Đừng Làm To Chuyện

Thứ tư - 02/03/2022 04:31
ĐỪNG LÀM TO CHUYỆN[1]

Lm.Anphong Nguyễn Công Vinh

1.Có nhiều chuyện trong đời sống gia đình cũng như giao tế xã hội, tự nó chỉ là chuyện nhỏ, không đáng gì, có thể bỏ qua, nhưng bạn đã làm to chuyện, khiến bạn cũng như người khác phải quan tâm và bực nhọc. Điều đó có nghĩa là bạn đã không xem xét sự việc và hành xử theo lý trí quân bình, mà là theo cảm xúc của bạn. Chính bạn một cách vô thức, đã chọn cho mình cách phản ứng tệ như thế.

2.Bạn đang bất mãn một việc gì đó hoặc với ai đó ở sở làm. Về đến nhà, khi thấy đứa con mải chơi, không chào bạn như mọi khi, bạn có thể suy diễn là nó vô lễ, bất hiếu với ba hoặc là tại mẹ nó đã không chịu dạy bảo nó; rồi bạn bực tức, la mắng om sòm, làm cho cả buổi tối trong gia đình trở nên nặng nề, buồn bã, bữa cơm mà người vợ đã chuẩn bị kỹ càng cả buổi chiều để an ủi bạn suốt ngày làm việc mệt nhọc, trở thành nhạt nhẽo, không ngon lành, vì ngồi ăn mà không ai nói với ai. Ban đã làm to chuyện. Bạn và những người thân phải nhận hậu quả!

3.Mẹ chồng vốn không ưa nàng dâu. Sau khi lau nhà, giặt giũ xong, thấy người mệt mỏi nên vào phòng nghỉ mệt một chút, không ngờ ngủ thiếp đi không hay, trễ giờ nấu cơm trưa. Mẹ chồng đi chơi về thấy bếp lạnh tăm, cơm nước chưa nấu, vào phòng thấy con dâu đang ngủ, bà la lối om sòm, kể lể đủ điều. Con dâu giải thích bao nhiêu bà cũng không nghe. Nhân lúc ấy chồng về, bà phàn nàn phân bua với con mình về vợ anh ta nhác nhớn lười biếng. Anh chồng bị kẹt giữa tình cảm với mẹ và với vợ, chẳng biết phải làm sao đành im lặng. Bà mẹ điên tiết chửi luôn cả thằng con là bất hiếu mẹ, chạy theo vợ. Thế là khi không chỉ vì bà mẹ không tìm hiểu rõ sự việc, sẵn ghét con dâu, không thông cảm, nên gây thành chuyện không ra gì giữa nhiều người, mất đi sự hoà thuận trong gia đình, chứ đứa con lâu nay vẫn tốt, đâu dám bất hiếu với mẹ.

4.Bạn đang buồn người hàng xóm, vì lúc sáng, họ đã xúc phạm đến bạn bằng lời lẽ thô lỗ, hai bên cãi nhau. Chiều nay, con chó của họ chui rào sang đào gốc hoa hồng đẹp nhất của bạn. Đang sẵn buồn về chuyện lúc sáng, bạn kết ngay là người hàng xóm đã cố ý tách hàng rào cho chó sang phá vườn hoa. Thế là hai gia đình đang buồn nhau, giờ lại khắc đậm thêm sự buồn giận, thù ghét. Con vật đâu ý thức và chọn bụi hoa đẹp nhất để đào bới. Nó thấy con dế hay con nhông ở bụi hoa, nên đuổi bắt. Con vật đâu ý thức gì, có những lúc nó hiền lành, nhưng cũng có nhiều lúc nghịch phá, gặp đâu đào bới đó, chứ đâu vì chủ sai mà nó sang đào bới vườn hoa của bạn để trả thù chuyện ban sáng. Thay vì suy diễn theo chiều hướng không tốt và làm to chuyện, để rồi sự việc trở thành phức tạp, bạn coi việc con chó hàng xóm sang đào bới là chuyện nhỏ, trồng lại cây hoa, rào lại chỗ hàng rào bị tách kỹ hơn để lần sau nó không sang được. Thế là xong và nhẹ lòng.

5.Trong cuộc sống, có nhiều chuyện tự nó là đơn giản và bạn có thể giải quyết cách dễ dàng, nhưng có nhiều lý do có thể khiến cho sự việc trở nên phúc tạp, gây phiền hà, mất lòng nhau, như: không kiềm chế được cảm xúc, để cho tình cảm chi phối khiến việc xem xét thiên lệch; nóng giận làm mất khôn; có thành kiến trước với người gây nên sự việc; không thiện cảm với người nào đó nên mượn dịp trả đũa; tính tình quá cầu toàn muốn việc gì cũng phải hoàn hảo theo ý mình; thiếu lòng rộng lượng để thông cảm với sơ sẩy của người khác và sẵn lòng bỏ qua; lý do cơ hội: lúc đó trong người mệt mỏi khó chịu hoặc đang bực bội chuyện gì đó…Khi không kềm chế để cho mọi chuyện không tốt xảy đến, thì hậu quả là bạn buồn phiền, tổn hại đến sức khoẻ của mình, công việc làm không suôn sẻ. Vì thế, bạn hãy tập làm chủ cảm xúc của mình, bình tĩnh xem xét sự việc như chính nó đã xảy ra và luôn nghĩ tốt cho người khác; lúc ấy bạn sẽ thấy mọi chuyện đơn giản, giải quyết được một cách dễ dàng, chứ không đến nỗi khó khăn, phức tạp và tệ hại như bạn tưởng. Nếu bạn biết cách làm cho cuộc sống và mọi chuyện trở nên đơn giản, bạn sẽ thấy cuộc sống của bạn êm đềm, thoải mái hơn.

***

    “Đừng phán xét hạt tiêu theo hình dáng bé nhỏ của nó,
      hãy nếm nó và rồi bạn sẽ thấy nó cay đến cỡ nào” (Ngạn ngữ Ả Rập).

Tin Mừng nói nhiều đến việc những người phái Pharisiêu, vì cảm xúc ganh ghét và thiên kiến với Chúa Giêsu, nên thường rình mò xem xét, bắt lỗi và làm lớn chuyện những việc lành Chúa Giêsu làm để có cớ triệt hạ Người[2]. Thừa gió bẻ măng!
 

[1] X. Lm Anphong Nguyễn Công Vinh, Trẻ Mãi Không Già, NXB Tôn Giáo, Hà Nội 2012.
[2] X.Mt 12,1-8; 9-13; Ga 5,1-18; Mt 9,11-13.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây