THÁNH ANPHONG RAO GIẢNG BẰNG VĂN BÚT

Thứ bảy - 27/07/2024 06:52


THÁNH ANPHONG RAO GIẢNG BẰNG VĂN BÚT
Lm. Anphong Nguyễn Công Vinh

          Linh mục Anphong có biệt tài về văn bút[1]. Thánh nhân đã dùng ngòi bút của mình để rao giảng nhiều vấn đề cho nhiều thành phần trong Giáo Hội. Những tác phẩm của Ngài đa số được khơi nguồn từ nhu cầu và kinh nghiệm mục vụ. Hơn 20 năm, Anphong là giáo lý viên trong giáo phận của mình cho nhiều đối tượng như: những trẻ bụi đời, giới bình dân lao động, dân thành thị, thôn quê. Ngài được Đức Hồng Y Spinelli trao trách nhiệm soạn cuốn giáo lý cho giáo phận. Cuốn Compendio do cha Anphong soạn ra mắt tại Napoli. Sau đó cuốn giáo lý Spinelli (1744), rất thực tế, không trừu tượng, nhấn mạnh vào hai bí tích Giải Tội và Thánh Thể, việc cầu nguyện. Cuốn giáo lý này có nhiều tiến bộ về mặt sư phạm và vừa tầm với các giáo lý viên hơn những cuốn giáo lý trước. Nội dung theo sát quy định của Công Đồng Trentô. Trang cuối có bản nhạc do Ngài sáng tác, tóm tắt kinh Tin Kính để người học dễ nhớ.
       
        Thực tế phũ phàng đã làm cha Anphong ray rứt về hình ảnh các Giám mục thời bấy giờ. Đa số các Giám mục lơ là nhiệm vụ của mình, chỉ lo hưởng thụ và xây dựng những cơ sở vật chất hơn là phần rỗi các linh hồn. Anphong đã viết tập sách nhan đề: “Những suy nghĩ giúp ích các Gíam mục trong phong cách cai quản cho tốt” (1744). Trong đoạn nhập đề, Ngài viết: “Vì chỉ muốn làm sáng danh Đức Giêsu Kitô. Tôi có ý định trình bày vắn gọn ở đây một vài ý nghĩ then chốt khả dĩ hỗ trợ các ngài”. An phong nêu một số điểm đòi hỏi các ngài phải lưu tâm đặc biệt: “chủng viện, các thầy chịu chức, các linh mục, cha xứ, tòa giám mục, các nữ tu”. Ngài cũng nêu những phương thế hữu hiệu nhất để thánh hóa giáo phận: “nguyện ngắm, gương sáng, chỗ ở, kinh lý mục vụ, việc rao giảng, Hội đồng giáo phận, sẵn sàng tham vấn, tiếp đón và lắng nghe, biết can đảm sửa trị…”. Ngài ước muốn các Giám mục ưu tiên cho việc rao giảng Tin Mừng, tự mình giảng dạy. Giáo huấn của giám mục là chính thức, gây ấn tượng và có hiệu lực hơn lời các cha giảng, vì ngài là chủ chăn. Việc mục vụ phải lưu ý đến những người bên lề về các vấn đề của họ, nhu cầu thiêng liêng của họ hơn những thành phần khác.


         Những điều Anphong viết cho các Giám mục thời ngài, vẫn là những quy chuẩn cho ngày nay. Anphong xác tín đặc biệt rằng: “Tất cả mọi người trong Giáo Hội đều có trách niệm theo cương vị của mình. Nhưng trách nhiệm của các Giám mục nặng nề nhất, và các ngài không nên đổ lỗi cho ai khác… Các giám mục thánh thiện và nhiệt thành sẽ biến đổi thế giới…”

        Năm 1756, cha Anphong ấn hành “Bản nội quy cho các chủng viện” gồm 43 trang. Trong số 43 trang, chỉ có 5 trang dành cho các chủng sinh, 17 trang nói về nhiệm vụ các Giám mục, các trang còn lại nói về các linh mục điều hành chủng viện. Sở dĩ chủng viện sa sút là tại lỗi các bề trên và những người có trách nhiệm.

         Đào tạo thế hệ trẻ là ưu tư lớn của cha Anphong. Không phải đào tạo đạo đức không thôi, mà còn kiến thức. Cha đặt ưu tiên cho môn Thần học Luân lý. Khởi đầu từ một ý tưởng khiêm tốn là giúp các tu sĩ trẻ trong Dòng có kiến thức để mai sau đi rao giảng Tin Mừng cho những người bình dân ở thôn quê, Ngài đã dành 5 năm trời để soạn thảo một công trình thế kỷ đưa thánh Anphong lên hàng tiến sĩ Giáo Hội và Bổn mạng các nhà luân lý, các cha giải tội, đó là bộ Thần học Luân lý, mà đến ngày nay vẫn còn giá trị.

         Vừa viết sách vừa hoạt động tông đồ, vừa lo xây dựng và củng có Dòng. Công việc rất bề bộn, nhưng lòng mến Chúa và yêu thương các linh hồn đã vượt trên tất cả, để Ngài hoàn thành ơn gọi của mình.
                                          
Lễ thánh Anphong 1/8/2024
 

[1] Th, Rey-Mermet, Le Saint du Siècle de Lumière, Saint Alfonse de Liguori.
 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây