Thứ Tư tuần 23 thường niên

Thứ ba - 12/09/2023 04:39
Lời Chúa: Lc 6, 20-26

Khi ấy, Chúa Giêsu đưa mắt nhìn các môn đệ và nói:
"Phúc cho các ngươi là những kẻ nghèo khó, vì nước Thiên Chúa là của các ngươi. Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ đói khát, vì các ngươi sẽ được no đầy. Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ phải khóc lóc, vì các ngươi sẽ được vui cười. Phúc cho các ngươi, nếu vì Con Người mà người ta thù ghét, trục xuất và phỉ báng các ngươi, và loại trừ các ngươi như kẻ bất lương, ngày ấy các ngươi hãy hân hoan và reo mừng, vì như thế, phần thưởng các ngươi sẽ bội hậu trên trời. Chính cha ông họ cũng đã đối xử với các tiên tri y như thế.
"Nhưng khốn cho các ngươi là kẻ giàu có, vì các ngươi hiện đã được phần an ủi rồi. Khốn cho các ngươi là kẻ đã được no nê đầy đủ, vì các ngươi sẽ phải đói khát. Khốn cho các ngươi là kẻ hiện đang vui cười, vì các ngươi sẽ ưu sầu khóc lóc. Khốn cho các ngươi khi mọi người đều ca tụng các ngươi, vì chính cha ông họ cũng từng đối xử như vậy với các tiên tri giả".

thu tu tuan xxiii mua thuong nien 1

Suy niệm 1: Phúc cho anh em là những người nghèo
(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)


Một học sinh nghèo trả lại chiếc bóp lượm được.
Một giáo viên kiên trì theo đuổi nghề giáo.
Một cán bộ về hưu trong cảnh thanh bạch.
Một bạn nữ bỏ chỗ làm có thu nhập cao...
Một nhân viên từ chối những đồng tiền hối lộ.
Giữa cuộc sống khó khăn,
vẫn có bao người không bị mê hoặc bởi bạc tiền.
Họ chọn sống trong cảnh nghèo,
lam lũ hơn, nhưng vui hơn và thanh thản hơn.
Vẫn có bao người nếm được mối phúc của Tin Mừng:
“Phúc cho anh em là những người nghèo khó,
Vì Nước Trời là của anh em”.
Người đời thường coi hạnh phúc bắt nguồn
từ giàu sang, no đủ, từ danh thơm tiếng tốt.
Đức Giêsu đưa chúng ta đi vào một thế giới khác,
với lối đánh giá khác, làm chúng ta ngỡ ngàng.
Ngài cho các môn đệ của Ngài biết rằng:
họ là những người có phúc,
khi phải chịu nghèo đói, đau khổ, bách hại vì Ngài.
Nước Trời đã thuộc về họ từ đây,
và hạnh phúc sẽ trọn vẹn trong ngày sau hết.
Đức Giêsu đã sống những mối phúc trước chúng ta.
Ngài là một người thợ thủ công nghèo,
Ngài biết đến sự dày vò của cơn đói,
Ngài đã từng nhỏ lệ trước thành Giêrusalem,
và đã chịu mọi khổ hình cho đến chết.
Nhưng Đức Giêsu là con người hạnh phúc,
vì biết mình luôn sống cho Cha và con người.
Chúng ta cần có kinh nghiệm của Đức Giêsu:
Nghèo của cải mà thật giàu Nước Thiên Chúa.
Đức Giêsu chúc phúc cho những môn đệ nghèo của Ngài,
nhưng Ngài không ca ngợi sự bần cùng, lạc hậu.
Cả cuộc đời Ngài là một hành vi cúi xuống
để nâng dậy những ai nghèo sức khoẻ, nghèo niềm vui.
Hôm nay Ngài muốn chúng ta
đến với khu lao động, với lớp học tình thương,
xóa đi cái nghèo tri thức, nghèo những ước mơ cao cả.
Sự no đủ và niềm vui phải bắt đầu từ đời này.
Ước gì chúng ta sống như Đức Kitô,
tự nguyện trở nên nghèo hơn
để làm giàu cho người khác (2 Cr 8,9).
 
Cầu nguyện:
Lạy Chúa,
xin cho con nhìn thấy những người nghèo
ở quanh con, ở trong gia đình con,
đang cần đến con.
Bất cứ ai cần đến con đều là người nghèo,
xin cho con thấy Chúa trong họ.
Dần dần con hiểu rằng
cả người giàu cũng nghèo,
nghèo vì cần thấy đời họ có ý nghĩa.
Dần dần con chấp nhận rằng
cả bản thân mình cũng nghèo
và cần đến người khác.
Lắm khi con cần một nụ cười, một ánh mắt,
một lời thăm hỏi đỡ nâng.
Cám ơn Chúa vì đã dựng nên chúng con
ai cũng nghèo về một mặt nào đó,
ai cũng cần đến người khác.
Như thế là chúng con được mời gọi sống cho nhau,
làm cho nhau thêm giàu có.
Cám ơn Chúa vì Chúa cũng nghèo,
vì Chúa rất cần đến chúng con
để hoàn thành công trình cứu độ.
Xin cho con khiêm tốn nhận mình nghèo
để nhận lãnh,
can đảm nhận mình giàu
để hiến trao. Amen.
 
Suy niệm 2: Hạnh phúc và bất hạnh
(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)


Con người luôn khao khát hạnh phúc. Vì Thiên Chúa tạo dựng để con người được hạnh phúc. Con người luôn khao khát. Vì hạnh phúc là có thật. Nhưng con người lại chưa từng gặp được. Cứ mòn mỏi chờ mong. Cứ miệt mài tìm kiếm. Hôm nay Con Chúa xuống thế làm người chỉ cho con người đường đến hạnh phúc. Và vạch rõ những nẻo đường dẫn đến bất hạnh.
Đường đến hạnh phúc ngược với suy nghĩ của phàm nhân. Vì hạnh phúc thật không có ở trần gian. Chỉ có trong Nước Chúa. Ai càng gắn bó với đời này càng thất vọng. Ai càng bám víu vào những giá trị đời này càng bất hạnh. “Khốn cho các người, hỡi những kẻ bây giờ đang được vui cười, vì các ngươi sẽ phải sầu khổ khóc than”. Chỉ có người biết dứt bỏ tham, sân, si mới đạt tới hạnh phúc. Chỉ có người vượt lên trên những ham muốn tầm thường ti tiện của loài người mới đạt tới Nước Trời. “Phúc cho anh em là kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em”. Hạnh phúc thật chỉ có trong Chúa. Là chính Chúa. Ai dứt bỏ mọi cám dỗ vì Chúa sẽ tìm được Chúa. Nhất là ai dám liều mạng sống vì Chúa sẽ được phần thưởng là chính Chúa. Đó là hạnh phúc thật, viên mãn, vĩnh cửu. “Ngày đó anh em hãy vui mừng nhảy múa, vì này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên tời thật lớn lao”.
Hạnh phúc thật không có ở đời này. Chỉ có ở đời sau. Nên thánh Phao-lô khuyên nhủ ta đừng bám víu vào đời này. Hãy hướng lòng về đời sau. Coi mọi sự đời này như không có. Vì chúng rất mau qua. “Tôi xin nói với anh em điều này: thời gian chẳng còn bao lâu. Vậy từ nay những người có vợ hãy sống như không có; ai khóc lóc, hãy làm như không khóc; ai vui mừng, như chẳng mừng vui; ai mua sắm, hãy làm như không có gì cả; kẻ hưởng dùng của cải đời này, hãy làm như chẳng hưởng. Vì bộ mặt thế gian này đang biến đi” (năm chẵn).
Hạnh phúc không thuộc hạ giới. Nên ngài khuyên ta: “Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới”. Và phải dứt khoát: “giết chết những gì thuộc về hạ giới trong con người anh em”. Hạnh phúc không có nơi thủ lãnh thế gian. Nên ta phải sống cho Chúa. Vì”Khi Đức Ki-tô, nguồn sống của chúng ta xuất hiện, anh em sẽ được xuất hiện với Người, và cùng Người hưởng phúc vinh quang” (năm lẻ).
Thật lạ lùng con đường của Chúa. Chịu bất hạnh để được hạnh phúc. Từ bỏ tất cả để được lại tất cả. Chết cho trần gian để sống cho Chúa. Vượt qua hạ giới để vươn lên thượng giới. Chối từ thế gian để đạt tới Nước Trời.

SUY NIỆM 3: KHAO KHÁT VÀ ĐÓI KHÁT − LM. Giuse Nguyễn Trọng Sơn

Khao khát và đói khát đều nói lên tình trạng thiếu thốn và muốn được đầy đủ hơn, nhưng khao khát thì nghiêng về tinh thần nhiều hơn, còn đói khát thì nghiêng về tình trạng vật chất nhiều hơn. Tuy nhiên, hai điều này lại có liên hệ với nhau chặt chẽ và nhiều khi người ta từ bên này chạy qua bên kia mà không biết.
Các mối phúc được trình bày hơi khác nhau giữa hai Tin Mừng Matthêô và Luca. Ngoài con số 8 mối phúc nơi Matthêô chỉ còn lại 4 mối phúc đồng thời thêm 4 lời tiếc than nơi Luca, thì cách trình bày những mối phúc tương đương cũng khác nhau giữa hai Tin Mừng này. Matthêô thì nghiêng về tinh thần nhiều hơn: “tâm hồn nghèo khó”, “khao khát điều công chính” “đau khổ”; còn Luca thì cụ thể hơn, có vẻ “vật chất” hơn: “nghèo khó”, “đói”, “khóc lóc”. Tuy bắt đầu với hai khởi điểm khác nhau, cả hai Tin Mừng đều đi đến những giá trị tinh thần từ Thiên Chúa. 
Khi người ta dừng lại ở đói khát vật chất, người ta trở nên tham lam và sống trên cõi đời này chỉ lo tìm kiếm vật chất. Nhưng họ cũng không bao giờ thoả mãn. Ngay cả người giàu cũng có thể rơi vào tình trạng đói khát vật chất này. 
Trường hợp khác, có những người khởi đầu với khao khát tinh thần, muốn phục vụ cho người khác về mặt tâm linh, nhưng thấy cần phải có cơ sở, phương tiện vật chất, nên đi tìm kiếm. Cuối cùng, họ bị cám dỗ dừng lại ở đó, tưởng rằng cung cấp cho người nghèo vật chất là công trạng lớn lao, có thể giải quyết tất cả. Từ khao khát, họ trở thành đói khát!
Khi người ta ý thức sự đói khát và khao khát của mình chỉ có thể thoả mãn nơi Thiên Chúa, chỉ có Thiên Chúa mới mang lại sự no thoả cho người ta, lúc đó người ta biết phân định, biết chọn lựa đúng đắn cho cách sống, cho cách dấn thân của mình.  

SUY NIỆM 4: MỐI PHÚC CỦA NGƯỜI NGHÈO - ĐGM. PHAOLÔ NGUYỄN THANH HOAN

Các mối phúc thật luôn là mối bận tâm hàng đầu cho công trình loan báo Tin mừng của Giáo hội, và đồng thời còn là đường hướng tu đức của mỗi tín hữu chúng ta.
Phúc thật theo Phúc âm Mát-thêu, còn quen gọi là hiến chương Nước Trời, chú trọng đến thái độ của tâm hồn vốn là động lực của cuộc sống tinh thần.
Phúc âm Thánh Luca lại trình bày các mối phúc thật theo hướng bác ái xã hội. Cả hai cách trình bày đều là lời rao giảng của Chúa, làm phong phú cho tiếng “nghèo”,một danh từ nói lên tình trạng u ám của đời con người. Vì chữ nghèo bao giờ cũng vang vọng nỗi khốn khổ triền miên trên mặt đất này. Ai cũng mong có phúc mà phải tránh xa, xóa bỏ cái nghèo.
Vậy mà hôm nay ta đang nghe Chúa biến chữ “nghèo” thành chữ “phúc” của Tin mừng.
“Phúc cho anh em là những người nghèo khó, vì Nước Trời là của anh em”.
Lúc này, Chúa đang đứng trước một đám đông gồm những người nghèo khổ, bệnh tật, không có chút ưu đãi nào trên đời này. Chúa biết họ đang chờ đợi nơi Ngài một Tin mừng giải phóng. Nhưng Chúa không muốn để họ lầm lẫn. Vì con người vừa  hữu hình, vừa linh thiêng, vừa là xác vừa là hồn, vừa là đời này, vừa là đời sau. Đó là con người toàn diện của chương trình tạo dựng. Nếu chỉ đáp ứng một bề thì hạnh phúc thật sự và trường tồn của con người chưa có. Mục đích cứu độ là đem toàn diện con người đến hạnh phúc thật, trong vinh quang của Thiên Chúa.
Chúa đã trình bày chân lý mạc khải này qua dụ ngôn ông Ladaro và người phú hộ keo kiệt. Ở đây Ladaro mới là người có phúc đời đời, có phúc thật. Cái phúc của người keo kiệt kia đến nấm mồ là hết. Vậy ai có phúc hơn ai?
Khi loan báo “Phúc cho anh em là những người nghèo khó”, Chúa đã thêm “vì Nước Trời là của anh em”.Cho nên khi loan báo bốn mối phúc cho kẻ nghèo, người khóc lóc, người đói khát, người bị bách hại. Chúa cũng nói đến cả cái vô phúc của người giàu mà vô tình, người no nê ích kỷ, người đi tìm khoái lạc trên đời, người lợi dụng quyền hành áp bức kẻ khác.
Loan báo Tin mừng này, Chúa đang cổ vũ cho một thế giới biết yêu thương chia sẻ, đầy tình người, yêu hòa bình, đề cao phục vụ, quan tâm đến những người bất hạnh, bệnh tật, rủi ro, thiếu may mắn.
Mỗi khi đứng trước đám đông nghèo nàn bệnh tật, là Chúa cảm thấy đau lòng xót dạ, và Ngài không rời xa họ được. Chúng ta có chia sẻ tâm tình đó với Chúa được không?
Chúng ta có đặt cho mình câu hỏi: “Tôi phải làm gì để phục vụ họ” được không?
Chúa dựng nên con người trong một địa đàng cực lạc, Chúa ban cho bao ân huệ dư đầy. Nhưng Satan đã phá hoại hạnh phúc đó bằng cách làm cho con người quay mặt về với chúng để lây nhiễm  bao kiêu căng, ích kỷ, thù hận…vì thế mà mặt đất trở nên thung lũng khổ đau.
Chúa đang đến xây dựng lại tình thương cho mặt đất. Hơn bao giờ hết nhân loại đang cần đến tình thương.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, Chúa dựng nên con người giống hình ảnh Chúa, để người người biết yêu mến Chúa và yêu thương nhau. Và khi con người làm mất tình yêu đó, Chúa lại đến phục hồi lại. Chúa yêu thương làm gương mẫu. Chúa dạy bài học yêu thương như điều răn trọng nhất. Chúa chết trên thập giá cho nhân loại thấy tình yêu còn cao hơn mạng sống này.
Xin Chúa cho con thấy rõ tình yêu Chúa là ánh sáng hướng dẫn đời con.
Lạy Chúa, xin cho con ghi tạc vào lòng: “Tin mừng cho người nghèo khó” là Tin mừng tình yêu. Từ lời dạy đó xin giúp chúng con xây dựng tinh thần yêu thương bác ái như lòng Chúa mong ước. Amen

Tác giả: Truc Ho Si

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây