G. Trần Đức Anh, O.P.
Tuy thành Bethlehem bị giới nghiêm bán phần như nhiều nơi khác tại Thánh địa, nhưng lễ giáng sinh tại đây vẫn được cử hành. Bắt đầu là cuộc rước Đức Thượng phụ từ ban trưa ngày 24/12, từ cổ thành Jerusalem tới thành Bethlehem dưới trời mưa nhẹ, trên quãng đường dài mười cây số, với mười nhóm hướng đạo sinh, thổi kèn đồng và kèn túi cùng với các nhạc cụ khác. Chỉ có ít người tụ tập tại Quảng trường máng cỏ.
Từ đây, Đức Thượng phụ và thị trưởng Anton Salmon cùng với các đại diện chính quyền và tôn giáo tiến vào nhà thờ thánh Catarina để cử hành Kinh Chiều.
Sau đó, Đức Thượng phụ đã cử hành thánh lễ nửa đêm tại đây và vì đại dịch, chỉ có các giáo sĩ tham dự thánh lễ này.
Trong bài giảng, Đức Thượng phụ Pizzaballa nhắc đến tình cảnh đen tối tại Bethlehem cũng như tại Thánh địa nói chung vì đại dịch, chính quyền dân sự lung lay trong tối tăm. Các cộng đoàn Kitô vất vả và không tưởng tượng được những gì mới mẻ sẽ xảy ra. Dầu vậy, Đức Thượng phụ không muốn chiều theo những tiếng nói mô tả đen tối tình trạng hiện nay và ngài mời gọi mọi người hãy để cho Lời Chúa hướng dẫn: “Dân tộc bước đi trong tăm tối đang thấy một luồng sáng lớn, một luồng sáng chiếu tỏa trên những người đang ở trong miền đất tối tăm” (Is 9,1) và “một hài nhi đã sinh ra cho chúng ta, một Người Con đã được ban cho chúng ta”. “Đây là xác tín của các tín hữu Kitô. Đêm đen, bất kỳ đêm đen nào không phải là lời nói cuối cùng trên lịch sử chúng ta và nhân loại.
Đức Thượng phụ Pizzaballa nói: “Nếu Đấng là Ánh sáng bởi Ánh sáng đã sinh ra trong đêm, thì cả đêm cũng thuộc về ngày, hay đúng hơn đêm trở thành lễ Giáng sinh, nghĩa là trở thành nơi có thể là nơi sinh mới mẻ. Các tín hữu Kitô chúng ta biết rằng nơi thẳm sâu những khủng hoảng của chúng ta, trong những tăm tối của chúng ta, giữa những yếu đuối của chúng ta, đã sinh ra một hài nhi là một vị Thiên Chúa quyền năng, và cùng với Người đã bắt đầu một lịch sử mới tin tưởng và hy vọng, tái sinh và sống lại. Sự sống thần linh mà Chúa Kitô ban tặng chúng ta có thể và muốn biến đối sự chết thành sự sống, đau khổ thành hy vọng, lo sợ thành tín thác. Tin vào Chúa không phải là chối bỏ thực tại một cách vô lý, nhưng là có một cái nhìn mới và sâu xa làm cho chúng ta nhận thức rằng trong đau khổ của cuộc sáng tạo, có những đau đớn, lúc sinh một sự sống mới. Tin là tiếp tục bước đi, không phải với sự kiên trì của người không đầu hàng, nhưng là với niềm tín thác của người hướng đến và chờ đợi một mục đích”.
(Tòa Thượng Phụ Jerusalem 25-12-2020)
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn