1. Nổ súng tại Tòa Bạch Ốc, Tổng thống Trump ngưng ngang cuộc họp báo, di tản đến nơi an toàn


Tổng thống Donald Trump đã đột ngột ngưng một cuộc họp báo tại Tòa Bạch Ốc vào chiều thứ Hai sau khi một người đàn ông tuyên bố mình có vũ khí bị một nhân viên Đặc vụ Hoa Kỳ bắn ngay bên ngoài khu phức hợp Tòa Bạch Ốc.

Trong cuộc họp báo vào chiều thứ Hai 10 tháng 8, về sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế Mỹ, khi mới bắt đầu được 3 phút, một nhân viên an ninh nói nhỏ vào tai tổng thống, yêu cầu ông rời khỏi phòng họp vì lý do an ninh.

Tổng thống Trump đi theo người phụ tá ra khỏi phòng và trú ẩn trong Phòng Bầu dục.

Khoảng 9 phút sau, Tổng thống Trump đã quay trở lại cuộc họp báo và cho các ký giả biết như sau:

“Có một vụ nổ súng thực sự, và người đó đã được đưa đến bệnh viện. Tôi chưa biết tình trạng của người đó”

“Nghi phạm đã bị bắn, ” ông nói thêm.

Tổng thống nói rằng không có ai khác bị thương, nhưng theo như ông được báo cáo thì nghi phạm có trang bị vũ khí.

Vụ nổ súng diễn ra gần hàng rào Tòa Bạch Ốc.

Vài giờ sau khi diễn ra biến cố này, Cơ quan Đặc vụ Hoa Kỳ ra một thông báo cho biết như sau:

“Vào khoảng 5:53 chiều hôm nay, một người đàn ông 51 tuổi tiếp cận một viên chức trong ngành Đồng phục của Đặc vụ Hoa Kỳ đang đứng ở góc đường 17 và Đại lộ Pennsylvania NW gần Khu phức hợp Tòa Bạch Ốc. Nghi phạm tiếp cận viên chức này và nói rằng anh ta có vũ khí. Sau đó, nghi phạm bỏ đi và bất ngờ quay lại, chạy thật hung hãn về phía viên chức trên, và trong một động tác như đang rút ra một vật gì đó dấu dưới lớp quần áo của anh ta. Sau đó anh ta co mình lại trong tư thế của một tay súng sắp khai hỏa. Nhân viên Đặc vụ nổ súng tấn công cá nhân này ở phần trên của cơ thể. Các nhân viên ngay lập tức sơ cứu cho nghi phạm và Sở Cứu Hỏa Thủ Đô cũng như Dịch Vụ Cứu Cấp đã được gọi đến hiện trường. Cả nghi phạm và viên chức này đều được đưa đến bệnh viện địa phương.

Khu phức hợp Tòa Bạch Ốc không bị xâm phạm trong vụ việc và không có nhân viên Đặc vụ nào gặp nguy hiểm.

Văn phòng Trách nhiệm Chuyên nghiệp của Sở Đặc vụ sẽ tiến hành đánh giá nội bộ về cách hành động của viên chức trên. Sở cảnh sát thủ đô đã được liên hệ để tiến hành điều tra.”

Khi trở lại với cuộc họp báo, tổng thống nói với các phóng viên lý do ông bị dẫn ra khỏi phòng.

“Tôi cảm thấy rất an toàn với các Đặc vụ, họ là những người tuyệt vời, họ là những người giỏi nhất, họ được đào tạo chuyên nghiệp, ” Tổng thống Trump nói.

Ông nói thêm là ông không bị hoang mang bởi vụ việc này.

“Thế giới đã là như thế, bạn nhìn lại qua nhiều thế kỷ, thế giới là một nơi nguy hiểm, một nơi rất nguy hiểm. ”

Tổng thống sau đó tiếp tục nói chuyện với các phóng viên về tình hình nền kinh tế Hoa Kỳ, và cho biết thị trường chứng khoán đang gia tăng mạnh mẽ.
Source:CNBCTrump evacuated from press briefing after Secret Service officer shoots man outside White House
2. Úc Đại Lợi lo lắng về kết quả bầu cử tại Hoa Kỳ

Kết quả thăm dò mới được công bố tại Hoa Kỳ vào tuần trước cho thấy mối quan hệ với Trung Quốc là mối quan tâm hàng đầu đối với các cử tri trong cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 3 tháng 11 sắp tới.

Trừ ra Fox News, các phương tiện truyền thông tại Mỹ tỏ ra ủng hộ chính sách của ông Joe Biden, về phương diện này, so với cách hành động của Tổng thống Trump đối với siêu cường kinh tế cộng sản này. Điều này khiến các chuyên gia chiến lược của Úc Đại Lợi hết sức âu lo.

Đảng Cộng sản Trung Quốc đã quay sang tấn công Úc Đại Lợi sau khi chính phủ Úc đặt vấn đề về nguồn gốc của coronavirus và yêu cầu mở một cuộc điều tra quốc tế về cách thức đối phó của Trung Quốc khi đại dịch bùng phát.

Đáp lại, hồi đầu tháng này, hai vị Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao Úc đã lên tiếng chỉ trích Trung Quốc về “hành vi bá quyền” ở Biển Đông và tình trạng vi phạm nhân quyền ở Hương Cảng.

Các bộ trưởng cao cấp cũng cáo buộc Trung Quốc cho các điện tặc do nhà nước bảo trợ tấn công vào các cơ quan chính phủ Úc mà họ cho là đe dọa tự do và chủ quyền của Úc.

Dư luận tại Úc tỏ ra ưa chuộng Tổng thống Trump hơn là ông Joe Biden và lo ngại rằng nếu Tổng thống Trump thất cử, Úc Đại Lợi sẽ lâm vào một tình cảnh khó khăn.

Thành viên cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu Hoa Kỳ Charles Edel nói với Sky News Australia rằng hơn một nửa số người Mỹ ủng hộ “ thái độ cứng rắn” đối với Trung Quốc và hơn 60% tin rằng Hoa Kỳ nên thực hiện các bước quyết liệt để đối phó với việc Trung Quốc xử lý coronavirus và gian lận trong ngoại thương.

Ông nói: “Trung Quốc đã trở thành vấn đề chính sách đối ngoại chủ yếu và có lẽ là duy nhất có thể thu hút các ứng cử viên khi cả hai đều cố chê bai nhau là nhu nhược trước Trung Quốc”.

“Góc độ rõ rệt nhiều người đang thấy là Tổng thống Trump có công đầu trong sự thay đổi chính sách Mỹ-Trung lớn nhất trong 4 thập kỷ qua.”

Tuy nhiên, ông Edel cho biết chiến lược của đảng Dân Chủ hiện nay chủ yếu cho rằng Tổng thống Trump đã tấn công Trung Quốc một cách bừa bãi, gây thiệt hại cho Trung Quốc nhưng cũng gây thiệt hại cho kinh tế Mỹ. Các phương tiện truyền thông ủng hộ Joe Biden cho rằng ông ta có cách tiếp cận với Trung Quốc hòa hoãn hơn thay vì lập trường hiếu chiến của ông Trump.

“Tổng thống Trump đã thực sự tạo ra một sự thay đổi lớn nhất trong chính sách của Mỹ nhưng thật đáng tiếc là tôi e rằng có nhiều người hoài nghi rằng sự thay đổi đó có thuận lợi cho Mỹ và các đồng minh của họ hay không và có vẻ như theo tất cả các số liệu được tung ra, chúng ta thấy câu trả lời dường như là không về điểm này, ” ông Edel nói.

Để thắng được Tổng thống Trump về phương diện này, hiện nay ông Joe Biden đang quảng cáo về các chính sách mà ông ta cho rằng “cạnh tranh hơn, hữu ích hơn trong lãnh vực đầu tư cả trong và ngoài nước từ góc độ công nghệ, và hợp tác chặt chẽ hơn với các đồng minh trong đối sách với Trung Quốc.”
Source:Sky News Australia
Biden, Trump 'bashing each other' with 'duelling narratives' on China
3. Cựu phó Tổng thống Joe Biden đáp lại lời bình luận của Tổng thống Donald Trump rằng nếu được đắc cử ông ta sẽ “làm tổn thương Đạo Thánh Chúa”.

“Giống như rất nhiều người, đức tin là nền tảng cơ bản cuộc đời của tôi: nó mang lại cho tôi niềm an ủi trong những lúc mất mát và bi ai, nó giúp tôi khiêm nhượng trong lúc chiến thắng và hân hoan. Và trong thời điểm tăm tối này của đất nước - đau thương, chia rẽ và bệnh tật - đức tin của tôi là ánh sáng dẫn đường và là lời nhắc nhở thường xuyên về phẩm giá cơ bản mà Chúa đã ban tặng cho tất cả chúng ta, ” ông Biden nói trong một tuyên bố ngày 6 tháng 8.

“Việc Tổng thống Trump tấn công đức tin của tôi là một điều đáng xấu hổ. Nó không xứng đáng với chức vụ mà ông ấy nắm giữ và nó thấp hơn phẩm giá mà người Mỹ mong đợi từ các nhà lãnh đạo của họ, ” ông nói thêm.

Biden đã thường nói về đức tin Công Giáo của mình trên đường đi vận động tranh cử, và được biết là đã tham dự Thánh lễ khi ở nhà tại Delaware và khi đi du lịch. Nhưng các quan điểm của ông về một số vấn đề, đáng chú ý nhất là phá thai và khuynh hướng tình dục đồng tính, là trái ngược với giáo huấn của đạo Công Giáo.

Ông Brian Burch, chủ tịch tổ chức vận động chính trị CatholicVote, nói với CNA rằng về cơ bản thì đức tin của Biden không nên bị nghi ngờ, nhưng quan điểm của ông về các vấn đề quan trọng đối với các vấn đề tôn giáo thì phải được xét lại.

“Joe Biden nói rằng đức tin Công Giáo của ông rất quan trọng đối với ông ấy, và chúng tôi không nghi ngờ về điều đó, ” Burch nói với CNA. “Rõ ràng là Biden đã tham dự Thánh lễ, và rõ ràng đức tin Công Giáo của ông ấy đã là niềm an ủi cho ông vào những thời điểm quan trọng trong cuộc đời.”

“Nhưng câu hỏi trong cuộc bầu cử này là những kế hoạch của ông ấy đối với đất nước này, và đó là điều mà các tín hữu nên tập trung vào, “ Burch nói.

“Điều quan trọng ở đây không phải là cuộc đời của ông ta, mà là chính sách. Mà chương trình chính sách của ông ta thì đã đe dọa nền tự do của các Giáo hội ở Mỹ.”

Vào tháng 10 năm 2019, Biden đã bị từ chối Rước lễ tại một nhà thờ ở Nam Carolina vì ủng hộ việc hợp pháp hóa phá thai.

Hôm thứ Năm, ông Biden nói rằng “đức tin Công Giáo dạy tôi yêu người lân cận như yêu chính mình, trong khi Tổng thống Trump chỉ tìm cách chia rẽ chúng ta. Đức tin của tôi dạy tôi quan tâm đến những người bé nhỏ nhất, trong khi Tổng thống Trump dường như chỉ quan tâm đến những người bạn vàng của mình. Đức tin của tôi dạy tôi biết chào đón người lạ, trong khi Tổng thống Trump khiến các gia đình di cư tan nát. Đức tin của tôi dạy tôi bước đi một cách khiêm tốn, trong khi Tổng thống Trump xua đuổi những người biểu tình ôn hòa để ông ấy có thể đi tới một nhà thờ để chụp ảnh “.

Tuyên bố của ông đã tránh không đề cập đến quan điểm của ông về phá thai.
Source:Catholic News Agency
Biden talks Catholic faith after Trump says former VP is 'against God'
4. Ðức Tổng Giám Mục Hoser cho biết: Tình trạng Mễ Du khá hơn.

Ðức Tổng Giám Mục Henryk Hoser, kinh lược tông tòa tại giáo xứ Mễ Du, Bosnia Herzegovina, cho biết những tranh luận về vấn đề Ðức Mẹ có hiện ra thực sự tại Mễ Du hay không đã kéo dài gần 40 năm, và cả về vấn đề các hoạt động mục vụ. Nhưng nói chung thì tình thế nay đã khá hơn.

Đức Tổng Giám Mục Hoser năm nay 78 tuổi, thuộc dòng Tông đồ Công Giáo, gọi tắt là SAC, và nguyên là Tổng giám mục giáo phận Varsava-Praga, bên Ba Lan. Từ hai năm nay, ngài được Ðức Thánh Cha bổ nhiệm làm đại diện Tòa Thánh đặc trách mục vụ Mễ Du, với danh hiệu chính thức là “Kinh lược tông tòa đặc biệt”. Trong cuộc họp báo hôm 1 tháng 8 vừa qua để giới thiệu Lễ Hội quốc tế lần thứ 31 của giới trẻ tại Mễ Du, Ðức Tổng Giám Mục nói: “Một số người nồng nhiệt ủng hộ Mễ Du, người khác thì chống. Nhưng tôi trả lời với họ: “Hãy đến mà xem” và anh chị em có thể chứng kiến”.

Ðức Tổng Giám Mục Hoser cũng kể rằng: “Từ tháng Năm năm ngoái, 2019, khi không còn lệnh cấm các linh mục và giám mục tổ chức các cuộc hành hương tại Mễ Du, chúng tôi đã có bao nhiêu Hồng Y, giám mục và tổng giám mục đến đây, nhưng đại dịch đã chặn đứng tất cả. Chúng tôi không biết có bao nhiêu người có thể đến Mễ Du, bao nhiêu người có thể đi qua biên giới với cuộc thử nghiệm coronavirus, chứng tỏ sức khỏe của họ hợp lệ”.

Theo Ðức Tổng Giám Mục Hoser, lối tiếp cận của Tòa Thánh đối với Mễ Du là rất tốt và rất tích cực, nhưng Giáo hội hành động yên tĩnh và từ từ. Trong thực tế, Mễ Du đã trở thành một “Ðền thánh quốc tế”, nhưng về pháp lý thì chưa, và chúng tôi chỉ là một giáo xứ, chúng tôi không có tước hiệu đền thánh quốc gia hay quốc tế. Nhưng tôi thấy tình thế ngày càng cải tiến và bằng chứng là sự hiện diện của tôi ở đây”.

Ðức cha Hoser cũng nói rằng “góp phần làm cho tình thế tốt đẹp hơn là Ðức cha Petar Palic, tân giám mục giáo phận Mostar-Duvno sở tại, vì Mễ Du thuộc lãnh thổ giáo phận này.

Cho đến nay, Tòa Thánh chưa đưa ra phán quyết về các cuộc “hiện ra” của Ðức Mẹ với sáu thiếu niên Công Giáo Croát ở Mễ Du, từ ngày 24 tháng 6 năm 1981 có xác thực hay không. Theo ý kiến của Ủy ban do Ðức Hồng Y Camillo Ruini, nguyên giám quản Roma làm chủ tịch, thì bảy cuộc hiện ra đầu tiên có thể là xác thực.

Tuy chưa đưa ra phán quyết, Ðức Thánh Cha Phanxicô quan tâm đến việc mục vụ đông đảo tín hữu đến Mễ Du hành hương, nên ngài muốn đẩy mạnh các hoạt động trong lãnh vực này và đã bổ nhiệm Ðức Tổng Giám Mục Henryk Hoser đến điều tra, và quyết định bãi bỏ lệnh cấm tổ chức các cuộc hành hương đến Mễ Du, bất chấp ý kiến trái ngược của vị giám mục bản quyền trước đây.
Source:SIR
Papa Francesco: appello ai giovani a Medjugorje, “scoprire un altro modo di vivere”, no alla “cultura del provvisorio”