GIÁO PHẬN PHAN THIẾT

http://gpphanthiet.com


Suy niệm - Chúa Nhật 5 Thường Niên năm A

Suy niệm - Chúa Nhật 5 Thường Niên năm A
chua nhat thuong nien v mt 5 13 16 a anh sang




Tin Mừng: Mt 5,13-16

13 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Chính anh em là muối cho đời. Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại ? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi.

14 “Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được. 15 Cũng chẳng có ai thắp đèn rồi lại để dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế, và đèn soi chiếu cho mọi người trong nhà. 16 Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.”


MỤC LỤC

Suy niệm 1 - Lm. Augustinô
Suy niệm 2:  ÁNH SÁNG CỦA TÌNH THƯƠNG VÀ LÒNG KHIÊM HẠ - Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn
Suy niệm 3: Muối cho đời--TGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
Suy niệm 4:  “Toả sáng giữa đời”--TGM. Giuse Vũ Văn Thiên




Suy niệm 1 - Lm. Augustinô

 

            Anh chị em thân mến! các trích đoạn Lời Chúa hôm nay chỉ cho chúng ta thấy, trước hết, cuộc sống của người môn đệ Chúa Giê-su được nhận thức xuyên suốt như cuộc sống bên trong cộng đồng đức tin, một cộng đoàn được trao phó một sứ mạng đến với thế giới qua hình ảnh muối cho đời, ánh sáng cho thế gian và thành được xây trên một ngọn đồi, cho dẫu, thế giới ấy đã đang tìm cách bách hại và loại trừ họ; sau hết, chỉ cho chúng ta, trong tư cách là môn đệ Chúa Giê-su, cách thế để thi hành sứ mạng ấy.

Chính anh em là muối ...là ánh sáng ...là thành xây trên núi

            Anh em để chỉ những môn đệ của Chúa Giê-su, những người đang sống trong cộng động đức tin của mình hôm qua hôm nay và cho đến ngày tận thế. Muối mang nhiều ý nghĩa đối với truyền thống và hoàn cảnh của cộng đoàn thánh Matthew, cộng đoàn Ki-tô hữu gốc Do Thái. Muối hàm chứa ý nghĩa của sự hy sinh (Lv 2, 13; Ed 43, 24), sự trung thành và trung tín với giao ước (Edr 4, 4; Ds 18, 19; ăn cùng với nhau được gọi là chia sẻ muối và diễn tả một mối quan hệ gắn bó), sự thanh sạch (2 V 2, 19 – 22), làm gia vị (G 6, 6; Col 4, 5) và chất bảo quản cho thực phẩm khỏi bị hư. Trong khi đó, chức năng của ánh sáng trước hết không phải để được thấy nhưng để mọi vật được thấy như chính nó thực sự là. Ẩn dụ thành xây trên núi, theo thánh Matthew có lẽ, muốn nói đến sứ mạng của Israel cũ và Hội Thánh, Israel mới. Sứ mạng như ngọn hải đăng tỏa ánh sáng như điểm quy chiếu để muôn dân tìm về ánh vinh quang đang chiếu trên Israel, vinh quang của chính Chúa trong ngày Thiên Chúa hoàn tất kế hoạch yêu thương của Người

 

Cho đời, cho thế gian...

            Matthew nhấn mạnh tới “cho đời, cho thế gian.” Thế gian ở đây tương đương với đời (5, 14). Matthew đề cập đến thế gian 9 lần trong Tin Mừng của mình nhưng chưa bao giờ mang ý nghĩa nhị nguyện tiêu cực cả. Thế giới này không thuộc về Xa-tan. Nó là công trình tạo thành của Thiên Chúa (13, 35; 24, 21), hiện trường của sứ vụ của các môn đệ (5, 14; 13, 18; 26, 13), nơi thánh ý Thiên Chúa cuối cùng sẽ được thức hiện (6, 10). Vì thế, cả muối, anh sáng và thành được xây không phải đứng độc lập, tách biệt, hiện hữu cho riêng mình hay cho các môn đê. Cuộc sống của người môn đệ được dùng cho thế giới bên ngoài. Thế giới chính là cánh đồng họ được mời gọi để biến mình thành những hạt giống được tung gieo, nảy mầm, thành cây, trổ sinh hóa trái cho cuộc đời, mang lại niềm vui cho con người. Cũng thế, Ki-tô cũng không thể sống riêng mình nhưng thuộc về một cộng đoàn đức tin mà họ đang sống. Do đó, Ki –tô hữu trong tư cách cá nhân hay trong tư cách cộng đoàn mình đang sống, không phải là một cộng đồng khép kín no thỏa trong chính mình với những bí mật thần linh được giao phó bởi Thiên Chúa trong Đức Giê-su Ki-tô nhưng là một cộng đồng hạt nhân để mở bung sức sống thần linh đã nhận được, tạo nên những phản ứng mang tính dây chuyền đến muôn dân muôn nước. Trong cái nhìn của thánh Matthew, cộng đồng ấy chính là Israel, dân được Thiên Chúa chọn để nên ánh sáng cho muôn dân và để muôn dân tìm về ánh sáng của nó trước khi đến với nguồn sáng là chính Thiên Chúa. Tuy nhiên, Israel cũ dường như thất bại trong việc thực thi sứ mạng cao cả này bởi họ không nhận ra giờ mình được viếng thăm bởi Đấng là Ánh Sáng để rồi khước từ hoặc loại trừ chính ánh sáng ấy. Bởi đó, những lời này được gởi tới những môn đệ Chúa Giê-su hay đúng hơn là cộng đoàn Ki-tô gốc Do Thái, tới các cộng đoàn Ki-tô hữu qua dòng thời gian vừa như một mệnh lệnh vừa như một lời cảnh báo để đùng rơi vào vết xe đổ của dân Chúa xưa.

Là một mệnh lệnh chứ không phải là một chọn lựa. Một khi chấp nhận lời mời gọi của Chúa Giê-su để nên môn đệ của Người là chấp nhận trở thành muối cho đời, ánh sáng cho trần gian và một thành được xây trên núi để cho mọi người thấy. Người Ki-tô hữu không còn được quyền muốn hay không muốn nhưng phải là. Khước từ sứ vụ này dưới bất cứ hình thức nào đều được coi là từ bỏ, là không còn trung tín với tư cách là môn đệ Chúa Ki-tô nữa

Là một lời cảnh báo vì mệnh lệnh mở cuộc sống của mình ra theo kiểu ‘đánh mất mạng sống mình vì Tin Mừng,” “hạt giống vùi sâu vào lòng đất, chấp nhận chết đi thôi đi,” “như đèn được thắp sáng phải được đặt trên giá cao,”...trước một thế giới -  trong hoàn cảnh của cộng đoàn Matthew và các Ki-tô buổi đầu – đang bách hại và tìm cách loại trừ những ai thuộc về Đức Ki-tô. Chắc chắn Matthew đã thấy không ít những Ki-tô hữu, những cộng đoàn đức tin vì sợ “người đời” đang từ chối tư cách môn đệ Chúa hoặc đóng kín trong chính mình với suy nghĩ rằng: đây là cách bảo toàn lực lượng chờ đợi hoàn cảnh thuận lợi. Không! Sứ mạng đến với muôn dân như muối, ánh sáng và thành xây trên núi phải được thực hiện mọi nơi mọi lúc và trong mọi hoàn cảnh. Lời cảnh báo còn hướng đến những hành động thực thi sứ mạng theo kiểu làm lu mờ và từng bước đánh mất chính mình trong vai trò là ánh sáng. Ánh sáng mà người Ki-tô được mời goi trở nên không phải là những cố gắng tự thân của họ hay một lời mời gọi phát triển những tiềm năng “ánh sáng” của họ trong tương lai. Bởi nếu thế, thứ ánh sáng ấy chẳng giúp ích gì hơn và thậm chí còn kém xa so với ánh sáng của khoa học cho thế giới và con người. Ánh sáng tự thân người môn đệ Chúa Ki-tô thắp lên giữa thế giới và cho thế giới sẽ trở nên lù mờ và lụi tàn trước sức tấn công của các loại ánh sáng trần gian khác. Chúa Giê-su đã cảnh báo các môn đệ về tình trạng mờ tối của sứ vụ nên ánh sáng cho trần gian... 

Chỉ trong ánh sáng của Chúa, chúng con mới thấy ánh sáng của chúng con. Chỉ trong ánh sáng tinh ròng tuyệt đối này những vùng tối trong tâm hồn của con người và thế giới mới được tỏ lộ và chiếu sáng để đi vào trật tự mà thôi. Đó là ánh sáng mà ngay từ đầu, khi được vang lên đã khiến cho thế giới hỗn mang bị khuất phục đi vào trật tự. Ánh sáng ấy đã đến, đã được ném vào thế gian và cháy sáng nơi con người, cuộc sống, lời rao giảng, cái chết và sự phục sinh của Chúa Ki-tô. Người Ki-tô được mời gọi nhận thức và để được mình được thắp sáng bởi chính Chúa Ki-tô là ánh sáng thật, ánh sáng chiếu soi mọi người đang lầm bước giữa tối tăm để họ được nhìn thấy ánh sáng. Chỉ có thứ ánh sáng này bóng tối mới không thể hủy diệt được khi đưa ra trước gió hay được đặt trên cao. Chỉ có thứ ánh sáng và trong ánh sáng này, người tín hữu mới giúp mình và giúp người phân định và làm cho thế giới hỗn mang mà họ đang sống trong được đi vào trật tự, được đón nhận tình yêu và sự sống của chính Thiên Chúa.

Anh chị em thân mến! Để nên muối, ánh sáng và thành xây trên núi, điều căn bản trước hết mà người Ki-tô cần phải có chính là để đình được ướp mặn, được thắp sáng và được xây trên nền tảng Chúa Ki-tô và lời của Người. Thiếu vắng hay lỏng lẻo trong mối tương quan này người tín hữu sẽ hòa tan và biến mất trong thế giới mà họ được mời gọi cứu độ và thần hóa. Thực tế cho thấy, hôm qua hôm nay trong Hội Thánh đang tồn tại những Ki-tô hữu dấn thân theo hướng này. Họ tham gia các hoạt động bác ái xã hội và xem thường các cử hành phụng vụ vốn giúp họ kiện cường tương quan với Chúa và hành động giữa đời trong quyền năng và sức mạnh của Chúa. Ở chiều ngược lại, không thiếu những cộng đoàn, và ngày nay có khuynh hướng gia tăng nơi các cộng đồng đức tin trên quê hương Việt Nam: no thỏa và đóng kín trong những biểu lộ sự giàu có của mình qua cơ sở vật chất, lễ nghi phụng vụ bên ngoài hoành tráng...mà không mở ra bên ngoài. Thế giới bên ngoài có khi là anh em đồng đạo với mình đang oằm mình trong đói nghèo, thất nghiệp, đau khổ và bệnh tật. Cả hai đều là phản bội lý tưởng người môn đệ Chúa Ki-tô. Người Ki-tô hữu đích thực không chỉ là muối, ánh sáng và thành trên núi nhờ Chúa và trong Chúa mà còn là và phải là người, theo ngôn sứ Isaia: chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục...Loại khỏi nơi ngươi ở gông cùm, cử chỉ đe dọa và lời nói hại người, nhường miếng ăn cho người đói, làm thỏa lòng người bị hạ nhục. Vâng chỉ khi ấy, ánh sáng mới bừng sáng trên ngươi như rạng đông và chiếu tỏa trong bóng tối; và khi ấy, bóng tối trong ngươi sẽ chẳng khác nào ánh sáng vào lúc chính ngọ.

Lạy Chúa Giê-su. Chúa đã biểu lộ tư cách là muối, là ánh sáng và thành xây trên núi của Chúa Cha qua cuộc sống thân tình với Cha trong mọi nơi mọi lúc và với nhân loại qua cuộc sống, lời rao giảng, cái chết và sự phục sinh của Chúa. Xin giúp chúng con biết nhìn lên Chúa, nhìn vào Chúa và ở trong Chúa trong khi sống sứ mạng của người môn đệ Chúa, để nhờ đó, chúng con không sợ hãi co cụm hoặc từ bỏ tư cách chứng nhân của mình, cũng không đánh mất chính mình qua những hoạt động giữa thế gian của chúng con. Xin giúp chúng con biết cũng với Chúa và anh em biến không gian nơi chúng con sống thành không gian đầy tình yêu và sự sống, không phải của chúng con mà của chính Chúa. Amen

 


MỤC LỤC

Suy niệm 2:  ÁNH SÁNG CỦA TÌNH THƯƠNG VÀ LÒNG KHIÊM HẠ - Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn

 

Chúa Giêsu dạy hãy là muối cho đời, cho ánh sáng cho trần gian (Tin Mừng). Là ánh sáng cho trần gian nghĩa là gì? Chúng ta chọn ý hướng được gợi ra từ bài đọc I trong sách tiên tri Isaia.

Đoạn trích Isaia chương 58 ở trong phần Isaia thứ ba, tức là được viết sau thời lưu đày Babilon. Đây là thời gian xây dựng lại từ con số không. Vì phải xây dựng cuộc sống lại từ đầu nên dân chúng cũng còn nhiều khó khăn về kinh tế. Họ có nhiều thứ phải bận tâm nên có lúc cũng không quan tâm đủ đến việc đóng góp tiền bạc, công sức cho việc tái thiết lại Đền Thờ. Trong bối cảnh ấy, tiên tri Isaia vẫn nhắc dân chúng chú ý đến lòng quan tâm, sự chia sẻ với người khác: nhớ đến người nghèo, người đói khổ, tôn trọng người khác, không nói lời xúc phạm, không tìm cách thống trị trên người khác... Khi biết sống như thế, “ánh sáng ngươi sẽ chiếu toả trong bóng tối, và tối tăm của ngươi chẳng khác nào chính ngọ” (Is 58,10).

Thánh Phaolô góp thêm ý thứ hai cho việc trở nên ánh sáng, đó chính là lòng khiêm hạ. Ngài đến với cộng đoàn Côrintô với lòng khiêm hạ không phải bằng tài năng của mình, nhưng ý thức mình chẳng là gì; và như thế, những lời chứng của ông Phaolô đến từ Thánh Thần, quyền năng Thiên Chúa được nổi bật lên. Ánh sáng của người tín hữu không phải là để làm rạng danh mình, nhưng để người ta nhìn ra ánh sáng chân thật, ánh sáng nguồn là chính Thiên Chúa, là Thánh Thần.

Trở thành ánh sáng cho trần gian bằng tình yêu và khiêm hạ. Đó mới thực sự là tỏa sáng, vì chúng ta làm cho Thiên Chúa tỏa sáng, làm cho thiên hạ nhân ra lòng nhân từ của Cha trên trời và làm cho trần gian ra khỏi bóng đêm của sự thù ghét và thống trị, điều thật cần thiết cho thế giới hôm nay.

MỤC LỤC
 

Suy niệm 3: Muối cho đời--TGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
 

Trong những dịp cuối năm, các bản tổng kết tình hình đều đánh giá cao những đóng góp của Giáo hội đặc biệt trong lãnh vực giữ gìn đạo đức xã hội. Nơi nào có đồng bào Công giáo sinh sống, tệ nạn xã hội không có hoặc có rất ít. Nghe những nhận định trên, tôi rất vui vì thấy anh chị em tín hữu đang sống đúng tinh thần trở thành muối cho đời như lời Chúa dạy trong bài Tin Mừng hôm nay.

Khi nói đến muối Chúa Giêsu có ý dạy các môn đệ về cách thế hiện diện trong xã hội.

Đó là một hiẹn diện khiêm nhường

Hạt muối thật bé nhỏ. Chẳng ai chú ý tới sự hiện diện của nó. Bên cạnh thịt, cá, rau cỏ, muối chỉ đóng vai phụ. Người ta trưng bày những món ăn đắt tiền. Người ta giới thiệu những món ăn cầu kỳ. Không thấy ai trưng bày muối. Chẳng có ai giới thiệu muối trong bữa tiệc lớn. Xét về giá trị kinh tế, muối chẳng đáng giá bao nhiêu. Đó là một hiện diện quên mình.

Muối có đó nhưng không ai thấy muối. Không chỉ vì muối bé nhỏ khiêm nhường mà vì muối phải tan biến đi. Phải tan biến đi muối mới có tác dụng. Muối ướp vào thịt cá mà không tan đi thì không thấm được vào thớ thịt, thớ cá, không giữ cho thịt tươi cá tốt được. Muối gia giảm vào cá kho, thịt rim, nước canh mà không tan đi thì khi ăn phải, người ta sẽ nhăn mặt bỏ đi. Chỉ khi tan biến đi, hoà tan vào thịt, cá, rau cỏ, muối mới có ích lợi. Muối phải hiện diện nhưng lại phải tiêu huỷ đi thì mới có ích.

Đó là một hiện diện tích cực.

Tuy bé nhỏ khiêm nhường và vắng mặt, nhưng hiện diện của muối là một hiện diện tích cực. Tích cực vì góp phần bảo trì thực phẩm khỏi hư thối, vì nâng phẩm chất món ăn. Tích cực vì là một thành phần hầu như không thể thiếu trong các món ăn. Tuy không thấy và không nói ra, nhưng ai cũng ngầm hiểu trong mỗi món ăn đều có muối.

Khi dùng muối làm hình ảnh minh hoạ, chắc chắn Chúa Giêsu cũng muốn cho các môn đệ của Người có những đặc tính của muối.

Người muốn các môn đệ của Người sống giữa nhân loại như muối ở trong thức ăn. Người muốn các môn đệ của Người hiện diện thật kiêm nhường như những hạt muối bé nhỏ. Người muốn các môn đệ của Người hiến thân mình cho nhân loại như những hạt muối hòa tan trong thực phẩm.

Nhưng để sự hiện diện bé nhỏ khiêm nhường mang yếu tố tích cực, các môn đệ phải giữ được vị mặn của muối.

Vị mặn, đó là lòng yêu mến Chúa mặn nồng, là tình yêu tha nhân mặn mà, là sống tinh thần Tám Mối Phúc như Chúa dạy trong bài Tin Mừng tuần trước.

Giữ được vị mặn của Phúc Âm và hiện diện âm thầm trong phục vụ quên mình, người môn đệ Chúa sẽ thực sự góp phần bảo vệ nền đạo đức của xã hội. Dù không muốn, họ vẫn trở thành ánh sáng soi trần gian.

Lạy Chúa, Chúa tin tưởng con, nên đã gọi con là muối trần gian. Xin cho lòng con yêu mến Chúa tha thiết, để đem cho đời hương vị tình yêu. Amen.


KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1- Bạn nghĩ gì về hình ảnh hạt muối?

2- Làm muối, dễ hay khó?

3- Bạn đã bao giờ cảm thấy niềm vui được chìm đi để anh em được nổi nang chưa?


MỤC LỤC

Suy niệm 4:  “Toả sáng giữa đời”--TGM. Giuse Vũ Văn Thiên

 

Toả sáng giữa đời, đó là sứ mạng của mỗi chúng ta. “Chính anh em là ánh sáng cho trần gian”. Đây vừa là lời mời gọi, vừa là một mệnh lệnh mà Chúa Giêsu đưa ra cho các môn đệ.

Sống trên đời, mỗi người chúng ta giống như một ngôi sao trên bầu trời. Triệu triệu ngôi sao trong dải ngân hà, không có hai ngôi sao giống nhau hoàn toàn. Những ngôi sao khác nhau về kích cỡ, về cường độ ánh sáng và về tốc độ vận chuyển. Thiên Chúa là Đấng “ấn định con số các vì sao, và đặt tên cho từng ngôi một” (Tv 147,4). Thiên Chúa cũng biết mỗi người chúng ta, và Ngài khắc tên chúng ta trong bàn tay của Ngài. “Ta đã gọi con bằng chính tên con. Con là của riêng Ta” (Is 43,1).

Chúa Giêsu mời gọi những ai muốn theo Chúa phải toả sáng như những ngôi sao trên bầu trời. Sống trên đời, mỗi người một tên gọi, một khuôn mặt, một cá tính, một nghề nghiệp và một sở thích. Tuy vậy, lý tưởng chung của tất cả đều là sự hoàn thiện, mặc dù khái niệm “hoàn thiện” được hiểu khác nhau.

Toả sáng giữa đời, đó là sứ mạng của mỗi chúng ta. “Chính anh em là ánh sáng cho trần gian”. Đây vừa là lời mời gọi, vừa là một mệnh lệnh mà Chúa Giêsu đưa ra cho các môn đệ. Chúa Kitô là ánh sáng thế gian. Những ai đi theo Người cũng phải trở nên ánh sáng, vì tin vào Chúa là cố gắng nỗ lực mỗi ngày để trở nên giống như Người. Lệnh truyền này không phải là lý thuyết, nhưng là những đề nghị thực hành cụ thể. Đó là những việc thiện hảo mà người môn đệ thực hiện đối với những người xung quanh. Những việc tốt lành này sẽ giúp người tín hữu toả sáng giữa đời. Những người chưa tin Chúa sẽ nhận ra Người thông qua những cử chỉ tốt lành mà người môn đệ đang làm.

Một cách cụ thể hơn, ngôn sứ Isaia đã diễn giải những việc làm giúp chúng ta toả sáng giữa đời: đó là cảm thông, chia sẻ và giúp đỡ những người cô thế cô thân, những người đau khổ bần hàn. Vị ngôn sứ viết: “Bấy giờ ánh sáng ngươi sẽ bừng lên như rạng đông, vết thương ngươi sẽ mau lành…”. Những việc làm nhân ái có tác động thật diệu kỳ: khi giúp đỡ ai, thì vết thương nơi mình được chữa lành. Khi thương người nghèo, thì lời cầu nguyện lên Chúa được Ngài nhận lời. Khi cho đi, là khi nhận lãnh. Khi quên mình, thì gặp lại bản thân. Đó là sự kỳ diệu của sẻ chia và phép lạ của lòng nhân ái. “Nếu ngươi nhường miếng ăn cho kẻ đói, làm thoả lòng người bị hạ nhục, thì ánh sáng của người sẽ chiếu toả trong bóng tối, và tối tăm của ngươi chẳng khác nào chính ngọ”. Thiên Chúa là Đấng rộng rãi quảng đại. Ngài sẽ ban lại gấp trăm cho những ai từ tâm chia sẻ với tha nhân.

Tác giả Thánh vịnh cùng chung một cảm nhận: Ánh sáng sẽ bừng lên nơi người từ bi nhân hậu và công chính. Ánh sáng ấy vừa là ánh sáng thần thiêng đến từ Thiên Chúa, vừa là ánh sáng toả lan nơi tâm hồn người thánh thiện. Quả vậy, những ai bao dung quảng đại sẽ cảm nhận được sự an bình và niềm vui đến từ Thiên Chúa.

Nhân loại vừa trải qua thời kỳ khó khăn. Con virus Côrôna nhỏ bé đã làm đảo lộn thế giới. Hệ luỵ của đại dịch Covid-19 sẽ còn tồn tại nhiều năm. Trong những thời khắc của đại dịch, người ta được chứng kiến những nghĩa cử cao đẹp thấm đậm tình người. Cũng trong thời đại dịch, nhiều người lợi dụng để trục lợi trên đau khổ của đồng bào. Họ mượn chức danh của mình để vơ vét không thương tiếc, miễn sao thu lợi thật nhiều. Thế mới thấy, lòng tham của con người là vô đáy, và sự vô cảm của con người thật khủng khiếp. Người ta bất chấp lương tâm, bất chấp sự đau khổ của tha nhân, miễn là thu tích được nhiều tiền cho bản thân và cho gia đình. Những người này, không chỉ bị pháp luật lên án, mà còn bị lương tâm cắn rứt suốt đời vì sự bất công tham lam và ăn chặn của người nghèo.

“Anh em là muối cho đời». Ai trong chúng ta cũng biết tác dụng và ích lợi của muối. Thiếu muối, mọi đồ ăn đều trở nên vô vị. Vào thời Chúa Giêsu, khi chưa có tủ lạnh như hiện nay, muối không chỉ để nêm vào món ăn, mà còn là chất liệu bảo quản thực phẩm. Chúa muốn những ai tin vào Người phải trở nên muối ướp trần gian, tức là làm lan toả xung quanh sự thánh thiện, mặc dù đời còn đầy bóng tối của bất công và ghen ghét hận thù.

Làm sao có thể trở thành muối và ánh sáng giữa một cuộc sống đầy cạnh tranh và mưu mô tính toán. Thánh Phaolô trả lời : nhờ Đức Giêsu Kitô (Bài đọc II). Đối với thánh nhân, Đức Giêsu là lý tưởng duy nhất. Mối bận tâm lớn nhấn của thánh Phaolô là làm sao để trung thành với Đức Giêsu. Trọn cuộc đời của thánh nhân là dành cho Chúa. Dù gông cùm, tù đầy, đòn vọt và sự khi bỉ của người đời, vị Tông đồ dân ngoại vẫn không hề nao núng, vì « chiều cao hay vực thẳm, hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta » (Rm 8,39). Thánh Phaolô khuyên chúng ta hãy cậy dựa vào lẽ khôn ngoan của Thiên Chúa, chứ đừng dựa vào người phàm. Nhờ đó, chúng ta có đức tin chân thật và vững chắc.

Chúng ta đang sống trong những ngày đầu xuân Quý Mão. Nắng ấm của mùa xuân làm cho lòng người ấm áp, cây cối đâm chồi nảy lộc. Xin cho mỗi chúng ta cũng trở nên như nắng xuân, đem sức sống, sự bình yên và niềm vui cho mọi người. Nguyện xin Chúa Xuân chúc phúc cho mỗi chúng ta. Amen.


MỤC LỤC

 

Tác giả: Truc Ho Si

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây