1. Những chi tiết về cuộc đời của nữ tu Deirde Byrne

Nữ tu Deirde Byrne, nguyên là Đại Tá Quân Y trong quân đội Hoa Kỳ trước khi bước vào đời sống tu trì. Sơ Deirdre đã có một diễn từ xúc động vào ngày 26 tháng 8 tại Đại hội Toàn quốc của Đảng Cộng hòa.

Theo tờ Aleteia, nghĩa là Chân Lý Tỏ Tường, những chi tiết về sơ Deirdre Byrne trong tư cách một nữ tu, một người lính, một bác sĩ phẫu thuật gợi nhớ đến cuốn tiểu thuyết Tinker Tailor Soldier Spy của John LeCarré.

Sẽ không quá xa vời nếu so sánh cuộc đời của Sơ Deirdre với cuộc đời của nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết gián điệp này. Đọc tiểu sử của sơ, người ta phải tự hỏi còn quốc gia nào trên thế giới mà sơ chưa đến thăm, và trong hơn 3 thập niên qua, còn sứ mệnh mạo hiểm nào của người Mỹ mà sơ chưa tham gia.

Sơ Deirde Byrne là một thành viên của Cộng Đồng Những Tôi Tớ Khiêm Hạ Của Thánh Tâm Chúa Giêsu Và Mẹ Maria, một tổ chức được thành lập ở Ý và đã có mặt ở Mỹ gần 70 năm. Ngày nay, sơ dành phần lớn thời gian của mình để khám bệnh cho các bệnh nhân tại phòng khám của Tổ chức Từ thiện Công Giáo ở Washington DC hoặc Phòng khám Vật lý trị liệu và Mắt chuyên nghiệp tại tu viện của các nữ tu. Sơ cũng là bề trên của cộng đồng các nữ tu ở đó.

Sơ Deirde Byrne nói rằng cuộc đời phục vụ của mình bắt đầu từ khi còn trong bụng mẹ, noi theo tấm gương của cha mẹ. Cha của sơ là một bác sĩ phẫu thuật lồng ngực, và sơ có hai anh trai trong ngành y và một anh trai là linh mục của Tổng giáo phận Washington. Giống như cha và các anh trai của mình, Sơ Deirde học y khoa tại Georgetown. Sơ gia nhập quân đội vào năm 1978 để giúp trang trải tiền học Đại Học. Trong ba thập kỷ tiếp theo, sơ Deirde phục vụ ở Bán đảo Sinai, ở Hàn Quốc và ở Afghanistan.

Năm 1989, sơ dành thời gian nghỉ phép để truyền giáo bằng nghề y. Tại Ấn Độ, sơ hợp tác với một bác sĩ phẫu thuật là sơ Frederick, người cũng đã được giáo dục ở Georgetown. Trong thời gian này, Sơ Deirde đã nghĩ đến đời sống tu trì một thời gian, nhưng thời điểm đó không hoàn toàn phù hợp.

Tuy nhiên, khi trở lại Washington, để được đào tạo thành một bác sĩ phẫu thuật, một trong những bệnh nhân của sơ là Đức Hồng Y James Hickey, tổng giám mục lúc đó của Washington. Vị Hồng Y đã đưa ra các hướng dẫn tinh thần cho sơ. Sơ cũng được Cha John Hardon, một nhà văn và nhà thần học của Dòng Tên, giúp đỡ phân định ơn gọi của mình. Ngài đã khuyến khích sơ tìm một cộng đồng tôn giáo, nơi sơ có thể tiếp tục hành nghề y. Ngài nói, thế giới “cần các bác sĩ Công Giáo”.

Cộng Đồng Những Tôi Tớ Khiêm Hạ Của Thánh Tâm Chúa Giêsu Và Mẹ Maria, hoạt động trong cả lĩnh vực giáo dục và chăm sóc sức khỏe, dường như rất phù hợp.

Một năm sau khi giúp đỡ cho các nạn nhân trong vụ tấn công khủng bố tại Ground Zero ở New York vào ngày 11/9, sơ đã quyết định gia nhập cộng đồng này.

Nhưng lúc ấy sơ vẫn ở trong lực lượng Dự bị của Quân đội Hoa Kỳ, và sơ đã được gọi trở lại quân ngũ ba lần nữa - ở cả Afghanistan và Hoa Kỳ - trước khi sơ có thể giải ngũ và hoàn toàn hòa nhập với cộng đồng các nữ tu.


Source:AleteiaDeirdre Byrne, religious sister and former Army surgeon, to address Republican convention
2. Làn sóng cực đoan tại Đức: Các linh mục được yêu cầu nhường bục giảng cho phụ nữ trong một tuần

Các bài giảng thường do các linh mục phụ trách, nhưng điều đó sắp thay đổi ở Giáo phận Osnabrück, nơi ít nhất trong vòng một tuần - từ ngày 13 đến ngày 20 tháng 9 – các linh mục được yêu cầu ngồi xuống nghe các phụ nữ công bố và diễn giải lời Chúa.

Đức Cha Franz-Josef Bode, Giám Mục Osnabrück là người hô hào nồng nhiệt cho việc phong chức linh mục cho phụ nữ. Ngài là “linh hướng” cho phong trào Maria 2.0. Phong trào phụ nữ Công Giáo Đức này chịu ảnh hưởng bởi các ý thức hệ cực đoan đã khởi xướng một cuộc biểu tình kéo dài trong một tuần từ ngày 11 đến 18 tháng Năm, 2019. Họ từ chối không bước vào nhà thờ và không tham dự các Thánh lễ trong suốt thời gian biểu tình phản đối.

Nhóm này cũng đã gửi một bức thư ngỏ tới Đức Thánh Cha Phanxicô, kêu gọi phong chức cho phụ nữ, và tuyên bố rằng ngoài Đức Mẹ ra, những người nam trong Giáo hội không đánh giá đúng mức bất cứ một người phụ nữ nào khác.

Trong các cuộc biểu tình, họ mang theo một bức ảnh của Đức Mẹ bị bịt miệng.

Đi xa hơn nữa, sáng Chúa Nhật 22 tháng Chín, 800 phụ nữ đã biểu tình trước nhà thờ chính tòa tổng giáo phận Köln để chống báng Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki. Ngài là một trong số 8 Giám Mục tại Đức kiên quyết chống lại cái gọi là tiến trình công nghị “có hiệu quả ràng buộc” nhằm tiến đến việc phong chức linh mục cho phụ nữ, bãi bỏ luật độc thân linh mục, và chúc lành cho các kết hiệp đồng tính.

Có lẽ để xoa dịu, trong thời gian qua, Văn phòng Chăm sóc Mục vụ Phụ nữ của Hội đồng Giám mục Đức đã kỷ niệm Năm Quốc tế Lời Chúa bằng cách tổ chức các buổi chia sẻ quan điểm của các phụ nữ về Kinh thánh trong cộng đồng của họ; và thu thập các bài giảng của họ thành một tuyển tập sẽ được xuất bản trong tương lai gần.

Nhưng hiện nay, giáo phận Osnabrück - với sự ủng hộ quyết liệt hơn của Đức Cha Franz-Josef Bode, phó chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức - đang mời gọi các phụ nữ liên lạc với hội đồng giáo xứ hay giáo phận để ghi danh giảng trong các nhà thờ.

Mặc dù tập trung vào tuần lễ từ ngày 13 đến ngày 20 tháng 9, được gọi là “Tuần hành động”, để trùng với ngày lễ Thánh Hildegard thành Bingen, người Đức, tu viện trưởng, nhà văn, nhà soạn nhạc, nhà triết học, nhà thần bí, và Tiến sĩ Hôi Thánh sống ở thế kỷ 12 – thử nghiệm này, nếu thành công, có thể được áp dụng rộng rãi sau đó.

Inga Schmitt, một nhà tư vấn trong lĩnh vực truyền thông đức tin tại Giáo phận cho biết: “Chúng tôi tin rằng giờ đây chúng ta phải mở rộng khuôn khổ một chút để những người phụ nữ với các đặc sủng của họ có thể được nhìn thấy và lắng nghe mạnh mẽ hơn trong phụng vụ và thuyết giảng,” trang web tin tức của Hội Đồng Giám Mục Đức katholisch.de đưa tin.

Schmitt cũng giải thích rằng mục đích của chiến dịch rao giảng là làm cho phụ nữ - “và cả tất cả những người không tận hiến khác” - được nổi bật rõ hơn trong đời sống Giáo hội.

Schmitt nhấn mạnh: “Việc đưa ra chứng tá trong bối cảnh gia đình hoặc tại nơi làm việc là không đủ.”

“Tuần hành động” của phụ nữ Công Giáo ở giáo phận Osnabrück sẽ được dựa trên thành công của “Ngày những phụ nữ thuyết giáo” do Hiệp hội Phụ nữ Công Giáo Đức, gọi tắt là KFD tổ chức hồi tháng 5.

Vào ngày 17 tháng 5, 12 phụ nữ đã thuyết giảng tại 12 nhà thờ trên khắp đất nước.

Trong một tuyên bố KFD nhận định rằng:

“Lời Chúa nếu chỉ được giải thích bởi các thừa tác viên đã được phong chức sẽ thiếu vắng hoàn toàn quan điểm của phụ nữ. Và điều đó không thể cứ tiếp tục. Chúng tôi tin rằng điều rất quan trọng là phụ nữ phải được phép rao giảng trong các thánh lễ.”


Source:Novena News
Women take to pulpits in German diocese: “It is not enough to give testimony only in the family or at work”
3. Gió đã đổi chiều có lợi cho Tổng thống Trump nhờ lập trường phò sinh

Một liên minh các nhà lãnh đạo Da đen đang lên tiếng chỉ trích cay đắng Planned Parenthood. Họ nói một mặt tổ chức này tuyên bố ủng hộ phong trào Black Lives Matter. Nhưng mặt khác, nó lại nhắm đến mục tiêu diệt chủng người da đen trong các hoạt động phá thai.

Trong một bức thư gửi tới quyền chủ tịch của Planned Parenthood, là Alexis McGill-Johnson vào hôm thứ Ba, hơn 100 quan chức dân cử, mục sư và luật sư người Da đen yêu cầu cô ta “giải thích về sự phân biệt chủng tộc có hệ thống trong các hoạt động phá thai của Mỹ” và yêu sách tổ chức này phải loại bỏ các liên hệ với người sáng lập tổ chức là Margaret Sanger vì những bài viết phân biệt chủng tộc của bà này.

“Lá thư này thể hiện sự phẫn nộ trong cộng đồng Da đen rằng chúng tôi đã bị ngành công nghiệp phá thai nhắm tới một cách chiến lược và nhất quán kể từ khi hoạt động này được hợp pháp hóa gần 50 năm trước,” giám đốc điều hành Human Coalition Action, Mục sư Dean Nelson, người điều phối bức thư cho biết.

Bức thư lưu ý rằng 36% ca phá thai ở Hoa Kỳ được thực hiện trên các phụ nữ Da đen, là những người chỉ chiếm 13% dân số phụ nữ của đất nước.

“Phụ nữ da đen có nguy cơ phá thai cao gấp 5 lần phụ nữ da trắng”. “Ở một số thành phố, như New York, hàng năm có số trẻ em Da đen bị phá thai cao hơn những đứa trẻ được chào đời”.

“Đây không phải là chuyện ngẫu nhiên”, lá thư nêu rõ, và lưu ý rằng “79 phần trăm các cơ sở phá thai của Planned Parenthood được đặt trong hoặc gần các cộng đồng da đen.”

Một số nhà lập pháp bang Da đen đã ký vào lá thư, bao gồm Thượng nghị sĩ Bang Louisiana Katrina Jackson của đảng Dân Chủ, Hạ nghị sĩ Bang Texas James White của đảng Cộng Hòa, và Hạ nghị sỹ Bang Georgia Mack Jackson của đảng Dân Chủ. Bộ trưởng tư pháp Indiana, Curtis Hill cũng đã ký vào lá thư.

Các nhà hoạt động phò sinh Benjamin Watson và Alveda King cũng có tên trong lá thư, cùng với chiến lược gia chính trị Justin Giboney.

Diễn biến này đã xảy ra sau diễn từ của cô Abby Johnson nguyên là một giám đốc của một trong các trung tâm phá thai lớn nhất nước Mỹ trong hệ thống Planned Parenthood.

Abby Johnson nói:

“Margaret Sanger là một người phân biệt chủng tộc, và là người tin vào thuyết ưu sinh. Mục tiêu của bà ta khi thành lập Planned Parenthood là xóa sổ các nhóm thiểu số.”

“Ngày nay, gần 80% các cơ sở phá thai của Planned Parenthood được đặt ở các vị trí chiến lược trong các khu dân cư của các nhóm thiểu số; và hàng năm Planned Parenthood kỷ niệm nguồn gốc phân biệt chủng tộc của họ bằng cách trao giải thưởng Margaret Sanger.”

Diễn từ này đã khiến nhiều người da đen tức giận.


Source:Catholic News Agency
Black leaders blast 'systemic racism' of abortion in letter to Planned Parenthood