GIÁO PHẬN PHAN THIẾT

http://gpphanthiet.com


Còn tuổi nào cho em ?

tuoi tho

tuoi tho

CÒN TUỔI NÀO CHO EM ?

Lm.Anphong Nguyễn Công Vinh

Cha bị điện giật chết, mẹ bỏ đi để lại 4 đứa con nhỏ, đứa lớn 9 tuổi. Mùa Covid Người anh rể nghèo có hai đứa con nhỏ,vợ mới sinh, nuôi mẹ già bị mù, đưa các cháu về cưu mang. Hằng ngày đi chăn vịt thuê kiếm sống, nhà cửa rách nát. Vợ mới sinh có 11 ngày, cũng phải bỏ con dọn dẹp, giặt giũ, nấu nướng.
***
Tội nghiệp, em sinh ra không đúng thời! Nếu em sống vào thời bình yên, kinh tế phát triển, không dịch bệnh, thì ba em không mất, mẹ không bỏ ba, không bỏ em bơ vơ khổ cực thế nầy; em  được học hành, áo quần đầy đủ, vui vẻ tuổi thơ với bạn bè và có tương lai. Bây giờ thực tế cay nghiệt như vậy thì còn tuổi nào cho em đây?

Em lớn thêm nhiều nữa rồi , mấy em kia cũng lớn theo. Người anh rể không còn khả năng nuôi dưỡng và không có tiền cho em đi học như con cháu người ta. Nhìn cảnh gia đình anh chị cơ cực mà phải lo cho mình cho em của mình nữa, em không nỡ lòng nào, nên xin anh chị đi làm, làm gì cũng được miễn có cơm ăn áo mặc, đỡ gánh nặng cho anh chị. Tuổi 15, người ta chỉ thuê em làm những công việc lao động lặt vặt không tên, ngày có việc ngày không, khi nào có ngừơi ta kêu. Làm việc mệt nhọc, những lần đầu đi khiêng vác đồ nặng chưa quen, đêm về rêm nhức cả người, nhưng phải rán mà làm. Được cầm những đồng tiền do mình làm ra, tuy ít ỏi, nhưng em cảm thấy vui, càng vui hơn khi đem về phụ giúp cho anh chị. Em cảm thấy mình thành người lớn. Anh chị thấy em không được học hành, phải đi làm, thì thương nhiều và ái ngại khi cầm những đồng tiền em đưa, nhưng phải cầm mà mua gạo chứ biết sao! Ảnh chăn vịt thuê không đủ thiếu vào đâu cho bảy tám miệng ăn!

Một hôm đang ngồi nghỉ việc, thì có đám ba bốn thằng cùng tuổi đến nói chuyện. Chúng ăn mặc bụi điệu nghệ, thằng nào cũng có điện thoại di động thông minh, thuốc lá phì phèo, bốn thằng hai xế. Chúng biết hoàn cảnh của em mồ côi, túng đói và không học hành, nên rủ rê theo chúng. Chúng bảo có việc làm nhiều tiền, sắm quần áo và điện thoại xe cộ mấy hồi. Đi làm với tụi tao. Chúng không nói làm nghề gì, cứ đi rồi biết. Em bằng lòng đi theo chúng. Sau nầy em mới biết nghề của chúng là ăn cắp, cướp giật trên đường, ở chợ. Mỗi lần hành động, chúng nộp tiền cho đại ca, còn lại mấy đứa chia nhau. Từ đó trúng mánh, em bắt đầu có tiền và ham, chẳng nghĩ ngợi gì. Anh chị thắc mắc sao đi làm mà về khuya vậy, mới làm mà đã có nhiều tiền? Em bảo thấy anh chị, các em khổ nên em cố gắng làm thêm và làm gỉỏi, nên người ta thưởng; có tiền, em dành dụm chẳng tiêu gì, để dành phụ anh chị.

Rồi một lần kia, theo chân đại ca đi làm một “chuyến”. Cướp được rồi, nhiều tiền, nhưng khi ra đến cửa bị người bảo vệ cản, đại ca phải rút dao đâm để chạy thoát. Đại ca chẳng có ý đâm chết, nhưng chỉ tự vệ để thoát thân. Không ngờ ra khỏi tiệm thì lại gặp công an đang vây ráp. Tất cả bị tóm. Đại ca bị xử chung thân vì giết người. Tụi em mỗi đứa đều có phần, riêng em 10 năm tù ở vì đã 18 tuổi. Từ ngày đó, anh chị không gặp lại em nữa. Em đã vào nhà giam. Em sinh ra khổ, tuổi thơ khổ, tuổi mới lớn khổ, thanh niên khổ, và bây giờ thì quá khổ! Chỉ vì em nông nổi dại dột. Giờ thì không còn tuổi nào cho em nữa! Em đã phí hết tuổi đời rồi.
                                               
***

Cha mẹ chia tay, gia đình ly tán, mồ côi cha, mồ côi mẹ đều khổ. Cha mẹ khổ, nhưng mấy đứa con thì khổ toàn tập, vì không có tình thương, không ai hướng dẫn, không có tương lai, dễ trở thành hư hỏng tội phạm và nhà của chúng là nhà tù. Tuổi trẻ mới ra đời dễ nghe dễ tin, ham làm người lớn, ham có tiền để xài để sắm nên dễ bị lừa. Giang hồ thì hiểm ác, mà tuổi trẻ còn non dại, em một mình giữa bầy sói! Không thận trọng thì mất mạng đó.
                            
                                                          (Vinh An, tản mạn mùa covid 21)
*Xin chia sẻ cho người khác



 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây