Thứ Tư tuần 4 Mùa Chay.

Thứ ba - 16/03/2021 08:01

Thứ Tư tuần 4 Mùa Chay.

"Chúa Cha cho người chết sống lại và làm cho họ sống thế nào, thì Chúa Con cũng vậy, Người làm cho ai sống là tuỳ ý Người".

 

 

Lời Chúa: Ga 5, 17-30

Khi ấy, Chúa Giêsu trả lời dân Do-thái rằng: "Cha Ta làm việc liên lỉ, Ta cũng làm việc như vậy". Bởi thế, người Do-thái càng tìm cách giết Người, vì không những Người đã phạm luật nghỉ ngày Sabbat, lại còn gọi Thiên Chúa là Cha mình, coi mình ngang hàng với Thiên Chúa. Vì thế, Chúa Giêsu trả lời họ rằng:

"Quả thật, quả thật, Ta nói cho các ngươi biết: Chúa Con không thể tự mình làm gì nếu không thấy Chúa Cha làm. Ðiều gì Chúa Cha làm, thì Chúa Con cũng làm y như vậy. Vì chưng, Chúa Cha yêu Chúa Con và bày tỏ cho Chúa Con biết mọi việc mình làm, và sẽ còn bày tỏ những việc lớn lao hơn thế nữa, đến nỗi các ngươi sẽ phải thán phục.

Bởi vì, cũng như Chúa Cha cho người chết sống lại và làm cho họ sống thế nào, thì Chúa Con cũng vậy, Ngài làm cho ai sống là tuỳ ý Ngài. Vì hơn nữa, Chúa Cha không xét xử ai cả, mà trao cho Chúa Con trọn quyền xét xử, để cho mọi người tôn trọng Chúa Con cũng như tôn trọng Chúa Cha: ai không tôn trọng Chúa Con thì không tôn trọng Chúa Cha, Ðấng đã sai Ngài.

Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi: Ai nghe lời Ta và tin Ðấng đã sai Ta, thì được sống đời đời và khỏi bị xét xử, nhưng được từ cõi chết mà qua cõi sống.

Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi, vì đến giờ và ngay bây giờ, kẻ chết nghe tiếng Con Thiên Chúa, và ai đã nghe thì sẽ được sống. Cũng như Chúa Cha có sự sống nơi chính mình thế nào, thì Người cũng cho Chúa Con có sự sống nơi mình như vậy, và Người đã ban cho Chúa Con quyền xét xử, vì Ngài là Con Người. Các ngươi đừng ngạc nhiên về điều này, vì đến giờ mọi kẻ trong mồ sẽ nghe tiếng Con Thiên Chúa và ra khỏi mồ; kẻ đã làm việc lành thì sống lại để được sống, còn kẻ đã làm việc dữ thì sống lại để bị xét xử.

Ta không thể tự mình làm điều gì. Nghe sao, Ta xét xử vậy.

Và án Ta xử thì công minh, vì Ta không tìm ý riêng Ta, mà tìm ý Ðấng đã sai Ta".

 

 

 

SUY NIỆM 1: Không thể làm gì tự mình

Suy niệm:

Văn Cao chẳng những là một nhạc sĩ tài hoa,

mà còn là một họa sĩ, một văn sĩ, một thi sĩ.

Có một bài thơ rất ngắn ông làm năm 1967, mang tựa đề là Không Đề.

Con thuyền đi qua

để lại sóng

đoàn tàu đi qua

để lại tiếng

đoàn người đi qua

để lại bóng

tôi không đi qua tôi

để lại gì?

Theo Văn Cao, chỉ ai đi qua mình, dám vượt qua cái tôi của mình,

người ấy mới có gì để lại cho hậu thế.

Đức Giêsu đã sống mầu nhiệm vượt qua suốt đời.

Ngài không sống cho mình, nhưng cho Thiên Chúa Cha.

Giới lãnh đạo Do Thái giáo coi Đức Giêsu là kẻ phạm thượng

vì Ngài đã dám nói: “Cha tôi vẫn làm việc, và tôi cũng làm việc” (c. 17).

Thật ra Đức Giêsu chẳng bao giờ phạm thượng đến Cha.

Ngài không hề tự coi mình là Thiên Chúa (c. 18).

Đơn giản Ngài là Con, vâng phục Cha.

Đơn giản Ngài là người được Cha sai, chẳng hề làm theo ý riêng.

Sống tùy thuộc trọn vẹn vào Thiên Chúa Cha,

đó là nét nổi bật nơi con người của Đức Giêsu.

Con không thể làm hay nói bất cứ điều gì tự mình.

Con chỉ làm điều mình thấy Cha làm (c. 19).

Con chỉ nói điều mình nghe Cha nói (Ga 8, 26).

Người ta tưởng Con bị vong thân,

nhưng chính khi lệ thuộc vào Cha mà Con được tự do trọn vẹn.

Con thật là mình khi sống đúng bản chất của Con là quy hướng về Cha.

Mà bản chất của Cha là trao cho Con tất cả những gì Cha có.

Cha chẳng giữ cho riêng mình những gì có thể trao được.

Đơn giản vì Cha yêu Con (c. 20).

Cha cho Con được quyền tùy ý ban sự sống như Cha (c. 21).

Cha cho Con được như Cha, nghĩa là có sự sống nơi chính mình (c. 26).

Cha cho Con có toàn quyền xét xử (cc. 22. 27),

và có quyền gọi kẻ chết ra khỏi mồ để chịu phán xét (c. 28).

Cha muốn mọi người phải tôn kính Con như tôn kính Cha (c. 23).

Con được quyền năng như Cha là vì Con đã nhận tất cả từ Cha.

Tuy được chia sẻ mọi giàu sang của Cha,

nhưng Con chẳng quên Cha là nguồn cội, là cùng đích.

Mùa Chay, ta hãy đến với Giêsu, người Con yêu dấu, người được Cha sai.

Hãy sống lệ thuộc vào Thiên Chúa để được tự do hoàn toàn như Giêsu.

Tôi không đi qua tôi, để lại gì?

Ta sẽ để lại được nhiều điều cho đời, nhờ biết vượt qua mình như Giêsu.

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,

ai trong chúng con cũng thích tự do,

nhưng mặt khác chúng con thấy mình dễ bị nô lệ.

Có nhiều xiềng xích do chính chúng con tạo ra.

Xin giúp chúng con được tự do thực sự:

tự do trước những đòi hỏi của thân xác,

tự do trước đam mê của trái tim,

tự do trước những thành kiến của trí tuệ.

Xin giải phóng chúng con khỏi cái tôi ích kỷ,

để dễ nhận ra những đòi hỏi tế nhị của Chúa,

để nhạy cảm trước nhu cầu bé nhỏ của anh em.

Lạy Chúa Giêsu,

xin cho chúng con được tự do như Chúa.

Chúa tự do trước những ràng buộc hẹp hòi,

khi Chúa đồng bàn với người tội lỗi

và chữa bệnh ngày Sabát.

Chúa tự do trước những thế lực đang ngăm đe,

khi Chúa không ngần ngại nói sự thật.

Chúa tự do trước khổ đau, nhục nhã và cái chết,

vì Chúa yêu mến Cha và nhân loại đến cùng.

Xin cho chúng con đôi cánh của tình yêu hiến dâng,

để chúng con được tự do bay cao. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

SUY NIỆM 2: NHƯ NGƯỜI MẸ

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Từ thời lưu đầy, I-sai-a đã loan báo ngày Thiên Chúa phục hồi dân Người. Giải thoát khỏi ách nô lệ. Con người được chăm sóc bồi bổ. “Như bầy chiên, chúng sẽ được nuôi ăn trên các nẻo đường, sẽ gặp được đồng cỏ trên mọi đồi hoang”. Đất nước được tái thiết. Đến sa mạc cũng trở nên thành thị. “Mọi núi non của Ta, Ta sẽ biến thành đường sá, những con lộ của Ta, Ta sẽ đắp cao”. Vì Thiên Chúa cũng có một trái tim để cảm thương dân Người. Sẽ đến phục hồi dân. “Vì Đức Chúa ủi an dân Người đã chọn và chạnh lòng thương những kẻ nghèo khổ của Người”. Và còn hơn nữa, đó là trái tim của người mẹ. Hiền dịu bao dung. “Xi-on từng nói: ‘Đức Chúa đã bỏ tôi, Chúa Thượng tôi đã quên tôi rồi!’ Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ”.

Tất cả đã ứng nghiệm nơi Chúa Giê-su. Chúa Giê-su làm người. Đầy quyền năng. Nhưng lại mang trái tim nhân loại. Trái tim người mẹ.

Trong Chúa Giê-su Thiên Chúa yêu thương. Yêu thương trước hết bằng hành động. Làm việc không ngừng. “Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc”. Làm những việc tốt lành. Chữa lành bệnh tật. An ủi con người. Xua trừ ma quỉ. Chính vì chữa bệnh trong ngày sa-bát mà Chúa bị chống đối.

Trong Chúa Giê-su Thiên Chúa phục hồi con người. Đặc biệt là ban sự sống. “Chúa Cha làm cho kẻ chết trỗi dậy và ban sự sống cho họ thế nào, thì người Con cũng ban sự sống cho ai tuỳ ý”. Sự sống phần xác chỉ là hình bóng của sự sống linh hồn. sự sống linh hồn bị tổn thương vì tội lỗi. Chúa đến xét xử tội lỗi. Nhưng không lên án. Mà để phục hồi.

Điều kiện để có sự sống là phải tin vào Chúa Giê-su: “Thật, tôi bảo thật các ông: ai nghe lời tôi và tin vào Đấng đã sai tôi, thì có sự sống đời đời và khỏi bị xét xử, nhưng đã từ cõi chết bước vào cõi sống”. Tin là sống như Chúa. Không làm theo ý riêng. Nhưng luôn theo ý Chúa: “Tôi không làm theo ý riêng tôi, nhưng theo ý Đấng đã sai tôi”.

Mùa Chay là mùa thanh luyện đức tin. Ăn chay là làm theo ý Chúa. Chúa sẽ phục hồi chúng ta.

 

SUY NIỆM 3: Công Việc Của Cha.

Một họa sĩ chuyên vẽ chân dung nọ di chuyển đến một thành phố nhỏ với hy vọng tìm được nhiều khách hàng. Vừa đến trước cửa thành, ông gặp ngay một người say rượu. Hai bên trao đổi với nhau và người say rượu đồng ý cho người họa sĩ vẽ chân dung của mình. Dù say túy lúy, gương mặt hốc hác, quần áo xốc xếch, người say rượu vẫn còn có thể ngồi yên để nhà họa sĩ làm việc. So với những khách hàng khác, thì đây là bức chân dung mà nhà họa sĩ phải tốn nhiều thời giờ nhất để vẽ. Đứng ngắm tác phẩm vừa được hoàn thành, người say rượu không thể cầm được sự ngạc nhiên: thay cho gương mặt chán đời của mình, anh thấy trong vức chân dung một nụ cười tươi tỉnh lạc quan; thay cho cách ăn mặc cẩu thả của mình, anh thấy mình được khoác lên một bộ quần áo lộng lẫy. Nhìn vào bức chân dung một lúc, anh lắc đầu và nói: “Người trong hình không phải là tôi”. Nhà nghệ sĩ trả lời một cách khéo léo vì đã biết nhìn xuyên qua bề ngoài để thấy vẻ đẹp nội tâm: “Thưa ông, đây là con người mà ông phải đạt đến”.

Mùa chay là mùa của thanh luyện, của hoán cải. Giáo Hội mời gọi chúng ta trở về: trở về với Chúa, với anh em, với bản thân. Tựu trung tội lỗi là một chối bỏ Thiên Chúa, khước từ anh em, đánh mất bản thân. Qua những việc làm của Mùa chay, như cầu nguyện, sám hối, hãm mình, thực thi bác ái. Giáo Hội muốn chúng ta tìm lại được chính bản thân như Thiên Chúa mong muốn. Bản thân ấy chúng ta chỉ có thể nhận ra khi nhìn ngắm Chúa Giêsu.

Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy chân dung của Chúa Giêsu, Đấng hoàn toàn sống cho Thiên Chúa: “Ta đến không phải để làm theo ý Ta, nhưng là làm theo ý Đấng đã sai Ta”. Nên một với Thiên Chúa, thể hiện sự nên một ấy đến cùng, đó là con đường mà Chúa Giêsu đã chọn lựa và đi cho đến cùng. Thực thế, cái chết của Chúa Giêsu gắn liền với mầu nhiệm Ba Ngôi. Người Do Thái kết án Ngài không những vì Ngài không tuân giữ ngày hưu lễ, mà còn vì Ngài tự cho mình ngang hàng với Chúa Cha. Cái chết của Chúa Giêsu là một mạc khải về Chúa Cha. Cái chết của Chúa Giêsu nói lên tiếng xin vâng trọn vẹn với Chúa Cha. Qua cái chết ấy, quyền năng và tình yêu của Chúa Cha được tỏ bày.

Mùa chay thường gợi lại một thực hành có tính truyền thống trong Giáo Hội, đó là hãm dẹp thân xác, tức là tham dự vào cái chết của Chúa Giêsu từng ngày qua những hy sinh, quên mình, để cũng được chia phần vinh quang Phục Sinh của Ngài, nghĩa là mỗi ngày một biến đổi để trở thành con người mới cho đến khi đạt được tầm mức viên mãn của Ngài. Đó là bức chân dung mà mỗi Kitô hữu đều mang trong mình và mỗi ngày họ cố gắng họa lại bằng cả cuộc sống của họ. Cùng với Chúa Kitô, Đấng đã nên một với Chúa Cha trong tất cả mọi sự cho đến chết, xin cho từng giây phút cuộc sống chúng ta luôn là một thể hiện thánh ý của Ngài.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 4: Không ngừng yêu thương

Trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu đã trả lời cho những người biệt phái cách Ngài chữa lành cho người đang làm việc gần bên giếng nước rằng: "Cha Ta làm việc liên lỉ, Ta cũng làm việc như vậy". Thiên Chúa Cha nhân từ luôn luôn trao ban điều tốt cho con người mà Ngài đã tạo dựng giống hình ảnh Ngài. Giờ đây đến phiên mình xuống trần để chu toàn thánh ý Chúa Cha, Chúa Giêsu cũng muốn liên lỉ làm việc, làm điều tốt cho con người, bất luận đó là ngày Sabát hay không. Ngày Sabát là cho con người chứ không phải con người cho ngày Sabát.

Cũng trong dịp này Chúa Giêsu mạc khải cho những kẻ chống đối Ngài mối tương quan giữa Thiên Chúa Cha và Chúa Con, tình yêu thương đó được thể hiện bằng những hành động nhân từ mà Chúa Con thực hiện cho con người, cho mỗi người chúng ta. Chúa Giêsu đã mạc khải chân tính tình yêu đời đời đó và mời gọi con người hãy đáp trả, hãy cộng tác với chương trình yêu thương này để được sống đời đời: "Ai nghe lời Ta và tin Ðấng đã sai Ta thì được sống đời đời, khỏi bị xét xử, nhưng được từ cõi chết mà qua cõi sống".

Hãy nhìn mọi sự với đôi mắt của Thiên Chúa, ta sẽ thấy giá trị khác, kích thước khác: "Cha Ta làm việc liên lỉ và Ta cũng làm việc như vậy". Chúa Giêsu đã không bao giờ ngừng yêu thương con người, cả khi con người chống đối Ngài.

Lạy Chúa, xin cho con luôn hướng mắt nhìn lên Chúa, đặt đời con vào trong viễn tượng cuộc sống đời đời để con được luôn can đảm, kiên trì chu toàn thánh ý Chúa trong mọi hoàn cảnh.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 5: Lời Hằng Sống

Thật, tôi bảo thật các ông:

Ai nghe lời tôi và tin vào Đấng đã sai tôi,

Thì có sự sống đời đời và khỏi bị xét xử,

Nhưng đã từ cõi chết bước vào cõi sống

Thật, tôi bảo thật các ông:

Giờ đã đến- và chính là lúc này đây-

Giờ các kẻ chết nghe tiến Con Thiên Chúa

Ai nghe thì sẽ được sống. (Ga. 5, 24-25)

Người Do thái không tha thứ cho Đức Giêsu về sự vi phạm ngày Sa-bát khi Người chữa kẻ tê liệt. Người còn nói cho họ nghe Người làm như Cha Người hằng làm việc. Nên Người cũng không nghỉ làm việc dù là ngày Sa-bát.

Lời quả quyết đó càng làm họ tức giận hơn. Làm sao Đức Giêsu dám tự cho mình là Thiên Chúa nếu như Thiên Chúa không phải là Cha mình. Họ càng không ngớt nổi giận vì Đức Kitô nói thêm rằng: “Cha Tôi và Tôi cũng nhất tâm làm tất cả, và ai không tôn vinh Con thì không tôn vinh Cha”. Người còn chủ trương rằng lời Người có sức mạnh ban sự sống đời đời cho những ai nghe theo, như thế là tột bậc rồi.

Thật là một chủ trương đầy phấn khởi và hào hùng! Tuy nhiên, lời Đức Giêsu không chỉ là lời Thiên Chúa, mà còn là lời nhập thể hoàn toàn. Lời Người nói với chúng ta như anh em, như bạn tri kỷ, như sư phụ hoàn toàn biết rõ thân phận con người xác thịt của chúng ta. Người còn phối hiệp toàn diện với xác thân này ngay từ khi xuống thế. Do đó lời Người nắm bắt được mọi tâm tư nguyện vọng của chúng ta và thấy được tiếng lòng rung động kỳ diệu của con tim, khối óc của những ai nghe lời Người. Người cũng biết rõ những hoàn cảnh của mọi người nam nữ chúng ta trở lại với cái gì.

Lời hằng sống đã được công bố trong bài giảng trên núi chứa đựng toàn bộ kế hoạch của Phúc âm về sự gắn bó của chúng ta vào Đức Kitô và được làm thành bản hiến chương nước Thiên Chúa. Lời hằng sống đầy thương xót tha thứ làm sáng lên niềm hy vọng và tình yêu cho mọi người và được thốt ra từ miệng lưỡi của Đức Giêsu trước người đàn bà ngoại tình làm cho Ma-đa-lê-na thống hối, phụ nữ Sa-ma-ri bị chinh phục, ông Gia-kêu thấp bé hoán cải và người trộm lành ăn năn trở về. Cũng như Phê-rô khóc lóc vì chối Thầy. Lời hằng sống chứa đựng trong những dụ ngôn đầy hình ảnh tiêu biểu giáo huấn soi sáng, dẫn dắt chúng ta đến với Thiên Chúa.

Lời hằng sống loan báo những đau khổ để chuẩn bị các môn đệ và mọi người biết can đảm mạnh mẽ theo Đức Kitô qua mọi thời đại, sẵn sàng chịu vác thập giá khổ nạn như là nguồn hy vọng được sống lại vinh quang. Lời hằng sống nhất là đã trở thành lời hứa hấp dẫn của tế lễ Thánh Thể đưa lại sự hiện diện và tình yêu của Đức Kitô tồn tại mãi mãi.

G.F

 

SUY NIỆM 6: “TIN VÀ GIỮ LỜI TA THÌ ĐƯỢC SỐNG ĐỜI ĐỜI” (Ga5,17-30)

Tin Mừng hôm qua cho chúng ta thấy Đức Giêsu chữa người bệnh bại liệt ba mươi tám năm. Sau khi chữa anh được khỏi, Đức Giêsu truyền cho anh vác chõng mà về. Điều đáng chú ý là khi trên đường về, những người không ưa Đức Giêsu đã chặn anh lại và hỏi nguyên cớ làm sao mà anh được khỏi bệnh, ai là người đã chữa anh?

Hỏi như thế, không phải để chia vui với anh, cũng không phải cùng anh tạ ơn Chúa! Nhưng hỏi như vậy là để tìm cho rõ xem ai dám cả gan chữa bệnh ngày Sabát?

Tin Mừng hôm nay cho thấy giữa Đức Giêsu và người Dothái trở nên gây cấn hơn khi Ngài tuyên bố: “Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc". Nói như thế, Ngài minh định rằng: Thiên Chúa không nghỉ ngày Sabát thì Ngài không có lý do gì nghỉ và không làm việc thiện trong ngày này cả! Nhưng điều quan trọng hơn là Ngài mặc khải cho biết: Ngài đến để thực thi thánh ý của Cha Ngài. Cuối cùng, điều làm cho người Dothái chói tai, khiếm họ không chịu nổi, khi nghe Đức Giêsu nói: “Ai nghe lời tôi và tin vào Đấng đã sai tôi, thì có sự sống đời đời và khỏi bị xét xử, nhưng đã từ cõi chết bước vào cõi sống”.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết hướng tới sự sống đời đời. Khi hướng về sự sống đời đời, mọi việc chúng ta làm hay nói đều được tình yêu chi phối chứ không chỉ vì luật mà làm cho chúng ta xa rời tình yêu!

Xin Chúa ban cho chúng ta biết khiêm tốn để tin tưởng vào Đức Giêsu, yêu mến và trung thành với Ngài. Hãy biết ăn năn sám hối để được tha thứ và đáng hưởng sự sống đời đời. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 7Diễn từ về công việc của Chúa Con

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

1. Bài Tin Mừng hôm nay tiếp theo đoạn hôm qua: vì Đức Giêsu chữa bệnh cho người bất toại vào ngày sabat nên một số người Do thái trách Ngài đã làm việc trong một ngày lẽ ra phải nghỉ việc. Trả lời cho họ, Đức Giêsu nói: “Cha Ta làm việc liên lỉ. Ta cũng làm như vậy... Điều gì Chúa Cha làm thì Chúa Con cũng làm y như vậy”. Như vậy Đức Giêsu cho là mình ngang hàng với Thiên Chúa vì Ngài là Con. Vì thế ngưới ta tìm cách giết Ngài.

2. Bài đọc 1 trích sách tiên tri Isaia có thể giúp ta hiểu công việc mà Chúa Cha và Chúa Con vẫn liên lỉ làm là gì: đó là việc xót thương, cứu giúp loài người, nhất là những người cùng khổ. Giống như một người mẹ không bao giờ ngưng thương con cái mình: “Nào người mẹ có thể quên con mình được chăng? Cho dù người mẹ đó có quên, nhưng ta không quên ngươi đâu”.

3. Hôm qua Đức Giêsu chữa cho người bất toại ở bờ hồ Betsaiđa đã 38 năm. Người biệt phái đã trách Ngài tại sao dám chữa bệnh vào ngày sabat? Đức Giêsu đã trả lời: “Cha Ta làm việc liên lỉ, Ta cũng làm việc như vậy”. Ngài làm việc theo thánh ý của Thiên Chúa Cha: Tình yêu, nên Đức Giêsu luôn làm điều tốt cho con người, dù đó là ngày sabat vì Thiên Chúa là Cha nhân từ luôn làm điều tốt lành cho con cái mà Ngài đã tạo dựng giống hình ảnh Ngài.

4. Bây giờ Đức Giêsu chứng minh cho người Do thái biết Ngài là Con Thiên Chúa nên Ngài làm những việc mà Cha Ngài đã làm: Ngài xuống trần gian để chu toàn ý Thiên Chúa là Cha – Đấng “yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình cho thế gian” (Ga 3,16), Ngài là Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta (x. Ga 1). Đức Giêsu mạc khải sự liên hệ mật thiết giữa Ngài với Chúa Cha luôn khăng khít “Cha ở trong Con và Con ở trong Cha” (Ga 14,10), gắn bó đến nỗi như Đức Giêsu tỏ lộ: “Ta và Cha Ta là một” (Ga 10,30), và “Ai thấy Thầy là thấy Cha” (Ga 14,9). Cha có gì thì ban tât cả cho Con, nên Đức Giêsu đã khẳng định: “Tất cả những gì của Cha đều là của Con” (Ga 16,15).

Ngài nhấn mạnh: “Ta không thể làm điều gì tự mình Ta... Ta không tìm ý của Ta mà là ý của Đấng đã sai Ta”. Ngài đã hạ mình, vâng lời Chúa Cha thực hiện chương trình cứu độ: “Vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên thập giá” (Pl 2,8) để nhân loại được thứ tha tội lỗi và được ơn cứu độ.

5. Đức Giêsu mạc khải chương trình yêu thương đời đời của Thiên Chúa được thể hiện bằng những hành động nhân từ mà Ngài thực hiện cho con người, và mời gọi con người cộng tác vào chương trình yêu thương đó để được sống đời đời.

Một lần kia, thánh Gioan Boscô hỏi các học sinh của ngài đang chơi đùa: “Nếu ngay bây giờ các con biết mình sắp chết, các con sẽ làm gì”? Một số trả lời sẽ đi vào nhà thờ cầu nguyện, một số khác cho biết sẽ đi xưng tội để dọn mình chết lành.

Riêng thánh Đaminh Saviô điềm nhiên trả lời: “Nếu trong giây lát con sẽ chết, con vẫn tiếp tục cuộc chơi”. Sở dĩ như vậy là vì Đaminh Saviô  luôn nhận ra thánh ý Chúa trong từng giây phút và đánh giá mọi sự dưới khía cạnh đời đời.

Đó cũng là thái độ để nêu gương cho các môn đệ: “Này con xin đến để thực thi ý Chúa”.

6. Tác giả sách Đường Hy Vọng đã khuyến khích những người con tinh thần của mình như sau: “Hãy nhìn mọi sự với con mắt của Thiên Chúa, con sẽ thấy giá trị khác, kích thước khác. Sự điên dại trước mặt loài người là sự khôn ngoan trước mặt Thiên Chúa. Khó nghèo, vâng phục, hãm mình, nhịn nhục, bác ái, tha thứ, khiêm tốn, là khờ dại trước mặt người đời nhưng lại cao trọng trước mặt Thiên Chúa. Thế gian cho là xui, Chúa cho là phúc thật. Thành công con cám ơn Chúa, thất bại con cũng cám ơn Chúa. Hãy vui tươi  vì chính khi thất bại là lúc Chúa muốn thử xem con làm vì Chúa hay vì ý riêng. Vui vẻ can đảm lúc thất bại khó khăn hơn là lúc may mắn, hạng anh hùng này con đếm được trên đầu ngón tay”.

7. Truyện: Tin tưởng phó thác.

Có một gia đình nọ sống giũa đồng không mông quạnh. Vào một đêm kia, căn nhà bốc cháy dữ dội. Cha mẹ, con cái vội vã chạy ra ngoài sân và đứng bất lực nhìn ngọn lửa thiêu rụi tổ ấm gia đình họ.

Bỗng mọi người chợt nhận ra  còn thiếu đứa bé nhất. Thì ra cậu bé cũng chạy ra với mọi người, nhưng chưa tới cửa, thấy lửa cháy dữ quá nên lại chảy trở lên lầu. Trong lúc cả gia đình hốt hoảng không biết phải làm sao để cứu cậu bé năm tuổi, vì lửa bao vây tứ phía, bỗng cửa sổ trên lầu mở toang, và cậu bé kêu khóc inh ỏi. Cha cậu bé gọi lớn tên con, rồi nói:

- Con nhảy xuống đây!

Cậu bé nhìn xuống dưới chỉ thấy khói mù và lửa cháy, nhưng nghe tiếng cha kêu, liền trả lời:

- Ba ơi, con không trông thấy ba đâu hết!

Người cha trả lời giọng cương quyết:

- Cứ nhảy đi, có ba trông thấy con là đủ rồi.

Và cậu bé leo lên cửa sổ, liều nhảy xuống, rơi vào vòng tay yêu thương vạm vỡ của cha mình một cách an toàn.



 

 SUY NIỆM

1. Chân lí ngôi vị

Để biện minh cho cung cách ứng xử và hành động của mình, người Do Thái và Đức Giê-su đều nói mình thuộc về Thiên Chúa và đều nhân danh Thiên Chúa. Người Do Thái dựa vào hai yếu tố khách quan gần như tuyệt đối bất khả xâm phạm, đó là luật Sa-bát, vốn là trung tâm của Mười Điều Răn, và là luật do chính Thiên Chúa lập ra để tưởng nhớ Ngày Thứ Bảy được chúc lành và thánh hóa trong công trình sáng tạo và biến cố Ngài giải phóng dân khỏi kiếp nô lệ (x. Xh 20 và Đnl 5) ; và yếu tố thứ hai còn quan trọng hơn, đó chính là sự siêu việt tuyệt đối của Thiên Chúa ; và vì là siêu việt tuyệt đối, không ai được phép tự coi mình là ngang hàng.

Còn Đức Giê-su thì không dựa vào những yếu tố ngoại tại nào khác, chẳng hạn Lề Luật, bản văn Kinh Thánh xét như chữ viết hay suy tư thần học, mà chỉ dựa vào Điều Người Là trong sự thật : đó là tương quan duy nhất và đồng nhất của Ngài với Thiên Chúa mà Ngài gọi là Cha : « Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc » ; « Chúa Cha yêu Người Con… Kẻ nào không tôn kính Người Con, thì cũng không tôn kính Chúa Cha, Đấng đã sai Người Con ».

Vậy thì ai chân thật, ai không chân thật ? Xem ra, người Do Thái có lí hơn, vì Luật Sa-bát là luật thành văn, có thể mở sách ra kiểm chứng ; và sự siêu việt của Thiên Chúa cũng là lời tuyên xưng đức tin của mọi người, vừa có thể kiềm chứng nơi Sách Thánh và vừa phù hợp với những suy tư về Thiên Chúa. Còn những gì Đức Giê-su nói về căn tính « Người Con » của Ngài, về tương quan duy nhất và đồng nhất của Ngài với Thiên Chúa, thì chẳng tìm thấy dẫn chứng trong bất cứ văn bản nào (văn bản Kinh Thánh của người Do Thái thời đó) và cũng không thể là kết quả của bất cứ suy tư « thần học » nào ! Chính vì thế, trong trường hợp này cũng như trong những trường hợp khác, khi tranh luận với người Do Thái về căn tính của mình trong tương quan với Thiên Chúa, nhất là khi Ngài nói, mình là « Bánh Hằng Sống từ trời xuống » (x. Ga 6), Ngài chỉ khẳng định mình « một cách không không » như thế thôi, và không dựa vào bất cứ dẫn chứng hay dấu lạ ngoại tại nào.

Tại sao vậy ? Đơn giản vì đó là chân lí liên quan đến ngôi vị không có bằng chứng nào khác ngoài chính mình. Một kinh nghiệm đời thường có thể giúp chúng ta hiểu phần nào : để nhìn nhận « chân lí » của trái soài là vừa thơm và vừa ngon, thì trái soài không có bằng chứng nào khác ngoài chính mình, với lời mời gọi : « Hãy ăn tôi đi » ! Để cảm nếm trái soài, chúng ta không thể tra cứu sách vở vì chân lý của trái soái không phải là đối tượng của kiến thức. Vì thế, chúng ta không có cách nào khác ngoài việc « áp dụng ngũ quan », nghĩa là « nhìn, nghe, ngửi, nếm và đụng », để cấm lấy và  thưởng thức, qua đó đón nhận và sống với, thậm chí sống nhờ và sống bởi. Và cũng như vậy đối với ngôi vị của Đức Giê-su trong tương quan với Thiên Chúa là Cha và đối với sự sống của con người.

Hiểu như thế, trong đời sống chung, chúng ta sẽ tìm lại được bình an và tự do đối với tất cả những cảm xúc, lời nói và thái độ không đúng về bản thân chúng ta ; bởi vì « chân lí ngôi vị không có bằng chứng nào khác ngoài chính mình ». Chúng ta được mời gọi cảm nếm sự bình an và sự tự do của Đức Giê-su, khi Ngài bị « bao phủ » bởi biết bao tâm tình, lời nói và hành động vu cáo, sỉ nhục và lên án trong cuộc đời và nhất là trong cuộc Thương Khó của Người.

2. Dấu chỉ sự sống dư tràn

Tuy nhiên vẫn còn một cách thức giúp chúng ta tin nhận ra ai thuộc về Thiên Chúa và đến từ Thiên Chúa. Đó là phương pháp « phân định thiêng liêng », ngang qua dấu chỉ « sự sống » và nhất là dấu chỉ « sự sống dư tràn ». Loài người chúng ta dường như thích sòng phẳng hơn, sống với Thiên Chúa theo qui tắc « ngang bằng » của Lề Luật, mà hình ảnh là cái cân và nghĩ Thiên Chúa cũng « phải theo » qui tắc ngang bằng. Nếu là như thế, Thiên Chúa không còn là Thiên Chúa nữa, vì Lề Luật lớn hơn Thiên Chúa, ở trên và chi phối cách hành xử của Thiên Chúa !

Dấu chỉ diễn tả căn tính thần linh của Thiên Chúa là dấu chỉ « sự sống dư tràn », bởi vì Người là tình yêu ; và dấu chỉ này hiện diện tràn ngập trong các sách Tin Mừng kể về lời nói, hành động và cách hiện diện của Đức Giêsu :

  • Mưa nắng được ban không phân biệt ; người gieo giống ra đi gieo giống và gieo cách quảng đại ; sinh hoa kết quả gấp trăm ; làm một giờ cũng được một đồng như người làm cả ngày ; mục tử bỏ chín mươi chín con chiên lại đi tìm một con chiên lạc ; người cha nói với mọi người : « Con ta đã chết nay sống lại » ; người chủ chạnh lòng thương tha mười ngàn yến vàng ; chủ vườn nho sai luôn người duy nhất yêu dấu..
  • Sáu chum nước đầy trở thành rượu ngon, ai nấy được ăn và được ăn no nê trong hoang địa, và dư với số lượng lớn : mười hai thùng bánh đầy, cùng với cá con dư ; mẻ cá lạ ; chữa bệnh nhưng không, chữa bệnh bởi lòng tin của người khác ; chữa bệnh gắn liền và hướng tới tha tội…
  • Nước hằng sống ; từ bỏ thì nhận lại gấp trăm ; tha thứ bảy mươi lần bảy ; « tội nhiều, nhưng được tha nhiều » ; không dùng bạo lực chống bạo lực, yêu kẻ thù…

Và mọi dấu chỉ « sự sống dư tràn » đều hướng tới và được hoàn tất bởi dấu chỉ Mầu Nhiệm Vượt Qua : tình yêu đến cùng được thể hiện nơi hành vi rửa chân, nơi bí tích Thánh Thể và nơi mầu nhiệm Thập Giá ; từ đau khổ và sự chết tột cùng chuyển hóa thành niềm vui và sự sống viên mãn. Bởi vì Thiên Chúa là nguồn sự sống viên mãn và dư tràn, là Thiên Chúa của sự sống viên mãn và dư tràn. Và từ nguyên tắc này, chúng ta có thể áp dụng cho mọi trường hợp khác, mỗi khi chúng ta băn khoăn về một hiện tượng hay một lựa chọn, ngoại tại hay nội tại, có đến từ Thiên Chúa hay không, có hợp với Thiên Chúa hay không, có đẹp lòng Thiên Chúa hay không, có phải là « Ý Chúa » hay không, có làm Thiên Chúa vui thích hay không, có làm vinh Danh Chúa hay không ?

Người Do Thái nhân danh Thiên Chúa, nhưng mà nhân danh Thiên Chúa để giết người, hay để gieo bầu khí sợ hãi, chết chóc khi xét đoán, lên án và ra án phạt. Khi huấn luyện đức tin, người ta vẫn hay gieo sự sợ hãi vào tâm trí trẻ thơ như thế ! Làm như thế, người ta đã gieo một hình ảnh lệch lạc về Thiên Chúa vào tâm hồn trẻ thơ, vốn là tình yêu và chỉ là tình yêu mà thôi. Chúng ta không thể sống với ai một cách bền vững trong sự sợ hãi được, theo nguyên tắc thưởng phạt được. Thiên Chúa là sự sống và chỉ là sự sống mà thôi, như Đức Giê-su nói : Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi ban con một của Ngài… » (Ga 3, 16) ; « Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào » (10, 10). Thực vậy, như Đức Giê-su nói trong bài Tin Mừng, tương quan của Đức Giê-su với Thiên Chúa là để và chỉ để thông truyền sự sống mà thôi : « Chúa Cha làm cho kẻ chết trỗi dậy và ban sự sống cho họ thế nào, thì người Con cũng ban sự sống cho ai tuỳ ý ».

3.  Trong Đức Ki-tô, không còn lên án nữa

Đức Giê-su cũng nói về xét xừ. Nhưng không phải là xét xử mọi người. Vì Ngài nói : « Thật, tôi bảo thật các ông: ai nghe lời tôi và tin vào Đấng đã sai tôi, thì có sự sống đời đời và khỏi bị xét xử, nhưng đã từ cõi chết bước vào cõi sống. » Và thánh Phao-lô cũng nói : « Những ai ở trong Đức Ki-tô, thì không còn bị lên án nữa » (Rm 8, 1). Đơn giản là vì, Ngài không thể xét xử những người thuộc về Ngài, không thể xét xử người thân của Ngài, anh chị em của Ngài, « người nhà » của Ngài. Hơn nữa, ai lựa chọn bóng tối, sự dữ, sự chết, thì đã tự xét xử và lên án mình rồi, đã thuộc về chúng rồi, đã « sống chết » với chúng rồi. Như Đức Giê-su nói : ai không tin vào Con Người, thì đã bị xét xử rồi. Hơn nữa, Ngài là sự sống, Ngài không thể lên án tử cho bất cứ ai. Quyền năng, sức mạnh và cách xét xử của Ngài, là cung cách của Ánh Sáng, ánh sáng đi tới đâu, bóng tối rút lui và tiêu tan đến đó, một cách « tự nhiên » ! Đó là ý nghĩa sâu xa của lời Thánh Vịnh, loan báo mầu nhiệm Vượt Qua :

Cho bọn ác nhân mắc bẫy chính chúng gài,
còn con đây thì được thoát khỏi. 
(Tv 141, 10)[1]

*  *  *

« Ai tin vào Thầy, thì dù có chết, cũng sẽ sống ». Xin cho chúng ta xác tín sâu sa điều này, và xác tín đến độ không bao nghi ngờ về tình yêu, lòng thương xót và quyền năng dẫn đưa chúng ta đến sự sống của Chúa. Và không chỉ lúc chết, nhưng cả những lúc chúng ta gặp khó khăn, thử thách, bế tắc, ngõ cụt, hoàn cảnh éo le, những tình huống bi đát, những tai họa của mình hay của những người thân yêu. Bởi vì,

Đường của Chúa băng qua biển rộng,
lối của Ngài rẽ nước mênh mông,
mà chẳng ai nhận thấy vết chân Ngài.

(Tv 77, 20)

Cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần
hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai,
hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm
hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác,
không có gì tách được chúng ta ra khỏi
tình yêu của Thiên Chúa thể hiện
nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta.

(Rm 8, 38-39)

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

[1] Câu này bị cắt bỏ trong sách CGKPV; nhưng chúng ta không nhận ra điều này, vì câu này là câu cuối cùng của Tv 141. Tuy nhiên, câu Thánh Vịnh này lại soi sáng cho chúng ta hiểu được ý nghĩa mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Giêsu! Nơi mầu nhiệm Vượt Qua, Sự Dữ để cho mình bị lộ chân tướng, khi kết án Đức Giê-su nhân danh Lề Luật; đồng thời cũng nơi mầu nhiệm Vượt Qua, Sự Thiện thần linh nơi Đức Ki-tô rạng ngời, như Ánh Sáng đánh tan bóng tối.
 

Cha Ta vẫn làm việc và Ta cũng làm việc – SN song ngữ 17.3.2021

Wednesday (March 17): “My Father is working still, and I am working”

 

Gospel Reading: John 5:17-30

17 But Jesus answered them, “My Father is working still, and I am working.” 18 This was why the Jews sought all the more to kill him, because he not only broke the Sabbath but also called God his Father, making himself equal with God. 19 Jesus said to them, “Truly, truly, I say to you, the Son can do nothing of his own accord, but only what he sees the Father doing; for whatever he does, that the Son does likewise. 20 For the Father loves the Son, and shows him all that he himself is doing; and greater works than these will he show him, that you may marvel. 21 For as the Father raises the dead and gives them life, so also the Son gives life to whom he will. 22 The Father judges no one, but has given all judgment to the Son, 23 that all may honor the Son, even as they honor the Father. He who does not honor the Son does not honor the Father who sent him. 24 Truly, truly, I say to you, he who hears my word and believes him who sent me, has eternal life; he does not come into judgment, but has passed from death to life. 25 “Truly, truly, I say to you, the hour is coming, and now is, when the dead will hear the voice of the Son of God, and those who hear will live. 26 For as the Father has life in himself, so he has granted the Son also to have life in himself, 27 and has given him authority to execute judgment, because he is the Son of man. 28 Do not marvel at this; for the hour is coming when all who are in the tombs will hear his voice 29 and come forth, those who have done good, to the resurrection of life, and those who have done evil, to the resurrection of judgment. 30 “I can do nothing on my own authority; as I hear, I judge; and my judgment is just, because I seek not my own will but the will of him who sent me.

Thứ Tư     17-3               Cha Ta vẫn làm việc và Ta cũng làm việc

 

Ga 5,17-30

17 Nhưng Đức Giê-su đáp lại: “Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc.”18 Bởi vậy, người Do-thái lại càng tìm cách giết Đức Giê-su, vì không những Người phá luật sa-bát, lại còn nói Thiên Chúa là Cha của mình, và như thế là tự coi mình ngang hàng với Thiên Chúa.19 Đức Giê-su lên tiếng nói với họ rằng: “Thật, tôi bảo thật các ông: người Con không thể tự mình làm bất cứ điều gì, ngoại trừ điều Người thấy Chúa Cha làm; vì điều gì Chúa Cha làm, thì người Con cũng làm như vậy.20 Quả thật, Chúa Cha yêu người Con và cho người Con thấy mọi điều mình làm, lại sẽ còn cho người Con thấy những việc lớn lao hơn nữa, khiến chính các ông cũng phải kinh ngạc.21 Chúa Cha làm cho kẻ chết trỗi dậy và ban sự sống cho họ thế nào, thì người Con cũng ban sự sống cho ai tuỳ ý.22 Quả thật, Chúa Cha không xét xử một ai, nhưng đã ban cho người Con mọi quyền xét xử,23 để ai nấy đều tôn kính người Con như tôn kính Chúa Cha. Kẻ nào không tôn kính người Con, thì cũng không tôn kính Chúa Cha, Đấng đã sai người Con.24 Thật, tôi bảo thật các ông: ai nghe lời tôi và tin vào Đấng đã sai tôi, thì có sự sống đời đời và khỏi bị xét xử, nhưng đã từ cõi chết bước vào cõi sống.25 Thật, tôi bảo thật các ông: giờ đã đến – và chính là lúc này đây – giờ các kẻ chết nghe tiếng Con Thiên Chúa; ai nghe thì sẽ được sống.26 Quả thật, Chúa Cha có sự sống nơi mình thế nào, thì cũng ban cho người Con được có sự sống nơi mình như vậy,27 lại ban cho người Con được quyền xét xử, vì người Con là Con Người.28 Các ông chớ ngạc nhiên về điều này, vì giờ đã đến, giờ mọi kẻ ở trong mồ sẽ nghe tiếng người Con29 và sẽ ra khỏi đó: ai đã làm điều lành, thì sẽ sống lại để được sống; ai đã làm điều dữ, thì sẽ sống lại để bị kết án.30 Tôi không thể tự ý mình làm gì. Tôi xét xử theo như tôi được nghe, và phán quyết của tôi thật công minh, vì tôi không tìm cách làm theo ý riêng tôi, nhưng theo ý Đấng đã sai tôi.

Meditation: 

 

Who can claim authority and power over life and death itself? Jesus not only made such a claim, he showed God’s power to heal and restore people to wholeness of life. He also showed the mercy of God by releasing people from their burden of sin and guilt. He even claimed to have the power to raise the dead to life and to execute judgment on all the living and dead. The Jewish authorities were troubled with Jesus’ claims and looked for a way to get rid of him. He either had to be a mad man and an imposter or who he claimed to be – God’s divine son. Unfortunately, they could not accept Jesus’ claim to be the Messiah, the anointed one sent by the Father to redeem his people. They sought to kill him because he claimed an authority and equality with God which they could not accept. They failed to recognize that this was God’s answer to the long-awaited prayers of his people: “In a time of favor I have answered you, in a day of salvation I have helped you” (Isaiah 49:8).

A “covenant” to the people

Jesus was sent by the Father as “a covenant to the people” to reconcile them with God and  restore to them the promise of paradise and everlasting life. Jesus’ words and actions reveal God’s mercy and  justice. Jesus fulfills the prophecy of Isaiah when he brings healing, restoration, and forgiveness to those who accept his divine message.

The religious authorities charged Jesus as a Sabbath-breaker and a blasphemer. They wanted to kill Jesus because he claimed equality with God – something they thought no mortal could say without blaspheming. Little did they understand that Jesus was both human and divine – the eternal Son with the Father and the human son, conceived by the Holy Spirit in the womb of Mary. Jesus answered their charge of breaking the Sabbath law by demonstrating God’s purpose for creation and redemption – to save and restore life. God’s love and mercy never ceases for a moment. Jesus continues to show the Father’s mercy by healing and restoring people, even on the Sabbath day of rest. When the religious leaders charged that Jesus was making himself equal with God, Jesus replied that he was not acting independently of God because his relationship is a close personal Father-Son relationship. He and the Father are united in heart, mind, and will. The mind of Jesus is the mind of God, and the words of Jesus are the words of God.

The unity of love and obedience

Jesus also states that his identity with the Father is based on complete trust and obedience. Jesus always did what his Father wanted him to do. His obedience was not just based on submission, but on love. He obeyed because he loved his Father. The unity between Jesus and the Father is a unity of love – a total giving of oneself for the sake of another. That is why their mutual love for each other is perfect and complete. The Son loves the Father and gives himself in total obedience to the Father’s will. The Father loves the Son and shares with him all that he is and has. We are called to submit our lives to God with the same love, trust, and obedience which Jesus demonstrated for his Father.

If we wish to understand how God deals with sin and how he responds to our sinful condition, then we must look to Jesus. Jesus took our sins upon himself and nailed them to the cross. He, who is equal in dignity and stature with the Father, became a servant for our sake to ransom us from slavery to sin. He has the power to forgive us and to restore our relationship with God because he paid the price for our sins.

 

 

Jesus offers us abundant, life, peace, and joy

Jesus states that to accept him is life – a life of abundant peace and joy with God. But if we reject him, then we freely choose for death – an endless separation with an all-loving and merciful God. Do you want the abundant life which Jesus offers? Believe in him, the living Word of God, who became a man for our sake and our salvation, and reject whatever is false and contrary to the Gospel – the good news he came to give us.

“Lord Jesus, increase my love for you and unite my heart and will with yours, that I may only seek and desire what is pleasing to you.”

Suy niệm:

 

Ai có thể tuyên bố có mọi quyền lực trên chính sự sống và sự chết? Ðức Giêsu không chỉ có lời tuyên bố như thế, Người còn cho thấy quyền năng của Thiên Chúa để chữa lành và phục hồi toàn bộ sự sống cho con người. Người cũng bày tỏ lòng thương xót của Thiên Chúa bằng việc giải thoát con người khỏi gánh nặng của tội lỗi. Thậm chí, Người còn tuyên bố có quyền cho kẻ chết sống lại và phán xét kẻ sống và kẻ chết. Những người cầm quyền Dothái khó chịu với những lời tuyên bố của Ðức Giêsu và tìm cách giết chết Người. Người hẳn là một người điên và là kẻ lừa đảo, hay là Đấng mà Ngài tuyên bố mình là – Con Thiên Chúa. Nhưng tiếc thay, họ không thể chấp nhận lời tuyên bố của Ðức Giêsu là Đấng Mêsia, là Đấng được xức dầu được Cha sai đến để cứu chuộc dân Người. Họ tìm cách giết Người, bởi vì Người đã tuyên bố có quyền năng và ngang hàng với Thiên Chúa, điều mà họ không thể chấp nhận được. Họ đã không nhận ra rằng đây chính là câu trả lời của Thiên Chúa đối với những lời cầu nguyện chờ đợi lâu ngày của dân Người: “Trong lúc thuận tiện, Ta đáp lời ngươi, trong ngày cứu độ, Ta sẽ cứu giúp ngươi” (Is 49,8).

“Giao ước” với con người

Ðức Giêsu được Cha sai tới như một “giao ước với dân” để giao hoà họ với Thiên Chúa và phục hồi cho họ lời hứa về Thiên đàng và sự sống đời đời. Những lời nói và hành động của Ðức Giêsu bộc lộ lòng thương xót và công lý của Thiên Chúa. Ðức Giêsu làm ứng nghiệm lời tiên báo của Isaia khi Ngài đem lại sự chữa lành, phục hồi, và ơn tha thứ cho những ai tiếp nhận sứ điệp thần linh của Người.

Các nhà cầm quyền tôn giáo buộc tội Ðức Giêsu là người vi phạm ngày Sabát và là người phạm thượng. Họ muốn giết Ðức Giêsu bởi vì Người đã tuyên bố mình ngang hàng với Thiên Chúa. Người tuyên bố ngang hàng với Thiên Chúa -điều mà họ nghĩ không người nào có thể nói mà không phạm tội phạm thượng. Họ hiểu rằng Ðức Giêsu vừa là con người vừa là Thiên Chúa – Con vĩnh cửu của Cha, và là con người, được thụ thai bởi Chúa Thánh Thần trong lòng Đức Maria. Ðức Giêsu đã trả lời sự buộc tội của họ về việc vi phạm luật ngày Sabát bằng việc chứng tỏ mục đích của Thiên Chúa cho sự tạo dựng và cứu chuộc – là để cứu chữa và phục hồi sự sống. Tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa không bao giờ ngừng trong giây phút nào. Ðức Giêsu tiếp tục cho thấy lòng thương xót của Cha, thậm chí vào ngày Sabát, ngày nghỉ. Khi các nhà lãnh đạo tôn giáo buộc tội rằng Ðức Giêsu tự cho mình ngang hàng với Thiên Chúa, Ngài đáp lại rằng Người không hành động mà không lệ thuộc vào Thiên Chúa, bởi vì mối quan hệ của Ngài chính là mối quan hệ mật thiết của Cha và Con. Ngài và Cha hiệp nhất trong linh hồn, lý trí, và ý chí. Ý định của Ðức Giêsu là ý định của Thiên Chúa, và Lời của Ðức Giêsu là Lời Thiên Chúa.

Sự hiệp nhất giữa tình yêu và vâng phục

Ðức Giêsu cũng nói rằng căn tính của Người với Cha dựa trên sự tin cậy và vâng phục hoàn toàn. Ðức Giêsu luôn luôn làm những gì Cha muốn Người làm. Sự vâng phục của Người không dựa trên sự quy phục, nhưng dựa trên tình yêu. Người vâng phục bởi vì Người yêu mến Cha. Sự hiệp nhất giữa Ðức Giêsu và Cha là sự hiệp nhất của tình yêu – sự hiến mình trọn vẹn vì người khác. Đó là lý do tại sao tình yêu của các Ngài dành cho nhau thì hoàn hảo và trọn vẹn. Con yêu mến Cha và hiến mình trong sự vâng phục hoàn toàn trước ý Cha. Cha yêu mến Con và chia sẻ với Con tất cả những gì Người là và Người có. Chúng ta cũng được mời gọi quy phục cuộc đời mình trước Thiên Chúa với cùng một tình yêu, sự tin cậy, và sự vâng phục mà Ðức Giêsu đã chứng tỏ với Cha Người.

Nếu chúng ta muốn hiểu cách thức Thiên Chúa ứng xử với tội lỗi và Người trả giá cho điều kiện tội lỗi của chúng ta ra sao, thì chúng ta phải nhìn vào Ðức Giêsu. Ðức Giêsu đã gánh lấy những tội lỗi của chúng ta trên mình và đóng đinh chúng vào thập giá Người, Đấng ngang hàng trong căn tính và dạng thức với Cha, đã trở nên người tôi tớ vì chúng ta để cứu chuộc chúng ta khỏi ách nô lệ tội lỗi. Người có quyền năng để tha thứ cho chúng ta và phục hồi mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa, bởi vì Người đã trả giá cho tội lỗi của chúng ta.

Đức Giêsu ban cho chúng ta sự sống, bình an, và niềm vui sung mãn

Ðức Giêsu nói rằng đón nhận Ngài là sống – sự sống của sự bình an và niềm vui sung mãn với Thiên Chúa. Nhưng nếu chúng ta khước từ Ngài, thì chúng ta đã tự chọn cái chết – sự chia cắt vĩnh viễn với một Thiên Chúa toàn ái và đầy thương xót. Bạn có muốn sự sống sung mãn mà Ðức Giêsu đề cử không? Hãy tin tưởng vào Người, Lời hằng sống của Thiên Chúa, Đấng đã trở nên người vì chúng ta và vì phần rỗi chúng ta, và hãy loại bỏ những gì sai trái và đi ngược lại với Tin mừng – Tin mừng Người đến để ban cho chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu, xin gia tăng tình yêu của con dành cho Chúa và kết hợp lòng trí con với lòng trí của Chúa, để con có thể chỉ tìm kiếm những gì làm vui lòng Chúa.

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây