Ủy ban Kinh thánh: Nữ Tổng thư ký đầu tiên

Thứ bảy - 20/03/2021 05:02

Bản tin Zenit, ấn bản tiếng Pháp ngày 16 tháng 3 năm 2021, thuật lại cuộc đàm đạo với Nữ Tu Nuria Calduch-Benages, thuộc Dòng Thừa sai Thánh Gia Nazareth, vừa được Đức Thánh Cha bổ nhiệm làm Nữ Tổng Thư Ký đầu tiên của Ủy Ban Kinh Thánh.


Trong một cuộc phỏng vấn với Vatican News, giảng viên Cựu ước tại Giáo hoàng Đại học Gregorian và chuyên gia về Kinh thánh này bày tỏ lòng biết ơn "tới tất cả những người" đã "tin tưởng" bà trong việc bổ nhiệm này.

Trong ba năm, từ 2016 đến 2019, Nuria Calduch-Benages, "cùng với các thành viên khác", đã tham gia vào công việc của Ủy ban đầu tiên Nghiên cứu về chức Nữ Phó tế. Bà nói, “Ngay cả khi kết quả thu được bị coi là phiến diện ở một số khía cạnh, trải nghiệm sống rất phong phú theo cả quan điểm trí tuệ và giáo hội lẫn quan điểm nhân bản. Chúng tôi đã tạo ra một mối quan hệ hữu nghị và hợp tác vẫn được theo đuổi cho đến ngày nay. Và tôi coi đó là một đặc ân".

Nói về sự đóng góp chuyên biệt của phụ nữ trong việc nghiên cứu Lời Chúa, nữ tu liệt kê "khả năng của họ, sở thích của họ và quan điểm của họ." Bà mời ta suy nghĩ, "thí dụ về việc nghiên cứu các hình bóng phụ nữ trong Kinh thánh, các câu chuyện của họ, việc sử dụng các phép ẩn dụ phụ nữ, khoa giải thích duy nữ và nhiều khía cạnh khác". Nữ tu Nuria Calduch-Benages giải thích cách đây 40 năm, “khi các nữ học giả Kinh thánh hầu như vô hình, các chủ đề và cách tiếp cận Kinh thánh này không được dự kiến trong giới Kinh thánh. Tuy nhiên, ngày nay chúng được đánh giá cao bởi tất cả mọi người, cả nam lẫn nữ, và ngày càng có nhiều ấn phẩm hơn".

Về những gì liên quan đến viễn kiến phụ nữ có thể suy diễn từ các bản văn Cựu Ước, nữ tu giải thích rằng “trong một số câu chuyện Kinh thánh… phụ nữ xuất hiện như những nhân vật chủ đạo thực sự trong lịch sử của Israel, với sứ mệnh quan trọng là hoàn tất cho người dân”. Nơi những câu chuyện khác, "họ chỉ là công cụ của quyền lực nam giới" hoặc "bị các tác giả hoàn toàn phớt lờ".

Điều đó có thể đặt ra vấn đề cho các nhà nghiên cứu: “Vì vậy, những câu chuyện của họ không được thuật lại và do đó chúng ta không thể nghe được tiếng nói của họ. Đây là khó khăn chính của chúng ta. Hơn nữa, các bản văn Kinh thánh - chúng ta đừng quên - là các bản văn rất cổ, trong đó phụ nữ được mô tả theo các nguyên mẫu của từng thời đại và theo quan điểm qui nam (androcentrique) của các tác giả".

Nguồn tin: vietcatholicnews.org

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây