Đức Hồng Y Chánh Tòa Ân Giải Tối Cao suy tư về giá trị của việc sám hối trong thời đại dịch
Chủ nhật - 28/02/2021 02:52
Sám hối là lời mời gọi thường hằng trong đời sống Kitô hữu, và được nhấn mạnh trong Mùa Chay, có thể giúp chúng ta hiểu giá trị những hy sinh mà chúng ta đã được kêu gọi thực hiện trong đại dịch coronavirus.
Trong một lá thư cho Mùa Chay năm 2021, được đăng trên tờ Quan Sát Viên Rôma vào ngày 18 tháng 2, Đức Hồng Y Mauro Piacenza đã trình bày các suy tư của ngài về việc “sám hối trong thời gian khẩn cấp”.
Đức Hồng Y Piacenza là Chánh Tòa Ân Giải Tối Cao, một tòa án của Tòa án của Vatican có thẩm quyền liên quan đến các ân xá như toàn xá và tiểu xá, và việc xá các tội nghiêm trọng.
Ngài viết rằng 40 ngày Mùa Chay và sự chiến thắng của Chúa Kitô đối với sự dữ “có tầm quan trọng không thể so sánh được đối với sự sống của con người, bởi vì những điều này không chỉ liên quan đến đến lợi ích vật chất hay sức khoẻ thể xác, mà còn liên quan đến một điều triệt để hơn nhiều là sự cứu rỗi đời đời”.
Ngài nói rằng, không giống như những gì thường được nhấn mạnh trong đại dịch COVID-19, Mùa Chay “không chỉ liên quan đến việc chữa lành hoặc miễn nhiễm khỏi bệnh truyền nhiễm, nhưng còn liên quan đến chiến thắng tội lỗi, là thứ khiến con người trở thành nô lệ, và phải chết. Tội lỗi cũng giới hạn các khát vọng con người trong những ao ước thế tục mà thôi. Mùa Chay giúp chúng ta vươn đến những khát vọng cao cả hơn”.
Với Mùa Chay, chúng ta có thể nhìn thấy xa hơn các giai đoạn đóng cửa và đại dịch và nhìn “toàn bộ thời gian” với một viễn cảnh “được chiếu sáng bởi ánh sáng của sự phục sinh”, Đức Hồng Y nói.
Ngài lưu ý rằng tình trạng khẩn cấp về sức khỏe xuất hiện “ngay khi việc từ bỏ, hy sinh, và đền tội dường như bị cấm theo quy điển của một phương Tây đã trở nên điếc lác với mọi hình thức hành xác”.
Ngài giải thích rằng giờ đây, mọi người trên khắp thế giới đã được yêu cầu “từ bỏ, ít nhất là một phần, việc thực hiện các quyền tự do cá nhân” để tuân theo các quy trình an toàn sức khỏe và tuân theo các chỉ dẫn của các cơ quan có thẩm quyền.
Theo Đức Hồng Y, trong thời kỳ đại dịch, các phương tiện thông tin đại chúng đã gửi đi ba thông điệp: tố cáo mối nguy hiểm sắp xảy ra và nhấn mạnh trách nhiệm của một người đối với bản thân và người khác; chỉ ra một thời điểm trong tương lai mà tại đó mọi thứ sẽ được giải quyết tốt nhất; và đặt ra thời hạn cho sự chờ đợi và hy sinh bắt buộc.
“Một phần trong những điều này cũng luôn là ý tưởng định hướng của sự sám hối Kitô Giáo được đề xuất và mời gọi đối với tất cả mọi người trong Mùa Chay thánh,” Đức Hồng Y Piacenza nói.
Ngài nói thêm rằng trên thế giới, luôn luôn có “một mối nguy hiểm sắp xảy ra,” đó là tinh thần ma quỷ, mà các tín hữu Kitô được kêu gọi chống lại bằng sự sám hối.
Chân trời tích cực là “chiến thắng trên Thập tự giá do Chúa Kitô giành được và được chia sẻ bởi những người chào đón Ngài vào cuộc sống của chính họ”, ngài giải thích. Và có sự kết thúc trận chiến, “được biểu thị bằng ‘con số thiêng liêng’ là 40 ngày, là thời gian hoán cải và cứu độ thực sự”.
Đức Hồng Y Chánh Tòa Ân Giải Tối Cao nhấn mạnh rằng việc sám hối của Kitô hữu không phải là một “nỗ lực mệt mỏi và không chắc chắn để đạt được, bằng sức riêng của mình, một ơn thiêng nào đó”.
“Ngược lại”, Đức Hồng Y nhấn mạnh rằng, “sám hối bao gồm nhu cầu không thể cưỡng lại, nảy sinh trong mỗi trái tim người Kitô hữu đích thực, là muốn đáp lại với tất cả bản thân mình trước Tình yêu của Chúa Kitô, Đấng là Thiên Chúa thật và là người thật, đã gánh lấy tội ác của thế giới đến mức hy sinh trên thập tự giá. Sự phục sinh của chính Ngài đã đổi mới vũ trụ đang bị lung lay bởi tội lỗi”.
Giáo hội luôn coi việc sám hối là một “nhân đức đích thực và thích hợp, được Chúa Thánh Thần ban cho và hoạt động để qua đó con người tự mở lòng ra đón nhận chiến thắng vĩ đại của Chúa Kitô”, Đức Hồng Y Piacenza viết.
Qua việc sám hối, con người học cách từ bỏ toàn bộ cuộc sống của mình cho Chúa Kitô và chấp nhận cùng chịu đau khổ với Ngài, nhận lấy hậu quả của tội lỗi mình gây ra, và “dâng hiến sự đền đáp chính đáng”.
“Nhưng trên hết”, Đức Hồng Y nói, qua sám hối, Kitô hữu học được “cách nhận biết những điều bí ẩn trong Trái tim Chúa Kitô và tham gia, ngay bây giờ và mãi mãi, trong cuộc sống mới của Đấng ‘đã khước từ niềm vui dành cho mình, mà cam chịu khổ hình thập giá, chẳng nề chi ô nhục, và nay đang ngự bên hữu ngai Thiên Chúa’ (Dt 12: 2)”.
Đức Hồng Y Piacenza đã kết thúc bức thư của mình bằng cách cầu xin Đức Trinh Nữ Maria giúp người Công Giáo phát triển “sự sám hối thực sự của người Kitô hữu, để có khả năng đón nhận và nhìn thấy sự thay đổi trong dịp cứu độ, là tình trạng khẩn cấp đại dịch hiện nay, làm cho lòng người phát triển niềm vui và tự do của những người biết mình không thuộc về quyền lực nào trên thế gian này, nhưng chỉ thuộc về Chúa Kitô và quyền năng cứu rỗi của Ngài”.Source:Catholic News AgencyVatican cardinal reflects on the value of penance in a time of pandemic