GIÁO PHẬN PHAN THIẾT

http://gpphanthiet.com


Lễ Mẹ Thiên Chúa - Ngày 1 tháng 1

Lễ Mẹ Thiên Chúa - Ngày 1 tháng 1
me thien chua 2 1



LỄ ĐỨC MARIA, MẸ THIÊN CHÚA


Lời Chúa: Ds 6,22-27; Gl 4,4-7; Lc 2,16-21

MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆM

Suy niệm 1: Lm. Augustinô

Suy niệm 2: Đức Maria, Đấng bảo trợ sự khởi đầu
Suy niệm 3: Cùng nhau xây dựng hòa bình - Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn




Suy niệm 1: Lm. Augustinô

Anh chị em thân mến! Là những người công giáo, chúng ta thường phản kháng mạnh mẽ về lời nhận định của những anh em Tin Lành “người Công Giáo thờ Đức Mẹ.” Ngược lại, chúng ta thường coi anh em Tin Lành như những người chống lại Đức Maria, nhất là sự “đồng trinh của Mẹ.” Và như thế, cách vô tình niềm tin về Đức Maria lại nên cớ cho nguồn cơn chia rẽ giữa hai Giáo Hội. Chăc chắn đây là điều Đức Maria không bao giờ muốn và làm mẹ đau lòng vì Mẹ là mẹ của tất cả những ai tin vào Chúa Ki-tô, gồm Công Giáo, Tin Lành, Anh giáo và Chính Thông Giáo. Nhân ngày lễ Mẹ Thiên Chúa, ngày thế giới cầu cho Hòa Bình và trong bầu khí toàn thể Hội Thánh hướng đến cổ võ việc xây dựng và củng cố sự hiệp thông, cách đặc biệt giữa những người tin vào Chúa Ki-tô, tôi xin được chia sẻ vài suy niệm của mình về Đức Maria
Anh em Tin Lành hay đúng hơn Thệ Phản không chống Đức Maria mà chống cách người tín hữu Công Giáo tôn kính Đức Maria. Trên phương diện từ ngữ, chúng ta gọi việc sùng kính Đức Maria thuộc loại “biệt tôn” nghĩa là tôn sùng cách đặc biệt. Hội Thánh luôn dạy rằng việc tôn thờ chỉ dành cho một mình Thiên Chúa mà thôi. Tuy nhiên, trên phương diện thực hành, dường như chúng ta, những người Công Giáo dành cho Đức Maria một sự tôn sùng hơn cả Chúa nữa. Điểm lại các trung tâm hành hương, các tượng đài, hoặc những công trình liên quan đến Đức Mẹ, rõ ràng có tầm mức lớn hơn rất nhiều so với Thiên Chúa. Không chỉ trên phương diện vật thể, mà ngay cả những đầu tư các phương diện khác, nhất là các sinh hoạt phụng vụ cũng vậy. Những đại lễ hay các việc đạo đức truyền thống liên quan đến Đức Maria cũng đông đảo hơn những lễ về Chúa – đó là một thực tế không thể phủ nhận. Mặc dù trong các thánh lễ hay qua các khẩu hiểu, chúng ta luôn luôn nói “qua Mẹ đến với Chúa” nhưng dường như nó chỉ dừng lại ở mức độ khẩu hiêu chứ không có một sự thực hành nào rõ ràng cả.
Sự khác biệt liên quan đến sự đồng trinh của Đức Maria giữa anh em Tin Lành và Công Giáo có lẽ liên quan nhiều đến quan niệm về sự trinh tiết. Anh em Tin Lành quan niệm sự trinh tiết theo nghĩa chặt của từ này vì thế, một người phụ nữ sinh con thì không thể được coi là còn trinh tiết. Trong khi người Công Giáo quan niệm sự đồng trinh của Đức Maria theo nghĩa Mẹ sinh con không do quan hệ với người nam nhưng do bởi quyền năng Chúa Thánh Thần
Đọc lại những lời của Đức Maria trong dấu lạ đầu tiên tại tiệc cưới Cana, rõ ràng Đức Maria không muốn bất cứ ai dừng lại nơi Mẹ và phải đến với Chúa “Người bảo gì các anh cứ làm theo.” Trước đó, trong lời kinh Magnificat, chính Mẹ cũng muốn tất cả nhân loại khi khen mẹ diễm phúc thì đừng quên rằng “vì Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi những điều kỳ diệu.” Dừng lại nơi Mẹ hay tôn kính mẹ quá đáng chẳng những không làm cho Mẹ vui mà còn là xúc phạm đến chính Mẹ, làm trái với ý của Mẹ. Yêu một người theo cách mình muốn cho cùng ra, không phải chúng ta đang yêu họ mà chính mình. Chúng ta đang yêu mẹ theo cách chúng ta thích hơn theo ước muốn của Mẹ
Thiếu khiêm nhường, học tập, gặp gỡ trong đối thoại là nguồn cơn đưa tới những hiểu lầm chia rẽ và trong thực tế làm đổ vỡ  tương quan giữa những người cùng tin vào Chúa Ki-tô. Vết thương xem ra vẫn chưa được chữa lành, vì thế, trong khi Hội Thánh mời gọi cầu nguyện cho nên hòa bình viên mãn của Chúa Ki-tô được triển nở và viên thành giữa các quốc gia, tôn giáo bằng con đường “giáo dục, gặp gỡ và đối thoại,” Hội Thánh kêu gọi con cái mình cầu nguyện cho sự hiệp nhất giữa các Ki-tô hữu
Ngôi Lời thành xác phàm để mang bình an cho nhân loại không bằng cách thức áp đặt nhưng bằng con đường tự hạ để nhập thể, nhập thế, chung sống, gặp gỡ và đối thoại với mọi thành phần, ngay cả với những người bị loại ra bên lề xã hội. Trên tất cả sự hy sinh cái tôi của mình để Thiên Chúa được vinh danh qua cái chết trên thập tự giá của mình, Chúa Giê-su đã phá đổ moi ranh giới chia cắt con người với nhau để bất cứ ai cũng được nên thành viên của một gia đình mới. Chính Đức Maria cũng đối thoại với Chúa Giê-su trong biến cố năm 12 tuổi. Dù chưa hiểu được con mình, Maria không áp đặt ước muốn của mình lên con, nhưng ghi nhớ, suy niệm để hiểu về con mình hơn. Và hang đá Bê-lêm như một biểu tượng cho sự hòa bình bởi ở nơi ấy, giữa những nguy cơ xung đột cận kề, các thành viên đã tin tưởng đối thoại với Thiên Chúa, với nhau và ngay cả với chính mình trong yêu thương, tin tưởng, tôn trọng và bình tĩnh, nhờ đó, nền hòa bình viên mãn đam hoa kết trái
Chúng ta cầu nguyện cho những xung đột giữa các quốc gia, tôn giáo, các thành phần trong Hội Thánh, giáo phận, giáo xứ và gia đình của mỗi chúng ta được giải quyết cách êm đẹp bằng gặp gỡ đối thoại lắng nghe thay vì tìm giải pháp từ  những người không liên quan hay những kẻ xấu. Xin cho những nhà lãnh đạo quốc gia, tôn giáo, gia đình biết từ bỏ cái tôi ích kỷ theo gương Chúa Giê-su và Mẹ Maria, ra khỏi những tháp ngà của kiêu căng, độc đoán, ích kỷ, thành kiến…để gặp gỡ đối thoại trong tình yêu và sự thật. Xin cho mọi người trong khi đối thoại biết lấy ý muốn Chúa làm tiêu chuẩn phân định thay vì khăng khăng khẳng định quyền bính hay trật tự xã hội hoặc tôn giáo. Cũng xin cho mọi người nhớ rằng, mục đích của mọi đối thoại gặp gỡ không để lên án hay loại trừ nhưng theo gương Chúa, để tìm kiếm và cứu chữa những gì đã hư mất
Lạy Chúa Giê-su, vị hoàng tử của hòa bình, xin giúp chúng con cùng nhau xây dựng sự công chính và nền hòa bình viên mãn nơi chúng con sống và trên toàn cõi địa cầu. Amen. Nhân dịp năm mới, cha cám ơn anh chị em đã lắng nghe lời Chúa và mến chúc anh chị em sự bình an, thịnh đạt và muôn ơn lành của Chúa Xuân. Amen
MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆM

Suy niệm 2: Đức Maria, Đấng bảo trợ sự khởi đầu - Lm. Phêrô Nguyễn Trọng Chức

Người Kitô hữu đón chào năm Phụng Vụ mới, một năm hồng ân, vào Chúa Nhật đầu tiên của Mùa Vọng, nhưng hàng thế kỷ nối đôi nhau, nhân loại vẫn đón chờ một ngày làm cho số năm phải đổi thay, đó là ngày bắt đầu một năm mới. Vào ngày này, chúng ta tôn vinh đấng bảo trợ cho sự khởi đầu là Đức Maria dưới tước hiệu “Mẹ Thiên Chúa”, là người đã cưu mang Chúa Giêsu, Con của Mẹ là Alpha và Omega, nghĩa là khởi nguyên và tận cùng của mọi sự. Do đó, chúng ta hãy khẩn cầu cùng ẩn náu dưới tà áo của Mẹ.
Những lời thánh thiêng trong bài đọc một là những lời chúc lành, mà trong tiếng Do Thài là “berekah”. Theo cách hiểu thông thường, một lời chúc phúc giống như lời cầu nguyện của chúng ta trước bữa ăn: “Lạy Chúa, xin Chúa chúc lành cho chúng con và những của ăn này do lòng rộng rãi Chúa ban cho chúng con hưởng dùng nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.”  Nhưng đối với lối suy nghĩ của người Do Thái, nó còn hơn thế nữa. Đó là một cách để nhớ lại và trình bày lại giao ước được thiết lập giữa Thiên Chúa và con người, để làm cho nó hiện diện trong một thời gian sau đó, và mở rộng nó hướng tới những điều tốt đẹp trong tương lai. Vì vậy, khi thượng tế Aharon thay mặt Đức Chúa phán lời chúc lành cho con cháu Giacóp, tức là dân Ítraen, ông hành động như một người cha trao cơ nghiệp cho con cái mình. Đầu tiên đó là lời hứa về sự bảo vệ của Chúa: “Nguyện ĐỨC CHÚA chúc lành và gìn giữ anh em” (Ds 6,24), sau đó là lời hứa về tình thương của Chúa: “Nguyện ĐỨC CHÚA tươi nét mặt nhìn đến anh em và dủ lòng thương anh em” (Ds 6,25), và cuối cùng là bình an của Chúa: “Nguyện ĐỨC CHÚA ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh em” (Ds 6,26). Điều tất nhiên là giao ước giữa Thiên Chúa với dân Ngài còn đem đến những phúc lộc khác như mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, đàn gia súc khỏe mạnh, mà nói theo ngôn ngữ thời nay chúng là sức mạnh kinh tế và thịnh vượng quốc gia.
“Bình an” hay là “hòa bình” là điều con người vẫn luôn theo đuổi. Chúng ta mong muốn sự bình an ở trong tâm hồn và nền hòa bình ở ngoài xã hội. Chúng ta đừng nghĩ hòa bình ở đâu xa xôi mà ở ngay gia đình chúng ta, ở nơi chúng ta làm việc, ở nơi chúng ta sinh sống, ở những con người chúng ta gặp gỡ. Một câu hỏi đặt ra cho chúng ta là: “Tôi có phải là người kiến tạo hòa bình, một khí cụ bình an cho mọi người hay không?” Mỗi người chúng ta trở thành khí cụ bình an cho gia đình của mình. Mẹ Têrêsa từng nói: “Bạn có thể làm gì để xây dựng hòa bình thế giới? Hãy về nhà và yêu thương gia đình của mình”.  Ăn ở đúng lễ nghĩa gia phong, sống đùm bọc lẫn nhau, yêu thương những người thân bên cạnh của mình, nhất là dạy dỗ con cái của mình làm người và làm con Chúa, như lời của một người từng nói: “Trẻ con là hạt giống hoặc của hòa bình hoặc của bạo lực trong tương lai, phụ thuộc vào cách chúng được chăm sóc và khuyến khích”,  là đã góp phần xây dựng hòa bình. Mỗi người chúng ta trở thành khí cụ bình an cho giáo xứ của mình: biết sống “trên thuận dưới hòa” trong giáo xứ, biết góp phần chung tay vào những công việc chung, biết làm gương sáng cho người khác… Mỗi người chúng ta trở thành khí cụ bình an cho nhau: biết rộng tay giúp đỡ những mảnh đời khó khăn, biết trân trọng nỗi đau khổ của những người phải gánh chịu những tổn thương trong gia đình… Những việc làm đó tựa hồ những ngọn nến được thắp lên có sức chiếu giãi ánh sáng để xua tan bóng tối trong lòng mình.  

Thánh Phaolô, khi viết thư cho tín hữu Galát, nhắc nhở tất cả chúng ta - người Do Thái cũng như dân ngoại - về phúc lành mà Thiên Chúa ban cho dân Ngài. Khi thời gian viên mãn, Thiên Chúa đã ban Con Một của Người là Chúa Giêsu Kitô, là Thiên Chúa thật và là người thật, được sinh bởi Đức Trinh Nữ Maria. Nhờ Mầu Nhiệm Vượt Qua, cuộc tử nạn và Phục Sinh của Người, Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta phương thế bí tích để kết hợp với Người trong cái chết và sự phục sinh của Người. Điều đó khiến chúng ta trở thành anh chị em của Người, nghĩa tử của Chúa Cha. Chúng ta được cứu chuộc khỏi ách nô lệ cho tội lỗi và sự chết, và được đón nhận trong vòng tay của Thiên Chúa Ba Ngôi để chúng ta có thể hưởng phúc lành tột đỉnh trong cõi vĩnh hằng. Tin Mừng theo thánh Luca neo thực tại đó vào một thời điểm lịch sử cụ thể, thời điểm mà Chúa Giêsu được Đức Mẹ cưu mang với tình yêu khôn tả, được sinh ra và được gọi là Giêsu, nghĩa là “Thiên Chúa Cứu Độ”, bởi vì bằng bửu huyết châu báu của Ngài, Ngài đã thực sự cứu chúng ta khỏi ách nô lệ của ma quỷ, tội lỗi và sự chết, để chúng ta được sống trong tự do, ân sủng và tình yêu của Thiên Chúa.
Hôm nay, chúng ta mừng kính Mẹ Chúa Giêsu, Mẹ Thiên Chúa, “Theotokos”, người cưu mang Thiên Chúa hằng sống, là Đức Trinh Nữ Maria. Thánh Luca nói với chúng ta rằng Đức Maria “hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2,18). Mẹ trân trọng mọi khoảng khắc trong cuộc đời của Con Mẹ từ lúc thụ thai Chúa Giêsu cách trinh khiết cho đến lúc Chúa chịu chết, ghi dấu nó vào ký ức của mình: “Đức Trinh Nữ diễm phúc đã tiến bước trong cuộc lữ hành đức tin, và Mẹ đã trung thành gìn giữ sự hợp nhất với Con cho đến tận thập giá, Mẹ đứng đó không ngoài kế hoạch của Thiên Chúa, Mẹ đã cùng chịu đau khổ cách khủng khiếp với Người Con Một của mình và liên kết mình với hy lễ của Người bằng tình mẫu tử, đồng thuận cách yêu thương với lễ phẩm bị sát tế do lòng Mẹ sinh ra; và cuối cùng, Mẹ được chính Đức Ki-tô Giê-su đang hấp hối trên thập giá ban làm mẹ người môn đệ, bằng những lời này: ‘Thưa Bà, đây là con Bà’ (x. Ga 19,26-27).” (LG 58).
Khi chúng ta bắt đầu năm mới này, chúng ta khẩn cầu Mẹ Thiên Chúa là Đức Trinh Nữ Maria, vì Mẹ đã tặng ban cho chúng ta “Thiên Chúa làm người” là Chúa Giêsu, Con của Mẹ (x. GLHTCG 2677). Chúa Giêsu rất quyền năng nhưng chậm giận và rất mực từ tâm. Chúng ta dâng hiến thời gian, tài năng và của cải không phải để xoa dịu Ngài mà để bày tỏ tình yêu của chúng ta dành cho Ngài và cho dân của Ngài, đặc biệt là những người nghèo khó. Đi theo Chúa Giêsu và Mẹ Maria, niềm hy vọng lớn nhất của chúng ta không phải là bị bỏ rơi một mình, mà là được ở gần Mẹ Maria và Con của Mẹ hơn bao giờ hết. Chúa Giêsu Kitô chỉ có dung mạo duy nhất: đó là dung mạo của lòng thương xót. Mẹ Maria luôn ở bên Ngài và chuyển cầu cho chúng ta là kẻ có tội. Vì vậy, vào ngày đầu tiên của năm mới, chúng ta ước nguyện rằng ngày này qua ngày khác, chúng ta được nhìn thấy Chúa rõ hơn, yêu mến Chúa nhiều hơn và bước theo Chúa gần hơn, như Mẹ Maria đã làm.
Tóm lại, những tháng ngày phía trước đang mở ra trước mắt chúng ta. Nhưng chúng ta không thể nào biết được những gì sẽ xảy đến với chúng ta. Một điều khích lệ chúng ta là xưa Mẹ đã ở bên cạnh Con của Mẹ mọi nơi mọi lúc như thế nào, thì nay Mẹ vẫn luôn kề bên chúng ta trong mọi cơn gian nan khốn khó như thế vậy.
Lạy Nữ Vương, Mẹ nhân lành làm cho chúng con được sống, được vui, được cậy. Thân lạy Mẹ! Chúng con, con cháu Evà ở chốn khách đày kêu đến cùng bà, chúng con ở nơi khóc lóc than thở kêu khẩn bà thương. Hỡi Ôi! Bà là Chủ bầu chúng con, xin ghé mặt thương xem chúng con đến sau khỏi đày, xin cho chúng con được thấy Đức Chúa Giêsu con lòng Bà gồm phúc lạ. Ôi khoan thay, nhân thay, diệu thay, Thánh Maria trọn đời đồng trinh. Amen
MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆM

Suy niệm 3: Cùng nhau xây dựng hòa bình - Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn

Nếu Hài Nhi, Đấng là Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta, được gọi là Vị Vua Hoà Bình (x. Is 9,5), thì ngày đầu năm mới, vừa mừng lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa vừa là ngày cầu nguyện cho hoà bình, thì thật là có ý nghĩa. Hơn nữa, với khát vọng hoà bình của con người ngày càng rực cháy hơn trong một thế giới đầy bạo lực, chiến tranh như ngày nay, thì ngày đầu tiên của một năm được dành để cầu nguyện cho hoà bình, thì thật là đáng quý! Khi con người nhận ra rằng khao khát và nỗ lực của con người không đủ để mang lại hoà bình cho thế giới, thì con người càng ý thức mình cần đến Thiên Chúa và cần trở về với Thiên Chúa, trở về Chúa Kitô, Đấng mà Thiên Chúa ban cho thế giới và được Đức Maria cộng tác để đưa Ngài vào thế giới.
Trong sứ điệp cho Ngày Thế Giới Hoà Bình năm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô nói đến thái độ “cùng nhau”, đi từ kinh nghiệm tiêu cực của những năm đại dịch Covid, mọi người ở trên cùng một con thuyền, do đó chỉ có thể được cứu thoát cùng với nhau. Chiến tranh đang diễn ra trên thế giới khi người ta loại trừ nhau. Không ai lớn lên một mình, không nước nào phát triển một mình được. Phải cùng với nhau xây dựng thế giới, xây dựng hoà bình.
Chính Thiên Chúa cũng không làm một mình, nhưng mời gọi con người cộng tác. Và khi con người gặp sự khốn khó, Thiên Chúa không một mình ra tay, nhưng mời gọi con người ngồi lại với nhau, nắm tay nhau và cùng nhau thoát ra khòi gian nguy ấy, với sự trợ giúp của ơn Chúa.
Một mình sống tốt lành, không đủ! Trong việc xây dựng thế giới hoà bình, xây dựng gia đình, cộng đoàn bình an, đòi hỏi mọi người phải cộng tác với nhau càng được thấy rõ hơn nữa. Một mình sống tốt thì không đủ, nhưng trách nhiệm của mỗi người đòi họ phải cộng tác với người khác nữa! Những người chăn chiên cùng nhau đi tìm Hài Nhi. Họ kể cho Đức Maria và ông Giuse nghe. Họ cùng ca tụng và cùng suy nghĩ về điều gì Thiên Chúa muốn thực hiện. Chỉ với cộng đoàn và cùng nhau cộng tác, người ta mới tìm ra thánh ý Chúa và cùng thực hiện.
MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆM


 



 

Tác giả: Truc Ho Si

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây