố thí, cử chỉ có tính cách vật chất; kinh nguyện đi đôi với thân xác; chay tịnh, kiêng cử thể xác. Tất cả những cái đó đều tốt và nên thực hành cách trung tín. Nhưng còn cách thức thực hiện: phải làm sao cho những việc làm có sự tham dự của thể xác và có thể thấy được, bớt tính cách phô trương. Phải làm cho chúng trở nên kín đáo tới mức tối đa, và hãy luôn ước muốn chỉ một mình Thiên Chúa xét đoán thôi. Tóm lại Chúa Giêsu muốn cho chúng ta hiểu điều này: đời sống tôn giáo là một việc làm giữa chúng ta và Thiên Chúa; vì thế điều hệ trọng là cái nhìn của Thiên Chúa trên ta, một cái nhìn thấu suốt được mọi bí nhiệm. Dùng những việc làm tôn giáo để được nhân loại tán dương thay vì muốn làm đẹp lòng Thiên Chúa, là sự giả hình ghê tởm nhất. Ngày nay chúng ta có thể thêm: khinh dể bố thí, kinh nguyện, chay tịnh mà Chúa Giêsu đã làm gương thi hành, và lớn tiếng tuyên bố cổ võ một Phúc Âm giải thoát nhưng rỗng tuếch nhựa sống, điều này cũng là một sự giả hình không kém.

Việc từ bỏ mình của tôi, mà Thiên Chúa biết có tỏa rạng niềm vui không?

 

Suy Niệm 6: Đừng cầu danh

Một thi sĩ người Anh, ngoài tài làm thơ ông còn có năng khiếu về âm nhạc. Thi sĩ thường cùng với nhóm thân hữu họp để ngâm thơ và hòa nhạc. Một đêm nọ, lúc đang trên đường tới dự một buổi hòa nhạc, thi sĩ đã gặp một chiếc xe ngựa đang bị sa lầy, trên xe hàng hóa chất đầy, tài xế thì già yếu và con ngựa lại gầy còm. Không chút ngần ngại, ông đã bỏ cây đàn sang một bên, dỡ số hàng hóa trên xe xuống, đẩy xe qua khỏi vũng lầy và chất hàng hóa lên xe trở lại. Ông còn tặng thêm cho bác tài xế ít tiền nhỏ để mua thức ăn cho con ngựa. Xong xuôi công việc thì trời đã về khuya và bộ đồ dạ hội đã vấy bùn. Tuy nhiên, ông vẫn đến nơi hẹn, lúc ông đến nơi thì buổi hòa nhạc đã gần tàn, một người bạn nói với ông: “Nhà thơ của chúng ta đã lỡ mất một buổi hòa nhạc tuyệt vời”. Thi sĩ vui vẻ mỉm cười và đáp: “Vâng! đúng thế. Tuy nhiên, bù lại tôi đã tấu được khúc nhạc khác tuyệt vời hơn nhiều”.

Mỗi công việc đều đem lại một kết quả, kết quả đem lại cho con người hài lòng thì nó là phần thưởng. Đối với nhóm bạn bè thân hữu của thi sĩ thì công việc của ông làm đã hạ thấp giá trị người nghệ sĩ, ông bỏ mất phần thưởng giá trị để lao mình vào chuyện không đâu. Riêng đối với nhà thơ thì khác, qua công việc bác ái vừa làm, ông đã tấu được những khúc nhạc tuyệt vời. Vậy đâu là giá trị, là phần thưởng của công việc. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã dạy cho chúng ta phương thế để tìm kiếm và chọn lựa.

Thật thế, bố thí, cầu nguyện và ăn chay là ba nét chính yếu trong đời sống đạo của người Do thái, vì chúng diễn tả đến ba mối tương quan của con người. Có thể gọi “bố thí” là sự liên hệ đối với người khác, “cầu nguyện” là trao đổi, trò chuyện cùng Thiên Chúa và “ăn chay” là công việc liên quan đến chính bản thân mình.

Trong đời sống đạo chẳng thể bỏ qua ba công việc này, chúng rất cần thiết, vì đó là hình thức diễn đạt của con người hữu hình. Một tinh thần chịu sự lệ thuộc của thân xác, hình thức bên ngoài để bộc lộ bên trong. Tuy nhiên, cũng vì hình thức bên ngoài mà việc làm lại mang những ý nghĩa khác nhau, vì có người lợi dụng chiếc vỏ hình thức này để che giấu hoặc phô bày những khuyết điểm, nghĩa là thái độ giả hình. Thái độ giả hình này đã bị Chúa Giêsu thẳng thắn kết án. Những hạng người giả hình này, họ cũng bố thí, ăn chay, cầu nguyện, nhưng tựu trung chỉ để phô diễn cái tôi của họ để rồi đánh mất giá trị đích thực của công việc. Giá trị ít khi đi chung đường, và chính giá trị này sẽ hủy diệt giá trị kia.

Giữa Thiên Chúa và thế gian đã có một cách biệt rõ ràng; nếu chỉ tìm kiếm những giá trị trần gian thì con người khó lòng vươn tới được giá trị ở trong Thiên Chúa: “Họ đã được thưởng công rồi”. Lời nói nhẹ nhàng của Chúa Giêsu cũng là một tuyên bố dứt khoát đối với những ai mải mê chạy theo các giá trị trần thế, và dù người ta có muốn quay về với giá trị đích thực thì giấc mộng phù du cũng đã cản lối quay về.

Bố thí là một lời yêu thương nghĩ đến người khác, nhưng nếu bố thí chỉ muốn làm thỏa mãn cái tôi của mình thì làm sao thấy được kẻ khác. Cầu nguyện hướng về Thiên Chúa, thế mà chỉ quy về bản thân thì làm sao còn chỗ cho Thiên Chúa, còn biết Ngài ở đâu để trò chuyện. Ăn chay là một đền bù cho những gì sai lỗi, khiếm khuyết. Ăn chay được diễn tả như một khao khát được Thiên Chúa lấp đầy, thế nhưng nếu con người đã no thỏa với chính mình thì họ đâu cần đến Thiên Chúa. Đã tìm thấy giá trị nơi bản thân mình nên con người đánh mất giá trị quý báu do công việc đem lại.

Bởi thế, lời dạy của Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay luôn là lời hướng dẫn cho người Kitô hữu khi hành động, không chỉ trong các việc làm căn bản của đời sống đạo, mà cả đến mọi công việc làm trong đời sống hằng ngày của con người. Công việc chỉ có giá trị khi người Kitô hữu biết nhìn công việc bằng ánh mắt của Đức Kitô, biết phân tích theo những tiêu chuẩn thẩm định của Thiên Chúa. Có thể người đời cho là thấp kém hoặc không ai biết đến. Tuy nhiên, Thiên Chúa Đấng thấu suốt mọi điều, Ngài sẽ thưởng công cho cách tràn đầy.

Lạy Chúa, trước một công việc chúng con làm, xin Chúa sáng soi để chúng con có thể khám phá được đâu là giá trị thực và xin giúp sức để chúng con quyết tâm theo đuổi giá trị ấy. Vì thân xác chúng con thật yếu đuối, vẻ hào nhoáng bên ngoài vẫn luôn là miếng mồi quyến rũ kéo chúng con lạc đường lối của Chúa. Xin Chúa cho chúng con biết chấp nhận những tầm thường để đổi lấy những giá trị cao cả của Nước Trời. Amen.

 

Suy Niệm 7: KHIÊM NHƯỜNG THÌ MỚI CÓ ÍCH ( Mt 6, 1-6. 16-18)

Xem lại Thứ Tư lễ Tro.

Ngày nọ, có một người đến nói với cha xứ: “Con sẵn sàng dâng cúng tiền để mua một quả chuông cho Giáo xứ, nhưng với điều kiện, phải khắc tên con trên quả chuông ấy!”.

Đây là thực trạng của rất nhiều người biểu lộ niềm tin của mình cách thực dụng như thế!

Sẵn sàng giúp đỡ, nhưng không thể thành hiện thực khi không được nêu danh tánh và công trạng của mình cách công khai!

Hôm nay, Đức Giêsu lên tiếng khuyên răn các môn đệ của Ngài phải cẩn trọng trong việc thi hành đức bác ái, kẻo lỡ trở thành “công dã tràng” tức là tốn công vô ích. Ngài dạy cho các ông khi làm việc thiện, hãy làm vì lòng mến và tinh thần vô vị lợi. Không cần phô trương để người đời biết mà ca tụng. Nếu muốn được biểu dương thì hẳn đã được phần thưởng do người phàm tán tụng rồi, và như một quy luật: đã được người đời thưởng công thì không được Thiên Chúa chúc phúc nữa.

Vậy, cùng một việc bác ái, khi thi hành, chúng ta muốn được phần thưởng muôn đời do Thiên Chúa ban tặng hay chỉ muốn phần thưởng tạm bợ, nhất thời, mau qua chóng hết  do con người trao tặng?

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta cùng nhau làm một bài toán hầu tính ra sự hơn thiệt để mà tiến bước. Tuy nhiên, đáp án chỉ có khi chúng ta kết thúc cuộc sống trần thế này, và lúc ấy, phần thưởng được trao ban khi và chỉ khi chúng ta làm việc thiện với lòng tin, cậy trông và lòng mến.

Lạy Chúa Giêsu, xin dạy chúng con tinh thần của Chúa và giúp chúng con thi hành vì yêu mến Chúa và anh chị em, để mọi hành động, mọi việc làm của chúng con đều xuất phát từ tấm lòng khiêm cung và tràn đầy yêu thương. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 8: Làm việc đạo đức là làm vì Chúa

(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Bố thí, cầu nguyện và ăn chay chỉ có giá trị trước mặt Chúa khi được thực hiện vì Chúa, chứ không vì người đời hay với dụng ý khoe khoang.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, lắng nghe Tin Mừng hôm nay, con thấy Chúa muốn dạy con rằng các việc đạo đức con làm là làm cho Chúa, là sống với Chúa và với mọi người trong sự chân thành yêu thương, mà không cầu lợi cho mình, không mong tìm sự đánh giá của người khác. Chúa muốn cảnh giác con, để con tránh khỏi hình thức đạo đức bên ngoài. Chúa không muốn con đến cùng Chúa với dụng ý tư lợi, không muốn con đối xử với kẻ khác bằng thái độ vị kỷ. Trong gia đình, thật là tệ nếu con cái yêu thương bố mẹ chỉ vì muốn cha mẹ mua cho chiếc xe, cái máy. Con cũng không thể đến với Chúa với thái độ như vậy.

Ẩn sau các việc đạo đức là một thái độ sống: sống trước mặt Chúa và cho Chúa như một người cha. Đó là cách để con tỏ bày lòng thảo hiếu yêu mến Chúa.

Lạy Chúa, xin Chúa cho con nhận ra điều đó để con sống tốt trước mặt Chúa. Chúa là Cha yêu thương con, đã ban cho con rất nhiều ơn mà con không nhận thấy được. Chúa ban ơn phúc cho con mà không mong tìm điều gì cho Chúa. Con ao ước cuộc sống của con là cách thức để nói lên tấm lòng của con đối với Chúa, dù khi con sống một mình hoặc con sống trước mặt kẻ khác.

Con muốn sống lương thiện không phải để được tiếng khen của người đời nhưng là để sống theo giáo huấn của Chúa. Con muốn cầu nguyện bởi vì đời sống con cần Chúa và phải gắn bó với Chúa. Con yêu thương tha nhân vì chúng con là con của Chúa. Xin tình yêu Chúa tinh luyện mọi hành vi và cuộc sống của con. Amen.

Ghi nhớ : “Cha ngươi Ðấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho ngươi”.

 

Suy Niệm 9: Làm vui lòng Cha trên trời

(Lm Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Có một con chuột sống trong một ngôi nhà thờ cũ kỹ ở miền quê. Một hôm nó đi lang thang dạo mát bỗng gặp một con chuột khác cũng đang đi chơi. Nó liền được dịp tâm sự: “Tôi sống chui rúc dưới gầm một tòa giải tội. Nhưng chẳng được yên thân vì hầu như lúc nào cũng có người xưng tội, phá giấc ngủ của tôi”. Nghe thế, con chuột kia nói: “Vậy bạn hãy dọn đến chỗ ở của tôi. Chỗ ấy ấm áp sạch sẽ mà chẳng mấy khi có người quấy rầy, yên tĩnh lắm”. “Ô thế bạn ở đâu vậy  ?”. “Tôi ở trong thùng tiền cứu giúp người nghèo” (Trích Món quà giáng sinh).

Suy niệm

Ba việc đạo đức tiêu biểu mà người Do Thái thường làm: bố thí, cầu nguyện và ăn chay. Người pharisiêu vụ lợi hình thức luôn làm những việc này trước mặt công chúng để người khác biết và khen họ đạo đức.

Chúa Giêsu cảnh báo những người làm việc đạo đức chỉ để khoe khoang và lấy tiếng khen của người đời, như thế thì vô ích trước mặt Ngài. Mọi hành vi đạo đức nhằm phần thưởng nhân loại trần thế, thì mất phần thưởng thần linh và vĩnh cửu.

Chúa dạy hãy làm việc bác ái và các việc đạo đức cách khiêm nhường và làm cách kín chỉ mong làm vui lòng Cha trên trời. Thiên Chúa thấu suốt mọi sự sẽ thưởng cho: “Cha con, Ðấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho con”. Hơn nữa, việc đạo đức trên nền khiêm tốn và cách kín đáo xây dựng nên sự “công chính” theo Tin Mừng, có chiều sâu nội tâm của các ý hướng, quên mình và ưu tiên cho danh dự và quyền lợi của Thiên Chúa.

Xin Chúa dạy chúng ta tinh thần nhỏ bé và nhân hậu. Ðể mọi hành động, mọi việc làm của chúng ta luôn kín đáo, xuất phát từ tấm lòng chân thành khiêm cung vì Chúa và vì anh chị em. “… Và khi đã hoàn tất việc đời, lạy Thiên Chúa muôn loài, một mình, lặng lẽ, tôi sẽ đứng trước Người chiêm ngưỡng dung nhan” (R. Tagore, Đỗ Khánh Hoan dịch).

Ý lực sống:

‘‘ Mỗi người hãy cho theo như lòng đã định, không phải cách buồn rầu, hoặc miễn cưỡng: Thiên Chúa yêu thương kẻ cho cách vui lòng” (2Cr 9,7).

 

Suy Niệm 10: Hãy trung thực, đừng giả hình (Mt 6,1-6.16-18)

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

Trong số các việc đạo đức, người Do thái coi trọng 3 việc là bố thí, cầu nguyện và ăn chay. Chúa dạy chúng ta cách thức làm ba việc lành ấy cho tốt, để đáng được Chúa thưởng công.

Điều cốt yếu là khi làm ba việc lành đó, chúng ta tránh phô trương ra bên ngoài, mỗi khi làm được việc gì lành, điều gì tốt, chúng ta luôn luôn muốn cho mọi người biết. Còn khi làm việc gì không tốt thì chúng ta muốn giấu kín. Chúng ta phải làm việc lành với lòng khiêm tốn, âm thầm, kín đáo, vì lòng mến Chúa yêu người thực sự, để làm đẹp lòng Chúa, làm sáng danh Chúa, để Chúa là Đấng thấu suốt mọi bí ẩn sẽ thưởng công chúng ta.

Tin mừng hôm nay ghi lại những lời dạy của Chúa Giêsu về tinh thần tu đức cần phải có, với nguyên tắc sống đạo: đừng làm việc lành có ý phô trương cho người ta thấy. Theo luật Maisen, bố thí, cầu nguyện, ăn chay là những việc lành cao quí, và người ta thường tổ chức các việc đạo đức đó cách công khai để thúc đẩy nhiều người tham gia. Chúa Giêsu không phản đối các việc đó, nhưng Ngài chỉ muốn người ta thực hiện chúng với ý hướng mới, đó là làm vì lòng yêu mến và tìm đẹp lòng Chúa hơn là để được người ta khen ngợi. Chẳng vậy, các việc đạo đức ấy có thể chỉ có hình thức, đấy là chưa nói đến trường hợp có nhiều người làm bộ cầu nguyện lâu giờ, ăn chay nhiều ngày, bố thí rộng rãi để dễ lừa gạt người khác (Mỗi ngày một tin vui).

Nhưng lời Chúa dạy hôm nay sao mà gắt gao quá, phải không bạn ? Khi làm việc lành phúc đức tôi đã hy sinh cái lợi, cái thú rồi thì ít ra tôi cũng được phép kiếm chút danh chứ ? Câu trả lời của Chúa là KHÔNG! Chúa nói rõ: làm việc đạo đức mà cầu danh thì đấy là đạo đức giả. Điều Chúa muốn, đó là chúng ta thực thi ý Ngài với ý thức rằng:”Chúng tôi chỉ là những tôi tớ vô dụng, chúng tôi chỉ làm việc bổn phận đấy thôi” (x. Lc 17,10). Các sách Tin mừng cho thấy Chúa Giêsu đã gặp gỡ, tiếp xúc với rất nhiều loại người, nhưng gặp rắc rối là với những kẻ đạo đức giả, chứ không phải với những người tội lỗi thật (5 phút Lời Chúa).

Trước đây Chúa Giêsu trình bày sự công chính mới trong lãnh vực các điều răn, nay Ngài đề cập tới nền đạo đức mới: phải thực thi những việc đạo đức thế nào phải phù hợp với tinh thần của Chúa Kitô. Những lời khuyên bảo của Chúa Giêsu về những việc đạo đức được bao gồm ba chiều kích:

- Đối với tha nhân: bố thí.

- Đối với Thiên Chúa: cầu nguyện.

- Đối với bản thân: chay tịnh.

Ba chiều kích này tiêu biểu cho cả cuộc sống. Điều cốt yếu trong cả ba trường hợp vẫn là sống thật, sống trước mặt Thiên Chúa với ý hướng ngay thẳng và thi hành ý Chúa.

Bố thí, cầu nguyện, ăn chay là ba nét chính yếu trong đời sống đạo của người Do thái. Việc làm thì tốt, nhưng vì hình thức bên ngoài mà việc làm mang ý nghĩa khác, bởi vì có người bố thí, cầu nguyện, ăn chay chỉ là để phô diễn cái tôi của họ để rồi đánh mất đi giá trị đích thực của công việc.

- Bố thí là lời yêu thương gửi đến người khác, nhưng nếu chỉ để mình được thấy thì làm sao thấy được kẻ khác;

- Cầu nguyện là hướng về Thiên Chúa, nhưng nếu chỉ qui về mình thì làm sao còn có chỗ cho Thiên Chúa;

- Ăn chay là một đền bù cho những lỗi lầm, và diễn tả khao khát được Thiên Chúa lấp đầy, nhưng nếu con người đã no thoả trong chính mình thì làm sao họ còn cần đến Thiên Chúa.

Giữa Thiên Chúa và thế gian đã có một cách biệt rõ ràng: nếu đã tìm giá trị trần gian, con người khó lòng vươn tới được giá trị đích thực. “Họ đã được thưởng công rồi”: đó là lời tuyên bố dứt khoát đối với những ai chỉ mải miết chạy theo những giá trị trần thế.

Lời Chúa hôm nay là một hướng dẫn cho người Kitô hữu không những trong các việc làm căn bản của đời sống đạo, mà cả những công việc trong đời sống hằng ngày nữa. Công việc chỉ có giá trị khi người Kitô hữu biết nhìn công việc bằng ánh mắt của Đức Kitô và biết phân tích theo những tiêu chuẩn thẩm định của Thiên Chúa. Đó có thể là công việc mà người đời cho là tầm thường hoặc không được ai biết đến, nhưng Thiên Chúa là Đấng thấu suốt mọi sự sẽ thưởng công cho.

 Truyện: Đừng phô trương

Có một linh sư Ấn độ nổi tiếng là bậc thánh thiện. Ông đã mở được một trung tâm cầu nguyện và qui tụ được khá nhiều đệ tử. Ngày nọ có một người tìm thầy học đạo. Để thử đức vâng lời của anh, ông bảo anh phải bơi qua một dòng sông đầy cá sấu. Không chút ngần ngại, người thanh niên nhảy xuống và bơi qua sông mà không bị nguy hiểm gì cả. Anh vui mừng hô to: “Tung hô quyền năng kỳ diệu của Thầy tôi”. Sự kiện này làm cho vị linh sư tin rằng mình là một người thánh thiện. Do đó ông muốn chứng minh cho các đệ tử thấy quyền năng của mình. Ông tập họp tất cả các đệ tử trên bờ sông. Rồi ông hô lớn “Tung hô quyền năng của ta” và nhảy xuống sông. Thế nhưng vừa khi ông rơi xuống, đàn cá sấu đã ào tới cắn xé ông ra từng mảnh.

Dụ ngôn trên có thể là một định nghĩa về sự thánh thiện. Thánh thiện là sự quên mình, quên mình đến độ không còn ý thức về sự thánh thiện của mình và sử dụng chính sự thánh thiện của mình nữa. Thiên Chúa ban sự thánh thiện cho một người nào đó là để những kẻ khác được hưởng nhờ. Bao lâu sự thánh thiện của người đó còn được người khác hưởng dùng thì bấy lâu người đó còn thánh thiện. Trái lại, kể từ giây phút người đó muốn giữ riêng sự thánh thiện cho mình, thì người đó mất sự thánh thiện và đánh mất cả chính mình (Chờ đợi Chúa).

 

SUY NIỆM

1. Chữ và lời

Bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm nay, là một phần của Bài Giảng Trên Núi theo Tin Mừng của thánh Mát-thêu (Mt 5-7). Đó là bài giảng đầu tiên của Đức Giê-su; và vì thế, có tầm quan trọng đặc biệt. Thật vậy, trong bài giảng này, Đức Giê-su công bố thân phận con người như thế đó, là mối phúc (x. Mt 5, 1-12), và Người mời gọi những người đi theo Ngài thuộc mọi thời, trong đó có chúng ta hôm nay, “kiện toàn” Lề Luật (x. Mt 5, 17-48), bằng cách đặt nền tảng cho đời sống của chúng ta, cá nhân cũng như cộng đoàn, không phải chỉ trên chữ của Luật, nhưng còn trên lời của Ngài.

Chữ của Luật, như chúng ta biết, là một nguyên tắc vô tư áp dụng cho mọi người và trong mọi hoàn cảnh; vì thế, ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm về sự “nặng nề” của Lề Luật và sự “yếu đuối” của chính mình. Trong khi đó, lời của Đức Giê-su là tiếng nói sống động của một Ngôi Vị ngỏ với từng người chúng ta, vốn cũng là một ngôi vị tự do. Cùng với lời mời gọi lắng nghe và sống theo lời của Ngài, để cho chúng ta được sống và sống dồi dào, Ngài xây dựng tương quan tình yêu với chúng ta: Ngài yêu mến chúng ta đến cùng và Ngài mời gọi chúng ta ở lại trong tình thương của Ngài (x. Ga 13 và 15). Và tình yêu này được lập lại và làm mới lại mỗi ngày trong Thánh Lễ và trong mỗi ngày sống của chúng ta.

Trong đời sống cầu nguyện, cầu nguyện với Lời Chúa trong thời gian phụng vụ vừa qua, bắt đầu từ Tuần Thánh và cầu nguyện với đời mình dưới ánh sáng của Lời Chúa, chúng ta hãy xin Chúa cho chúng ta hiểu biết và cảm nếm sâu xa hơn tình yêu của Chúa dành cho chúng ta, để chúng ta yêu mến Ngài hơn. Bởi vì, chỉ có tình yêu mới làm cho lời của Ngài trở nên rực sáng và êm ái, mới làm cho việc chúng ta lắng nghe và sống lời của Ngài trở nên nhẹ nhàng và mang lại cho chúng ta bình an, niềm vui và hạnh phúc (x. Mt 11, 28-30).

2. “Đừng như những người giả hình”

Bố thí, cầu nguyện và ăn chay là ba việc đạo đức căn bản không chỉ của Do Thái giáo, nhưng trong mọi tôn giáo, trong đó có Kitô giáo của chúng ta. Trong Năm Phụng Vụ, lời giảng dạy của Đức Giêsu về ba việc đạo đức căn bản này được công bố cho chúng ta vào thứ tư Lễ Tro, để định hướng cho toàn bộ hành trình Mùa Chay.

Trong đời sống đức tin, nhất là trong mùa chay, hiển nhiên là chúng ta sẽ, ở cấp độ cá nhân và cộng đoàn, bố thí, cầu nguyện và ăn chay nhiều hơn bình thường. Tuy nhiên, lời của Đức Giêsu không nhấn mạnh đến số lượng, nghĩa là phải bố thí bao nhiêu, phải cầu nguyện bao lâu và phải ăn chay như thế nào và bao nhiêu lần (vốn là chức năng của Lề Luật), nhưng đến cách thức chúng ta thực hành ba việc đạo đức căn bản này.

  • Bố thí diễn tả tương quan của chúng ta với tha nhân.
  • Cầu nguyện diễn tả tương quan của chúng ta với Thiên Chúa.
  • Ăn chay diễn tả tương quan của chúng ta với chính mình.

Trong cả ba việc đạo đức này, Đức Giê-su mời gọi chúng ta một cách thật mạnh mẽ: “Anh em đừng bố thí, cầu nguyện và ăn chay như những người giả hình” (c.2.5.16); giả hình là chỉ có bề ngoài thôi, không có bên trong, không có sự thật. Thật vậy, những người muốn tỏ ra mình là người đạo đức, trong mọi tôn giáo và thuộc mọi thời, thường thực hành những việc này một cách phô trương; phô trương là làm vì người khác và tìm sự chú ý của người khác. Hoàn toàn không có chiều kích “thiêng liêng”, nghĩa là vì Thiên Chúa, hướng về Thiên Chúa và trong Thiên Chúa.

3. Thiên Chúa là “Đấng kín đáo”

Thay vì phô trương, Đức Giêsu mời gọi chúng ta thực hành các việc đạo đức một cách kín đáo. Trong bài Tin Mừng, Đức Giê-su dùng tới sáu lần từ “kín đáo”, trong đó 5 lần được dùng để nói về Thiên Chúa Cha:

Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.

Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.

Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, để không ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh. (c. 4.6 và 18)

Chúng ta cứ nghiệm lại mà xem: Thiên Chúa hiện diện và hành động kín đáo biết bao trong sáng tạo, trong lịch sử loài người, nơi cuộc đời chúng ta, trong mỗi ngày sống của chúng ta và nhất là nơi bí tích Thánh Thể, diễn tả và được hoàn tất nơi mầu nhiệm Thập Giá của Đức Giê-su. Chúng ta phải có ngũ quan biết chiêm niệm, như các tác giả Thánh Vịnh (x. Tv 8; 19; 139..), mới nhận ra Thiên Chúa hiện diện, lên tiếng và hành động được.

*  *  *

Như thế, Thiên Chúa, Cha của Đức Giêsu và cũng là Cha của chúng ta, là “Đấng kín đáo” và Ngài mời gọi chúng ta cũng trở nên “những người con kín đáo” như Cha của mình. Không phải để thi thố hay chứng tỏ thứ bậc khiêm nhường, nhưng để trở nên giống Cha của mình là Thiên Chúa, Đấng hiện diện nơi kín đáo và hành động một cách kín đáo.

Như chúng ta đều biết và có kinh nghiệm, phụ nữ vốn “kín đáo”. Vì thế, các Ma Sơ, các Dì các bà và các cô gần với Thiên Chúa hơn và dễ trở nên giống Thiên Chúa hơn! Và điều này hoàn toàn phù hợp với mặc khải về ơn sáng tạo người phụ nữ, vốn được tạo thành từ “tinh hoa của tạo vật”, nghĩa là từ xương từ thịt con người thay vì từ bùn đất! (x. St 2, 21-22)

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
 

Khi anh em cầu nguyện, ăn chay, và bố thí – SN song ngữ 16.6.2021

 

 

Wednesday (June 16): When you pray, fast, and give alms

 

Scripture: Matthew 6:1-6, 16-18

1 “Beware of practicing your piety before men in order to be seen by them; for then you will have no reward from your Father who is in  heaven. 2 “Thus, when you give alms, sound no trumpet before you, as the hypocrites do in the synagogues and in the streets, that they may be praised by men. Truly, I say to you, they have received their reward. 3 But when you give alms, do not let your left hand know what your right hand is doing, 4 so that your alms may be in secret; and your Father who sees in secret will reward you.5 “And when you pray, you must not be like the hypocrites; for they love to stand and pray in the synagogues and at the street corners, that they may be seen by men. Truly, I say to you, they have received  their reward. 6 But when you pray, go into your room and shut the door and pray to your Father who is in secret; and your Father who sees in secret will reward  you.16 “And when you fast, do not look dismal, like the hypocrites, for they disfigure their faces that their fasting may be seen by men. Truly, I  say to you, they have received their reward. 17 But when you fast, anoint your head and wash your face, 18 that your fasting may not be seen by men but by your Father who is in secret; and your Father who sees in secret will reward you.

Thứ Tư   16-6  Khi anh em cầu nguyện, ăn chay, và bố thí

 

Mt 6,1-6. 16-18

1 “Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng.2 Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi.3 Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm,4 để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.5 “Và khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy. Thầy bảo thật anh em: chúng đã được phần thưởng rồi.6 Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh. 16 “Còn khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi.17 Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm,18 để không ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.

Meditation: 

 

Why did Jesus single out prayer, fasting, and almsgiving for his disciples? The Jews considered these three as the cardinal works of the religious life. These were seen as the key signs of a pious person, the three great pillars on which the good life was based. Jesus pointed to the heart of the matter. Why do you pray, fast, and give alms? To draw attention to yourself so that others may notice and think highly of you? Or to give glory to God?

True piety and devotion to God

The Lord warns his disciples of self-seeking glory – the preoccupation with looking good and seeking praise from others. True piety is something more than feeling good or looking holy. True piety is loving devotion to God. It is an attitude of awe, reverence, worship and obedience. It is a gift and working of the Holy Spirit that enables us to devote our lives to God with a holy desire to please him in all things (Isaiah 11:1-2).

Completely united with God our Father 

What is the sure reward which Jesus points out to his disciples? It is communion with God our Father. In him alone we find the fullness of life and happiness, truth and beauty, love and joy. Saint Augustine of Hippo (354-430 AD) wrote the following prayer in his Confessions: When I am completely united to you, there will be no more sorrows or trials; entirely full of you, my life will be complete.

The Lord rewards those who seek him with humble and repentant hearts. He renews us each day and he gives us new hearts of love and compassion that we may serve him and our neighbor with glad and generous hearts. Do you want to grow in your love for God and for your neighbor? Seek him expectantly in prayer, with fasting, and in generous giving to those in need.

“Lord Jesus, give me a lively faith, a firm hope, a fervent charity, and a great love for you. Take from me all lukewarmness in meditating on your word, and dullness in prayer. Give me fervor and delight in thinking of you and your grace. Fill my heart with compassion for others, especially those in need, that I may respond with generosity.”

Suy niệm:

 

Tại sao Ðức Giêsu tách rời sự cầu nguyện, ăn chay, và bố thí đối với các môn đệ? Người Do thái coi ba điều này là những việc nền tảng của đời sống đạo đức. Chúng được xem là những dấu chỉ cho thấy một người đạo đức, chúng là ba trụ cột lớn mà cuộc sống đạo đức phải dựa vào. Ðức Giêsu nhắm vào tâm điểm của vấn đề. Tại sao bạn phải cầu nguyện, ăn chay, và bố thí? Để tạo sự chú ý cho mình, để người khác có thể nhận ra và nghĩ tốt về bạn chăng? Hay để làm vinh danh Chúa?

Lòng sùng kính đạo đức đích thật dành cho Thiên Chúa

Chúa cảnh báo các môn đệ về việc tìm kiếm vinh quang cho chính mình – sự quan tâm về việc làm sao cho đẹp mắt để người khác khen ngợi. Lòng đạo đức thật sự là điều vượt trên sự cảm giác tốt lành hay nhìn có vẻ thánh thiện. Lòng đạo đức thật sự là sự hiến dâng cho Thiên Chúa trong tâm tình yêu mến. Đó là thái độ của lòng kính sợ, tôn kính, tôn thờ, và vâng phục. Đó là ân huệ và tác động của Chúa Thánh Thần để giúp chúng ta hiến dâng cuộc đời mình cho Thiên Chúa với lòng ao ước thánh thiện để làm vui lòng Người trong mọi sự (Is 11,1-2).

Kết hiệp hoàn toàn với Chúa Cha

Điều gì là phần thưởng chắc chắn mà Ðức Giêsu đưa ra cho các môn đệ? Đó là sự kết hiệp với Chúa Cha. Chỉ trong Người, chúng ta mới tìm được sự viên mãn của cuộc đời, hạnh phúc, và sự thật. Chớ gì lời cầu nguyện của Thánh Augustine thành Hippo (354-430 AD) đã viết trong tác phẩm “tự thú” của ngài, trở thành lời cầu nguyện của chúng ta trong mùa Chay này: “Khi con hoàn toàn kết hiệp với Chúa, sẽ không còn buồn phiền hay thử thách; khi con có Chúa cách trọn vẹn, cuộc đời con sẽ được trọn vẹn.”

Chúa ban thưởng cho những ai tìm kiếm Người với tâm hồn khiêm nhường và thống hối. Chúa muốn đổi mới chúng ta mỗi ngày và ban cho chúng ta trái tim mới của tình yêu và lòng trắc ẩn. Bạn có muốn lớn lên trong tình yêu của bạn dành cho Thiên Chúa và cho tha nhân không? Hãy tha thiết tìm kiếm Người trong cầu nguyện, ăn chay, và trong sự quảng đại cho đi đối với những ai đang thiếu thốn.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho con một đức tin sống động, đức cậy vững vàng, đức mến nồng cháy, và tình yêu lớn lao dành cho Chúa. Xin cất khỏi con tất cả sự thờ ơ trong sự suy gẫm lời Chúa và sự lười biếng trong cầu nguyện. Xin ban cho con lòng hăng say và vui mừng trong việc nghĩ về Chúa và ơn sủng của Chúa và xin lấp đầy con với sự trắc ẩn dành cho tha nhân, đặc biệt với những ai đang thiếu thốn, để con có thể đáp trả với lòng quảng đại.

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây