1. BLM đốt Kinh Thánh trong cuộc biểu tình ở Portland

Những người biểu tình trong phong trào Black Lives Matter, gọi tắt là BLM – đọc theo tiếng Việt là Bọn Lưu Manh cho dễ đọc và cho đúng thực chất - ở Portland, Oregon đã đốt sách Kinh Thánh trên đường phố trong một cuộc biểu tình bên ngoài tòa án liên bang vào sáng sớm ngày 1 tháng 8. KOIN, cơ quan truyền thông địa phương liên kết với CBS Portland cho biết như trên.

KOIN tường thuật rằng khoảng 12:30 khuya 31 tháng 7, rạng sáng ngày 01 tháng 8, những người biểu tình đã nổi lửa trên đường phố ở phía trước tòa án liên bang và bắt đầu đốt một cuốn Kinh Thánh, sau đó là một lá cờ Mỹ, và sau đó “đốt nhiều hơn nữa để giữ ngọn lửa đừng tắt”.

Theo các báo cáo của KOIN, các thành viên mặc áo vàng của nhóm Moms United For Black Lives Matter đã dùng các chai nước dập tắt đám cháy và lấy sách Kinh Thánh ra vào khoảng 1 giờ sáng.

Người biểu tình sau đó đã nổi lửa đốt ở chỗ khác nhưng phóng viên của KOIN không nói rõ liệu người ta có đốt Kinh Thánh trong đám cháy thứ hai hay không.

Một đoạn video đăng lại trực tuyến vào ngày 01 tháng 8 của các nhà báo chuyên tường trình các cuộc biểu tình tại Portland liên tục trong suốt hơn 60 ngày qua cho thấy các nhóm người đeo mặt nạ đã đốt cờ Mỹ và một vài cuốn sách, trong đó dòng chữ “Bible”, nghĩa là “Kinh Thánh” có thể nhìn thấy trên trang bìa.

Video đó dường như có nguồn gốc từ cơ quan video Ruptly do Nga kiểm soát và chưa được xác minh. Nhưng phóng viên Daniel Peterson của Portland CBS cũng báo cáo rằng một cuốn Kinh Thánh đã bị đốt cháy, và những bức ảnh tweet của anh dường như ghi lại một sự kiện như vậy.

Theo báo cáo chính thức của cảnh sát Portland, những người biểu tình bắt đầu đốt lửa ở giữa Southwest 3rd Avenue ở phía trước tòa án liên bang trong những giờ sáng sớm của ngày mùng Một tháng Tám. Cảnh sát cho biết nhiều người mang “ván ép và vật liệu dễ cháy khác để giữ cho ngọn lửa đừng tàn lụi”.

Portland đã trải qua hơn 60 ngày liên tục biểu tình trên đường phố, thường diễn ra dưới hình thức những đám đông hàng trăm người biểu tình, dưới chiêu bài chống phân biệt chủng tộc, sự tàn bạo của cảnh sát và chủ nghĩa phát xít. Các cuộc biểu tình đã thu hút các tiêu đề quốc gia và quốc tế.

Một số cuộc biểu tình đã đi kèm với bạo loạn và cướp bóc. Ngoài thiệt hại tài sản trên một bình diện rất kinh hoàng ở trung tâm thành phố, thỉnh thoảng còn có những hành vi bạo lực xảy ra bên trong hoặc bên cạnh các cuộc biểu tình, bao gồm cả những vụ xả súng bắn nhau và đâm chém.


Source:Catholic News AgencyProtestors burn Bible during Portland protests
2. Nhận định của Đức Tổng Giám Mục Portland Oregon

Tưởng cũng nên nhắc lại, trong một thông điệp video được công bố hôm 24 tháng 7, Đức Tổng Giám Mục Alexander Sample của tổng giáo phận Portland, Oregon, cho biết, vào mỗi buổi sáng sau khi xem các tin tức, và nhìn thấy mỗi đêm đều có thêm những sự tàn phá mới, ngài cảm thấy “mất tinh thần” và “lúng túng”.

“Ngày nay có ai còn nhớ đến anh George Floyd nữa không? Hãy dừng lại và nghĩ về điều đó trong một giây, ” ngài nói.

“Chúng ta cần phải nói sự thật trong đức ái, và không ngần ngại lên tiếng. Tôi nghĩ rằng đại đa số mọi người không chấp nhận những gì đang diễn ra hiện nay, đặc biệt là các hình thái bạo lực, phá hủy tài sản và cướp bóc.”

Người Công Giáo - và bất cứ ai quan tâm đến điều này - nên phẫn nộ trước tội ác phân biệt chủng tộc, nhưng người Công Giáo phải cẩn thận, suy nghĩ hợp lý và bình tĩnh, và nên tránh “các nhân đức hời hợt” nhưng thay vào đó hoạt động để thực sự thăng tiến trên đàng thiêng liêng, và đưa các giáo huấn xã hội Công Giáo vào thực hành để đối phó với nạn phân biệt chủng tộc.

Giáo hội dạy rằng mỗi người đều có một phẩm giá mà chúng ta, với tư cách là con người, không ban cho những người khác, nhưng phẩm giá ấy mà đến từ Thiên Chúa.

Đức Tổng Giám Mục Sample mạnh mẽ khuyến khích tất cả mọi người hãy đọc thư 2018 có tựa đề “Hãy Mở Rộng Trái Tim Chúng Ta” của các Giám Mục Mỹ về nạn phân biệt chủng tộc, và chỉ thị cho các giáo xứ tại Portland tổ chức các nhóm chuẩn bị, nghiên cứu và thảo luận về lá thư này.

Những người biểu tình ở Portland đã nhiều lần bắn các thứ pháo hoa hạng nặng vào tòa án liên bang, là trung tâm của các cuộc biểu tình bạo lực và đã ném đá, lon, chai nước và khoai tây vào các đặc vụ liên bang. Cảnh sát báo cáo rằng vào đêm 26 tháng 7, những người biểu tình đã mưu toan đốt cháy tòa án.

Đức Tổng Giám Mục chưa trả lời yêu cầu bình luận ngày 3 tháng 8 của Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, liên quan đến vụ đốt Kinh Thánh của BLM.


Source:Catholic News Agency
Protestors burn Bible during Portland protests
3. Đức Giám Mục Phụ Tá Los Angeles chỉ trích dân biểu Alexandria Ocasio-Cortez là “quá điên và quá quắt” khi đòi xóa bỏ tượng Cha Thánh Đamien

Trong một tuyên bố được đưa ra vào hôm thứ Năm 30 tháng 7, nữ Dân biểu Alexandria Ocasio-Cortez của đảng Dân Chủ, đơn vị New York, cáo buộc rằng bức tượng một vị thánh Công Giáo tại điện Capitol thể hiện “chế độ gia trưởng” và một nền “văn hóa da trắng thượng đẳng”.

Bức tượng bị bà ta chỉ trích là bức tượng của Thánh Đamien, Tông đồ người cùi tại Molokai. Cha Đamien tên thật là Joseph de Veusterin, sinh ngày 3 tháng Giêng năm 1840 tại Tremelo, bên Bỉ. Ngài nổi tiếng khắp thế giới vì đã dành cả cuộc đời cho những người cùi bị đầy ra đảo Kalaupapa chỉ dành cho những bệnh nhân bệnh phong trong vùng quần đảo Hawaii.

“Tôi buộc phải bỏ ra một vài phút trong ngày của mình ở đây bởi vì tôi cảm thấy cần phải đáp lại một điều tôi tình cờ đọc được và thấy rằng nó thật là quá quắt, ” Đức Cha Robert Barron, Giám Mục Phụ Tá của Los Angeles cho biết trong hai cái tweet để phản ứng lại Dân biểu Ocasio-Cortez.

Ngài nói: “Đó là một cái tweet, hoặc một Instagram hoặc một cái gì đó từ Dân biểu Alexandria Ocasio-Cortez, và bà ta đã phàn nàn về sự hiện diện của một bức tượng trong sảnh đường Statuary trong điện Capitol mà bà ấy nghĩ là một dấu chỉ của chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa da trắng thượng đẳng.”

Đức Cha Barron nói tiếp “Bức tượng mà bà ấy chọn ra, trong tất cả những bức tượng có thể, là của Thánh Đamien ở Molokai. Và tôi nghĩ tuyên bố của bà ấy thật là điên rồ và quá quắt, và tôi tự hỏi, liệu bà ấy có biết Thánh Đamien của Molokai là ai không? ”

Đức Cha Barron cho biết Thánh Đamien của Molokai là một linh mục người Bỉ, tên khai sinh là Jozef De Veusterin, chào đời vào năm 1840, đã đạt được danh tiếng quốc tế vì công việc truyền giáo của mình cho một hòn đảo bị cô lập dành cho những người cùi ở Vương quốc Hawaii trong thế kỷ 19. Trong hơn một thập kỷ, ngài đã làm việc với những người bị ruồng bỏ cho đến khi cuối cùng ngài cũng mắc phải và đầu hàng trước căn bệnh này vào năm 1889 khi mới 49 tuổi. Ngài đã trở thành vị thánh bảo trợ của những người phong cùi và những người bị ruồng bỏ, và ngày thánh nhân qua đời, là ngày 15 tháng Tư, vẫn được tưởng niệm ở Hawaii. Giáo Hội Công Giáo dưới thời Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã tuyên thánh cho ngài vào năm 2009.

Đức Cha Barron nhấn mạnh rằng:

“Cha Thánh Đamien nhận thức rõ ràng là rất có thể ngài không bao giờ có cơ hội trở về quê hương vì sứ vụ này và, trên thực tế, ngài chưa lần nào quay lại Bỉ trước khi qua đời. Cha Thánh Đamien đến hòn đảo này và ngay lập tức đã tự hiến hoàn toàn cho người dân. Vâng cố nhiên là ngài cử hành Phụng Vụ và ban các phép bí tích cho họ, giảng dạy họ, nhưng đồng thời ngài cũng chăm sóc họ theo những cách trực tiếp nhất. Chạm vào họ vào thời điểm mà ngay cả những người ở đó đôi khi cũng không dám chạm vào những người đang mắc bệnh. Nhưng ngài đã dám làm như thế.”

“Cha Thánh Đamien ở Molokai được tôn kính bởi người dân Hawaii – là những người ngài đã chung sống với họ trong suốt cuộc đời mình, và sau đó sau khi ngài chết, họ đã tôn kính ngài như một vị thánh của người dân Hawaii. Quan điểm của tôi là, việc liên kết vị thánh này bằng bất kỳ cách nào với chủ nghĩa thực dân hoặc chủ nghĩa da trắng thượng đẳng là chuyện cực kỳ vô lý và xúc phạm. Và nó cho thấy sự hời hợt và phẩm chất thấp kém của những cảm thức xã hội loại này.”

Đức Cha Barron kết luận bằng cách than thở về sự gia tăng các cuộc tấn công chống lại các vị thánh Công Giáo như Thánh Đamien và Thánh Junipero Serra, là một nhà truyền giáo ở thế kỷ 18 đã đến Mễ Tây Cơ và California. Bức tượng của thánh nhân đã bị những người biểu tình lật đổ vào tháng Sáu. Ngài đặt câu hỏi “Thực chất là gì với các cuộc tấn công vào các vị thánh Công Giáo? ”

Dân biểu Ocasio-Cortez đã bị đưa lên các hàng tít lớn trên khắp thế giới vì sự ngu dốt của mình khi đăng trên Instagram vào thứ Năm một bài trong đó bà ta phàn nàn về sự thiếu đa dạng trong các bức tượng ở Điện Capitol. Bà ta nêu trường hợp Thánh Đamien như một ví dụ về những gì bà ta cho là biểu tượng của “chế độ gia trưởng và nền văn hóa da trắng thượng đẳng.” Trước những chỉ trích từ khắp nơi trên thế giới nữ dân biểu “chơi dại lấy tiếng ngu” này đã chối dài rằng video trên Instagram của bà ta đã bị trích dẫn sai ngữ cảnh.


Source:Catholic News Agency
‘Crazy And Outrageous’: Catholic Bishop Rebukes AOC For Criticizing St. Damien Statue In Capitol