HIỆP HÀNH CẤP GIÁO PHẬN
CARITAS PHAN THIẾT
hình ảnh
Sáng nay 18.6, ngày thứ năm trong tuần lễ hiệp hành cấp giáo phận, Caritas Giáo Phận Phan Thiết đã tề tựu về Trung tâm Thánh Mẫu Tàpao tham dự ngày hiệp hành của Hội.
Hơn 250 hội viên từ Caritas các Giáo xứ trong Giáo phận hân hoan về bên Mẹ Tapao. Sau những ngày Covid không gặp gỡ nay được hội họp nên ai cũng vui mừng tay bắt mặt mừng râm ran trò chuyện và chụp hình lưu niệm trong ánh nắng mai đang lên.
Đến 8g20, khí trời dịu mát, nắng nhẹ, Đức cha và quý cha và mọi người ghi lại những tấm hình lưu niệm tại cổng quảng trường Trung tâm Thánh Mẫu.
Sau đó Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng và cộng đoàn bắt đầu chương trình công nghị.
Khởi đầu là giây phút thánh hoá xin ơn Chúa Thánh Thần.Mọi người cùng đọc Kinh cầu cho Thượng Hội Đồng Giám Mục năm 2023, Thầy Phó Tế đọc Rm 8, 14-27, cộng đoàn thinh lặng cầu nguyện xin Chúa soi sáng hướng dẫn.
Sau giây phút thánh hoá, MC Phó tế Thái giới thiệu thành phần tham dự gồm Đức Giám mục, quý cha ban hiệp hành, quý cha đặc trách Caritas Giáo phận Giáo Hạt, quý bề trên các dòng tu, quý phó tế, các tham dự viên Caritas và thông qua chương trình sinh hoạt.
Tiếp theo, Đức Cha Giuse huấn dụ
Có 3 câu hỏi đặt ra.
- Hiệp hành là cùng đi con đường nào? Tên gì?
- Con đường ấy sẽ dẫn tới đâu?
- Tại sao chung ta phải đi con đường này?
Trả lời dựa trên câu trả lời của Chúa Giêsu: Thầy là đường là sự thật và là sự sống; không ai đến được với Cha mà không qua Thầy (Ga 14,6); và câu CVTĐ 9,2: Vì các kitô hữu từ ban đầu, đó là những người thi theo con đường Giêsu.
Hiệp Hành là căn tính của Giáo hội mà Thượng hội Đồng muốn nhìn lại con đường Giêsu. Hiệp hành là “cùng đi chung một con đường”, con đường Giêsu để đến với Chúa Cha trong sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
Suy niệm về 3 động từ: gặp gỡ, lắng nghe và phân định trong tiến trình hiệp hành của Hội Thánh.
- Gặp gỡ: Thượng HĐGM cấp thế giới là cuộc gặp gỡ các Giám mục trên thế giới. Thượng HĐGM cấp Giáo phận là cuộc gặp gỡ các thành phần dân Chúa để trao đổi lắng nghe và phân định.
- Lắng nghe: về niềm vui, khó khăn và đề nghị. Từ những đoạn Thánh Kinh (Rm 8,26; Xh 2,24;Xh 3,7), ngài chia sẻ về câu chuyện Thiên Chúa luôn lắng nghe tiếng của Dân Chúa.
- Phân định: Chúa Thánh Thần muốn nói với chúng ta điều gì? Chúa Thánh Thần dạy chúng ta làm gì?
***
Đến 9g, có 3 bài tham luận đại diện cho người được phục vụ, các hội viên Caritas và ban điều hành.
Niềm vui, khó khăn và đề nghị là lược đồ các bài chia sẻ tâm linh.
Với nhóm những người được phục vụ nói lên những kỷ niệm cảm động đối với sự giúp đỡ của Caritas Giáo xứ, Giáo phận.
-
- Con là một người khuyết tật rất mặc cảm khi đi ra ngoài xã hội và cũng không dám gặp gỡ nói chuyện nhiều với người khác, nhưng khi được Ban Caritas, Quý Soeur đến thăm động viên an ủi, con đã thay đổi được những suy nghĩ của mình, giờ đây, con đã bớt mặc cảm và mạnh dạn giao tiếp với mọi người. Đặc biệt Ban Caritas đã dành cho con những nụ cười, những lời động viên giúp con can đảm hơn trong cuộc sống.
- Là người nhiễm HIV, con mất hết niềm tin, tuyệt vọng, không muốn sống, nhưng khi gặp được Caritas Giáo phận con rất hạnh phúc, cảm động và được Caritas quan tâm, nâng đỡ, con đã vượt qua chính bản thân mình mà sống được cho đến ngày hôm nay.
- Con là một học sinh ở vùng truyền giáo, con được Caritas nâng đỡ và hỗ trợ tiền học phí, nay con có nghề ổn định là được sĩ, đang làm quản lý 3 nhà thuốc Long Châu ở Phan Thiết, con thật hạnh phúc với công việc này và tỏ lòng biết ơn đến Caritas Phan Thiết.
- Con được các Dì cho vòi nước để về lọc nước.
- Các Dì vui vẻ, hòa đồng trong giao tiếp, trong chuyến đi hội thảo với ban Caritas Phan Thiết tại Đà Lạt, con được tập múa chung, được lên sân khấu múa nên rất vui; đi chung một đoàn với các Dì nên rất vui, hãnh diện.
- Mỗi lần đi tham quan, học hỏi, tập huấn, chúng con đều được các Dì lo lắng, quan tâm về mọi thứ, nhất là về sức khỏe; được Dì dẫn đi uống cà phê, trò chuyện, đi chợ đêm Đà Lạt, tham quan nhiều mô hình cảm thấy rất vui, sống tích cực hơn và muốn cộng tác, học hỏi thêm từ các Dì; các Dì và chúng con sinh hoạt vui vẻ, chia sẻ cho nhau những lời hay, ý đẹp, có một lần tuy trời rất nắng nhưng cả hội đều ngồi dưới gốc cây cạnh tượng đài Đức Mẹ sinh hoạt rất sôi động; lúc con không có một đồng trong túi, các Dì đã giúp đỡ cho vay vốn; các Dì giúp đỡ kịp thời khi người nông dân cần, luôn quan tâm hết mực;.
- Con cảm nhận là khi gia đình chị Riêng có đứa con mổ hở hàm ếch, vì kinh tế gia đình chị rất khó khăn và chồng chị không đồng ý, nhưng sau khi thăm gia đình, Quý Dì trong Ban Caritas đã thuyết phục được ba mẹ của cháu và đã đồng ý cho bé mổ.
- Các Dì trong Ban Caritas rất hòa đồng, bình dân cùng chị em trong Giáo xứ; con thấy thương các Dì vất vả từ xa về dạy chúng con những điều thiết thực trong cuộc sống thường ngày trong gia đình chúng con, con xin cảm ơn các Dì;
- Chúng con rất cảm động vì có số tiền để làm ăn kinh tế, con chân thành cảm ơn Ban Caritas đã giúp đỡ những người gặp hoạn nạn, xóa mù chữ cho các em nhỏ
- Nhận quà Tết tuy đơn giản, không nhiều, nhưng cảm thấy ấm áp tình người.
- Nhờ Caritas mà con biết thêm nhiều người bạn, Ban caritas làm con biết rằng vẫn còn nhiều người thực sự muốn giúp đỡ mình khi mình gặp bế tắc trong cuộc sống.
- Nhờ Caritas giúp đỡ mà em của con đã hết bệnh viêm gan siêu vi C.
- Kỷ niệm một lần trong chuyến đi giao lưu ở Bến Tre, các Dì rất quan tâm mọi người.
- Con bị bại liệt được Caritas hỗ trợ xe lăn nên đi lại thuận tiện hơn.
Với nhóm hội viên Caritas
Hoạt động và tam tư nguyện vọng chia sẻ cảm nhận được niềm vui phục vụ.
-
- Là một thành viên của Hội con cảm thấy rất hạnh phúc vì được gặp gỡ, chia sẻ những gì trong khả năng của con.
- Niềm vui được trao ban, được phục vụ và cũng được chia sẻ những khó khăn của gia đình mình với Ban Caritas.
- Cảm thấy vui sướng, hạnh phúc khi được cho đi. Cảm thấy mình đang thi hành việc tông đồ.
- Thấy Chúa qua những người khuyết tật nghèo khổ.
- Khi trao quà là tạo niềm vui cho họ và cho chính mình khi được phục vụ người nghèo.
- Niềm vui khi mình tạo được cầu nối cho người đó.
- Niềm vui vì được gặp gỡ, chia sẻ, cảm thông và làm bạn với nhiều người thuộc nhiều độ tuổi và hoàn cảnh khác nhau. Qua những hoạt động cũng giúp cho bản thân có được những kinh nghiệm và bài học quý giá trong cuộc sống.
Qua hoạt động bác ái, các hội viên cảm nhận ra tình yêu Thiên Chúa.
-
- Con luôn cảm nhận được có Chúa đồng hành trong khi con phục vụ người nghèo, những lúc con không có tinh thần để phục vụ Chúa, con lại nghe được tiếng Chúa động viên, khích lệ con phục vụ người nghèo.
- Qua các hoạt động của Caritas, con nhận ra Thiên Chúa đầy tình yêu thương và luôn quan phòng với con người, nhất là những người nghèo khổ.
- Người nghèo là hiện thân của chính Chúa.
- Hoạt động của Ban Caritas của Giáo xứ hiện lên tình thương của Chúa.
- Nhận ra được hình ảnh, tình thương của Chúa đang hiện diện nơi những người đau khổ và bệnh tật, điều đó thúc đẩy con dấn thân hơn trong công việc bác ái.
Những kinh nghiệm đánh động hội viên khi hoạt động trong ban Caritas Giáo xứ
-
- Qua những khoá tập huấn, bản thân con được học hỏi và biết thêm nhiều kiến thức và kỹ năng trong các hoạt động với người nhiễm HIV.
- Trong một lần tham gia tập huấn trên TàPao, vào buổi tối, mọi người cùng nhau lên Linh đài Mẹ để cùng nhau đọc kinh cầu nguyện. Tất cả cùng hướng về một niềm tin chung.
- Khi chưa tham gia vào Caritas, con cũng có những cái nhìn, ánh mắt, lời nói hay thái độ kỳ thị đối với người khuyết tật, nhưng khi tham gia vào Caritas, con đã bớt được những thái độ không tốt ấy. Trái lại, con thương họ và muốn tiếp xúc với họ nhiều, để trò chuyện và con cảm thấy rất vui khi mình được tiếp cận với họ và cũng thấy Chúa hiện diện nơi họ.
Với ban điều hành Caritas cấp giáo hạt giáo phận.
Những niềm vui phục vụ
- Niềm vui lớn nhất là được cộng tác vào sứ mạng thực thi bác ái của Giáo Hội qua sự dấn thân, hy sinh và phục vụ.
- Trở nên những cánh tay nối dài lan tỏa tình yêu của Chúa đến với những người nghèo khổ bất hạnh…
- Cảm nhận được niềm vui khi biết cho đi, ngõ hầu giúp chúng ta hăng say công việc tông đồ.
- Thi hành việc bác ái mục tử của mình cách dễ dàng hơn.
- Cùng làm việc chung với Ban Bác Ái Caritas và được nhiều cộng tác viên hỗ trợ, chia sẻ.
- Lòng trào tràn niềm vui khi thấy người đau khổ bớt đi chút nào đó nỗi bất hạnh, đau khổ của mình.
- Niềm vui được trao ban, khi nhìn thấy nụ cười trên gương mặt những người nghèo khổ khi họ nhận được một món quà, cho dù giá trị của món quà đó không đáng là bao.
- Cảm thấy vui khi thấy sự thay đổi nơi những người được giúp đỡ, bởi vì họ đã ý thức món quà mình nhận và có tâm tình biết ơn.
- Tình huynh đệ được phát huy.
- Giúp những người bỏ Chúa quay trở về, được liên kết với anh chị em trong giáo xứ, được góp phần nhỏ bé, khiêm tốn, đơn sơ để phục vụ Chúa Giáo Hội và Giáo xứ trong công việc của mình.
- Được tham gia các khoá tập huấn, được giao lưu chia sẻ kinh nghiệm trong công việc.
- Niềm vui khi được dấn thân phục vụ những người kém may mắn trong xã hội. Nhận ra Chúa nơi hình ảnh của họ. Niềm vui được đụng chạm, tiếp cận và được họ chia sẻ câu chuyện cuộc đời của họ.
- Con cảm nhận được niềm vui có Chúa hiện diện và đồng hành với con trong công việc của Caritas Giáo phận.
Những khó khăn
- Không có nhiều thời gian, khả năng còn hạn chế và điều kiện vật chất là trở ngại lớn.
- Lo lắng nhiều công việc mục vụ ở Giáo xứ, nên công việc Caritas chưa đạt được sự nhiệt huyết tốt nhất.
- Các hội viên chưa được tập huấn để nâng cao kỹ năng hoạt động (Chưa thay đổi tâm thế khi tiếp xúc, vận động gây quỹ v.v.), còn nặng gánh kinh tế gia đình.
- Khó khăn về thiếu nhân sự và thiếu phương tiện để phục vụ.
- Đôi khi những người cùng làm việc chưa hiểu ý hay hiểu cách làm việc của nhau, đôi khi còn chồng chéo nhiệm vụ và bị lệ thuộc.
- Cha Giám đốc và Phó Giám đốc không hiện diện thường xuyên ở tại văn phòng nên việc xuất trình giấy tờ hay ký các văn bản cần thiết thì quá lâu, phải đi xa mới ký được nên ảnh hưởng đến quá trình hoạt động.
- Caritas Giáo phận chưa có nguồn dự trữ mang tính cách thường xuyên để bổ sung kịp thời cho các hoạt động của Giáo phận, vẫn còn phụ thuộc vào các nguồn hỗ trợ bên ngoài nên các hoạt động đôi khi còn hạn chế về quy mô hay thời gian.
- Cũng còn nhiều Cha xứ và HĐMV Giáo Xứ chưa quan tâm, hỗ trợ và đồng hành đủ đến công tác BAXH tại Giáo xứ cũng như các hoạt động mà Caritas Giáo phận đưa về xứ của mình.
- Mạng lưới Caritas Giáo phận, Giáo xứ còn rời rạc, các hoạt động còn trì trệ, làm việc còn chưa dứt khoát.
- Còn những bất đồng khi phục vụ, chống đối (Thăm viếng, mời gọi…). Thiếu ngân quỹ nên trở ngại trong công việc, ít người tham gia công việc chung vì giáo dân còn phải chăm lo gia đình, khả năng yếu kém.
- Thiếu phương tiện vận chuyển đồ dùng, thực phẩm để phục vụ cho công việc cũng như di chuyển của nhân viên Caritas (Cần có xe bán tải để làm việc).
Qua những hoạt động của Hội Caritas, BĐH nhận ra Thiên Chúa nơi người mình phục vụ.
-
- Cảm nhận được hình ảnh của Thiên Chúa trong những người nghèo khổ, bệnh tật giúp ta có thêm động lực để phục vụ. Tin tưởng Chúa luôn nâng đỡ và đồng hành trong các chương trình hoạt động.
- Nhận ra lời mời gọi của Chúa: Sống tình yêu thương tha nhân, cách riêng là những người đau khổ bất hạnh.
- Nhận thấy mình là cánh tay nối dài của Chúa. Nhận ra tình thương của Chúa đang thực hiện trên người nghèo khổ qua sự cộng tác của mình.
- Nhận ra nhiều người cũng có lòng yêu thương người, nhiều người biết sống Tin Mừng của Chúa.
- Cảm nhận Chúa yêu thương, nâng đỡ và huấn luyện để trở nên người phục vụ theo ý Chúa.
- Chia sẻ được nỗi đau của họ và chia sẻ được phần đói khổ mà họ đang gặp phải.
BĐH muốn một người lãnh đạo, tổ chức và điều hành Caritas
- Người lãnh đạo: Cần có một người trẻ trung, năng nổ, biết tổ chức, sáng tạo và có trách nhiệm, phải có lòng yêu thương người nghèo khổ, bệnh tật, bất hạnh. Có tâm huyết với sứ mạng phục vụ trong ban Caritas. Có khả năng nối kết, điều hành, nhiệt tâm, năng động, vui tươi và khiêm tốn.
- Người lãnh đạo, tổ chức và điều hành Caritas phải là người lên chương trình, kế hoạch hoạt động, có tấm lòng yêu thương và quan tâm đến những người nghèo, người đau khổ trong xã hội có tầm nhìn rộng. Bên cạnh đó, người lãnh đạo phải là người có tinh thần nhiệt huyết, hăng say dấn thân trong các hoạt động của Ban Cairtas.
- Một người lãnh đạo, tổ chức và điều hành Caritas là luôn đồng hành, hiệp ý, động viên, san sẻ niềm vui và khó khăn trong công việc với nhân viên cũng như Ban Điều hành Giáo hạt.
- Tổ chức và điều hành: Có cơ cấu làm việc chặt chẽ, làm việc có phương pháp, định hướng, có chương trình cụ thể. Phải cùng nhau cộng tác và đều tay, hiểu nhau, chia sẻ những công việc chung. Cần có nhiều thành viên ở các Giáo xứ, Giáo hạt để chia sẻ công việc Ban Caritas. Đặc biệt là rất cần sự hỗ trợ đắc lực từ các Cha xứ trong Giáo phận.
- Là người luôn luôn hiện diện tại văn phòng, hăng hái năng nỗ cùng tham gia mọi hoạt động của Ban Caritas Giáo phận.
- Mạnh dạn quyết đoán trong công việc, vui vẻ hòa đồng với mọi người.
BĐH mong muốn một hội viên Caritas
-
- Các hội viên Caritas phải làm việc nơi Giáo xứ của mình.
- Nhiệt thành và sáng kiến trong công việc phục vụ.
- Hội viên biết liên kết với nhau trong và ngoài Giáo xứ.
- Mong Hội viên Caritas hiểu ý nghĩa, mục đích của hội mình và nhiệt tình tham gia theo sự hướng dẫn của Quý Cha, Quý Soeurs và Ban Điều hành.
- Mong muốn những hội viên tích cực và tham gia nhiệt tình cùng đồng hành với Ban Caritas của Giáo xứ.
- Năng nổ nhiệt tình, hăng say dấn thân, dám đón nhận trách nhiệm cũng như có sáng kiến đóng góp cho các hoạt động chung.
- Phải biết dấn thân hy sinh phục vụ cho Giáo xứ, Giáo hội, sống xứng đáng nêu gương cho anh chị em lương dân. Hy sinh thời gian, vật chất để chia sẻ với những người bất hạnh, kém may mắn.
- Hội viên tích cực và thực thi những gì mà cấp trên đưa ra một cách có hiệu quả, đặc biệt phải đoàn kết gắn bó với nhau trong lúc làm việc.
- Hội viên Caritas sống liên đới với nhau qua việc tham dự Thánh lễ, cầu nguyện, tương trợ, tự rèn luyện để trở thành một hội viên Caritas có nhiều khả năng phục vụ; tham gia các khóa đào tạo của Caritas.
Vài chia sẻ về kinh nghiệm đánh động bản thân trong khi làm việc bác ái xã hội?
-
- Lúc đang là Thầy Phó Tế, giúp xứ Long Hương. Con đã xin xây một căn nhà tình thương cho một gia đình người dân tộc, nhà nghèo và đi bán vé số. Sau khi xây nhà tình thương cho họ, họ đã tự nguyện xin theo đạo cả gia đình và chính con đã dạy Giáo lý Dự tòng cho họ. Khi họ theo đạo, họ rất sốt sắng, đạo đức, nhiệt thành. Họ tham gia công việc giáo xứ, đi lễ hằng ngày, quét nhà thờ mỗi tuần, đi hành hương Mẹ Tà Pao. Mỗi khi gặp lại họ, họ nói chuyện rất thân thiện, tự nhiên trong lòng mình cảm thấy niềm vui của việc mình đã làm.
- Có những người nghèo vẫn thường được nhận quà người nghèo, nhưng lại dành giụm tiền để dâng cúng Giáo xứ.
- Trong khi mình làm bất cứ việc gì cho người khác, mình coi như là mình đang làm cho bản thân mình, và làm cho chính Chúa
- Siêng năng đọc Lời Chúa vì Lời Chúa đánh động mọi việc làm. Yêu Chúa hết lòng, chỉ vì yêu mới làm được mọi việc và cảm thấy nhẹ nhàng.
- Khi làm việc bác ái ái xã hội kinh nghiệm đánh động bản thân: Người nghèo họ vui khi được Quý Soeur đến thăm, đặc biệt là những người lương dân và có những người họ tâm sự thật với Soeur về cuộc đời của họ, nhiều khi họ không tâm sự với người thân nhưng lại tâm sự với Soeur và họ cũng gửi tặng cho quý Soeur những nụ cười, tình cảm mang đầy ý nghĩa để nhớ về họ. Khi làm việc bác ái bản thân nhận lại được rất nhiều niềm vui, sự khích lệ của những người nghèo và cũng học được nhiều bài học cho bản thân, có người khuyết tật họ đã tặng cho Quý Soeur bài thơ khi đến thăm họ…
Chiều thu nhạt nắng mây bay!
Quý Soeur Caritas đã đến nhà.
Viếng thăm chị em Mừng – Nga.
Tặng quà bác ái thiết tha đậm đà.
Động viên an ủi như là!
Dịu hiền khiêm tốn, thật thà dễ thương.
Chị em khuyết tật náu nương.
Cao xanh cứu giúp trợ tương ấm nồng.
Tạ ơn Thiên Chúa quan phòng.
Tri ân Đức Mẹ đầy lòng yêu thương.
Thế trần đau khổ tai ương
Cậy tin tín thác Nữ Vương chúc lành.
Đắng cay vất vả chẳng đành.
Bền tâm vững chí thực hành Phúc Âm
Cám ơn tu sĩ viếng thăm
Thiện nguyện chia sẻ thành tâm yêu người.
Hồn nhiên thanh khiết vâng lời.
Đơn sơ khiêm tốn suốt đời trung trinh.
Mai sau Chúa thưởng quang minh.
Ngợi khen cảm tạ tôn vinh Chúa Trời.
-
- Kinh nghiệm đánh động: Khi bất ưng có tai nạn hay sự cố nào đó mà họ cần đến sự hỗ trợ quyên góp của Caritas cũng là lúc bản thân muốn đi để thực hiện cho bằng được.
- Trong một lần tổ chức hội chợ vui xuân cho người HIV và người khuyết tật: Trong khi tổ chức các trò chơi cho họ chơi thì có một người bị khiếm thị đã nói rằng: Con nghe tiếng người ta cười vui khi chơi trò chơi, con chỉ ước được sáng mắt để nhìn thấy niềm vui đó, chứ con không xin giàu có. Và thêm một bệnh nhân HIV đã nói nhỏ vào tai tôi: Cám ơn Soeur đã không sợ những người HIV như chúng con, coi chúng con như gia đình của mình. Những tâm tình ấy đã đánh động trong tôi rất nhiều và tôi đã tự hứa sẽ cố gắng làm những gì có thể trong khả năng của mình để giúp họ một phần nào đó. Và tôi nhận ra rằng tôi diễm phúc hơn họ nhiều lắm khi còn được trông thấy, được mạnh khỏe và không bị xã hội kỳ thị xa lánh.
- Một kinh nghiệm đánh động bản thân con trong khi làm việc bác ái xã hội là khi dự án nước sạch hoàn thành ở một giáo xứ trong Giáo phận Phan thiết, con thấy những nụ cười sung sướng, hạnh phúc nở trên môi người dân ở đây, từ đây họ được hưởng dùng nước sạch trong đời sống thường nhật.
Sau giờ giải lao, nhiều ý kiến cá nhân góp thêm niềm vui và kinh nghiệm đức tin cho các hội viên Caritas trong ơn gọi tình yêu phục vụ người nghèo.
Cha Phêrô Nguyễn Hữu Duy chia sẻ về linh đoạ Caritas: sống đức ái trong tinh thần Caritas là cảm hoá tình yêu. Giúp đỡ người nghèo là giúp đỡ Chúa.
Tiếp theo Đức cha ban huấn từ sau khi lắng nghe và phân định. Ngài nói đến tiến trình hiệp hành với 5 bước Hiệp Hành: học hỏi lắng nghe (cầu nguyện), giải thích, hoán cải, làm chứng, và hiệp thông với Phêrô.
Ngài cũng chia sẻ câu chuyện tâm đắc về hiệp hành và mong muốn Caritas thực thi sứ vụ tông đồ trong ơn gọi yêu thương. Chỉ 5 chiếc bánh và 2 con cá nhỏ, Chúa làm phép lạ hoá bánh. Chúa cần tấm lòng, cần sự cộng tác của con người dù chỉ là nhỏ bé. Caritas khác với cơ quan từ thiện. Cách cho là đặt tình yêu vào quà tặng. Ngài cũng chia sẻ câu chuyện tâm đắc về hiệp hành thư Thư Mục Vụ ngày 3.12.2021 về người khuyết tật và và mong muốn Caritas cũng thực thi những câu chuyện hiệp hành như thế. Caritas chính là bàn tay nối dài của Chúa Giêsu đến với người nghèo, người khuyết tật. Những thông tin về chương trình hiệp hành của Giáo phận tại Trung tâm Thánh Mẫu Tapao vào ngày 11-12 tháng 8 sắp tới, đây cũng là ngày kỷ niệm thụ phong Giám Mục của 2 Đức cố Giám Mục Nicôla và Phaolô và hướng tới Năm Thánh mừng Kim khánh Giáo phận.
Cha Phêrô Nguyễn Đình Sáng, giám đốc Caritas Phan thiết cám ơn Đức cha và mọi người.
Lúc 11g30, buổi Hiệp Hành kết thúc với tâm tình bài ca dâng Mẹ.
Đức cha Giuse ban phép lành.
Caritas tiếp tục chương trình hội thảo
Cha Giuse Nguyễn Hữu An giới thiệu chiến dịch Together We “Chúng ta cùng nhau”, sau đó cha Phêrô Nguyễn Trọng Tạo trình bày phương án thực hiện trong 3 năm (2022-2024).
Niềm vui Tin Mừng lan toả với các hội viên Caritas trên hành trình trở về gia đình và giáo xứ.
BTT