GIÁO PHẬN PHAN THIẾT

http://gpphanthiet.com


CARITAS PHAN THIẾT THAM DỰ HỘI THẢO  TỔNG KẾT CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN TỰ DÂN

CARITAS PHAN THIẾT THAM DỰ HỘI THẢO  TỔNG KẾT CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN TỰ DÂN

PLD PHAN THIẾT THAM DỰ HỘI THẢO
 TỔNG KẾT CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN TỰ DÂN

hình ảnh


Nhận được thư mời của Caritas Đà Lạt, trong hai ngày 10-11 tháng 10 năm 2019 vừa qua, Ban BAXH Caritas Giáo Phận Phan Thiết đã tổ chức chuyến tham dự “Hội thảo tổng kết chương trình phát triển tự dân ra mắt hệ thống đảm bảo có sự tham gia của Caritas Đà Lạt – CFGS” tại trung tâm mục vụ Đà Lạt.

Đoàn của chúng tôi gồm 10 người, và mục đích của chuyến đi này là tạo điều kiện và cơ hội cho người dân ba thôn Phan Sơn, Tân Quang và Suối Máu thuộc Giáo Phận Phan Thiết, cùng giao lưu học hỏi giữa nông dân với nông dân, nhằm tăng thêm kiến thức, kinh nghiệm về trồng trọt, chăn nuôi, cùng hiểu hơn về những nét đặc sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc như: Churu, K’Ho, Gia Rai, Chăm…..

Chuyến đi này đã giúp chúng tôi học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm, sáng kiến từ người nông dân trong việc: ủ rơm chua cho bò, mô hình làm cà phê để cỏ, làm vườn rau hộ gia đình…, hầu góp phần bảo vệ môi trường, giữ nguồn nước sạch và đảm bảo sức khỏe cho người dân cũng như người dùng sản phẩm, đồng thời người dân có thể làm chủ được sản phẩm của mình, không phụ thuộc vào các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, buổi giao lưu văn nghệ đã khơi dậy nơi chúng tôi lòng yêu mến quê hương, yêu mến những nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình qua những điệu nhảy còng chiêng, nghi lễ cầu mùa, làm phép hạt giống, cùng với các điệu múa mang đậm bản sắc của từng dân tộc, vùng miền.

Nhìn thấy sự phát triển của Caritas Đà Lạt, Caritas Phan Thiết cũng mong muốn nối gót theo trong dự án này, hầu giúp người đồng bào thuộc buôn làng của mình, ngày càng phát triển hơn trong việc có thể khẳng định lại quyền của họ trong nghề nông truyền thống như: lưu giữ và chia sẻ hạt giống truyền thống, canh tác theo hướng thuận tự nhiên, và quan trọng hơn cả là việc “nói không” với phân thuốc hóa học. Điều này cũng góp phần hưởng ứng lời mời gọi của ĐTC Phanxicô qua thông điệp Laudatosi – Bảo vệ môi trường.

Đúc kết lại buổi hội thảo, cùng lắng nghe những sáng tạo mới, quyết tâm mới của những anh chị em trong đoàn thuộc ba thôn, như lời chia sẻ của anh  Nguyễn Văn Dũng  thuộc thôn Tân Quang-Sông Phan, anh nói: làng của chúng tôi còn gặp rất nhiều khó khăn, người nông dân trong làng chưa hưởng ứng mô hình mới này, nhưng tôi sẽ cố gắng đi tiếp cận, đến với họ nhiều hơn, đồng thời sẽ làm gương áp dụng “nói không” với thuốc hóa học, bên cạnh đó thay vì mô hình trồng cà phê để cỏ thì tôi sẽ trồng thanh long để cỏ (cỏ đậu phộng), lấy cỏ làm phân bón cho gốc thanh long, điều này cũng sẽ giảm bớt chi phí, kinh tế cho gia đình”. Lắng nghe chia sẻ của em Huỳnh Văn Luyến (19 tuổi), thuộc thôn Suối Máu –Tân Hà: Đây là lần đầu tiên em được tham dự hội thảo này, và với sự nhiệt huyết của người trẻ, em nung nấu trong lòng một ước mơ muốn quy tụ được nhiều các bạn trẻ trong làng cùng chung tinh thần đoàn kết hưởng ứng tham gia vào dự án này, hầu góp phần xây dựng môi trường xanh, sạch đẹp, đồng thời giữ lại những nét văn hóa truyền thống của đồng bào mình ngày càng mai một. Và còn nhiều những chia sẻ khác nữa…Chúng tôi – những người phụ trách dự án PLD nhìn thấy được một chân trời mới, những tia hy vọng mới đang ló rạng. Và chúng tôi cũng sẽ cố gắng đồng hành, đến với người dân nhiều hơn, cùng với họ giải quyết những khó khăn. Hy vọng đời sống gia đình và khu xóm của những nông dân đồng bào, ngày càng được cải thiện nhờ vận dụng những kinh nghiệm cũng như những phương pháp thích hợp này.

BTT Caritas Phan Thiết.







 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây