Thứ Tư tuần 2 mùa vọng
"Hãy đến với Ta, hỡi những ai vất vả cực nhọc".
LỜI CHÚA: Mt 11, 28-30
Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: Hãy đến với Ta tất cả, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi. Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta dịu hiền và khiêm nhượng trong lòng, và tâm hồn các ngươi sẽ gặp được bình an.
Vì ách của Ta thì êm ái và gánh của Ta thì nhẹ nhàng.
Suy niệm 1: Ách của tôi êm ái - Lm Ant. Nguyễn Cao Siêu, SJ.
Khi quy hoạch thành phố tương lai, người ta không quên dành một khu vui chơi giải trí. Nghỉ ngơi thư giãn là một nhu cầu quan trọng cho những ai sống trong nền kinh tế thị trường. Nghỉ ngơi không chỉ cần cho thân xác hay trí óc. Nghỉ ngơi còn cần cho tâm hồn. Cái tâm của chúng ta cần được sống trong an tĩnh giữa sóng gió dao động, giữa chợ đời bon chen. Nhiều người bị suy nhược thần kinh, bị stress. Có người tự tử vì không đủ sức để tiếp tục sống. Ðức Giêsu mời gọi chúng ta đến với Ngài, tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề. Gánh nặng của nỗi buồn đau và vấp ngã trong quá khứ. Gánh nặng của trách nhiệm và yếu đuối hiện tại. Gánh nặng phải mang vì người khác... Tất cả những ai bị căng thẳng và lo âu, chán chường và mệt mỏi. Tất cả những ai muốn tìm một chút nghỉ ngơi. Hãy đến với Ngài, ta sẽ gặp được sự an tĩnh. Hãy mang lấy ách của tôi. Ðức Giêsu không ngần ngại nói đến ách của Ngài mà những kẻ đến với Ngài phải mang. Ngài không giấu ta về những đòi hỏi nghiêm túc, về con đường hẹp mà ít người muốn đi, về thánh giá mà ta phải vác để theo Ngài. Như thế sự an bình thư thái Ngài hứa ban đâu phải là thứ bình an rẻ tiền, không cần từ bỏ. Ðó là thứ bình an ngay giữa khổ đau và nước mắt, vì biết mình được Thiên Chúa yêu thương, vì xác tín là mình đang làm đúng ý Thiên Chúa. Nếu ách của Ngài êm và gánh của Ngài nhẹ, thì là vì chúng được đón nhận trong tình yêu. Tình yêu làm cho mọi sự trở nên êm nhẹ. “Chỗ nào có lòng yêu mến, thì không cảm thấy vất vả; mà giả như có vất vả đi nữa thì người ta cũng thích cái vất vả đó” (thánh Âutinh) Hãy học với tôi. Ðức Giêsu kêu gọi chúng ta làm học trò của Ngài. Chúng ta học trường Giêsu, học Thầy Giêsu, học bài Giêsu. Bài học nằm nơi chính trái tim Ngài: “Vì tôi có trái tim hiền hậu và khiêm nhu.” Khi mang trong mình những tâm tình của Thầy Giêsu thì tâm hồn ta sẽ được bình an trở lại. Chúng ta cần theo học Thầy Giêsu suốt đời, cần lột bỏ những tự hào về khôn ngoan thông thái, cần sống hồn nhiên khiêm tốn như trẻ thơ. Chỉ như thế chúng ta mới được Thầy Giêsu mạc khải, và đưa vào thế giới của Thiên Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho con trở nên đơn sơ bé nhỏ, nhờ đó con dễ nghe được tiếng Chúa nói, dễ thấy Chúa hiện diện và hoạt động trong đời con. Sống giữa một thế giới đầy lọc lừa và đe dọa, xin cho con đừng trở nên cứng cỏi, khép kín và nghi ngờ. Xin dạy con sự hiền hậu để con biết cảm thông và bao dung với tha nhân. Xin dạy con sự khiêm nhu để con dám buông đời con cho Chúa. Cuối cùng, xin cho con sự bình an sâu thẳm, vui tươi đi trên con đường hẹp với Ngài, hạnh phúc vì được cùng Ngài chịu khổ đau. Amen.
Kiếp sống con người thật vất vả. Tác giả Thánh vịnh nói cuộc đời con người “phần lớn là gian lao khốn khổ” khi sống trong “thung lũng nước mắt”. Không phải chỉ có đau khổ, nhưng còn những gánh nặng: gánh nặng sự sống, gánh nặng bổn phận, nhất là gánh nặng tội lỗi. Isaia cho biết tự sức con người không gánh nổi đời mình. Vì kiếp người quá vất vả gian lao. Đến nỗi “thanh niên thì mệt mỏi, nhọc nhằn, trai tráng cũng ngả nghiêng, lảo đảo”.
Phải đến với Chúa vì “những người cậy trông Đức Chúa thì được thêm sức mạnh. Như thể chim bằng, họ tung cánh. Họ chạy hoài mà không mỏi mệt”.
Hôm nay Chúa Giêsu khẳng định: “Hãy đến với Ta, hỡi tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho”.
Chúa Giêsu mời gọi ta đến với Chúa vì chính Chúa đã đến với ta. Như Chúa đã chấp nhận gánh nặng nhân loại, Chúa mời gọi ta hãy chấp nhận gánh nặng của bản thân, của tội lỗi, của trách nhiệm của ta.
Chúa Giêsu mời gọi ta đến với Chúa để Chúa bổ sức cho ta. Sức riêng ta không vác nổi gánh nặng. Nhưng có sức của Chúa ta sẽ mạnh mẽ như Isaia đã loan báo: “Những người cậy trông Đức Chúa thì được thêm sức mạnh”.
Chúa Giêsu mời gọi ta đến với Chúa để thăng hoa thánh giá đời ta khi không coi đó là ách giữa đàng, nhưng coi đó là ách của Chúa. Ách của Chúa là tình yêu. Tình yêu có sức biến đổi lạ lùng. Ách nặng nề sẽ trở nên ngọt ngào nhẹ nhàng khi ta gánh vác với tình yêu mến.
Mùa Vọng đã qua đi được một nửa, cuộc chờ đợi còn kéo dài, cuộc thanh luyện càng quyết liệt, nhưng ta hãy an tâm tiếp tục lên đường, vì Chúa hằng theo dõi bước đường của ta, Chúa hằng ban ơn trợ giúp ta, và nhất là Chúa Giêsu cùng đi với ta, cùng chia sẻ gánh nặng với ta. Thật là một chặng đường gian khổ nhưng đầy ngọt ngào vì có Chúa và được cùng Chúa chia sẻ. MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆM
Suy Niệm 3: Những ai khó nhọc hãy đến với Ta
Sách "Liệt Tử" có câu truyện như sau:
Nước Tống có một người đã đứng tuổi tự nhiên mắc phải chứng bệnh quên lãng. Buổi sáng lấy gì của ai, buổi chiều đã quên. Hôm nay ai cho cái gì ngày mai lại chẳng nhớ. Ra đường quên cả đi, về nhà quên cả ngồi. Trước đã làm gì và bây giờ đang làm gì đều quên hết, sau này cũng chẳng nhớ. Cả nhà rất lo lắng về bệnh tình của anh nên đã mời thầy thuốc, chạy đủ hết mọi cách mà cũng chẳng khỏi.
Sau đó có ông thầy đồ người Lỗ nói rằng là tôi chữa được.
Người bệnh hứa với ông đồ: Hễ chữa được bệnh sẽ chia cho ông một phần gia tài.
Trước khi trả lời đáp ứng nhận chữa bệnh, ông đồ dùng nhiều cách thức khác nhau để tìm hiểu khả năng trí nhớ của người bệnh này. Trước hết ông đồ thử bằng cách lột áo của người bệnh để rét lạnh thì thấy anh ta xin áo. Bỏ đói không cho ăn thì anh ta xin ăn. Ðem anh ta vào chỗ tối tăm thì anh ta xin ra chỗ sáng. Sau đó ông đồ mới nhận lời chữa bệnh. Chẳng biết ông đồ chữa thế nào mà sau bảy ngày anh ta đã hết bệnh và trở lại bình thương.
Tuy nhiên, khi đã tỉnh táo như thường thì anh ta lại nổi giận, chửi vợ đánh con, cầm dao rượt đuổi ông đồ.
Người ta bắt giữ anh ta lại hỏi: Tại sao anh lại giận dữ như vậy?
Anh ta trả lời: Lúc trước tôi mắc bệnh quên thì lòng tôi thảnh thơi khoan khoái, trời đất có còn hay không tôi cũng chẳng cần biết. Nay tôi lành bệnh, tôi nhớ lại tất cả những chuyện của mấy mươi năm về trước như chuyện buồn, vui, yêu, ghét, thành công, thất bại, lòng tôi trở nên bối rối, ngổn ngang trăm mối. E rằng sau này các việc ấy cứ bám cứng lấy tâm trí tôi thì dù cho muốn quên chúng đi trong một giây, một phút liệu tôi có được như ý muốn hay không?
Anh chị em thân mến!
Nhìn một người điên, người mất trí, có kẻ chép miệng khen người ấy hạnh phúc, vì chẳng có gì phải lo âu phiền muộn. Thế nhưng nếu hỏi lại những người vừa buông lời khen này xem họ có muốn trở thành người hạnh phúc kiểu như vậy không? Chắc chắn họ sẽ trốn chạy trước câu trả lời, vì đã làm người thì chẳng ai muốn mình được gọi là kẻ ngây ngô, không nhớ, không biết chuyện gì. Không muốn bị gọi là kẻ ngây ngô thì con người lại phải đối đầu với lo âu, phiền muộn, nóng giận, đau khổ, chúng là gánh nặng của thuyết nhân sinh.
Mở mắt chào đời lúc ngửa tay đón nhận sự sống thì cũng là lúc con người phải mang lấy gánh nặng nề. Bởi thế, không ít kẻ dám đánh đổi tất cả để tìm kiếm một chút thú vui để được quên trong chốc lát, có kẻ tìm quên trong sợi khói phù du, có người tìm quên trong men say trác táng, rồi cũng tìm được thú vui trong chốc lát. Nhưng rồi sau những phút giây ngán ngủi ấy, thực tế lại trở nên nặng nề hơn, gánh nặng cuộc đời càng xúi giục sâu hơn.
Lại cũng có những triết thuyết như vô cảm, vô vị, vô sắc chỉ giúp con người giải thoát lo âu vướng bận của cuộc sống, thực hiện những hướng dẫn đó thật là một thái độ lý tưởng cho những ai muốn kiếm tìm sự bình an. Thực tế trong cuộc sống thử hỏi mấy ai hiểu được điều này, vì cuộc sống con người gắn liền với cái cảm tính lo âu, nóng giận, buồn phiền ...có tránh cũng chẳng thoát, khó nhọc và gánh nặng là thân phận của kiếp sống con người.
Về phần Chúa Giêsu, cảm thông với phận kiếp làm người nên khi đến cứu chuộc trần gian Ngài đã nhận một cuộc đời lam lũ ở làng quê Nazareth. Và qua bài Tin Mừng hôm nay, Ngài kêu gọi những ai khó nhọc và gánh nặng hãy đến với Ngài, nếu luật lệ Do Thái đã bị các luật sĩ và biệt phái biến thành chiếc ách kìm kẹp dân Chúa. Hãy đến với Ngài, nếu đau khổ của kiếp nhân sinh như chiếc gánh đè nặng trên vai con người. Ðến với Ngài không phải để được cất khỏi những điều ấy. Vì Ngài đến không phải để hủy bỏ lề luật, nhưng là để kiện toàn lề luật và làm cho ách trở nên êm ái và gánh trở nên nhẹ nhàng.
Lề luật phải được giữ trong tinh thần và sự thật. Lề luật giải phóng con người và đau khổ là con đường dẫn đến vinh quang. Gánh trở nên nhẹ nhàng vì từ nay con người không phải một mình mang lấy đau khổ nhưng đã có người chia sẻ cảm thông. Dân tộc Do Thái đã hằng mong mỏi chở Ðấng Cứu Thế đến, vì khi Ngài đến Ngài sẽ lau khô mọi giọt lệ trên khuôn mặt và kẻ nhọc mệt sẽ được Ngài nâng đỡ bổ sức.
Sống trong tâm tình mùa vọng, mùa trông đợi, ước mong rằng mỗi người trong chúng ta cũng sẽ tìm đến với Chúa Giêsu, Ðấng Cứu Thế để được Ngài an ủi, nâng đỡ, bổ sức và đồng thời học nơi Ngài tâm tình biết chia sẻ cảm thông với người khác. Vì mang kiếp phận con người chẳng ai tránh khỏi khó nhọc và gánh nặng, nhưng khó nhọc sẽ bớt khi được người chia sẻ, gánh nặng sẽ vơi khi có kẻ cảm thông.
(Trích trong ‘Suy Niệm Phúc Âm Hằng Ngày’ - Radio Veritas Asia)
Suy niệm 4: Mang lấy ách của Chúa - Lm. Phêrô Nguyễn Trọng Chức
“Stress” hay là “căng thẳng” hiện diện trong cuộc sống của mỗi người chúng ta. Tình trạng này là do áp lực từ nhiều phía như công việc, tài chính, mối quan hệ trong gia đình và xã hội, vấn đề của bản thân như sức khỏe, bệnh tật, những suy nghĩ tiêu cực…. Chúng là những gánh nặng vô hình đang đè lên vai của mỗi người chúng ta khiến mỗi người cảm thấy mệt mỏi về thể xác cũng như về tinh thần. Trạng thái căng thẳng cũng len lỏi vào đời sống Giáo Hội. Chúng ta cảm thấy mệt mỏi khi chứng kiến những bất hoà, tranh chấp, chia rẽ, bè phái xảy ra giữa những Kitô hữu với nhau. Nếu như những gánh nặng đó không thể nào mất đi được, thì làm thế nào chúng ta có thể mang nó mà không cảm thấy nặng nề nữa?
“Cái ách” là một khúc gỗ uốn (hay đẽo) cong buộc vào cổ con trâu, con bò hay con ngựa để chúng kéo cày hay kéo xe. Hình ảnh “cái ách” được dùng để diễn tả cho bất kỳ gánh nặng hoặc ràng buộc nào như chế độ nô lệ hoặc như các luật lệ rắc rối áp đặt cho ai đó.[1] Các kinh sư và các người Pharisêu là những người có trách nhiệm giải thích lề luật cho dân chúng. Thế nhưng, họ đã lợi dụng luật để làm khổ dân chúng. Họ đã biến lề luật thành những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào (x. Mt 23,3). Vì thế Chúa Giêsu đã cật lực lên án họ rằng: “Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình ! Các người nộp thuế thập phân về bạc hà, thì là, rau húng, mà bỏ những điều quan trọng nhất trong Lề Luật là công lý, lòng nhân và thành tín. Các điều này vẫn cứ phải làm, mà các điều kia thì không được bỏ” (Mt 23,23).
Trái ngược với những cái ách nặng nề do các nhà lãnh đạo tôn giáo làm ra, Chúa Giêsu nói ách của ngài thì “êm ái”. Từ “êm ái”, χρηστός [chrestos] theo nghĩa Hy Lạp, vừa có nghĩa là “vừa văn” vừa có nghĩa là “dễ dàng”.[2] Những chiếc ách được thiết kế riêng để phù hợp với con bò khi lao động. Chúng ta được mời gọi là mang lấy “ách êm ái của Chúa Giêsu”. Nếu cặp bò bị mang cái ách đôi, thì Chúa Giêsu mời gọi mỗi người chúng ta hãy mang lấy ách chung với Người, kết hợp cuộc sống của chúng ta với Người, ý chí của chúng ta với ý chí của Người, trái tim của chúng ta với trái tim của Người.
Chúa Giêsu cũng nói “gánh tôi nhẹ nhàng”. Có một câu chuyện kể về một người đàn ông từng gặp một cậu bé đang cõng một cậu bé nhỏ hơn bị què trên lưng. Người đàn ông thốt lên: “Đó là một gánh nặng mà cháu đang mang”. “Em ấy không nặng; em ấy là em trai của tôi!” cậu bé trả lời. Câu chuyện này tưởng chừng như không tưởng, nhưng thực tế cũng đã diễn ra. Tại Thanh Hóa, có hai cậu học trò cõng nhau đi học suốt mười năm, cuối cùng trở thành học sinh giỏi tỉnh và thi tốt nghiệp trên hai mươi tám điểm: đó là em Nguyễn Tất Minh và em Ngô Minh Hiếu. Tất Minh bị khuyết tật bẩm sinh từ lúc mới chào đời với hai chân bị liệt, một tay bị co quắp không thể cử động được. Nghĩ thương bạn không thể tự đi lại, Hiếu tình nguyện ngày ngày sang cõng bạn đến trường. Cứ thế suốt hơn 10 năm qua, trừ khi nghỉ hè, nghỉ Tết, hai bạn đều đến đón nhau đi học, đi chơi, cắt tóc cũng đi với nhau, không bỏ Minh buổi nào.[3]
Chiếu giải ánh sáng Lời Chúa vào câu chuyện trên, chúng ta hiểu được ý nghĩa này: Không có gánh nặng nào là quá nặng khi nó được trao đi trong tình yêu và được mang trong tình yêu. Khi chúng ta mang ách đời mình với Chúa Giêsu, Người cũng mang gánh nặng của chúng ta cùng với chúng ta và ban cho chúng ta sức mạnh để đi theo con đường yêu thương của Người. Như ngôn sứ Isaia đã nói, những ai trông cậy vào Chúa, thì “Người ban sức mạnh cho ai mệt mỏi, kẻ kiệt lực, Người làm cho nên cường tráng”, Còn những ai không biết trông cậy nơi Người, cho dẫu là thanh niên cũng mệt mỏi, nhọc nhằn; cho dẫu là trai tráng cũng ngả nghiêng, lảo đảo (x. Is 40,29-31). Vậy, chúng ta có cảm nếm niềm vui được nghỉ ngơi trong sự hiện diện của Chúa Giêsu và cùng đi với Người hàng ngày trên con đường Người dành cho chúng ta hay không?
Trong Mùa Vọng, chúng ta chuẩn bị việc Đấng Cứu Thế sắp ngự đến. Các ngôn sứ đã báo trước rằng Đấng Cứu Thế sẽ thiết lập một vương quốc công lý, bình an và hoan lạc. Những ai đặt niềm tin vào Thiên Chúa và sự xuất hiện của vương quốc Người sẽ nhận được bình an và sức mạnh để sống theo đường lối yêu thương, chân lý và thánh thiện của Người (x. Is 40). Chúa Giêsu hoàn thành tất cả những hy vọng và lời hứa của Đấng Cứu Thế về Nước Chúa. Đó là lý do tại sao Ngài dạy các môn đồ cầu nguyện: “Nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời” (x. Mt 6,10). Trong Nước Chúa, tội lỗi không chỉ được tha thứ mà còn được xóa bỏ, và sự sống đời đời tuôn đổ cho mọi công dân của Nước Chúa.
Quả thật, cái ách của Chúa Giêsu giải phóng chúng ta khỏi gánh nặng của tội lỗi và sự bất tuân chống lại Thiên Chúa. Chỉ có Chúa Giêsu mới có thể nhấc gánh nặng của tội lỗi và sức nặng của tuyệt vọng ra khỏi chúng ta. Người dùng phép loại suy về cái ách để giải thích làm thế nào chúng ta có thể đổi gánh nặng của tội lỗi và tuyệt vọng để lấy cái ách tự do và hoan lạc cùng với Người. Cái ách mà Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy mang lấy là đường lối yêu thương, chân lý và thánh thiện của Người để sống trong công lý, bình an và hoan lạc với tư cách là con cái của Thiên Chúa. Vậy, chúng ta có tin tưởng vào tình yêu và chân lý của Thiên Chúa và suy phục thánh ý của Người cho cuộc đời chúng ta không?
Tóm lại, chúng ta không thể nào tránh được những gánh nặng trong cuộc đời, mà gánh nặng nề nhất là tội lỗi. Chỉ có Chúa Giêsu mới có thể mang lấy cái gánh nặng nhất này cho chúng ta (x. 1 Pr 2,24), vì Người “là Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá bỏ tội trần gian” (Ga 1,29). Do đó, chúng ta hãy mang lấy ách của Chúa là yêu thương, công lý và thánh thiện.
Lạy Chúa Giêsu, xin thắp lên trong tâm hồn chúng con ngọn lửa tình yêu của Chúa. Xin chúng giúp con đổi ách phản nghịch lấy ách vâng phục lời thánh thiện và yêu thương của Chúa. Xin giải thoát chúng con khỏi những dục vọng xấu xa để chúng con có thể hoàn toàn khao khát điều tốt lành và phù hợp với thánh ý của Chúa. Amen.
[1] Strong, James: The Exhaustive Concordance of the Bible : Showing Every Word of the Text of the Common English Version of the Canonical Books, and Every Occurrence of Each Word in Regular Order. electronic ed. Ontario : Woodside Bible Fellowship., 1996, S. G2218
[2] Strong, James: The Exhaustive Concordance of the Bible : Showing Every Word of the Text of the Common English Version of the Canonical Books, and Every Occurrence of Each Word in Regular Order. electronic ed. Ontario : Woodside Bible Fellowship., 1996, S. G5543
[3] https://kenh14.vn/hanh-trinh-10-nam-cong-ban-khuyet-tat-den-truong-du-cong-ban-ca-doi-minh-cung-san-sang-20200904172707526.chn MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆM