GIÁO PHẬN PHAN THIẾT

http://gpphanthiet.com


Noi Gương Thánh Gia - Một Gia Đình Sống Tinh Thần Hiệp Hành

Noi Gương Thánh Gia - Một Gia Đình Sống Tinh Thần Hiệp Hành
Lễ Thánh Gia 2021
NOI GƯƠNG THÁNH GIA - MỘT GIA ĐÌNH SỐNG TINH THẦN HIỆP HÀNH




Gia đình được định nghĩa là một giáo hội thu nhỏ, giáo hội tại gia, vì cùng hiệp thông vào sự sống của Giáo hội và cùng tham gia vào sứ mạng của Giáo hội. Vì thế khi hướng đến một Giáo hội hiệp hành, ta cũng được mời gọi xây dựng một gia đình hiệp hành: mọi thành viên cùng đi với nhau, và cùng nhau nên thánh theo mẫu gương Thánh gia, một gia đình sống tinh thần hiệp hành trọn vẹn, với cả 3 chiều kích: hiệp thông, tham gia và sứ vụ.

- Chiều kích thứ nhất: cùng hiệp thông mật thiết với Thiên Chúa – nền tảng của sự thánh thiện.
Sự hiệp thông này Thể hiện qua việc cùng nhau cầu nguyện, cùng nhau hành hương lên Đền Thờ, để tế lễ và thờ phượng Thiên Chúa như được đề cập trong Tin Mừng lễ Thánh gia (năm C) hôm nay. Cũng giống như gia đình bà Anna trong thời Cựu Ước mà ta nghe trong Bài đọc I.
Có người bảo rằng làm sao gia đình con có thể trở nên như Thánh Gia Thất được, vì Thánh Gia cả 3 người đều là thánh (100% thành viên ai cũng có hào quang cả). Trong khi gia đình con, ông chồng là quỷ, còn mấy thằng con là tướng, ghép lại thành quỷ tướng. Vậy thì làm sao mà noi gương được?
Dĩ nhiên, trong Thánh gia Nazareth chỉ có một mình Chúa Giêsu tự bản tính là thánh, Đấng thánh. Còn Đức Mẹ và thánh Giuse bản chất cũng là con người, các ngài cũng phải nỗ lực nên thánh mỗi ngày, nỗ lực nhiều nữa là khác, đặc biệt là thánh Giuse. Mà muốn nên thánh thì phải gắn kết với Thiên Chúa, hiệp thông với Thiên Chúa là nguồn mạch sự thánh thiện, hiệp thông qua đời sống cầu nguyện, qua các cử hành Phụng vụ và các Bí tích. Thật đẹp thay và hạnh phúc thay một gia đình mà mọi thành viên mỗi ngày, mỗi Chúa Nhật đều cùng nhau đến nhà thờ để cầu nguyện và tham dự Thánh lễ! Ngược lại, thật đáng buồn thay một gia đình mà vợ thì đi nhà thờ, còn chồng thì đi nhậu; hoặc chồng thì đi lễ, còn vợ thì đi hát Karaoke; cha mẹ thì đi chầu, còn con cái thì đi chơi game.     

- Chiều kích thứ hai: cùng nhau tham gia vào mọi sinh hoạt của gia đình. Bao gồm:
+ Việc mưu sinh, với công việc chính là nghề thợ mộc. Đây là việc của thánh Giuse, nhưng luôn có sự tham gia hỗ trợ của Đức Mẹ và Chúa Giêsu, nhất là khi Chúa Giêsu đến tuổi khôn lớn. Chẳng phải là sau này người ta đã gọi Chúa Giêsu là bác thợ con bà Maria đó sao? (x. Mc 6,3). Tôi còn nhớ lúc làm nhà Giáo lý, có hôm tôi thấy bà vợ của một gia đình làm nghề nhôm kính cùng đi ráp tủ nhôm với ông chồng. Ông chồng làm thợ chính còn bà vợ thì phụ việc. Rồi có cặp vợ chồng khác nữa làm nghề may rèm cửa: vợ thì may, chồng thì đi gắn, có khi cả vợ và chồng đều đi gắn. Những hình ảnh rất đẹp về sự tham gia trong việc mưu sinh!
+ Việc nuôi dưỡng và giáo dục con cái, nhất là giáo dục đức tin. Việc giáo dục con cái không bao giờ là việc của riêng người chồng hay riêng người vợ, mà là việc của cả hai người. Thánh Giuse nhiều lúc cũng phải bế Chúa Giêsu thay cho Đức Mẹ như được thể hiện nơi bức tượng trong nhà thờ Bình an đây.
+ Việc lặt vặt, tức là việc nội trợ trong gia đình (giặt giũ, nấu nướng, quét dọn nhà cửa, chợ búa, may vá thêu thùa…). Có những người chồng không bao giờ đụng tay làm bất cứ việc gì trong gia đình, vì coi đó là việc thấp kém, việc của vợ, dù cho vợ có bận bịu thế nào, hoặc ốm đau mệt mỏi thế nào đi nữa. Thánh Giuse có lẽ không bao giờ như thế.
+ Đặc biệt là việc giải quyết các vấn đề khó khăn. Chẳng hạn như khi không tìm ra chỗ trọ nên phải sinh con trong hang đá bò lừa, Đức Mẹ không phàn nàn, không kêu trách thánh Giuse: tại sao ông không lo nỗi cho mẹ con tôi một chỗ cho đành hoàng? Tại sao ông là người gia trưởng mà kém cõi thế? v.v… mà cả hai cùng nhau tìm cách cách giải quyết. 
Rồi khi trốn chạy sang Aicap vì bạo vương Hêrôdê truy sát Hài nhi, hoặc là khi trẻ Giêsu bị lạc mất, cả hai cùng nhau tất tưởi trở lại Giêrusalem để tìm kiếm như Tin Mừng hôm nay thuật lại. Ta thấy Đức Mẹ và thánh Giuse đã giải quyết thế nào? Chúa Giêsu ở lại Đền Thờ mà không nói cho cha mẹ mình biết. Phải chi như bây giờ có thể gọi điện hay nhắn tin. Ngày xưa không có, nên càng hoảng hốt hơn, lo sợ hơn: không biết con mình đang ở đâu, có chuyện gì xảy ra không, có bị ai bắt cóc không? Khi quay lại Đền Thờ để tìm kiếm thì phải đi bộ mất 3 ngày đàng. Khi thấy con trong Đền Thờ, Đức Mẹ và thánh Giuse đã xử sự như thế nào? Có người nói rằng nếu tôi là Đức Mẹ, tôi sẽ quát cho một trận; có người bảo nếu tôi là thánh Giuse, tôi sẽ cho Chúa Giêsu một bớp. Đức Mẹ đã không quát mắng con, nhưng chỉ nhẹ nhàng âu yếm… Còn thánh Giuse, ngài cũng không nổi giận, chỉ lẳng lặng dùng ánh mắt để nói với con là đủ.
Tất cả mọi vấn đề khó khăn đều cùng nhau giải quyết, cùng nhau vượt qua một cách nhẹ nhàng êm ái.

- Chiều kích thứ 3: cùng nhau cộng tác vào sứ vụ mà Thiên Chúa Cha đã giao phó, đó là sứ vụ cứu độ nhân loại. Đây là một sứ vụ rất cao cả nhưng cũng đầy gian lao. Các ngài đã phải chấp nhận sinh và từ bỏ: từ bỏ ý riêng và thậm chí phải từ bỏ cả mạng sống của mình, để cho chương trình và Thánh ý của Chúa Cha được nên trọn, qua tiếng thưa xin vâng, xin vâng trong mọi hoàn cảnh. Chương trình cứu độ của Thiên Chúa Cha sẽ không thành toàn, nếu thiếu đi sự cộng tác của một trong ba thành viên trong Gia Đình Thánh. Và hôm nay Chúa cũng muốn mời gọi các gia đình Kitô hữu cùng cộng tác vào sứ vụ loan báo Tin Mừng cứu độ của Chúa cho các anh chị em lương dân. Chúng ta có ý thức về sứ vụ này không?
Mừng lễ kính Thánh Gia trong bối cảnh hướng đến một Giáo hội hiệp hành theo tinh thần của Thượng Hội Đồng giám mục thế giới sắp tới, mỗi gia đình chúng ta được mời gọi noi gương Thánh gia, cùng nhau xây dựng một gia đình hiệp hành thực sự. Trong đó mọi người cùng sống hiệp thông mật thiết với Chúa, cùng tích cực tham gia vào mọi sinh hoạt của gia đình, và cùng nhau hăng say thực thi sứ vụ đem ơn cứu độ cho anh chị em đồng loại.

Lm. Giuse Nguyễn Thành Long


 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây