Điều đáng buồn, hết sức đáng buồn, là ngay khi Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 vẫn còn sống, đã có những cố gắng nhằm xuyên tạc và đánh giá thấp con người cũng như những đóng góp to lớn của ngài cho Giáo Hội Công Giáo và Kitô học nói chung.

Tiêu biểu là hôm 2 tháng Giêng vừa qua, Đức Cha Robert Barron, Giám Mục Phụ Tá của Los Angeles nhận xét rằng cuốn phim The Two Popes là một bức tranh biếm họa về Đức Ratzinger ngay trong những phút đầu của bộ phim.

Ngài cho biết: “Đức Hồng Y xứ Bavaria được trình bày như đang hoạch định một âm mưu đầy tham vọng để bảo đảm thắng lợi cho cuộc bầu cử mình thành Giáo hoàng vào năm 2005. Thực ra, ít nhất ba lần, Đức Hồng Y Ratzinger đã thực sự cầu xin Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cho phép ngài rút lui khỏi vị trí người đứng đầu Bộ Giáo Lý Đức Tin để tiếp tục cuộc sống nghiên cứu và cầu nguyện. Ngài ở lại chỉ vì Đức Gioan Phaolô II kiên quyết từ chối các thỉnh cầu này. Và vào năm 2005, sau cái chết của Đức Gioan Phaolô II, ngay cả những người chống đối ý thức hệ của Đức Ratzinger cũng thừa nhận rằng vị Hồng Y bảy mươi tám tuổi bây giờ không muốn gì hơn là trở về Bavaria và viết các khảo luận về Kitô học của mình.”

Ngài chỉ ra thêm rằng: “Trong cái cảnh miêu tả cuộc gặp gỡ tưởng tượng giữa Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô và Đức Hồng Y Bergoglio trong các khu vườn tại Castel Gandolfo, vị Giáo Hoàng già nua đã cau mày đả kích đồng nghiệp người Á Căn Đình của mình, chỉ trích cay đắng thần học của vị Hồng Y này. Một lần nữa, ngay cả những người thường gièm pha Đức Joseph Ratzinger cũng phải thừa nhận rằng trong thực tế ngài luôn là người từ ái, ăn nói nhỏ nhẹ, và dịu dàng khi giao tiếp với người khác.”

Vị Giám Mục Phụ Tá của Los Angeles nhấn mạnh rằng: “Nhưng sự bôi nhọ tính cách nhân vật nghiêm trọng nhất xảy ra vào cuối cuốn phim khi người ta hư cấu một Đức Bênêđíctô bị mất tinh thần, quyết tâm từ chức giáo hoàng, thừa nhận rằng ngài đã ngừng nghe tiếng nói của Chúa và ngài chỉ bắt đầu nghe lại được tiếng nói ấy qua tình bạn mới được tìm thấy nơi Đức Hồng Y Bergoglio! Xin nói ngay với anh chị em là khi nói những điều sau đây tôi không có ý muốn thể hiện một sự thiếu tôn trọng đối với con người thật của Đức Thánh Cha Phanxicô, nhưng cho rằng một trong những người Công Giáo thông minh và nhạy bén về mặt siêu nhiên nhất trong một trăm năm qua mà phải cần đến sự can thiệp của Đức Hồng Y Bergoglio để nghe thấy tiếng nói của Thiên Chúa thì quá sức vô lý. Từ đầu đến cuối sự nghiệp của ngài, Đức Ratzinger/Bênêđíctô đã tạo ra một số kiệt tác thần học sáng ngời nhất trong truyền thống vĩ đại. Đến năm 2012, ngài mệt mỏi và ốm yếu về thể chất, và ngài cảm thấy không có khả năng cai quản bộ máy vĩ đại của Giáo Hội Công Giáo, vâng, tất nhiên là như thế. Nhưng cho rằng ngài mất tinh thần thì xạo quá.”

Trong bối cảnh đó, may mắn vẫn có những tiếng nói bênh vực sự thật. Thật thế, Kim Thúy muốn gởi đến quý vị và anh chị em tin vui này: các nhà thần học Tin Lành nổi danh trên thế giới đã viết 16 tiểu luận đánh giá cao Thần học của Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16.

Các tiểu luận này được Tim Perry, một mục sư Anh giáo và cũng là một giáo sư Đại Học biên tập lại thành cuốn “The Theology of Benedict XVI: A Protestant Appreciation” - “Thần học của Đức Bênêđíctô XVI: Một đánh giá cao của Tin Lành”.

Tác giả Thomas Carr có bài nhận định về cuốn sách này đăng trên Catholic Herald ngày 9 tháng Giêng với nhan đề “The Protestant thinkers who love Benedict XVI” – “Các nhà tư tưởng Tin Lành yêu mến Đức Bênêđíctô XVI”.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi qua lời dịch của Kim Thúy.

Thần học của Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 không phải là điều dễ dàng để thấu hiểu. Vấn đề trước hết là khối lượng quá lớn. Trong thời gian đảm nhận các chức vụ giáo sư thần học, tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, và Giáo Hoàng, Đức Bênêđíctô đã viết hơn 70 cuốn sách, ba thông điệp, ba tông huấn, và vô số bài báo, diễn từ và bài giảng. Thứ hai, có rất nhiều chủ đề được ngài đề cập đến, nhiều đến mức khó có thể, nếu không muốn nói là không thể, gắn kết thần học của Đức Bênêđíctô với một phạm trù truyền thống cụ thể nào. Phải chăng ngài là một nhà thần học Kinh thánh? Một nhà thần học chính trị? Một nhà đạo đức? Một chuyên gia về phụng vụ? Tất nhiên, ngài làm tất cả những công việc này và còn nhiều hơn nữa.

Cuốn “Thần học của Đức Bênêđíctô XVI” thực hiện tốt công việc trao cho chúng ta một số chìa khóa để có thể hiểu khái quát toàn bộ công việc của vị Giáo Hoàng đã nghỉ hưu. Cuốn sách được biên tập bởi Tim Perry, một mục sư Anh giáo và là một giáo sư, là người đã cho ra mắt các ấn phẩm như “The Legacy of John Paul II” – “Di sản của Đức Gioan Phaolô II”, và “Mary for Evangelicals” – “Đức Maria đối với người Tin Lành”, cho thấy sự quan tâm mạnh mẽ của ông đối với đạo Công Giáo. Cuốn sách mới này bao gồm 16 bài tiểu luận của các nhà tư tưởng Tin Lành, xen kẽ giữa những lời tựa và lời bạt được viết bởi các nhà thần học Công Giáo. Được chia thành hai phần chính là thần học tín lý và thần học phụng vụ, các bài tiểu luận đề cập đến các chủ đề như đức tin và lý trí, khoa chú giải Kinh thánh, nhân chủng học thần học, Kitô học, Chúa Ba Ngôi, Đức Maria, Bí tích Thánh Thể, cầu nguyện và phụng vụ. Phẩm chất các bài viết dao động từ những tiểu luận hết sức xuất sắc, như các chương về phương pháp thần học của Kinda Sonderegger, hay phụng vụ và Kinh thánh của Peter Leithart khiến cuốn sách đáng đồng tiền bát gạo, cho đến những tiểu luận hời hợt. Nhưng ngay cả những bài tiểu luận yếu hơn cũng truyền cảm hứng cho người đọc muốn quay lại đọc các tác phẩm của vị Giáo Hoàng đã nghỉ hưu.

Điều đáng ngạc nhiên là giai điệu tổng thể của các bài tiểu luận này là cảm tình dành cho Đức Bênêđíctô. Các tín lý đặc thù Công Giáo, như bản chất hy tế trong bí tích Thánh Thể và tín điều Đức Mẹ Vô nhiễm, được giải thích, thậm chí còn được bảo vệ, theo quan điểm của Đức Bênêđíctô. Chỉ trích cũng có nhưng rất là hiếm. Chúng ta có thể thấy các tác giả thường xuyên ca ngợi Đức Bênêđíctô, đặc biệt là thần học đặt Chúa Kitô ở vị trí trung tâm của ngài và lòng trung thành với Kinh thánh. Độc giả thậm chí sẽ lưu ý đến sự ngỡ ngàng nhất định của một trong các tác giả khi ông đề cập đến “vẻ đẹp kỳ lạ của Công Giáo”.

Các tác giả xem ra cảm thấy đặc biệt hấp dẫn trước sự phụ thuộc của người Công Giáo vào Huấn Quyền như là có tiếng nói chung cuộc về tín lý. Người Tin Lành muốn Kinh Thánh và chỉ có Kinh Thánh đóng vai trò đó. Nhưng như Sonderegger than thở, điều này “khiến cho thẩm quyền trong các tín điều hiện đại trở nên một nhiệm vụ phức tạp và không thể hoàn thành”.

Hai chủ đề chính nổi lên từ cuốn sách này. Thứ nhất, “nhiệm vụ thần học cấp bách nhất” đối với Đức Bênêđíctô là việc phục hồi chức năng của lý trí như một điều cần thiết cho sự rành mạch của đức tin. Ngài dạy rằng đức tin không có lý trí là một đức tin không có sự thật. Cuốn sách chỉ ra rằng các nhà thần học Tin Lành như Karl Barth và Rudolf Bultmann, nối gót theo Kant, đặt ra những giới hạn cho lý trí, và muốn tách lý trí khỏi đức tin. Họ xem Tin Mừng như một cuộc gặp gỡ cá vị hơn là sự thật khách quan. Ngược lại, Đức Bênêđíctô cho rằng điều cần thiết không phải là giảm đi lý trí nhưng trái lại là “một sự mở rộng luận lý hơn nữa”, đến mức “tái Hy Lạp hoá” Tin Mừng Kitô giáo. Đối với ngài, lý trí là điều cần thiết cho đức tin vì lý trí đặt cơ sở cho niềm tin nơi “sự thật của bản thể”.

Chủ đề thứ hai là một câu hỏi được độc giả Công Giáo quan tâm, đặc biệt trong thời đại tranh luận kỹ thuật số này: Đức Giáo Hoàng danh dự là một nhà thần học cấp tiến hay một người theo chủ nghĩa truyền thống? Hầu hết các tác giả, hoàn toàn đúng, khi đặt Đức Bênêđíctô gần với đường biên bảo thủ hơn trong quang phổ đó. Điều này đặc biệt trở nên rõ ràng trong phản ứng của Đức Bênêđíctô đối với Công Đồng Vatican II. Theo Đức Bênêđíctô, các tài liệu của Công Đồng, đặt con người và cộng đồng nhân loại, chứ không phải là Chúa Kitô và Thiên Chúa Ba Ngôi, ở trung tâm những suy tư của Giáo Hội. Đức Bênêđíctô muốn đảo ngược ưu tiên đó. Giáo Hội, theo ngài, phải được hướng dẫn bởi mặc khải của Chúa Kitô như được trình bày trong Kinh Thánh, chứ không phải bởi các khoa học thế tục. Điểm bắt đầu của thần học không phải là các nhu cầu xã hội của con người nhưng phải là chính đời sống nội tại của Thiên Chúa; thần học phải bắt đầu với sự chiêm niệm về “bản thể Ba Ngôi” hơn là “công việc của Ba Ngôi” trong dòng lịch sử.

Đức Bênêđíctô như một nhà vô địch của chính thống tỏa sáng trong cuốn sách này. Ngài tấn công vào tất cả một chuỗi dài từ Hegel đến Marx rồi đến thần học giải phóng – mà ngài lập luận rằng đó “không phải là thần học giải phóng nhưng là thoát ly khỏi thần học”.

Đặc biệt thấm thía là các cuộc thảo luận về sự thất bại của chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa tương đối nhằm vạch ra một sự hiểu biết thực sự về Kinh Thánh khi “con người không còn hứng thú trong việc khẳng định chân lý, nhưng chỉ quan tâm đến những gì có lợi cho chương trình nghị sự cụ thể của họ”.

Để kết luận, ký giả Thomas Carr đưa ra nhận xét sau:

Những người quan tâm đến một phác họa đại thể, và đặc biệt quan tâm đến sự tiếp nhận của người Tin Lành với toàn bộ công việc của ngài, sẽ thấy đáng đọc bộ sưu tập các bài tiểu luận tuyệt vời này của Tim Perry.


Source:Catholic HeraldThe Protestant thinkers who love Benedict XVI