TẢN MẠN NGÀY GÁC KIẾM
Linh mục Anphong Nguyễn Công Vinh
1.Đúng 3 giờ sáng, chiếc xe hợp đồng đến đậu trước nhà xứ. Cảnh vật đang chìm say trong giấc ngủ. Bình mình chưa có dấu hiệu thức dậy. Chờ ít phút Cha đi, anh đưa cái va-li lên xe trước. Tôi ra nhà thờ chào Chúa, từ giã nơi thánh thiện nhất, xin Chúa phù hộ. Nhìn lại ngôi thánh đường, không lớn, nhưng sau khi đại tu, gọn gàng, sáng sủa và dễ coi. Ít có nhà thờ nào sáng như vậy, ruột gan đã được thay hết. Bộ cửa nhà thờ bằng sắt đã rỉ sét được thay bằng nhôm Xinfa. Khép cửa nhà thờ lại, tôi ra Đài Thánh Giuse đã được xây lại sau một năm. Xin Thánh Cả ngày xưa đã nuôi dưỡng và bảo vệ Thánh Gia, gìn giữ con trong tuổi già. Ghé qua Đài Đức Mẹ mới đại tu cùng với 350m bờ rào quanh hai hồ nước. Xin Mẹ dẫn con đi như Mẹ đã dẫn con suốt đời làm linh mục, đây là chặng cuối Mẹ ơi. Sau cùng là Đài Lòng Chúa Thương Xót được xây hơn một năm. Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa. Thôi thì tất cả đều đi vào dĩ vãng từ ngày hôm nay 21/2/2022. Từ biệt giáo xứ cuối cùng nầy cùng với những niềm vui và ưu phiền. Tôi lên xe ra đi âm thầm sau 3 năm 7 tháng. Ngày kết thúc sứ vụ, đáng lẽ theo chương trình sẽ diễn ra bình thường, có chào có tiễn, nhưng đơn sơ gọn gàng. Tuy nhiên, cha xứ mới muốn về cùng buổi sáng hôm đó, nên tôi đã chọn cách ra đi sớm, âm thầm, để không phiền hà ai và để HĐGX có thời giờ chào đón cha mới.
2.Tôi về Nhà Hưu Dưỡng vào lúc 8g30 như đã hẹn. Ra đón ở cổng Nhà Hưu có Cha Giám Đốc Nhà Hưu, mấy nữ tu Dòng MTG Phan Thiết, các thầy Tu Đoàn và một ít cha già có thể đi ra được. Mọi người vui vẻ đón tiếp và giúp tôi chuyển ít đồ đạc lên phòng lầu 2, số 7. Tôi vào chỗ ở mới, đồ đạc ngổn ngang ; ngả lưng trên giường nghỉ một chút cho đỡ mệt. Bầu khí lại vắng lặng. Đoạn cuối cuộc đời mình cũng sẽ trôi qua vắng lặng như vậy. Trước khi rời xứ, có ít người chia sẻ với tôi: Cha về hưu đỡ vất vả lo toan nhưng sẽ buồn lắm, vì không có công việc, ra vào cũng chỉ căn phòng riêng; các cha hàng xóm thì cũng già cả rồi, không còn trò chuyện gì được, tội nghiệp Cha! Tôi hơi buồn cười vì lời an ủi thương hại của họ. Sông có khúc, người có lúc. Có ai làm việc được mãi đâu, ngoài đời cũng như trong đạo. Con gà chỉ đẻ trứng được một thời gian rồi cũng phải ngừng. Tôi đã phục vụ trong chức vụ linh mục được 47 năm, đi nhiều nơi, làm nhiều việc, bây giờ là lúc cần đuợc nghỉ ngơi phần xác và để tâm lo cho phần hồn. Về hưu sẽ có nhiều thời giờ nhìn lại cuộc đời mình, cầu nguyện với Chúa, đọc sách thiêng liêng, suy gẫm, viết lách đôi chút, thiếu gì việc để làm…Lo cho người khác mà linh hồn mình rách nát thì khốn khổ về sau! Thời gian ở giáo xứ bề bộn công việc, có nhiều khi kinh lễ, việc thiêng liêng không trọn vẹn, không toàn tâm, làm việc nầy nhớ việc kia…Nghĩ như vậy, thời gian hưu là thời gian hạnh phúc, quý báu: nhịp sống chậm lại, không phải lo lắng bận rộn điều gì. Mọi chuyện cứ thong thả. Tôi luôn có những ý tưởng tích cực trước khi đi hưu, chứ không bi quan coi đây như thời gian chết và là nơi dành cho những người đã “quá đát”, không có việc gì làm cũng như không còn làm được gì nữa.
3.Được hơn một tuần, tôi bắt đầu quen với bầu khí mới. Ngoài các thầy và các nữ tu phục vụ, quanh quẩn chỉ là những người già trên 75 cả. Một vài bước đi còn cố gắng tỏ ra lanh lẹ; nhưng có những bước đi tập tễnh chậm chạp như trẻ em lên ba, tay phải vịn khi lên bậc; có những bước đi cần có gậy, không phải gậy thường nhưng gậy có ba chân bốn cẳng; có những bước đi cần có người dìu hoặc tựa vào xe lăn. Đó là những bước cuối thời gian cuộc đời. Tôi không nhớ ai đó thời cổ xưa đã nói: khi sinh ra con người đi bốn chân, khi lớn lên đi hai chân, khi già lại đi bốn chân. Tại đây thì về già đi bằng sáu chân hoặc tám chân. Trước đây, những bước chân nầy không thua gì ai, cũng mạnh mẽ nhanh chai đem lại niềm vui sự an ủi cho nhiều người; những bước chân làm nên nhiều cơ sở, công trình. Nhưng thời oanh liệt ấy nay không còn. Qohelet ngày trước cũng xác nhận điều đó: “Ngày ấy chàng trai vạm vỡ phải khòm lưng…Ngày ấy cánh cửa ngó ra đường sẽ đóng lại…Ngày ấy đường hơi dốc sẽ làm người ta sợ…Ngày ấy trái bạch hoa không còn hương vị…Bởi vì con người tiến đến nơi ở ngàn thu” (x.Gv 12). Tuổi tác và bệnh tật nên không còn ăn theo ý muốn của mình, phải theo lời khuyên của bác sĩ: người ăn cháo, người ăn cơm, người ăn thịt, người kiêng cá tôm, người ăn mặn, người ăn lạt, kiêng đường, kiêng dầu mỡ, kẻ ăn nhanh, người ăn chậm, nhiều khi không còn muốn ăn. Dầu nhiều màu sắc như vậy, nhưng Cha Giám Đốc và các nữ tu, các thầy đều vui vẻ đáp ứng. Tôi biết khá nhiều Nhà Hưu, nhưng có lẽ không nơi nào bằng ở đây: phòng ốc thoáng mát, đầy đủ tiện nghi, phục vụ tươm tất. Về đây, điều tôi phải tập, đó là thay đổi tâm tính và cách xử sự của một cha xứ độc lập, có nhiều người dưới quyền, để thực hành buông bỏ, khiêm tốn, kiên nhẫn, vâng lời, thông cảm và im lặng trước mọi chuyện, chấp nhận tất cả, không kêu ca, phàn nàn. Khi ở ngoài xứ thì nói nhiều mà ít giữ, về đây thì ít nói giữ nhiều.
4.Ngẫm nghĩ lại 47 năm làm cha xứ của mình qua đi mau thật. Đời cha xứ buồn vui lẫn lộn, thành công và thất bại, nhiều màu nhiều sắc. Ở xứ chẳng có thời khoá biểu rõ rệt cho công việc. Giờ của mình là giờ của giáo dân. Chỉ có giờ thức dậy, dâng thánh lễ là nhất định. Ngoài ra giáo dân cần đến mình bất cứ lúc nào thì đều phải đáp ứng. Giờ ăn sáng phải chậm lại vì sau lễ có người đến xin giải quyết công việc; đang ăn trưa, đang ngủ đêm có người đến xin đi kẻ liệt, phải bỏ cơm, phải thức dậy; đang nấu cơm rửa chén bát, có người đến xin gặp để than thở chuyện gia đình, phải bỏ đó. Giáo dân theo giờ thuận tiện và rảnh rỗi của họ chứ không theo giờ của cha xứ. Cha xứ không làm việc như công chức.Tôi đi sáu xứ thì phài thay đổi giờ thể thao và tắm rửa tới 4 lần để thích nghi với nhu cầu giáo dân. Làm cha xứ, có sướng nhưng cũng có khổ. Điều sung sướng nhất là khi giáo dân đoàn kết yêu thương, trong xứ không có mâu thuẫn cãi cọ xích mích, mọi người biết lắng nghe và giữ những điều cha dặn bảo, chứ không phải sướng vì xứ giàu người ta biếu xén vật chất. Tôi luôn tâm niệm rằng công việc chính và thành công của cha xứ không phải là xây dựng cơ sở nầy cơ sở kia, đó chỉ là bất đắc dĩ khi nhu cầu hạ tầng cấp thiết đòi hỏi, nhưng sự thành công đích thực là khi giáo dân mình coi sóc nên tốt hơn, đời sống đạo trong giáo xứ được tăng tiến. Khi sai các môn đệ, Chúa chỉ giao cho họ trách nhiệm rao giảng Tin Mừng, kêu gọi người ta sám hối, tức là nên công chính, thánh thiện bỏ đàng tội lỗi. Ba năm hoạt động, Chúa không xây dựng công trình, cơ sở nào cả, ngay cả nơi ở Người cũng không quan tâm, có sao ở vậy, nhưng chuyên lo rao giảng Tin Mừng, làm những điều Chúa Cha chỉ dạy. Một điều nữa an ủi cho đời mục tử là được giáo dân hiểu và cảm thông. Nhiều khi cha xứ là người cô đơn nhất, vì giáo dân luôn đòi hỏi cha xứ phải có khả năng giải quyết đáp ứng mọi vấn đề, mọi yêu cầu của họ, mà không hiểu rằng khả năng và quyền của ngài có giới hạn. Giáo Hội có quy chế, có luật lệ về hầu như là mọi vấn đề mà cha xứ khi làm mục vụ phải vâng theo; cha xứ còn phải phục quyền giám mục nữa, chứ không phải tự do làm theo ý mình hoặc ý giáo dân. Vì thế, khi không được như yêu cầu, họ cho là mình khó khăn rồi bất mãn, kêu ca, xách động nhóm nầy nhóm nọ kiện tụng. Bề trên kinh nghiệm và sáng suốt thì sẽ thong thả xem xét vấn đề, nghe cà hai bên, tìm hiểu vấn đề và thông cảm, thì đó là sự an ủi cổ võ, khiến nâng cao tinh thần phục vụ.Còn nếu bề trên “thương” giáo dân quá, vội phiền trách, xử lý cha xứ thì thật là tội nghiệp, lúc ấy như ở trên đe dưới búa, dễ dàng tìm an ủi nơi thế gian!
5.Một chuyện mà đời cha xứ thường gặp: Đa số giáo dân VN coi nhà thờ, nhà xứ là của cha và cha có bổn phận phải xây dựng, bảo trì. Khi phải xây dựng nhà thờ, nhà giáo lý… Giáo phận chỉ giúp phần nào tượng trưng, còn hầu cha xứ phải lo liệu tất cả. Nếu phải kêu gọi đóng góp, thì luôn có một số giáo dân phàn nàn, kêu ca vì đụng tới hầu bao của họ. Làm việc gì mà dân không phải đóng góp đồng nào cả thì họ vui mừng khen cha giỏi, cha làm cho giáo xứ nhiều việc, cha có tài ngoại giao xoay xở. Một số mục tử bị ảnh hưởng bởi tâm lý nầy cũng cho rằng thành công mục vụ là phải làm nhà thờ mới, xây dựng công trình nầy công trình kia, nên dành phần lớn thời giờ đi xin tiền để thực hiện, khiến hao tổn sức lực, bê trễ đời sống đạo đức, việc mục vụ làm qua loa, lấy lý do là phải lo xây dựng. Xin tiền, nhờ người nầy người kia giúp đỡ cho công việc chung là tốt, nhưng nhớ rằng chúng ta phải trả giá. Để xin được tiền, phải khéo và năng giao thiệp, phải thân thiện với những người giàu, có khi phải cho họ hưởng đặc ân nầy nọ trong giáo xứ, phải có mặt trong những dịp hiếu hỉ. Người mang ơn, nhớ ơn, trả ơn không phải là tập thể giáo xứ nhưng là chính người xin, trong khi đó xin là xin cho lợi ích chung. Nếu là ân nhân nữ, có thể có những tiếng đồn đại nầy kia về tình cảm. Nhìn vào những sự việc ấy, giáo dân cho chúng ta là đi lại với những người giàu, có địa vị, bỏ quên người nghèo. Cuối cùng, được một chút thành công bên ngoài, nhưng mọi tai tiếng thì đổ lên đầu chúng ta: có tiếng mà không có miếng. Rồi có thể vì thế mà đi đến một kết cục: “vì lý do mục vụ và nhu cầu của Giáo phận, tôi quyết định bổ nhiệm cha về xứ mới…”. Chữ lý do mục vụ và nhu cầu của giáo phận lúc nầy hàm chứa nhiều nội dung. Khi có lệnh đi nơi khác, phải để lại tất cả. Kẻ tiếc thương, biết ơn có, mà người vui mừng cũng không ít. Đi nơi khác được một thời gian, công ơn của cha sẽ rơi vào quên lãng. Họ chỉ còn nhắc chung chung đến cha trong một vài dịp lễ đặc biệt mà họ phải nhắc. Người kế nhiệm cha cũng không còn biết những công trình cha thực hiện, hoặc giả nếu có biết thì cũng cho đó là chuyện đương nhiên ai cũng phải làm. Còn nhiều chuyện khác nữa, nhưng viết ra đây thì dài quá!
***
Chúng ta ai cũng đã và đang hi sinh cả cuộc đời mình cho Chúa và Giáo Hội. Sự dâng hiến nầy là tự nguyện, chứ đâu phải miễn cưỡng, đâu phải để tính toán vụ lợi, để tìm kiếm những hư danh thế gian hoặc cần đến sự biết ơn. Tuy nhiên, phải sáng suốt phân định đâu là nhiệm vụ chính của mình, đâu là những điều phụ thuộc, để không lo phụ quên chính, nhưng biết chăm lo đời sống thiêng liêng của mình hầu đem lại ngọn lửa mến Chúa cho các linh hồn. Trong những ngày gác kiếm, đọc đoạn Tin Mừng của thánh Luca nói về việc Chúa chọn và sai các môn đệ đi: Chọn và sai đi để làm gì? Người bảo cách xử sự với người ta và với thực tại trần thế ra sao? Tư cách phải như thế nào? (Lc 10,1-9) Đọc đi đọc lại mới thấy những lạc điệu của mình khi còn hành hiệp trên giang hồ. Bây giờ thì tất cả đã qua rồi, không còn cơ hội sửa chữa, chỉ biết hối lỗi mà thôi! Khi Nhóm Bảy Mươi Hai trở về, họ hớn hở khoe với Chúa Giêsu về những thành công vang dội bên ngoài của mình, thì Chúa Giêsu đã nhắc nhở họ đừng vui mừng vì những điều ấy, nhưng hãy vui mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời (Lc 10,17-20). Sau những năm tháng vất vả, nay trở về, không biết mình có đạt được niềm vui mà Chúa nói không?
(Thân tặng các Cha Xứ).