Thứ Tư tuần 19 thường niên
Thứ ba - 15/08/2023 03:28
Lời Chúa: Mt 18, 15-20
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Nếu anh em con lỗi phạm, hãy đi sửa dạy nó, riêng con và nó thôi. Nếu nó nghe con, thì con đã lợi được người anh em. Nếu nó không nghe lời con, hãy đem theo một hoặc hai người nữa, để mọi việc được giải quyết nhờ lời hai hoặc ba nhân chứng. Nếu nó không nghe họ, hãy trình với cộng đoàn. Và nếu nó cũng không nghe cộng đoàn, con hãy kể nó như người ngoại giáo và như người thu thuế.
"Thầy bảo thật các con, những gì các con cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc, và những gì các con tháo gỡ dưới đất thì trên trời cũng tháo gỡ.
"Thầy cũng bảo thật các con, nếu hai người trong các con, ở dưới đất, mà hiệp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời, sẽ ban cho họ điều đó. Vì ở đâu có hai hoặc ba người tụ họp nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa những người ấy".
Suy Niệm 1: Sửa lỗi người anh em
(Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)
Trong Giáo hội ngay từ thuở ban đầu, đã có những người sai lỗi.
Nếu đó chỉ là những sai lỗi nhỏ giữa các cá nhân trong cộng đoàn
thì cần tha thứ cho nhau (Lc 17, 3-4).
Nhưng nếu đó là những sai lỗi nghiêm trọng đụng chạm đến cộng đoàn,
vô tình hay cố ý sống ngược với giáo huấn căn bản của Đức Giêsu,
thì cộng đoàn không thể nhắm mắt làm ngơ
mà không sửa sai cho người anh em phạm lỗi.
Bài Tin Mừng hôm nay phản ánh cách sửa lỗi trong cộng đoàn thánh Mátthêu.
Người phạm lỗi nặng ở đây vẫn được gọi là người anh em (c. 15).
Tiến trình sửa sai huynh đệ này diễn ra từ từ, từng bước một.
Bước này thất bại mới chuyển qua bước kế tiếp.
Bước một là cuộc gặp gỡ kín đáo giữa người sửa lỗi và người phạm lỗi.
Mục đích là để giúp người phạm lỗi biết lắng nghe lời góp ý chân tình,
nhận ra lỗi của mình và thay đổi cuộc sống cho phù hợp.
Bước hai diễn ra khi bước một thất bại, khi người phạm lỗi không chịu nghe.
Người sửa lỗi sẽ đem theo hai, ba người nữa để tăng sức thuyết phục.
Nếu người phạm lỗi vẫn khăng khăng không nghe,
thì bước kế tiếp là phải đưa chuyện này ra trước Giáo hội địa phương (c. 17).
Bước cuối cùng chỉ xảy ra khi người anh em ấy vẫn ngoan cố,
không muốn nghe tiếng nói của cộng đoàn Giáo hội,
nghĩa là tự đặt mình ra ngoài sự hiệp thông với cộng đoàn tín hữu,
thì Giáo hội đành lòng không nhận anh ấy như phần tử của Giáo hội nữa.
Có thể ngày nay Giáo hội có những cách sửa lỗi khác,
nhưng những nét dưới đây vẫn giữ nguyên giá trị:
coi người phạm lỗi như anh em và không muốn mất người ấy,
kiên trì đối thoại, cố gắng để người anh em ấy nghe ra và nhận lỗi,
kín đáo giữ thanh danh cho người ấy, đi từng bước trước khi quyết định.
Ngay cả khi Giáo hội đã đưa ra quyết định cuối cùng,
thì việc trở lại với cộng đoàn vẫn luôn mở ngỏ, nếu người ấy muốn làm hòa.
Đức Giêsu phục sinh đã cho Giáo hội dưới quyền thánh Phêrô
được quyền tháo cởi và ràng buộc (Mt 16, 19b; Ga 20, 23)
khi phải đưa ra các quyết định về những phần tử của mình (c. 18).
Sự hiện diện của những nhóm nhỏ trong cộng đoàn là điều có từ xưa.
Tuy nhóm chỉ có hai người, nhưng nếu họ đồng lòng xin một ơn nào đó,
thì Cha trên trời sẽ ban cho (c. 19).
Có nhóm hai hay ba người hội họp với nhau nhân danh Đức Giêsu,
thì Ngài có mặt ở trong cuộc gặp gỡ đó, và Ngài ở giữa họ (c. 20).
Đức Giêsu là Đấng Emmanuen, là Thiên Chúa ở cùng chúng ta (Mt 1, 23).
Đức Giêsu phục sinh cũng hứa ở với các môn đệ cho đến tận thế (Mt 28, 20).
Chính vì thế Ngài hiện diện một cách kín đáo, thầm lặng
Thiên Chúa đã đi với dân Ngài trong hoang địa.
Hôm nay Chúa Giêsu vẫn đồng hành với chúng ta khi ta để cho Ngài quy tụ.
Ngài vẫn hiện diện ở nơi nhóm bạn có chung một niềm tin và tình yêu.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
Cuộc đời chúng con
Diễn ra quanh những chiếc bàn,
Làm bằng những chất liệu khác nhau,
Kiểu dáng khác nhau, đặt ở những chỗ khác nhau.
Nơi bàn học,
Ngài mở trí tuệ chúng con
Trước những chân trời mới,
Và dạy chúng con học đạo làm người.
Nơi bàn ăn,
Ngài nuôi dưỡng thân xác chúng con
Để chúng con có sức phục vụ tha nhân
Nơi bàn làm việc,
Ngài cho chúng con được cộng tác với Ngài
Trong việc xây dựng thế giới đại đồng huynh đệ.
Nơi bàn thờ,
Ngài cho chúng con được hiệp thông với Ngài,
Và hiệp nhất với nhau qua một tấm bánh thánh.
Lạy Chúa
Giờ đây chúng con ngồi quanh chiếc bàn này,
Để gặp gỡ, chia sẽ, để bàn bạc, thảo luận,
Để cùng nhau tìm ý Chúa và đem ra thực hành.
Xin thánh hóa những chiếc bàn chúng con sử dụng
Để tất cả trở nên con đường
Đưa chúng con đến hưởng bàn tiệc thiên quốc. Amen
Suy Niệm 2: Sửa lỗi
(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)
Thiên Chúa thánh thiện không thể chịu được tội lỗi. Tội lỗi phải bị khai trừ. Tuy nhiên cách khai trừ có khác biệt từ Cựu Ước sang Tân Ước. Thời Cựu Ước cách khai trừ tội lỗi khắc nghiệt. Công lý nhiều hơn tình thương.
Ê-dê-kiên cho thấy cuộc thanh tẩy Giê-ru-sa-lem đầy máu. Thiên Chúa tiêu diệt thành phố tội lỗi: “Vinh quang Đức Chúa bay lên khỏi thềm Đền Thờ và dừng lại trên các thần hộ giá. Các thần hộ giá dang cánh và cất mình lên khỏi mặt đất…các bánh xe cũng chuyển theo”. Và một cuộc trừng phạt tàn sát không xót thương diễn ra: “Hãy đi theo người ấy vào thành mà chém giết. Đừng nhìn mà thương hại, đừng xót thương. Người già, thanh niên, thiếu nữ, cũng như đàn bà con trẻ, các ngươi hãy giết cho sạch”. Thật là nghiệt ngã (năm chẵn).
Ngay cả Mô-sê, một người tôi tớ trung tín suốt đời tận tuỵ phục vụ Chúa, người đã làm biết bao điềm kỳ phép lạ, người giải phóng Ít-ra-en khỏi ách nô lệ Ai cập, người thiết lập một dân mới, người ban bố lề luật, thế mà cũng bị phạt khắc nghiệt. Thực ra tội của Mô-sê chính là tội của dân. Vì thương dân và chiều theo dân nên bỏ lời Chúa. Thế mà ông bị trừng phạt nặng nề. Không được vào đất hứa. Chết nơi xứ lạ quê người. Không chôn cất mồ mả. “Ông Mô-sê, tôi trung của Đức Chúa, qua đời tại đó, trong đất Mô-áp, theo lệnh Đức Chúa…Cho đến ngày hôm nay, không ai biết mộ ông ở đâu” (năm lẻ).
Đến thời Tân Ước, tình yêu thương được đề cao hơn công lý. Chúa truyền cho các cộng đoàn phải sửa lỗi anh em trước khi trừng phạt. Khi sửa lỗi cũng phải tế nhị. Trước hết phải kín đáo riêng tư. Khi không thể thuyết phục riêng tư mới dùng đến ảnh hưởng cộng đoàn. Phải cứu sống hơn giết chết. Phải tha thứ hơn kết án. Phải đón nhận hơn loại trừ. Phải sửa chữa hơn vất bỏ. Phải xây dựng hơn phá huỷ. “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em”. Sự hợp nhất phải xây dựng từ những đớn đau của thương tích, của tha thứ, của chữa lành. Bấy giờ tình yêu thương đoàn kết sẽ vô cùng quí giá và sâu xa. Đó chính là nền tảng để dâng lời cầu nguyện và được Chúa nhận lời: “Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ”. Họp lại sau những xung khắc lỗi lầm mới thực sự sâu xa bền chặt.
SUY NIỆM 3: CÁI TÔI CÁ VỊ VÀ CÁI TÔI CỘNG ĐỒNG − Giuse Nguyễn Trọng Sơn
Câu chuyện ông Môsê không vào đất hứa thường được nhìn như là hình phạt của Đức Chúa vì ông yếu tin khi đập gậy vào tảng đá hai lần, theo bản văn sách Dân Số (x. Ds 20,12). Tuy nhiên, bản văn sách Đệ Nhị Luật hôm nay xem ra không có ý đó, mà là một cái nhìn rất tích cực về ông. Một thực tại là ông đã không vào đất hứa, và cũng có thể là Đức Chúa đã trách ông về sự yếu tin. Nhưng thử nhìn chuyện ông không vào đất hứa với cách nhìn khác xem sao.
Bản văn Đệ Nhị Luật hôm nay nói rằng ông Môsê đã được trò chuyện với Chúa thân thiện, gần gũi như hai người bạn, mặt giáp mặt. Ông cũng là người thực hiện những điềm thiêng dấu lạ, “Ông Môsê đã biểu dương tất cả sức mạnh bàn tay ông và gây tất cả nỗi kinh hoàng lớn lao trước mắt toàn thể Israel.” (34,12). Thường thì các bản văn Thánh Kinh nói về sức mạnh tay Chúa, những điềm thiêng dấu lạ được Thiên Chúa thực hiện, nhưng ở đây thì nói là ông Môsê. Dĩ nhiên, người ta hiểu là Thiên Chúa thực hiện qua tay ông, nhưng cách nói này cho thấy cái nhìn rất đáng kính về ông. Nhưng rồi, ông dừng lại ở bên cạnh đất hứa mà không vào. Vai trò của ông dừng lại ở đây để nhường chỗ cho ông Giôsuê, người phụ tá của ông. Bản văn viết: “Ông được mai táng trong thung lũng...” (Đnl 34,6). Cụm từ “được mai táng” ở ngôi thứ ba số ít có khi được cắt nghĩa là chính Thiên Chúa mai táng ông. Điều này cho thấy Thiên Chúa yêu quý ông đồng thời Ngài muốn ông dừng lại ở đó. Và người ta không tìm thấy xác ông nữa. Ông Môsê đã xoá mình hoàn toàn để dành chỗ cho người khác.
Mỗi người có giá trị riêng của mình, đáng quý trọng và đáng tự tin. Nhưng cái tôi cá vị ấy không ở bên lề cuộc sống, không đi song song mà không hề gặp gỡ với người khác. Cái tôi cá vị ấy cần gặp gỡ những cái tôi cá vị khác, phối hợp với nhau và làm nên cái tôi cộng đồng, tức là có tôi trong đó, nhưng không cô độc, mà là trong tương tác, hoà nhịp người khác. Mỗi người có vị trí của mình, nhưng được phối hợp với vị trí của những người chung quanh. Tìm thấy niềm vui là chính mình cùng với niềm vui khi nhìn thấy người khác là chính họ, và tìm thấy niềm vui trong khi cùng lớn lên với nhau, đó là cách sống hạnh phúc mà Thiên Chúa muốn nơi chúng ta. Lắng nghe người khác, nghe những góp ý của họ để cùng lớn lên, đó là lời mời gọi của Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay.
SUY NIỆM 4: HUYNH ĐỆ CHỈ BẢO - ĐGM. PHAOLÔ NGUYỄN THANH HOAN
Cộng đoàn tình yêu đối xử thế nào với người có khuyết điểm? Trong Tin mừng hôm qua, ta thấy Chúa Giê-su đặt ra nguyên tắc hàng đầu của đời sống cộng đoàn là phải trở nên người bé nhỏ và phải thương những người bé nhỏ.
Trở nên người bé nhỏ trong thái độ khiêm tốn, tin thác vào Thiên Chúa như em bé đặt tất cả tin tưởng nơi người mẹ hiền . Bé nhỏ cũng có nghĩa là biết hạ mình, biết phục vụ như người tôi tớ.
Vấn đề thương yêu người bé nhỏ, người bé nhỏ ở đây chẳng những là em bé mà còn là những người bất lực, bất hạnh, nghèo đói và cả những người tội lỗi, người có nhiều khuyết điểm. không thể loại trừ họ, trái lại phải đi tìm họ như chủ chăn đi tìm con chiên lạc.
Tin mừng hôm nay tiếp tục phát huy tư tưởng đi tìm con chiên lạc.
“Nếu anh em con có lỗi…’’ lời Chúa rất cần nhắc ở đây, người có lỗi vẫn là người anh em. Và không có ảo tưởng rằng trong cộng đoàn ai cũng tốt như ai. Nhưng người có lỗi không phải là con người mất hy vọng tiến lên. Biết bao nhân vật trong tin mừng vốn là người có một quá khứ xấu , ai ai cũng biết. nhưng chính tin mừng tình yêu đã đem họ trở về, Gia-kêu, Ma-ri-a Ma-đa-lê-na, tên kẻ trộm giết người, Phao-lô.v..v..
Ba nguyên tắc Chúa lần lượt đem ra để đối xử với người tội lỗi:
Trước hết, là tin rằng người có lỗi vẫn có hy vọng hoán cải, qua những lời tâm sự riêng tư trong tình bác ái Chúa Ki-tô. Điều này đòi sự kiên nhẫn và tôn trọng người anh em thật tế nhị.
Nguyên tắc thứ hai, là nếu quá chú trọng đến quyền lợi cá nhân thì có khi thiệt hại cho quyền lợi công đoàn . Đây muốn nói đến quyền lợi tinh thần, vì thế ,sự việc cần đến cộng đoàn giúp đỡ.
Nguyên tắc thứ ba, là xác tín rằng mỗi người chúng ta phải là phản ảnh tình yêu của Chúa Ki-tô, vừa năng động vừa dịu hiền kiên nhẫn, vừa tôn vinh con người, vừa sẵn sàng tận hiến.
Cầu nguyện:
Lạy chúa Giê-su yêu mến!
Chúng con tả ơn Chúa đã an bài xếp đặt cuộc đời mọi người, để chúng con trở nên những kẻ đồng hành với nhau trong lý tưởng tình yêu Chúa .
Chúng con biết mình là nhưng người yếu đuối, cộng đoàn chúng con đang đi những bước khó khăn, nhưng trong tinh thần hiệp nhất của tình yêu Chúa, chúng con tin tưởng Chúa sẽ dẫn đưa chúng con trên những nẽo chưa tường để về tới bến bình an.
Nguyện xin Chúa thương cho chúng con biết thương yêu nhau thật tình, biết giúp nhau sữa đổi những khuyết điểm để hoàn thiện con người biết yêu thương phục vụ. Xin cho chúng con biết tin tưởng lẫn nhau và tránh xa những tư tưởng bè phái, chia rẽ. khi có sự hiểu lầm va chạm, chúng con biết trực tiếp chia sẻ, không đem chuyện chỗ này đến chỗ kia, không nói hành nói xấu nhau. Bởi vì Chúa đã dạy chúng con không được kết án, xét đoán ai. Đó là quyền tối cao Chúa định liệu vào ngày sau hết.
Lay Chúa, xin ban sự bình an và hiệp nhất giữa Giáo hội hoàn cầu, cũng như trong giáo phận chúng con. Biết bao sự yếu đuối của con người cùng với sự thúc đẩy của sa-tan, đã làm cho sự hiệp nhất của Giáo hội trở nên đổ bề trầm trọng, phân ly sâu xa. Chúa đã từng cầu nguyện cho sự hiệp nhất này trong những giờ sau hết của cuộc đời Chúa. Nhưng vì tôn trong sự tự do của con người, Chúa đành phải để xảy ra những ly khai trầm trọng.
Nguyện xin Chúa thức tỉnh tâm hồn mọi người tín hữu, cho họ được trung thành với những nguyên tắc của đức thương yêu, để mọi người hiệp nhất nên một. Amen.