Đức Maria bảo vệ sự sống

Thứ bảy - 19/12/2020 16:38

Khi muốn viết suy tư về đoạn Tin Mừng Truyền Tin[1], tôi chạy đến hỏi Đức Mẹ Maria. Tôi biết chỉ có Mẹ là người trong cuộc mới có thể giúp tôi. May quá, tôi được Đức Mẹ gợi ý viết về: bảo vệ các thai nhi. Có lẽ Mẹ chính là người hiểu rõ nhiều chuyện đau lòng, thương tâm liên quan đến nạn phá thai. Tôi vâng lời, đặt bút!

Chắc chắn phá thai luôn là chủ đề gây nhiều tranh cãi trong mọi thời. Quan điểm của Giáo hội Công giáo rất rõ ràng về điều này: luôn bảo vệ sự sống. Giáo Huấn của Giáo Hội không cho phép phá thai. Chúng ta không có quyền cướp đi mạng sống của bào thai. Đơn giản đó là quyền các em được sinh ra và được làm người. Hơn nữa, quyền sinh tử thuộc về Thiên Chúa[2]. Hoặc nói như Đức Hồng Y Christoph Schönborn: “Tất cả những gì biết về phá thai đã được trình bày trong Điều răn thứ năm: chớ giết người.”(x. Youcat 383). Hơn nữa, các bào thai luôn là món quà mà Thiên Chúa gửi đến cho từng gia đình, từng người.  

Còn nhớ khi nhận giải Nobel Hòa Bình năm 1979, Mẹ Têrêsa nói với cả thế giới rằng: “Lạy Chúa, xin ban cho chúng con lòng can đảm bảo vệ mọi sự sống vô tội. Vì trẻ em là quà tặng lớn nhất mà Thiên Chúa trao cho gia đình, cho dân tộc, cho thế giới.” Nghe có vẻ ngồ ngộ với những trường hợp có thai ngoài ý muốn. Trong thực tế, nhiều người đã buộc phải loại bỏ thai nhi vì lý do nào đó.

Nếu có mặt với Đức Mẹ trong thời khắc sứ thần truyền tin, chúng ta mới thấy sự sống của thai nhi đáng giá dường bao. Ngày giờ đã điểm, Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến gặp Đức Maria để báo tin vui. Gọi là tin mừng vì từ đây, Ngôi Hai Thiên Chúa sẽ trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Cuộc gặp gỡ ấy không dễ cho trinh nữ Maria. Là trinh nữ, Maria không thể hiểu nổi mình sẽ sinh con. Thực ra trước đó Maria đã bất ngờ với lời chào lạ lùng của sứ thần: “Mừng vui lên, hỡi Ðấng đầy ân sủng, Ðức Chúa ở cùng bà.”(Lc 1,28). Đây là lời chào loan báo ơn cứu độ cho Giêrusalem, cho thiếu nữ Sion. Ai nhận được lời chào này, người ấy phải là người đặc biệt. Dĩ nhiên, chúng ta hiểu Maria đang là người đặc biệt, vì từ đây, Maria sẽ mang thai, là Mẹ Thiên Chúa.

Trước lời chào trên đây, Maria bối rối vô cùng. Có lẽ cảm nhận được tâm trạng của Maria, nên sứ thần mới giải thích thêm: “Bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu.” (Lc 1,30) Dĩ nhiên, người con của Mẹ sẽ nên cao trọng và triều đại của người con này sẽ vô cùng vô tận. Chẳng biết tương lai ra sao, nhưng trước mắt, Maria thực sự không hiểu: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!” Maria có lý, vì nếu gật đầu đồng ý, Maria sẽ có thai ngay tức khắc. Đúng là một mầu nhiệm lớn lao!

Để Maria khỏi hoang mang, sứ thần báo: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Ðấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, người con sinh ra sẽ là thánh, và được gọi là Con Thiên Chúa.” (Lc 1,35). Lại thêm một điều khó hiểu với một thiếu nữ làng Na-da-rét. Lúc này Maria sao nhỉ, vui mừng hay lo lắng? Đó là khoảng thời gian thinh lặng để Maria tiếp tục suy nghĩ nguyện cầu. Cả nhân loại dường như đứng lại, chính Thiên Chúa chắc cũng hồi hộp chờ tiếng xin vâng của Đức Maria. Nói thế vì nếu Maria từ chối, chương trình cứu độ của Thiên Chúa sẽ ra sao? Nếu từ chối, nhân loại chắc cũng đâu có ngày Giáng Sinh. Nếu từ chối, chắc Maria sẽ không gặp phiền phức về sau.

Hẳn nhiên đó chỉ là giả sử. Thực tế Maria đã nói lời xin vâng. Đây là âm thanh hay nhất mọi thời đại: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” (Lc 1,38). Âm thanh ấy đã đi vào lịch sử cứu độ, đi vào truyền thống tu đức của Giáo Hội. Tiếng “xin vâng” ấy đã mở đường cho Ngôi Hai Thiên Chúa cư ngụ trong cung lòng Đức Mẹ. Trong lời “xin vâng” vang vọng đó, Đức Bênêđictô XVI chia sẻ rằng:“Việc cứu độ thế giới không do con người và không do sức riêng của con người. Con người chỉ có thể mở lòng đón nhận, và đón nhận hoàn toàn nhờ một ân sủng.”[3]

Từ đó, Maria hạnh phúc sống những ngày tháng của thai kỳ. Là thai phụ, Mẹ Maria hiểu được niềm vui của thiên chức làm Mẹ. Mẹ cũng hiểu được những khó khăn phải đương đầu. Dẫu sao, Mẹ xác tín rằng sự sống nơi bào thai này là sự sống của Thiên Chúa. Đó là món quà Thiên Chúa không chỉ dành cho Mẹ, nhưng còn dành cho hết muôn người. Từ đây, chúng ta chờ từng ngày, mong tới thời khắc Hài Nhi Giêsu hạ sinh.

Bạn thân mến,

Chúng ta đang bước vào tuần thứ 4 của Mùa Vọng. Đây là thời gian cận kề ngày Giáng Sinh, thời khắc của niềm vui. Chúng ta cũng chung vui với Đức Mẹ vì Thiên Chúa đã đoái thương dân người, ban Con Một đang lớn dần trong cung lòng của Đức Mẹ.

Nếu ai đó đang có ý định phá thai, hoặc bạn cần khuyên người đang muốn phá thai: “Hãy chạy đến với Đức Maria.” Trước khi quyết định phá thai, hãy để Mẹ Maria tư vấn. Hãy hỏi Mẹ: “Con nên làm gì đây với thai nhi ngoài ý muốn?” Cứ làm như lời Mẹ nhắn bảo, chắc chắn người ấy sẽ nhận được nhiều sức mạnh để ra sức bảo vệ sự sống.   

Ước sao Thiên Chúa luôn che chở cho người mẹ, người vợ, người chồng và cả những người con. Xin Chúa đánh động lương tri của những ai đang muốn phá thai, để họ can đảm cho em bé được chào đời. Xin Đức Mẹ gìn giữ những thai phụ được nhiều sức khỏe và niềm vui, để can đảm bảo vệ mầm sống đang lớn dần trong cung lòng họ. Được như thế, chắc hẳn cuộc sống nơi mỗi gia đình luôn có những tin vui, vui như ngày Thiên sứ truyền tin, như trong đêm Ngôi Lời giáng trần.    

Lạy Mẹ Maria, xin dạy chúng con biết nói lời xin vâng, dù gặp nhiều khó khăn. Vì khi làm theo ý Thiên Chúa truyền, chắc chắn chúng con sẽ được nhiều bình an và thành công. Chúng con cảm ơn Mẹ đã can đảm cộng tác vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Để từ đó, nhân loại chúng con có ngày Giáng Sinh, có Ngôi Hai Thiên Chúa trong hình hài của con người: Đức Giêsu Kitô. Xin Mẹ luôn ở với chúng con, vì có Mẹ, chúng con cũng có Hài Nhi Giêsu. Amen.

Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

……………….

[1] Tin Mừng Chúa Nhật 4 Mùa Vọng: Lc 1,26-38.

[2] “Trước khi ngươi được thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi, và trước khi ngươi được sinh ra, Ta đã thánh hiến ngươi.” (Gr 1,5).

[3] Joseph Ratzinger, Đức Tin Kitô Giáo Hôm Qua Và Hôm Nay, người dịch: Athanasiô Nguyễn Quốc Lâm và Phạm Hồng Lam, 2009, tr. 296.

Nguồn tin: dongten.net

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây