Đường vào làng Kon Tơneh, xã Đăk Tơre, Huyện Kon Rẫy, Kon Tum quanh co, khúc khuỷu với những chỏm đá gồ ghề như muốn cản bước người đi. Xứ sở cao nguyên xa xôi này vẫn còn giữ được nét hoang sơ, nguyên tuyền và tinh khôi của trời đất. Vào sâu trong thôn 10, người ta như thể khám phá ra một vùng đất khác, còn tồn đọng những cái rất riêng của Kontum. Tiếng gió va vào cách núi hoà quyện với lá rừng làm nên vũ điệu của thiên nhiên, một vũ điệu vừa sâu vừa lắng.
Chính tại nơi vắng vẻ này, Thiên Chúa đã dàn dựng một màn trình tấu âm nhạc, một bản trường ca làm lay động lòng người. Ai đến đây rồi, cũng sẽ chẳng thể nào quên được! Màn trình diễn ấy được thực hiện bởi các sơ dòng Ảnh Vảy và 800 em dân tộc đang sinh sống tại đây, cơ sở Vinh Sơn 4.
Được thành lập vào năm 2004, mái ấm Vinh Sơn 4 là nơi nuôi dưỡng các em dân tộc có những hoàn cảnh khó khăn, ở nhiều độ tuổi khác nhau, do các nữ tu Dòng Ảnh Vảy phụ trách. Hiện nay, cộng đoàn các sơ có 5 thành viên, sơ Y Khiêm làm bề trên. Chính các sơ là những người đã hy sinh cả tuổi thanh xuân để góp phần làm cho vũ điệu của Chúa được vang lên giữa núi rừng đất đỏ này.
Các vũ công chính trong giai điệu của vùng đất Kon Tơneh này chính là 800 em dân tộc thiểu số. Mỗi em là mỗi lịch sử, mỗi hoàn cảnh khác nhau. Cuộc sống trước kia của các em chẳng khác nào địa ngục. Có em gia đình khó khăn. Có em bị gia đình bỏ rơi. Có em chẳng biết cha mẹ mình là ai. Tệ hơn, có em thậm chí đã từng chứng kiến cảnh cha mình trong cơn say rượu đã đánh chết mẹ mình. Có em may mắn được các sơ nhanh tay cứu để khỏi bị chôn sống cùng với người mẹ vừa qua đời theo hủ tục ở đây… Nếu không có Mái Ấm này, chắc có lẽ chỉ có Chúa mới biết các em sẽ ra sao.
Các em được mang về đây để các sơ huấn luyện, giúp các em hấp thụ một lối sống văn minh, có tri thức, với hy vọng sẽ trở thành những con người hữu ích cho Giáo hội và xã hội trong tương lai, thoát khỏi kiểu sống lạc hậu và rừng rú vốn đã ăn sâu vào các thế hệ đi trước.
Nơi đây, các em được đưa vào khuôn khổ giờ giấc, vốn là điều chẳng dễ dàng gì đối với những người đã quen với sự tự tiện thoải mái.
Một ngày sống bao giờ cũng được bắt đầu bằng những lời kinh ngân vang mỗi sáng sớm, trong thánh lễ. Sau đó là những giờ trên lớp với các môn học tự nhiên, nhân bản… Các em cũng có những buổi đến trường, giờ thể thao, lao động, làm việc… Tất cả những hoạt động này giúp đưa các em vào nếp sống có trật tự và quân bình.
Tính kỷ luật cũng được các sơ lưu ý đến. Các em phải dậy sớm, đúng giờ. Khoanh tay khi đọc kinh, dự lễ. Tất nhiên, có cả những giờ học giáo lý để tìm hiểu về đức tin. Các sơ cố gắng gieo vào lòng các em một khát vọng hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn, ý nghĩa hơn. Có em mơ ước sẽ trở thành bác sĩ, kỹ sư, thầy giáo. Có em còn táo bạo muốn trở thành tu sĩ để có thể phục vụ người khác. Những buổi diễn tập cho “vũ điệu cuộc sống” của các em nơi đây dường như đang hứa hẹn một tương lai sáng ngời.
Nhưng vũ điệu mà các sơ tập cho các em không phải chỉ là những hoạt động riêng lẻ của từng người. Nó còn là sự yêu thương gắn bó giữa các em với nhau. Ngoài việc tập cho các em khả năng sống tự lập và trưởng thành, các sơ còn có sáng kiến hướng dẫn các em lớn dạy bảo các em nhỏ. Như thế, từng người trong các em đều có sự liên đới với nhau. Ai lớn hơn sẽ là anh chị, có trách nhiệm phục vụ, nâng đỡ và nêu gương sáng cho các em nhỏ hơn. Bởi thế, số lượng các em tuy rất đông nhưng mọi cái đều có trật tự của nó. Không hề có chuyện gây gỗ đánh nhau. Thế giới riêng lẻ của từng em được hoà quyện lại. Họ cùng nhau làm nên một gia đình mới, khác với gia đình mà các em đã có trước kia. Giữa thế giới rộng lớn này, các em không còn cô đơn, lẻ loi, nhưng cảm nhận được mình là một phần làm nên bức tranh cuộc sống muôn màu muôn sắc. Mỗi người có cử điệu và giọng hát của riêng mình, hoà vào nhau mới làm cho bài ca được vang xa thấm vào trời đất.
Mỗi người tuỳ vào khả năng của mình sẽ được các sơ hướng dẫn để đóng một vai nào đó trong màn trình diễn tại Mái Ấm này. Ai có khả năng học sẽ được cho đi học. Ai không vũ điệu tốt trên con đường học vấn thì sẽ lao động tại núi đồi, nơi những khu rừng cafe, rừng cao su. Nơi đây, các em thoả sức vùng vẫy, dốc hết sức lực cường tráng trời ban để tự mình làm ra thành quả nuôi sống bản thân và giúp đỡ người khác. Ít ra, các em cũng được dạy cho biết cách lao động bằng chính đôi tay mình, hiểu được ý nghĩa của nó. Sau này, khi đã trưởng thành và vào đời, các em sẽ thoát ra khỏi cảnh nghèo, lạc hậu, và biết làm cho cuộc sống của mình tốt hơn.
Nếu không có Mái Ấm này, chắc là cuộc đời các em sẽ không được như thế. Vũ điệu núi rừng vẫn cứ vẳng đi vẳng lại khúc ai ca. Các em cứ để mặc cuộc sống của mình cho số phận. Các em nữ chắc sẽ chỉ hát bài ru con buồn bã ở tuổi 14, 15. Các em nam vẫn cứ loay hoay với từng khúc củi, chút rau dại rừng để sống cho qua bữa, hay với con trâu con bò, rồi sớm tối đắm chìm với men rượu. Vũ điệu cồng chiêng mất đi nét thần thiêng của nó, thay vào đó là lời kêu cứu vô vọng vô thanh, chứ làm sao có được những đường nét đầy tinh khôi và hoà điệu như bây giờ.
Biên đạo cho 800 vũ công là điều không dễ dàng chút nào. Phải là những con người rất kiên nhẫn, chịu khó, siêng năng và đặc biệt là có một trái tim yêu thương rộng lớn mới có thể gánh vác được trọng trách này. Nhưng các sơ vẫn chỉ là những con người bình thường và yếu đuối. Chúa đã làm nên một sân khấu, đã có các vũ công 800 người, biên đạo múa chỉ có 5, phần còn lại là của những ai được vũ điệu này lôi cuốn.
Ai yêu nghệ thuật, người ấy yêu cuộc sống. Ai yêu cuộc sống, người ấy sẽ nghe được tiếng nói của con tim. Vũ điệu mà các em nơi đây đang trình diễn vẫn còn nhiều dang dở và rất cần sự nâng đỡ của những ai yêu nghệ thuật, những con người biết rung động trước hoàn cảnh của các em, để làm cho cuộc sống của các em được đảm bảo hơn, mạnh mẽ hơn và mê say hơn.
Xin mời các bạn, nếu có một lúc nào đó được thôi thúc, hãy đến và chiêm ngưỡng cuộc sống ở đây. Giữa núi rừng mênh mông, có một xóm nhỏ ở làng Kon Tơneh; nơi xóm nhỏ ấy, các sơ Ảnh Vảy và em dân tộc đang trình diễn một vũ điệu hoành tráng của tình yêu và tình người, là kết tinh của biết bao nỗ lực và hy sinh thầm lặng. Và trong cái “tình” ấy, Thiên Chúa tỏ lộ chính mình như là Đấng vẫn đang làm việc không ngơi nghỉ để tiếp tục công trình tạo dựng vẫn còn dở dang: Ngài đang viết tiếp kịch bản cho vũ điệu núi rừng này.
Vũ điệu sẽ đẹp hơn biết mấy, nếu có thêm phần đóng góp của bạn và tôi!
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ
Nguồn tin: dongten.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn