Vatican News
Đức Thánh Cha nhận xét rằng “Đức Biển Đức XVI là một người rất nhân hậu. Trong một số trường hợp, một số người đã lợi dụng ngài, có lẽ không có ác ý và đã giới hạn các hành động của ngài. Thật không may, theo một cách nào đó, họ đã bao vây ngài. Ngài là một người rất mảnh dẻ nhưng không hề yếu đuối, rất mạnh mẽ. Nhưng ngài khiêm tốn và không muốn áp đặt lên người khác. Vì thế ngài đã phải đau khổ rất nhiều”.
“Ngài để tôi phát triển - Đức Thánh Cha giải thích - ngài rất kiên nhẫn. Và nếu ngài không hiểu rõ điều gì đó, ngài sẽ suy nghĩ ba hoặc bốn lần trước khi nói với tôi. Ngài để tôi phát triển và cho tôi quyền tự do đưa ra quyết định”. Trong cuốn sách Đức Thánh Cha kể lại mối quan hệ đã gắn kết ngài với Đức cố Giáo hoàng trong gần mười năm cùng sống ở Vatican: “Ngài đã rời bỏ cách tự do, ngài không bao giờ can thiệp. Có lần, khi có một quyết định nào đó mà ngài không hiểu, ngài đã yêu cầu tôi giải thích một cách rất tự nhiên. Ngài nói với tôi: ‘Ngài xem này, tôi không hiểu điều này, nhưng quyền quyết định nằm trong tay ngài’; tôi đã giải thích lý do cho ngài và ngài rất vui”. Đức Thánh Cha cho biết vị tiền nhiệm của ngài không bao giờ phản đối bất kỳ quyết định nào của ngài: “Ngài không bao giờ tước bỏ sự ủng hộ của ngài đối với tôi. Có lẽ có điều gì đó ngài không đồng ý nhưng ngài chưa bao giờ nói ra”.
Đức Thánh Cha cũng nhắc lại lần ngài từ biệt Đức Biển Đức XVI vào Thứ Tư ngày 28/9/2022, lần cuối cùng ngài gặp Đức cố Giáo hoàng khi còn sống: “Đức Biển Đức đang nằm trên giường. Ngài vẫn còn tỉnh táo nhưng không thể nói được. Ngài nhìn tôi, bắt tay tôi, hiểu những gì tôi nói, nhưng không thể nói rõ một lời. Tôi ở bên ngài như thế một lúc, nhìn ngài và nắm tay ngài. Tôi nhớ rất rõ đôi mắt tinh anh của ngài... Tôi trìu mến nói vài lời với ngài và chúc lành cho ngài. Đây là cách chúng tôi nói lời tạm biệt”.
Nói về tính liên tục giữa các triều đại giáo hoàng, Đức Thánh Cha nói: “Điều tôi thấy ở các vị giáo hoàng gần đây... là mỗi người kế nhiệm luôn được đánh dấu bằng sự liên tục, liên tục và khác biệt”, bởi vì “trong sự liên tục, mỗi người đều mang đặc sủng cá nhân của mình… luôn luôn có sự liên tục và không có sự đứt gãy”.
Đức Thánh Cha cũng kể lại một trường hợp cụ thể trong đó ngài được Đức Biển Đức XVI bảo vệ. “Tôi đã có một cuộc trò chuyện rất thú vị với ngài khi một số Hồng y đến gặp ngài ngạc nhiên trước những lời của tôi nói về hôn nhân, và ngài đã nói rất rõ ràng với họ. Một ngày nọ, họ đến nhà ngài để đưa tôi ra xét xử và cáo buộc tôi trước mặt ngài là cổ vũ cho hôn nhân đồng tính. Đức Biển Đức không hề khó chịu vì ngài biết rất rõ những gì tôi nghĩ. Ngài lắng nghe từng người một, trấn an họ và giải thích mọi chuyện cho họ. Có một lần tôi đã nói rằng, vì hôn nhân là một bí tích, nên không thể được ban cho các cặp đồng tính, nhưng bằng cách nào đó phải đưa ra một số bảo đảm hoặc sự bảo vệ dân sự cho hoàn cảnh của những người này. Tôi đã nói rằng ở Pháp có công thức ‘kết hợp dân sự’, thoáng nhìn có thể là một lựa chọn tốt, vì nó không giới hạn ở hôn nhân. Ví dụ - tôi nghĩ - chúng ta có thể chấp nhận ba người già hưu trí, những người cần chia sẻ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, tài sản thừa kế, nhà ở, v.v. Đối với tôi, nó có vẻ như là một giải pháp thú vị. Một số người đến nói với Đức Biển Đức rằng tôi đang nói những điều lạc giáo. Ngài lắng nghe họ và nhiệt tình giúp họ phân biệt mọi thứ... Ngài nói với họ: ‘Đây không phải là dị giáo’. Ngài đã bảo vệ tôi!... Ngài luôn bảo vệ tôi”.
Trả lời câu hỏi của một nhà báo về những cuốn sách được phát hành nhân dịp Đức cố Giáo hoàng Biển Đức qua đời, Đức Thánh Cha nói: “Họ đã khiến tôi vô cùng đau đớn: vào ngày tang lễ, một cuốn sách được xuất bản khiến tôi đảo lộn, kể những điều không có thật, rất buồn. Đương nhiên nó không ảnh hưởng đến tôi, theo nghĩa là nó không thay đổi tôi. Nhưng tôi đau lòng vì Đức Biển Đức đã bị lợi dụng. Cuốn sách được xuất bản vào ngày tang lễ, và tôi cảm thấy nó thiếu sự cao quý và tính nhân văn”.
Cuối cùng, Đức Thánh Cha tiết lộ với nhà báo Javier Martínez-Brocal rằng ngài đã ra lệnh điều chỉnh lại các nghi thức tang lễ của Đức Giáo hoàng, giải thích rằng lễ tang của Đức Biển Đức XVI là lần cuối cùng thi hài của một Giáo hoàng không để trong quan tài nhưng trên một chiếc bàn và được chèn các gối nhỏ. Các Giáo hoàng “phải được canh thức và chôn cất như bất kỳ người con nào khác của Giáo hội. Với phẩm giá, giống như bất kỳ Kitô hữu nào”.
Nguồn tin: www.vaticannews.va
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn