Sau khi sống lại từ cõi chết, Chúa Giêsu không chần chừ, trì hoãn, mà tỏ mình ra cách nhanh chóng cho những người môn đệ thân yêu của mình. Không ai hết, Chúa hiểu nỗi sợ đang xâm chiếm tâm hồn họ. Tuần trước, Tin Mừng thánh Gioan kể về câu chuyện phục sinh của Chúa Giêsu, bắt đầu với ngôi mộ trống: Tảng đá đặt ở trước mộ Chúa được lăn ra một bên, như dấu chỉ của tự do, chiến thắng, và phục sinh (Ga 20,1). Nhưng các môn đệ vẫn chưa hiểu ý nghĩa của dấu chỉ này. Có lẽ, lòng các ông vẫn còn nặng u buồn trước cái chết của Thầy mình. “Tang gia bối rối” cộng với nỗi sợ hãi bị bắt bớ đã làm các ông quên đi ba lần Thầy mình tiên báo về Cuộc thương khó và phục sinh: “Người phải đi lên Jerusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các Thượng tế, Kỳ mục, và Kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại[1].
Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay lại tiếp tục câu chuyện phục sinh với hai lần hiện ra trực tiếp của Chúa Giêsu với các môn đệ. Hình ảnh “cánh cửa đóng kín nơi các môn đệ đang tập họp” nói lên tình trạng lúc bấy giờ của các môn đệ sau cuộc thương khó của Thầy: đó là sợ hãi! (Ga 20,19). Mặc dù Đức Kitô, là Thầy và là Chúa của họ đã sống lại, và tỏ mình ra với bà Maria Magdalena, nhưng thông điệp về sự phục sinh của Ngài vẫn còn mơ hồ, và chưa thật sự được đón nhận nơi các ông.
Bằng chứng là ở lần hiện ra thứ nhất, Chúa Giêsu phải chứng tỏ mình bằng cách cho các ông xem tay và cạnh sườn Ngài, nơi những vết thương bị đóng đinh còn in dấu. Nhờ thấy tận mắt như vậy, nên lòng các ông cũng khuây khỏa, và được tràn đầy niềm vui. Tuy nhiên, niềm vui có thể gieo hy vọng nhưng không xua tan nỗi sợ trong lòng những người môn đệ. Các ông vẫn ở yên sau cánh cửa đóng kín. Và lòng của Tôma, người môn đệ vắng mặt ngày hôm ấy cũng đóng kín như vậy khi nghe các môn đệ khác kể về kinh nghiệm gặp gỡ Thầy sau khi sống lại từ cõi chết. Ông tuyên bố không tin nếu mắt ông không nhìn thấy những gì mà các đồng bạn mình đã thấy.
Tám ngày sau, Chúa lại kiên nhẫn hiện ra. Ở lần hiện ra thứ hai này, Chúa nhẹ nhàng mời gọi Tôma hãy đụng chạm vào những vết thương nơi bàn tay và cạnh sườn Ngài. Và hơn cả sự đụng chạm thể lý, Chúa đã đưa ông đến sự đụng chạm của niềm tin: đó là kinh nghiệm gặp gỡ Đấng phục sinh. Nơi kinh nghiệm gặp gỡ này, ông và các môn đệ khác được ban bình an, và đặc biệt hơn, được Chúa thổi hơi ban Thần Khí để tiếp tục sứ mạng của Ngài ở trần gian. Hơi thở của Đấng Phục Sinh được truyền cho các ông, để ra đi, ban ơn tha thứ và giao hòa. (Ga20,22-23).
Suy niệm về hai cuộc hiện ra hôm nay của Chúa Kitô Phục Sinh có giúp chúng ta nhận ra hình ảnh một Thiên Chúa hiền lành, kiên nhẫn, và giàu lòng thương xót không? Ngay khi trỗi dậy từ cõi chết, Ngài đã nhanh chóng đi tìm những môn đệ thân yêu của mình. Như Chúa Cha đi tìm ông bà nguyên tổ Adam, Eva lẫn trốn dưới trong bụi rậm vì nỗi sợ hãi, Chúa Kitô Phục Sinh cũng đã đi tìm các môn đệ đang ẩn mình nơi căn phòng đóng kín vì sợ người Do Thái truy bắt. Ngài đã tìm đến và ban bình an cho các ông, nhẹ nhàng và kiên nhẫn đáp ứng “đòi hỏi chính đáng” của Tông Đồ Tôma, tỏ cho ông thấy những vết tích của lòng thương xót Chúa dành cho nhân loại, và cho cả các ông nữa. Có bao giờ chúng ta thắc mắc: Chúa Giêsu có thể sống lại từ cõi chết, nhưng sao những dấu tích từ cuộc thương khó vẫn còn? Những dấu tích đó nói với chúng ta điều gì? Và đây là câu trả lời của các môn đệ: nhờ nhìn thấy những dấu tích đó mà các ông nhận ra Thầy mình, và lòng đầy niềm vui. Còn chúng ta? Chúng ta nhận ra Chúa, qua những dấu chỉ nào?
Có một cậu bé luôn xấu hổ vì người mẹ một mắt của mình. Cậu bé đã rất tức giận khi bà xuất hiện ở trường học của cậu, vì đó là cớ để bạn bè chế giễu và nhạo cười mình: Ê, mẹ mày chỉ có một mắt thôi à? Và cậu đã có những lời trách móc, thậm chí rất bất hiếu đối với mẹ mình: “Mẹ, tại sao mẹ chỉ còn một bên mắt thôi? Mẹ sẽ chỉ biến con thành trò cười cho thiên hạ. Sao mẹ không chết luôn đi?” Và rồi không lâu sao đó, cậu quyết định rời khỏi người mẹ “không hoàn hảo” của mình và ra đi. Cho đến một ngày cậu trở nên người đàn ông thành đạt, có gia đình, nhà cửa, con cái. Một lần được mời về trường cũ nhân dịp thành lập trường, cậu ghé ngang nhà nơi đầy ắp bao kỷ niệm tuổi thơ. Mọi thứ vẫn rất quen thuộc, chỉ là cũ kỹ và lụp xụp hơn thôi. Cậu phát hiện mẹ mình đang nằm dưới nền đất lạnh lẽo, trên tay có mẫu giấy nhỏ: đó là bức thư mà bà mẹ viết cho cậu. Đọc xong bức thư, cậu ràng rụa nước mắt. Thì ra, mẹ chỉ còn một mắt là vì cậu. Tai nạn lúc nhỏ đã làm cậu vĩnh viễn mất đi một bên mắt, và người mẹ đã tặng một mắt mình cho cậu, với hy vọng cậu có thể nhìn thế giới cách trọn vẹn nhất. Mẹ đã có cả thế giới rồi, và đó là con[2].
Người mẹ trong câu chuyện trên đã hy sinh một mắt mình cho con. Tình yêu của bà thầm lặng, không kêu than, không oán trách,mặc cho người con vô tâm và bất hiếu. Diện mạo một mắt của bà đã từng làm người khác coi thường, sợ hãi, và khó gần, nhưng đó là dấu tích tình yêu bà dành cho con mình. Ta có thể gọi vắn tắt là THƯƠNG –TÍCH: vết tích của yêu thương đến cùng. Chúa Giêsu, Chúa chúng ta cũng đã và đang mang thương tích vì những vô tâm, và những chai lì trong tội của chúng ta. Mỗi khi chúng ta phạm tội, là mỗi lần chúng ta đóng đinh Chúa vào thập giá. Tuy vậy, như người mẹ trong câu chuyện, và hơn thế nữa, Chúa không ngừng mời gọi ta, như đã từng mời gọi Tôma, hãy nhìn vào những vết thương của Ngài, chạm vào đó và đừng cứng lòng nữa. Hãy tin vào lòng thương xót, tha thứ, và tin vào sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời mỗi người.
Con người hôm nay cũng đang mang đầy thương tích vì chiến tranh, dịch bệnh, và những khủng hoảng bên trong cũng như bên ngoài. Ước gì việc cử hành mầu nhiệm Phục Sinh của Chúa Kitô biến đổi lòng mỗi người chúng ta trở nên mạnh mẽ hơn trong niềm tin – cậy – mến vào Chúa. Cùng với cả giáo hội, chúng ta hãy cùng nhau đọc lời cầu nguyện cho thế giới và cho chính mình:
Vì Cuộc khổ nạn đau thương, và Phục Sinh của Chúa Giêsu Kitô
Xin Cha thương xót chúng con và toàn thế giới. Amen.
Quỳnh Trần Kim Thoại CDM
……………..
[1] Mt16,21; Mt17,22; hay Mt 20,18-19
[2] Câu chuyện người mẹ một mắt. Không rõ tác giả
Nguồn tin: dongten.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn