GIÁO PHẬN PHAN THIẾT

http://gpphanthiet.com


Bí Quyết Phân Biệt Kênh Câu View, Giật Tít Và Sai Sự Thật

Bí Quyết Phân Biệt Kênh Câu View, Giật Tít Và Sai Sự Thật

Bí Quyết Phân Biệt Kênh Câu View, Giật Tít Và Sai Sự Thật

https://giaophanphucuong.org/

Vì lợi nhuận thu được từ nguồn quảng cáo, nên các Youtuber đã lạm dụng các chiêu trò để giật tít, câu view, đưa thông tin thiếu chính xác, thiếu khách quan… Điều đó đang làm mất đi sự tôn nghiêm của báo chí; ảnh hưởng đến niềm tin, sự tôn trọng của độc giả và gây ra nhiều hiểu lầm không đáng có trong xã hội và Giáo hội.

MUỐI MEN CHO ĐỜI THỜI SỰ

BÍ QUYẾT PHÂN BIỆT KÊNH CÂU VIEW,
GIẬT TÍT VÀ SAI SỰ THẬT

Ngày nay, với việc phát hành nội dung báo chí trên môi trường internet đang chuyển mình dữ dội để chạy đua với sự phát triển chóng mặt của mạng xã hội vì đáp ứng được tiêu chí: thông tin nhanh nhạy, chính xác và đủ sức “câu lượt xem” (câu view). Chính vì yếu tố thứ 3 này mà không ít lần báo điện tử kể cả những tờ báo lớn như: CNN, New York Times… cũng sa đà vào giật tít giật gân, đặc biệt là bóc tách ý ra khỏi ngữ cảnh để đưa lên tít gây hiểu nhầm và tranh cãi. 
 
Vấn đề này rộ lên nhiều nhất trên các kênh Youtube, vì lâu nay Youtube được xem là công cụ hữu hiệu truyền bá rộng rãi thông tin, kiến thức đến công chúng. Đây cũng là “mảnh đất” màu mỡ cho nhiều Youtuber (người dùng YouTube) “tiến thân” và “ăn nên làm ra” với nguồn lợi nhuận khá lớn.
 
Vì lợi nhuận đó nên các Youtuber đã lạm dụng các chiêu trò để giật tít, câu view, đưa thông tin thiếu chính xác, thiếu khách quan… Điều đó đang làm mất đi sự tôn nghiêm của báo chí; ảnh hưởng đến niềm tin, sự tôn trọng của độc giả và gây ra nhiều hiểu lầm không đáng có trong xã hội và Giáo hội.
 
Mới đây không lâu, trong câu chuyện liên quan đến nội dung cuộc gặp giữa Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski và Đức Giám mục Anphong Nguyễn Hữu Long. Một số kênh youtube đã lạm dụng để xào nấu, chỉnh sửa, thêm bớt sai sự thật dẫn đến những xôn xao, tranh cãi và hiểu lầm nghiêm trọng và lấy 1 cái Tít rất tò mò là: “Tòa thánh lên tiếng về vụ cha Antôn Đặng Hữu Nam”.
 
Trong sự việc này, Đức Tổng Marek Zalewski và Đức cha Anphong Nguyễn Hữu Long xác định đây là thông tin không đúng sự thật. Sáng ngày 13/05/2022, cổng thông tin chính thức của Hội đồng Giám mục Việt Nam đã thông báo về tin giả liên quan đến nội dung cuộc gặp giữa Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski và Đức Giám mục Anphong Nguyễn Hữu Long.
 
Vậy, trong muôn vàn các kênh với các thể loại tên nghe rất “Công giáo và tốt lành”, cùng với những đoạn mô tả của kênh xem ra “rất hay và tích cực”, chúng ta sẽ làm thế nào để nhận diện đâu là những kênh câu View, giật Tít và sai sự thật?
 
– Trước tiên, đây sẽ là những kênh với những bài viết không đủ uy tín và thẩm quyền để nói về vấn đề đang nói. Bởi vì tin giả, tin câu View không nêu được thông báo hay tuyên bố gì từ những đơn vị liên quan tới thông tin đó.
 
– Các kênh giật Tít thường sẽ là những kênh có chèn rất nhiều quảng cáo. Mục đích chèn quảng cáo để làm gì? Thưa là để kiếm tiền từ lợi nhuận của Youtube.
 
– Các thông tin không được dẫn nguồn và sai lệch thời gian xảy ra sự kiện.
 
– Các kênh này sử dụng các cụm từ như: “Tin mới nhất”, “Tin nhanh và chính xác”, ảnh minh họa ghép các từ gây sốc và giật gân như “Quá bất ngờ”, “Lệnh khẩn”, “Quá thất vọng” “ngay lúc này”, “Kinh khủng”, “Hot nhất”, “Phơi bày sự thật”….. và còn nhiều cụm từ giật gân mang tính chất khơi gợi sự tò mò để thu hút lượt xem và chia sẻ.
 
– Các kênh câu View thường là những kênh chúng ta sẽ không biết cơ sở của họ ở đâu, ai quản lý và họ sẽ không đủ uy tín và trách nhiệm trước pháp luật. Ngược lại hoàn toàn với những kênh này, các kênh đủ uy tín, thẩm quyền và trách nhiệm trước pháp luật, thường sẽ là các kênh thuộc về một cơ sở, đơn vị có thẩm quyền như: Giáo phận, Giáo xứ, cộng đoàn dòng tu, hoặc của một cơ sở chính quy của chính quyền…..
 
 
Bên cạnh đó, chúng ta cũng không thể phủ nhận một số kênh cá nhân khác, tuy không thuộc sự quản lý của bản quyền sở tại hay cơ sở nào đó, nhưng các kênh này cũng đang góp phần vào công việc thông truyền thông tin một cách chính xác và tích cực bởi chính sự uy tín của cá nhân đó.
 
Vậy, chúng ta là những độc giả, chúng ta phải làm gì trước tình trạng các kênh câu view, giật Tít và sai sự thật để trục lợi?
 
Trong sứ điệp cho Ngày Thế giới truyền thông năm 2018, Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi phòng ngừa và vạch trần những “tin giả” và cổ vũ tìm kiếm sự thật, thực thi một phương thức truyền thông xây dựng hòa bình. Nội dung sứ điệp có đoạn viết: “Khó khăn trong việc vạch trần và loại bỏ tin giả cũng do thực tế là nhiều người thường chỉ tương tác trong các môi trường kỹ thuật số với những người hợp ý với mình, nơi đó thường không có chỗ cho các quan điểm và ý kiến khác nhau.[…] Nó có nguy cơ làm cho người ta trở thành những kẻ vô tình đồng lõa trong việc truyền bá những ý tưởng sai lạc và vô căn cứ. Bi kịch của thông tin sai lạc là nó làm mất uy tín của người khác, trình bày những người ấy như kẻ thù, tới mức mô tả họ như ma quỷ và xúi giục xung đột.” Vì thế, cuối sứ điệp, Đức Thánh Cha viết: “tôi muốn mời gọi tất cả mọi người cổ vũ một nền báo chí vì hòa bình […] một nền báo chí trung thực chống lại những giả dối, những thứ khẩu hiệu khoa trương, và các tiêu đề giật gân; một nền báo chí do con người tạo ra và vì con người.”
 
Vì thế, đối với những tin hoặc những kênh câu View như vậy, chúng ta sẽ xử lý như thế nào:
 
– Không click chuột vào xem
 
– Không Share bài
 
– Nếu có thể, hãy Report (báo cáo) với Youtube hoặc thông báo với bạn bè, người thân của mình về sự thiếu chính xác nơi các kênh này.
 
Bởi vì, khi chúng ta vô tình xem các kênh này, thì vô tình chúng ta góp phần vào sự gian dối và tìm kiếm lợi nhuận bất chính cho họ và họ vì cái lợi nhuận đó họ lại tiếp tục câu view và giật tít.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây