1. Tổng thống Trump sẽ giành được chiến thắng ở nhiều tiểu bang hơn bao giờ sau hội nghị gây sốc của đảng Dân Chủ

Phó Chủ tịch Đảng Tự do Teena McQueen của Úc Đại Lợi nói rằng Hội nghị Quốc gia của Đảng Dân chủ Hoa Kỳ cho đến nay đã thất bại trong việc thảo luận các kế hoạch hoặc chính sách, và bà “chưa hề nghe thấy cụm từ Trung Quốc bật ra từ cái miệng nào của họ.”

“Thật là lố bịch, ” bà McQueen nói với Paul Murray, người dẫn chương trình của Sky News Australia trong một show truyền hình.

“Tổng thống Trump sẽ giành được chiến thắng ở nhiều tiểu bang hơn bao giờ hết sau các diễn biến trong vài ngày qua.”

Bà McQueen nói rằng bà cảm thấy tự tin rằng ông Trump sẽ đưa ra một điều gì đó rất thú vị vào tuần tới.

“Rất dễ dàng để đánh bại đảng Dân Chủ trong lần bầu cử này, bạn không cần phải là Einstein.”

Ông Biden đã chính thức chấp nhận đề cử ra tranh cử tổng thống của Đảng Dân chủ vào ngày cuối cùng trong đại hội toàn quốc của đảng.

Trong bài diễn văn của mình ông Biden và bà Harris chỉ biết tập trung vào việc tấn công Tổng thống Mỹ Donald Trump, mà không đưa ra được một chính sách hấp dẫn nào đối với cử tri Mỹ.

Trong bài diễn văn của mình, ông Biden, năm nay đã 77 tuổi, dường như cố hết sức để tránh phạm vào các sai lầm hơn là cố gắng nói một bài diễn văn hùng biện.

Paul Murray tiên đoán rằng:

“Cuộc bầu cử chỉ còn 74 ngày nữa, và người đàn ông 77 tuổi này sẽ tìm cách giảm thiểu những sai lầm của mình, và để làm được điều đó, ông ấy sẽ xuất hiện ít nhất có thể.”

Các đảng phái ở Úc thường bất đồng với nhau về nhiều vấn đề. Tuy nhiên, liên quan đến cuộc bầu cử tại Hoa Kỳ sắp tới họ dường như rất thống nhất với nhau ở điểm là cầu mong sao cho Tổng thống Trump được tái đắc cử. Sau những xung đột giữa Úc và Trung Quốc, một chính quyền mới ở Hoa Kỳ thân thiện với Trung Quốc là một cơn ác mộng đối với kinh tế Úc.


Source:Sky News AustraliaTrump will 'win more states than ever' after shocking Democratic convention
2. Các đại hội của đảng Dân Chủ lặng lẽ bỏ đi cụm từ Under God

Lời tuyên thệ dưới cờ của người Mỹ theo truyền thống được đọc như sau:

“I pledge allegiance to the flag of the United States of America and to the Republic for which it stands, one Nation under God, indivisible, with liberty and justice for all.”

Nghĩa là:

“Tôi cam kết trung thành với lá cờ của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ và với nước Cộng hòa mà lá cờ này đại diện, một Quốc gia dưới quyền Chúa, không thể chia cắt, với quyền tự do và công lý cho tất cả mọi người.”

Sau khi một số cuộc họp kín tại Hội nghị Quốc gia của đảng Dân chủ bỏ qua cụm từ “dưới quyền Chúa” trong lời tuyên thệ, các Hiệp sĩ Kha Luân Bố nói với CNA rằng những từ này đại diện cho một niềm tin cơ bản của người Mỹ và cho biết đoàn Hiệp sĩ rất tự hào về vai trò của mình trong việc bổ sung lời hứa.

“Đoàn Hiệp sĩ Kha Luân Bố tự hào về vai trò là khí cụ của mình trong việc thuyết phục Quốc hội thêm cụm từ 'dưới quyền của Chúa' trong lời tuyên thệ vào năm 1954, ” ông Carl Anderson, Hiệp sĩ tối cao của các Hiệp sĩ Kha Luân Bố nói với Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, ngày 20/8.

“Những lời này thể hiện một niềm tin cơ bản mà chúng ta đã trân trọng như một quốc gia kể từ khi thành lập, đó là chúng ta đang được Thiên Chúa ưu đãi với những quyền bất khả xâm phạm nhất định, ” ông Anderson nói thêm.

Nhận xét của Anderson được đưa ra trong bối cảnh các báo cáo cho rằng tại các cuộc họp được tổ chức như một phần của Đại hội Quốc gia đảng Dân chủ, các đại biểu đã bỏ qua các từ “dưới quyền của Chúa” khi họ đọc lời tuyên thệ, đặc biệt trong các cuộc họp của LGBTQ.

Lời tuyên thệ như hiện nay được sáng tác vào năm 1892 và được Quốc hội chính thức công nhận vào năm 1942. Các Hiệp sĩ Kha Luân Bố đã có công trong việc khuyến khích những từ “dưới quyền của Chúa” được chính thức đưa vào lời tuyên thệ vào đầu những năm 1950.

Cùng với các nhóm khác, đoàn Hiệp sĩ Kha Luân Bố ủng hộ việc đưa cụm từ này vào, và vào đầu năm 1954, Quốc hội đã thông qua một dự luật để làm điều đó. Tổng thống Dwight Eisenhower đã ký thành luật vào Ngày Quốc kỳ, tức là ngày 14 tháng 6 năm 1954.

“Bằng cách này, chúng ta tái khẳng định tính siêu việt của đức tin tôn giáo trong di sản và tương lai của nước Mỹ. Bằng cách này, chúng ta sẽ không ngừng củng cố những vũ khí tinh thần đó để mãi mãi là nguồn lực mạnh mẽ nhất của đất nước chúng ta, dù trong hòa bình hay trong chiến tranh, ” tổng thống Eisenhower nói vào thời điểm đó.

Hiệp sĩ tối cao Anderson cho biết cụm từ nhắc nhở người Mỹ về “một niềm tin cơ bản mà chúng ta đã giữ với tư cách là một quốc gia kể từ khi thành lập, như Tổng thống John F. Kennedy đã bày tỏ trong bài diễn văn nhậm chức của mình rằng các quyền của chúng ta với tư cách là người Mỹ không đến từ sự giàu có của quốc gia nhưng từ bàn tay của Chúa.”


Source:Catholic News Agency
KofC says 'under God' in flag pledge represents 'fundamental American belief'
3. Nhà thờ đầu tiên ở Ukraine được dâng kính Thánh Gioan Bosco.

Ngày 16 tháng 8 năm 2020, các tu sĩ Dòng Salêdiêng đã tổ chức kỷ niệm 205 năm ngày sinh Ðấng sáng lập, Thánh Gioan Bosco. Việc cử hành càng thêm long trọng và ý nghĩa vì lần đầu tiên tại Ukraine một Nhà thờ được dâng kính Thánh Gioan Bosco.

Các tu sĩ Salêdiêng bày tỏ niềm vui trước sự kiện này: “Ðây là một sự kiện rất ý nghĩa. Chúng tôi rất vui bởi vì với việc dâng kính này phương pháp sư phạm của Thánh Bosco và hệ thống giáo dục giới trẻ của ngài sẽ được phổ biến hơn trong xã hội Ukraine. Ðiều này cho thấy đất nước mong muốn một tương lai tốt hơn cho thiếu nhi và giới trẻ”.

Nhà thờ mới nằm ở Korostiv, thuộc tỉnh Scole, miền tây Ukraine, và được xây dựng bên cạnh Trung tâm Salêdiêng “Domenico Savio”, thường được dành cho các buổi tĩnh tâm.

Trong Thánh lễ, ngoài các đại diện Dòng Salêdiêng ở Ukraine, còn có các đại diện chính quyền và người dân địa phương. Các tu sĩ cho biết do đại dịch virus corona, số người tham dự Thánh lễ phải hạn chế. Tuy nhiên, một tập tài liệu thông tin về cuộc đời và sứ mạng của vị thánh người Ý đã được các tu sĩ chuẩn bị, để đặc sủng của ngài ngày càng được biết đến ở Ukraine.

Cần nhấn mạnh rằng trong điều kiện dịch bệnh Covid-19, Dòng Salêdiêng ở Ukraine đã xúc tiến nhiều dự án xã hội nhằm tăng cường các biện pháp phòng chống lây nhiễm virus. Ðặc biệt, tại Lviv, Giáo xứ Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp và Trung tâm giới trẻ Salêdiêng đã làm khẩu trang và khăn trải giường, trao tặng cho bệnh viện.

Ngoài ra, nhiều gói thực phẩm đã được phân phát cho những người khó khăn, nghèo khổ và neo đơn nhất. Trong mùa Phục sinh, tiệm bánh mì xã hội của Hội dòng đã chuẩn bị bánh truyền thống hình chim bồ câu cho những người lính phục vụ ở miền đông Ukraine. Sau cùng, những người trẻ đã được đồng hành thiêng liêng qua các “nguyện xá trực tuyến” trên mạng xã hội.


Source:ANSA
Ukraine - First church dedicated to St. John Bosco consecrated