1. Phụ nữ da đen gây rối trong nhà thờ chính tòa Philadelphia, đấm vào mặt người đọc Sách Thánh
Một người phụ nữ da đen đã đấm vào mặt người đọc Sách Thánh trong một thánh lễ tại nhà thờ chính tòa hai Thánh Phêrô và Thánh Phaolô của tổng giáo phận Philadelphia. Hành động bạo lực đáng lo ngại diễn ra ngay sát cung thánh trong khi buổi lễ 11 giờ sáng Chúa Nhật đang được phát trực tiếp. Nghi phạm vẫn chưa bị bắt.
Các giáo dân bên trong nhà thờ đã chứng kiến vụ tấn công cùng với hàng nghìn người khác đang theo dõi thánh lễ trực tuyến khi vụ tấn công xảy ra. Những người thường xuyên tham dự thánh lễ tại nhà thờ chính tòa Philadelphia nói rằng họ đã nhìn thấy người phụ nữ ở nhà thờ trong những tuần gần đây, nhưng cha sở và người đọc Sách Thánh bị tấn công nói rằng họ không nhận ra người đàn bà này.
Một người phụ nữ da đen mặc đồ xanh đã đứng chờ ngay sát cung thánh khi hai người phụ nữ vừa đọc Sách Thánh xong đang quay xuống. Cô ta đã đấm vào mặt người đọc Sách Thánh đi gần bên mình hai lần trước khi ung dung bỏ ra khỏi nhà thờ. Ra khỏi nhà thờ y thị mới bỏ chạy để khỏi bị bắt.
Phóng viên Trang Đỗ của CBS Philly đã phỏng vấn Cha Dennis Gill, là cha sở nhà thờ chính tòa. Ngài cho biết:
“Chuyện xảy ra sáng nay trong Thánh Lễ long trọng lúc 11:00 khiến chúng tôi rất đau buồn, chưa bao giờ xảy ra một chuyện như thế.”
Người phụ nữ đọc Sách Thánh đã không đánh trả, cô yên lặng quay về chỗ ngồi của mình như không có chuyện gì xảy ra, mặc dù cả hai cú đấm của người phụ nữ da đen đều rất tàn bạo.
Cha Gill khen ngợi người phụ nữ đọc Sách Thánh và cho biết về tình trạng của cô như sau:
“Cô ấy rất dũng cảm, cô ấy đối phó với vụ việc một cách rất an nhiên và cô ấy không yêu cầu bất kỳ sự chăm sóc y tế nào. Cô ấy vẫn ổn, tạ ơn Chúa.”
Trong khi cảnh sát điều tra vụ việc, các thánh lễ vẫn được tiếp tục. Dòng người tham dự thánh lễ lúc 6:30 chiều vẫn đông đảo như không có gì đã xảy ra.
Một giáo dân cho biết:
“Tôi là một người đọc Sách Thánh, thỉnh thoảng vẫn đọc khi đến phiên tôi, tôi chưa bao giờ thấy một hành vi bạo lực như thế diễn ra ngay trong nhà thờ. Hy vọng điều đó không tái diễn nữa.”
Anh Tom Sabol nói:
“Đó là điều không nên xảy ra ở nơi thờ phượng. Bất kể niềm tin của bạn, tôn giáo của bạn, tín ngưỡng của bạn, bất cứ điều gì. Điều đó không nên xảy ra một chút nào.”
Cảnh sát Philadelphia kêu gọi mọi người ai có thông tin dẫn đến việc bắt giữ người phụ nữ da đen Xin báo cáo cho cảnh sát qua số 215-686-8477.
Source:CBS PhillyWoman Caught On Camera Punching Lector During Sunday Mass At Cathedral Basilica Of Saints Peter And Paul
2. Tuyên bố của Đức Tổng Giám Mục Nelson Perez
Sau vụ tấn công trong thánh lễ tại nhà thờ chính tòa hai Thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ, Đức Tổng Giám Mục Nelson Perez đã triệu tập một cuộc họp với cha sở nhà thờ chính tòa và các linh mục cố vấn vào sáng thứ Hai 24 tháng Tám.
Đức Tổng Giám Mục đã gởi một lá thư mục vụ cho các linh mục, tu sĩ và anh chị em giáo dân bảo đảm với họ rằng tổng giáo phận đang hoạch định các kế hoạch an toàn và an ninh dành cho nhà thờ chính tòa hai Thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ. Tổng giáo phận chào đón tất cả các tín hữu và du khách và nỗ lực làm việc để cung cấp cho sự an toàn cho họ. Bạo lực không có chỗ đứng trong thế giới của chúng ta và mỗi cuộc sống là một món quà quý giá từ Chúa.
Ngài viết như sau:
Anh chị em thân mến trong Chúa Kitô,
Trong thánh lễ 11:00 sáng tại Nhà thờ Chính tòa hai Thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ, được truyền hình trực tiếp qua trang Facebook của tôi và kênh Vimeo của Tổng giáo phận, một hành động gây hấn vô nghĩa đã diễn ra. Một trong những người đọc Sách Thánh đã bị ai đó trong nhà thờ đấm khi cô rời bàn thờ.
Hành vi như vậy là không bao giờ có thể chấp nhận, đặc biệt là trong phạm vi giới hạn của một ngôi nhà thờ và trong thời gian cử hành Thánh lễ. Tôi rất buồn khi biết sự việc này và lấy làm tiếc vì nó đã xảy ra.
Người đọc Sách Thánh bị hành hung đã nhận được sự quan tâm và giúp đỡ ngay lập tức từ các nhân viên nhà thờ. Cô ấy không yêu cầu chăm sóc y tế và đã hành xử rất tốt dựa trên các báo cáo tôi đã nhận được.
Tổng giáo phận Philadelphia đang phối hợp với cảnh sát về vấn đề này và sẽ hợp tác đầy đủ với họ. Xin anh chị em yên tâm rằng đã có các kế hoạch an toàn và an ninh cho Nhà thờ Chính tòa hai Thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ. Chúng tôi chào đón tất cả các tín hữu và du khách và nỗ làm việc để cung cấp cho sự an toàn cho họ. Bạo lực không có chỗ đứng trong thế giới của chúng ta và mỗi cuộc sống là một món quà quý giá từ Thiên Chúa. Xin hãy cùng tôi cầu nguyện cho tất cả mọi người liên quan đến vụ việc hôm Chúa Nhật và cho sự tôn trọng đối với anh chị em của chúng ta.
Đức Tổng Giám Mục Nelson Perez đã được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm thay thế cho Đức Tổng Giám Mục Charles Chaput vào ngày 23 tháng Giêng và đã chính thức nhận tòa từ ngày 18 tháng Hai.
Source:CBS PhillyWoman Caught On Camera Punching Lector During Sunday Mass At Cathedral Basilica Of Saints Peter And Paul
3. Ba vị Tổng Giám Mục Úc quan ngại vì vắc xin phòng chống COVID-19 có liên hệ đến phá thai
Ba vị Tổng Giám Mục Úc đã viết thư cho Thủ tướng Scott Morrison nói lên sự thất vọng của các ngài trước sự quan tâm của Chính phủ Liên bang đối với một loại vắc-xin coronavirus được sản xuất bằng cách sử dụng các tế bào liên kết với các mô từ thai nhi bị phá thai.
Sau thông báo vào tuần trước của ông Morrison rằng Chính phủ đang thảo luận với công ty dược phẩm AstraZeneca để bảo đảm vắc xin thử nghiệm của Đại học Oxford và gây áp lực buộc người Úc bắt buộc phải sử dụng vắc xin này.
Vắc xin Oxford đang gây tranh cãi về mặt đạo đức vì nó được phát triển bằng cách sử dụng các tế bào từ bào thai người đã bị phá thai vào những năm 1970.
Bức thư được ký bởi các nhà lãnh đạo của các Giáo Hội Kitô khác nhau bao gồm Đức Tổng Giám Mục Anthony Fisher, của tổng giáo phận Công Giáo Sydney; Tiến sĩ Glenn Davies Tổng Giám Mục Anh giáo Sydney, và Đức Tổng Giám Mục Makarios của Tổng giáo phận Chính thống Hy Lạp tại Úc.
Các nhà lãnh đạo các Giáo Hội Kitô thúc giục ông Morrison cung cấp cho người Úc một loại vắc-xin không có trở ngại về mặt đạo đức nếu một loại vắc-xin như thế có sẵn từ nhiều thử nghiệm lâm sàng đang được tiến hành trên toàn cầu trong đó không liên quan đến các các tế bào thai nhi.
Trong trường hợp không có vắc xin nào khác ngoài vắc xin của Oxford, các ngài kêu gọi Thủ tướng không nên bắt buộc sử dụng vắc xin Oxford, và bảo đảm không ai bị áp lực phải chấp nhận vắc xin “đi ngược lại niềm tin tôn giáo hoặc lòng đạo đức của họ hoặc bị thiệt thòi vì không làm như thế”.
Đức TGM Fisher, một nhà đạo đức sinh học, nói rằng cá nhân ngài không tin rằng việc sử dụng vắc-xin Oxford là trái đạo đức nếu không có sẵn loại vắc-xin nào khác nữa vì nó không hợp tác với việc phá thai trong quá khứ hoặc trong tương lai.
“ Nhưng tôi vô cùng lo lắng về điều đó. Việc sử dụng nó sẽ gây chia rẽ xã hội một cách không cần thiết.”
Giáo sư đạo đức sinh học Margaret Somerville của Đại học Notre Dame nói với tờ The Catholic Weekly rằng bà đồng ý rằng nhiều người sẽ hết lòng phản đối việc tiêm vắc-xin có liên quan đến bào thai người bị phá thai.
“Họ sẽ không đồng ý để được tiêm phòng vì họ sau đó sẽ cảm thấy mình là đồng lõa trong một việc làm sai trái là phá thai.”
“Đây không phải là một vấn đề mới lạ.”
“Mọi người đã từ chối các loại vắc-xin khác có liên quan đến tế bào hoặc mô của bào thai bị phá bỏ.”
Có hơn 160 loại vắc xin đầy tiềm năng đang được thử nghiệm trên khắp thế giới.
Source:Catholic WeeklyChurch leaders call on PM to embrace ethical vaccines
4. Các giáo phận California cầu nguyện và hỗ trợ người dân tại các khu vực cháy rừng.
Các đám cháy rừng đang hoành hành khắp California, thiêu rụi hơn 700, 000 mẫu đất ở nhiều giáo phận và làm chết ít nhất 4 người. Trước tình hình này, các tín hữu Công Giáo đang cầu nguyện và trợ giúp cho những người phải di tản.
Trong thư gửi các tín hữu Công Giáo hôm 20 tháng 08 năm 2020, Ðức cha Daniel Garcia của giáo phận Monterey cho biết: “Chỉ riêng trong giáo phận của chúng tôi, các đám cháy CZU, River, Carmel Valley và Dolan đã gây ra thiệt hại nặng nề về tài sản, con người và môi trường.” “Hàng trăm người đã rời khỏi nhà của họ vì sợ hãi trước những điều chưa biết sẽ ra sao. Tương tự như vậy, một số giáo xứ của chúng tôi đã được di tản do gần các đám cháy.”
Ðức cha khuyến khích các tín hữu: “Mặc dù điều đó có thể không rõ ràng đối với chúng ta, nhưng chính những lúc như thế này, chúng ta được kêu gọi đừng quên rằng Chúa đang ở với chúng ta ngay cả trong lúc bấp bênh của thời điểm này. Anh chị em và tôi được kêu gọi đến với nhau như Thân thể của Chúa Ki-tô, để cầu nguyện cho nhau, ngay cả khi chúng ta không thể quy tụ gặp gỡ nhau về mặt thể lý.”
Giáo phận Monterey đã mở cửa một trung tâm tĩnh tâm ở San Juan Bautista để làm nơi cư trú cho các gia đình, dù phải giữ những biện pháp nghiêm ngặt do Covid-19, và giáo phận đang cộng tác với các cơ quan bác ái để trợ giúp người dân.
Cha Blaise Berg, cha sở giáo xứ Ðức Mẹ ở Vacaville, giáo phận Sacramento, đã di tản vào đầu tuần trước, cho biết giáo xứ đang dùng điện thoại liên lạc với giáo dân trong vùng hỏa hoạn. Một số nhà của giáo dân đã bị cháy. Cha cũng cho biết nhiều người di tản đã biết ơn khi thấy sự hiện diện của Giáo hội. Cha nói: “Vào thời điểm như thế này, chúng tôi thấy tầm quan trọng của việc cầu nguyện, và vì vậy chúng tôi yêu cầu tất cả anh chị em của chúng tôi cầu nguyện hàng ngày cho những người bị ảnh hưởng bởi những đám cháy này trên toàn tiểu bang California.”
Giáo phận San Jose bị bao quanh bởi các đám cháy. Nhiều giáo dân ở trong những vùng phải di tản. Giáo phận cùng với tổ chức Bác ái Công Giáo và ngân hàng thực phẩm địa phương tiếp tục giám sát tình hình và cung cấp thực phẩm và nơi cư trú, cũng như cập nhật cho mọi người về các khu vực di tản và các nguồn hỗ trợ khác.
Giáo phận Stockton đang chịu ô nhiễm không khí do các đám cháy. Giám đốc truyền thông của giáo phận cho biết nhiều di dân làm việc tại các nông trại, vốn chịu ảnh hưởng nặng nề do Covid-19. Hiện tại là mùa thu hoạch nhiều loại cây và những điều kiện thế này làm cho vấn đề tồi tệ hơn đối với họ.
Giáo dân của giáo xứ thánh Thomas More ở vùng Paradise, vẫn còn mang ký ức kinh hoàng về các đám cháy năm 2018 với thiệt hại nặng nề, đang lo sợ về một trận hỏa hoạn khác. Họ bị ảnh hưởng bởi Covid-19, bởi vật giá leo thang, vv. những thứ này làm họ lo sợ. Sứ vụ của giáo xứ là giữ vững hy vọng rằng chúng ta sẽ vượt qua thời gian khó khăn này.