GIÁO PHẬN PHAN THIẾT

http://gpphanthiet.com


Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật 31 Thường Niên B

Untitled 1 2 702x332

Untitled 1 2 702x332

SUY NIỆM LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 31 THƯỜNG NIÊN B

                Anh chị em thân mến! chắc cũng như tôi, một ít người trong anh chị em khi nói đến đến sự trổi vượt của đức tin Ki-tô giáo so với các tôn giáo khác, thường nghĩ ngay đến sự siêu vượt của luân lý Ki-tô “yêu thương cả kẻ thù của mình.” Tuy nhiên, nghĩ như vậy có lẽ không chính xác cho lắm. Thật thế, sự tóm tắt của Luật mà nhấn mạnh đến bổn phận mến Chúa và yêu người thân cận không phải là duy nhất với Chúa Giê-su. Chắc chắn không thiếu những người trong giới lãnh đạo Dân Chúa làm được việc này. Vị kinh sư hôm nay là một ví dụ. Tôn thờ sự siêu việt của một Thiên Chúa trên tất cả thọ tạo cũng đã được diễn tả cách đáng ngưỡng mộ trong Hồi Giáo. Do Thái giáo cố gắng một cách không mỏi mệt để hiểu điều gì làm cho dân của họ tách biệt khỏi các dân tộc khác bởi Thiên Chúa. Lòng từ bi thương xót đối với tất cả các tạo thành đã được nói cách rõ ràng trong Phật Giáo. Đức tin Ki-tô không phải là một hệ thống luân lý mà vắng bóng hay vượt trên sự vắng mắt của các tôn giáo khác. Trong thực tế, các tôn giáo khác cũng dạy các Ki-tô hữu thế nào để sống quan niệm luận lý riêng của họ với một sự nhất quán lớn lao. Đức tin KTG nằm trong sự biểu lộ duy nhất của Thiên Chúa trong ĐGSKT, một biểu lộ mà thầy thông luật trong câu chuyện này nhận ra.
  1. Tình yêu không hủy bỏ cái tốt của người khác nhưng kiện toàn và làm cho nó tốt hơn không bởi thay đổi vẻ bề ngoài nhưng là cái bên trong
Chúa Giê-su đến, như Người tuyên bố, không phải để hủy bỏ nhưng kiện toàn luật Mô-sê. Luật Mô-sê cũng dạy con người yêu Chúa hết lòng, hết dạ, hết sức anh em. Luật cũng dạy hãy yêu người thân cận. Tuy nhiên, hai giới răn này lại đặt ở những nơi khác nhau trong bộ luật: yêu Chúa (Dnl 6, 6) và yêu người thân cận (Lv 19, 18) khiến nhiều người, thậm chí ngay cả những người có hiểu biết cũng cảm thấy bối rối không biết đâu là điều luật quan trong nhất. Câu hỏi của vị kinh sư “Thưa Thầy trong mọi điều răn, điều răn nào đứng hành đầu?” nhấn mạnh tới một điều đứng hàng đầu và như thế, những giới răn khác sẽ xếp hàng thứ yếu. Chúa Giê-su lại trả lời hai điều răn “Yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực người”; còn điều răn thứ hai là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình ngươi. Chẳng có điều răn nào khác quan trọng hơn các giới răn đó. Như thế, Chúa liên kết hai giới răn lại trong một mối liên hệ không thể chia lìa. Không thể chu toàn điều này mà bỏ điều kia và ngược lại, không thể yêu người thực sự nếu chúng ta không yêu Chúa “các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con.”
               
Không chỉ trên phương diện lý thuyết, mà căn bản và cốt lõi, Người còn kiện toàn trên bình diện thực hành. Người làm cho luật trở nên tuyệt vời hơn, mang lại niềm vui và hạnh phúc hơn nhờ được linh động bởi tình yêu. Luật Mô-sê ví quá chú trọng tới luật mà không quan tâm tới đối tượng luật chi phối, đó là những con người sống trong những hoàn cảnh khác nhau. Thiếu sự hiểu biết này, người thực thi lề luật thành kẻ nệ luật, khiến việc thực hành luật của mình nhiều khi trở nên vô tâm, bất nhân. Tin Mừng cho chúng ta thấy các kinh sư và biệt phái nhân danh việc tuân giữ luật Sabbat để ngăn cản hay kết án việc Chúa chữa bênh, trừ quỷ…cho những người anh em của họ đang chịu đau khổ vì bệnh hoạn tật nguyền thay vì tìm cách giúp đỡ Chúa.

Luật và việc thực hành luật mà không có lòng nhân thì nó chỉ tạo nên chiếc khung nô lệ hóa con người. Kẻ thi hành luật mà không có tình yêu sẽ trở thành một con rô-bốt không hơn không kém. Chúng ta thấy rõ điều này trong không ít những người thi hành luật chống dịch nơi các chốt chặn. Họ không quan tâm tới dân vùng dịch đói khổ, thiếu thốn mà chỉ biết luật không cho phép.

Chúa Giê-su làm cho luật sáng lên vẻ đẹp của sự hài hòa trong các mối liên hệ với Chúa, tha nhân và thậm chí với chính mình nhờ tình yêu. Người tuyên bố “Luật được làm ra vì con người chứ không phải con người được làm ra vì luât.” Thiên Chúa, vì muốn con người được chia sẻ hạnh phúc của mình, nên đã dựng nên và cứu thoát con người từ tình yêu, với tình yêu và hướng đến tình yêu. Chính từ tình yêu con người được tạo thành, chính với tình yêu con người liên kết với nhau thành một cộng đoàn hạnh phúc; và hướng đến một tình yêu hoàn hảo nên một. Thánh Augustino nói “hạnh phúc lớn nhất của con người chính là yêu, say mê yêu và được yêu.” Bởi đó, không phải lề luật mà tình yêu mới làm cho con người hạnh phúc. Nếu có một luật nào mang lại hạnh phúc luật ấy phải đươc linh động bởi tình yêu, luật ấy chính là luật tình yêu được Chúa công bố: Thầy truyền lại cho chúng con một điều răn mới là các con hãy yêu thương nhau như chính Thầy. Một tình yêu mang khuôn mẫu, hơi thở, sự sống, sức mạnh và mức độ của tình yêu Chúa

 Tóm lại, luật là chiếc khung tạo nên một không gian trật tự, nhưng nếu không có tình yêu không gian ấy vô hồn, cằn khô sỏi đá và cuối cùng giết chết những gì trong đó. Nhờ tình yêu, không gian trật tự ấy trở thành một không gian sự sống nơi đó con người được hạnh phúc. Không gian tràn đầy tình yêu và sự sống ấy chính là gia đình Thiên Chúa, là vương quốc Thiên Chúa. Chúa Giê-su muốn con người vươn lên vượt qua những giới hạn của lề luật để đạt tới tình yêu này. Với thầy thông luật, niềm tin vào sự sống lại mà người Xa-đôc chống lại, trong khi người Biệt Phái tin theo, đã được Đức Giê-su giải quyết. Cái hay của Chúa Giê-su là người không đứng về Xa-đốc hay biệt phái nhưng đứng về chân lý và làm cho chân lý được rạng ngời (veritatis splendor). Không chỉ có thể, cuộc đối thoại với Chúa Giê-su sau đó, đưa ông đến một cái nhìn mới về Chúa Giê-su, nhờ đó, ông được vươn tới một chân trời mới của chân lý
  1. Tình yêu sẵn sàng mở ra để đối thoại
Tình yêu đích thực không thể tồn tại bằng việc loại trừ những khác biệt nhưng hợp tác cùng phát triển qua đối thoại. Cuộc đối thoại đích thực, nhất là đối thoại liên tôn, không nhằm để buộc đối thủ phải công nhận tôi đúng người kia sai, không phải dẫn đến cái kết “kẻ thăng người thua,” nhưng để cùng giúp nhau lớn lên trong nhận dạng trong niềm tin của mình. Tôi nhớ, trong một lần gặp gỡ mấy trăm người lương dân tại một nhà thờ để nói chuyện. Tôi đã mở đầu bài nói chuyện của mình: chúng tôi mời các bạn đến đây không nhằm mục đích cải đạo các bạn. Các bạn sẽ thấy rõ điều này trong suột thời gian của buổi gặp gỡ này. Chúng tôi muốn có sự hiểu biết lẫn nhau giữa chúng ta, người Công Giáo và Phật Giáo, để qua gặp gỡ này, chúng tôi mong muốn cả chúng tôi và các bạn lớn lên trong niềm tin của mình và sự hiểu biết lẫn nhau. Ý tưởng đó không mới bởi chính Đức Giê-su đã thể hiện cách đây gần 2000 năm.

Có lần các môn đệ khoe với Người và các ông nghĩ rằng mình sẽ được khen ngợi “Thưa Thầy, chúng con thấy có những người không thuộc nhóm chúng ta, nhân danh Thầy mà trừ quỷ và chúng con đã cố ngăn cản họ.” Nhưng thật bất ngờ, Chúa đáp lại: Đừng ngăn cấm họ vì chẳng ai nhân danh Thầy trừ quỷ rồi sau đó lại nói xấu Thầy. Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta. Chúa muốn tất cả mọi người đều tham gia cộng tác để loại trừ ma quỷ và những gì thuộc về chúng và mở rộng không gian trong đó tình yêu và sự sống được đong đầy.
       
Trang Tin Mừng hôm nay ghi lại “Khi ấy, một người trong các kinh sư đến gần Đức Giê-su và hỏi rằng: Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng hàng đâu?” Trong khi thánh Matthew (22, 34 – 40) và thánh Luca (10, 25 – 28), mô tả thầy thông luật đến để thử Người về sự hiểu biết luật, còn trong trình thuật của thánh Marco, thầy thông luật xuất hiên với sự thân thiện đồng tình. Thật vậy, bất chấp cái nhìn tiêu cực về các kinh sư được thấy xuyên suốt các trình thuật trong Tin Mừng Marco (x. Mc 12, 38 – 40), người thông luật này được giới thiệu như người đồng thuận với lời dạy của Chúa Giê-su về sự phục sinh (c. 28). Thánh Marco làm thành công thức với hai tuyên bố đồng thuận hầu như giống nhau: người thông luật thấy Chúa Giê-su “đối đáp hay” (καλῶς kalōs) trước câu hỏi của người Xa-đốc về vấn đề sống lại (c. 28); còn Chúa Giê-su lại thấy thầy thông luật trả lời thật khôn ngoan “thấy người ấy trả lời khôn ngoan,” (νουνεχῶς nounechōs, v. 34). Mặc dù thầy thông luật không phải là một môn đệ, nhưng ông ta có thể khẳng định sự thật về lời dạy của Chúa Giê-su. Như thế, bắt đầu bằng thái độ thiện chí và tôn trọng sự thật nơi Chúa Giê-su và đến gần Người; và việc nhìn nhận sự khôn ngoan cũng như chân thành của thầy thông thuật, cuộc đối thoại giữa Chúa Giê-su và thầy thông luật đã đi đến một kết thúc đẹp. Thầy thông luật lớn lên trong xác tin và sự hiểu biết về luật và về chính Chúa Giê-su; còn Chúa cũng nhận ra mình luôn có những môn đệ thầm kín qua việc đón nhận sự thật về lời của Người.   


Lạy Chúa Giê-su, xin giúp chúng con thấy tầm quan trọng của tình yêu trong cuộc sống hàng ngày cũng như trong cuộc sống đức tin. Xin cho chúng con hiểu rằng: không phải lề luật mà chính là tình yêu như Chúa mới có thể xây dựng một thế giới hòa bình hạnh phúc. Xin giúp chúng con luôn có tâm tình như Chúa: không phá đổ hay loại trừ những gì hay những người khác biệt với chúng con nhưng hoàn thiện để gia sản của người khác được tôn trọng và làm rực sáng lên bằng tình yêu tôn trọng của chúng con. Xin cũng giúp chúng con biết sẵn sàng mở ra cho đối thoại với hết mọi người thành tâm thiện chí. Giúp chúng con đủ khiêm tốn nhận ra những điều hay nơi người để bổ túc cho ơn gọi làm người và làm con Chúa của chúng con. Xin loại khỏi chúng con tính háo thắng, tự kiêu và tự đắc trong gặp gỡ đối thoại với anh em không cùng niềm tin với chúng con, để nhờ đó, chúng con có thể đi vào đối thoại gặp gỡ trong sự tôn trọng các giá trị niềm tin của nhau. Xin giúp chúng con đừng bao giờ thỏa hiệp trong việc tìm kiếm chân lý, bởi ngoài chân lý, chúng con sẽ không tìm thấy sự cứu độ và giải phóng đích thực. Lạy Chúa Giê-su, xin nhậm lời của chúng con. Amen.

Lm Augustinô Nguyễn Đức Lợi
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây