Đức Thánh Cha thiết lập Ngày Thế Giới Những Ông Bà Và Các Vị Cao Niên cử hành trong toàn Giáo Hội

Chủ nhật - 31/01/2021 17:29
Ngày Chúa Nhật 31 tháng Giêng, Giáo Hội trình bày cho chúng ta thấy Chúa Giêsu ngay khi bắt đầu cuộc đời công khai rao giảng của Ngài đã giảng dạy người ta như Đấng có uy quyền.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Đến thành Capharnaum ngày nghỉ lễ, Chúa Giêsu vào giảng dạy trong hội đường. Người ta kinh ngạc về giáo lý của Người, vì Người giảng dạy người ta như Đấng có uy quyền, chứ không như các luật sĩ.

Đang lúc đó, trong hội đường có một người bị thần ô uế ám, nên thét lên rằng: “Hỡi ông Giêsu Nadarét, có chuyện gì giữa chúng tôi và ông? Ông đến để tiêu diệt chúng tôi sao? Tôi biết ông là ai, là Đấng Thánh của Thiên Chúa”. Chúa Giêsu quát bảo nó rằng: “Hãy im đi và ra khỏi người này!” Thần ô uế liền dằn vặt người ấy, thét một tiếng lớn, rồi xuất khỏi người ấy. Mọi người kinh ngạc hỏi nhau rằng: “Cái gì vậy? Đấy là một giáo lý mới ư? Người dùng uy quyền mà truyền lệnh cho cả thần ô uế và chúng vâng lệnh Người”. Danh tiếng Người liền đồn ra khắp mọi nơi, và lan tràn khắp vùng lân cận xứ Galilêa.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Đoạn Tin Mừng hôm nay (x. Mc 1:21-28) kể về một ngày tiêu biểu trong sứ vụ của Chúa Giêsu; cụ thể, đó là ngày Sabát, một ngày dành riêng cho việc nghỉ ngơi và cầu nguyện: mọi người đến hội đường. Trong hội đường Ca-phác-na-um, Chúa Giêsu đọc và bình luận về Sách Thánh. Những người có mặt bị thu hút bởi cách nói của Ngài; họ rất đỗi kinh ngạc vì Ngài thể hiện một uy quyền khác với các luật sĩ (câu 22). Hơn nữa, Chúa Giêsu cho thấy Ngài không chỉ có uy quyền trong lời nói mà còn có quyền năng trong những việc Ngài làm. Thật vậy, một người trong hội đường hướng về Ngài, gọi Ngài là Đấng Thánh của Thiên Chúa: Ngài nhận ra thần ô uế, ra lệnh cho nó rời khỏi người đàn ông đó, và trục xuất nó ra ngoài (câu 23-26).

Ở đây có thể thấy hai yếu tố đặc trưng trong công việc của Chúa Giêsu: rao giảng, và hành động chữa bệnh: Ngài rao giảng và chữa lành. Cả hai khía cạnh này đều nổi bật trong trình thuật của thánh sử Máccô, nhưng việc rao giảng được nhấn mạnh nhiều nhất; Phép trừ quỷ được trình bày như một sự xác nhận “uy quyền” huấn giáo của Ngài. Chúa Giêsu rao giảng với uy quyền của chính Ngài, như một người thủ đắc giáo lý bắt nguồn từ chính Ngài, và không giống như những thầy thông giáo chỉ lặp lại các truyền thống và luật lệ trước đây. Họ lặp đi lặp lại các từ ngữ, từ ngữ, từ ngữ, chỉ từ ngữ thôi: như ca sĩ nổi tiếng Mina đã hát, “Erano così: soltanto parole” – “Chỉ những lời đầu môi chót lưỡi thôi”, đó là cách của họ. Chỉ là những lời sáo rỗng, trái ngược với Chúa Giêsu. Lời của Ngài có uy quyền, lời Chúa Giêsu có uy lực. Và điều này chạm đến con tim. Giáo huấn của Chúa Giêsu có uy quyền như khi Thiên Chúa phán; vì chỉ với một lời phán ra, Ngài đã dễ dàng giải thoát người bị quỷ ám khỏi thần ô uế, và chữa lành cho anh ta. Tại sao? Bởi vì lời của Ngài thực hiện những gì Ngài nói. Bởi vì Ngài là vị tiên tri cuối cùng. Nhưng tại sao tôi lại nói điều này, rằng Ngài là vị tiên tri cuối cùng? Hãy nhớ lời hứa của Môisê: Ông Môise nói, “Sau tôi, rất lâu sau, một nhà tiên tri như tôi sẽ đến - giống như tôi! – Đấng sẽ dạy anh em”. Môisê tuyên bố Chúa Giêsu là vị tiên tri cuối cùng. Giáo huấn của Chúa Giêsu có uy quyền như khi Thiên Chúa phán; vì chỉ với một lời phán ra, Ngài đã dễ dàng giải thoát người bị quỷ ám khỏi thần ô uế, và chữa lành cho anh ta. Đây là lý do tại sao Người nói không phải với uy quyền của con người, nhưng với quyền lực Thiên Chúa, bởi vì Ngài có quyền năng của nhà tiên tri cuối cùng, tức là Con Thiên Chúa, Đấng cứu chúng ta, Đấng chữa lành tất cả chúng ta.

Khía cạnh thứ hai, sự chữa lành cho thấy rằng lời rao giảng của Chúa Kitô nhằm đánh bại sự dữ đang hiện diện trong nhân loại và thế giới. Lời của Người nhắm thẳng vào vương quốc Satan: nó khiến Satan rơi vào khủng hoảng và suy sụp, buộc nó phải rời khỏi thế giới. Được chạm đến bởi mệnh lệnh của Chúa, người đàn ông bị quỷ ám ảnh, bị thần ô uế nhập này được giải thoát và biến đổi thành một người mới. Ngoài ra, lời rao giảng của Chúa Giêsu đưa ra một luận lý trái ngược với luận lý của thế gian và của ma quỷ: Những lời của Người mạc khải một sự biến động trong trật tự sai lầm của mọi thứ. Trên thực tế, con quỷ hiện diện trong người đàn ông bị quỷ ám kêu lên khi Chúa Giêsu đến gần: “Hỡi ông Giêsu Nadarét, có chuyện gì giữa chúng tôi và ông? Ông đến để tiêu diệt chúng tôi sao?” (Câu 24). Những biểu hiện này cho thấy mối quan hệ ngoại lai hoàn toàn giữa Chúa Giêsu và Satan: cụ thể Ngài ở trên những bình diện hoàn toàn khác với nó; không có điểm chung nào với nó; và đối lập với nó. Chúa Giêsu, đầy quyền uy, thu hút mọi người bằng uy lực của mình, cũng là vị tiên tri giải phóng, vị tiên tri được hứa ban cho nhân loại, Đấng là Con Thiên Chúa, đến để chữa lành. Chúng ta hãy lắng nghe những lời có uy quyền của Chúa Giêsu: luôn luôn, đừng quên!

Hãy mang theo một cuốn Kinh Thánh nhỏ trong túi hoặc trong cặp của anh chị em, để đọc trong ngày và lắng nghe lời có uy quyền đó của Chúa Giêsu. Tất cả chúng ta đều có những vấn đề, chúng ta đều là những người tội lỗi, chúng ta đều có những bất ổn về tâm linh; chúng ta hãy thưa cùng Chúa Giêsu: “Lạy Chúa Giêsu, Ngài là vị tiên tri, Con Thiên Chúa, Đấng đã được hứa ban cho chúng con để chữa lành chúng con. Xin chữa lành cho con!” Anh chị em hãy cầu xin Chúa Giêsu chữa lành, khỏi tội lỗi, khỏi bệnh tật của chúng ta.

Đức Trinh Nữ Maria luôn ghi nhớ những lời nói và việc làm của Chúa Giêsu trong lòng, và theo Ngài với sự sẵn sàng hoàn toàn và trung tín trọn vẹn. Xin Mẹ cũng giúp chúng ta lắng nghe Ngài và đi theo Ngài, để cảm nghiệm những dấu chỉ của ơn cứu rỗi Ngài mang đến trong cuộc sống của chúng ta.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói tiếp như sau:

Anh chị em thân mến,

Ngày mốt, ngày 2 tháng 2, chúng ta sẽ cử hành lễ Dâng Chúa Giêsu Vào Đền Thánh, khi ông Simeon và bà Anna, cả hai đều đã cao tuổi, được Chúa Thánh Thần soi sáng, nhận ra Chúa Giêsu là Đấng Mêsia. Ngày nay Chúa Thánh Thần vẫn khơi dậy những suy nghĩ và lời nói khôn ngoan của người cao tuổi: tiếng nói của họ rất quý giá vì nó hát những lời ca tụng Thiên Chúa và bảo vệ cội nguồn của các dân tộc. Họ nhắc nhở chúng ta rằng tuổi già là một ân sủng và ông bà là sợi dây kết nối giữa các thế hệ, truyền kinh nghiệm sống và đức tin cho lớp trẻ. Ông bà ta thường bị lãng quên và chúng ta quên đi kho tàng giàu có từ việc gìn giữ cội nguồn và truyền lại cho hậu thế. Vì lý do này, tôi đã quyết định thành lập Ngày Thế Giới Những Ông Bà Và Các Vị Cao Niên, sẽ được tổ chức trong toàn Giáo Hội hằng năm vào ngày Chúa Nhật thứ tư của tháng bảy, gần với lễ hai thánh Joachim và Anna, là ông bà ngoại của Chúa Giêsu. Điều quan trọng là ông bà được gặp các cháu của họ, và các cháu được gặp gỡ ông bà mình, bởi vì - như tiên tri Giô-ên nói - ông bà, trước mặt các cháu của họ, sẽ mơ ước và có những ước muốn lớn lao, và những người trẻ tuổi, lấy sức mạnh từ ông bà, sẽ đi về phía trước và nói tiên tri. Và ngày 2 tháng 2 thực sự là ngày lễ của cuộc gặp gỡ giữa ông bà và con cháu.

Hôm nay, chúng ta kỷ niệm Ngày Thế giới Bệnh phong, do Raoul Follereau khởi xướng cách đây hơn 60 năm và được tiếp tục bởi các hiệp hội lấy cảm hứng từ công việc nhân đạo của ông. Tôi bày tỏ sự gần gũi của mình với những người mắc phải căn bệnh này, và tôi khuyến khích những nhà truyền giáo, các nhân viên chăm sóc sức khỏe và tình nguyện viên đang tham gia phục vụ họ. Đại dịch đã khẳng định tầm quan trọng của việc bảo vệ quyền được chăm sóc sức khỏe cho những người mong manh nhất: Tôi hy vọng rằng các nhà lãnh đạo các quốc gia sẽ đoàn kết trong nỗ lực điều trị những người mắc bệnh phong và bảo đảm cho họ được hội nhập vào xã hội.

Tôi chào đón một cách trìu mến các chàng trai và cô gái trong phong trào Công Giáo Tiến hành tại giáo phận Rôma này - một số trong số họ đang ở đây - được tập trung an toàn tại giáo xứ của họ hoặc được kết nối trực tuyến, nhân dịp Caravan Hòa bình. Mặc dù tình trạng khẩn cấp về sức khỏe, nhưng năm nay, với sự giúp đỡ của các bậc cha mẹ, các nhà giáo dục và các linh mục hỗ trợ, họ đã tổ chức sáng kiến tuyệt vời này. Họ đang thực hiện các sáng kiến, các con làm rất tốt! Hãy tiếp tục phát huy! Các con làm tốt lắm, cảm ơn các con. Và bây giờ chúng ta hãy cùng nhau lắng nghe thông điệp mà một số người trong số họ ở đây bên cạnh chúng ta, thay mặt cho tất cả chúng ta, sẽ đọc.

Bình thường các bạn trẻ này sẽ mang bóng bay từ cửa sổ ném lên không trung, nhưng hôm nay chúng tôi bị nhốt ở đây nên sẽ không làm được. Nhưng năm sau chắc chắn bạn sẽ làm được!

Tôi gửi lời chào thân ái đến tất cả các anh chị em, những người đã kết nối thông qua các phương tiện truyền thông đa dạng. Chúc anh chị em một ngày Chúa Nhật an lành. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em một bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.


Source:Holy See Press OfficeLe parole del Papa alla recita dell’Angelus, 31.01.2021

Nguồn tin: vietcatholicnews.org

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây