GIÁO PHẬN PHAN THIẾT

http://gpphanthiet.com


Caritas Phan Thiết Một Chuyến Đi Nhiều Bài Học

Caritas Phan Thiết Một Chuyến Đi Nhiều Bài Học
Caritas Phan Thiết Một Chuyến Đi Nhiều Bài Học

hình ảnh


Vào ngày 22/05/2022, Ban Caritas Phan Thiết đã cùng với 11 nông dân thuộc hai thôn Kalip và Boon Thớp – xã Phan Sơn, thực hiện một chuyến đi học hỏi đầy thú vị và nhiều niềm vui.
Tại sao tôi lại nói đây là một chuyến đi học hỏi, vì từ ngày 23-26/05/2022 tại Trung tâm Mục Vụ Đà Lạt 51A Vạn Kiếp, phường 8 – Đà Lạt, đã diễn ra cuộc hội thảo “Chia sẻ kết quả tổng thể nghiên cứu có sự tham gia (PAR) và xây dựng chương trình diễn đàn trao đổi học hỏi cho nông dân Việt Nam (VFLEP)”. Thành phần tham dự hội thảo rất phong phú, mang đậm nhiều sắc màu khác nhau. Bao gồm tổ chức CSDM ( Trung Tâm vì sự phát triển miền núi); DWC ( Trung tâm hỗ trợ sự phát triển vì phụ nữ và trẻ em); CEPHAD (Trung tâm y tế công cộng và phát triển cộng đồng); Caritas Phan Thiết và Caritas Đà Lạt. Ngoài sự hiện diện của 5 tổ chức thực hiện dự án, còn có sự tham gia của các bạn Caritas Long Xuyên, NTFP – EP (Viện Sinh Thái Học Miền Nam) và một số khách mời. Đặc biệt, có sự đồng hành và hỗ trợ của cô Elizabeth Cruzada – Tư vấn viên của Misereor về PLD (People Led Development).

Mặc dù đến từ nhiều vùng khác nhau, nhiều văn hóa, vùng miền, tiếng nói Miền Bắc có, Miền Nam có và cũng không thiếu Miền Tây, thế nhưng tất cả mọi người cùng nhau nối kết làm quen, không phân biệt màu gia, dân tộc hay chức vụ để cùng nhau chia sẻ những gì đã và đang thực hiện được khi cùng nhau HÀNH ĐỘNG – PHẢN HỒI – HÀNH ĐỘNG dựa vào các công cụ PAR. Niềm vui như được nhân lên, khi đại diện nông dân mỗi tổ chức lên chia sẻ câu chuyện của buôn làng mình như: mô hình xử lý rác thải tại thôn Mỏ Sắt; mô hình rau màu hữu cơ tại thôn Bản Đăm; xây dựng tổ chức cộng đồng tại Đưng K’Nớ; mô hình làm lúa tại Phan Sơn – Bình Thuận, sinh kế bền vững tại thôn Bo Thượng và mô hình vườn rừng Bùi Farm. Đây là những câu chuyện của chính những người nông dân đã và đang thực hiện, chính nông dân là những nhà khoa học, nhà nghiên cứu và cũng chính họ cùng nhau tham gia để tạo ra những biến đổi mới, bức tranh mới trong chính gia đình và ngôi làng của mình. Có thể ví họ như những anh hùng, những người chiến thắng, chiến thắng trong chính suy nghĩ muốn thay đổi. Và điều quan trọng đối với những người nông dân này, đó là họ luôn luôn làm cùng nhau, cùng nhau học hỏi và đi chung một con đường. Và qua các câu chuyện thực tế từ nhiều vùng miền khác nhau, họ được thêm kiến thức, mở rộng thêm tầm nhìn. Đó là niềm vui của họ.
Niềm vui ấy còn được tiếp tục qua việc cùng nhau xây dựng diễn đàn VFLEP với mục đích cùng nhau chia sẻ, học hỏi về nông nghiệp sinh thái. Tạo động lực thay đổi và nâng cao năng lực cho các thành viên tham gia diễn đàn, đồng thời thúc đẩy hỗ trợ các sáng kiến cộng đồng về nông nghiệp sinh thái.

Xen kẽ trong ba ngày hội thảo là phần chia sẻ sản phẩm bản địa mà các cộng đồng đem đến giới thiệu như miến dong Cao Bằng, cà phê Đinh Trang Hòa, mật ong rừng Phan Sơn
Giờ chia sẻ hạt giống nhộn nhịp và sôi nổi giống như một phiên chợ thu nhỏ vì nông dân đều đem hạt, cây củ giống đến chia sẻ. Yên Bái có cải Mèo, nếp Tú Lệ. Lạng Sơn có lúa bào thai, khoai mán. Thanh Hóa đem đến củ khoai môn ruột vàng. Phan Thiết có lúa mẹ, các loại đậu xanh, đỏ, đen. Đà Lạt có dưa leo, bí đỏ, cẩm lai… Từng người nhận hạt giống mà mình yêu thích và muốn gieo trồng trên mảnh đất của chính mình. Nông dân Yên Bái chọn đậu đen xanh lòng từ Phan Thiết, Caritas Long Xuyên nhận hạt dưa từ Kim Bôi…
Những kế hoạch đã được đề ra, những hạt giống đã được trao tay giờ chỉ còn chờ người nông dân quyết tâm thực hiện sao cho các kế hoạch ấy thành hành động cụ thể và hạt giống ấy sinh hoa kết trái.

Chúng ta hãy bước những bước chân cùng nhau trên con đường phát triển tự dân để hướng đến nông nghiêp sinh thái. Nguyện xin Chúa chúc lành cho những nổ lực của chúng con.

Mây Vàng – BTT Cairtas Phan Thiết.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây