Bài chia sẻ Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gio-an
(Ga 1, 35-42)
Phó Tế Phêrô Võ Tiết Cương
Anh chị em thân mến,
Chúng ta vừa mới nghe những bài đọc trong ngày Chúa Nhật thứ II mùa Thường Niên. Những bài đọc này đều nói đến ơn gọi. Và khi nói đến ơn gọi, lập tức chúng ta liên tưởng đến ơn gọi làm Linh Mục hay ơn gọi làm tu sĩ. Dĩ nhiên điều đó là đúng thôi.
Đã có một lần, tôi đọc hạnh của thánh Augustinô, tôi nhớ lại lời của thánh nhân nói với giáo dân của Ngài như thế này: “với anh chị em, tôi là một Kitô hữu, và cho anh chị em, tôi là một Giám Mục”. Như thế có nghĩa là thánh Augustinô muốn nói với chúng ta cái ơn gọi Kitô hữu là một ơn gọi nền tảng trong mọi ơn gọi khác.
Khi tôi còn trẻ, lúc còn cắp sách đến trường, người ta bảo rằng: muốn nên thánh thì trước hết phải nên người. Muốn làm Kitô hữu thực sự, thì trước hết phải là một con người cho nó ra người. Thế cho nên, tôi không nói với anh chị em về ơn gọi đi tu làm Linh Mục hay là tu sĩ. Nhưng ở đây, tối hôm nay, tôi muốn chia sẻ với anh chị em một vài suy nghĩ về ơn gọi nền tảng liên quan đến tất cả chúng ta.
Đó là ơn gọi làm người và ơn gọi làm Kitô hữu, tức là người môn đệ của Chúa Giêsu.
Anh chị em cũng nhận thấy rằng người Kitô giáo của mình có một cái nhìn rất độc đáo về cuộc sống con người. Kitô giáo không nhìn cuộc sống con người như là một định mệnh hoặc như là một sự trùng hợp ngẫu nhiên nào đó, mà nhìn cuộc sống làm người khởi đi từ một tiếng gọi. Hành trình làm người của mỗi chúng ta trở thành một cuộc đối thoại giữa Đấng kêu gọi mình, mà mình là người đáp trả tiếng gọi đó.
Cái cuộc sống làm người của mình trở thành một tương quan mật thiết giữa ta và Thiên Chúa, là Đấng mời gọi mình và ý thức rằng mình là người được Ngài kêu gọi. Và tiếng gọi ấv, Thiên Chúa không chỉ gửi đến một lần mà Ngài cứ liên tục thường xuyên gửi đến trong suốt cuộc hành trình làm người của chúng ta, để giúp cho mình hoàn thành ơn gọi làm người và hoàn thành ơn gọi làm Kitô hữu.
Tiếng gọi của Thiên Chúa bằng nhiều cách:
-Tiếng gọi của Thiên Chúa hàm ẩn trong những trạng thái tâm lý của đời sống, và Thiên Chúa gửi tiếng gọi đó đến với chúng ta bằng nhiều cách khác nhau. Có người Chúa gọi cách âm thầm trong cung điện như Samuel. Thinh lặng và thánh thiêng. Các môn đệ An-rê, Gio-an và Simon thì được Chúa gọi ở ngoài đường chứ không phải trong nơi thanh vắng, giữa ban ngày chứ không phải ban đêm, giữa nơi ồn ào chứ không phải nơi thinh lặng.
-Tiếng gọi của Thiên Chúa không phải chỉ trong nhà thờ mà ngay giữa lòng cuộc sống xuyên qua với các biến cố của đời thường. Cái vấn đề là anh chị em và tôi có nghe hay không. Nên tôi thấy các môn đệ Chúa Giêsu cung cấp cho chúng ta một thái độ tuyệt vời nếu mà mình thực sự muốn hoàn thành ơn gọi làm người và làm Kitô hữu, ta có thể tập trung vào 2 điểm sau đây:
– Tiếng gọi thì thầm: tiếng gọi đó diễn tả tiếng gọi của Thiên Chúa rất là nhẹ nhàng. Mà vì quá nhẹ nhàng như vậy cho nên những lo âu, những bận rộn của cuộc sống, sự ích kỷ, ghen tuông, thù hận…, mà chúng ta không nghe được tiếng Chúa. Chính vì thế, chúng ta phải biết lắng nghe trong thinh lặng. Hơn nữa, sự lắng nghe đó không những chỉ đơn giản lắng nghe bằng đôi tai, mà phải lắng nghe bằng cả trái tim và bằng một ý chí lên đường.
– Thái độ lắng nghe bằng con tim và bằng ý chí. Các môn đệ của Chúa Giêsu vào thời điểm đó đâu có phải là những người già cả giống như mình nhìn ông thánh Phêrô đầu thì hói, coi già quá sức! Vào lúc đấy, các ngài còn trẻ lắm. Những người trẻ như vậy mà đã sẵn sàng giả từ tất cả mọi sự để đi theo Chúa Giêsu.
– Thái độ lắng nghe bằng con tim và bằng ý chí lên đường. Kinh nghiệm dạy cho anh chị em và tôi thấy đâu có phải là mình không nghe, mà nhiều khi mình không nghe rõ. Có điều mình không nghe bằng con tim, lại càng không nghe bằng ý chí. Bởi Chúa ơi! nếu bây giờ Chúa gọi mà con đáp trả ngay thì tiếc quá, vì con còn nhiều thứ lắm: phải từ bỏ cái này, phải từ bỏ cái kia! Khó quá! Vì sợ nên không dám lên đường, cho nên không dám đáp trả trọn vẹn.
Tại sao hai môn đệ của Gio-an liền bỏ thầy của mình mà đi theo Chúa Giêsu ngay, sau khi được nghe thầy mình giới thiệu đây là “Chiên Thiên Chúa”. Vậy hai môn đệ có hiểu “Chiên Thiên Chúa là ai không?
-Hai môn đệ Chúa Giêsu đâu có biết Chúa Giêsu là ai. Gio-an Tẩy Giả giới thiệu: đây là “Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian”. Lời tuyên bố của Gio-an Tẩy Giả đã khiến cho hai môn đệ rời bỏ thầy mình mà theo Chúa Giêsu. Sau khi gặp được Chúa Giêsu, An-rê vui mừng quá nên giới thiệu Ngài cho em mình là Simon.”Chúng tôi đã gặp được Đấng Mêsia, rồi ông dẫn em mình đến gặp Chúa Giêsu. Điều này nói lên rằng : khi nào ta thực sự vui mừng vì biết Chúa thì ta sẽ hăng say giới thiệu Chúa cho ngưới khác.
-Qua lời giới thiệu của Gio-an Tẩy Giả « Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian ». Thánh Gio-an muốn giúp chúng ta khám phá hình ảnh con chiên trong Cựu Ước. Và từ hình ảnh đó, chúng ta sẽ dễ nhận ra Đức Giêsu chính là Chiên Thiên Chúa. Nhờ đó chúng chúng ta sẽ được khơi lên niềm hy vọng vào Đức Giêsu Kitô, nguồn hạnh phúc của chúng ta.
-Trong Cựu Ước như trong sách Isaia đã nói : « Bị ngược đãi, Người cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca ; như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, Người chẳng hề mở miệng. » (Is 53,7). Chúa Giêsu chính là người Tôi Tớ mà tiên tri Isaia tiên báo bằng hình ảnh con chiên hiền lành chịu chết vì tội muôn dân.
– Chiên Vượt Qua: khi Thiên Chúa quyết định giải thoát dân Israel ra khỏi Ai Cập, Ngài truyền cho mỗi gia đình trong dân Do thái phải sát tế một con chiên đực. Con Chiên sát tế phải toàn ven, không quá một tuổi. Hơn nữa phải lấy máu chiên bôi lên khung cửa những nhà có ăn thịt chiên. Trong đêm ấy, Đức Chúa sẽ rảo khắp đất Ai Cập, sẽ sát hại các con đầu lòng Ai Cập. Còn vết máu chiên được bôi lên khung cửa nhà của dân Do thái, đó là dấu hiệu dân Chúa đang ở đó, Đức Chúa sẽ vượt qua và con cái dân Do Thái sẽ không bị tiêu diệt (Xh 12,1-5). Như vậy nhờ máu chiên trong tiệc vượt qua, dân Do Thái đã không bị tiệu diệt, nhưng nhờ đó mà họ đã được giải thoát khỏi đất nô lệ Ai Cập, được trở nên dân tộc được Chúa thánh hiến, được Chúa nhận làm dân sở hữu, được phụng thờ Thiên Chúa.
Từ hình ảnh con chiên vượt qua trong Cựu ước, sau này các vị chứng nhân trong Tân ước đã nhận thấy nơi Đức Giêsu Kitô chính là Con Chiên Vượt Qua đích thực.
-Thánh Phao-lô nhận ra Chúa Giê-su chính là Chiên Vượt Qua mới, ngài viết: “Quả vậy, Đức Ki-tô đã chịu hiến tế làm chiên lễ Vượt Qua của chúng ta”
(I Corinto 5,7)
-Mang thân phận chiên vượt qua, Chúa Giê-su chịu đổ máu để rửa chúng ta khỏi vết nhơ tội lỗi, chịu sát tế để mang lại ơn cứu độ cho chúng ta. Thế nên, vào đúng thời điểm dân Ít-ra-en thọc tiết chiên để mừng lễ vượt qua vào chiều thứ sáu, thì trên thập giá, Chiên Vượt Qua mới là Chúa Giê-su cũng bị tên lính đâm thủng cạnh sườn. (Gioan 19, 34)
-Tin Mừng Gioan cũng như sách Khải Huyền đã nhiều lần dùng con chiên để chỉ Chúa Giêsu đã bị sát tế và được nâng lên. (Kh 5,6 ; 17,10)
-Hôm nay, tội lỗi của riêng bản thân chúng ta cũng như của nhân loại còn đang chất ngất. Thế nên, Chúa Giê-su vẫn tiếp tục hiến mình làm chiên xoá tội trong hy tế thánh thể hằng ngày. Trong mỗi thánh lễ, khi nâng cao Mình thánh Chúa Giê-su cho tín hữu tôn thờ, linh mục đọc lại lời của thánh Gioan Tẩy Giả để giới thiệu Chúa Giê-su là Chiên Mới đang tiếp tục hiến tế cứu độ thế gian: “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian”. Phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa.
– Ở đây gợi lên ý nghĩa: ơn gọi được khơi dậy đo một trung gian. Vì Gio-an Tẩy Giả không phải là Ánh Sáng, nhưng ông là một chứng nhân của Ánh Sáng. (Ga 1,8. 3,3).
Khi Gio-an dẫn hai môn đệ của mình đến Chúa. Tại sao Chúa chỉ hỏi”các anh tìm gì thế”. Xin cha giải thích rõ ngụ ý của Chúa trong câu hỏi này.
-Trong bài Tin Mừng Gio-an kể lại: ”Chúa Giêsu ngoảnh mặt lại thấy họ”. Chứng tỏ Chúa Giêsu biết các ông đang theo mình, nhưng Người muốn đặt câu hỏi: “các anh tìm gì?” để đòi hỏi các ông phải ý thức việc mình làm trong sự tự do lựa chọn bằng cách tuyên xưng lòng khao khác, ước mong muốn gặp Chúa.
-Ở đây cho chúng ta thấy ý nghĩa: theo Chúa không phải là vâng lời tối mặt, không phải là vô tình, nhưng là ý thức, có lưu tâm và tha thiết với Chúa.
Đức Giêsu mời hai ông: “ Đến mà xem”. Xin cha cho biết ý của Đức Giêsu, mời hai ông đến xem gì? Chỉ nơi ở của Đức Giêsu. Trong Kinh Thánh có câu: “Chim có tổ, Con Người không có chỗ dựa đầu”. Vậy có phải đến để xem chính Con Người sống cách nào?
-Ở dây, ta không thể hiểu theo nghĩa đen: Con Người sống bằng cách nào? Nhưng “Đến mà xem” là một gợi ý, một kích thích, một lời mời gọi cho những ai muốn thỏa mãn những gì mình đang mong mỏi, kiếm tìm.
Chúa Giêsu đã không trực tiếp trả lời câu hỏi của hai ông An-rê và Gioan là Ngài ở chỗ này hay chỗ kia, nhưng Ngài đã mời hai ông “Đến mà xem” Đấng Cứu Thế có phải là con người thực sự cũng ăn, cũng uống, cũng sinh hoạt như hai ông, như mọi người khác.
-“Đến mà xem”là một lời kêu gọi tự nguyện, không ép buộc.
-Nếu tự trong tâm hồn không có niềm tin, không có tâm tình mong đợi Đấng Mêsia, không có nỗi khát khao mong tìm gặp được Đấng ấy, thì lời mời gọi : “Đến mà xem” cũng chỉ là một lời mời gọi bình thường không có gì hấp dẫn, không thôi thúc người được gọi mời nhanh chóng tiến bước đến mà xem.
“Đến mà xem”còn là một thái độ, tâm trạng của người muốn đi kiếm tìm sự thật, đi tìm chân lý cho cuộc sống, cho thân phận con người. Đến mà xem để xác tín, để củng cố niềm tin. Đối với người Kitô hữu, “Hãy đến mà xem”là tiếng gọi của đức tin, là tiếng gọi ra đi tìm thánh ý Thiên Chúa, là tiếng gọi của đức mến.
Tại sao Chúa đặt tên cho gọi ông Simôn là Kê-pha, mà không gọi thẳng là Phêrô? Từ Kê-pha có ý nghĩ gì đặc biệt?
Trước khi trả lời câu hỏi này, chúng ta biết những biến cố lịch sử của dân Chúa: Thiên Chúa đã đặt tên mới cho Ông Abraham, khi trao cho ông sứ mạng làm người Cha của muôn dân đông đúc. Thiên Chúa đã đổi tên Ông Giacóp, thành Israel, có nghĩa là “Ðấng mà Thiên Chúa không thể thắng vượt được”.
-Giờ đây, trước khi được gọi là Phêrô, ông là “Simon, con Ông Gioan”, là một người Do Thái ngoan đạo, trung thành với giáo huấn của cha ông. Nhưng qua việc đặt tên mới, Phêrô được cho biết về chương trình của Thiên Chúa cho cuộc đời của ông. Thiên Chúa đã đổi tên cho Phêrô. Đổi tên cũng có nghĩa là trao phó sứ mạng mới. Ngài sẽ đổi mới cuộc đời ông, và xử dụng cuộc đời đó theo chương trình Ngài muốn: “Con sẽ được gọi Kê-pha, có nghĩa là Phêrô, là Ðá Tảng” trên đó, qua bao thế hệ, hàng triệu người sẽ được nâng đỡ. Từ Kê-pha. Con là Ðá, trên viên đá nầy, Ta sẽ xây Hội Thánh Ta, và sức mạnh của Hỏa Ngục sẽ không làm gì hại được con.
Để kết thúc:
– Rồi đến lượt anh chị em và tôi. Anh chị em và tôi phải ra đi làm chứng, giới thiệu cho những người chưa biết Chúa bằng nhiều cách, trực tiếp hay gián tiếp, tuỳ theo khả năng, nhiệm vụ của từng người. Điều quan trọng là chúng ta có biết lắng nghe để nhận ra tiếng Chúa gọi hay không. Khát vọng, khiêm nhu, kiếm tìm tiếng gọi của Chúa sẽ gặp được tiếng gọi của Ngài. Hơn nữa, anh chị em và tôi là cha mẹ trong các gia đình. Chúng ta cũng có bổn phận để giúp cho con cái mình biết khám phá ra tiếng gọi của Chúa trong cuộc đời của nó, mà làm sao mình giúp được nếu chính mình không đi sâu vào trong kinh nghiệm của đời sống đức tin.
Bài Tin Mừng trong ngày Chúa Nhật II mùa Thường Niên rất phong phú, tôi xin gửi đến anh chị em một vài tâm tình đơn sơ nhỏ bé như thế.
Tôi luôn xác tín rằng Kitô giáo chính là nền nhân bản trọn vẹn nhất.
*Làm môn đệ của Chúa Giêsu có nghĩa là một con người đúng nghĩa nhất, là con người đúng phẩm giá cao cả nhất. Đó là phẩm giá của những con người được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa, và được trở thành con cái của Người.
*Làm môn đệ Chúa Giêsu chính là sống tư cách con người đúng nghĩa nhất. Và Chúa không ngừng gởi tiếng gọi đến cuộc đời chúng ta để giúp cho mình hoàn thành ơn gọi đấy. Xin Chúa cho anh chị em cũng như tôi, ta có một trái tim biết lắng nghe và hơn thế nữa có một ý chí can đảm để dám đáp lại lời mời gọi của Chúa, và nhờ đó mỗi một ngày, chúng ta sống trọn vẹn ơn gọi làm người và làm Kitô hữu Chúa dành cho chúng ta.
Nguồn tin: dongten.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn