Hội nghị thường niên các Đại Chủng Viện năm 2022: Đúc kết thuyết trình và thảo luận ngày thứ II
Thứ năm - 07/07/2022 02:26
Hội nghị thường niên các Đại Chủng Viện năm 2022: Đúc kết thuyết trình và thảo luận ngày thứ II
HỘI NGHỊ THƯỜNG NIÊN CÁC ĐẠI CHỦNG VIỆN NĂM 2022:
ĐÚC KẾT THUYẾT TRÌNH VÀ THẢO LUẬN NGÀY THỨ II
Lm. Phaolô Đinh Chí Hiền
WHĐ (06.7.2022) – Lúc 5g30 ngày 05.7.2022, Hội nghị thường niên các Đại Chủng Viện năm 2022 bước vào ngày sống và làm việc thứ II với tâm tình ngợi ca tình yêu Thiên Chúa trong Giờ Kinh Sáng và thánh lễ xin ơn Chúa Thánh Thần tại Nhà nguyện Tòa Giám Mục. Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng chủ tế thánh lễ và mời gọi mọi người cùng nhau nài xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn Hội nghị để có thể sinh được những hoa trái thiêng liêng cho công cuộc đào tạo linh mục như lòng Chúa mong ước.
Trong phần chia sẻ Lời Chúa, cha Bruno Phạm Bá Quế, Giám đốc Đại Chủng Viện Hà Nội, khởi đi từ tinh thần hiệp hành của Giáo hội thật thích hợp và ý nghĩa cho Hội Nghị thường niên năm nay để cùng nhau gặp gỡ, lắng nghe và phân định. Đây là một tiến trình dài trong đời sống Giáo hội và công cuộc đào tạo linh mục. Dưới ánh sáng Lời Chúa, cha mời gọi cộng đoàn tin tưởng vào tình yêu chung thủy của Thiên Chúa dành cho con người qua hình ảnh hôn nhân mà tiên tri Hôsê nhắc tới. Từ đó, người môn đệ Chúa Kitô cần đi sâu vào đời sống cầu nguyện mà Chúa Giêsu nói tới trong bài Tin Mừng như một xác tín nhằm xác định rõ căn tính người tông đồ.
Ngày làm việc thứ II của Hội Nghị được chia thành 2 phần: thuyết trình các đề tài vào buổi sáng và thảo luận nhóm vào buổi chiều.
Trong buổi sáng, các tham dự viên được lắng nghe 2 đề tài xoay quanh cuộc đời Đức cha Pierre Lambert De La Motte như một mẫu gương sống động của việc đào tạo linh mục trong tinh thần hiệp hành của Giáo hội và bối cảnh hậu Covid-19 của xã hội:
– Đức cha chủ tịch Giuse Đỗ Mạnh Hùng trình bày đề tài 1: “Đào tạo linh mục – đào tạo “người môn đệ truyền giáo” (missionary disciple – ratio 2016) – trong bối cảnh hướng đến tiến trình phong thánh Đức cha Lambert de La Motte”.
– Nữ Tu Cecilia Trần Thị Thanh Hương, Hội Dòng Mến Thánh Giá Gò Vấp, trình bày đề tài 2: “Đức cha Pierre Lambert người môn đệ yêu mến và hướng trọn lòng trí, cuộc sống vào “Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh.”
Vào buổi chiều, từ hai bài thuyết trình đã được lắng nghe, các tham dự viên được chia thành các nhóm nhỏ để thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm cũng như thao thức trong đào tạo.
Sau đây là các bài đúc kết thuyết trình và thảo luận của ngày làm việc thứ II của Hội nghị do cha Giuse Nguyễn Văn Am SDB, Thư ký Hội nghị thực hiện.
Đúc kết thuyết trình và thảo luận đề tài 1
Với định hướng của Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGMVN) về việc Phong thánh cho Đức cha Pierre Lambert de la Motte: Hoa trái thánh thiện của Đức cha Lambert là toàn thể Giáo hội Việt Nam hôm nay với 27 giáo phận, Hội nghị Thường niên 2022 của các Đại Chủng viện học hỏi về gương sáng của Vị mục tử Pierre Lambert de la Motte để huấn luyện và đào tạo chủng sinh, tu sĩ và giáo dân thành những môn đệ truyền giáo, loan báo Tin Mừng yêu thương của Thiên Chúa cho đồng bào Việt Nam. Trong Hội nghị này, chúng ta đang sống Mầu nhiệm Giáo hội “hiệp hành”, cùng nhau tiến bước trên Con đường Giêsu và mời gọi mọi người cùng tiến bước về với Thiên Chúa Cha: “Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống, không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6). Mầu nhiệm đó không chỉ chi phối chúng ta khi suy tư, học hỏi mà còn cả khi cùng nhau cầu nguyện, giải trí, trao đổi. Nói tắt, mầu nhiệm đó chi phối toàn vẹn đời sống chúng ta thành dấu chỉ sự hiệp thông, sống tích cực tham gia vào đời sống Giáo hội và sứ vụ của Giáo hội. Như vậy, sự tưởng nhớ của chúng ta về Đức cha Pierre Lambert de la Motte còn mang tính chất thiêng liêng và cầu nguyện, hy vọng ngài sớm được nâng lên bậc hiển thánh. Lúc đó, gia tài ngài để lại cho Giáo hội tại Việt Nam mới nên trọn vẹn cho vinh quang Thiên Chúa.
Nét đặc trưng của hội nghị lần này theo như Đức cha Chủ tịch nói, còn có sự hiện diện của các nữ tu. Có lẽ thế. Tuy nhiên, chính trong Ratio 2016 và nhất là trong Veritatis Gaudium, việc đào tạo linh mục cũng cần phải có sự góp phần của nữ giới. Làm thế nào, mỗi Giáo hội địa phương sẽ phải tìm ra phương cách. Nếu thế, sự hiện diện của nữ giới, của các nữ tu trong lần này cũng mang tính chất khởi đầu cuộc khai phá mà có lẽ Đức cha Lambert cũng muốn thổi vào Giáo hội tại Việt Nam mà lúc đó (thế kỷ 17) vai trò của người nữ vẫn ít được trân trọng trong một văn hóa Khổng Mạnh.
Với định hướng đó, chúng ta cùng bước vào bài thuyết trình thứ nhất của Đức cha Chủ tịch. Tựa đề bài thuyết trình: ĐÀO TẠO LINH MỤC: ĐÀO TẠO “NGƯỜI MÔN ĐỆ TRUYỀN GIÁO” TRONG BỐI CẢNH HƯỚNG ĐẾN TIẾN TRÌNH PHONG THÁNH ĐỨC CHA PIERRE LAMBERT DE LA MOTTE
Bài viết muốn xoáy vào điểm cốt yếu này: học từ nơi Đức cha Lambert, dưới góc cạnh đào tạo, đào tạo người môn đệ truyền giáo hôm nay.
Để làm việc này, tác giả trình bày sơ lược qua đời sống của Đức cha Lambert dưới ánh sáng của tiến trình xin phong thánh cho ngài, như một dấu chỉ của lòng tri ân của toàn Giáo hội Việt Nam, vì lẽ, theo Hội đồng Giám mục, gia sản của Đức cha Lambert là toàn thể 27 giáo phận chứ không chỉ là Hội dòng Mến Thánh Giá. Ngài đặt suy tư học hỏi Đức cha Lambert trong bối cảnh hậu-Covid, Giáo hội đang nỗ lực trình bày một Giáo hội Hiệp hành cùng bước đi trên con đường mang tên Giêsu hướng về Thiên Chúa Cha, khi tham gia, chia sẻ những nỗi bấp bênh, u sầu của người nghèo và giới lao động. Từ đó, tác giả cho ta thấy sự từ bỏ hoàn toàn của Đức cha Lambert trước những mối lợi vật chất, danh giá, danh vọng… nhưng hoàn toàn một lòng một trí cho Đức Giêsu-Kitô-Chịu-Đóng-Đinh mà thôi. Quả là một đời sống của thánh Phaolô được sống lại nơi thế kỷ 17 tại quê hương đất Việt chúng ta.
Tác giả dựa vào tình thân và cùng hỗ trợ nhau của Đức cha Pallu và Đức cha Lambert dưới ánh sáng của Cv 1,15-26 (về việc chọn Matthias) để làm nổi bật ba yếu tố: theo Đức Giêsu trọn vẹn; cùng với các những tông đồ khác, kể cả nữ giới; loan báo và làm chứng Đức Giêsu sống lại. Như thế chúng ta thấy rõ, ngay từ ban đầu, Hiệp Hành là cách thức sống và cách thức hành động của Giáo hội. Đó là cách thức mới để là Giáo hội mà Đức Giáo hoàng Phanxicô khẳng định Chúa muốn như thế cho thiên niên kỷ thứ ba. Cách thức mới để là Giáo hội được Đức cha Lambert đã sống một cách nào đó, dĩ nhiên theo bối cảnh Giáo hội, xã hội và văn hoá thời đó. Chính ngài đã mở rộng việc truyền giáo cho các chủng sinh, cho các nữ tu Mến Thánh Giá, cho Hiệp hội Tín hữu Mến Thánh Giá. Ngài không làm một mình. Ngài mời gọi người khác chung tay và qua đó sống Giáo hội cách tích cực. Kế hoạch xây dựng Giáo hội tại nơi truyền giáo là như sau: Cùng làm việc cộng tác nhau - hiệp nhất với Rôma - huy động tất cả mọi thành phần của Giáo hội cho truyền giáo.
Bài viết còn nêu lên hai điều thú vị trong cuộc đời của Đức cha Lambert: đối với những người khác, cách riêng Phật tử, tìm cách hội nhập vào địa phương và chú tâm đến sự hiện diện và góp phần của nữ giới trong thiết lập và xây dựng Giáo hội.
Những điều ấy chắc hẳn vẫn còn đang được triển khai trong toàn Giáo hội tại Việt Nam, nhất là trong việc đào tạo những người của Giáo hội Chúa Kitô trong tương lai.
Đúc kết thuyết trình và thảo luận đề tài 2
Bài nói chuyện “ĐỨC CHA PIERRE LAMBERT: NGƯỜI MÔN ĐỆ YÊU MẾN VÀ HƯỚNG TRỌN LÒNG TRÍ, CUỘC SỐNG VÀO “ĐỨC GIÊSU-KITÔ CHỊU-ĐÓNG-ĐINH” có thể xem là bài chính của Hội nghị này. Nó khảo sát hành trình thiêng liêng và mục vụ của Đức cha Lambert trong bối cảnh xã hội, giáo hội cũng như cá nhân.
Hành trình, ta muốn nói đến những bước đi từng bước giữa những vất vả. Ta đừng ảo tưởng về sở hữu một hành trình thiêng liêng ăn sẵn, chẳng chút đổ mồ hôi. Trong lịch sử đặc thù của cuộc đời Đức cha Lambert, tinh thần/đặc sủng yêu mến Thánh giá được đâm rễ, tăng trưởng và sinh hoa kết trái. Nếu vậy, lịch sử và tinh thần không được như hai vật đặt cạnh nhau. Chúng buộc phải hòa hợp chặt chẽ với nhau. Nói tóm gọn, tinh thần được nhập thể và hiện thực trong lịch sử. Cũng thế, lịch sử phải bộc lộ được chính cái tinh thần sinh động mọi sự.
Để trình bày được luận đề này cách thuyết phục, tác giả sơ lược qua những yếu tố và những nhân vật đã tác động trên đời sống thiêng liêng của Đức cha Lambert. Tác giả nêu lên những bậc thầy linh đạo của Nước Pháp thế kỷ 17 và những cuốn sách nổi tiếng như Gương Chúa Giêsu, dẫn vào đời sống sùng mộ của thánh Phanxicô Salê, cũng như cuốn Con Đường Hoàn Thiện và Lâu Đài Nội Tâm của Têrêxa Avila. Chúng tác động nhiều đến Đức cha Lambert. Cắm sâu vào chất mùn Tin mừng của Giáo hội, Đức cha Lambert có thể đưa trực giác thiêng liêng và mục vụ của mình vươn cao vào bầu trời Giáo hội và thế giới cách hiệu quả. Nơi đây, một lần nữa minh chứng “truyền thống và sự mới mẻ” luôn gắn chặt với nhau. Không cắm sâu vào quá khứ, trực giác thiêng liêng sẽ chỉ là mộng mị và hời hợt; trái lại, không sinh hoa kết trái, trực giác đó chỉ là cằn cỗi và héo khô. Chân lý này thách đố thế hệ trẻ không cần gốc rễ. Nó cũng thách đố người cao niên, thế hệ đi trước không muốn đổi thay gì và cuối cùng chẳng đâm bông được gì.
Nếu đúng là thế, thì Đức cha Lambert cũng buộc phải trải qua cuộc hoán cải nội tâm dưới khía cạnh thiêng liêng và mục vụ. Thiên Chúa chỉ sử dụng những người hoàn toàn quay trở lại với Thiên Chúa, như Môsê, Giêrêmia. Cuộc hoán cải của Đức cha Lambert đã khởi sự lúc 9 tuổi, rồi triển nở khi ngài chấp nhận bỏ mọi sự để bước theo ơn gọi giáo sĩ, sau một thời gian chẳng hề nghĩ tới. Rồi nó đạt đến sự trưởng thành quyết liệt và dứt khoát trong cuộc tĩnh tâm 40 ngày tại Ayutthaya: Từ nay trở đi, trong mọi hoạt động mục vụ và truyền giáo cũng như đời sống thiêng liêng, Đức Giêsu-Kitô-Chịu-Đóng-Đinh là ông chủ duy nhất của đời sống ngài.
Cuộc hoán cải nội tâm này đúng là một sự giác ngộ, nói theo kiểu phật giáo, và còn hơn một sự giác ngộ nữa. Nó đúng là cuộc tiếp chạm với Đấng Phục Sinh như thánh Phaolô đã trải nghiệm trên đường Damas. Chính cuộc tiếp chạm này làm cho ngài đánh giá lại mọi sự cũng như tạo ra những xác tín then chốt để cho đặc sủng ‘yêu mến thánh giá’ sinh hoa kết quả: sự tối thượng của ân sủng, giá trị của sự đền bù tội lỗi, sự bén nhạy trước Thần khí hoạt động giữa văn hóa và tôn giáo ngoại giáo Á châu, vị trí trung tâm, then chốt và tột đỉnh của Đấng Chịu Đóng Đinh. Ta không ngại nói đó chính là một đời sống thần nghiệm, chiêm niệm sâu xa diện mạo của Thiên Chúa, song giữa những con người: linh đạo hoạt động và dấn thân vì Đức Giêsu ngay tại ĐỊA PHƯƠNG của mình. Trong đời sống chiêm niệm và hoạt động cụ thể của Đức cha Lambert, đó là những người dân nghèo Á châu mà ngài gặp gỡ và đối thoại.
Đức cha Lambert luôn nhìn lên Chúa để tiến bước giữa những con người nghèo đó. Đây là cách thức lắng nghe ‘Thánh thần thôi thúc’ nơi chính mình và nơi những người dân ngoại. Đây là sự lắng nghe LƯỠNG DIỆN. Và nơi Đức cha Lambert Thánh Thần không làm gì khác hơn là thúc đẩy tâm hồn ngài chỉ nhìn vào Đức Giêsu-Kitô-Chịu-Đóng-Đinh. Với Đức cha Lambert, chẳng nơi đâu ta nhận được sự soi sáng vững chắc cho bằng nơi Thập giá Đức Kitô. Như thế, đối với Đức cha Lambert và truyền thống ‘Mến Thánh Giá’, nguyện ngắm chính là ‘thông phần cuộc khổ nạn của Đức Kitô’ và làm cho Đức Kitô khổ nạn và chịu đóng đinh luôn sống động vì và trong nhân loại.
Chiêm niệm Đức Kitô như thế không thể không đi chung với khía cạnh tu đức mà tác giả gọi là khổ chế. Tác giả như muốn cho thấy rằng mức độ chiêm niệm nơi Đức cha Lambert tỷ lệ thuận với mức độ khổ chế, chết đi chính mình. Thật vậy, từ ngữ khổ chế vốn hay được dùng trong thế kỷ 17 muốn nói đến sự chết đi cho chính mình. Nó chẳng khác gì hơn là lối đường tu đức mà Đức Giêsu luôn nói tới: “Vác thập giá hằng ngày mà theo ngài”. Tác giả nêu ra một điểm thú vị: đó là với Đức cha Lambert, khổ chế và tử đạo đi liền với nhau, trong đời sống hằng ngày. (x. tr 34-35) “cả cuộc đời người Kitô hữu là một cuộc tử đạo liên lỷ, bởi không thể là một môn đệ hoàn hảo của Đức Kitô, nếu không từ bỏ mình và chết đi trong mọi hoàn cảnh đối với những ước muốn của bản thân và cái tôi của mình.” Nó là mặt trái để làm cho bộ mặt thánh thiện của Kitô hữu được hấp dẫn. Tác giả trình bày góc cạnh này qua 6 điểm: khổ chế tự nguyện; khổ chế vì tình yêu Chúa Giêsu; khổ chế như sự thờ phượng; khổ chế nhằm sự thông hiệp trọn vẹn với Đức Giêsu-Kitô-Chịu-Đóng-Đinh; khổ chế như sự đền tội và hãm mình; khổ chế nhắm đến việc tông đồ. Tất cả những điều này làm cho cuộc đời người môn đệ yêu mến Thánh giá thành một của lễ trong Đức Giêsu với quyền năng thánh hóa của Thánh Thần dâng lên Chúa Cha. Như vậy, cuộc đời như hy tế, như phụng vụ đời sống.
Tinh thần yêu mến Thánh giá sẽ không đầy đủ nếu không đốt nóng hồn tông đồ. Chúa Giêsu tiến vào hy lễ thập giá không phải như một kẻ anh hùng. Ngài đi vào đó như một người Con hoàn toàn vâng phục để xây dựng Vương quốc bình an mà Cha của Ngài muốn cho nhân loại. Như thế, “trước khi gieo vãi hạt giống Phúc Âm, anh chị em hãy dùng lời cầu nguyện làm cho mưa móc từ trời sa xuống trên cánh đồng”. Chính như vậy, người mến Thánh giá vun xới hồn tông đồ thành một lò lửa nóng cháy vốn là chìa khoá của loan báo Tin Mừng và sự trở lại của anh chị em lương dân.
Như vậy, bài viết có thể giúp người đọc nhận thấy không phải một nhân vật quá khứ, song là một nhân vật có thể thúc đẩy cho việc đào tạo các ơn gọi Kitô hữu, giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân, thành một đoàn dân cùng nhau tiến bước trên đường Giêsu, trên đường Đấng Chịu Đóng Đinh, trải nghiệm ngay trong đời sống hằng ngày giữa những vất vả, nóng lạnh, đói khát, chống đối.